Nắng đã tắt, tôi vẫn thấy ông già mặc quân phục cũ, tóc trắng như cước ấy ngồi lặng im trên bến Âu Lâu. Ông ngồi đó từ lúc đầu chiều, gần như bất động, hướng mắt ra dòng sông Hồng như ngóng đợi một ai, ngóng đợi một điều gì. Tôi nhìn ra ngoài xa, có gì đâu, chỉ sóng nước mênh mang tít tắp sang tận bờ bên. Tôi đoán, chắc ông không phải người vùng này. Vì đã mấy chục năm rồi, từ khi cầu Yên Bái làm xong, không còn ai qua sông bằng phà và thuyền nữa, bến Âu Lâu trở thành hoang tàn, cỏ đan dày trên con đường xuống bến. Thoạt đầu tôi nghĩ chắc là ông già đi đường mệt nên ngồi nghỉ chốc lát hoặc đợi ai đến đón, hóa ra không phải vậy. Hay đó là một ông già tâm thần, hay là một kẻ gian đợi tối để làm điều gì khuất tất chăng? Với trách nhiệm là tổ trưởng khu phố, tôi ra xem hư thực thế nào. Nghe thấy tiếng tôi chào, ông già giật mình ngoảnh lại. Lúc này tôi mới nhìn rõ khuôn mặt ông, trông hiền lành, phúc hậu và minh mẫn, không có biểu hiện gì của người tâm thần hay một kẻ gian dối. Một thoáng bối rối, rồi ông ấp úng:
- Chào chú, tôi… tôi ngồi đợi một người, à không, tôi chỉ ngồi nghỉ một lát thôi mà, tôi…
Rồi ông lập cập đứng dậy, chực đi. Ngạc nhiên vì điệu bộ ấp úng, thiếu tự nhiên ấy của ông, tôi hỏi:
- Bác đợi ai ạ, cháu thấy bác ngồi đây đã lâu lắm rồi, bây giờ trời đã tối, cháu là tổ trưởng ở đây, bác có cần giúp đỡ gì không?
Ông già nhìn tôi hồi lâu rồi mới trả lời, tiếng ông nghèn nghẹn:
- Thôi, chả giấu gì chú, ngày xưa tôi là bộ đội, đi Chiến dịch Điện Biên Phủ qua bến sông này, có nhiều kỷ niệm với bến sông, nay tôi trở lại thăm thôi…
Thấy ông già có vẻ rất xúc động, lại nói là có nhiều kỷ niệm với bến Âu Lâu, làm cho tôi - một người con của làng Vạn Lâu xưa, cha tôi ngày đó cũng là người đã dùng chiếc thuyền nan nhà mình đưa bộ đội qua sông hàng mấy tháng trời - càng có thiện cảm với ông. Tôi lại gần, bắt tay ông và thân mật hỏi:
- Vậy à bác, quê bác ở đâu ạ? Ngày đó bác ở đơn vị nào? Bác có người bà con nào ở Yên Bái này không?
- Cảm ơn chú hỏi thăm, quê tôi ở Thái Bình chú ạ, tôi không có người quen ở đây, ngoài hai người đã khuất núi cả rồi. Ngày đó tôi là lính Đại đoàn 308, tôi qua Âu Lâu này vào cuối 1953.
- Bây giờ trời tối rồi, bác định đi đâu?
- Tôi ở đây một lát nữa rồi xuống ga đợi chuyến tàu xuôi lúc 11 giờ đêm.
Nghe ông nói thế tôi thấy ái ngại, liền mời ông vào nhà nghỉ ngơi, đến giờ tàu chạy tôi sẽ đưa ông xuống ga. Ông cảm ơn và khước từ. Tôi khẩn khoản mời cũng không được. Tôi nói với ông cha tôi là dân xóm bãi Vạn Lâu, cũng từng lái thuyền đưa bộ đội qua sông hồi chiến dịch Điện Biên, ông mất đã vài năm. Hình như điều tôi nói làm ông xúc động, mắt ông nhòa đi, rồi theo tôi về nhà.
Tôi giới thiệu ông với vợ và bảo làm cơm mời ông. Lúc này ông đã tỏ ra khá tự nhiên và thân mật. Tôi đãi ông thứ rượu được nấu bằng ngô bãi Vạn Lâu quê tôi. Ông tấm tắc khen là rượu uống rất có hậu. Đêm ấy, thay vì xuôi theo kế hoạch, ông đã nghỉ lại nhà tôi. Chúng tôi, một già, một trẻ trò chuyện thân tình, cởi mở như những người bạn. Nghe xong những điều ông kể, tôi thấy thật sai lầm và đáng tiếc nếu tôi không cố mời ông về nhà mình, thân tình cởi mở với ông. Vì nếu không, thì những điều làm tôi phải vừa lau nước mắt vừa viết này mãi mãi sẽ chỉ có một mình ông biết. Và như thế, quả là đã thật vô tình, vô nghĩa với những con người đã đổ xương đổ máu cho tôi có cuộc sống hôm nay.
* * *
Người cựu chiến binh Điện Biên ấy tên là Đằng, quê Thái Bình, nhập ngũ năm 1950, vào Trung đoàn 55, lúc đó mới 18 tuổi; năm 1952, được điều chuyển về Trung đoàn 36 thuộc Đại đoàn 308, đóng quân ở Thái Nguyên, chuẩn bị cho chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954. Cuối năm 1953, cả đại đoàn được lệnh hành quân gấp sang Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau ba ngày hành quân, Trung đoàn 36 đã tập kết tại bến Âu Lâu. Cuối năm, mùa nước cạn, nhưng khúc sông này rộng, nhìn sang bờ bên cũng chỉ thấy những bãi bồi và vạt tre xanh chạy dài. Đại đội trưởng bảo, đó là xóm Vạn Lâu, phải đợi đến tối, bà con Vạn Lâu mới đưa chúng ta qua sông bằng thuyền nan. Thuyền bé, chỉ chở được từ năm đến bảy người, để cả đơn vị qua sông nhanh, đồng chí nào biết bơi thì giơ tay, sẽ được phát một khúc thân chuối làm phao bơi sang sông. Còn bây giờ tất cả vào trú trong các lùm tre, sắp xếp lại quân tư trang cho gọn gàng, giữ bí mật tuyệt đối, tránh máy bay địch phát hiện.
Mọi người tranh thủ giở cơm nắm ra ăn, rồi nai nịt gọn gàng, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc vượt sông. Khi trời vừa nhập nhoạng, bỗng đâu thấy xuất hiện hàng trăm chiếc thuyền nan lao vun vút trên sông, không có một tiếng cười nói nào, chỉ có tiếng chém của mấy trăm mái chèo xuống nước ràn rạt. Tốp thuyền đi đầu đã cập bờ. Có tiếng hô nhỏ nhưng đanh chắc: “Các đồng chí bộ đội đâu, nhanh chóng xuống thuyền, mỗi thuyền bảy người, khẩn trương”. Mọi người chưa kịp xuống thuyền, bỗng có tiếng máy bay ì ầm đằng xa, một thoáng đã gầm thét ngay trên đầu, đạn từ máy bay bắn xuống chiu chíu xé rách mặt sông, một tiếng nổ đinh tai, tiếp theo là một cột nước lớn vụt lên ở giữa dòng, nước sông như vụn tan ra, rơi trắng xóa. Những chiếc thuyền nan đang ở giữa dòng nhào lên, ngụp xuống theo sóng. Hình như đã quá quen thuộc với cảnh này nên những người lái thuyền vẫn bình tĩnh cho thuyền trồi lên những cuộn để cập bến. Bỗng nhiên Đằng thấy mát lạnh rồi nhói buốt ở bắp đùi, máu chảy đầm đìa. Nghe tiếng Đằng kêu, Tiểu đội trưởng vội chạy đến. Thì ra Đằng đã bị một mảnh bom chém vào bắp đùi, tuy không làm đứt chân nhưng vết thương khá sâu. Anh em vội garô cầm máu và băng vết thương lại. Trận bom vừa dứt, những người chèo thuyền lại giục bộ đội nhanh chóng lên thuyền để vượt sông trước khi máy bay địch có thể quay lại. Đồng đội cõng Đằng lên thuyền, anh cắn chặt răng lại, gồng mình lên để không phát ra tiếng rên. Thuyền đã tới bờ bên nhưng Đằng đã ngất đi do bị mất máu nhiều. Không thể cõng anh đi tiếp được. Tiểu đội trưởng vội báo cáo lên Trung đội, rồi cả Trung đội trưởng, Đại đội trưởng cùng đến xem vết thương của Đằng. Một cuộc hội ý nhanh, Đại đội trưởng quyết định gửi Đằng lại cho bà con xóm Vạn Lâu chăm sóc, khi nào khỏi sẽ xin nhập vào đơn vị khác để lên mặt trận sau.
Xã đội trưởng nhận bàn giao xong, liền cho dân quân cáng Đằng xuống nhà bà Bãi, người bốc thuốc Nam có tiếng ở đây, nhất là thuốc cầm máu. Nhà bà chỉ có hai mẹ con nên cũng tiện cho việc chăm sóc Đằng. Xem xong vết thương của Đằng, bà Bãi vội ra vườn hái thuốc và bảo con gái đun nước, rửa lại vết thương. Cô con gái duy nhất của bà tên là Soi, vừa tròn 18 tuổi, cũng là một tay lái giỏi của đội quân thuyền nan đưa bộ đội qua sông. Cô vừa dìm xong thuyền, về tới nhà, người còn ướt sũng. Vết thương của Đằng đã được sơ cứu kịp thời, cộng với những bài thuốc Nam gia truyền của bà Bãi và sự chăm sóc tận tình của Soi nên nhanh chóng lành miệng. Mười ngày sau, Đằng đã có thể đi lại được. Thấy mình đã khỏe, Đằng xin phép lên đường nhưng cả hai mẹ con bà Bãi đều ra sức giữ Đằng ở lại nghỉ ngơi thêm ít ngày cho khỏe hẳn. Trước tình cảm nồng ấm của cả hai mẹ con, Đằng muốn ở lắm nhưng lại lo lên tới Điện Biên chỉ còn được nhặt ống bơ gỉ thì thật xấu hổ mặt trai nên hôm nào cũng ra bến sông ngóng có đoàn quân nào sang không. Đến ngày thứ 13, Đằng đã liên lạc được với một đơn vị cũng của Đại đoàn 308, họ đồng ý tiếp nhận anh, sáng hôm sau sẽ lên đường sớm. Đêm ấy, Soi xin nghỉ ở nhà chuẩn bị hành lý cho Đằng. Cũng chẳng có gì nhiều, Soi nấu xôi, mổ gà và làm muối vừng lạc cho Đằng ăn đường. Đằng ngại phiền nhưng không thể chối từ. Mọi việc xong xuôi, bà Bãi đi nghỉ sớm, Soi rủ Đằng ra bãi sông hái rau cải để sáng mai làm cơm sớm. Đêm ấy, không máy bay địch đến quần thảo, xóm làng yên tĩnh lạ thường. Trăng sáng vằng vặc, phong cảnh làng quê, bến nước đẹp như trong mộng. Ánh trắng soi rõ từng sợi tóc đen nhánh của Soi, gió sông thổi vào bờ bãi lồng lộng làm cả mái tóc dài mượt thơm mùi hương bưởi của Soi bay vờn lên mặt, lên vai, lên ngực Đằng. Im lặng, chỉ có tiếng của hai trái tim trẻ đang đập bồi hồi không thể nào giấu nổi cùng tiếng sóng nước sông Hồng vỗ vào bãi cát Vạn Lâu rì rầm như những lời thủ thỉ vỗ về. Soi khẽ cúi để giấu ánh mắt, rồi nói trong hơi thở nóng hổi:
- Anh đi rồi có trở lại nơi này nữa không?
Đằng quay lại nhìn Soi, trước câu hỏi của Soi, anh muốn ôm chặt Soi, áp mặt Soi vào ngực mình để Soi nghe tiếng đập của trái tim anh thay cho câu trả lời nhưng rồi anh chỉ dám nhìn ra dòng nước đang loang loáng ánh trăng, hít một hơi thở sâu mà thầm thì với Soi:
- Làm sao anh quên được bến sông này, quên được mẹ và em. Nếu ngày chiến thắng còn sống trở về thể nào anh cũng trở lại. Anh có quê hương, nhưng không có gia đình, cha mẹ đều mất trong năm đói cả rồi. Anh muốn được nhận mảnh đất Vạn Lâu này là quê hương, em và mẹ là…
Soi vội ngẩng mặt lên, hướng mắt ra dòng sông, khẽ reo lên, ngắt lời Đằng:
- Anh trông kìa, nước sông chảy đẹp không anh, chưa bao giờ lại chảy đẹp như thế. Nếu không có chiến tranh anh nhỉ, em chỉ chở đò đưa khách qua sông…
Đằng bối rối khi thấy Soi lảng sang chuyện khác, như để tránh phải trả lời điều anh định hỏi thì bất ngờ Soi ngả hẳn đầu vào vai Đằng, giọng Soi chìm hẳn xuống, nhưng rành rọt như một lời thề:
- Anh về với mẹ và em nhé. Em sẽ đợi, dù phải thật lâu. Bến sông này sẽ là bến đợi của chúng mình. Có dòng nước sông Thao này chứng giám cho lời em.
Chỉ có thế, Đằng đã thấy đất trời như đổi khác, người anh lâng lâng, rồi như bị nghẹt thở, anh như đang sống trong một giấc mơ kỳ diệu. Niềm vui tột cùng và cả bất ngờ khiến Đằng không biết còn nói, biết làm gì lúc này. Nước mắt Soi chảy ấm bờ vai Đằng. Đằng hít thật sâu vào lồng ngực mình hương thơm từ mái tóc Soi, từ cơ thể Soi, cả mùi ngan ngát của hoa cải, mùi ngai ngái, nồng nồng của phù sa đất bãi. Hạnh phúc đến với anh bất ngờ và quá lớn, còn gì hơn thế nữa, nhưng chỉ còn vài tiếng nữa anh sẽ phải chia tay Soi, chia tay mẹ, chia tay cái làng Vạn Lâu tình nghĩa này, lên đường ra mặt trận, liệu còn có ngày được trở lại bến xưa? Chiến tranh với người lính ngoài mặt trận, ai dám nói không có điều tồi tệ nhất xảy ra. Bỗng Soi ngẩng mặt lên, nhìn thăm thẳm vào Đằng chờ đợi, đôi mắt dịu hiền bỗng như ngây dại rồi ngân ngấn nước. Nhìn đôi mắt ấy Đằng không thể cầm lòng được nữa. Quàng tay lên bờ vai Soi, Đằng khẽ kéo Soi vào lòng mình, mặt Soi áp vào ngực Đằng, cả hai bỗng như lên cơn sốt. Cứ như thế, họ không còn biết đến thời gian, không còn biết chiến tranh, không còn biết đến cả cuộc chia ly đang sắp đến. Bỗng có tiếng quẫy ùm ùm của một chú cá măng nào đó ngay gần bờ, rồi tiếng rào rào bơi chạy tung tóe của đàn cá mương hốt hoảng làm cho cả hai bừng tỉnh. Đằng kéo Soi dậy, giục về kẻo mẹ mong. Khi Đằng và Soi về đến nhà thì bà Bãi đã dỡ xôi ra gần đầy cả cái mâm gỗ, bà đang quạt cho xôi nguội để kịp gói cho Đằng mang đi ăn đường. Gà gáy canh ba, đã đến giờ hẹn, Đằng quỳ xuống lạy, xin mẹ lên đường. Bà Bãi cố nén tiếng khóc, cầu mong cho Đằng lên đường được bình an, chân cứng đá mềm, rồi bà giục Soi tiễn Đằng ra chỗ hội quân.
Thế là Đằng tiếp tục lên đường ra mặt trận. Lần đi này anh có thêm sức mạnh và niềm vui. Từ nay, dẫu có đi xa đến đâu, gian khổ thế nào, Đằng đã có một nơi để nhớ, để thương, để quên đi mệt mỏi, để mong ngóng và hy vọng. Anh cùng đồng đội vượt qua chặng đường hành quân dài mấy trăm cây số đường núi rừng hiểm trở, qua bao trọng điểm, cửa tử ác liệt: Lũng Lô, Cò Nòi, Pha Đin… Đúng một tháng trời lên đến Điện Biên bằng đôi chân “vạn dặm”. Để có được đôi chân ấy, trước khi đi ngủ mỗi tổ ba người đều khoét một cái hố nhỏ dưới đất, lót ni nông bên dưới, đổ nước ấm có pha chút muối, rồi thay nhau ngâm chân vào đó. Giờ nổ súng đã được quyết định. Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ đánh vào phía Tây của tập đoàn cứ điểm, thọc thẳng tới sở chỉ huy Đờ Cát. Nhưng thật bất ngờ, chiều 26 tháng 1 năm 1954, cả Đại đoàn mỗi người được phát một túi gạo rang, nhận lệnh rời trận địa tiến quân về phía nước bạn Lào.
- Lúc đó bọn mình thắc mắc lắm, lên tới Điện Biên, tinh thần chiến sĩ đang hăng, tưởng đã được đánh ngay, nào ngờ lại phải rút quân. Sau này tôi mới biết đó là quyết định của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, chuyển từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, thực hiện lời dặn của Bác Hồ: “Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” chú ạ.
Ông Đằng dừng lời, nhấp một ngụm nước chè đặc, rồi lại bồi hồi kể tiếp:
- Đi sang Lào, tới tận Luông-pha-băng, đến hạ tuần tháng 2 năm 1954, Đại đoàn mới được lệnh bí mật trở về Điện Biên, nhận nhiệm vụ đánh đồi Độc Lập và Bản Kéo. Chỉ sau năm ngày chiến đấu, đã chiếm được đồn, mở toang cánh cửa phía Bắc vào tập đoàn cứ điểm. Đêm mùng 2 tháng 4, các chiến sĩ Trung đoàn 36 đào dũi xuyên qua được hàng rào 106 ở phía tây bắc sân bay, chiếm gọn cứ điểm, loại khỏi vòng chiến đấu một đại đội lính lê dương. Tiếp theo là những ngày “săn Tây bắn tỉa”, phát triển hệ thống đường hào, siết chặt vòng vây. Đợt tiến công thứ ba, Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm 311A, 311B ở phía Tây. Ngay đêm đầu tiên, Trung đoàn 88 đã tiêu diệt được cứ điểm 311A sát với khu trung tâm. 311B nằm cách hầm Đờ Cát có 300 mét nên địch tăng cường hàng rào dây thép gai và rải mìn dày đặc. Đại đội 43 đã cắt được ba lớp hàng rào dây thép gai và các dây mìn song bị địch phát hiện, súng từ trong cứ điểm và pháo ở các nơi khác bắn tới như mưa. Đại đội trưởng Soạn vẫn ra lệnh cho bộc phá vượt làn lửa đạn lên phá nốt hàng rào cuối cùng. Hàng rào vừa bị phá, tiểu đội xung kích đồng loạt xung phong, vừa ném lựu đạn vừa dùng tiểu liên, trung liên tiêu diệt các ổ đề kháng, buộc địch phải xin hàng. Hơn 2 giờ sáng, ngày 3 tháng 5 đã chiếm được 311B.
Vòng vây càng siết chặt vào khu trung tâm, đêm 5 tháng 5, một tấn bộc phá đã được đưa vào theo đường hầm, đến ngay dưới hầm ngầm của địch ở đồi A1. Anh em được phổ biến, hiệu lệnh tiến công là tiếng nổ của khối bộc phá này. Đúng 20 giờ 30 phút, ngày 6 tháng 5, một tiếng nổ trầm nghe đánh ục, ở xa cũng nhìn thấy một đám khói lớn phụt lên từ đồi A1. Đất đá bay lên mù mịt. Trung đoàn 102 của Sư 308 nhanh chóng chiếm 311. Sáng ngày 7 tháng 5, cờ chiến thắng đã tung bay trên đỉnh đồi A1. Ba giờ chiều, tất cả các đại đoàn được lệnh tổng công kích vào Mường Thanh với tinh thần đánh nhanh, đánh mạnh, không để cho Đờ Cát chạy thoát. 17 giờ 30 phút ngày 7 tháng 5, cờ ta lại tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Lính ta ai cũng vui như mở hội. Riêng Đằng muốn chia sẻ niềm vui này với Soi, muốn được trở về ngay Vạn Lâu, ôm Soi vào lòng mà hít hà niềm hạnh phúc nhưng Đại đoàn 308 lại được lệnh chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Việc về Vạn Lâu đành phải gác lại. Đằng vẫn nhớ rõ trên đường đi đã được gặp Bác Hồ tại Đền Hùng vào ngày 19 tháng 9, nghe Bác căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước…”. Đầu tháng 10 cả đại đoàn đã tập kết ở ngoại ô thành phố.
Ngày mùng 10 tháng 10, lúc 8 giờ, từ phía Tây vào là Trung đoàn Thủ đô dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng, Anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị, qua các phố Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang, Cửa Đông, tiến vào trung tâm thành phố; 8 giờ 45 phút, từ phía Nam vào là Trung đoàn 88 và Trung đoàn 36 qua các phố Bạch Mai, Huế, Hồ Gươm, chiếm toàn bộ khu vực Đồn Thuỷ, nhà Đấu Xảo; 9 giờ 30, đoàn cơ giới và pháo binh qua Cửa Bắc tiến vào trung tâm thành phố. Nhân dân Hà Nội hò reo, phất cờ hoa, hát vang bài ca “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao đón chào đoàn Quân giải phóng. 15 giờ, Ủy ban Quân chính thành phố làm Lễ chào cờ tại sân Cột Cờ, có tới hàng chục vạn người tham dự. Còi Nhà hát Lớn thành phố kéo một hồi dài. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Cột Cờ Hà Nội. Bài hát “Tiến quân ca” vang lên hào sảng. Thật là một ngày lịch sử vĩ đại của thành phố.
Dự lễ chào cờ xong, Đằng xin gặp thủ trưởng, kể rõ mọi sự việc và xin được tranh thủ về Vạn Lâu. Thông cảm cho hoàn cảnh của Đằng và xét thành tích của anh trong chiến dịch, thủ trưởng đồng ý cho ba ngày phép. Đằng hớn hở như con trẻ, chạy vội ra chợ Đồng Xuân mua được chiếc khăn vuông, đôi áo cánh, cộng với tấm vải dù trắng đã cất giữ từ ngày ở Điện Biên làm quà cho mẹ Bãi và Soi. Chắc mẹ và Soi sẽ vui lắm. Rồi Đằng xin mẹ cho cưới Soi. Giặc giã xong rồi, nếu được phục viên Đằng sẽ về Vạn Lâu, cùng Soi xây tổ ấm gia đình…
Tàu đến ga Yên Bái, Đằng ra ga, rồi chạy bộ lên bến Âu Lâu. Sang sông, Đằng đi tắt đường bãi để về nhà cho nhanh. Nhưng gần đến nơi, Đằng giật mình, bàng hoàng, ngôi nhà nhỏ thân thương năm xưa nay chỉ là bãi đất trống hoang. Sao lại thế này? Hay là mẹ con Soi đã chuyển đi chỗ khác? Đứng chơ vơ trên cái nền nhà cũ, lòng Đằng hụt hẫng, trĩu buồn. Có bàn tay nào đặt nhẹ lên vai, Đằng đã nghĩ là Soi, vội quay lại. Anh ngơ ngác. Đó là một bác trai chừng 60 tuổi, vai vác cày, tay dắt trâu. Bác nhìn Đằng rồi hỏi:
- Chú tìm mẹ con cô Soi à?
- Vâng, bác Bãi và em Soi chuyển đâu rồi ạ?
- Chú là thế nào với mẹ con cô ấy? Sao bây giờ mới tới, cô Soi và bà Bãi mất cả rồi. Cô ấy bị bom đánh trúng thuyền chú ạ. Còn bã Bãi thương nhớ con quá cũng mỏi mòn, lâm bệnh mà chết…
Chưa nghe hết lời kể, đất dưới chân Đằng đã như sụt xuống, còn trời thì đổ sập lên đầu, toàn thân Đằng tê dại. Nỗi đau bất ngờ và quá lớn đến giữa lúc anh đang mơ tưởng về những điều hạnh phúc nhất khiến Đằng đau xót đến không thể nói, cũng không thể khóc được, cứ tê tái, chết lặng người đi. Không thể tin điều vừa nghe lại là sự thật. Đi vào nơi hòn tên mũi đạn như Đằng đã đành, sao ở chốn làng quê, hậu phương này lại cũng có những sự thật tàn khốc, nghiệt ngã đến như thế?
Thấy Đằng cứ đứng trơ trơ như trời trồng, bác nông dân xóm bãi cũng phải rơi lệ, bác ngậm ngùi bảo Đằng:
- Thôi, sự việc đã xảy ra rồi, có đau bao nhiêu cũng không thể lấy lại được. Chú về nhà bác đi, về nhà bác rồi ta nói chuyện.
Lời mời cộng sự an ủi của người dân xóm bãi làm Đằng tỉnh lại, nhưng lúc này anh mới thấy thấm thía nỗi đau. Đằng nghẹn ngào:
- Vâng, nhưng mộ mẹ Bãi và em Soi ở đâu hả bác, bác đưa cháu tới đó đã.
- Chỉ có mộ bà Bãi thôi chú ạ. Còn cô Soi, đau xót lắm, chúng tôi tìm mãi mà không thấy cô ấy, chắc là bom đánh trúng thuyền nên…
Bác chưa nói hết câu, Đằng đã thấy như đứt từng khúc ruột, thấy máu trong người như trào ra. “Trời ơi, Soi ơi, sao lại đến nông nỗi thế! Ở chiến trường, anh đã từng vuốt mắt, gói thân cho bao nhiêu đồng đội, thậm chí có khi còn phải lượm nhặt từng phần thi thể đồng đội gom lại để chôn cất. Nhưng đó là ở chiến trường, là đối mặt với kẻ thù, còn đây là làng quê, người đó lại là mẹ, là em… Chiến tranh ư, mi là gì mà lại tàn ác đến thế?”.
Những ngày ở Vạn Lâu, Đằng sửa sang lại phần mộ mẹ Bãi, thời gian còn lại anh ra ngoài bến “Đợi” - nơi anh và Soi đã ngồi tâm sự, trao gửi tình yêu cho nhau, ngồi lỳ hàng giờ, mắt trân trân nhìn ra sóng nước. Trở về đơn vị, anh kiên quyết từ bỏ ý nghĩ xin phục viên, rồi xung phong vào đoàn quân Nam tiến đầu tiên. Bây giờ anh chỉ còn muốn đánh giặc, đánh đến cùng, đánh bao nhiêu cũng chưa trả hết mối thù của Soi và mẹ, chẳng còn thiết, còn nghĩ tới chuyện vợ con. Sau năm 1975, được đồng đội và cấp trên vun vén và năn nỉ mãi, anh mới đồng ý xây dựng gia đình với một phụ nữ, cũng là cơ sở cách mạng, đã giúp đỡ, chở che anh trong những ngày hoạt động ở vùng địch tạm chiếm. Nhưng chưa bao giờ anh quên hình ảnh Soi, quên bến “Đợi”, quên xóm bãi nhỏ bên bờ sông Hồng này.
** *
Tôi hỏi ông:
- Vậy bà Soi hy sinh trong trường hợp nào? Trong danh sách các liệt sĩ ở Vạn Lâu không thấy có tên bà.
Ông bảo:
- Tôi được nghe kể, đêm ấy bộ đội đã sang sông hết, mọi người đang đánh thuyền đi dìm thì có một bà hớt hải chạy đến xin cho sang sông thăm người nhà bị ốm nặng. Lúc ấy trời đã hửng sáng, vả lại sau một đêm lái thuyền ai cũng mệt nhoài nên ngần ngại, chỉ có Soi là quay thuyền lại chở giúp…
Người cựu chiến binh kể cho tôi đến đấy thì mắt ông đỏ hoe, không nói gì nữa. Ông im lặng, có lẽ ông đang sống với những kỷ niệm, với thế giới riêng của mình. Tôi không dám hỏi, thậm chí cũng không dám ho, dám thở mạnh, sợ làm tan vỡ mất cái thế giới kỷ niệm trong như pha lê ấy của riêng ông. Tôi cũng hiểu là bà Soi chết không phải trong lúc đang làm nhiệm vụ nên không được coi là hy sinh, là liệt sĩ. Đầu óc tôi lúc này chợt nảy lên một sự so sánh. Âu Lâu, cái bến đò quê của tôi, đã đi vào lịch sử của đất nước. Nhiều người biết trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Âu Lâu là một trọng điểm trên con đường chiến dịch của bộ đội và dân công. Địch cũng phát hiện ra điều này, chúng đánh phá điên cuồng, hòng chặt đứt cái mắt xích sống còn này của ta. Ban ngày thì máy bay trinh sát quần thảo, hễ phát hiện thấy mục tiêu khả nghi là ném bom ngay. Ban đêm, chúng bắn pháo sáng, nã đạn, ném bom, dùng cả lực lượng biệt kích để đánh phá. Việc vượt sông phải thực hiện trong đêm, ban ngày, tất cả thuyền, phà phải nhấn chìm xuống lòng sông để che mắt địch, vậy mà chỉ bằng hai chiếc phà thô sơ và những con thuyền nan bé nhỏ của dân làng Vạn Lâu, đã chuyên chở trên ba vạn bộ đội, dân công, 25 ngàn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm qua sông lên mặt trận. Đó quả là một kỳ tích, lịch sử của cả ta và địch đã công nhận. Nhưng còn bao nhiêu điều khác như câu chuyện mà người cựu chiến binh Điện Biên tên Đằng đã kể cho tôi, nó cũng thiêng liêng và lớn lao như một kỳ tích đấy chứ. Song nếu chiều ấy tôi là một kẻ vô tình thì sẽ không bao giờ biết được nó. Tôi đã yêu Âu Lâu, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, đã tự hào về những trang sử hào hùng của nó nhưng bây giờ tôi mới thấm hết những nỗi đau cũng ở bến sông này.
Tôi viết truyện này một mạch như có ai nâng bút, viết xong, tôi đã in một bản trên giấy đẹp, mang hóa tại bến Âu Lâu, cũng là bến Đợi của bà Soi, ông Đằng. Tôi thả nắm tro vào dòng nước. Những con sóng thi nhau xô vào bờ bãi, cuốn tàn tro ra tít ngoài khơi, đưa nó về miền xa thẳm…
Âu Lâu, mùa nước 2013