— 1 —
Người suy nghĩ và ý nghĩ
Giữa người suy nghĩ và ý nghĩ của người đó có bất kỳ mối liên hệ nào không, hay chỉ tồn tại ý nghĩ mà không có một người suy nghĩ nào cả? Khi có những ý nghĩ thì cũng có một người đang suy nghĩ, đúng không nào? Do nhận thức được tính vô thường của mình mà ý nghĩ tạo ra người suy nghĩ để trao cho nó tính thường hằng; vậy, ý nghĩ khởi tạo nên người suy nghĩ chứ không phải ngược lại. Nếu không có các ý nghĩ thì sẽ chẳng có người suy nghĩ nào cả. Sau đó, người suy nghĩ tách biệt bản thân mình ra khỏi các ý nghĩ của chính mình trong nỗ lực thiết lập một mối tương quan giữa cái gọi là tính thường hằng – người suy nghĩ được tạo ra nhờ ý nghĩ, và tính vô thường – ý nghĩ vốn luôn trong trạng thái biến đổi liên tục. Vậy nên, cả ý nghĩ lẫn người suy nghĩ thực chất đều mang tính nhất thời như nhau.
Hãy thử theo đuổi một ý nghĩ đến tận cùng của nó, hãy thử nghĩ về nó một cách trọn vẹn để cảm nhận và khám phá mà xem; bạn sẽ nhận ra chẳng có người suy nghĩ nào cả. Một khi ý nghĩ chấm dứt thì người suy nghĩ cũng biến mất. Chúng ta tưởng rằng có hai trạng thái đồng thời tồn tại là người suy nghĩ và ý nghĩ. Nhưng thật ra chỉ tồn tại ý nghĩ, và một chuỗi những ý nghĩ tạo thành cái tôi – người suy nghĩ, mà thôi.
- 2 -
Ý nghĩ là sự hồi đáp của ký ức được tích lũy: Chủng tộc, hội nhóm, gia đình
Ý nghĩ là gì? Và khi nào thì bạn suy nghĩ?
Có thể thấy ý nghĩ là kết quả từ sự phản ứng thuộc về thần kinh hoặc về mặt tâm lý. Các dây thần kinh có phản xạ tức thì đối với một cảm giác, và tồn tại phản ứng tâm lý đối với các ký ức được tích lũy – sự ảnh hưởng của truyền thống, chủng tộc, hội nhóm, thầy cô, gia đình; toàn bộ điều đó được ta gọi là ý nghĩ. Vì vậy, quá trình suy nghĩ là sự hồi đáp của ký ức, đúng không nào? Bạn sẽ không suy nghĩ nếu bạn không có những ký ức; sự hồi đáp của ký ức với trải nghiệm nhất định sẽ biến quá trình suy nghĩ thành hành động.
- 3 -
Nguồn gốc của suy nghĩ là gì?
Người ta dễ dàng nhận thấy toàn bộ suy nghĩ đều là một phản ứng đối với quá khứ – ký ức, tri thức và kinh nghiệm. Nó là kết quả của quá khứ, là thời gian, là ngày hôm qua kéo dài vô hạn vào dĩ vãng. Thời gian như dòng sông trôi, được chia làm ba phần: khoảng thời gian gọi là quá khứ, khoảng thời gian gọi là hiện tại, và khoảng thời gian gọi là tương lai. Chúng ta cũng chia mình ra thành ba phân đoạn tương ứng và giữa các phân đoạn ấy ta bắt gặp ý nghĩ.
- 4 -
Ký ức là những ý nghĩ có chỗ đứng riêng
Tôi không nói rằng chúng ta phải ngừng nghĩ ngợi vì ý nghĩ đóng vai trò quan trọng nhất định, thiếu nó chúng ta sẽ không đến được văn phòng, không biết mình sống ở đâu, cũng không thể thực hiện rất nhiều việc khác.
Mặt khác, nếu muốn mang lại sự biến đổi triệt để cho tâm thức trong chính cấu trúc của suy nghĩ, bạn cần phải nhận ra rằng ý nghĩ, mặc dù đã xây dựng nên xã hội này, cùng với tất cả sự hỗn loạn trong đó, lại không có khả năng giải quyết được vấn đề.
- 5 -
Ý nghĩ tìm kiếm sự an toàn
Ý nghĩ nằm trong cốt lõi của sự an toàn, và sự an toàn ở mọi cấp độ là điều nhiều người trong chúng ta mong muốn. Để mang lại một cuộc thay đổi toàn diện trong tâm thức con người, ý nghĩ phải thực hiện chức năng của nó một cách tự nhiên nhất có thể, và chỉ ở một cấp độ duy nhất là cấp độ hằng ngày, trên cả phương diện thể chất và kỹ thuật. Chỉ tại đó, ý nghĩ phối hợp với kiến thức để hoạt động, ý nghĩ tuyệt nhiên không nên tràn qua những lĩnh vực và cấp độ khác mà ở đó, nó không có tính xác thực. Nếu không suy nghĩ, tôi cũng mất đi khả năng trò chuyện cùng các bạn. Song, một sự thay đổi triệt để trong bản thân tôi cũng không thể xảy ra thông qua ý nghĩ, bởi ý nghĩ chỉ có thể thực hiện chức năng nuôi dưỡng sự xung đột và mâu thuẫn mà thôi.
- 6 -
Tại sao phải thay đổi?
Con người đã tồn tại hơn hai triệu năm nhưng chưa từng nguôi đau buồn. Những nỗi muộn phiền chồng chất theo ta như hình với bóng hay như người bạn đồng hành chí cốt. Dường như trong ai cũng chất chứa thật nhiều nỗi khổ vì mất đi người thân, vì không thể thực hiện tham vọng, vì không thỏa được ham muốn, vì đau đớn thể xác, âu lo tâm lý, vì mặc cảm tội lỗi, vì hy vọng rồi thất vọng. Chúng ta cố gắng tránh né, trốn chạy khỏi nỗi buồn hoặc đàn áp nó với ảo tưởng lớn lao về mình, hoặc là ta uống rượu, tìm đến người tình, v.v… để đối phó hoặc để quên đi cảm giác lo âu, khổ sở, tuyệt vọng, cô đơn và chán nản ấy. Tất cả những nỗ lực chấm dứt nỗi buồn này cũng đều chỉ nằm trong địa hạt của tâm thức, vốn là kết quả của thời gian mà thôi.
- 7 -
Ý nghĩ không thể chấm dứt nỗi đau buồn
Người ta luôn xem ý nghĩ như một phương tiện giải thoát cho họ khỏi nỗi đau buồn, chẳng hạn như họ tin rằng mình cần nỗ lực hơn và suy nghĩ đúng đắn hơn, hoặc cần phải theo đuổi lối sống đức hạnh. Ý nghĩ cùng với trí năng là kim chỉ nam cho họ, nhưng ý nghĩ chỉ là kết quả của thời gian, mà thời gian chính là tâm thức. Bạn có làm gì đi chăng nữa trong địa hạt của tâm thức thì nỗi đau buồn cũng chẳng hề kết thúc. Bạn có đi thăm viếng đền chùa hay say sưa nơi tửu quán thì kết quả cũng chẳng khác gì nhau. Ý nghĩ không thể thay đổi nỗi buồn một cách triệt để, mà thậm chí còn khiến nó kéo dài thêm. Nếu người ta nhìn thấu điều đó, thì họ có thể chuyển sang một cách tiếp cận khác. Tôi đang dùng từ “nhìn thấu” không phải theo nghĩa bóng bẩy ngôn từ hoặc theo hướng sử dụng trí óc để phân tích; mà cái chúng ta cần ở đây là sự thông hiểu toàn diện về một sự thật: Ý nghĩ không có khả năng chấm dứt nỗi đau buồn.
- 8 -
Sống một cuộc đời như-nó-là
Chỉ nhìn vào đời sống mà không hề nghĩ ngợi gì, bạn có thể làm như vậy không? Nói thế không có nghĩa là bạn để tâm trí mình trống rỗng, nhưng bạn chỉ nhìn và chỉ có thể nhìn đơn thuần như vậy khi không bị cái tôi can dự vào cách nhìn. Bạn có hiểu điều này không? Tôi là một kẻ bạo lực, và tôi đã xua đi cái ý tưởng ngớ ngẩn rằng mình không bạo lực vì như vậy là thiếu chín chắn, ngu ngốc và thật vô nghĩa. Thực tế là tôi bạo lực. Nội chuyện đấu tranh nhằm thoát ly khỏi nó hay nhằm mang đến một sự thay đổi cũng cần rất nhiều nỗ lực, chẳng phải chính sự nỗ lực đó cũng là một phần của bạo lực đó sao. Tính bạo lực phải được thay đổi và được chuyển hóa hoàn toàn, chúng ta cần có một sự biến đổi toàn diện trong đó.
Vậy, làm thế nào chúng ta thực hiện được điều đó? Nếu chỉ vì khó khăn mà gạt bỏ vấn đề sang một bên, bạn sẽ để lỡ mất một trạng thái phi thường của cuộc sống – sự hiện sinh không cần đến nỗ lực – và do đó bạn mất đi cơ hội tiếp xúc với đời sống ở mức độ tinh tế, minh tuệ nhất. Chỉ với trí tuệ vượt trội phi thường này, ta mới có thể khám phá được những giới hạn và những thước đo của thời gian, thậm chí vượt lên trên nó. Bạn đã nghiệm ra vấn đề chưa? Chúng ta đã luôn sử dụng ý tưởng như một phương tiện hoặc động lực để thoát khỏi đời sống như-nó-là, và điều đó lại dung dưỡng cho sự mâu thuẫn, thói đạo đức giả, tính cứng nhắc, sự thô bạo. Nếu từ bỏ những ý tưởng đó, chúng ta trải nghiệm thực tế và thấy rằng hiện thực phải được thay đổi một cách hết sức tự nhiên. Bất kỳ sự cọ xát, đấu tranh, hay nỗ lực nào cũng sẽ phá hủy tính nhạy cảm của tâm trí và trái tim.
Vậy, người ta phải làm gì? Những gì ta phải làm là quan sát sự thật – quan sát mà không diễn dịch, diễn giải, nhận dạng, quy kết, đánh giá – chỉ đơn thuần là quan sát thôi.
- 9 -
Bản chất của sự quan sát
Tôi đã được bảo rằng một hạt điện tử (electron) được đo lường bằng một thiết bị chuyên dụng, sẽ chuyển động theo cách mà ta không thể biểu diễn nó bằng đồ thị. Nhưng khi chúng ta quan sát chính hạt điện tử đó qua kính hiển vi, sự quan sát này của tâm trí con người làm thay đổi trạng thái của hạt điện tử.
Khi bạn chỉ quan sát hiện thực thì bạn sẽ nhận thấy có một trạng thái khác của hiện thực; cũng như khi hạt điện tử được quan sát vậy. Khi bạn nhìn vào sự thật mà không có bất kỳ áp lực nào, thì sự thật đó cũng trải qua một quá trình biến đổi hoàn toàn mà không cần đến bất kỳ nỗ lực nào.
- 10 -
Sự cô đơn: Mắc kẹt trong ngục tù của cái tôi
Tôi không biết liệu bạn đã từng nếm trải nỗi buồn khổ của sự cô đơn chưa: khi bạn bỗng nhận ra mình chẳng còn mối liên hệ với bất kỳ ai khác… Cái chết đâu chỉ đến khi sự sống kết thúc, nó còn đến khi chúng ta mãi không có được một câu trả lời thỏa đáng, mãi không tìm ra một lối thoát cho mình. Sự cô đơn này cũng là một dạng thức của cái chết vậy; nó là chốn ngục tù của những hoạt động lấy mình làm trung tâm liên tu bất tận. Khi bạn vướng kẹt trong những ý nghĩ riêng mình, trong nỗi khổ riêng mình, trong sự mê muội, trong sự khinh suất và trong chuỗi thói quen bất di bất dịch thường nhật; sự giam hãm đó cũng là cái chết, đâu phải chỉ khi thân xác bạn trút hơi thở cuối cùng.
Làm thế nào để tự mình thoát khỏi chốn ngục tù này cũng là điều bạn cần phải khám phá… Từ đó ta có thể chấm dứt hoạn nạn này.
- 11 -
Sự nhận biết
Thế nên tôi nghĩ thay vì đi tìm giải pháp cho các vấn đề trước mắt, chúng ta hãy khám phá xem liệu tâm trí – gồm cả phần ý thức lẫn vô thức sâu thẳm đảm đương việc lưu giữ mọi thông tin về truyền thống, ký ức, di sản trí tuệ dân tộc – có thể được lãng quên hay không. Tôi thấy điều đó có lẽ chỉ khả thi khi tâm trí nhận biết một cách thuần túy mà không mưu cầu đòi hỏi hay gây thêm áp lực. Và tôi cũng e rằng đó là một trong những việc khó thực hiện nhất – làm sao để có thể nhận biết một cách trọn vẹn đến thế; trong khi chúng ta vẫn dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy của những vấn đề cấp bách đi cùng các giải pháp nhất thời, cứ như vậy ta sống một cuộc đời hời hợt biết bao nhiêu.
- 12 -
Tư duy đúng đắn và sự nhận biết
Có sự khác biệt giữa ý nghĩ đúng đắn và tư duy đúng đắn. Ý nghĩ đúng đắn đơn thuần là một sự tuân phục vào khuôn mẫu định sẵn, hay vào một hệ thống; nó tĩnh tại và bao hàm sự va chạm liên miên của lựa chọn. Tư duy đúng đắn hay tư duy xác thực thì đòi hỏi chúng ta thăm dò và khám phá. Ta không thể học hỏi, cũng không thể thực hành nó. Tư duy đúng đắn là chuyển dịch của sự hiểu biết chính mình từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, nảy sinh ra từ sự nhận biết các mối tương quan.
Tư duy đúng đắn chỉ có thể xuất hiện cùng lúc với sự nhận biết từng ý nghĩ một, từng dòng cảm xúc một; sự nhận biết này không chỉ khu trú trong một nhóm các ý nghĩ và cảm xúc nhất định, mà là trong mọi ý nghĩ và cảm xúc.
- 13 -
Không có ý nghĩ tự do
Chúng ta cần hiểu rõ rằng tư duy là sự hồi đáp của ký ức, mà ký ức thì mang tính cơ học. Mọi suy nghĩ được hình thành từ tri thức thiếu toàn vẹn đều mang tính cục bộ và bị giới hạn. Vậy thì ý nghĩ tự do không bao giờ tồn tại; chúng ta chỉ có thể bắt đầu khám phá về một trạng thái tự do mà toàn bộ quy trình suy nghĩ không giúp ta đạt đến nó; trong sự tự do đó, tâm trí chỉ đơn giản nhận biết về mọi xung đột xảy ra bên trong nó, cũng như những ảnh hưởng đang tác động lên nó mà thôi.