Lâm vừa đi công tác xa về. Trời nắng như đổ lửa. Vợ Lâm pha cho chồng cốc nước chanh đá. Mát quá, uống đến đâu biết đến đấy. Đang uống dở thì vợ Lâm báo tin:
- Chị Làn chết rồi đấy anh ạ, đã được hơn tuần, hôm kia em gọi điện về thăm mẹ, mẹ kể mới biết…
Lâm đặt vội cốc nước chanh xuống bàn nghe đánh cộc tưởng như vỡ tấm kính mặt bàn, lập bập hỏi:
- Chết à? Sao chết?
- Thấy mẹ bảo buổi tối chị ấy vẫn đi ngủ bình thường, sáng ra đã thấy chết rồi. Người bảo bệnh tim, người bảo bị cảm. Khổ thân chị ấy quá.
Lâm lặng im, nhìn ra xa xăm, không thể uống nốt nửa cốc nước chanh còn lại, tự nhiên thấy nó đắng. Lâm châm lửa hút một điếu thuốc, cũng thấy nó đắng. Hôm sau Lâm phóng xe về quê từ rất sớm. Đến chợ huyện, Lâm vào mua một túi mận tím, chín bông hồng đỏ (thứ hoa và quả khi còn trẻ chị Làn rất thích) và một ít vàng, hương. Lúc tìm được mộ chị Làn thì trời lắc rắc mưa. Chắc từ hôm chôn cất xong chưa có ai trở lại đây thì phải, vì những chân hương cắm vào mộ đã bị mưa làm cho đổ xiêu vẹo đi cả.
Lâm đặt hoa quả lên mộ rồi thắp hương. Tay vái, miệng định khấn chị Làn vài câu nhưng không biết bắt đầu từ cái gì. Giữa Lâm với người đàn bà nằm dưới mộ này có nhiều điều thật là khó nói.
Năm 1971, học hết lớp 10, Lâm về quê chờ giấy gọi nhập học đại học. Chị Làn lúc đó đã xây dựng gia đình. Anh Độ - chồng chị đang chiến đấu ở chiến trường B. Chị Làn chỉ hơn Lâm hai tuổi, nhưng chị đã có gia đình, lại là Bí thư Chi đoàn nên trông chị có vẻ chững chạc, già dặn hơn cậu thư sinh như Lâm rất nhiều. Lâm gọi Làn là chị, xưng em chân thành và kính trọng. Chị Làn cũng xứng đáng được như thế, đẹp người đẹp nết lại tháo vát, chăm chỉ, siêng năng. Chị là đối tượng mong ước của không ít trai làng, trong đó có cả con trai Bí thư, Chủ tịch xã lúc bấy giờ. Vậy mà chị lại nhận lời yêu và về làm vợ anh Độ, nhà nghèo, lại mẹ goá con côi, không biết có phải là duyên phận không? Được cái anh Độ cũng là người hiền lành, chăm chỉ và rất chiều vợ nên hai người sống với nhau hạnh phúc lắm. Nhưng cưới nhau chưa được hai tháng, hương lửa đang nồng thì anh Độ có quyết định lên đường nhập ngũ. Lẽ ra anh phải nhập ngũ sớm hơn, song vì nhà chỉ có một mẹ, một con nên anh được tạm hoãn, nay thì đã có người chăm sóc mẹ để anh lên đường. Anh Độ đi rồi, chị Làn ngoài việc chăm sóc mẹ chồng còn tích cực tham gia các công tác của xã, một phần cũng để vợi bớt nỗi nhớ chồng, phần lớn là do năng lực của chị. Chị được tặng danh hiệu “Ba đảm đang” điển hình của xã, rồi cả của huyện, tiếng tăm nổi như cồn. Trong quan hệ chị em, chị Làn cũng rất quý mến, chiều chuộng Lâm. Những ngày tham gia lao động Hợp tác xã, Lâm chưa quen công việc nhà nông nên được chị Làn cho làm cùng và chỉ dẫn rất đến nơi đến chốn. Hồi ấy, Hợp tác xã Lương Nham mạnh nhất là phong trào nuôi bèo hoa dâu làm phân cho lúa, do Chi đoàn đứng ra đảm nhiệm. Tối nào cánh thanh niên cũng phải quải gio cho bèo đến tám, chín giờ đêm, sáng thì dậy từ năm giờ để dập bèo. Mệt nhưng mà vui lắm, nói cười, tán dóc, đùa nghịch quên cả đói, rét. Chị Làn còn có giọng hát rất hay, chị thường mang cuốn sổ tay của mình nhờ Lâm chép các bài hát phổ biến thời đó như “Đường cày đảm đang”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Giải phóng miền Nam”... Nhiều đêm hai chị em tập hát với nhau tới khuya.
Rồi quyết định nhập ngũ đến với Lâm sớm hơn giấy báo nhập học. Ngày Lâm lên đường, chị Làn tổ chức cho Chi đoàn liên hoan văn nghệ tiễn đưa rất trọng thể, thân tình, lại còn tặng Lâm một cái bút máy Trường Sơn cùng giấy, phong bì và tem thư. Tan cuộc liên hoan, trên đường về nhà, qua cánh đồng Cả, chị bảo đi dạo cánh đồng một lát cùng nhau trước khi Lâm đi xa. Đấy là lần đầu tiên Lâm đi dạo đêm với một người con gái. Trời hôm ấy trong và có gió nhè nhẹ. Những cây lúa xanh biếc, mềm mại, đang kỳ trổ bông non, toả ra một mùi hương thơm như mùi sữa. Lâm đi sánh vai cùng chị Làn, những sợi tóc chị cũng vờn nhẹ trên má khiến lòng Lâm nao nao. Rồi chị dừng lại, dúi vào tay Lâm chiếc khăn tay nhỏ. Chị nói, tiếng nói lẫn với hơi thở:
- Tặng Lâm đấy, chắc chưa có ai tặng khăn phải không?
Hồi đó con gái có mốt tặng khăn tay có thêu đôi chim bồ câu cho người yêu lên đường nhập ngũ. Lâm chưa có người yêu, nên đúng là chưa có ai tặng khăn cho cả. Lâm lúng túng chưa biết nói sao, thì chị Làn đã ôm chặt lấy Lâm và hôn thật sâu lên má. Lâm ngây dại cả người. Bỗng chị Làn vội vàng buông người Lâm. Chị đẩy Lâm ra, còn mình thì lùi lại. Chị giục Lâm về nghỉ để ngày mai đi sớm. Chị chạy. Bất ngờ quá, Lâm đứng ngây như trời trồng, nhìn chị Làn chạy, bóng chị mờ dần trong ánh trăng suông hạ tuần. Bỗng Lâm thấy cái bóng ấy đổ xuống, hình như chị bị ngã. Lâm như sực tỉnh sau cơn mê, chạy lại nâng chị dậy. Họ đã ở bên nhau giữa cánh đồng đang trổ bông, ngào ngạt hương sữa tới lúc có tiếng gà gáy sáng.
Sáng hôm sau, chị vẫn có mặt trong đoàn người đưa tiễn tân binh. Xe ô tô đã đón ở sân kho Hợp tác xã. Lúc Lâm lên xe, mắt chị đẫm nước, ngước nhìn Lâm mãi như muốn nói, muốn dặn điều gì. Lâm không thể nào quên đôi mắt ấy. Sau này vào chiến trường, mỗi lần nhớ, nghĩ về gia đình, làng quê là Lâm lại thấy hiển hiện lên đôi mắt đẫm nước mắt của chị Làn ngước nhìn mình.
Thời kỳ ở đơn vị huấn luyện, Lâm và chị Làn có viết cho nhau ba lá thư, cũng chỉ là chuyện hỏi thăm và động viên nhau. Sau đó vào chiến trường không có điều kiện trao đổi thư từ, Lâm cũng bặt tin tức về chị. Sau chiến tranh, Lâm được trở ra Bắc để chuẩn bị đi học. Trước khi lên Trường Văn hóa Quân khu, Lâm được về thăm gia đình. Về đến phố huyện, Lâm thoáng thấy ai như chị Làn đang mua bán gì ở chợ. Lâm mừng quá reo lên, gọi tên chị, người đàn bà ấy giật mình quay lại nhìn Lâm nhưng không biểu lộ thái độ gì, rồi biến mất vào đám đông. Lâm nghĩ là mình đã nhầm ai đó với chị Làn.
Lâm về nhà trong sự mừng rỡ khôn xiết của gia đình và bà con thôn xóm. Nhà Lâm tấp nập người qua kẻ lại, không thiếu một ai, trừ chị Làn. Buổi tối lúc khách đã về hết Lâm mới hỏi mẹ về chị Làn. Mẹ Lâm thở dài, lặng im một lát rồi mới nói:
- Rõ khổ! Khôn ba năm, dại một giờ con ạ. Chị ấy đang làm Bí thư Đoàn xã thì hủ hóa bị bắt quả tang, đánh tuột hết chức vụ, bây giờ chẳng dám nhìn mặt ai cả.
Lâm bàng hoàng và chợt nhớ tới người đàn bà đã nhìn thấy ở chợ huyện. Có lẽ đấy đúng là chị Làn thật, chắc là chị ấy đã tránh mặt Lâm. Lâm hỏi mẹ là chị đã có con với ai, đứa bé là trai hay gái, được mấy tuổi rồi. Mẹ Lâm lại thở dài rồi nói:
- Chị ấy quyết không khai là của ai. Mà cũng đã đẻ đâu. Khổ thân. Cái tội phản bội chồng ngoài mặt trận cũng như là phản bội Tổ quốc, bị kiểm điểm, bị chê cười, khinh miệt nhiều quá, không chịu được uống thuốc trừ sâu tự tử, may mà mọi người phát hiện sớm cứu được mẹ nhưng đứa con thì hỏng.
Lâm thấy lòng mình đau nhói. Lâm lại nhớ lại tối hôm trước khi lên đường và nụ hôn của chị. Từ bấy đến giờ toàn ở rừng và những trận đánh triền miên, Lâm cũng chưa được hôn ai. Nói dại, nếu có ngã xuống ngoài mặt trận thì hương vị nụ hôn của người đàn bà mà Lâm được biết duy nhất trong đời lúc đó chính là của chị Làn. Đêm đó Lâm nằm trằn trọc mãi không ngủ được. Hình ảnh chị Làn luôn hiển hiện trong đầu. Nhất là đôi mắt chị. Đôi mắt đẫm nước mắt ngước lên nhìn Lâm. Chị muốn nói điều gì với Lâm qua đôi mắt ấy? Lúc đó Lâm vô tư và hồn nhiên quá nên không hiểu nổi chị định nói gì. Lâm thấy thương chị vô cùng. Người như chị nếu không có chiến tranh, nếu anh Độ không phải ra chiến trường, chắc chắn sẽ có một gia đình hạnh phúc. Biết đâu chị còn thăng tiến làm đến chức này chức nọ.
Hôm sau Lâm đi tìm chị Làn nhưng nghe nói chị đã lên nhà bà cô ruột ở tít thượng huyện. Anh Độ thì vẫn chưa về, cũng chẳng có tin tức gì, không biết còn sống hay không. Hết phép, Lâm về Trường Văn hóa Quân khu ôn thi đại học. Công việc bận mải nên cũng chẳng còn thời gian nhớ tới việc của chị Làn.
Thi đỗ vào đại học rồi Lâm mới về thăm nhà và cũng mới biết tin anh Độ vẫn còn sống trở về. Mẹ Lâm kể, hôm anh về, mẹ chị Làn đến tận nhà con rể, bà bắt chị Làn quỳ trước mặt anh, rồi cả bà cũng quỳ xuống lạy con rể. Bà bảo “Con dại cái mang” xin anh Độ tha tội cho chị Làn, tha lỗi cho bà. Bà bảo anh Độ muốn bỏ chị Làn cũng được, chỉ mong anh tha tội, mong anh đừng đánh đập, nhiếc móc, cả nhà bà đã nhục nhã lắm rồi. Anh Độ vội cúi xuống đỡ mẹ vợ đứng dậy. Không biết có phải cái quỳ lạy và cầu xin của bà không mà anh Độ không đánh, mắng gì chị Làn. Sau đó anh Độ được phục viên và về quê sinh sống, bỏ qua mọi lời gièm pha vẫn chung sống cùng chị Làn.
Biết được tin này Lâm mừng cho chị Làn và cảm phục anh Độ vô cùng. Lâm nghĩ, rơi vào hoàn cảnh ấy chưa chắc mình đã làm được như anh. Mỗi bận về thăm quê, Lâm đều sang nhà chị Làn chơi. Chị cũng không tránh mặt Lâm nữa, còn mổ gà làm cơm cho Lâm với anh Độ ngồi lai rai. Lâm và anh chị thân thiết như trong gia đình và không ai nhắc lại chuyện xưa cả. Từ khi xuất ngũ về quê sức khỏe anh Độ bình thường, tuy nhiên những lúc trái nắng trở giời người có đau nhức, mỏi mệt, anh bảo có lẽ là do bị sức ép của bom và sốt rét ác tính ảnh hưởng. Thì lính Trường Sơn những năm đánh Mỹ, anh nào mà chả bị sức ép và sốt rét, không bị mới là chuyện lạ. Nhưng không hiểu tại sao, anh về đã được năm năm mà hai vợ chồng vẫn không có con. Chị Làn thì chắc không bị “điếc” rồi. Mọi nguyên nhân dồn về phía anh Độ. Hay là anh đã bị ảnh hưởng chất độc da cam? Điều ấy cũng dễ lắm chứ. Nhưng nếu vậy thì chỉ làm cho con cái bị tật nguyền, chứ có bị vô sinh đâu. Có lần chỉ có hai anh em ngồi ăn với nhau, Lâm đã hỏi thẳng anh Độ về chuyện ấy và giục anh đi khám. Anh Độ cười cười bảo: “Có gì đâu, anh vẫn khoẻ, vẫn bình thường đấy chứ”. Rồi anh lảng sang chuyện khác. Nhưng trông điệu bộ, cử chỉ, giọng nói của anh, Lâm không tin vào điều anh nói. Lâm nghĩ nhất định phải có một lý do nào đó mà anh Độ ngại không nói ra. Lâm cũng đã được nghe nhiều bi kịch về chuyện chăn gối. Có anh bạn trước cùng đơn vị với Lâm tâm sự, những lúc gần vợ bỗng nhớ tới cảnh bom đạn, cảnh lượm thi thể đồng đội hy sinh thì mất hết cảm hứng. Đặc biệt có trường hợp giống hoàn cảnh anh Độ, đã tha thứ, đã bỏ qua mọi chuyện, vậy mà chuẩn bị làm “việc ấy”, nghĩ tới cảnh vợ mình quằn quại, rên rỉ trong vòng tay người đàn ông khác là tự dưng thấy rã rời. Biết đâu anh Độ lại chẳng giống như thế. Cả chị Làn nữa, những chuyện chỉ có mình chị biết, rất có thể làm cho chị có mặc cảm tội lỗi mà mất đi khả năng làm mẹ. Nhiều khi ám ảnh về tâm lý còn nặng nề, khó xoá, khó quên, giày vò hơn cả những nỗi đau về thể xác. Lâm thấy ái ngại cho anh chị và chợt nghĩ có phải sự tha thứ, sự hàn gắn nào cũng đem lại hạnh phúc cho nhau đâu. Có khi chia tay nhau, làm lại mọi thứ từ đầu, dẫu là “Rổ rá cạp lại” lại tốt cho cả hai.
Mỗi khi có người ở quê lên chơi, Lâm đều hỏi thăm về việc con cái của anh chị Làn - Độ, toàn chỉ nhận được những cái lắc đầu. Lần nào về quê Lâm cũng không quên sang thăm và động viên anh chị. Một lần cơm rượu xong, lúc chị Làn đi xuống bếp, còn lại hai anh em, anh Độ e hèm một lúc rồi nói với Lâm:
- Vợ chồng anh có việc muốn nhờ Lâm, không biết em có đồng ý giúp không?
Lâm nói ngay:
- Ai chứ anh chị thì việc gì em cũng sẵn lòng.
Anh Độ nhìn Lâm cười cười:
- Vậy chú đừng ngại nhé…
Nói rồi anh Độ bảo Lâm ở nhà chơi, anh đi vào thăm đập cá một lát. Lâm đang mải xem chương trình bóng đá trên ti vi, nên cứ gật đầu lia lịa và mải xem cho đến hết trận. Lúc đó chị Làn mới ở dưới bếp đi lên. Lâm sững sờ khi thấy chị Làn mặc bộ đồ ngủ mới và rất đẹp, lại còn toả ra mùi thơm nữa. Tóc chị búi gọn sau gáy, khuôn mặt chị như bừng đỏ và có vẻ thiếu tự nhiên. Lâm chợt nghĩ hay là chị cảm thấy ngượng khi mặc bộ đồ ngủ có vẻ như không hợp với một người phụ nữ thôn quê, nên cười nói:
- Chị Làn mặc bộ này trông đẹp lắm, thật đấy, đẹp như thời con gái, Lâm không khen hão đâu, trông trẻ đến vài tuổi.
Chị Làn không nói gì, rót nước trong ấm mời Lâm. Nước đầy chén tràn ra ngoài mà chị vẫn rót. Lâm phải nhắc:
- Kìa chị Làn, nước tràn cả ra bàn rồi - Chị Làn giật nảy mình, rồi lúng túng đẩy chén nước về phía Lâm, vẫn không nói gì, có vẻ như có điều gì khó nói. Lúc đó đã chừng gần 11 giờ đêm, anh Độ vẫn chưa về, Lâm thấy ở lại không tiện nên nói với chị:
- Ban nãy anh Độ nói nhờ giúp cái gì, chị bảo anh ấy sáng mai Lâm sang nhé. Bây giờ Lâm về đây.
Chị Làn có vẻ bối rối, rồi cất giọng thảng thốt:
- Lâm dạo này khỏe chứ, đợt này được nghỉ mấy ngày?
Lâm nói:
- Trông người thì chị rõ, rất khỏe - và hỏi lại xem anh chị định nhờ gì để sáng mai sang giúp.
Chị Làn ngước mặt lên nhìn Lâm hồi lâu. Đôi mắt chị mở to, thăm thẳm, loang loáng ướt rồi đẫm đầy nước mắt. Đôi mắt đẫm nước mắt hệt như cách mười mấy năm trước, ngày Lâm lên đường. Lâm bối rối, định hỏi, định nói một câu gì đó mà không cất nổi lời. Chừng mươi phút sau chị Làn ấp úng nói anh Độ không còn khả năng sinh con nữa, anh chị muốn xin một đứa con để nuôi nhưng xin ở quanh làng xóm này khó quá, chị không biết làm thế nào cả. Nên muốn nhờ Lâm giúp. À ra là vậy. Lâm chợt nghĩ, việc ấy có gì phức tạp đâu mà chị cứ ấp úng mãi thế, sao không nói ngay. Lâm bảo:
- Anh chị tính thế là đúng, nhiều người xin con nuôi xong có khi lại đẻ sòn sòn, mà con nào chả là con, mình nuôi nó từ bé thì đích thị nó là con của mình. Nhưng muốn xin thì phải đến các bệnh viện hoặc các trung tâm bảo trợ xã hội, ở đó có người vì hoàn cảnh mà sẵn sàng cho con hoặc bỏ con, chứ quanh xóm này ai cũng chỉ sinh hai đến ba con thì khó lắm.
Hình như chị Làn không để ý đến lời Lâm thì phải, đôi mắt chị vẫn đẫm nước, tâm trí như để đâu đâu. Thấy đã khuya, Lâm nói với chị:
- Việc đó cứ để Lâm lo cho, Lâm quen mấy y bác sĩ ở bệnh viện tỉnh, sẽ nhờ họ, khi nào tìm được đứa trẻ ưng ý sẽ điện cho anh chị lên xin - rồi chào chị Làn để về.
Bỗng chị Làn đứng vụt dậy, cầm chặt lấy tay Lâm như sợ Lâm sẽ đi mất, giọng chị lạc hẳn đi:
- Là không phải xin thế. Muốn là Lâm… anh Lâm… Lâm…
Lâm bất ngờ quá vì sự thay đổi cách xưng hô của chị Làn và cái nhìn cầu khẩn. Nhìn vào đôi mắt đẫm nước của chị Làn, Lâm vụt hiểu điều khiến chị Làn ấp úng.
“Trời ơi, vậy là… Có thế mà không nghĩ ra… Thì ra thái độ vui vẻ, bữa cơm rượu thịnh soạn, anh Độ nói lời nhờ úp úp mở mở rồi lại bỏ đi, chị Làn mặc bộ đồ ngủ mới và đẹp, tất cả những cái đó nằm trong kế hoạch đã trù liệu tính toán kỹ lưỡng của hai anh chị”. Bây giờ thì Lâm lại bất ngờ việc anh chị Làn lại chọn cách xin con kiểu ấy và bất ngờ nhất là anh chị chọn mình. Nhưng rồi Lâm cũng hiểu ngay ra lý do. Một thằng đàn ông mới ngoài 30 tuổi, chưa vợ, đã qua bộ đội, có thể cảm thông, lại là chỗ thân tình, lại ở mãi trên thành phố, năm chỉ thoảng về quê một, hai lần, chẳng ảnh hưởng đến ai như Lâm; đấy là chưa kể đến sự thông minh, có học, đẹp mã của Lâm nữa, đúng là một thứ giống chuẩn rồi còn gì. Lúc đầu Lâm bối rối, ngượng ngập, nhưng rồi Lâm cũng thấy người mình bừng, rạo rực. Chị Làn đã áp sát vào Lâm, bầu ngực vẫn căng đầy của chị nhấp nhô theo nhịp thở mạnh, hơi thở chị nóng hổi phả vào mặt Lâm. Nhưng chị không dám táo bạo, mãnh liệt ôm chầm lấy Lâm như tối hôm đi dạo trên cánh đồng để chia tay. Lúc ấy, chị như người ban tặng, còn bây giờ chị lại là kẻ cầu xin. Và dù trong Lâm vẫn còn những cảm xúc về nụ hôn và đôi mắt đẫm nước của chị nhưng Lâm cũng không còn cái cảm giác bàng hoàng, hưng phấn đến ngây dại như cái tuổi 18 ấy. Con đường của Lâm đang rộng mở. Bao nhiêu cô gái trẻ đẹp nơi thành phố đang quấn lấy Lâm. Có ngã thì ngã vũng trong, khiến Lâm gỡ bàn tay chị Làn đang nắm chặt tay Lâm, mặc cho bàn tay chị vội vàng cuống quýt níu giữ như tay một người đang ngạt nước túm được một vật gì. Lâm bước đi vội như một sự chạy trốn khỏi những cầu xin, đau xót, tủi nhục của chị.
Đêm ấy Lâm không ngủ được. Bình tĩnh lại Lâm đã nghĩ rất nhiều. Không biết mình làm thế là đúng hay là sai. Chị Làn vẫn còn đầy hấp dẫn, và ngoài ý định xin một đứa con có lẽ chị cũng thầm yêu Lâm. Lâm cũng không phải là gỗ đá. Lâm cũng rất cảm thông hoàn cảnh của anh chị, thương chị và sâu thẳm cũng có tình yêu cùng sự biết ơn. Lâm có thể làm “việc ấy” với chị, nhất là trong hoàn cảnh này. Lâm cũng nghĩ có lẽ mình đã vô cảm, thờ ơ, độc ác quá chăng với tình cảm của chị Làn, với khao khát có một đứa con của anh chị, với cả việc chị muốn dẹp đi những lời thị phi cay độc của thiên hạ với mình. Nhưng cứ nghĩ nếu điều ấy xảy ra có kết quả, Lâm sẽ có một đứa con với chị Làn. Dù nó sẽ được anh chị Làn - Độ quý mến, chiều chuộng, nuôi nấng, chăm sóc tử tế nhưng cứ nghĩ tới giọt máu của mình, đứa con của mình mà mình không được nhận, nó sẽ mang họ khác, thuộc về một dòng tộc khác, rồi nó lại quanh quẩn với công thức “vườn - ao - chuồng”, chưa thể mở mặt lên được như chị Làn, anh Độ và bao người dân quê khác ở cái xóm nhỏ ven rừng này bao đời nay là Lâm lại thấy lòng mình nguội lạnh đi. Sáng hôm sau Lâm lên tỉnh từ rất sớm mặc dù vẫn còn hai ngày nghỉ nữa.
Lâm ít về quê hơn, thời gian ở quê cũng ít hơn và luôn tìm cách tránh mặt anh chị Làn - Độ. Sau đó Lâm được tin chị Làn đã sinh được một cháu trai. Mẹ Lâm bảo, anh chị vào tận Phù Yên, Sơn La, tìm được một bà lang cắt thuốc chữa vô sinh hay lắm mới có được thằng cu đấy. Trời còn thương anh chị ấy mà. Lâm rất mừng cho anh chị và cảm thấy nhẹ bớt nỗi ân hận. Một lần về quê Lâm đã dũng cảm sang thăm anh chị Làn - Độ. Lâm mua rất nhiều quà cho cháu. Anh chị vẫn tiếp đón Lâm nhưng có vẻ không tự nhiên lắm. Chị Làn vẫn nhìn Lâm nhưng mắt chị dường như vô cảm. Cháu bé được anh chị đặt tên là Quý. Anh chị dành tất cả những gì có được cho thằng Quý, từ ăn uống, áo quần, vui chơi, học hành. Thằng Quý cũng lớn nhanh và rất khoẻ. Ai cũng mừng cho anh chị. Càng lớn thằng Quý càng khoẻ, chỉ cái sự học của nó thì rất chậm. Nó học sáu năm mới hết tiểu học. Vào trung học cơ sở rồi mà khi Lâm hỏi toán lớp bốn nó không giải được. Lâm phải đến trường nhờ các thầy cô giáo, vốn trước đây là sinh viên của mình quan tâm, kèm cặp thêm cho nó. Ì ạch mãi, rồi nó cũng qua được lớp chín trường làng, nhưng Lâm biết cái sự qua ấy chỉ vì các thầy cô thương hoàn cảnh anh chị Làn và nể Lâm mà cho qua. Trông nó, Lâm lại thấy ái ngại cho anh chị Làn quá. Kỳ công có được một đứa con lại học hành chẳng ra gì. Đấy là Lâm nghĩ thế, chứ bà con trong xóm bảo thế là may lắm rồi. Có được thằng con trai lành lặn, khỏe mạnh, chăm làm thế là tốt phúc rồi, chẳng học được cũng chẳng sao, còn hơn khối người sinh con bị tật nguyền, chẳng ra người, đau xót lắm.
Lâm cũng tin thằng Quý là con của anh Độ thật. Lâm để ý thấy nó không có nét nào giống với những người đàn ông ở làng, làng xã cũng chả có ai xì xèo, bàn tán gì. Nhưng Lâm vẫn thấy nó quen quen, có nét của một ai đó mà Lâm không nhớ ra nổi. Một lần về quê, Lâm thấy thằng Quý đang đào giếng giúp nhà bà Lợi hàng xóm, lúc nó từ dưới giếng chui lên, hai tay nó bám chặt bờ đất, nhún đẩy một cái đã đưa cả hai chân lên miệng giếng nhanh gọn như một con sóc. Cái dáng điệu, cử chỉ ấy rất giống ai đó mà Lâm đã từng nhìn thấy. Lâm vắt óc. Phải rồi, nó giống lão Khoà. Không biết lão từ đâu phiêu dạt đến làm thuê ở xóm Trại này đến mấy năm, rồi biệt tăm. Lão ấy to và vâm sức lắm nhưng lại rất hiền và đần đến mức ngô nghê. Ai thuê gì lão cũng làm, trả công thế nào lão cũng gật, thậm chí làm không công, chỉ nuôi ăn lão cũng vui. Lão thích nhất là làm những việc gì liên quan đến đất cát như đào giếng, đào ao, vỡ ruộng, san nền. Một mình lão cũng dám nhận đào cái giếng sâu đến cả chục mét. Đào đến đâu lão dồn đất vào cái ba lô cóc rồi bám vào thang hoặc cọc đóng vào bờ giếng mà đeo đất lên. Đặc biệt là lão có tài ngửi đất. Chỉ cần cầm nắm đất lên ngửi là lão biết đâu có nước, nước có ngon không. Có lần Lâm đã thấy lão Khoà đào ao đến hàng tháng cho nhà anh Độ. Hay là dịp ấy chị Làn đã phải xin lão? Có thể lắm chứ. Nghĩ vậy nhưng Lâm giấu kín những phỏng đoán của mình và cố xua đi hình ảnh lão Khoà.
Tết rồi Lâm về quê, thấy anh Độ yếu nhiều, chị Làn cũng già đi nhanh quá, nhìn mắt chị chỉ thấy hiện lên những nỗi nhọc nhằn, buồn tủi. Chẳng còn đâu một chị Làn ba đảm đang thời chiến tranh. Thằng Quý thì được bố giao cho trông coi cái đập cá ở trong Rộc Chằm. Đã ngoài ba mươi rồi nó vẫn chưa lấy vợ. Nó cũng chẳng để ý, ve vãn cô nào cả, chỉ được cái tốt tính, ai nhờ gì cũng làm tận tình, đến nơi đến chốn.
Bây giờ một mình ngồi trước mộ chị Làn, Lâm lại suy nghĩ mông lung. Nghĩ về chị Làn, anh Độ, thằng Quý, tự nhiên Lâm buông một tiếng thở dài. Giá hồi đó Lâm liều mạng một tý, lòng bớt lạnh, đầu bớt tính toán đi một tý thì rất có thể mọi việc sẽ tốt hơn với anh chị ấy chăng? Muộn rồi. Chị Làn đã thành người thiên cổ. Mọi thứ khát khao, đau đớn, tủi nhục, vinh hoa với chị cũng chẳng còn có ý nghĩa gì. Người đàn bà ấy đi qua cuộc đời chỉ còn để lại trong Lâm một đôi mắt đẫm nước mà thôi.
Yên Bái, tháng 11-2011