Năm 1967, Hồng bốn tuổi, nhỏ nhất nhà nên được cha cưng chiều lắm. Đi đâu cha cũng kiệu Hồng lên vai. Có một lần cha kiệu Hồng đi chơi nhà hàng xóm, trên đường đi thấy bờ ruộng hợp tác bên đường bị rỉ nước, cha đặt Hồng ngồi cạnh mương, để xuống ruộng đắp lại. Xong việc cha lên, thấy Hồng đang nằm bò, chân quắp chặt cây cầu nhỏ bắc qua mương, thò một tay xuống té nước. Về nhà, cha bảo với mẹ: “Con bé này nghịch nhưng khôn thật, nếu là đứa trẻ khác thì hôm nay ngã tòm xuống mương rồi”.
Năm 1968, chiến sự ở miền Nam diễn ra rất ác liệt. Chiến trường rất cần quân. Tỉnh Yên Bái thành lập các Tiểu đoàn Yên Ninh, ra lời kêu gọi thanh niên nhập ngũ chi viện cho Ninh Thuận kết nghĩa. Cha Hồng là Chi ủy viên, Xã đội trưởng nên dù là con một, bốn chị em Hồng còn nhỏ dại, cha vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Lúc cha đi, mẹ Hồng đang mang bầu sắp đến tháng sinh, không thể cất nổi bước chân tiễn cha. Bà nội thì phải có người dìu, cùng bốn chị em Hồng lít nhít bám áo cha ra nơi tập trung là sân kho hợp tác. Chắc là cha phải cắn chặt môi, dằn lòng mới ra đi nổi. Vắng cha, không khí trong gia đình trầm lắng hẳn. Mẹ Hồng toàn khóc thầm. Ngày còn huấn luyện ở Yên Bình, tuần nào cha cũng viết thư về động viên gia đình. Mỗi khi nhận được thư cha cả nhà mới nói cười đôi chút. Thư cha viết ngắn nhưng bao giờ cũng dặn dò đủ hết từng người trong gia đình, hỏi thăm các nhà hàng xóm. Cuối thư cha mới viết vài dòng cho riêng mẹ.
Tháng 1-1969, cha vào Nam. Hành quân bộ từ Yên Bái. Đến tỉnh nào cha cũng thư về. Rồi thư cha thưa dần. Mẹ bảo chắc là cha đã vào đến chiến trường. Lá thư cha đề: “Tây Ninh, 13-7-1969” là thư cuối cùng. Có lúc Hồng thấy bà và mẹ cứ thì thầm nhỏ to chuyện gì, không muốn cho trẻ con biết. Hồng tò mò rình nghe trộm. Thì ra là chuyện về chiến trường khốc liệt, chuyện bộ đội ta hy sinh nhiều lắm… Hồng lơ mơ hiểu chuyện bà và mẹ nói chắc quan trọng lắm, vì nó liên quan đến cha. Thi thoảng Hồng cũng hỏi bà và mẹ: “Cha con đang ở đâu? Sao mãi không thấy cha về thăm nhà?”. Có lúc ngồi chọn rơm bó chổi, mẹ Hồng bảo: “Cha chúng mày giỏi lắm, việc gì cũng biết làm, làm được cả thơ và hát hay nữa”. Hồng ước ao được nghe cha hát.
Năm 1970, Hồng đến tuổi đi học. Bà nội dắt Hồng tới lớp vỡ lòng cách nhà nửa cây số. Học được lưng buổi, lúc ra chơi, Hồng bỏ về nhà không đến lớp nữa. Bà nội bắt Hồng trở lại lớp. Chiếc roi mây trên tay bà cứ vun vút sau chân. Hồng con cón chạy, vừa chạy vừa khóc thút thít. Thấy bà Lựu hàng xóm, Hồng chui tọt vào hai chân bà tránh roi. Roi của bà nội trúng chân bà Lựu, trúng cả vào cái “ống sậy” của Hồng. Đau quặn! Hồng khóc váng, chắp tay xin bà nội tha nhưng vẫn gan lỳ không chịu vào lớp. Giật giật cái ống quần bà Lựu, Hồng van: “Bà Lựu ơi, cứu con với”. Nhưng ngọn roi của bà nội vẫn không dừng. Hồng gào lên: “Cha ơi, cứu con! Cứu con cha ơi... ơ... i...”. Tay bà nội đang vung roi bỗng khựng lại, bà ngồi phịch xuống bờ cỏ. Bà Lựu vội lấy tay bịt miệng Hồng. Lấm lét nhìn qua chân bà Lựu, Hồng chỉ kịp thấy hai dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt xương xương của bà nội rồi chạy vụt vào lớp. Hết buổi học thầy Miện dẫn Hồng về xin lỗi bà nội. Bà đang nằm bẹp trên giường, thấy Hồng bà kêu lên thảm thiết: “Ới Đáp ơi! Về mà dạy con mày! Đáp ơi! “... Kể từ đó, mỗi lần anh em Hồng mắc lỗi, nghe tiếng bà nội gọi: “Đáp ơi!”, là nem nép sợ rồi.
Năm 1972, giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, trong xóm đã có vài người chết vì bom Mỹ. Khuôn mặt ai cũng hốc hác, đầy vẻ đăm chiêu, bước đi vội vã trên đường làng. Mẹ Hồng suốt ngày bươn bả ngoài đồng. Mấy anh em Hồng ở nhà với bà. Thấy kẻng báo động vang lên từ nhà ông Đông giữa xóm, bà lại hối hả lùa lũ cháu xuống cái hầm chữ A ở đầu chái nhà. Bà ngồi ngoài cửa hầm, luôn miệng lẩm nhẩm tên cha Hồng. Bà cầu cha Hồng được bình an, chắc tay súng diệt giặc Mỹ. Bà cũng cầu cho dân làng không ai bị trúng bom giặc, cầu cho máy bay Mỹ cút nhanh... Về sau, lần nào phải xuống căn hầm tối lù mù, thấy bà nội chưa nói gì là Hồng lại giục: “Bà nội khấn đi! Bà khấn cho cha con bắn chết hết bọn Mỹ đi!”.
Thuở ấy, mỗi sáng đi học, mẹ lại khoác lên lưng Hồng vòng lá ngụy trang và đội lên đầu Hồng chiếc mũ rơm. Hồng thích lắm, chạy vòng quanh mẹ hỏi: “Con có giống cha không mẹ?”. Hồng cứ ríu ran hỏi, đâu biết mẹ đã quay đi giấu những giọt nước mắt. Thấy mẹ mặc chiếc áo bộ đội cũ của cha, nai nịt gọn gàng đi đào hầm cho các con ở trường, Hồng ôm vòng lưng mẹ la lớn: “Cha con về rồi bà ơi!”. Đang nấu cám lợn ở chái bếp, bà tưởng thật, lập cập chạy ra, tay vẫn cầm cái cặp bếp. Thấy chỉ có hai mẹ con Hồng, bà chưng hửng, dứ dứ cái cặp bếp về phía Hồng la: “Cha bố mày, dám nỡm cả bà”. Mẹ vội cười đỡ lời cho Hồng: “Tại con mặc áo của nhà con đấy ạ”, nhưng đôi mắt mẹ lại dõi về phía xa xăm. Thực tình Hồng tưởng tượng thấy mẹ giống cha, chứ đâu dám lừa bà. Sau này, Hồng mới biết bà và mẹ nghe phong thanh là cha đã Hồng hy sinh nhưng chưa có giấy báo tử nên âm thầm nén chịu. Càng ngày thân hình mẹ càng quắt lại. Mẹ là lao động chính duy nhất trong nhà, nuôi bảy miệng ăn. Việc gì cũng đến tay mẹ tất. Tuy phải gồng mình gánh vác gia đình nhưng chưa một lần Hồng thấy mẹ than thở. Mọi tủi buồn mẹ giấm vào cái gối hằng đêm đẫm ướt để rồi sáng sau lại lặng lẽ mang hong nắng.
Năm 1973, sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, làng quê đã ngớt tiếng bom. Sản xuất dần đi vào ổn định để có thóc gạo chi viện cho miền Nam. Song không khí trong làng lại luôn căng thẳng, lo âu. Giấy báo tử của con em trong xã hy sinh ngoài mặt trận gửi về ngày một dày thêm. Bác Thịnh, cùng nhập ngũ một ngày với cha Hồng cũng đã báo tử. Mấy hôm sau, Hồng đang nô đùa cùng các bạn ở sân trường, thì bạn Nhật, con bác Thịnh, chỉ vào đoàn người đang đi về phía nhà Hồng, nói: “Cậu về nhà đi, chắc hôm nay có việc của cha cậu đấy”. Vừa lúc ấy, thầy giáo cũng đến bên Hồng, bảo: “Hôm nay thầy cho con nghỉ học”. Mắt Hồng hoa lên, đất trời như đổ sụp. Vừa chạy tắt qua vạt ruộng về nhà, Hồng vừa khóc gọi cha nấc nghẹn không ra lời. Mất cha thật rồi sao? Không thể tin từ giờ trở đi không bao giờ được nhìn thấy cha nữa! Về đến nhà, thấy đông chật người. Mẹ Hồng nằm ngất lịm, còn bà đang gào lên thảm thiết… Hôm sau, Hồng theo bà ra vườn buộc những dải vải trắng lên những cành cam cha Hồng trồng dạo trước. Buộc đến cây nào bà cũng khóc gọi cha Hồng. Bà bảo, lúc còn ở nhà cha Hồng chịu khó trồng cây và mát tay lắm. Cây nào cha trồng cũng sai quả. Thật lạ, vườn cam đang xanh um, vậy mà chỉ sau một tuần báo tử cha Hồng cứ chết dần, dù mẹ Hồng nước mắt trộn mồ hôi, bê từng chậu bùn đặc quánh vớt dưới ao lên bón gốc cứu cây nhưng vô hiệu. Chỉ còn sót lại một gốc cam sen ở góc vườn. Ngày nào bà nội cũng ra gốc cam ngó nghiêng, chỉnh trang những dải vải trắng buộc ở cành, rồi lẩm bẩm một mình: “Đáp ơi, con đừng bỏ mẹ! Về với mẹ đi con!”. Nhưng cây cam sen ấy chỉ được một mùa quả nữa rồi cũng bỏ bà cháu Hồng đi theo cha.
Cuối tháng 4-1975, tin chiến thắng từ miền Nam dồn dập đổ về. Cả làng, ai cũng hướng về chiếc loa truyền thanh treo trên cây gạo nghe tin thắng trận rồi phán đoán, bình luận, nói cười tươi tỉnh. Gia đình Hồng cũng như bao nhiêu gia đình khác có người thân đi bộ đội đã hy sinh đều lặng lẽ giấu nỗi buồn riêng để hoà vào niềm vui lớn của dân tộc và không nguôi hy vọng những tờ giấy báo tử đã nhận được chỉ là sự nhầm lẫn. Miền Nam giải phóng rồi, người thân của mình có thể sẽ trở về.
Năm 1977, Hồng lên cấp ba, trường cách nhà hơn 20 cây số nên phải ở trọ. Mỗi tuần, hai anh em Hồng, được mẹ cấp cho mỗi đứa một cân gạo và hai cân sắn khô để ăn trong tuần. Thấy cảnh nhà khốn khó, anh Hùng xin mẹ cho nghỉ học để ở nhà đỡ mẹ, nhưng mẹ bảo: “Cha con không đồng ý đâu, mong muốn của cha là các con phải học hành đến nơi đến chốn, khổ mấy cũng phải học…”. Nghe mẹ bảo vậy, anh Hùng không dám đòi nghỉ học nữa.
Lúc này hy vọng cha còn sống trở về không còn. Thay vào đó là sự xót xa không biết cha đang nằm ở nơi nào. Bà và mẹ ngày càng đau yếu, cộng với cuộc sống quá khó khăn nên không ai dám nghĩ tới việc đi tìm mộ cha. Song cả bà và mẹ vẫn luôn nhắc nhở anh em Hồng: “Bao giờ có điều kiện, các con nhớ đi tìm cha” . Rồi do sức khỏe cạn kiệt, mẹ ra đi trước bà. Trước khi khép mắt mẹ vẫn dặn: “Các con nhớ phải đi tìm mộ cha và đón cha về…”. Dù không lúc nào quên lời trăng trối của mẹ nhưng mãi đến năm 2001, anh em Hồng mới có điều kiện thực hiện di nguyện của mẹ. Xem trong giấy báo tử của cha chỉ có thông tin đơn vị là “KB”, ngày cha hy sinh là 12-8-1969, nơi hy sinh là mặt trận phía Nam. Dựa vào ngần ấy thông tin để đi tìm cha thật là khó hơn mò kim đáy bể.
May quá, còn có dòng chữ cha để trong lá thư cuối cùng gửi về trước khi hy sinh 21 ngày: “Tây Ninh 13-7-1969”. Anh em Hồng đoán, chắc là cha chiến đấu, hy sinh tại Tây Ninh nên cũng sẽ được an táng tại đó. Anh em Hồng liền viết thư gửi Tỉnh đội và Sở Lao động - Thương binh và xã hội Tây Ninh nhờ tìm thông tin mộ chí. Sau lá thư gửi đi là bao hồi hộp, lo lắng, chờ đợi, hy vọng từng ngày. Nhưng kết quả là con số không. Thời gian đó, đang rầm rộ lên việc các nhà ngoại cảm tìm được mộ liệt sĩ. Đã có nhiều gia đình tìm được mộ người thân bằng cách này. Mấy anh em liền tìm đến một nhà ngoại cảm ở Hà Nội. Qua chỉ dẫn của người đó bằng điện thoại di động, anh Hùng đã nhận ngôi mộ số 4599 trong khu mộ liệt sĩ vô danh tại nghĩa trang huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh và ghi tên cha mình lên một tấm bia nhỏ gắn bên mộ. Năm 2003, nghĩa trang được nâng cấp, Ban quản lý nghĩa trang đã ghi tên cha Hồng lên tấm bia lớn trên mộ thay cho con số 4599. Thông tin mộ được gửi về Sở Lao động - Thương binh và xã hội Yên Bái, gia đình Hồng cũng nhận được sơ đồ mộ chí của cha. Hai anh em Hồng liền tìm đến một bà “thầy đồng” hỏi xem mộ đó có đúng là mộ cha không? Bà thầy bảo: “Bác liệt sĩ này thiêng lắm, còn nặng tình với trần gian lắm”. Hồng thương cha quá! Trước lúc hy sinh chắc cha đau đớn lắm, song cha vẫn nghĩ nhiều tới những người thân yêu của mình. Sau đó một tháng bà bị ngã gãy chân. Do tuổi cao nên vết gãy không liền lại được, bà phải nằm một chỗ. Tuy rất đau đớn nhưng bà luôn gọi tên cha cả lúc tỉnh lẫn lúc mê. Để tiện chăm sóc bà, mấy anh em phải bán ngôi nhà kỷ niệm của cha, đón bà về thành phố.
Đến năm 2008, Hồng mới vào lại được Tây Ninh xin nhận mộ cha. Sau khi xem giấy giới thiệu của Phòng Lao động - Thương binh và xã hội thành phố Yên Bái, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Châu Thành yêu cầu Hồng ký cam kết hoàn tất đủ thông tin chứng minh ngôi mộ liệt sĩ đó là của cha mình.
Bước ra khỏi phòng làm việc, lòng Hồng nặng trĩu. Làm gì đây để có được thông tin? Thôi thì “Có bệnh phải vái tứ phương”, nhưng sau hai năm lặn lội tìm kiếm thông tin vẫn không có kết quả gì. Năm 2010, chị cả lại vào Tây Ninh trình bày. Nhưng Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Châu Thành kiên quyết yêu cầu gia đình phải cung cấp đầy đủ thông tin, đồng nghĩa với việc không cho gia đình Hồng nhận mộ nếu không có thông tin. Họ bảo: hai chữ “Tây Ninh” cha Hồng viết trên góc thư ngày 13-7-1969 và thông tin “Đơn vị KB”, “Hy sinh tại mặt trận phía Nam” ghi trên giấy báo tử không đủ điều kiện cho anh chị em Hồng nhận liệt sĩ nằm trong ngôi mộ số 4599 là cha mình. Biết tìm đâu bây giờ? Mấy anh em lại liên lạc bằng thư và điện thoại với các Ban quản lý nghĩa trang, Tỉnh đội, Sở Lao động - Thương binh và xã hội Tây Ninh, các tỉnh quanh Tây Ninh, cả Quân khu 7 và Quân đoàn 4... Chồng thư trả lời ngày một nhiều nhưng câu trả đều không mang đến một tia hy vọng nào.
Cuối năm 2011, trong thư của Quân đoàn 4 gửi về, gợi ý gia đình về Cục Chính sách Bộ Quốc phòng để tra cứu thông tin liệt sĩ. Thời gian đang bận tổ chức thi tốt nghiệp cho học sinh, nên Hồng chưa đi Hà Nội ngay được. Bỗng một đêm Hồng mơ gặp mẹ. Mẹ nhắc: “Còn một việc quan trọng mà con vẫn chưa làm”. Vậy là ngay sáng hôm sau, Hồng phải xin nghỉ để về Hà Nội, tìm đến Cục Chính sách. Dù không đúng lịch làm việc nhưng thấy Hồng từ xa tới, lại đầy vẻ bồn chồn lo lắng, nên các chú, các bác ở Cục Chính sách đã nhiệt tình giúp Hồng tra cứu thông tin. Sau khi chắp nối nhiều nguồn thông tin, cuối chiều đã có bản “Trích lục quân nhân”: “Liệt sĩ Hoàng Văn Đáp. Hy sinh ngày 12-8-1969, trong trường hợp chiến đấu, tại lộ 13, Hớn Quản, Bình Long. An táng tại: Cầu Đầm, Hớn Quản, Bình Long”. Cầm trên tay bản trích lục thông tin của cha, Hồng òa khóc. Hơn bốn chục năm trời mong đợi giờ mới được biết nơi cha đánh trận, nơi cha hy sinh, nơi an táng cha. Những giọt nước mắt lăn dài trong mừng tủi. Hồng đã gần với cha lắm rồi. “Sắp được gặp cha rồi! Bà ơi! Mẹ ơi! Con sẽ đi tìm lại tên cho cha. Bà và mẹ phù hộ cho con nhé”. Mừng vui trong giây lát, lo lắng lại ập đến. Tìm được thông tin nơi an táng cha ở Bình Long là quá may mắn, nhưng còn ngôi mộ anh Hùng đã nhận ở Tây Ninh thì sao? Có chuyện cha Hồng an táng ở Bình Long rồi được quy tập về nghĩa trang Châu Thành, Tây Ninh hay không? Bình Long thuộc Bình Phước, Châu Thành thuộc Tây Ninh, hai tỉnh cách nhau gần trăm cây số kia mà. Vậy mộ cha giờ ở đâu?... Ngổn ngang bao suy nghĩ, nước mắt Hồng cứ ứa ra. Thấy Hồng quá xúc động, các chú ở Cục Chính sách bảo: “Tìm được thông tin đầy đủ như cha cháu là may mắn rồi. Nhưng cháu phải bình tĩnh. Có thông tin cũng chưa chắc đã tìm ngay được mộ. Phải kiên trì cháu ạ…”.
Trở về nhà, Hồng lao vào tìm kiếm thông tin địa danh Cầu Đầm, Hớn Quản, Bình Long. Qua các chú ở Cục Chính sách, Hồng liên lạc được với một chú ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước. Chú “Bình Phước” lại giới thiệu cho Hồng số điện thoại của anh Huyền - Chính trị viên Huyện đội Hớn Quản. Vừa nhờ anh Huyền tìm giúp địa danh “Cầu Đầm”, Hồng vừa tìm kiếm bằng các hướng khác. Cứ nghe thấy ai mách có người tìm được mộ liệt sĩ là Hồng lại đến hỏi thăm. Theo mách bảo, Hồng tìm đến một người ở Phú Thọ. Gửi lại bản trích lục của cha, sau một tháng trở lại, người đó tả nơi cha hy sinh, còn vẽ chi tiết nơi an táng và chỉ một ngôi mộ trong nghĩa trang Bình Long. Hồng vội điện thoại nhờ anh Huyền xác minh ngôi mộ mà người Phú Thọ đã chỉ dẫn. Lúc đó anh Huyền đang đi công tác, khoảng hơn tuần sau, anh mới ra được nghĩa trang Bình Long.
Đã cuối chiều, một chiếc ô tô đỗ ở cổng nghĩa trang, không nổ máy được. Khi anh Huyền vào hỏi bác quản trang về ngôi mộ Hồng nhờ tìm, lúc đó một bác tên Tánh - người Kiên Giang đã chiến đấu ở Bình Long, chuyên đi tìm mộ liệt sĩ cũng đang ở đó. Đọc hồ sơ, biết cha Hồng thuộc Trung đoàn 101, bác Tánh rối rít giục anh Huyền: “Có một ông cũng ở E101 vừa vào đây tìm mộ liệt sĩ, đang ngồi trên xe ô tô kia kìa. Chú ra nhanh hỏi ông ấy kẻo xe chạy mất”. Anh Huyền chạy ra cổng, hỏi và xin được số điện thoại của chú “E101” xong thì xe cũng nổ được máy. Sau đó, anh Huyền vào nghĩa trang, tìm ngôi mộ nhà ngoại cảm đã tả nhưng không có. Bù lại, anh đã tìm được một người cùng trung đoàn với cha Hồng cũng là may lắm rồi.
Hành trình đi tìm mộ cha của Hồng cũng bắt đầu từ sự nối kết với chú “E101”. Chú tên là Hai, quê Ninh Bình, hôm ấy chú đưa gia đình liệt sĩ Bùi Kim Kha vào Bình Long đưa hài cốt liệt sĩ Kha về quê. Qua trò chuyện với chú Hai, Hồng biết chú Kha cùng tiểu đoàn với cha. Rất có thể hai người khi còn sống đã biết nhau. Nên phải chăng chiếc xe anh Huyền gặp ở cổng nghĩa trang Bình Long hôm đó không bị hỏng gì, nhưng dùng dằng cho tới khi anh Huyền chạy ra gặp được chú Hai là ý muốn của chú Kha. Nhờ chú Hai, Hồng biết thêm mấy chú cùng trung đoàn, tiểu đoàn với cha ngày trước. Chú Hai cũng đã tháo gỡ cho Hồng hai chữ “Tây Ninh” cha viết ở thư là chỉ: “Mặt trận Tây Ninh”, chứ không phải chỉ riêng tỉnh Tây Ninh. Để đảm bảo bí mật, bộ đội chỉ nhận mệnh lệnh hành quân chiến đấu, ít ai biết được mình đang ở tỉnh nào, huyện nào. Hoặc rất có thể cha viết thư ở Tây Ninh, sau đó hành quân về Bình Long chiến đấu và hy sinh. Vậy nên chị em Hồng quyết định khoanh vùng phạm vi tìm kiếm nơi an táng cha là Cầu Đầm trên lộ 13, Hớn Quản, Bình Long. Nhưng thật là khó khăn khi mọi hướng tìm kiếm đều không tìm thấy địa danh “Cầu Đầm”. Mấy anh em mở rộng liên lạc với tất cả những ai có liên quan đến đơn vị cha. Người nọ cho số của người kia. Có trường hợp Hồng gọi một bác cựu chiến binh ở Sài Gòn. Gọi mấy lần chỉ thấy chuông mà không có ai trả lời. Mãi mới có một phụ nữ cầm máy. Nghe Hồng trình bày, bác ấy nói: “Ông nhà tôi mất rồi, điện thoại tôi vẫn để trên ban thờ ông ấy…”. Sởn cả da gà, Hồng chỉ kịp nói lời xin lỗi và chia buồn thì bác ấy tắt máy. Khó khăn nhưng Hồng không bỏ cuộc. Qua chú Tánh, chú Hai, Hồng biết có một chú cựu chiến binh tên là Ngũ đang sống ở Bà Rịa - Vũng Tàu hay Đồng Nai gì đó đã tìm được nhiều mộ liệt sĩ ở Bình Long. Mấy anh em lại quyết định đi tìm chú Ngũ. Mò mẫm xuống Vũng Tàu, được người em họ của chú Hai là anh chị Bộ - Thủy cho ở nhờ. Cũng nhờ anh chị giúp đỡ, gần hai chục ngày, ba chị em Hồng toả đi các hướng tìm chú Ngũ. Đúng đến ngày thứ 20 thì tìm được. Chú Ngũ khẳng định anh em Hồng đã nhận nhầm ngôi mộ ở Tây Ninh. Cha Hồng an táng ở Bình Long thì không thể quy tập lên nghĩa trang Tây Ninh được. Chú còn bảo: “Việc đầu tiên là các cháu phải lên Tây Ninh để xin xoá tên cha ở ngôi mộ đã nhận nhầm”. Mấy anh em lại lên Tây Ninh, làm việc với Phòng Lao động - Thương binh và xã hội Châu Thành xong, ra nghĩa trang tạ tội với vong linh liệt sĩ nằm dưới mộ. Nước mắt không ngừng rơi: “Bác liệt sĩ ơi, đại xá cho chúng con. Tất cả là do khát vọng tìm cha của chúng con”.
Tạ lỗi với liệt sĩ mộ số 4599 ở Tây Ninh xong, chị em Hồng trở lại Bình Long. Đường từ Tây Ninh về Bình Long, rừng cao su nối nhau trải dài hút tầm mắt. Qua cửa kính ô tô, Hồng mường tượng cảnh cha hành quân năm xưa. Lộ 13 đây rồi! Con đường nhựa phẳng lỳ đưa Hồng về xã Tân Khai, huyện Hớn Quản. Hồng dán mắt vào những biển báo trên mỗi cây cầu. Biết đâu lại thấy hai chữ “Cầu Đầm”. Cái tên ấy giờ với Hồng quan trọng lắm! Hai chữ “Bình Long” cũng trở nên gần gũi. Hơn bốn chục năm rồi, không biết cha nằm ở nơi nào, hài cốt có còn hay đã hoà vào đất? Tới nghĩa trang Bình Long, thắp hương xong, trời đang nắng gay gắt bỗng mây đen ùn ùn kéo đến. Hồng đang đốt vàng mã trong một chiếc chậu sành lớn ở chân đài tưởng niệm. Vừa đốt, vừa luôn miệng khấn xin trời đừng mưa để Hồng hóa xong chậu vàng tiền cho các liệt sĩ. Kỳ lạ thay, mây cứ vần vũ trên đầu, gió thổi như cuốn cả người đi nhưng phải đến khi lá vàng cuối cùng cháy hết thì mưa mới đổ xuống như trút. Nước mưa hoà nước mắt. Trời tối hẳn. Mấy anh em đành phải tạm biệt nghĩa trang Bình Long để kịp về Vũng Tàu. Thành phố du lịch đầy quyến rũ nhưng ai nấy đều nóng lòng như ngồi trên chảo lửa. Qua linh cảm và sự chắp nối từ lời kể của những người trong cuộc, Hồng đoán chắc cha nằm trong nghĩa trang Bình Long. Nhưng làm sao nhận được mộ cha trong mấy ngàn ngôi mộ vô danh trong nghĩa trang? Được chị Thuỷ cho mượn xe máy, ngày nào Hồng cũng bon bon 35 cây số từ Vũng Tàu lên Bà Rịa đi tìm các chú, các bác cựu chiến binh để hỏi thăm.
Nhiều ngày trôi qua trong mong chờ, hy vọng rồi thất vọng. Anh em Hồng đã nghĩ đến sự thất bại của chuyến đi. Chú Ngũ thì có việc phải ra Bắc chưa về. Đúng đến ngày chị em Hồng chuẩn bị ra Bắc thì nhận được điện của chú Ngũ. Chú nói, sớm mai sẽ hướng dẫn mấy chị em tìm mộ cha. Hôm sau, Hồng trở lại Bình Long. Thắp hương ở Đài tưởng niệm xong thì có điện của chú Ngũ. Chú bảo chị em Hồng nhận ngôi mộ số sáu, hàng sáu, lô hai trong khu liệt sĩ chưa biết tên. Chú còn tả chi tiết đặc điểm ngôi mộ để anh em Hồng khỏi hoang mang, nghi hoặc. Đứng trước ngôi mộ số sáu, tấm bia không một dòng thông tin, tim Hồng bỗng đập thình thịch. Nghe kể, cha Hồng hy sinh khi đánh xe tăng Mỹ. Trận đánh không cân sức, tiểu đội cha hy sinh hết. Như vậy, ắt phải có liệt sĩ cùng tiểu đội cha nằm ở nghĩa trang này. Nhìn sang ngôi mộ hàng trên ghi tên liệt sĩ Lới, đơn vị “KB”, giống hệt ký hiệu đơn vị cha ghi trong giấy báo tử. Mắt Hồng sáng lên, cùng lúc tiếng chị cả reo lạc cả giọng: “Có người cùng đơn vị cha đây rồi!”. Mừng đến bật khóc. Bởi đã đi nhiều nghĩa trang, dò từng mộ để tìm thông tin liên quan tới đơn vị cha nhưng vô vọng. Nay thấy ký hiệu “KB” trên mộ bác Lới, như vậy càng chắc cha Hồng cũng nằm ở đây. Hồng và chị mang trứng ra thử. Cắm chiếc đũa xuống mộ không được vì qua lớp cát mỏng là lớp xi măng cứng. Hồng phải tựa đũa vào thành mộ để đặt quả trứng lên đầu đũa. Thật lạ. Chiếc đũa còn không đứng vững, vậy mà quả trứng trên đầu đũa chỉ lung liêng chứ không rơi. Đúng mộ cha rồi. Mừng quá. Chị em Hồng khóc váng cả nghĩa trang. Rồi anh Hùng lại ghi tên cha vào tấm bia nhỏ gắn bên thành mộ để đánh dấu.
Hôm sau, chị em Hồng quyết định đi tìm địa danh Cầu Đầm, để biết nơi an táng cha ban đầu. Anh Huyền đưa mấy chị em đến các cụ già ở xã Tân Khai để hỏi, nhưng cụ nào cũng lắc đầu, không nghe thấy cái tên Cầu Đầm bao giờ. Trở lại nghĩa trang, gặp bác Xây quản trang hỏi, bác cũng lắc đầu. Bỗng bác vỗ hai tay vào nhau cái bốp, reo lên: “Đó là Cần Đâm. Cái cống Cần Đâm trên lộ 13. Cống nhỏ thôi. Chắc người làm hồ sơ đã viết nhầm Cần Đâm thành Cầu Đầm. Suy luận của bác Xây quả là có lý. Như vậy, cha Hồng được an táng ở khu vực cống Cần Đâm, sau đó được quy tập vào nghĩa trang Bình Long. Ngay lập tức chị em Hồng ra cống Cần Đâm trên lộ 13, chỉ cách nghĩa trang chừng ba cây số thắp hương.
Hôm sau, chị em Hồng sắp mâm cơm cúng cha, có món canh rau ngót, theo mẹ kể là cha rất thích ăn. Mấy anh em khóc cha trong xót thương, mừng tủi. Tìm được mộ cha rồi, nhưng chưa thể ghi tên cha lên tấm bia lớn, cũng chưa thể đón cha về ngay được. Bởi cha là người khảng khái, ông sẽ không đồng ý về nếu mọi việc chưa xác minh thật rõ ràng. Anh em Hồng sẽ phải xin làm giám định ADN để khẳng định chắc chắn. Việc này phải đợi khi sang cát cho bà nội, xin bà một chiếc răng mới có mẫu so sánh nên vẫn còn phải chờ đợi và hy vọng. Song hy vọng sẽ luôn là ngọn lửa làm ấm lên khát khao tìm lại tên cho cha của mấy chị em Hồng. Dù đã có lúc khát khao ấy tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt. Song trong bất cứ hoàn cảnh nào nó cũng chưa bao giờ nguội lạnh.
Viết thêm: Tác giả bài viết này được biết, hiện tại, việc giám định ADN từ hài cốt bà nội của Hồng và hài cốt trong ngôi mộ trong nghĩa trang đã có kết quả chính xác. Niềm vui vỡ òa sau những tháng ngày chờ đợi tưởng như vô vọng. Được các cấp có thẩm quyền cho phép và tạo điều kiện, gia đình Hồng đã đưa được hài cốt người cha liệt sĩ về quê hương để tiện bề hương khói…
Yên Bái, tháng 7-2017