Khi đi thực tập sư phạm tại Hà Giang, lớp tôi thực tập chủ nhiệm có em Huy nghỉ học đã gần một tuần không phép. Thầy giáo hướng dẫn phân công nhóm sinh viên thực tập đến thăm gia đình Huy và tìm hiểu lý do em nghỉ học. Sau mấy tiếng vượt rừng, lội suối, hỏi thăm nhiều lần, cuối cùng chúng tôi cũng tới được nhà Huy. Đứng trước nhà rồi, tôi vẫn chưa tin đó là nơi ăn ở hàng ngày của cả một gia đình. Nó giống như một cái lán tạm của những người thợ xẻ trong rừng. Nhìn cái cánh cửa bằng nứa đan xộc xệch, khép hờ, tôi đứng ngoài sân chờ hồi lâu vẫn không thấy động tĩnh gì, bèn lên tiếng gọi.
Lát sau, một người đàn ông chừng hơn năm mươi, cao, gầy, da bủng beo, đẩy cánh cửa bước ra, ngước nhìn chúng tôi, không nói gì. Tôi đoán đó là bố Huy. Vừa định cất tiếng chào, bỗng giật mình sững sờ, không tin vào mắt mình. Đứng ngây người hồi lâu, tôi mới lập bập hỏi: “Thầy... thầy Thái…, có phải thầy Thái không ạ?”. Đến lượt người đàn ông giật mình, sững sờ nhìn tôi. Đôi chân mày ông ta hơi nhíu lại, dường như đang cố nhớ điều gì. Tôi hồi hộp, chờ một tiếng reo, hay tiếng gọi tên tôi thì bất chợt vang lên một câu hỏi cụt lủn, khô khốc: “Xin lỗi, các anh chị hỏi ai? Tôi không phải là Thái”. Rồi người đàn ông quay ngay vào nhà, tay cầm cánh cửa định đóng lại. Tôi vội chạy đến, luống cuống giới thiệu là thầy giáo thực tập của Huy, đến thăm gia đình. Người đàn ông miễn cưỡng mời chúng tôi vào nhà. Ông vội vàng thu dọn những thứ lỉnh kỉnh trên cái sạp nứa vừa để ngồi uống nước, vừa để làm giường nằm, rồi loay hoay tìm chén rót nước. Đẩy chén nước lại phía tôi, giọng ông đã mềm đôi chút: “Cảm ơn các thầy cô đã đến thăm nhưng cháu nó bảo học khó quá, không theo được nên về làm nương thôi”. Tôi cảm thấy lời giải thích này không thật, vì khi nhận lớp chủ nhiệm tôi đã xem xét kỹ bảng điểm kỳ I của học sinh, Huy không nằm trong tốp học kém, còn được các giáo viên bộ môn nhận xét là chịu khó học tập. Tôi nói điều này với bố Huy. Chợt mắt ông rân rấn nước, khẽ thở dài rồi nói: “Thôi, chẳng giấu gì các thầy cô, nhà nghèo quá, tôi đau yếu, em gái Huy thì tật nguyền nằm trong cũi kia kìa, một mình vợ tôi làm nuôi cả nhà vất vả quá nên Huy phải nghỉ học để đỡ đần mẹ”. Tôi giải thích, đề nghị, thuyết phục để ông cho Huy đi học thế nào cũng không được. Trời sắp tối, đành phải về báo cáo nhà trường. Lúc ra đến đầu ngõ, tôi quay lại nắm tay bố Huy và nói nhỏ: “Em là Lâm, Lâm Chợ Ngọc. Thầy dạy em hồi cô Phương nghỉ đẻ, em đã lấy cắp cái bút chì của Vân, thầy đã tha thứ, thầy không nhận ra em ư?”. Bố Huy vẫn lắc đầu, rút vội tay ông khỏi tay tôi, bước vội vào nhà.
Trên đường về trường, hình ảnh bố Huy ám ảnh tôi không dứt. Mặc dù có rất nhiều thay đổi, nhưng bố Huy đúng là thầy Thái của tôi. Tôi không thể lầm được. Nhưng nếu đúng là thầy Thái, sao thầy không chịu nhận tôi? Thầy không nhớ hay có lý do nào khác? Về trường, tôi hỏi thầy chủ nhiệm về bố Huy, thầy bảo: “Mình cũng biết sơ sơ thôi, vì mới nhận lớp được một học kỳ. Ông ấy cũng chưa tới trường họp phụ huynh lần nào. Hình như ông ấy không phải là người vùng này. Mẹ Huy thì có đến trường một lần, bà là người Tày ở đây”.
Sao thế nhỉ? Vợ thầy Thái là người Kinh ở Yên Bái cơ mà, tôi đã gặp hôm thầy Thái lên đường nhập ngũ. Hay là tôi nhầm thật? Hay là thầy Thái đã chia tay vợ cũ, sang đây xây dựng gia đình mới? Có phải người phụ nữ nào trong chiến tranh cũng chung thủy, chờ chồng ra trận trở về được đâu. Nhưng nếu là thầy Thái sao không tiếp tục dạy học? Sao gia cảnh lại khốn đốn đến thế? Bao nhiêu câu hỏi vẫn không tìm được đáp án. Ngày mai tôi phải dạy một tiết Văn để giáo viên hướng dẫn dự giờ. Đành tạm quên chuyện bố Huy để xem lại giáo án. Nhưng tôi không thể tập trung vào công việc được. Hình ảnh thầy Thái ngày xưa và ông bố Huy hôm nay vẫn cứ làm tôi day dứt. Quả thực, trong đời mình, tôi được học nhiều thầy cô giáo, ai tôi cũng kính trọng, không có sự phân biệt thầy dạy cấp nào, môn nào, dạy nhiều hay ít. Nhưng có một người chỉ dạy thay cô giáo tôi hai tháng, năm tôi học lớp hai, đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu đậm, cả sự kính trọng, tự hào. Người đó là thầy Thái. Bao nhiêu năm đã qua đi, tôi vẫn nhớ dáng người cao gầy, mảnh khảnh thư sinh, nụ cười hiền và giọng nói ấm áp của thầy…
Những năm sáu mươi của thế kỷ trước, sách vở, đồ dùng học tập của học sinh vô cùng thiếu thốn nếu không muốn nói là không có gì. Tôi chỉ có một cuốn sách giáo khoa cũ nát, hai quyển vở ô ly, cái bảng con bằng gỗ, vài mẩu phấn, cái bút sắt, lọ mực tím làm bằng lọ thuốc pê-ni-xi-lin. Chả mấy bạn trong lớp có cục tẩy, bút chì đen, hay bút chì xanh đỏ. Ai có một trong ba thứ ấy đã tha hồ lên nước.
Một hôm, Vân - bạn ngồi cùng bàn với tôi, vừa đến lớp đã khoe mới được chú tặng cho cái bút chì có gắn tẩy. Nét mặt Vân lúc đó vênh vang, trông rõ ghét. Giờ ra chơi, các bạn ra sân hết. Nhìn thấy cái bút chì của Vân trên bàn, tôi cầm lên xem rồi giấu vào đáy túi dết của mình. Đến giờ Chính tả, Vân tìm bút để tẩy chữ viết sai mới phát hiện ra bút bị mất, vội thưa với thầy Thái. Nét mặt thầy Thái đang vui bỗng lộ rõ vẻ cáu giận. Thầy nhìn cả lớp một lượt. Cả lớp im phăng phắc. Còn tôi thì sợ đến phát run. Tang vật vẫn còn trong túi dết, chỉ cần thầy ra lệnh khám là phát hiện ra ngay. Có mà giấu đằng trời. Nếu mà bị phát hiện lấy cắp, lại là lấy cắp của Vân thì xấu hổ lắm. Mặt mũi nào nhìn mọi người. Nhưng bỗng thầy Thái mở chiếc cặp da nâu của mình, lấy ra một cái bút chì cũng gắn cục tẩy đưa cho Vân, rồi tiếp tục bài dạy. Cả lớp xì xào nhưng thầy Thái chỉ nhắc giữ trật tự để học chứ không quát. Cuối buổi học, thầy mới nói: “Hôm nay thầy rất buồn vì việc xảy ra ở lớp mình. Bây giờ thầy khám chắc sẽ tìm được người lấy cái bút ngay. Nhưng cái bút là vật nhỏ, các em lại còn bé nên thầy không khám mà để cho em nào trót lấy, tự giác gặp riêng thầy. Thầy sẽ đợi”.
Tôi thở phào, thế là trót lọt. Lớp đông thế chắc gì thầy biết ai lấy cắp. Dại gì lại đến tự thú với thầy. Buổi tối hôm ấy, tôi đang làm bài tập Toán thì thầy Thái đến nhà tôi. Nhìn thấy thầy, tôi giật thót mình, lo lắng. Mắt nhìn sách nhưng tai lại dỏng về phía bàn uống nước nghe ngóng. Vẫn chỉ thấy thầy tươi cười trò chuyện với bố tôi. Khi nghe thầy khen tôi thông minh, học giỏi, tôi thở phào như vừa thoát chết. Chắc là thầy đi thăm các gia đình học sinh theo kế hoạch, chứ không phải là nghi ngờ tôi ăn cắp chiếc bút của Vân. Nói chuyện với bố mẹ tôi một lúc, thầy vào bàn học, đứng cạnh xem tôi giải bài hồi lâu và hỏi có chỗ nào chưa hiểu thầy sẽ giảng lại. Khi tôi làm xong bài tập, thầy lấy bút viết vào một tờ giấy bảo tôi đọc. Mắt tôi hoa lên khi đọc dòng chữ của thầy: “Sáng nay Lâm đã lấy cái bút chì của Vân phải không?”. Tôi ngồi im như phỗng nhưng trống ngực bắt đầu đập thình thịch. Thầy lại viết tiếp: “Lâm thích cái bút chì lắm phải không? Thầy cho em một cái nhé”. - Rồi thầy rút trong túi áo ra một cái bút chì có cục tẩy mới tinh đưa cho tôi. Tôi vẫn cố gắng giữ im lặng nhưng đã chực òa khóc. Thầy lại viết tiếp: “Thầy sẽ không nói cho các bạn và bố mẹ Lâm biết đâu. Dũng cảm lên, con trai kia mà!”.
Tôi không thể nào quên ánh mắt thầy lúc ấy, nó lạ lắm. Vẫn đầy vẻ thân thiện, khích lệ, chờ đợi, khiến tôi không thể im lặng. Tôi mở ngăn kéo bàn lấy cái bút chì của Vân đưa cho thầy và lý nhí xin lỗi. Thầy khẽ đặt tay lên vai tôi rồi nói chỉ vừa đủ cho tôi nghe: “Tốt lắm. Không có lần thứ hai nữa nhé. Bây giờ nghỉ đi, ngủ ngon để sáng mai còn đi học sớm”. Vậy là sự việc tôi lấy cắp chiếc bút chì của Vân chỉ có mình thầy Thái biết. Cái khoảnh khắc mà thầy đã quyết định không khám xét cả lớp và buổi tối ở nhà tôi hôm ấy vừa cứu tôi vừa cho tôi một bài học vô giá tới tận hôm nay.
Thấm thoắt đã hết hai tháng, cô giáo tôi hết kỳ nghỉ, thầy Thái chuyển đi trường khác, lúc chia tay, thầy âu yếm ôm tôi. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ cảm giác khi được thầy ôm. Khi tôi học cấp hai, chiến sự ở miền Nam diễn ra vô cùng ác liệt, thanh niên trong xã vừa đến tuổi 18 là lên đường ra trận hết. Yên Bái lúc đó kết nghĩa với Ninh Thuận, nên các đoàn quân Yên Bái đều mang tên Yên Ninh, vào chiến đấu ở chiến trường Ninh Thuận. Qua Yên Ninh 1 đến Yên Ninh 2, 3, 4. Tôi còn nhớ những lễ tiễn đưa tân binh lên đường, được tổ chức rất trang trọng và sôi nổi. Nhưng khi các đoàn quân lên đường rồi thì xóm, thôn, làng, bản nào cũng trở nên hụt hẫng.
Hôm làm lễ đưa tiễn tân binh Yên Ninh 4 lên đường, học sinh các trường cũng được nghỉ học để tham dự, vừa để cho đông đúc người đưa tiễn, vừa là một hình thức giáo dục thiếu nhi. Đến phần một tân binh thay mặt đoàn quân lên tuyên thệ dưới cờ, tôi nhận ra ngay người đó là thầy Thái. Thầy mặc bộ quân phục mới tinh, đứng nghiêm dưới cờ, đầu đội chiếc mũ cối mới, khẩu súng AK khoác chéo trước ngực. Giọng thầy hùng hồn, dõng dạc, đanh thép: “Thay mặt những người con Yên Bái thề chưa hết giặc chưa về quê hương”. Lời thầy vừa dứt, phía dưới sân cả mấy trăm người lính đều giơ cao súng, cùng hô vang “Xin thề! Xin thề! Xin thề!”. Tiếp theo là tiếng vỗ tay hoan hô như không muốn dứt của những người đưa tiễn. Tôi hãnh diện khoe với lũ bạn: “Anh bộ đội đứng tuyên thệ trên bục kia là thầy giáo dạy tao đấy”. Cả bọn nhìn lên thầy Thái trầm trồ, thán phục. Tuyên thệ xong, các tân binh theo khẩu lệnh xếp hàng lần lượt lên xe ô tô ngay. Người đưa tiễn chạy ùa đến bên hàng quân. Những cái bắt tay cuống quýt, những cái ôm hôn vội vàng, những lời dặn dò nghẹn ngào, những cái nhìn như nuốt lấy nhau, những dòng nước mắt cứ tự nhiên ứa ra lăn dài trên má… Tôi len lỏi lách qua biển người chạy đến với thầy Thái. Thầy đang nói gì với vợ, đôi mắt cô ấy đỏ hoe. Thấy tôi, thầy lại ôm tôi thật chặt và dặn: “Tích cực học tập nhé. Chúc em học giỏi, chăm ngoan, đạt được mơ ước của đời mình”. Tôi xúc động quá, nước mắt bỗng tràn ra, không biết nói gì chỉ ấp úng thưa “Vâng ạ!”. Khoảnh khắc ấy, thầy Thái là một người hùng trong tôi. Tôi đã cố gắng học tập, rèn luyện để xứng đáng với lời dặn dò của thầy. Ba năm cấp ba tôi đều là học sinh tiên tiến. Tuy mơ ước trở thành một kỹ sư xây dựng, nhưng thi tốt nghiệp vừa xong thì tôi có lệnh nhập ngũ. Rồi tôi vào chiến trường, chiến đấu cho đến ngày toàn thắng. Giữa những trận đánh ác liệt, hy sinh, khi không có tiếng súng, cánh lính trẻ chúng tôi thường kể cho nhau nghe những câu chuyện hậu phương cho đỡ nhớ quê hương và gia đình. Người kể về mẹ, người kể về bạn gái, còn tôi đã kể cho đồng đội nghe về thầy Thái và Vân - bạn gái của tôi.
Năm 1976, tôi được ra Bắc, chuyển ngành đi học, tôi quyết định và thi vào Đại học Sư phạm, một phần cũng vì những kỷ niệm với thầy Thái. Về quê, tôi tìm gặp thầy để chia vui thì nhận được tin rất buồn, thầy Thái đào ngũ, bị đưa vào đơn vị thu dung cải tạo lao động. Sau năm 1975, đơn vị thu dung giải tán nhưng thầy Thái không về quê, cũng không biết đã đi đâu. Người như thầy Thái mà cũng đào ngũ ư? Có thể tin được không? Cũng có thể lắm chứ. Đã ở chiến trường, đối mặt với bom đạn, đối mặt với cái chết, tôi rất hiểu chỉ một khoảnh khắc không vững vàng cũng có thể dẫn đến sự đào ngũ. Tôi rất muốn gặp thầy để tìm hiểu ngọn ngành nhưng hỏi thăm nhiều nơi vẫn không có tin tức gì. Nay mới tình cờ gặp lại trong một tình huống không thể ngờ.
Chủ nhật tuần ấy, tôi một mình trở lại nhà Huy. Khi đến nhà, hai mẹ con Huy đi nương, chỉ có bố Huy ở nhà trông em gái Huy. Tôi chủ động nói chắc như là đã biết hết mọi chuyện: “Hôm qua có nhiều người nên em cũng không tiện hỏi nhiều. Hôm nay, có một mình em thôi. Thầy Thái, thầy không nhận ra em ư? Hay là thầy không muốn nhận?”.
Tôi chưa nói hết câu, từ trong hai hốc mắt trũng sâu của bố Huy từ từ trào ra những dòng nước. Ông run run nói: “Tôi đúng là Thái, tôi cũng đã nhận ra em. Mừng cho em lắm. Còn chuyện về tôi dài lắm và cũng khó nói lắm, nói ra chỉ thêm đau lòng thôi”. Thế là bố Huy đã nhận mình là Thái. Nhưng nghe thầy nói, nhìn dòng nước mắt giàn giụa trên má thầy, tôi nghĩ chắc phải có điều gì đau xót lắm đã xảy ra. Sợ nếu cố đòi thầy phải kể ra mọi sự việc, nhất là những việc không hay cho người học trò cũ sẽ làm khó cho thầy, nên tôi nói: “Thầy ạ, dẫu có gì đi chăng nữa thì thầy vẫn là thầy giáo cũ của em. Thầy đã từng tha thứ khi em lấy cắp chiếc bút chì của bạn Vân, điều đó em không bao giờ quên. Vân bây giờ là bác sĩ, chúng em sắp tổ chức đám cưới...”. Thầy Thái vội cắt ngang lời tôi: “Mừng cho các em, nhưng cũng xin em đừng gọi tôi là thầy nữa, tôi không xứng đáng, vả lại tôi cũng không muốn mọi người ở đây biết tôi đã từng là thầy giáo”. Trông thầy Thái lúc đó tội nghiệp lắm, tôi đành hứa để thầy yên lòng. Khi tôi nói thầy hãy cho Huy đi học tiếp, nhà trường sẽ giúp đỡ em, thầy Thái lắc đầu, hồi lâu mới khẽ nói: “Em ạ, tôi cũng từng đi dạy học nên biết việc học quan trọng với đời người lắm nhưng ở vào hoàn cảnh gia đình tôi, chẳng giấu gì em, không chỉ khó khăn về kinh tế mà Huy có học hết cấp ba cũng chẳng đi đâu được vì cái lý lịch xấu xa của bố nó. Tôi đã phải bỏ quê sang đây cũng là muốn quên đi quá khứ đau xót…”.
Để thuyết phục tôi, thầy Thái đã kể lại chuyện đã xảy ra với thầy từ năm 1967. Sau lễ tiễn đưa ở sân vận động, Tiểu đoàn Yên Ninh 4 của thầy Thái sang huấn luyện ở Sư đoàn 304 đóng ở Thái Nguyên. Do yêu cầu bổ sung gấp quân số cho chiến trường B nên thời gian huấn luyện từ ba tháng rút xuống hai tháng. Bỏ qua nội dung điều lệnh đội ngũ, tân binh vào tập ngay bắn súng, ném lựu đạn, đánh bộc phá và các kỹ thuật vận động lăn, lê, bò toài, đi khom thấp, khom cao… Bắn kiểm tra bài 1 xong là lên đường ngay. Xe ô tô đổ quân xuống Quảng Bình, rồi hành quân bộ vượt Trường Sơn vào Nam. Thầy Thái nhiều tuổi nhất trung đội, lại đã lâu chỉ quen dạy học, ít lao động nặng nay phải luyện tập với cường độ cao, hành quân bộ nên xuống sức trông thấy. Nguyên việc mang vác quân tư trang, súng đạn, lương thực hơn ba chục cân trên lưng, đi bộ đường rừng mấy chục cây số mỗi ngày, ròng rã hàng tháng trời, chưa nói gì đến sự ác liệt của bom đạn đã là một thử thách lớn với sức người. Mệt quá, thầy xin Tiểu đội trưởng cho dừng nghỉ một lát thì bị phê bình: “Đồng chí chưa cố gắng, thiếu nghị lực. Phải đi bằng đầu chứ không chỉ bằng chân”. Vậy là lại cắn răng mà đi nhưng cố đến mấy thì cũng có khi lực bất tòng tâm, làm ảnh hưởng đến tốc độ hành quân của đơn vị. Bị nhắc nhở, mắng mỏ nhiều lần, có lúc nghĩ quẩn, thầy đã muốn tìm đến chuyện xấu nhất, vừa giải thoát cho mình, vừa đỡ vướng chân đồng đội.
Một lần, tiểu đội của thầy Thái được phân công theo giao liên đi lấy gạo cho đại đội. Kho gạo ở sâu trong rừng già, cách đường hành quân hàng chục cây số để máy bay địch khó phát hiện ra. Kho gạo giấu trong rừng đã từ lâu, mái lớp lá cọ rừng hay tăng bạt đã mục nát. Anh em phải cào lớp lá mục gỡ tấm bạt phủ bên trên, cạy phần mốc meo bên ngoài dày tới cả gang tay mới tới phần gạo ẩm bên dưới. Lúc về lọt vào ổ phục kích của thám báo địch. Địch nổ súng, nhưng hình như chúng muốn bắt sống chứ không tiêu diệt. Thấy lực lượng địch rất đông, để giữ bí mật cho cuộc hành quân của tiểu đoàn, Tiểu đội trưởng lệnh nhanh chóng rút chạy. Mọi người ai nấy đều chạy thục mạng vào rừng. Đang chạy, thầy Thái đập trán vào một thân cây lớn đổ ngang, đầu óc choáng váng, tê dại, đổ gục xuống, rồi cả người và ba lô gạo cứ thế trượt dài xuống một cái vực sâu. Không biết đã ngất đi bao lâu, tỉnh dậy không còn nghe thấy tiếng người, tiếng súng nào cả. Toàn thân đau ê ẩm, cố bám vào thân cây đu người dậy, chụm tay cất tiếng hú nhưng chỉ có âm thanh vọng lại của rừng già. Im ắng đến rợn người. Một mình loay hoay dưới vực giữa rừng sâu. Khẩu AK bị văng đâu mất. Cố hết sức bò ngược lên nhưng ba lô gạo nặng lại kéo tụt xuống, càng cố càng đuối, thầy đành cởi miệng ba lô, bốc gạo vào đầy hai túi quần còn thì vất bỏ. Loay hoay cả ngày mới bò lên đến miệng vực, tìm được đường rồi nhưng chẳng biết đi theo hướng nào. Đường Trường Sơn đâu phải một đường mà là cả mạng lưới phức tạp. Mỗi tuyến đều có tới hàng chục con đường ngang dọc chằng chịt, bí ẩn. Nếu không có giao liên dẫn nhất định sẽ bị lạc. Đến ngày thứ ba thì thấy một con đường hằn vết bánh xe ô tô còn mới. Hy vọng gặp đoàn xe nào đấy để hỏi thăm và đi nhờ. Ngồi đợi chừng hai tiếng, nghe thấy tiếng xe ô tô, thầy Thái cố nhỏm dậy bò hẳn ra đường vẫy tay. Xe dừng, người lái xe nhảy xuống đến bên. Thấy thầy Thái thều thào không thành tiếng, người lái xe hỏi: “Đồng chí ở đơn vị nào? Đi vào hay đi ra mà lại có một mình thế này?”.
Nghe hai tiếng “đi ra” của người lái xe hỏi bỗng như khơi dậy một cái gì đó ẩn sâu trong tiềm thức. Thầy Thái vội nói bừa: “Tôi trong đoàn thương binh ra Bắc nhưng bị phục kích, tan tác cả. Tôi bị lạc, nhịn đói mấy hôm rồi. Xe đồng chí có ra Bắc cho tôi đi với, nếu không tôi chết ở đây mất”.
Thấy thầy Thái yếu thật, người lái xe suy nghĩ một lát rồi hỏi: “Đồng chí ở tỉnh nào?”. Khi biết thầy Thái là người Yên Bái, anh ta bảo: “Tôi cũng người Yên Bái đây. Thôi được, cho đồng hương đi theo xe tôi. Nếu gặp được đoàn thì đồng hương nhập đoàn nếu không cho đồng hương ra tới Quảng Bình”.
Thầy Thái theo xe ra đến Quảng Bình, lại bắt xe ra Hà Nội, rồi đi tàu về Yên Bái. Thầy nghĩ về thăm nhà vài hôm cho lại sức rồi sẽ lên Sư đoàn bộ ở Thái Nguyên báo cáo. Tàu đến ga Yên Bái, lúc nửa đêm, cuốc bộ về đến nhà thì tang tảng sáng, thấy vợ đang hí húi tưới rau ngoài vườn, thầy Thái cất tiếng gọi.
Vợ thầy sững sờ, buông tay cho rơi chiếc thùng ô doa đựng đầy nước đánh bịch xuống đất, lao đến với chồng. Thầy Thái cũng hết cả mệt nhọc chạy ào đến với vợ. Hai vợ chồng chẳng kịp nói, hỏi nhau gì, cuống cuồng ôm nhau ngay giữa vườn rau, rồi bỗng nhiên vợ kéo chồng hớt hải chạy vào buồng, tới lúc tiếng kẻng hợp tác xã báo giờ đi làm buổi sáng vang lên lanh lảnh hai người mới buông nhau ra. Cài nốt chiếc cúc áo, vợ thầy chợt hỏi: “Sao anh lại được về thế? Đi B rồi cơ mà? Hay là anh đào ngũ?”. Thầy Thái kể lại sự việc. Người vợ hướng mắt ra ngoài cửa sổ hồi lâu, rồi bảo: “Thôi, đằng nào anh cũng đã về đến nhà rồi, tắm rửa, nghỉ ngơi đi. Để em đi nấu cơm cho anh ăn đã rồi tính”.
Từ lúc ấy, nét mặt vợ thầy có vẻ buồn buồn nhưng không hỏi, không nói gì thêm. Thầy ăn cơm xong đang định bảo vợ hôm nay ở nhà, thì vợ thầy nói: “Bây giờ anh cùng em lên Ủy ban xã báo cáo”. Thầy Thái ngạc nhiên hỏi: “Báo cáo gì cơ?”. Vợ thầy tỉnh khô: “Thì việc anh tự bỏ đơn vị về ấy”. Thầy Thái vội bảo, không phải báo cáo xã, nghỉ vài ngày rồi thầy sẽ lên Sư đoàn bộ báo cáo, nhưng vợ thầy kiên quyết: “Anh thông cảm, em giờ đang làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, nếu mọi người phát hiện ra em che giấu chồng đào ngũ thì còn lãnh đạo được ai. Trong xã nhiều chị em có chồng ngoài mặt trận lắm, họ nghĩ thế nào về em”. “Nhưng tôi có đào ngũ đâu? Chỉ là lạc đơn vị…”. “Nhưng anh không tìm đơn vị, lại quay ra Bắc, lại về nhà thế này chả là đào ngũ rồi còn gì?”.
Thầy Thái phân bua, giãi bày thế nào vợ thầy cũng không nghe, uất quá, thầy định khoác ba lô đi ngay. “Nhưng tối mới có tàu xuôi mà đi bây giờ sẽ có nhiều người nhìn thấy, thôi, anh tạm trốn trong buồng vậy, đợi tối hãy đi vậy”. Thấy vợ thầy bảo thế, thầy Thái vào trong buồng nằm nghỉ. Nhưng một tiếng sau, có hai anh dân quân xã đến bảo thầy đi cùng lên Huyện đội. Mọi sự thanh minh, rồi cả năn nỉ của thầy cũng không được chấp nhận. Huyện đội lại cử người áp giải thầy lên giao cho Tỉnh đội. Mọi sự trình bày, kể cả xin xỏ, thề, hứa, đều không thắng nổi cái lý: Tự ý bỏ chiến trường ra Bắc đã sai, ra đến Bắc lẽ ra phải lên đơn vị báo cáo ngay lại tự ý bỏ về nhà với vợ lại càng sai. Đích thị là đào ngũ. Rồi thầy được đưa vào đơn vị thu dung của tỉnh, nhưng chẳng mấy ai gọi bằng cái tên ấy mà đều gọi là “bọn B quay”. Ngày lao động, tối sinh hoạt, trước buổi sinh hoạt đều phải hô những câu mà không ai muốn. Thật là đau xót, nhục nhã vô chừng, nhất là với một người đã từng là thầy giáo. Đúng là, chỉ một khoảnh khắc sai lầm đã mất cả một cuộc đời.
Đơn vị thu dung tồn tại đến cuối năm 1975 thì giải thể, mọi người đều được trả về cho địa phương giáo dục tiếp. Thầy Thái vừa giận vợ, vừa nghĩ không còn mặt mũi nào nhìn người thân quen, đồng nghiệp, học trò nữa nên đã quyết định theo một người bạn cũng là lính thu dung sang Hà Giang, sau đó lập gia đình với chị họ của người bạn. Hai vợ chồng đưa nhau vào khai phá một thung lũng trong rừng sâu, sinh được Huy và một cô con gái kém Huy ba tuổi. Nhưng chỉ có Huy khỏe mạnh, còn cô con gái thì tật nguyền do ảnh hưởng chất độc da cam từ bố. Cuộc sống của gia đình thầy Thái cứ thế trôi đi trong lặng lẽ, đơn độc. Sức khỏe của thầy ngày một sa sút. Gánh nặng gia đình dồn tất lên đôi vai người vợ cũng chẳng được khỏe khoắn mấy. Cuộc sống ngày càng buồn tẻ và luôn bị mặc cảm khiến thầy Thái gần như cắt đứt mọi sự giao tiếp với xã hội. Tôi là người đầu tiên và duy nhất được thầy tâm sự, giãi bày về chuyện đào ngũ. Lòng tôi trĩu buồn, lại càng buồn hơn vì không thể làm gì để giúp thầy. Hết kỳ thực tập, tôi trở về Trường Sư phạm thi tốt nghiệp. Ra trường, được ưu tiên về dạy học ở thành phố quê nhà. Tôi có lên thăm thầy Thái vài lần, giúp thầy ít tiền dựng lại ngôi nhà. Cuộc sống của thầy và gia đình bớt khó khăn hơn nhưng nỗi đau xót, tủi nhục, mặc cảm thì không thể nào hết được. Mỗi lần lên thăm thầy, tôi đều khuyên thầy bớt mặc cảm và về thăm quê. Hòa bình lâu rồi, bây giờ mọi người đã gác lại quá khứ hướng tới tương lai. Ngay cả đối phương trước đây thì bây giờ cũng được coi là bạn. Chả lẽ thầy lại không được đối xử bằng thế. Tôi bảo vậy, thầy Thái xót xa nói: “Mình bị coi là kẻ đê hèn, phản bội, nhục lắm...”. - Khi nghe tôi thông báo thân sinh của thầy đã mất, thầy ngồi lặng đi như người vô hồn rồi tuôn rơi nước mắt, lát sau ngậm ngùi bảo: “Đành nhờ các bác bên ấy hương khói cho các cụ. Tôi là đứa con bất hiếu...”. Tuyệt nhiên, không bao giờ thầy hỏi về người vợ cũ nên tôi cũng không nói cho thầy biết cô ấy đã lập gia đình với một ông là cán bộ xã.
Mấy năm nay, bận việc nhà trường, tôi không lên thăm thầy được. Nhận được điện của Huy báo thầy đã mất, tôi và Vân vội thu xếp công việc để lên thắp cho thầy nén hương. Huy kể với tôi, lúc mất, thầy Thái không căn dặn gì, chỉ dằn dọc, vật vã như là chờ đợi điều gì. Đến khi mẹ Huy đặt tay lên ngực thầy thầm thì hồi lâu mắt thầy mới khép lại ra đi. Tôi hỏi vợ thầy khấn gì, cô bảo: “Tôi có khấn gì đâu, chỉ bảo, mình ơi, tôi hiểu mình mà, mình không phải là đào ngũ, không phải là phản bội, cứ thanh thản mà đi”.
Lúc ra ngoài mộ thầy, tôi thắp cả bó hương, rồi lầm rầm khấn: “Thầy Thái ơi, thầy vẫn là thầy giáo của em, thầy vẫn có những khoảnh khắc chói sáng trong em, chứ đâu chỉ có những khoảnh khắc sai lầm. Mà dẫu việc thầy về nhà đợt ấy là sai lầm đi chăng nữa thì bây giờ cũng đáng được tha thứ...”.
Tôi chưa khấn xong thì cả bó hương đã bốc cháy bùng bùng thành ngọn lửa. Trong ánh lửa hương tôi bỗng thấy hình ảnh thầy loang loáng hiện lên.
Yên Bái, 4-2010