Được giao nhiệm vụ tìm người đặt rèn mã tấu để chuẩn bị cho việc thành lập đội du kích Pú Gia Lan, Hoan báo cáo với anh Sinh, ngoài Bảo Hà chỉ có lò rèn lão Cúc có thể rèn được mã tấu. Lão có nghề rèn gia truyền. Theo lão kể, ông nội của lão đã từng lên Yên Thế rèn đao, kiếm, mã tấu cho nghĩa quân cụ Đề Thám. Khi khởi nghĩa của cụ Đề thoái trào, ông lão đưa cả nhà chạy về Sơn Tây, chuyên rèn dao, kéo nổi tiếng khắp vùng. Vì bất mãn với bố mà lão phiêu bạt lên đất Bảo Hà này. Lão Cúc cũng ghét bọn Tây, Nhật lắm. Chưa bao giờ thấy lão gọi là ông Tây, ông Nhật mà chỉ gọi là “thằng” hay “bọn chó chết”.
Có hai điều Hoan băn khoăn, cũng là cái khó cho anh nếu đặt vấn đề với lão Cúc. Thứ nhất, vì thấy Hoan có vài lần lên đồn Bảo Hà, lão nghĩ Hoan làm Việt gian nên rất căm ghét anh. Thứ hai là lão Cúc nghiện rượu, lão uống rượu thay nước, sợ lúc say lão không giữ được bí mật.
Bàn đi tính lại, cuối cùng hai anh em vẫn quyết định chọn lò rèn lão Cúc. Bước đầu Hoan phải tìm cách tiếp cận, lấy lại tình cảm của lão. Sau đó đặt vấn đề mua mã tấu để bán lại cho các phường săn trong Văn Bàn kiếm lãi. Nếu lão Cúc vẫn không đồng ý mới phải nói thật.
Thống nhất kế hoạch xong, Hoan trở về Bảo Hà ngay. Đến nhà, Hoan sang ngay lò rèn lão Cúc. Bố con lão đang cởi trần kéo bễ, quai búa chí chát. Hoan đến bên lão Cúc chào rõ to rồi đứng cạnh hồi lâu. Lão Cúc vẫn coi như không hay biết gì. Hoan liền cởi phăng áo, chạy ra chỗ thằng con lão Cúc, giằng lấy búa, rồi chẳng nói chẳng rằng, cứ thế hùng hục quai búa xuống đe. Tay lão Cúc đang giữ thanh sắt đầu nung đỏ đặt trên đe, lão không thể bỏ đấy đứng dậy. Hoan vẫn dồn hết lực quai búa xuống. Chẳng ai nói với ai câu nào, cứ như là thi gan với nhau. Mồ hôi bắt đầu túa ra ròng ròng, chảy cả vào mắt, vào mũi, vào mồm, Hoan cũng mặc kệ. Lão Cúc vẫn không nói gì, nhưng lão cũng không đuổi Hoan. Chứng tỏ là lão chưa ghét Hoan đến mức lấy lá lót tay dắt ra ngoài. Mãi đến khi thanh sắt đã được đàn ra thành cái lưỡi cuốc, lão Cúc mới hất hàm nói một câu cụt lủn: “Thôi!”.
Hoan cũng bỏ búa vào ngồi cạnh lão Cúc, không nói, không rằng. Lão Cúc vớ chai rượu tu một hơi dài, đánh mắt sang Hoan, giơ chai rượu ra. Hoan liền cầm chai rượu, cũng ngửa cổ tu một hơi, dẫu biết là thể nào cũng sẽ bị say. Đây là lần đầu tiên Hoan liều mạng tu một hơi rượu dài đến như thế. Lão Cúc thấy thế buông một câu gọn lỏn:
- Giỏi! Được! Cần gì?
Chỉ đợi có thế Hoan vội ghé vào tai lão Cúc nói nhỏ:
- Dạ thưa bác, có người trong Văn Bàn đặt cháu mua một số mã tấu, trả giá cao. Cháu muốn đặt bác.
Lão Cúc hỏi cụt lủn:
- Ai?
Hoan nói nhỏ:
- Người trong Văn Bàn ạ, họ đặt cháu mà. Họ nói chỉ mua hàng của lò rèn nhà bác thôi.
Lão Cúc gắt lên:
- Nhưng mà tao phải biết là bán cho ai? Chả lẽ quân ăn cướp, quân thổ phỉ đặt tao cũng làm à? Hay là bọn tổng đoàn, bang tá, thống lý…?
Hoan vẫn thủng thẳng:
- Cháu chắc chắn họ không phải là kẻ cướp, thổ phỉ, cũng không phải tổng đoàn, bang tá, thống lý, bọn ấy thiếu gì súng Tây…
Lão Cúc nhìn thẳng vào mặt Hoan hỏi:
- Vậy thì là ai? Việt Minh à? Hay là mày định lừa tao rồi báo quan đồn là tao rèn mã tấu cho Việt Minh để bắt tao?
Hoan vẫn không thay đổi sắc mặt, bảo:
- Không phải thế đâu, bác nghĩ thế oan cho cháu quá. Vậy nói thật với bác nhé, đấy là phường săn trong Văn Bàn đặt cháu.
Lão Cúc phảy tay đứng dậy, vắt áo lên vai, điệu bộ bực tức:
- Phường săn thì cần súng chứ cần gì mã tấu. Thôi nhé, không có rèn, đúc gì cả. Về đi, khỏi ngứa mắt tao. Mày không về, tao đi!
Thấy lão Cúc định bỏ đi thật. Hoan nghĩ nhanh: Nếu bây giờ không giữ được lão thì sau càng khó gặp, khó nói. Không thể chần chừ được nữa, Hoan vội cầm tay lão Cúc giữ lại, mắt nhìn thẳng vào lão, không chút bối rối, nói nhỏ nhưng rành rọt, rõ từng chữ:
- Thôi vậy, cháu cũng không giấu bác nữa. Là cháu đặt rèn mã tấu cho Việt Minh trong Văn Bàn đấy, để họ chuẩn bị thành lập các đội du kích vũ trang đánh Tây. Vì thiếu súng nên phải dùng cả mã tấu. Cấp trên bảo cháu đặt bác. Bác giúp cháu là giúp cho Việt Minh, giúp cho cách mạng…
- Việt Minh! - Lão Cúc há hốc miệng, sững sờ nhìn Hoan trân trân, buông tay rơi cả cái khăn mặt đang cầm. - Mày nói sao, Việt Minh á? Đúng thế không? - Rồi lão hất hàm hỏi: - Mày làm Việt Minh sao còn lên đồn gặp quan Tây? Bộ mày coi tao là con nít à mà nói thế?
Hoan vội ghé vào tai lão Cúc, nói vừa đủ cho lão nghe:
- Nếu bác không tin, cháu sẽ dẫn bác đi Văn Bàn gặp các anh Việt Minh. Nói thật, cháu biết từ lâu, bác và bà con xóm Chợ thấy cháu hay lên đồn, nghi cháu là Việt gian. Con cháu chết không ai đến thăm hỏi cũng vì sự nghi kỵ ấy. Nhưng đấy là nhiệm vụ Việt Minh giao. Cháu phải kiếm cớ lên đồn là để nắm tình hình bọn Tây ở đồn Bảo Hà báo cho Việt Minh. Còn thằng Tây đồn thấy cháu mang hàng đi Văn Bàn bán, cũng muốn cháu do thám tình hình Văn Bàn báo cho nó. Cháu đã báo cáo cấp trên và được cấp trên đồng ý, giả vờ cung cấp tin làm sao đánh lừa được thằng Tây đồn và có lợi cho ta. Việc quan trọng, nguy hiểm chết người, không thể tiết lộ nên cháu phải cắn răng chịu đựng. Bây giờ tình thế rất khẩn trương. Dẫu biết nói ra nếu Tây biết cháu sẽ bị chết nhưng vì nhiệm vụ, vì tin bác nên cháu nói.
Giọng Hoan bỗng nghẹn lại, đôi mắt đỏ hoe, rân rấn nước. Lão Cúc nhìn Hoan hồi lâu rồi hạ giọng, thủng thẳng:
- Thôi được! Tao là thằng thợ rèn, ai đặt mua hàng, trả giá cao thì tao làm, tao bán. - Lão cố làm giọng tỉnh bơ, bất cần. Cái tính lão thế. Có biết Hoan làm Việt Minh thật, lão cũng phải tỏ vẻ giận dỗi, bất cần cái đã. Lão tức Hoan. Việc lớn như thế mà không cho lão biết, đã thế trước đây lão hỏi vào Văn Bàn có gặp Việt Minh thì bảo là không. Thế là không tin lão, là coi thường lão. Bây giờ cần mới tìm thì lão phải làm cho nhớ đời. Song lão cũng thấy mừng, thấy thương Hoan, thấy có lỗi với Hoan. Áy náy lắm nhưng chưa hết sĩ diện nên lão chỉ hất hàm hỏi: - Thế họ cần bao nhiêu? Bao giờ lấy? Làm sao mà chuyển vào trong ấy được?
Hoan mừng như bắt được vàng, vội nói:
- Dạ, được khoảng bốn, năm chục thanh thì tốt, càng nhanh càng tốt ạ. Cháu chỉ lo chuyển qua sông, sang Tân An sẽ có người của Việt Minh Văn Bàn ra nhận trực tiếp. Cái khó là phải làm sao che mắt được bọn lính đồn…
Lão Cúc nghe nói có Việt Minh ra nhận trực tiếp thì hồ hởi bảo:
- Thôi được để tao tính, mày cứ về nhà đi, tối tao sang.
Hoan chần chừ nhưng cuối cùng vẫn phải bảo với lão Cúc:
- Dạ thưa bác, thế còn giá cả…
Lão Cúc trợn mắt, nếu Hoan không ra hiệu nói nhỏ thì lão đã quát tướng lên:
- Thế mày nghĩ tao làm thuê cho Việt Minh à? Mày coi thường lão Cúc này quá thể rồi đấy!
Hoan luống cuống:
- Dạ cháu xin lỗi, chả là anh… các anh dặn hỏi. Vậy cháu sẽ báo cáo lại là bác Cúc ủng hộ.
Rồi Hoan chào, xin phép về trước. Anh cố tình bước chậm và giữ khuôn mặt bình thản khi ra khỏi lò rèn lão Cúc, thực ra trong lòng Hoan đang như mở cờ. Không ngờ mọi việc lại diễn ra nhanh chóng, thuận lợi đến thế. Thế mà cứ lo mãi. Bây giờ Hoan mới thấy đói cồn cào, từ sáng đến giờ đã ăn uống gì đâu.
Tối ấy, lão Cúc sang nhà Hoan. Hoan rót nước mời nhưng lão kéo anh ra sau nhà hỏi ngay:
- Thế đánh được hàng rồi mày định cất ở đâu?
Hoan bảo:
- Cứ giấu ở nhà cháu ạ, đủ chuyến thì mang đi.
- Không được, để nhà mày gần đường dễ lộ, vả lại từ đây ra bến đò khá xa, một lúc mang ngần ấy hàng đi dễ lộ lắm.
- Thế bác bảo làm thế nào?
Lão Cúc hạ giọng thì thào:
- Tao nghĩ rồi, ý tao là giấu ngoài đền Ông Bảy. Chỗ ấy chúng nó ít ngờ tới, lại sát với sông, cập thuyền vào là chuyển hàng xuống ngay được.
Hoan tỏ ra băn khoăn:
- Nhưng mà liệu cụ Từ thủ nhang, lão Xá quét đền có cho giấu ở đền không?
Lão Cúc mắng Hoan theo kiểu mắng yêu:
- Mày ngu lắm, phải có cách chứ. Việc ấy cứ để tao lo cho.
Nói rồi lão Cúc vội về nhà xách hai chai rượu ra đền ngay. Trong đền đèn nhang sáng trưng. Lão Cúc mò xuống nhà ngang, chỗ lão Xá, chuyên quét tước dọn dẹp nhà đền ở. Lão Xá và cụ Từ thủ nhang đang ăn cơm. Lão Cúc đánh tiếng rõ to:
- Chào cụ Từ, ông Xá!
Hai ông Từ, Xá cũng ngẩng đầu, reo lên:
- Ồ! Ông phó Cúc đấy à! Hôm nay lạ thế, ra đền chơi kia à?
Lão Cúc hỉ hả:
- Vâng hôm nay chẳng có ai uống rượu cùng, chán quá, Cúc tôi mang rượu ra đây cùng uống với cụ và ông cho vui.
Lão Xá, kéo ghế mời vui vẻ:
- Ông vẽ chuyện quá, rượu nhà đền thiếu gì, mà toàn là rượu lộc Ngài cho cả, chỉ tội không có ai uống cùng. Hôm nay có ông Cúc ra đây phải uống cho đã nhé. Không say không về!
Lão Cúc vào mâm ngay. Rượu được rót đầy ra ba cái chén vại sành. Ba cái đầu bạc chụm vào nhau, rồi lại ngả ra cùng “khà” lên một tiếng. Cứ thế không biết bao nhiêu lần. Chừng đã đến độ, giọng lão Xá nhão nhoẹt, líu cả lưỡi:
- Ông Cúc này, không có chuyện bỗng dưng ông lại ra đền uống rượu với tụi tôi. Ông vẫn coi khinh bọn tôi lắm mà. Tôi hỏi thật nhá, ông có việc gì phải không?
Lão Cúc cũng giọng ngà ngà, nói kiểu nước đôi:
- Vâng, chẳng giấu gì cụ và ông, quả là có việc thật, thì Cúc tôi mới dám đến quấy quả nhà đền chứ. Chả là dạo này hàng hóa ngoài chợ ế ẩm quá, chẳng có mấy khách đến mua. Nay có người trong Văn Bàn đặt tôi mấy loại hàng, tôi muốn phiền hai cụ, đánh được xong cho tôi gửi ngoài đền để họ đến lấy cho tiện. Không biết ý các cụ thế nào?
- Đồ rèn thì có gì phải giấu giếm? Có phải hàng quốc cấm đâu mà vụng trộm thế. Nhà đền không chứa đồ vụng trộm, ông biết không? - Lão Xá có vẻ lên nước. Lão Cúc đã thấy he mũi, nóng mặt. Mẹ khỉ! Cái lão quét đền này là cái thá gì mà lên nước với cả với lão. Đã thế thì nói toạc móng heo cho lão ta biết mặt:
- Vâng còn hơn cả hàng quốc cấm đấy các ông ạ. Cúc tôi thẳng tính, cứ nói luôn, thế này nhé: Hàng tôi làm đận này toàn là mã tấu, tôi rèn ủng hộ cho Việt Minh Văn Bàn đánh Tây đấy. Các ông có cho gửi không thì bảo tôi một tiếng, để tôi nói lại với các anh Việt Minh. - Nói xong mặt lão Cúc bỗng vênh vênh.
Lão Xá giật mình, run tay, chén rượu trên tay sánh hết cả ra ngoài. Lão Cúc thấy thế liền bảo:
- Có gì mà sợ đến thế ông Xá? Sợ Việt Minh hay sợ Việt gian? Tè ra quần rồi phải không?
Lão Xá vẫn lập bập nói:
- Việt Minh à? Thế ông không sợ chúng tôi báo quan Tây đồn à?
Mặt lão Cúc càng vênh vênh:
- Rèn vũ khí cho Việt Minh tôi còn chẳng sợ thì sợ đếch gì việc các cụ đi báo thằng Tây đồn. Cái chính là tôi tin các cụ, cùng cảnh áo cộc với nhau, mình lại làm việc nghĩa khí để đánh lại bọn áp bức bóc lột chứ có làm gì thất đức gì đâu mà sợ.
Cụ Từ thủ nhang ngồi yên nghe, giờ mới hỏi ông Cúc:
- Thế ông Cúc đã gặp Việt Minh rồi à?
Lão Cúc nói ngay:
- Gặp rồi, Việt Minh bí mật ra tận Bảo Hà tìm tôi. Việt Minh cũng giống chúng ta thôi, nhưng họ đánh Tây cướp nước, bọn Việt gian bán nước. Nay họ cần vũ khí để lập đội du kích đánh Tây, đánh Việt gian lẽ nào ta không giúp. Không giúp hóa ra mình theo Tây, mình là Việt gian à, hả cụ Từ, ông Xá?
Lão Xá lúc này mới hạ giọng nói:
- Nói thực với ông Cúc, chúng tôi cũng nghe tin Việt Minh đã về tới Văn Bàn từ lâu, cũng muốn ủng hộ Việt Minh lắm, nhưng nghĩ họ cần gì đến mấy lão già chuyên cúng bái, quét dọn nhà đền như bọn tôi. Nay ông đã nói thế thì chúng tôi sẽ giúp, nhưng khi nào Việt Minh về phải cho chúng tôi gặp đấy. Phải không hả cụ Từ?
Lão Cúc nhanh nhảu:
- Tất nhiên rồi, nhưng muốn họ gặp thì cũng phải có cái gì làm tin cho họ chứ. Việc các ông cho tôi gửi vũ khí cho Việt Minh chính là điều để Việt Minh tin tưởng ở các ông, tin nhà đền đấy. Việc gặp Việt Minh cứ để tôi lo, thể nào Việt Minh chả ra đây chuyển mã tấu về Văn Bàn.
Cụ Từ suy nghĩ một lúc rồi chậm rãi bảo ông Cúc:
- Thôi được, chúng tôi đồng ý, dưng mà ông Cúc cũng nói với cô Đồng The một tiếng, để hàng ở đền không qua mắt cô Đồng được đâu. Mà cô Đồng The là hợp “căn” với Đức ông Hoàng Bảy lắm. Ta nên cho cả cô ấy cùng tham gia thì công việc sẽ hanh thông hơn.
Nghe cụ Từ nhắc tới cô Đồng The Bảo Hà, lão Cúc mới chợt nhớ ra ở đền còn có cô ta nữa. Lão cũng nghe vợ nói loáng thoáng là cô Đồng này tên là The, nghe đâu quê ở tận Hà Nội. Một lần lên lễ đền, cô The ngồi hầu đồng ông Hoàng Bảy. Khi tiếng đàn nguyệt, trống ban, hát văn nổi lên, người hầu mặc áo lam thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ, đầu đội khăn xếp có thắt dây lam, cài chiếc kim lệch màu ngọc thạch, nhún nhẩy theo điệu nhạc. Được một lúc ông Hoàng Bảy về nhập vào người hầu, tấu hương, khai quang rồi cầm đôi hèo, điệu bộ cưỡi ngựa đi chấm đồng. Lướt qua mọi người ngồi chung quanh một lượt, bỗng ông ném cây hèo vào người cô The. Lúc ấy tiếng đàn nguyệt, trống ban, phách, cảnh thanh la cũng nổi lên dồn dập, tưng bừng, cùng với tiếng reo hò của cả đám đông: “Ông Bảy chấm đồng rồi! Ông Bảy chấm đồng rồi!”.
Vậy là từ buổi ấy, cô The ở lại nhà đền, không màng tới chuyện gia đình chồng con gì nữa. Cô vừa hầu đồng, vừa coi sóc việc khêu đèn, lên nhang của nhà đền. Mọi người không ai gọi tên cúng cơm của cô nữa mà đều gọi cô là cô Đồng Bảo Hà. Ở đất Bảo Hà này nhiều người mê xem cô The lên đồng lắm. Lúc ấy cô múa hát, phi ngựa, đánh trận y chang như thật. Riêng lão Cúc, vốn đã không thích mấy trò đồng cốt, lại thêm thấy cô Đồng The, đỏng đà đỏng đảnh, giai chẳng ra giai, gái chẳng ra gái, lão càng ghét tệ. Nay phải nhờ vả cô Đồng The, lão cũng thấy ngài ngại. Lão nghĩ, cái loại suốt ngày cứ nhảy tưng tưng như bị ma nhập thế thì biết gì đến Việt Minh, biết gì đến cách mạng mà bảo cô ta tham gia…
Lão Cúc vẫn đang suy tính nên nói với cô Đồng The thế nào thì chợt nghe tiếng lão Xá reo lên:
- Cô Đồng xuống kia kìa ông Cúc. Vừa nhắc xong thì cô ấy đã đến.
Cô Đồng nhìn ba người ngồi uống rượu thì nhoẻn cười chào. Lão Cúc vẫn ngồi im, khiến lão Xá phải giục:
- Kìa ông Cúc, có nhời với cô Đồng đi chứ.
Lão Cúc đành phải lên tiếng:
- Chả là Cúc tôi có chút việc muốn nhờ cụ Từ, cụ Xá với cả cô Đồng…
Lão chưa nói hết câu, thì cô Đồng đã cắt ngang:
- Việc gì thế ạ, chẳng bao giờ thấy anh Cúc nhờ nhà đền, nếu cụ Từ, ông Xá đồng ý rồi thì em cũng đồng ý mà.
Lão Cúc thấy thế dấn luôn:
- Việc khó cô cũng giúp tôi chứ?
Cô Đồng õng ẹo nói:
- Anh Cúc mà nhờ, việc gì em cũng giúp, trừ những việc gian tà, thất đức. Đức ông Hoàng Bảy quật cho chết tươi ngay đấy!
Lão Cúc chẳng cần đo trước sau, nói thẳng toẹt luôn:
- Vậy tôi nói luôn nhé. Tôi rèn mã tấu cho Việt Minh Văn Bàn đánh Tây, muốn gửi nhà đền để Việt Minh Văn Bàn đến lấy cho tiện, cô thấy thế nào? Cụ Từ, ông Xá đây đã đồng ý cả rồi. Còn cô Đồng có sợ bọn Tây với lũ Việt gian không? Có cho tôi gửi hàng không thì bảo.
Cô Đồng cũng khảng khái nói luôn:
- Tây đồn với Việt gian thì em biết rồi, em không sợ, nhưng Việt Minh thì em chưa rõ lắm, em chỉ sợ Đức Ông, Ngài quở mắng thôi.
Lão Cúc liền bảo:
- Việt Minh là người yêu nước, đánh Tây, đánh lũ Việt gian bán nước để dân nghèo ta thoát đời nô lệ, hết khổ nhục, hết sưu cao thuế nặng, hết chết đói đầy đường, đầy chợ. Tôi nghe nói Đức Ông Hoàng Bảy là người hảo hán, giang hồ, ngang tàng, chọc trời, khuấy nước có sợ chi ai, lẽ nào Đức Ông lại sợ bọn Tây, bọn Việt gian, quở phạt con cháu thời nay đánh Tây, đánh Việt gian. Cô nghĩ thế có phải không?
Cô Đồng bỗng giãy nảy lên như đỉa phải vôi, lên giọng bảo:
- Anh Cúc nói thế là sai hết cả rồi, là chưa biết về Đức ông Hoàng Bảy rồi. Nói thế Ngài quở đấy. Để em nói cho mà nghe này. Đức Ông không phải là hảo hán, giang hồ, lục lâm thảo khấu mà là người anh hùng cứu nước. Ông được vua Lê cử đem quân lên mạn ngược chặn giặc phương Bắc sang xâm lấn nước ta. Sau khi dẹp tan lũ giặc ở nơi biên thùy, ông rút quân về Bảo Hà, rồi vời dân các mường, các bản về xây dựng Bảo Hà thành nơi dân cư đông đúc, phồn thịnh. Khi nghe tin báo, giặc phương Bắc đem quân sang quấy nhiễu nơi biên ải, Đức Ông lại cầm gươm ra trận giết giặc quên mình. Ngài bị giặc sát hại. Thân xác Ngài trôi về đúng đất Bảo Hà, thì dừng lại. Dân vớt lên mai táng, lập đền thờ tại chính nơi đây. Đức Ông hiển thánh, phù hộ cho con cháu muôn đời. Anh Cúc nghe đây này - nói rồi cô Đồng lấy giọng hát một đoạn trong giá hầu:
… Sử còn chép Bảo Hà thắng tích Ông Hoàng Bảy đích thực trung quân. Tiếng thơm để khắp trần gian
Cương thường dựng nước ra công diệt thù…
Lão Cúc ngồi ngẩn tò te nghe cô Đồng hát văn hầu. Quả là những điều này bây giờ lão mới biết. Mà cái con mẹ đồng bóng này biết đủ điều, nói năng cũng đâu vào đấy, hát cũng hay đáo để. Nhưng xem nó có vẻ kênh kiệu, coi mình chẳng khác nào cua trong hang, ếch đáy giếng. Lão Cúc lại thấy he he mũi. Nhưng lão nghĩ, mình lại đang cần nó giúp nên gãi đầu, gãi tai, khen:
- Cô Đồng nói hay mà hát cũng hay đáo để. Cúc tôi bây giờ rõ rồi. Xin bái phục cô. Vậy cô có giúp tôi không?
Cô Đồng thấy lão Cúc khen thì hả lòng hả dạ lắm, liền bảo:
- Thôi được, em cũng đồng ý nhưng phải để em làm cái lễ xin Ngài cái đã. Xem Ngài có cho làm thế không, đây là dinh của Ngài mà. Bây giờ mọi người theo em lên đền.
Lên đền, cô Đồng đặt lễ vào ban thờ Đức Ông, lên hương, rồi quỳ gối, hai tay chắp trước ngực. Lão Cúc, cụ Từ, lão Xá ngồi sau thành hàng ngang. Cô Đồng quay lại bảo:
- Anh Cúc ngồi dịch lên, ngang với em, việc này là của anh mà, em chỉ thay anh xin Ngài. - Rồi cô dặn - Khi tôi khấn, mọi người phải chăm chú nhìn lên ban thờ và nghĩ về Ngài chứ không được nghĩ lung tung đâu nhé.
Lão Cúc luống cuống dịch người lên gần sát với cô Đồng. Cô Đồng cúi vái ba vái, rồi chắp tay trước ngực, mắt chăm chăm nhìn lên tượng Đức Ông, khấn dẻo quẹo:
- Con lạy Đức ông Hoàng Bảy! Con lạy Mẫu Thượng Thiên cai quản miền trời… Chúng con xin Đức Ông cho chúng con được cất giấu vũ khí làm cho Việt Minh tại nhà đền, để vũ khí tới tay người hiền tài, anh hùng đánh giặc cứu dân, cứu nước...
Nói rồi cô Đồng cầm hai đồng tiền chinh, thả xuống chiếc đĩa sứ. Một tiếng “Choeng” sắc, gọn vang lên, hai đồng chinh quay tròn một hồi rồi đổ xuống đáy đĩa. Cô đồng nhìn rồi reo lên:
- Ngài cho rồi, đây này, đồng sấp, đồng ngửa. Một quẻ được nhất âm, nhất dương ngay. Đúng là Ngài đồng ý, Ngài thương, Ngài phù rồi. Anh Cúc, các ông vái đi, vái đi nào. Theo em mà vái.
Lão Cúc tuy không quen với cúng bái, vái lạy nhưng lời khấn của cô Đồng với không khí ở nhà đền lúc này khiến lão cũng thấy rất trọng đại, thiêng liêng. Lão nhìn tượng Đức Ông, rồi vái theo cô Đồng. Vái xong lão cũng thấy vững lòng vững dạ hơn. Lão liền về gọi cửa, báo ngay cho Hoan biết đã hoàn thành nhiệm vụ. Nghe lão Cúc nói, Hoan thấy nhẹ cả người. Suốt từ chập tối đến giờ Hoan nghĩ nát nước cũng chưa ra cách gì giấu mã tấu. Nay thì ổn, quá ổn rồi. Hoan thầm phục lão Cúc. Không ngờ chính người đã đến tận nhà chửi anh, làm anh lo ngại, lại là người giúp anh tận tình, hiệu quả nhất. Hoan cũng không ngờ cụ Từ thủ nhang, lão Xá quét đền, cô Đồng The, những người anh luôn nghĩ là mê tín dị đoan, u mê, đồng bóng, quan tâm gì đến thế sự, đến chính trị lại nhiệt tình, sẵn lòng ủng hộ giúp đỡ cách mạng, giúp đỡ Việt Minh vô tư đến như vậy. Càng nghĩ Hoan càng thấm thía lời anh Sinh nói về sức mạnh của quần chúng. Nếu không có quần chúng ủng hộ, ta sẽ không thể làm cách mạng được. Quần chúng muôn màu muôn vẻ, có phần tích cực, có phần hạn chế, người cách mạng phải biết phát huy những mặt tích cực của họ, đừng quá thành kiến với những hạn chế, tiêu cực. Tập hợp họ lại thì sẽ được một sức mạnh vô biên, không vũ khí, súng đạn nào bằng được. Kẻ thù sẽ phải thua chúng ta vì chúng không có được sức mạnh vô biên ấy dù vũ khí của chúng có tối tân, hiện đại đến bao nhiêu chăng nữa…
Thế là ngay hôm sau, một đường dây sản xuất, vận chuyển, cất giấu vũ khí ở xóm Chợ Bảo Hà đã được hình thành. Ngoài sự tham gia của lão Cúc, cụ Từ, lão Xá, cô Đồng sau còn thêm lão Bân quét chợ, cô Thình bánh cuốn, ông đò Tân An nữa. Mỗi ngày lão Cúc tranh thủ lúc tảng sáng hay nhập nhoạng tối rèn được ba thanh mã tấu. Được cái nào lão vùi giấu ngay trong đống than nhà lão và nhà cô Thình. Buổi tối lão Bân quét chợ lấy giẻ rách bọc mã tấu, cho vào cái rọ lợn vác đi. Chẳng ai thèm để ý tới lão Bân quét chợ, đầu trọc lốc, áo quần toàn mùi rác chợ, mà có để ý thì cũng nghĩ là lão vác xác lợn, gà, ngan, vịt chết đem ra sông vứt. Mã tấu lão Bân mang ra, được cụ Từ, ông Xá giấu vào ngay trong Cung Cấm. Cung này ở tận trong cùng, mỗi năm chỉ mở một lần mà cũng chỉ người nhà đền mới được vào trong cung để thắp hương. Nếu đã vào thì dù biết những gì trong Cung Cấm cũng không được kể, được nói cho ai biết. Phải sống để dạ, chết mang đi.
Mọi việc được tiến hành cẩn thận, kín đáo là thế, vậy mà hình như thằng Cai Cung đánh hơi thấy hay sao mà một hôm nó dẫn cả tiểu đội lính khố xanh ra đền, ngó ngó nghiêng nghiêng rồi nói là có người báo nhà đền cất giấu thuốc phiện. Nó đòi khám xét, cụ Từ khăng khăng nói là chỉ có người đi lễ mang chút thuốc đến lễ ông Hoàng Bảy chứ không có việc cất giấu thuốc phiện trong đền. Cả lão Xá, cô Đồng thề sống thề chết. Cai Cung bỏ ngoài tai hết. Chúng khám nhà sắp lễ, nhà ở của cụ Từ, ông Xá, buồng cô Đồng không thấy gì. Cai Cung bắt khám cả các ban thờ cũng không có gì hết. Bực quá, nó đòi mở cửa khám Cung Cấm. Cô Đồng bảo, chỉ có người nhà đền và cũng chỉ vào hội chính là ngày giỗ ông Hoàng Bảy 17 tháng 7 âm lịch mới được mở cửa Cung Cấm. Nhưng Cai Cung vẫn không nghe. Nước cùng, cô Đồng dọa:
- Nếu ông cứ liều mà vào là Ngài quật cho chết tươi, đừng trách là tôi không bảo trước.
Cai Cung vẫn đùng đùng bắt lão Xá mở khóa rồi tự mình đẩy cửa xông vào. Vừa mới bước được một chân qua ngưỡng cửa Cung, tự nhiên mắt Cai Cung trợn ngược, sùi bọt mép rồi giãy đành đạch. Bọn lính hoảng quá không dám vào, cầm chân Cai Cung lôi ra ngoài. Cai Cung được cõng ra đến cổng đền thì hộc máu như bị cắt tiết, chết ngay. Cái chết của Cai Cung gây ra sự bàn tán, xôn xao. Có người bảo là Cai Cung dám báng bổ Đức Ông nên Ngài quật cho chết tươi, có người lại bảo vì Cai Cung độc ác quá nên bị quả báo. Lão Cúc thì xì xào vào tai Hoan: “Có khi lão Xá gài chai đựng hơi độc trong Cung Cấm, nếu mở cửa không đúng cách thì nắp chai bật, hơi độc thoát ra làm chết người”. Chẳng biết hư thực thế nào nhưng từ đấy chẳng thằng lính, thằng cai, thằng đội nào dám bén mảng đến nhà đền nữa.
Hơn tháng sau, mã tấu đã được rèn xong, chuyển ra hết ngoài đền. Tất cả được 55 thanh, vượt cả số lượng Hoan nhờ ông Cúc làm. Mã tấu của ông Cúc rèn sống dày, lưỡi bản rộng, độ cong vừa phải như kiểu đại đao, dài chừng 80 phân nên dễ sử dụng ở địa hình rừng núi, phù hợp với chiến đấu kiểu du kích, khi cần thiết có thể dùng thay dao, rìu để đốn chặt cây. Đúng là không hổ danh cháu nội của người rèn mã tấu cho nghĩa quân cụ Đề. Ngoài số mã tấu ông Cúc rèn, còn có 10 quả lựu đạn và 50 viên đạn súng trường, cô Thình đổi bánh cuốn cho bọn lính trên đồn. Tất cả đã sẵn sàng, chỉ còn đợi người trong Văn Bàn ra lấy.
Đêm cuối năm, vào lúc canh hai, trời lạnh buốt, bãi sông dọc núi Cấm vắng lặng như tờ, nghe rõ tiếng dơi đập cánh trên những tán lá nhãn dọc bờ sông, tiếng cá mương quẫy ở đầu ghềnh đá. Bố con ông Đò Tân An cho đò cập bến Đền. Trên bờ, Hoan, lão Cúc, lão Bân, cụ Từ, lão Xá, cả cô Đồng nhanh chóng xếp thành dây, chuyển hàng xuống thuyền. Lão Cúc đứng ở đầu, tiếp đó là cô Đồng, rồi đến cụ Từ, lão Xá, Hoan đứng cuối, tận dưới thuyền cùng ông Đò xếp mã tấu vào khoang. Cô Đồng ngày thường õng à õng ẹo thế mà khi vào việc trọng bỗng khác hẳn, tay cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt. Xem ra cô có vẻ thích lão lò rèn, cứ kiếm cớ đứng gần lão. Những lúc có lão Cúc bên cạnh quả là trông cô Đồng tươi trẻ hơn, ra dáng đàn bà, con gái hơn. Lão Cúc dạo này cũng không khích bác, coi thường cô Đồng nữa, thỉnh thoảng còn buông mấy câu ỡm ờ trêu ghẹo làm cô Đồng thẹn đỏ cả mặt.
Hàng đã chuyển hết xuống thuyền, bố con ông Đò lấy những bó lá dong để sẵn trên thuyền xếp chồng lên cao có ngọn như các thuyền chở thuê lá dong qua sông cho thương lái. Mọi người cùng xuống thuyền sang bên chuyển hàng lên bờ cho nhanh. Ở bến Tân An lúc này các nhà làm hàng ăn, hàng xáo ở dãy phố bến đò đã dậy nổi lửa làm hàng. Bố con ông Đò đánh ngược thuyền lên tận Khe Tép, chỗ bãi sậy um tùm ven sông. Anh Sinh lội ra tận nơi thuyền đậu bắt tay từng người. Trong đêm tối không ai nhìn rõ mặt ai chỉ nhận nhau qua hơi ấm bàn tay. Hàng nhanh chóng được chuyển lên bờ. Một đội ngựa đợi xếp hàng lên yên thồ xong là xuất phát. Đoàn ngựa đã lên đường, anh Sinh nán lại sau bắt tay từng người lần nữa, nói nhỏ, nhưng rõ ràng. Anh thay mặt cách mạng, cảm ơn sự giúp đỡ của đồng bào Bảo Hà và tuyên bố thành lập Tổ Việt Minh xóm Chợ Bảo Hà, gồm có lão Cúc, cụ Từ, lão Xá, lão Bân, cô Đồng, bố con ông Đò do Hoan làm tổ trưởng. Tuyên bố xong anh Sinh xòe lòng bàn tay mình ra. Hoan đặt bàn tay mình vào bàn tay anh, tiếp đó là tay lão Cúc, lão Từ, lão Xá, lão Bân, cô Đồng, bố con ông Đò đặt chồng lên nhau thay cho lời thề trung thành với cách mạng, sống chết có nhau. Anh Sinh lên ngựa. Bố con ông đò cũng nhổ neo cho thuyền sang sông. Đò cập bến đền, tất cả mọi người lên nhà lão Xá. Lão đã ủ một nồi khoai luộc trong bếp để bồi dưỡng. Cũng là bữa tiệc ăn mừng ngày ra đời của Tổ Việt Minh Bảo Hà. Mọi người cùng ăn khoai, uống nước chè vui vẻ. Cô Đồng bảo:
- Đấy, các bác thấy có thiêng không! Em cúng Ngài, xin âm dương một quẻ được ngay nên công việc thật hanh thông. Ngài phù cho anh em chúng mình, phù cho Việt Minh đấy. Sáng mai em sẽ làm cái lễ tạ Ngài tử tế các anh ạ.
Nghe cô Đồng nói thế, không ai bảo ai, mọi người cùng nhìn cả về đền Đức Ông Hoàng Bảy - Thần Vệ quốc. Chắc Ngài vui lòng lắm khi thấy lớp hậu sinh Bảo Hà đã không làm hổ danh Ngài.
Trời đã tang tảng sáng. Dưới sông đàn cá măng đi ăn lúc rạng đông quẫy nước ùm ùm mọi người mới chia tay nhau. Sáng ra mỗi người lại mỗi việc khác nhau. Lão Cúc lại ra lò rèn quai búa rèn dao, lưỡi cày, lưỡi cuốc. Lão Bân lại mang cái chổi cọ dài ngoẵng ra quét chợ. Cụ Từ, lão Xá, cô Đồng, lại khêu đèn lên nhang ở nhà đền. Bố con ông Đò Tân An lại miệt mài chở khách qua sông. Bọn Tây đồn, bọn lính khố xanh, khố đỏ làm sao biết được họ là Việt Minh. Họ đã vừa hoàn thành một công việc động trời ngay trước mũi chúng. Hoan đã sắp xong gánh hàng rong để đi bán trong Văn Bàn. Khác với những chuyến đi trước, lần này Hoan thấy có một điều gì đó đang trào dâng lên trong lòng, vừa vui mừng, vừa thấy phấn khích. Hoan đã hoàn thành nhiệm vụ đặt rèn mã tấu cấp trên giao phó. Không chỉ có thế, Hoan còn nhóm lên được ngọn lửa cách mạng đầu tiên trên đất Bảo Hà. Đầu óc, trái tim của những con người bé mọn, tưởng như cuộc sống cùng cực, dưới đáy khiến họ chỉ quanh quẩn với những lo toan miếng cơm manh áo đã có một luồng ánh sáng soi rọi để thành ngọn lửa. Lửa đã cháy. Nhất định nó sẽ bùng lên thành một đám cháy lớn để thiêu sạch bọn Tây đồn ác bá. Ý nghĩ ấy càng làm cho Hoan thêm hưng phấn trên đường gánh hàng vào Văn Bàn bán, cũng là để gặp anh Sinh.
Yên Bái, 2010