Khoảnh khắc cuối cùng của chiến tranh
Năm 1972, chiến trường miền Nam đã lên đến đỉnh điểm của sự khốc liệt, cả hai phía đều thương vong nhiều, chỉ riêng việc giữ Thành cổ Quảng Trị mỗi ngày ta đã mất hơn một đại đội. Nhưng cũng chưa lúc nào tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến” và khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của dân tộc lại sôi sục đến thế. Thanh niên lớp lớp lên đường, sinh viên, học sinh các trường trung cấp, cao đẳng, đại học cũng “xếp bút nghiên” cầm súng ra trận. Ở tất cả các nhà trường đều dấy lên phong trào “Viết thư cho các chú bộ đội”. Mỗi ngày có tới hàng ngàn lá thư của học sinh từ hậu phương gửi ra tiền tuyến.
Tỉnh Yên Bái thành lập các tiểu đoàn mang phiên hiệu Yên Ninh, thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn, quyết tâm chia lửa với tỉnh Ninh Thuận kết nghĩa. Đâu đâu cũng vang lên tiếng hát Bài ca Yên Ninh: “Yên Ninh ra đi, băng qua rừng, suối sâu với đèo cao.../ Ta ra đi không ngại ngần vì miền Nam yêu thương, ta ra đi không ngại ngần vì Ninh Thuận mến yêu…”. Trong không khí ấy, Dũng và bốn bạn cùng lớp xung phong nhập ngũ. Vì đang học kỳ II lớp 10 nên tất cả được đặc cách tốt nghiệp trước khi lên đường. Sau ba tháng huấn luyện, bốn bạn và Dũng cùng Tiểu đoàn Yên Ninh vào chiến trường B, riêng Dũng được cử đi học lái xe, rồi được điều về Đoàn Vận tải 471, vận chuyển hàng từ Tổng kho Bố Trạch - Quảng Bình xuyên Trường Sơn vào tập kết ở Ngã ba Đông Dương. Từ đây vũ khí, lương thực, thuốc men, quân trang được chuyển tới mặt trận phía Nam. Con đường Trường Sơn được coi là động mạch chủ nối chiến trường với hậu phương. Các chiến sĩ lái xe Trường Sơn cũng được ví là những “phi công mặt đất”, luôn phải đấu trí, thi mưu với bọn giặc lái Mỹ trên trời muốn hủy diệt tuyến đường vận tải số 1 của ta.
Đang mùa khô, các xe tranh thủ chạy hết tầm. Lái xe chả mấy khi có mặt ở đơn vị nên thư của các cháu học sinh chuyển về khá nhiều cũng không có thời gian đọc. Trong một chuyến chở hàng, Dũng bị một mảnh bom chém xước bắp đùi. Vết thương không quá nặng nên anh xin điều trị tại đơn vị. Thấy vậy, Đại đội trưởng liền giao cho Dũng nhiệm vụ tranh thủ đọc thư các cháu học sinh, chọn cái nào hay thì đọc cho cả đơn vị nghe, nếu cần thì thay mặt đơn vị viết thư trả lời các cháu. Trong khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt ấy, có bức thư của một cháu học sinh lớp 7 tên là Hương, quê Yên Phong, Bắc Ninh, viết kín cả bốn trang giấy học sinh, lời lẽ tỏ ra khá chững chạc. Phần giới thiệu về mình, cháu nói tuy học lớp 7, nhưng vì đi học muộn nên cháu lớn nhất lớp, được cử làm lớp trưởng. Cháu còn bảo, biết các chú rất bận song nếu có thể thì viết thư trả lời cháu, lá thư của chiến sĩ từ mặt trận gửi về thiêng liêng lắm, ai nhận được cũng vô cùng sung sướng, tự hào, gìn giữ như một kỷ vật. Thấy Hương nói vậy, Dũng liền viết thư trả lời. Thế rồi thư đi, thư lại giữa hai chú cháu. Thư sau, Hương không gửi cho các chú bộ đội nói chung nữa mà trực tiếp cho Dũng. Ngoài lời thăm hỏi, động viên, Hương còn kể rất nhiều về làng Diềm của mình. Hương bảo, làng Diềm có Đền thờ Vua Bà, bà là công chúa Nhữ Nam, con Vua Hùng. Khi đến tuổi cập kê, bà vô cùng xinh đẹp, nết na nhưng không chịu lấy chồng mà xin vua cha cho đi chu du thiên hạ. Đến làng Diềm, thấy phong cảnh vừa hữu tình, vừa thanh bình bà ở lại, dạy dân làng trồng dâu nuôi tằm, xe tơ dệt vải. Vào những đêm trăng thanh gió mát, bà bày cho trai gái làng Diềm hát đối đáp do bà đặt lời. Đó chính là những làn điệu hát quan họ sau này. Khi bà mất, dân làng lập đền thờ, tôn bà là Thủy tổ quan họ. Năm nào làng Diềm cũng mở hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng, rước kiệu Vua Bà từ đền sang đình, rồi tổ chức hát quan họ sân đình vui lắm. Không biết từ bao giờ, làng Diềm có câu ca: “Thủy tổ quan họ làng ta/ Những lời ca xướng Vua Bà sinh ra/ Xưa nay nam nữ trẻ già/ Ai mà ca được ắt là hiển vinh”. Cho nên, ở làng Diềm, từ trẻ con, thanh niên nam nữ, đến các cụ bô lão ai cũng say hát quan họ. Hương cũng đã biết hát các bài “Mười nhớ”, “Mời trầu”, “Trăng thanh gió mát”, “Vào chùa”…
Còn thư Dũng, lại kể về những chuyến xe xuyên Trường Sơn, về nỗi nhớ bố mẹ, nhớ các em, nhớ các bạn cùng lớp. Dũng cũng kể cho Hương về cái làng nhỏ Vũ Linh, ven hồ Thác Bà của mình. Những buổi sáng, trời còn tinh sương, từng đoàn thuyền đánh tôm, đánh cá đêm ngoài hồ lại nối đuôi nhau cập bến làng ven…
Cứ vậy, những bức thư Hương gửi Dũng ngày càng dài hơn, lời lẽ cũng người lớn dần lên. Dũng cũng chủ động viết thư cho Hương, chứ không đợi nhận được thư Hương mới viết trả lời. Đến lá thư Dũng nhận được vào tháng 5 năm 1974, Hương tâm sự, học xong lớp 7 sẽ không đi học cấp III mà xin vào bộ đội. Hương còn nói đùa, sắp trở thành đồng đội với chú rồi nên xin phép không gọi là chú nữa mà gọi là anh thôi. Vào bộ đội, thể nào Hương cũng xin đi chiến trường, hẹn gặp Dũng ở Trường Sơn. Khi ấy Hương sẽ dành cho Dũng một điều bất ngờ đặc biệt. Trong thư Hương còn viết một bài thơ đặt tên là “Gửi anh chiến sĩ lái xe Trường Sơn”. Đọc xong lá thư, Dũng thấy lòng mình xốn xang thổn thức khác thường. Dũng cũng đã nhận thấy những thay đổi trong Hương, thấy tình cảm Hương dành cho mình không còn sự vô tư hồn nhiên của một cháu học sinh với chú bộ đội nữa… Những điều ấy Dũng giấu kín, chỉ có bài thơ là đọc cho cả đại đội cùng nghe. Anh em nghe xong vỗ tay rào rào tán thưởng, bắt Dũng đọc chậm từng câu, rồi mỗi người mỗi ý tham góp sửa chữa những câu từ, hình ảnh chưa thật chuẩn với thực tế chiến trường nhưng vẫn giữ cái ý, cái tình của cô gái hậu phương tha thiết, hồn nhiên gửi chiến sĩ lái xe Trường Sơn:
Viết thư cho em anh báo tin rằng
Con đường Trường Sơn mùa này đẹp lắm
Em thì nghĩ chắc là anh rất bận
Suốt đêm ngày xe anh cứ băng băng
Con suối mùa mưa nước lũ lên nhanh
Con đường mùa khô bụi mù trọng điểm
Nhưng chẳng nơi nào xe anh không đến
Và tháng ngày kháng chiến lại dài thêm
Viết thư cho em đừng lo em buồn
Xe hỏng trên đường là em giận đấy
Nghe anh bảo đơn vị toàn xe mới
Em đoán thể nào xe anh cũng xanh hơn
Tính tháng, tính ngày yêu anh, yêu thêm
Yêu con đường, yêu chiếc xe anh lái
Anh đừng cười thì em mới nói
Những đêm dài là đêm em nhớ anh
Em biết các anh lái xe Trường Sơn
Địch công kích vẫn không rời tay lái
Nên ở nơi xa có người vẫn đợi
Và cũng thèm tay lái giống như anh
Em thấy đoàn xe anh đi thâu đêm
Xuyên rừng Trường Sơn tiến về thành phố
Nhất định xe anh đi đầu anh nhỉ
Có lá cờ phấp phới hướng tương lai.
Không ngờ bài thơ có sức lan tỏa rất lớn. Cả đại đội ai cũng thuộc, thỉnh thoảng lại ngẫu hứng nghêu ngao đọc. Buổi sinh hoạt đại đội nào cũng có người xin ngâm bài thơ. Thắng, quê Thái Bình, hát chèo rất hay còn chuyển bài thơ sang điệu chèo rồi giả giọng gái hát. Thấy vậy, Chính trị viên đại đội đã chuyển bài thơ cho Đội Văn nghệ xung kích 27 (tiền thân của Đoàn Văn công Trường Sơn) xem xét để biểu diễn. Bài thơ được nghệ sĩ Hồng Lới thể hiện rất ngọt ngào tình cảm, trở thành một tiết mục “đinh” của đêm diễn.
Lá thư và bài thơ này, Hương đề ngày 1 tháng 12 năm 1973, khi Dũng nhận được thư đã là tháng 5 năm 1974, năm học đã kết thúc. Có thể Hương đã vào bộ đội rồi. Dũng mong nhận được thư Hương, để biết đơn vị của Hương. Một sự mong đợi khác hẳn với những lần chờ thư trước đây. Không biết điều bất ngờ, đặc biệt mà Hương nói sẽ là gì nhỉ? Có phải đó là tình yêu của Hương dành cho Dũng? Dũng chưa yêu ai, chưa bao giờ có cảm giác hồi hộp nghẹt thở đến như vậy. Giữa bom đạn ác liệt của chiến trường, những chuyến xe trắng đêm gối nhau, cái chết luôn rình rập với người chiến sĩ lái xe Trường Sơn, vậy mà một câu nói nửa chừng của cô gái chưa một lần gặp gỡ đã làm cho Dũng xao xuyến đến vậy? Đã làm cho Dũng chờ đợi, mong ngóng, cảm thấy một ngày dài như một năm đến vậy? Sự chờ đợi kéo dài đến hai tháng, Dũng mới nhận được thư Hương báo tin đã nhập ngũ, được cử đi học lớp báo vụ, khi có hòm thư sẽ viết thư ngay cho Dũng ngay. Trong thư này, Hương gửi kèm tấm ảnh mặc quân phục mới tinh, đầu đội mũ mềm, tóc tết thành hai dải đuôi sam thả buông trước ngực, mặt sau tấm ảnh ghi dòng chữ: “Thân yêu tặng anh”. Hương bảo đợi phát quân phục mới chụp ảnh gửi Dũng, để chứng tỏ Hương đã vào bộ đội và khi gặp nhau Dũng dễ nhận ra Hương. Quả là Hương đã lớn và rất xinh đẹp, không còn dáng vẻ của cô học sinh lớp 7. Hương cười rất tươi và hồn nhiên chứ không cười gượng, càng làm đôi lúm đồng tiền tròn sâu trên má. Dũng đã ngắm bức ảnh Hương hàng giờ vẫn không chán mắt, dẫu chỉ có một mình giữa đại ngàn Trường Sơn mà tim Dũng vẫn đập thình thịch. Trở về lán, Dũng quyết định viết một bức thư tỏ tình sẵn, khi có hòm thư của Hương sẽ gửi đi ngay, kẻo lúc đó lại có công việc gì không có thời gian viết. Nhưng rồi một tháng, hai tháng, ba tháng trôi qua vẫn không có thư Hương. Càng mong thư cháy lòng thì càng vô vọng. Lẽ nào Hương bận đến mức không có thời gian viết thư cho Dũng? Điều gì đã xảy ra với Hương? Hay là Hương đã có người khác? Hay thư Hương không tới được Dũng. Từ Bắc vào Nam thư phải đi vòng vèo, có khi qua cả nước bạn Lào hay Cam-pu-chia, vào Nam Bộ rồi mới vòng ra miền Trung, nên thư bị thất lạc là thường tình. Có trường hợp xe chở thư bị trúng bom cháy hết thư. Luôn trong trạng thái thấp thỏm chờ mong, gặp đoàn quân nào vào Nam, Dũng cũng hỏi có người Bắc Ninh không? Hình ảnh Hương luôn hiện hữu trong đầu Dũng. Lúc rỗi Dũng lại mang những bức thư cũ của Hương ra đọc, rồi viết thư cho Hương. Đã có tới 10 lá thư Dũng viết, cất kín dưới đáy ba lô chờ ngày gửi đi.
Cuối tháng 3 năm 1975, Dũng được phân công chở thương binh từ Tây Nguyên ra Bắc điều trị. Bàn giao thương binh ở Viện Quân y 108 xong, được thủ trưởng cho nghỉ một buổi chiều, Dũng xin phép tranh thủ lên Bắc Ninh. Tìm làng Diềm và nhà Hương không khó. Đến đầu làng đã có người biết cô Hương con anh Hai Thìn và lên xe đưa Dũng đến tận nhà. Trên đường về nhà Hương, Dũng đã suy tính mãi nên giới thiệu thế nào về sự xuất hiện của mình. Cuối cùng thì Dũng chọn sự thật. Quả không có gì tốt hơn là nói thật những gì đã xảy ra giữa Dũng và Hương. Chính điều ấy đã làm bố mẹ Hương rất cảm động, coi Dũng như con. Lúc này Dũng mới biết Hương đang ở mặt trận Tây Nguyên. Cũng đã lâu gia đình không nhận được thư Hương nên rất lo, sợ có điều gì đã xảy ra với Hương. Lúc chia tay, bố Hương dặn đi dặn lại Dũng, vào trong đó cố gắng tìm gặp em nó, nếu gặp thì bảo cứ yên tâm chiến đấu nhưng phải biên thư về nhà cho bố mẹ yên tâm. Còn mẹ Hương đưa cho Dũng một túi to bồ kết, bà rơm rớm nước mắt bảo Dũng: “Cháu cố tìm cái Hương đưa cho nó, tóc nó dài lắm, quen gội bồ kết từ bé rồi, ở chiến trường làm gì có bồ kết mà gội. - Lặng yên một lúc rồi bà nói tiếp - Nhưng nếu không gặp được cái Hương thì cứ đưa cho cô bộ đội nào cũng được cháu ạ. Càng nghĩ càng thương chúng nó quá…”.
Chia tay gia đình Hương, Dũng đi thẳng vào Nam, đi cả đêm lẫn ngày, chỉ dừng xe để ăn lương khô. Dũng muốn vào thật nhanh để tìm gặp Hương. Nhưng vừa về đến đơn vị thì được lệnh tiểu đoàn xe của Dũng phải cơ động ngay xuống Nha Trang làm nhiệm vụ chuyển quân. Sư đoàn 10 sau khi giải phóng Nha Trang, Cam Ranh đang đóng quân ở đó. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 nhận thấy con đường tiến về Sài Gòn theo hai hướng từ Tây Nguyên và từ ven biển Trung Bộ đã rộng mở, quyết định tăng cường cho Sư đoàn 10 một trung đoàn bộ binh, một trung đoàn đặc công, một trung đoàn cao xạ, hai tiểu đoàn xe tăng, một tiểu đoàn pháo 155ly, một trung đội A72 và lệnh cho sư đoàn nhanh chóng cơ động vào miền Đông Nam Bộ tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Lúc này, không thể hành quân bộ như ngày ở rừng, nên khó khăn lớn nhất với sư đoàn là thiếu phương tiện chở quân. Được tăng cường xe của Đoàn vận tải, dùng cả xe thu được của địch vẫn chưa đủ, sư đoàn đã làm việc với Ủy ban quân quản thị xã Nha Trang, Cam Ranh vận động nhân dân có xe giúp bộ đội chuyển quân.
Đoàn xe Dũng xuống đến Nha Trang vào trưa ngày 9 tháng 4, đúng sau một tuần Nha Trang được giải phóng. Khắp các đường phố, ngõ hẻm, nhà dân, đâu đâu cũng có cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng tung bay. Đại đội xe của Dũng được lệnh tập kết tại quân trường Đồng Đế (nay là doanh trại của Trường Sĩ quan Thông tin) ta mới chiếm được của địch. Trung đoàn 24 và Tiểu đoàn Thông tin 26 của Sư đoàn đang đóng quân ở đó. Một sự may mắn ngẫu nhiên, vì Hương cũng là lính thông tin của Sư đoàn 10, chắc chắn Hương đang ở đây. Lòng đầy khấp khởi và hồi hộp, Dũng đã mường tượng ra giây phút gặp Hương. Chắc là Hương sẽ rất bất ngờ. Sẽ càng bất ngờ hơn khi Dũng đưa túi bồ kết mẹ Hương gửi cho con gái. Nhất định chiều nay sẽ xin phép thủ trưởng đưa Hương đi dạo biển Nha Trang… Vừa xuống xe, Dũng đã chạy đi tìm Tiểu đoàn thông tin hỏi thăm. Người chiến sĩ gác khi nghe Dũng hỏi về Hương bỗng giật mình, bối rối, định nói điều gì đó xong anh lại thôi và lặng lẽ dẫn Dũng lên gặp Ban chỉ huy Tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng nghe Dũng trình bày, nét mặt ông đầy căng thẳng, im lặng hồi lâu rồi hỏi về quan hệ của Dũng với Hương. Nghe Dũng nói là người nhà của Hương, Tiểu đoàn trưởng hướng mắt ra phía biển, tránh cái nhìn của Dũng, khẽ nói: “Đúng là đồng chí Hương quê Bắc Ninh ở tiểu đoàn này. Nhưng giờ Hương không có mặt ở đơn vị. Hương đang thực hiện một nhiệm vụ quan trọng trên sư đoàn bộ. Mà đồng chí cũng phải chuẩn bị xe để sáng mai chúng ta lên đường sớm. Thôi, để đến ngày chiến thắng…”.
Nghe nói vậy, cộng với thái độ, cử chỉ của Tiểu đoàn trưởng, Dũng có cảm giác ông đang giấu Dũng điều gì đó. Hương đã gặp một sự cố nào chăng? Hương bị thương nặng? Hay là Hương... Càng nghĩ, Dũng càng thấy lòng mình bất an, rối bời. Không giấu nữa, Dũng kể toàn bộ sự thật về quan hệ của mình với Hương, cả việc mới về thăm gia đình Hương, túi bồ kết mẹ Hương gửi cho con gái... Nghe Dũng nói, Tiểu đoàn trưởng lặng người đi, đăm chiêu hồi lâu, rồi ông chuyển cách xưng hô, giọng thân tình như một người anh an ủi, căn dặn đứa em trai: “Anh hiểu, anh hiểu rồi… anh sẽ dẫn em đến gặp Hương. Song dẫu thế nào thì em cũng cần biết là cuộc chiến đấu của chúng ta vẫn còn tiếp diễn. Bằng giá nào, chúng ta cũng phải đánh cho đến ngày kẻ địch đầu hàng…”.
Rồi Tiểu đoàn trưởng bảo Dũng đánh xe dọc bờ biển ra hướng đường 1, đến chân đèo Rù Rì, ông mới nói trong nước mắt: “Em ạ! Hương đang ở đây. Hương đã hy sinh vào đúng ngày ta giải phóng Nha Trang. Vì những diễn biến của cuộc chiến đấu và yêu cầu nhiệm vụ nên chưa làm giấy báo tử Hương về gia đình”. - Nắm tay Dũng đi đến bên nấm mộ được trồng kín bằng cây muống biển đang trổ hoa. Nhìn chăm chắm những bông hoa vẫn còn tươi màu hồng tím khẽ lay trong gió, tiểu đoàn trưởng thầm thì: “Hương ơi! Dũng đến thăm em đây này. Em sống khôn, thác thiêng, phù hộ cho Dũng, cho các anh chiến thắng kẻ thù…”.
Dũng ngồi thụp xuống bên nấm mộ, cắn môi đến bật máu. Trái tim Dũng bỗng như có bàn tay nào cào xé khiến nó tê dại. Không ngờ, kết thúc sự quen biết Hương, một sự quen biết mà Dũng đã coi là định mệnh, là vô cùng may mắn với mình lại như thế này đây! Thay cho cô gái trẻ trung, mặc quân phục, đầu đội mũ mềm, tóc tết thành hai dải đuôi sam thả buông trước ngực, khuôn mặt có đôi lúm đồng tiền rất sâu và nụ cười rạng ngời mà Dũng đã ao ước gặp là một nấm mồ câm lặng. Đau xót quá. Điều ấy lại xảy ra vào đúng ngày thành phố biển này kết thúc chiến tranh. Còn gì đau xót hơn thế nữa. Dù đã chứng kiến bao nhiêu sự hy sinh, dù đã chôn cất cho bao nhiêu đồng đội, cũng đau xót lắm nhưng chưa bao giờ Dũng thấy bất ngờ, choáng váng, buốt nhói, tê dại như lúc này. Tiểu đoàn trưởng ngồi xuống bên Dũng, tay đặt vào mộ Hương, giọng nghẹn ngào: “Em ạ! Đêm giải phóng đầu tiên, dân kéo đến xem bộ đội Giải phóng rất đông. Tiểu đoàn phải cử một số đồng chí ra gặp gỡ, trò chuyện với dân, trong đó có Hương. Một bà má già cứ ôm chặt Hương, khen con gái miền Bắc đẹp quá. Bà hỏi thăm quê Hương. Biết Hương là con gái Kinh Bắc, bà bảo: Má cũng người Kinh Bắc, vào đây từ năm năm tư. Đã lâu lắm rồi, má không được nghe dân ca quan họ. Nhớ quá. Con có thể hát cho má nghe một bài được không? - Thấy ánh mắt của má nhìn mình như muốn khóc, vậy là Hương đứng dậy hát bài “Mười nhớ”. Không có thể ngờ cô nữ bộ đội Giải phóng lại hát hay và cảm xúc đến thế: “Một em nhớ đôi ta chung tình/ Hai em nhớ yểu điệu/ Ba em nhớ tiếng nói/ Bốn em nhớ tới người Đồng Xuân…”. Cả đám người lặng đi. Bỗng có hai tiếng nổ liên tiếp từ phía tòa nhà đối diện bên kia đường. Hương đổ gục ngay xuống vì viên đạn của kẻ bắn lén. Đồng đội vội bế Hương vào trong nhà cấp cứu. Đám đông la hét, tán loạn, một số người chạy sang căn nhà đối diện tìm kẻ bắn lén. Đã tìm được nó, đó là một tên lính dù bị thương chắc không chạy kịp theo tàn quân đã lẩn trốn trong gác xép. Bắn Hương xong nó cũng tự sát luôn. Còn Hương, vết thương quá nặng nên không qua khỏi. Đơn vị mai táng Hương tại chân đèo Rù Rì này. Hôm đưa tang, bà con nhân dân đến đưa đông lắm. Ai cũng nghẹn ngào không cầm nổi nước mắt em ạ. Anh biết em đau xót lắm nhưng có cuộc chiến đấu nào lại không phải đổ máu, không phải hy sinh. Em hãy cứng rắn lên để còn trả thù cho Hương…”.
Dũng lặng lẽ đứng dậy, ra xe ấy túi bồ kết mẹ Hương gửi cho con gái, tay run run đặt từng quả một lên mộ Hương. Rồi Dũng dang rộng đôi cánh tay ôm ngôi mộ, mặt úp xuống, nước mắt cứ tự nhiên tràn ra, từng giọt rỏ xuống thấm vào lòng đất, tiếng Dũng nghẹn ngào: “Hương ơi! Anh đã đến bên em. Chúng mình đã gặp nhau. Em mãi mãi là đồng đội, là người anh yêu …”. Dũng chưa nói hết, bỗng một cơn gió từ phía biển thổi thốc vào chân đèo. Cây cối đổ rạp, nghiêng ngả. Từ trong các bụi cây, tiếng chim rù rì đồng loạt rúc lên những tiếng “rù…rù… rì…rì…” nghe thật thảm thiết. Dưới biển, tiếng sóng vỗ bờ dội cũng lên ì ầm không dứt. Hồi lâu, Tiểu đoàn trưởng mới khẽ bảo: “Thôi về đi em. Dưới đó chắc là Hương cũng hiểu tấm lòng của em rồi. Hương không muốn em buồn bã thế đâu. Không được gục ngã lúc này. Chưa hết những hy sinh đâu. Sẽ còn nhiều đồng chí chúng ta phải hy sinh, có thể là ngay vào giờ, phút chúng ta chiến thắng như Hương …”.
Trời nhập nhoạng tối, Dũng mới đứng dậy cùng Tiểu đoàn trưởng ra xe. Trước khi đóng cánh cửa xe, Dũng còn quay lại nhìn nấm mộ Hương lần nữa. Đêm ấy đơn vị kiểm kê quân tư trang của Hương để làm thủ tục bàn giao cho Ban Chính sách. Ngoài quần áo, vật dụng cá nhân, còn có một cuốn sổ chép các bài dân ca quan họ và một hộp sắt nhỏ đựng toàn thư. Thư của bố, của em gái Hương, của Dũng và còn có 10 lá thư Hương viết cho Dũng nhưng không gửi. Thật là một sự trùng hợp, Dũng cũng có 10 lá thư chưa gửi được cho Hương. Lúc này Dũng mới biết vì làm công tác cơ yếu, nên từ khi Quân đoàn mở chiến dịch, để bảo đảm bí mật tuyệt đối, Hương đã phải chấp hành quy định không được viết thư cho gia đình và bè bạn. Bao nhiêu nỗi nhớ thương, những điều tâm sự với Dũng, Hương đã phải gửi gắm vào những lá thư không gửi này. Giờ đọc những bức thư ấy, trái tim Dũng lại một lần nữa như bị cắt xé. Ấp cả xấp thư vào ngực, Dũng xin với các thủ trưởng cho được cất giữ nó suốt cuộc đời…
Ngay sáng hôm sau, ngày 10 tháng Tư, Sư đoàn 10 xuất phát theo trục đường 450 nhằm hướng Nam thẳng tiến. Đội hình xe, pháo của sư đoàn dài hàng cây số. Một cuộc hành quân lớn nhất, thần tốc nhất của sư đoàn diễn ra dưới những làn bom đạn đánh chặn ác liệt của địch. Đường 450 trở thành tọa độ lửa nhưng đoàn xe hàng trăm chiếc chở đầy bộ đội và súng đạn, lương thực vẫn hùng dũng lao lên phía trước. Ngày 22 tháng Tư, toàn sư đoàn đã đến địa điểm tập kết tại khu rừng cao su Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một. Ngày 27 tháng Tư, dưới sự dẫn đường của các chiến sĩ biệt động thành, sư đoàn chia làm nhiều mũi, đánh chiếm Củ Chi, Cầu Bông, Hóc Môn, ngã ba Bà Quẹo, quân trường Quang Trung… 7 giờ 15 phút, ngày 30 tháng Tư, các trận địa pháo của sư đoàn đồng loạt khai hỏa, nã đạn vào các mục tiêu quân sự của địch. Ngay sau đó toàn đội hình sư đoàn xuất kích theo nhiều hướng tiến vào nội đô. Đoàn xe Dũng chở các chiến sĩ Trung đoàn 24, theo quốc lộ 22, tiến vào Sài Gòn theo hướng Tây Bắc. Đây là nơi dày đặc căn cứ quân sự của địch: sân bay Tân Sơn Nhất, bộ tổng tham mưu, Bộ tư lệnh dù, bộ tư lệnh không quân, căn cứ Hoàng Hoa Thám của sư đoàn dù bảo vệ sân bay… Ngã tư Bảy Hiền, là chốt chặn cuối cùng của địch ngăn ta tiến công Sài Gòn từ hướng Tây Bắc. Tại đây, địch đã tăng cường một tiểu đoàn dù cùng lực lượng của biệt khu thủ đô và chi đội xe tăng M-41, M-48. Cuộc chiến đấu tại Ngã tư Bảy Hiền diễn ra vô cùng ác liệt. Xe tăng M-41, M-48 của địch phục ở các ngõ hẻm, khúc cua, thình lình nhả đạn vào xe tăng và đội hình tiến quân của ta. Trên các ô cửa sổ, sân thượng nhà cao tầng, tháp nước, các loại vũ khí chống tăng và súng bộ binh của địch cũng bắn như đổ đạn. Trên trời, một phi đội A-37, cất cánh từ sân bay Trà Nóc, Cần Thơ thay nhau ném bom vào đội hình quân ta. Đã có ba xe tăng T-54 của ta bị bắn cháy ngay tại đầu ngã tư cùng rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh. Quân địch cũng chết rất nhiều. Ta và địch vẫn quyết liệt giành nhau từng ngôi nhà, ngõ phố, đầu hẻm. Bỗng một chiếc tăng T-54 của ta như con mãnh hổ chồm lên mũi chiếc xe tăng M-48 của địch. Xe địch hoảng loạn, lùi vào mặt tiền của một ngôi nhà bên đường làm căn nhà đổ ụp. Một khối lớn gạch, bê tông của căn nhà đè lên chiếc xe tăng địch. Bọn lính hoảng loạn, bỏ xe, vứt súng tháo chạy thoát thân. Thừa thắng, bộ đội ta ào lên chiếm lĩnh ngã tư. Cánh cửa phía Tây Bắc Sài Gòn đã mở toang, những đoàn quân của ta vượt qua ngã tư, rầm rập tiến vào nội đô, chiếm lĩnh các mục tiêu trọng yếu của địch. Đúng 9 giờ 45 phút, Trung đoàn 24 cùng xe tăng chia thành hai mũi đánh vào Tân Sơn Nhất. Đến 11 giờ, đã chiếm bộ tư lệnh dù, Bộ tư lệnh không quân, Trại Đa-vít, bắt sống 3 tên đại tá ngụy. Con đại bàng đúc bằng đồng, sải cánh dài hai mét, biểu tượng sức mạnh không lực quân đội Sài Gòn giữa sân Bộ tư lệnh không quân của chúng bị trúng đạn, đầu gục xuống thảm hại. Quân ta lại ào ra đường, tiến về phía Dinh Độc Lập như lũ cuốn. Xe Dũng rồ máy, tăng tốc. Bỗng một ánh chớp lóe lên, kèm theo tiếng nổ đinh tai. Một quả đạn cối 82 ly không biết từ đâu bay tới. Chiếc xe Zin ba cầu của Dũng chở đầy bộ đội bùng cháy như một bó đuốc lớn… Lúc ấy là 11 giờ 5 phút, chỉ hơn 20 phút sau lá cờ Giải phóng đã được Đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận cắm trên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, nhiều máu và nước mắt nhất trong lịch sử dân tộc.
Yên Bái, tháng 10-2013