Chiều hôm ấy, ngày 2 tháng 8 năm 1945, Thọ và đám bạn đang thả trâu trên đồi thì thấy một đoàn quân từ phía làng Vần vào, vũ khí của họ rất thô sơ, chỉ có mấy khẩu súng trường, còn toàn là súng săn, giáo, mác… nhưng ai nấy đều bước đi rất hùng dũng, oai phong. Người đi đầu mang lá cờ đỏ sao vàng còn rất mới. Cả đám trẻ bỏ mặc đàn trâu, chạy theo đoàn quân. Đến trường Thanh Bồng, đoàn quân rẽ vào sân trường. Bà con kéo đến xem rất đông. Đêm đó, đoàn quân nghỉ lại ở sân trường. Dân từ các bản quanh vùng kéo đến chật kín sân trường. Một người trung niên, đeo xà cột, đứng vào giữa đám đông, dõng dạc nói:
- Thưa toàn thể đồng bào, chúng tôi là lực lượng Giải phóng quân, từ Chiến khu Vần - Hiền Lương vào đây để cùng đồng bào chuẩn bị khởi nghĩa, lật đổ chính quyền cũ, xây dựng chính quyền nhân dân cách mạng. Trước mắt, ngay sáng mai, đúng 7 giờ, đồng bào mang theo thúng, dậu, quang gánh tập trung tại đây cùng quân Giải phóng vào Mỵ phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo. Đồng bào có đồng ý không?
Mọi người vỗ tay hoan hô rào rào, rồi cùng hô vang:
- Hoan hô Giải phóng quân! Hoan hô! Hoan hô! Hoan hô!
Thọ cũng vỗ tay và hô theo đến khản cả giọng. Đêm ấy, Thọ chỉ mong trời mau sáng để được đi phá kho thóc Nhật. Hôm sau, Thọ đến rất sớm nhập vào đoàn người đi phá kho thóc. Một anh giải phóng bảo:
- Cháu còn bé, cứ ở nhà. Việc này là của người lớn.
Thọ liền cầm tay anh giải phóng giật giật rồi bảo:
- Cháu không còn bé. Cháu 14 tuổi rồi cơ mà. Cháu làm được. Chú cứ cho cháu đi.
Anh giải phóng đang lo tập trung quần chúng, lại thấy Thọ quá hăng hái nên đành gật đầu cho đi theo, không ngờ đến Mỵ, Thọ là một người trong tốp đầu dũng mãnh lao vào phá kho thóc.
Những ngày sau đó, trước khí thế như lũ dâng, thác đổ của phong trào cách mạng, chính quyền cũ xin tự giải tán. Đại Lịch được giải phóng. Nhân dân bầu ra Ủy ban cách mạng. Đội du kích vũ trang cũng được thành lập để bảo vệ bản làng. Thọ lại nằn nèo xin Đội trưởng Lưu vào đội du kích. Chủ nhiệm Xã bộ Việt Minh Phạm Quang Tích vỗ vai Thọ bảo:
- Cháu chưa đủ tuổi vào du kích, nhưng cháu nhanh nhẹn, dũng cảm, chú sẽ chọn cháu làm liên lạc cho xã bộ. Cháu có đồng ý không?
Thọ vội ngước mắt lên hỏi Chủ nhiệm Xã bộ:
- Liên lạc là làm gì ạ?
- Là chuyển công văn, giấy tờ, hoặc mệnh lệnh của Xã bộ Việt Minh tới các thôn bản, các tổ chức trong xã và Đội du kích võ trang. Đây là một công việc cực kỳ quan trọng, phải nhanh nhẹn, tháo vát và dũng cảm nữa. Cháu có làm được không?
Nghe cán bộ Xã bộ nói vậy, bắt chước các anh du kích, ngay lập tức Thọ đứng nghiêm, ưỡn ngực, dõng dạc nói:
- Rõ! Báo cáo chú, cháu làm được. Xin chú cho cháu làm liên lạc.
Chú Tích xoa đầu Thọ bảo:
- Tốt rồi. Vậy thế nhé. Giờ cháu về nhà, nói cho bố mẹ biết. Rồi tối nay, 8 giờ đến gặp chú ở gò Bằng để nhận nhiệm vụ.
Sung sướng không gì diễn tả nổi, Thọ vội nhảy chân sáo về nhà. Nhưng đến ngã ba, Thọ không về ngay nhà mình ở Thanh Tú, mà lại rẽ vào Khe Liền đến nhà Thảo. Thọ nghĩ, việc làm liên lạc chắc là bố mẹ sẽ đồng ý ngay thôi. Việc cần bây giờ là phải nói cho Thảo biết không thì Thảo giận mất. Hai đứa đã thề không được giấu nhau điều gì. Thảo tuy kém Thọ một tuổi nhưng học cùng lớp ở Trường Thanh Bồng, vả lại Thảo luôn có suy nghĩ chín chắn, già dặn lắm. Thảo còn được bố mẹ Thọ tin tưởng hơn cả Thọ nên biết hai đứa có tình cảm với nhau, bố mẹ Thọ đã sang ngay nhà Thảo thưa chuyện, đặt giầu dạm ngõ theo tục của làng rồi. Nay mà biết Thọ được làm liên lạc, chắc Thảo sẽ tự hào lắm. Quê hương được giải phóng, đám cưới của hai đứa sẽ càng thêm vui vẻ, hạnh phúc.
Nhưng Đại Lịch được giải phóng chưa lâu, thì kháng chiến lại bùng nổ. Đầu tháng 10 năm 1947, quân Pháp đã từ Sơn La theo đường Phù Yên, tái chiếm được Văn Chấn. Chúng lập ngay một hệ thống đồn bốt kiên cố theo dọc tuyến đường Văn Chấn - Yên Bái, để kiểm soát vùng tái chiếm và ngăn chặn sự tiến quân của quân chủ lực Việt Minh từ Yên Bái vào. Đồn Mỵ ở Tân Thịnh, đồn Đồng Bồ ở Chấn Thịnh, đồn Ca Vịnh ở Hưng Khánh, đồn Dọc ở Việt Hồng, khóa hết các đường từ Yên Bái vào Văn Chấn, Nghĩa Lộ. Riêng Đại Lịch, hai lần Pháp đưa quân tới gò Dổi lập đồn nhưng đều bị du kích bao vây nổ súng quấy nhiễu khiến chúng phải rút về Đồng Bồ. Song Đại Lịch tuy không có đồn địch nhưng lại bị nằm kẹp giữa đồn Đồng Bồ, đồn Mỵ và đồn Dọc trong thế chân kiềng. Từ Đồng Bồ xuống Dọc hoặc ra Mỵ đều phải qua Đại Lịch. Nếu ta giữ được Đại Lịch sẽ kiểm soát, kiềm tỏa được sự liên lạc, yểm trợ giữa các đồn địch trong khu vực vùng ngoài Văn Chấn.
Trước tình hình ấy, đồng chí Nguyễn Tấn Phúc - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái vào Đại Lịch làm việc với lãnh đạo Huyện bộ Việt Minh Văn Chấn đang sơ tán ở làng Khe Liền. Cuộc họp thống nhất nhận định: Lập đồn bốt xong, nhất định Pháp sẽ tiến hành càn quét, nhằm phá vỡ cơ sở kháng chiến của ta và cướp của cải của dân. Vì vậy huyện Văn Chấn phải phát triển mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch hậu. Riêng Đại Lịch phải xây dựng thành căn cứ du kích - làng kháng chiến. Quyết giữ không để Đại Lịch rơi vào tay địch. Thực hiện Chỉ thị của Bí thư Tỉnh ủy, Xã bộ Việt Minh Đại Lịch tiến hành củng cố lại Đội du kích võ trang, gồm 30 thanh niên trai tráng, khỏe mạnh, trung kiên do đồng chí Hoàng Minh Lưu làm Đội trưởng, đồng chí Đào Tiến Lộc làm Chính trị viên, có nhiệm vụ chống càn và quấy rối, tiêu hao sinh lực địch. Thành lập mới Đội nữ du kích, Đội lão du kích, Đội du kích thiếu niên. Chỉ trong thời gian ngắn đã có 20 chị em xung phong vào Đội nữ du kích do chị Hoàng Thị Chinh làm Đội trưởng, Phạm Thị Thức làm Chính trị viên. Đội có nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và cứu thương. Đội lão du kích có 15 cụ, chủ yếu làm nhiệm vụ động viên, cổ vũ và cố vấn cho hoạt động du kích của xã. Đội du kích thiếu niên có bảy em, nhiệm vụ là giao thông liên lạc và trinh sát. Hoàng Văn Thọ lúc này đã bước sang tuổi 16, vừa là liên lạc cho Xã bộ Việt Minh, vừa được cử làm đội trưởng.
Đúng như dự đoán của ta, mọi cuộc tuần tiễu, vận chuyển lương thực thực phẩm, vũ khí giữa các đồn địch ở vùng ngoài Văn Chấn đều qua Đại Lịch. Sáng ngày 15-11-1947, ông Phó Vinh - người của ta gài vào làm phó lý, mật báo: Có một toán lính áp tải đoàn phu gánh gạo, thực phẩm từ đồn Đồng Bồ sang đồn Dọc. Anh Tích vội cử Thọ chuyển mệnh lệnh tới Đội du kích vũ trang ra quân, mục tiêu là cướp lương thực thực phẩm, vũ khí của địch và giải thoát cho đoàn dân phu. Thọ chạy xuyên rừng một mạch ba cây số lên gò Bằng nơi Đội du kích đang luyện quân để chuyển mệnh lệnh. Đội trưởng Lưu tập trung toàn đội, quán triệt trận đầu ra quân nhất định phải thắng. Do các phương án đã được chuẩn bị từ trước nên Đội nhanh chóng vận động tới đèo Cuồng để mật phục. Nơi đây đèo dốc quanh co gấp khúc, lại có đường rút xuống khe Nước Mát để về căn cứ gò Bằng, ta có thể nhanh chóng vận chuyển lương thực thực phẩm cướp được của địch. Để bảo đảm tính mạng cho dân phu, đội trưởng Lưu không cho gài mìn, mà chỉ dùng súng săn và giáo mác. Khi đoàn tải lương lọt vào trận địa phục kích, du kích nhằm vào bọn lính địch nổ súng. Bị đánh bất ngờ, bọn chúng dáo dác, bỏ của, có thằng vứt cả súng chạy tháo thân về đồn Dọc. Ta thu toàn bộ gạo, thực phẩm, một khẩu súng, giải thoát cho các dân phu, rồi nhanh chóng rút về căn cứ gò Bằng, tránh địch phản công.
Sau trận đầu ở đèo Cuồng chiến thắng, khí thế của du kích rất hăng. Nhân dân cũng rất tin tưởng vào du kích. Chi bộ Đảng động viên khen ngợi toàn đội và phát động phong trào: “Toàn dân đánh giặc giữ làng”. Còn bọn địch thì vô cùng tức tối. Theo tin ông Phó Vinh mật báo, tên đồn trưởng Đồng Bồ bị điều chuyển ngay đi nơi khác. Một tên quan ba Pháp từ Nghĩa Lộ ra thay. Tên này rất hung hăng, nó nói sẽ quyết mở trận càn từ Đồng Bồ vào Đại Lịch để xả hận. Mấy hôm sau ông Phó Vinh lại mật báo, có thể bọn giặc Pháp sẽ mở trận càn vào ngày 20-11. Chúng sẽ càn cả vào Khe Liền nơi cơ quan Huyện bộ Việt Minh đóng. Xã bộ Việt Minh triệu tập Đội trưởng Lưu và Chính trị viên Lộc yêu cầu tổ chức cho Đội du kích võ trang phải bẻ gãy trận càn này để bảo toàn căn cứ kháng chiến. Xã bộ cũng giao cho đội nữ du kích chuẩn bị tốt công tác hậu cần. Đội lão du kích lo việc sơ tán dân nếu cần thiết. Còn đội du kích thiếu niên phải thường trực tại gò Bằng để sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Mọi phương án tác chiến đã được Chủ nhiệm Xã bộ và chỉ huy Đội du kích thống nhất nhưng vẫn giấu kín để bảo đảm bí mật tuyệt đối. Cả Đại Lịch không gây ồn ào nhưng khí thế chống càn rất quyết liệt. Ngay cả lễ ăn hỏi của Thọ và Thảo cũng được bố mẹ hai bên hoãn lại, đợi sau trận càn mới làm.
Sợ Thảo buồn, trước khi lên gò Bằng, Thọ đến nhà Thảo an ủi động viên bạn gái. Nhưng chính Thảo lại có lời động viên Thọ trước. Thảo bảo trận chống càn thắng lợi đám ăn hỏi sẽ càng thêm vui. Thảo còn gói cho Thọ một gói cơm nếp to và lấy chiếc khăn của mình quàng vào cổ cho Thọ, dặn:
- Ban đêm trên gò rét lắm, anh nhớ phải quàng khăn kẻo ốm.
Thọ cũng rút trong túi dết ra chiếc áo chàm đưa cho Thảo, bảo:
- Cái áo này anh chuẩn bị để mặc khi sang ăn hỏi em. Nó bị tuột mất một cái khuy, em khâu lại cho anh, để hôm về anh lấy mặc em nhé.
Thảo cầm chiếc áo và cả bàn tay Thọ đưa trong tay mình hồi lâu, nghẹn ngào không nói nên lời, nước mắt tự nhiên cứ tràn ra.
- Thôi anh đi nhé, kẻo chú Tích mong!
Thọ chào, rồi khẽ rút tay mình khỏi tay Thảo, rảo bước vội đi. Đến chỗ đoạn đường cua mới dám quay lại nhìn. Thảo vẫn đứng đó trông theo. Thọ giơ tay lên vẫy chào rồi chạy một mạch lên gò Bằng.
Đội du kích vũ trang đã chiếm lĩnh trận địa. Đội trưởng Lưu cho anh em ra đèo Cuồng. Gần hai giờ sáng mới bí mật cho quân vận động về đèo Din. Địa điểm mật phục lần này là đèo Din. Lưng đèo Din địa hình rất hiểm trở, một bên là vách núi cao, dốc đứng; một bên là vực sâu, không có đường tránh, lại là nơi giáp ranh giữa Đại Lịch với Việt Hồng, địch sẽ ít ngờ ta bố trí mật phục ở đây. Đây cũng là nơi có thể dùng được bẫy đá để diệt địch. Đội trưởng Lưu sau khi phân công các vị trí mật phục và gài bẫy đá trên sườn núi, anh và hai du kích nữa giữa đoạn cua nhất trên đường chôn ba quả mìn tự chế, rồi dòng dây giật lên đồi. Bốn giờ sáng, Chủ nhiệm Xã bộ Phạm Quang Tích nhận được tin báo của ông Phó Vinh, lực lượng địch tham gia trận càn rất mạnh, gồm một trung đội trang bị đầy đủ vũ khí, do hai tên sĩ quan Pháp chỉ huy, chúng sẽ đi theo đường ra Dọc, nhử cho du kích xuất hiện để tiêu diệt rồi mới càn vào Khe Liền. Chủ nhiệm Xã bộ vội ra chỉ thị cho đội du kích, tiêu diệt được địch phải nhanh chóng rút quân về Khe Liền, vừa để bảo toàn lực lượng, vừa để chuẩn bị chống địch càn vào Khe Liền. Giao cho Hoàng Văn Thọ trực tiếp chuyển chỉ thị tới Đội trưởng Lưu.
Hoàng Văn Thọ nhanh chóng luồn rừng chạy tắt, một mạch bốn cây số. Truyền đạt chỉ thị của Xã bộ cho Đội trưởng Lưu xong, Thọ nằng nặc xin được ở lại chiến đấu cùng du kích. Thấy trời đã sắp sáng, Đội trưởng Lưu đồng ý cho Thọ ở lại tham gia chiến đấu và giao nhiệm vụ khi nào có lệnh của anh thì giật mìn. Trời đã sáng, toàn đội nín thở chờ địch. 8 giờ vẫn chưa thấy địch tới. Hay là chúng đã đi hướng khác? Hay là chúng đã hủy trận càn? Chưa có lệnh, chưa được rời trận địa. Đội trưởng Lưu bò tới từng vị trí động viên các chiến sĩ kiên nhẫn đợi.
Nằm bên Đội trưởng Lưu, Thọ vô cùng hồi hộp. Đây là lần đầu tiên Thọ ra trận, mà phải nì nèo mãi anh Lưu mới đồng ý. Nếu hôm nay bọn địch không đi càn thì thật là tiếc. Thọ dán mắt về phía đỉnh đèo chờ địch. Kia rồi đã thấy một tốp lính xuất hiện ở đầu khúc cua. Thọ bấu nhẹ vào người đội trưởng Lưu. Đội trưởng nhìn sang sẽ gật đầu. Lúc ấy vừa đúng 9 giờ. Tốp đi đầu chỉ còn cách vị trí của Thọ chừng hơn 20m. Toàn là bọn lính dõng. Chúng cho lính dõng đi trước để thăm dò đây. Bọn dõng đã vào vị trí gài mìn. Thọ nín thở ngước nhìn Đội trưởng Lưu nhưng vẫn chưa thấy anh ra ám hiệu giật mìn mà vẫn căng mắt quan sát đội hình hành quân của địch. Bỗng Thọ thấy xuất hiện hai tên cao to, áng chừng phải cao hơn bọn lính dõng đến một cái đầu, còn to thì gấp rưỡi. Đã nghe thấy chúng nói xì xồ, có vẻ như thúc bọn lính dõng đi nhanh. Bọn Pháp! Đúng là Pháp rồi. Thọ đã nghe nói ở đồn Đồng Bồ có bọn Pháp nhưng đây là lần đầu tiên, Thọ mới nhìn. Khiếp, cằm nó râu ria xồm xoàm, cả ngực nó cũng đầy lông lá rậm rạp, vàng nâu như lông con chó vện. Chúng đã đi đến đúng vị trí gài mìn, rồi, Thọ ngước sang nhìn anh Lưu, thấy anh nháy mắt, gật đầu, Thọ liền cầm chắc dây mìn giật mạnh. Cả ba quả mìn tự chế đều đồng loạt nổ vang, đất đá bay mù mịt. Cùng lúc này các loại súng tự chế đồng loạt khai hỏa, bẫy đá cũng được giật, đá từ lưng đồi lăn rào rào xuống đường. Bọn giặc la thét ầm ĩ, chạy tán loạn ra hai đầu núi, có thằng liều mạng nhảy cả xuống vực. Qua làn khói bụi đã nhìn thấy bốn, năm tên lính, đứa ngã, đứa ôm bụng, máu túa ra ven rừng, kêu rên thảm thiết. Thọ đã nhìn thấy một thằng Pháp nằm vật ở giữa đường, máu ở bụng nó đang túa ra, tay nó vẫn cầm khẩu súng tiểu liên. “Phải cướp khẩu súng của thằng Tây này, cũng là lập công đầu để anh Lưu cho vào đội du kích võ trang” - Ý nghĩ táo bạo ấy loé lên trong đầu Thọ như một tia chớp. Trong lúc toàn đội du kích tập trung nhắm vào bọn lính đang tháo chạy bóp cò, Thọ từ vị trí giật mìn trên đồi, vụt đứng dậy chạy rồi từ độ cao hai mét nhảy thốc xuống lòng đường, băng mình tới bên tên Pháp bị trọng thương. Sự việc vừa bất ngờ, vừa xảy ra nhanh quá anh Lưu không cản lại được. Thọ đã giật được khẩu tiểu liên trong tay tên Pháp, chạy lại bìa rừng. Đã tới gốc cây Sâng để đu bám lên rồi. Bỗng Thọ buông tay, ngã vật xuống đường. Sau giây phút hoảng loạn, địch đã định thần, tốp lính đi sau phát hiện ra Thọ đã nổ súng bắn trúng ngực anh. Lúc này chúng cũng đã phát hiện ra vị trí mai phục của du kích trên sườn đồi nên hò nhau tập trung hỏa lực bắn vào đó. Biết khó chống đỡ nổi lực lượng rất mạnh của địch, anh Lưu hạ lệnh rút theo khe núi rút quân. Địch cũng không dám truy kích vì sợ lại rơi vào ổ mìn của du kích. Chúng bắn chán rồi quây quanh thi thể Hoàng Văn Thọ, chỉ chỉ, trỏ trỏ. Từ trên chỗ nấp ở bụi cây lá dong, anh Lưu nhìn thấy bọn địch cắt đầu Thọ treo lên cành cây Sâng, phần còn lại của thi thể Thọ, chúng kéo đi một đoạn rồi hất vào lìa đường. Biết được âm mưu của địch treo đầu Thọ ở gốc cây Sâng là để nhử du kích đến lấy sẽ phục bắt, Đội trưởng Lưu đành gạt nước mắt, cử một chiến sĩ du kích ở lại theo dõi địch, còn lại khẩn trương rút về Khe Liền để chuẩn bị chống địch càn tiếp. Hai tối sau, du kích mới bí mật lấy được cả hai phần thi thể Thọ về chôn cất.
Trận đèo Din, ta diệt được hai tên Pháp, trong đó có tên trung úy chỉ huy, năm tên ngụy, làm bị thương 11 tên, phá vỡ trận càn của địch. Nhưng ta mất người đội trưởng du kích thiếu niên - người liên lạc cho Xã bộ Việt Minh, thông minh, dũng cảm Hoàng Văn Thọ. Hôm ấy cũng đúng là ngày mà hai gia đình đã chọn để làm lễ ăn hỏi cho Thọ và Thảo. Tin Thọ hy sinh làm Thảo choáng váng, rồi ngã khụy xuống ngất đi. Tay Thảo vẫn cầm chặt chiếc áo chàm của người yêu. Ai đó vừa định rút chiếc áo khỏi tay Thảo thì Thảo bỗng choàng tỉnh, mắt nhìn trân trân vào chiếc áo, rồi cuống quýt ôm chặt vào ngực mình như sợ ai lấy mất...
Hoàng Văn Thọ trở thành người liệt sĩ đầu tiên của Đại Lịch. Người con ưu tú của đất Đại Lịch vừa mới chớm tuổi thanh niên ấy đã làm được một việc thật phi thường. Sự quả cảm cướp súng giặc, không sợ hy sinh của Hoàng Văn Thọ đã làm dấy lên phong trào “Cướp súng giặc giết giặc”, “Giết giặc lập công” trong toàn tỉnh Yên Bái và khu Tây Bắc lúc bấy giờ, góp phần tạo nên một bước ngoặt của chiến tranh du kích trong vùng địch hậu.
Ngày 22-8-1998 Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 423 QĐ/CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Hoàng Văn Thọ vì “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”. Anh còn được truy tặng Huân chương Chiến công và Bằng Tổ quốc ghi công công nhận là liệt sĩ.
Còn chiếc áo chàm của anh Thọ đã được người bạn gái cất giữ suốt đời mình như một báu vật thiêng liêng.
2015