Đầu năm 1953, Nguyễn Văn Hứ và đồng đội Đại đội 96, bộ đội địa phương Yên Bái đang háo hức chờ ngày lên đường thì nhận lệnh cấp tốc lên Than Uyên làm nhiệm vụ đặc biệt. Các chiến sĩ được quán triệt trước lúc lên đường: “Hiện Pháp đã tung nhiều toán gián điệp, biệt kích vào vùng giải phóng của ta. Chúng mua chuộc, lừa phỉnh đồng bào dân tộc, lập các toán phỉ nhằm gây bạo loạn, lật đổ chính quyền cách mạng để chiếm lại các địa bàn vùng núi đã được giải phóng hòng thay đổi thế cờ đang khốn đốn. Ở Than Uyên, bọn phỉ đã liều lĩnh cướp kho mậu dịch Mường Cang, đánh chiếm Mường Khoa, Thân Thuộc, Mường Than, tập kích cơ quan Huyện ủy, Ủy ban hành chính huyện sát hại ba đồng chí lãnh đạo. Lực lượng phỉ Than Uyên đã lên tới hai nghìn tên, được máy bay Pháp liên tục thả dù tiếp tế vũ khí, lương thực thực phẩm, thuốc men. Chúng âm mưu chiếm toàn bộ Than Uyên, lấy đó làm bàn đạp để phát triển về Mường Kim, Khau Mang, Lao Chải, Mồ Dề, rồi xuống Văn Chấn, sang Văn Bàn, Lục Yên. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Yên Bái quyết định huy động toàn lực lượng gấp rút tiến hành tiễu phỉ Than Uyên, phá tan hang ổ, ngăn chặn sự phát triển ra các địa bàn khác”.
“Quân lệnh như sơn”, là người lính phải tuyệt đối chấp hành. Đến Than Uyên, Đại đội 96 được phân công về Hồ Bốn, một địa bàn rừng núi hiểm trở, 100 phần trăm dân số là người Mông, cũng là một điểm nóng nhất về hoạt động của phỉ ở Than Uyên. Để không gây phiền hà cho dân, bộ đội làm lán đóng quân ngay tại đầu bản. Song, một tuần trôi qua, bộ đội không thể nào tiếp cận được với dân. Cứ nhìn thấy bộ đội là dân tránh mặt. Chào, hỏi cũng không thưa, hoặc chỉ lắc đầu “chi pâu”1. Mọi cố gắng đều không có kết quả. Đã có chiến sĩ bị phỉ sát hại rất dã man. Một sáng, lúc tập hợp tập thể dục, bộ đội phát hiện có rất nhiều khẩu hiệu viết trên những gỗ treo xung quanh lán đại đội. Nào là “Đả đảo bộ đội”, “Xứ Mông tự trị không có người Kinh”, “Người Mông phải về với vua Mông”; nào là “Người Mông không bắn người Mông”, “Đánh người Kinh để không phải đóng thuế, không phải đi dân công”… Hành động này không chỉ thể hiện sự ngoan cố chống đối chính quyền cách mạng mà còn là những luận điệu xảo trá, nhằm ly gián dân bản với bộ đội. Nhưng ai đã cắm những khẩu hiệu này trong bản? Là dân bản hay bọn thổ phỉ? Làm thế nào để biết được ai là phỉ để tiêu diệt được chúng? Làm thế nào để dân không làm phỉ, không theo phỉ? Thật là không dễ dàng gì. Trong suốt những năm kháng chiến, Hứ và đồng đội đã bám rừng, bám bản chiến đấu, lần lượt nhổ các đồn địch ở Púng Luông, Kim Nọi, Sam Sảu, Khau Co, Dương Quỳ, Coóc... giải phóng đồng bào các dân tộc thoát khỏi ách kìm kẹp của kẻ thù, cũng rất cam go nguy hiểm nhưng chưa bế tắc như lúc này. Bọn cầm đầu các toán phỉ đều là người địa phương, có quan hệ gia đình, họ hàng với những người dân trong bản. Chúng thông thuộc địa hình địa vật, thoắt hiện thoắt ẩn, thật khó lường.
Một buổi chiều, Hứ đang trên đường đi thăm nhà dân, bỗng giật mình bởi tiếng kêu thất thanh: “Bộ đội! Bộ đội!”. Theo phản xạ, Hứ vừa cúi thấp người xuống thì một mũi tên đã bay vèo ngay trên đỉnh đầu, rồi có tiếng chân người chạy ngược lên núi. Ngay lúc đó một cô gái Mông còn rất trẻ, đeo lù cở chạy đến bên Hứ, hỏi trong hơi thở dồn:
- Bộ đội có làm sao không? - Rồi cô hổn hển bảo:
- Nó là A Lềnh, anh rể mình, nó làm phỉ trên núi đấy, hôm nay chị gái ốm nên mình phải mang cơm cho nó. Thấy bộ đội đi một mình, nó lấy nỏ bắn tên tẩm thuốc độc định làm cho bộ đội chết, mình sợ quá hét lên, nó chạy rồi bộ đội ạ.
Hứ vội cảm ơn cô gái rồi hỏi:
- Tại sao cô lại cứu tôi?
Cô gái đỏ mặt bảo:
- Vì bộ đội đẹp... Mình không muốn bộ đội bị chết.
Hứ lại hỏi:
- Vậy sao dân bản mình lại cứ tránh mặt bộ đội thế? Có phải dân ghét bộ đội không?
Cô gái cúi đầu khẽ bảo:
- Dân không ghét bộ đội đâu mà chỉ… sợ thôi.
- Sao dân bản lại sợ bộ đội? Cô có thấy bộ đội làm điều gì xấu không?
Nghe Hứ hỏi, cô gái ấp úng:
- Bộ đội không xấu, nhưng... dân bản sợ bộ đội… giết phỉ. Phỉ cũng là anh em, chồng con của dân bản mà. Nhưng dân bản cũng không muốn nó làm phỉ đâu.
Nghe cô gái nói thế, Hứ liền hỏi:
- Vậy sao dân bản không gọi chồng con, anh em của mình về?
Cô gái khẽ lắc đầu, giọng buồn buồn:
- Cũng muốn gọi nó về lắm nhưng lại sợ bộ đội bắt nó, rồi giết nó, nên dân bản không dám gọi nó về.
Thì ra mấu chốt của vấn đề là dân sợ bộ đội giết phỉ, tức là giết con, em, chồng, cháu của họ, chứ không phải là dân cố tình chống đối cách mạng. Vậy phải nói cho dân hiểu mục đích tiễu phỉ là tiêu diệt bọn đầu sỏ, phá tan âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng của chúng, chứ không giết người theo phỉ. Hứ bảo cô gái:
- Bộ đội không giết đâu, chỉ muốn mọi người bỏ phỉ về nhà làm ăn thôi. Họ về bản để gia đình được đoàn tụ, để có cuộc sống ấm no.
- Có thật thế không?
Cô gái ngắt lời Hứ. Hứ không biết nói sao để cô gái tin lời mình, liền lấy trong túi áo ngực ra tấm ảnh Bác Hồ mà Hứ luôn nâng niu cất giữ đưa cho cô gái xem, rồi hỏi:
- Cô có biết ai đây không?
Cô gái nhìn tấm ảnh, reo lên:
- Bác Hồ! Trước đây cán bộ Mạnh cũng có một cái Bác Hồ thế này. Mình đã được xem rồi mà.
Hứ nghĩ, phải thông qua cô gái này để tiếp cận với dân bản nên vội nói:
- Bộ đội tặng cô tấm ảnh Bác Hồ đấy. Bộ đội cũng như cán bộ Mạnh, đều là con cháu của Bác Hồ. Nhờ cô nói với dân bản là Bộ đội Cụ Hồ không giết phỉ đâu, chỉ muốn mọi người bỏ phỉ về nhà làm ăn thôi. Cô có đồng ý không?
Cô gái khẽ gật đầu. Chia tay cô gái, trên đường trở về, Hứ chợt lóe lên ý nghĩ: Phải làm cho dân hiểu, tin bộ đội thì mới có thể tiêu diệt được phỉ. Muốn vậy, dù dân có lánh mặt, bộ đội cũng không được xa dân. Ngay tối đó, trong buổi sinh hoạt, Hứ kể lại câu chuyện gặp cô gái và đưa ra ý kiến: Bộ đội không nên ở tập trung ngoài lán nữa mà chia thành từng tổ về nhà dân cùng ở, cùng ăn, cùng làm với dân. Có thế dân mới hiểu và tin bộ đội. Ý kiến của Hứ được đại đội chấp nhận và triển khai ngay sáng hôm sau. Mỗi tổ ba người về ở tại một gia đình, hoàn toàn không nói gì đến việc tiễu phỉ. Việc đầu tiên dọn dẹp vệ sinh quanh nhà, cắt tóc, gội đầu cho trẻ con, rồi tu sửa đường sá trong bản. Khi bộ đội vào ở cùng dân mới biết dân đói lắm. Bịch thóc, bịch ngô nhà nào cũng trống trơn. Người già, trẻ con cũng phải ăn củ nâu, củ ráy, bột báng, rau rừng. Những gia đình có người theo phỉ, cuộc sống càng khốn khó hơn, vì những lao động chính, trẻ khỏe nhất trong nhà đã vào rừng làm phỉ, gây nên cảnh vợ không có chồng đỡ đần, con không có bố dạy dỗ, bố mẹ già không được chăm sóc. Đã thế làm được tí nào lại lo lén lút tiếp tế cho người thân làm phỉ nên kinh tế càng thêm suy kiệt, đói thêm đói, lam lũ thêm lam lũ. Bộ đội lại phải nhường cơm sẻ áo với đồng bào, dành phần gạo của mình cho người già, trẻ em rồi vào rừng mót sắn, đào củ nâu, chặt cây báng mài lấy bột để ăn. Thấy ruộng nương của đồng bào bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, bộ đội lên nương phát cỏ, cuốc đất rồi vận động đồng bào lên trồng cấy. Ở bản chỉ có một số người nói được tiếng Kinh, để có thể trò chuyện được với nhiều người, bộ đội nhờ đồng bào dạy nói tiếng Mông. Vừa học tiếng vừa tranh thủ trò chuyện. Hỏi sao dân bản mình lại để cho người thân vào rừng làm phỉ, ai cũng bảo: “Không biết đâu mà, nó thích thì nó đi thôi”. Vận động bà con vào rừng gọi người thân trở về, họ cũng bảo: “Không biết gọi đâu, nó khắc đi khắc về thôi…”. Song bộ đội Đại đội 96 không nản chí. Mưa dầm thấm lâu. Thấy bộ đội tận tình giúp đỡ, không quản vất vả, gian nguy, có người đã rụt rè hỏi: “Nếu tao gọi nó về, bộ đội không bắt giết nó chứ? Bộ đội có dám cắt máu ăn thề với đồng bào không?”.
Ở Hồ Bốn có già làng Vàng Lử, thổi khèn Mông rất hay, cũng có con trai là Vàng Lù làm phỉ trong rừng. Hứ tìm đến nhà già, nhờ già dạy thổi khèn. Già Vàng Lử thấy bộ đội muốn học thổi khèn thì lạ lắm nên bảo:
- Cây khèn này người Mông chỉ dùng để tỏ tình trai gái và đưa hồn người chết về với Ntù2 thôi. Bộ đội cũng muốn làm người Mông à, mà muốn học thổi khèn?
Hứ nói với già bản Vàng Lử:
- Quê con ở dưới xuôi, bố mẹ chết đói năm bốn lăm hết rồi. Anh em cũng ly tán lưu lạc cả. Giờ con muốn được làm người của Hồ Bốn, coi Hồ Bốn là quê, coi già như bố. Già nhận con nhé.
Thấy Hứ nói vậy, già Vàng Lử suy nghĩ một lát rồi bảo:
- Được, ta nhận bộ đội làm con. Nhưng thằng Vàng Lù nhà ta đang làm phỉ trên núi đấy, bộ đội có sợ nó không? Nếu nó về bộ đội không được giết nó nhé. Nếu bộ đội đồng ý thì cắt máu ăn thề với ta.
Cắt máu ăn thề xong, già Vàng Lử kể cho Hứ nghe câu chuyện:
“Ngày xưa trên đỉnh núi Chế Cu Nha có một cặp vợ chồng người Mông sinh được sáu người con trai ngoan hiền, chăm chỉ, hiếu thảo. Hằng ngày, sáu anh em lên rừng hái quả, săn bắt chim, thú về nuôi cha mẹ già. Một hôm các con về muộn, người mẹ ra ngõ ngóng con, một cơn mưa to ập đến, bà vẫn ngồi đợi con ngoài ngõ, khi các con về bà mới vào nhà. Đêm ấy bà bị cảm nặng rồi chết. Người chồng thương nhớ vợ bỏ ăn, bỏ uống chết theo vợ. Sáu người con buồn đau, cũng chẳng thiết gì đến ăn đến uống, khóc đêm khóc ngày, kiệt sức mà chết. Thương xót sáu anh em, dân bản lấy cây trúc cắt thành sáu ống, rồi lấy dây gai bện chặt các ống trúc lại, khi thổi phát ra sáu âm thanh trầm, bổng khác nhau để đưa tiễn vong linh sáu người con về với cha mẹ, tổ tiên. Từ đấy, người Mông không thể thiếu cây khèn sáu ống, buồn vui đều thổi khèn để nhắc nhở nhau phải luôn cùng sống, cùng chết…”.
Qua câu chuyện già Vàng Lử kể, Hứ càng hiểu tính cộng đồng và niềm tin của người Mông rất cao. Nếu trong bản có người tin bộ đội thì cả bản cũng sẽ tin theo. Một hôm, Mỷ - cô gái đã cứu Hứ thoát chết - tìm gặp bảo:
- Mình đã bảo với anh rể A Lềnh rồi. Nhưng nó bảo bộ đội phải theo mình vào rừng gặp nó, mà phải đi một mình, không mang theo súng, nó mới tin là bộ đội nói thật.
Hứ thấy đây là cơ hội có một không hai nên dù rất nguy hiểm vẫn nhận lời ngay. Có đồng chí khuyên không nên tin lời bọn phỉ, nó lừa mình vào rừng tay không để hạ sát mình. Hứ cũng biết có thể xảy ra điều đó nhưng nghĩ nếu mình không dám đi gặp, nó cho là mình nói không thật, mình sợ. Làm mất lòng tin với người Mông rồi thì lấy lại khó lắm. Hứ bảo với anh em:
- Cứ để tôi đi, không lo đâu. Nếu nó có lật lọng cũng chỉ mình tôi hy sinh nhưng cái chúng ta được là dân và cả bọn phỉ hiểu bộ đội hết lòng thương dân, bộ đội đã nói là làm, không nói sai, không sợ hãi.
Anh em xin đi theo sau để nhỡ xảy ra việc gì còn xử lý kịp, nhưng Hứ quyết một mình, chỉ mang theo nắm cơm cùng Mỷ vào rừng. Lên đến lưng chừng núi Chế Cu Nha, bỗng một người đàn ông Mông đầu tóc bù xù, tay cầm dao nhọn từ bụi cây ven đường xông ra chặn đường. Mỷ vội nói:
- A Lềnh à, bộ đội Hứ đi tay không vào gặp mày đấy.
A Lềnh vẫn lăm lăm con dao trong tay, mắt gườm gườm nhìn Hứ rồi nói:
- Có thật nếu tao về nhà thì không bị bắt, bị giết không?
Hứ vẫn bình tĩnh:
- Anh A Lềnh à, nếu định bắt, định giết các anh thì cả đại đội tôi đã bao vây, nổ súng tiến công rồi. Nhưng đánh nhau thể nào cũng chết người, các anh nổ súng lại càng nặng tội. Tôi đi một mình là để gọi các anh về với gia đình làm ăn, chỉ bọn đầu sỏ, ngoan cố không chịu ra hàng, chúng tôi mới buộc dùng đến súng đạn. Đây anh xem, tôi không mang vũ khí, chỉ có nắm cơm, biết trong này anh đang đói nên mang theo để anh ăn, lấy sức cùng về.
A Lềnh lại gườm gườm nhìn nắm cơm. Thấy vậy Hứ vội nói:
- Anh sợ cơm có độc phải không? Cơm này tôi lấy từ nồi cơm bộ đội và các con anh cùng ăn đấy, tôi ăn một miếng cho anh xem nhé.
Hứ bẻ đôi nắm cơm, ăn một miếng rồi đưa cả cho A Lềnh.
A Lềnh chắc đói quá, vồ lấy nắm cơm ngấu nghiến nhai. Vậy là chiều ấy Hứ đã đưa được A Lềnh về nhà. Cái tin Hứ tay không, một mình vào rừng gọi được A Lềnh về nhanh chóng lan đi khắp bản Hồ Bốn. Mọi người kéo đến hỏi thăm A Lềnh về người nhà của họ. A Lềnh oang oang bảo:
- Đói lắm mà còn bị chỉ huy đánh chửi như con lợn.
Thế là mọi người xúm đến nhờ bộ đội Hứ cùng mình vào rừng gọi người nhà về. Cứ như vậy, hầu hết đàn ông Hồ Bốn theo phỉ đã lần lượt trở về, cả Vàng Lù con già Vàng Lử cũng đã về. Chỉ còn ba tên đầu sỏ là người nơi khác đến, không chịu ra hàng, chống đối đến cùng. Đại đội 96 quyết định mở cuộc truy quét vào tận sào huyệt, hang ổ tiêu diệt chúng. Chính A Lềnh xung phong dẫn đường cho bộ đội “vào hang bắt cọp”. Bị bao vây, không còn đường thoát nhưng bọn chúng vẫn ngoan cố không chịu đầu hàng, định mở đường máu thoát thân buộc bộ đội phải nổ súng, một tên bị bắn chết, một tên bị trọng thương, bắt sống một tên. Toàn bộ phỉ ở Hồ Bốn bị xóa sổ tận gốc. Những ngày thanh bình lại trở về với bản Hồ Bốn. Công đầu phải kể đến Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Hứ. Đồng đội đã đặt cho anh cái tên là “Đại Bàng núi”. Còn người Mông Hồ Bốn, đặc biệt là những nhà có người làm phỉ được Hứ gọi về hết sức tin yêu anh, nhiều người nhận Hứ là anh em kết nghĩa, coi Hứ như một thành viên trong gia đình, có việc gì khó khăn, vướng mắc lại tìm Hứ để hỏi.
Cũng trong những ngày tiễu phỉ gian nan, tình yêu giữa Hứ và cô gái Mông khỏe mạnh, xinh xắn, giỏi giang nhất Hồ Bốn là Cứ Thị Mỷ đã nảy nở. Mỷ yêu bộ đội Hứ vì Hứ dũng cảm lại thật thà, tốt bụng, lại hết lòng thương yêu người Mông Hồ Bốn. Nhờ có Hứ mà những người đàn ông Hồ Bốn đã bỏ phỉ về với gia đình, đem lại cuộc sống thanh bình cho bản Hồ Bốn của Mỷ. Không những thế, Hứ còn biết thổi khèn Mông rất hay. Không bao giờ Mỷ quên được đêm ấy. Đêm cuối năm, trời lạnh nhưng trăng rất sáng, tỏa ánh vàng rượi xuống dòng Nậm Kim. Dòng suối như một dải vàng lóng lánh. Hứ ngồi bên Mỷ nhưng hồi hộp quá, mãi rồi mới nói được:
- Mỷ à, tiễu phỉ xong rồi, bọn anh sắp phải xa Hồ Bốn, nhớ lắm đấy…
Mỷ ngồi im lặng nghe Hứ nói nhưng Hứ lúng túng không biết nói gì thêm. Mấy câu ngỏ lời Hứ nghĩ từ lâu, nhẩm đi nhẩm lại đến thuộc lòng mà sao khi bên Mỷ lại quên hết cả. Còn Mỷ, từ lúc Hứ hẹn gặp đã thấy người mình lạ lắm, nghe Hứ nói dù chưa hết lời. Mỷ cũng đã hiểu điều Hứ muốn nói, lòng Mỷ vui, nhưng sao lại thấy ngợp thở, run lên như bị sốt. Bỗng Hứ đứng dậy, cầm cây khèn lên thổi một bài “gầu lềnh”3: “Cái bụng anh thương em nhiều như lá rừng/ Em không có lòng thì thôi, có lòng thì ta về với nhau một đêm/ Em không có lòng thì thôi, có lòng ta về ở với nhau một ngày…”.
Nghe giai điệu của bài “gầu lềnh” vừa dìu dặt, vừa sâu lắng, thiết tha, như tiếng gọi từ trái tim của Hứ, Mỷ không cầm lòng được liền đứng dậy xòe ô múa theo giai điệu của bài ca tình yêu. Rồi Mỷ cũng cất lên tiếng hát: “Gió về thổi lá cây bên khe/ Nếu em là giọt mưa sương/ Em xin tan trên tay anh/ Gió thổi lá cây lật ngả nghiêng bên suối/ Nếu em là bông tuyết trắng/ Em xin tan dưới bàn tay anh”.
Hứ biết trai gái Mông tỏ tình, nếu chàng trai thổi khèn, cô gái xòe ô múa theo là đã bằng lòng yêu. Như vậy là Mỷ đã hiểu điều Hứ muốn nói và đã đồng ý làm vợ Hứ rồi. Vui quá, hai người quên cả thời gian, trăng đã gác mái núi Chế Cu Nha, tiếng chim quý gọi nhau đã hai lần rồi mà hai người vẫn chưa muốn rời nhau.
Cái tin bộ đội Hứ sắp lấy Cứ Thị Mỷ làm vợ nhanh chóng lan đi khắp bản Hồ Bốn. Ai ai cũng mừng vui, khen Hứ, Mỷ đẹp đôi. Đầu năm 1955, chiến dịch tiễu phỉ kết thúc, lúc này cũng là mùa xuân, hoa Tớ Zảy bừng đỏ trên các sườn núi, người Mông các bản mở hội Gầu Tào, mừng bản làng trở lại cuộc sống thanh bình, cầu xin Ntù ban phúc, ban sức khỏe, ban mùa màng bội thu. Thanh niên, nam nữ thì nô nức vui hội đạp núi, chơi xuân, đâu đâu cũng vang lên tiếng khèn gọi bạn tình. Cũng vào mùa xuân thắng lợi này, Đại đội 96 và Chi đoàn thanh niên Hồ Bốn làm lễ “hao song”4 cho Hứ và Mỷ. Bí thư Đoàn Vàng A Hù nhận làm “no tao song”5. Lễ vật nhà trai mang sang nhà gái xin dâu cũng có một chiếc ô đen với ý nghĩa để che mưa, che nắng cho đôi vợ chồng trẻ đúng theo phong tục người Mông. Còn bố nuôi Vàng Lử thì làm chiếc giường hạnh phúc cho hai con cũng đúng tục người Mông. Giường chỉ dài rộng đủ cho đôi vợ chồng mới cưới muốn nằm được thì phải ôm chặt nhau, để vợ chồng luôn quấn quýt, mãi yêu thương gắn bó bên nhau.
Hai năm sau, huyện Mù Căng Chải được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Than Uyên. Cấp trên điều động Nguyễn Văn Hứ về làm Huyện đội phó, rồi năm sau lên Huyện đội trưởng Huyện đội Mù Căng Chải, tham gia vào Huyện ủy Mù Căng Chải khoá I. Lúc này Mỷ cũng vừa sinh đứa con thứ hai. Căn nhà nhỏ ven thị trấn huyện, tổ ấm của đôi vợ chồng Kinh - Mông lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, cộng với tiếng đứa con đầu lòng bi bô tập nói bằng cả tiếng Kinh lẫn tiếng Mông. Hạnh phúc đang tràn ngập thì Nguyễn Văn Hứ lại phải xa gia đình. Vì có kinh nghiệm tiễu phỉ và thông thạo tiếng Mông, Hứ được Quân khu Tây Bắc điều động về Trung đoàn 1, Sư đoàn 316, sang Thượng Lào, giúp bạn tiễu phỉ. Suốt bốn năm, tiễu phỉ trên đất bạn từ Pa Thí, Sầm Nưa, đến Huổi Mạ, Phong Sa Lì, Nguyễn Văn Hứ lại như hổ được thả về rừng, đã góp phần vào công sức chung của Quân tình nguyện Việt Nam bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân các bộ tộc Lào. Cuối năm 1964, việc tiễu phỉ ở Thượng Lào hoàn tất, Nguyễn Văn Hứ về nước, tiếp tục được cử làm Huyện đội trưởng Mù Căng Chải cho đến tận năm 1976 khi ông được nghỉ chế độ. Nhưng vừa hưu trong quân đội xong thì Huyện uỷ lại giao cho ông làm Bí thư Chi bộ, kiêm Tổ trưởng tổ hưu thị trấn. Năm 1991, Đại hội Hội Cựu chiến binh Mù Căng Chải lần thứ nhất, Nguyễn Văn Hứ được bầu làm Chủ tịch Hội. Ông lại cùng các cựu chiến binh người Mông xây dựng Hội Cựu chiến binh huyện và 13 xã, thị trấn thành lực lượng nòng cốt trong các hoạt động kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của địa phương.
Tuy tuổi đã cao, sức khỏe không còn như xưa nhưng bàn chân người cựu chiến binh Nguyễn Văn Hứ vẫn in dấu trên tất cả 116 bản của Mù Căng Chải, vẫn thông thuộc tên tuổi, thân thiết với từng cán bộ xã, từng già làng, trưởng bản, từng cựu chiến binh, cả những người trước đây lầm đường theo phỉ đã được ông gọi về. Suốt đời mình, Nguyễn Văn Hứ gắn bó với nhân dân, với núi rừng Mù Căng Chải. Nhiều người đến Mù Căng Chải để đợi ngày ra đi, còn ông thì như cánh chim đại bàng mãi gắn bó với đại ngàn hùng vĩ.
Sự cống hiến của Nguyễn Văn Hứ đã được Đảng, Nhà nước, quân đội, các bộ, ngành, tỉnh, huyện tặng rất nhiều huân, huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen, không thể treo hết trên bốn bức vách căn nhà gỗ đơn sơ, giản dị. Song với ông còn có những phần thưởng vô cùng có ý nghĩa nữa. Đó là người phụ nữ Mông có khuôn mặt phúc hậu, nụ cười hồn nhiên, chân chất, tần tảo nuôi dạy con cái trưởng thành để ông dành hết tâm huyết của mình cho việc quân, việc nước. Đó còn là sự yêu quý, tin tưởng, biết ơn của những người từng lầm đường theo phỉ được ông gọi về hôm nay đều có cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc.
Cuộc đời người lính Nguyễn Văn Hứ đã trở thành một phần của Mù Căng Chải, hòa vào bản hùng ca Tây Bắc oai hùng, còn mãi với thời gian.
1. Tiếng Mông là “không biết”.
2. Tiếng Mông là “ông trời”.
3. Bài hát tình yêu của người Mông.
4. Đám cưới.
5. Ông mối.