Giữa năm 1972, sau khi kết thúc khoá huấn luyện, Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn 246, chúng tôi nhận lệnh hành quân gấp từ Đại Từ - Thái Nguyên, vượt Tam Đảo, sang Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc giúp dân hộ đê, chống lụt. Sau hơn một tháng ở Vĩnh Tường thì chúng tôi được lệnh chuẩn bị trở lại Trung đoàn nhận nhiệm vụ mới. Thủ trưởng không nói rõ nhiệm vụ mới là gì nhưng chúng tôi đều hiểu là sẽ vào chiến trường B. Lúc này, phần thì nhớ nhà, lại nghe tin mẹ phải mổ, phần thì nghĩ sắp lên đường chiến đấu chẳng biết sống chết ra sao; từ Vĩnh Tường về Yên Bái chưa đầy trăm cây số, đi tàu chỉ mất vài giờ nên tôi liều mạng lên xin Đại đội trưởng Điền cho tranh thủ về thăm gia đình, chỉ một đêm thôi cũng được. Tôi nói với Đại đội trưởng là đã xem xét, tính toán kỹ giờ tàu, đủ bảo đảm thời gian về nhà trong một đêm. Đại đội trưởng đắn đo, suy tính hồi lâu rồi quyết định cho tôi về nhà từ bốn giờ chiều hôm trước tới bảy giờ sáng hôm sau, với lý do chính là tôi có thành tích bắn súng bài một đạt loại giỏi, trong thời gian chống lụt lại phát hiện ra một ổ mối lớn ở sườn đê, giúp cho đơn vị xử lý kịp thời, tránh được hậu quả đáng tiếc cho dân nên đại đội thưởng phép. Ông dặn tôi, bằng bất cứ giá nào cũng phải về đúng thời gian, vì đơn vị có thể nhận lệnh hành quân bất cứ lúc nào.
Được lệnh, tôi vội xuống nhà bếp xin anh nuôi cho ăn cơm sớm rồi chạy bộ ra ga Hướng Lại. Năm giờ chiều, tàu vào ga, các toa khách chật như nêm cối. Tôi lao lên một toa đen, nhưng cũng không còn một khoảng trống đủ để ngồi. Đành phải đứng vậy. Thế là may lắm rồi, chỉ mong dọc đường không có sự cố gì. Tám giờ tối tàu tới ga Yên Bái. Cả khu ga tối om. Vài ánh đèn bão tù mù của nhân viên nhà ga xách trên tay, luôn đi đi lại lại, nhắc nhở hành khách khẩn trương rời ga, chẳng đủ sáng cho tôi nhận ra đâu là đường ke sân ga. Chỉ mấy tháng trước đây thôi, nhà ga tấp nập đông đúc là thế, vậy mà bây giờ như bãi chiến trường. Nghe đài, đọc báo, tôi biết thị xã của mình đã bị kẻ thù đánh bom huỷ diệt nhưng vẫn không tưởng tượng ra nổi mức độ khốc liệt của nó đến như thế này. Chúng đã thực sự muốn xoá sổ ga Yên Bái để chặt đứt tuyến đường cửa ngõ miền Tây của chúng ta.
Từ ga về nhà tôi hơn năm cây số. Qua khỏi cửa soát vé, tôi bắt đầu chạy. Một phút với tôi bây giờ cũng đáng quý lắm. Chợt thấy có người đi xe đạp vút qua, tôi chạy theo nói xin đi nhờ. Người đó quay đầu lại, có vẻ nhận ra tôi là bộ đội nên dừng xe, hỏi về đâu. Tôi vội chạy lại gần, thì ra là một phụ nữ, tóc buộc gọn sau gáy, khẩu súng trường CKC khoác chéo trên lưng, đầu đội mũ sắt che gần hết trán. Trời tối, tôi không biết là già hay trẻ đành cứ gọi là chị, xưng em, rồi cuống quýt giải thích:
- Em là bộ đội sắp đi B, nhà ở cây số 4, được thủ trưởng cho về thăm nhà có một đêm…
- Người đó không đợi tôi nói hết câu đã hỏi:
- Không phải là bộ đội đào ngũ đâu chứ?
Tôi vội vàng nói là không, nếu cần thì cho xem giấy tờ. Người đó bảo:
- Thôi khỏi, lên xe đi. Ưu tiên bộ đội thời chiến.
Tôi mừng quá nhảy ngay lên gác-ba-ga, làm cho người ấy loạng choạng tay lái suýt đổ xe. Tôi vội nhảy xuống bảo:
- Chị để em đèo cho.
Người phụ nữ khẽ cười, giọng không còn tỉnh khô nữa, tuy không nhìn rõ mặt nhưng tôi cảm thấy chị ta có vẻ ngượng:
- Em còn trẻ thôi mà anh bộ đội, đừng gọi em là chị. Cứ để em đèo, em quen xe.
Tôi phải khẩn khoản mãi, người ấy mới trao tay lái cho tôi. Có chiếc ô tô lướt qua, dù xe chỉ bật đèn gầm, cũng đủ cho tôi nhận ra người phụ nữ đó còn trẻ thật. Từ đấy tôi không gọi là chị nữa. Tôi hỏi tên. Em bảo tên Xuân. Tôi cũng tự giới thiệu tên mình. Xuân còn kém tôi một tuổi, nhưng đã làm công nhân của Xí nghiệp đầu máy Hà - Lào được hai năm, Xuân còn là tự vệ và thanh niên xung kích của xí nghiệp. Nhà Xuân ở ngay phố bờ sông. Bố Xuân lái tàu, mẹ là công nhân nhà máy đường - rượu, bà đã cùng các em của Xuân đi sơ tán theo nhà máy. Chỉ còn mình Xuân ở nhà. Lúc gặp tôi, Xuân vừa tan ca xong. Em bảo đêm nay em không phải trực chiến nên về nhà nghỉ. Chỉ chào hỏi được ngần ấy, trời tối, đường nhiều ổ gà nên tôi phải tập trung vào tay lái, gò lưng, nhổm người lên lấy lực đạp cho nhanh. Dọc đường gặp nhiều đoàn xe kéo pháo của bộ đội và từng tốp thanh niên đi xe đạp ngược chiều, ai cũng khoác súng, đội mũ sắt, mũ rơm, nói cười rôm rả. Xuân bảo đó đều là tự vệ, dân quân, thanh niên xung kích của các cơ quan, xí nghiệp, khu phố và các xã ven thị xã. Họ ra ngoài ga và bến phà Âu Lâu để trực chiến, sẵn sàng giải quyết hậu quả của những trận bom đánh xuống trong đêm. Một không khí chiến đấu quyết liệt đã tràn ngập thị xã.
Đã về đến khu nhà tôi. Sao yên ắng quá? Cả một khu dân cư mà không có lấy một ánh đèn, không một bóng người, không một tiếng nói, chỉ lờ mờ những mái nhà lá lô nhô chen lẫn những khóm chuối. Tôi chạy tới nhà mình, cửa đóng im ỉm, bật lửa soi chỉ thấy một cái khoá to tướng và một tấm biển: “Nhà sơ tán vào Đình Trắng, Tân Thịnh”. Tôi nhận ra nét chữ của bố. Chạy sang các nhà hàng xóm cũng toàn thấy những tấm biển như vậy. Tôi buồn bã quay ra, không kìm được tiếng thở dài. Xuân bảo từ đây vào Tân Thịnh còn gần chục cây số nữa và giục tôi đi. Ái ngại quá. Tôi biết Xuân vừa đi làm về, chưa kịp ăn cơm, nên bảo Xuân quay về, tôi đi bộ vào Tân Thịnh được. Xuân gạt đi, bảo:
- Ai lại để anh đi bộ, vả lại anh chỉ còn có vài tiếng nữa thôi. Lên xe đi anh.
Vì mong muốn được gặp gia đình quá nên tôi không còn cách nào khác. Chúng tôi vào đến Tân Thịnh đã gần chín giờ tối. Hỏi thăm tới chỗ bà con ngoài thị xã sơ tán thì đã chín ruỡi. Nhìn thấy bác Cả Luỹ ở cùng phố với nhà tôi, mừng quá, tôi vội chạy lại, gọi bác. Hai bác cháu ôm chầm lấy nhau. Tôi hỏi nơi ở của nhà tôi. Khi biết tôi chỉ tranh thủ về nhà có một đêm, bác đặt tay lên vai tôi, giọng trầm hẳn xuống:
- Mẹ cháu khỏe rồi, chỉ là mổ ruột thôi, nhưng nhà cháu mới theo cơ quan sơ tán vào tận trong Chính Tâm, Yên Bình. Xa lắm, từ đây vào đấy hơn năm chục cây, cháu không kịp vào đâu.
Mong mỏi, hy vọng, cả niềm vui tưởng tượng được gặp bố mẹ và các em thế là tan biến. Đất dưới chân tôi như sụt xuống, người như muốn đổ và nước mắt cứ trào ra. Bác Cả Luỹ và mọi người ở đó an ủi, động viên, bảo tôi cứ yên tâm đi chiến đấu. Thời buổi loạn lạc nhưng ở đâu con người cũng yêu thương, tình nghĩa, hoạn nạn có nhau, chia sẻ khó khăn, thiếu thốn nên tôi đừng lo lắng quá. Tôi đành nhờ bác Cả Luỹ, nếu gặp bố mẹ tôi, bác nói là tôi vẫn khoẻ, bố mẹ cứ yên tâm, dù khó khăn đến đâu tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ. Bác Cả Luỹ bảo tôi viết cho bố mẹ mấy chữ, bác chuyển cho, không thấy người thì thấy chữ cũng vui rồi. Rồi bác mở hòm lấy ra bốn bao thuốc lá Tam Đảo cho tôi. Gia đình chủ nhà bác ở nhờ dù không quen biết tôi cũng gói cho túi chè đến nửa cân. Mấy nhà hàng xóm cũng vội về lấy quà cho tôi. Người thì cho giấy bút, người thì cho tem thư. Tôi không nhận nhưng mọi người ép phải nhận. Tôi xúc động quá, nguôi ngoai đi phần nào nỗi buồn không được gặp gia đình.
Tuy vậy nhưng lúc quay ra, tôi vẫn thấy không còn thấy hứng khởi, chẳng muốn nói năng gì. Xuân lại là người chủ động gợi chuyện. Rồi Xuân mời tôi về nhà, ăn cơm, nghỉ ngơi, sắp đến giờ tàu về hẵng ra ga. Tôi biết Xuân thật lòng. Giá lúc khác, gặp được hoàn cảnh này thì còn gì bằng, tha hồ mà tán, còn bây giờ tôi chỉ thấy là không nỡ từ chối tình cảm và sự quan tâm của Xuân. Về đến nhà Xuân, hai đứa lúi húi nấu cơm. Cái bếp củi phải quây kín bằng những mảnh tôn cũ để che bớt ánh sáng. Vẫn phải có một chậu nước đầy đặt ngay cạnh bếp để sẵn sàng dập lửa. Nhà Xuân chỉ còn mấy con cá mắm và nửa chai nước chấm. Chúng tôi ra vườn hái rau lang. Trời tối, sợ máy bay phát hiện, không dám soi đèn, chỉ hái mò. Cuối cùng cũng được lưng rá rau. Xuân lấy một nửa đem xào, một nửa thái nhỏ nấu canh. Vừa làm, vừa trò chuyện, dần dà cái xã giao, ý tứ ban đầu cũng được cởi bỏ, tôi cũng cất được cái bộ mặt ỉu xìu như bánh đa ngấm nước của mình. Nói năng tự nhiên hơn, còn có cả trêu đùa nhau, thỉnh thoảng đã có tiếng cười khúc khích.
- Anh Long yêu ai chưa? Bộ đội, đẹp trai thế này lại học hết phổ thông, chắc là nhiều cô yêu lắm nhỉ?
Có lẽ Xuân hỏi thế để đùa vui cho tôi bớt buồn là chính, song nhớ lại lúc mới gặp, em có cái giọng tỉnh khô, cộng thêm nỗi thất vọng không gặp được gia đình làm tôi trả lời Xuân đầy vẻ giận dỗi và trách móc:
- Làm gì có ai yêu, còn suýt nữa bị coi là kẻ đào ngũ. Thật là…
- Thật là vô tâm, vô tứ, xốc nổi chứ gì? Tại lúc ấy thấy anh lúng túng nên em mới nghĩ thế. Em sai rồi, cho em xin lỗi.
Nét mặt Xuân chợt buồn. Con gái nhạy cảm lắm, hình như câu nói của tôi đã làm cho Xuân bị tổn thương. Tôi ân hận vì đã phụ tấm lòng và sự vất vả của em từ chập tối tới giờ vì tôi nên tìm cách dàn hòa:
- Hôm nay, đúng là không may mà lại hóa may.
- May gì cơ?
- Thì gặp được em đấy.
Xuân không trả lời nhưng nét mặt có vẻ vui lên. Thấy thế, tôi liều tán dóc một câu, cũng là để xem thái độ của Xuân với mình thế nào:
- Thanh Xuân cũng đẹp rồi nhưng anh thích em là Tầm Xuân. Hoa Tầm Xuân ấy mà.
- Em không biết hoa Tầm Xuân. Nó thế nào? Tại sao lại gọi là Tầm Xuân hả anh?
- Có câu chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, có một đôi trai gái trẻ yêu nhau tha thiết. Khi người con trai phải đi làm ăn xa, họ hẹn nhau đến mùa xuân thì chàng trai trở về làm đám cưới. Nhưng rồi mùa Xuân ấy không hiểu vì sao chàng trai chưa trở về. Cô gái ra nơi ven đồi, chỗ họ chia tay, thề nguyền với nhau khi xưa, vời vợi nhìn về phương xa mong ngóng người yêu. Cô chờ mãi, chờ mãi rồi lả đi, gục xuống. Sáng hôm sau mọi người đi tìm, chỉ thấy chỗ cô ngồi mọc lên một loài hoa lạ, hoa mọc thành bụi, năm cánh hoa nhỏ nhắn, xinh xắn, bình dị, nhưng lung linh sắc màu. Loài hoa ấy có sức sống thật mãnh liệt. Nó chịu đựng dãi dầu, mưa nắng quanh năm để rồi chỉ bừng nở vào mùa hẹn ước…
- Thôi đi! Đừng tán dóc, giúp em dọn cơm nào.
- Tuân lệnh!
Chúng tôi ngồi ăn cơm. Xuân vặn ngọn đèn hoa kỳ to hơn một chút. Nét mặt Xuân thật hồn nhiên. Tôi ăn mới gần hết bát thì Xuân đã đặt bát mình xuống mâm đợi xới cho tôi. Tôi bảo:
- Cơm ngon quá!
Xuân nói, giọng thật lắm:
- Vậy anh ăn nhiều vào.
Ăn xong đã 11 giờ đêm. Lúc uống nước, tôi nói như bâng quơ:
- Sắp ra trận, chưa có người yêu, cũng chẳng có kỷ vật của người con gái nào. Buồn thật!
Xuân ngồi im một lúc rồi mở chiếc hòm gỗ, lấy cuốn sổ tay nhỏ, bảo:
- Vậy em tặng anh cuốn sổ này nhé. Em chép toàn bài hát.
Tôi reo lên:
- Thế thì tuyệt quá. Cảm ơn em nhiều. Anh sẽ luôn giữ nó bên mình!
Tôi giở sổ, đọc lướt một lượt tên các bài hát: “Bài ca thanh niên sẵn sàng”, “Vui mở đường”, “Bạch Long Vĩ đảo quê hương”, “Đường cày đảm đang”…
Đã 12 giờ đêm, lúc ấy dù còn muốn trò chuyện cũng không thể ngồi yên vì muỗi nhiều quá, xua, đập không xuể. Chắc vì nhà gần bờ sông, cây cỏ lại rậm rạp, người thì ít nên muỗi dồn hết vào đây. Chỉ có một cái giường cá nhân. Xuân mắc màn, bảo tôi nằm nghỉ. Tôi lại bảo Xuân mới cần nghỉ, sáng mai còn phải đi làm sớm, tôi chỉ có ngồi tàu. Xuân không chịu. Hai đứa cứ nhường nhịn, đùn đẩy nhau. Cuối cùng Xuân bảo:
- Vậy thì cùng vào giường. Anh nằm, em ngồi.
Tôi bảo đồng ý nhưng phải đổi vị trí, song Xuân không chịu. Cuối cùng anh bộ đội phải thua cô tự vệ nhà máy. Xuân ngồi tựa vào thành giường, tay cầm chiếc quạt cói, khe khẽ quạt cho tôi ngủ. Tôi thiếp đi lúc nào không biết. Đến khi cựa mình, xoay người, cảm thấy có mùi hương là lạ. Tôi quờ nhẹ tay sang bên, chạm ngay vào người Xuân. Thì ra Xuân ngồi gục ngay cạnh tôi tự lúc nào. Chắc là em mệt quá nên thiếp đi. Trời tối nên chỉ nghe thấy tiếng thở đều đều, nhè nhẹ nhưng tôi cảm thấy khuôn ngực Xuân đang phập phồng theo nhịp thở. Tôi cố nằm im, đến cả không dám thở mạnh vì sợ làm Xuân thức giấc. Không biết đã mấy giờ rồi? Tôi cũng không dám nhổm dậy xem giờ ở cái đồng hồ báo thức đặt trên bàn. Yên ắng quá. Không có tiếng bom đạn, không có tiếng xe, không có tiếng người, tiếng gà gáy chuyển canh, chỉ có tiếng thở đều đều của Xuân và tiếng đồng hồ tích tắc. Trái tim tôi bỗng rộn rã, nhảy nhót, bổi hổi, tôi nghe rõ tiếng đập thình thịch của nó. Trời ơi, tôi muốn kéo Xuân lại, đặt Xuân xuống giường, ôm Xuân trong vòng tay nhưng tôi lại không thể làm thế được, chính xác hơn là không dám làm như thế. Tôi mơ tưởng, khao khát tới một ngày sau chiến tranh. Kìm nén khiến toàn thân tôi căng cứng. Bỗng có tiếng máy bay gầm rú rèn rẹt ngay trên đầu, cắt ngang mọi suy nghĩ, xúc cảm của tôi. Rồi tiếng bom nổ chát chúa như xé tai, như đập vỡ cả lồng ngực. Cả tôi và Xuân cùng choàng dậy. Xuân hốt hoảng:
- Chết rồi! Nó đánh bom ngoài ga hay sao ấy anh ạ!
Xuân nhanh chóng đi giày, thắt băng đạn, đội mũ sắt, tay với khẩu súng trường, nói vội:
- Anh ở nhà nhé. Em phải ra ga xem sao. Nếu em không về kịp anh cứ khép cửa rồi ra tàu nhé. Chúc anh đi mạnh khoẻ, bình an! Hẹn gặp lại anh. Đừng quên em nhé!
Tôi kéo vai Xuân bảo cho tôi đi cùng. Xuân bỗng nói như ra lệnh:
- Không được! Đồng chí bộ đội phải ở nhà rồi về đơn vị. Việc của đồng chí là ở chiến trường. Ở đây đã có chúng tôi lo.
Nói rồi Xuân vụt chạy đi. Ra đến đường, bỗng Xuân chạy trở lại. Tôi hỏi:
- Em còn quên gì à?
Xuân nói trong hơi thở gấp:
- Vâng, vâng, em quên, em quên…
Rồi rất nhanh, cô cởi chiếc khăn mùi soa đang buộc tóc, đưa cho tôi, nói cũng thật nhanh - Em tặng anh đấy!
Bị bất ngờ, tôi run run đón chiếc khăn mùi soa. Tay tôi chạm vào tay Xuân. Tôi vội nắm chặt chiếc khăn và cả bàn tay Xuân. Xuân vẫn để yên tay mình trong tay tôi. Tôi nghe rõ hơi thở dồn dập của Xuân. Lại một loạt bom nữa, đất dưới chân tôi rung chuyển. Xuân vội rút tay em ra khỏi tay tôi và bất ngờ dang cả hai tay ôm choàng lấy tôi, hôn tới tấp lên mặt tôi. Tôi sững sờ, chưa kịp phản ứng gì thì Xuân đã buông tôi ra rồi lại chạy vụt đi, bóng em mất hút trong màn đêm. Tôi muốn chạy theo nhưng rồi lại đứng lặng như trời trồng nhìn theo bóng em. Vì tôi hiểu lúc này em không có thời gian dành cho riêng tôi.
Tôi quay vào nhà nhưng không thể ngủ tiếp được. Cảm giác về những nụ hôn của Xuân trên má tôi vẫn còn nóng hổi. Nụ hôn lần đầu tiên trong đời được một người con gái ban tặng cho tôi. Tôi là ai kia chứ? Một người vài tiếng trước đây còn xa lạ. Vậy mà em đã chẳng quản vất vả, mệt nhọc đưa tôi đi, chẳng đắn đo, lo ngại khi đưa tôi về nhà trong đêm tối, chăm sóc tôi từ miếng ăn, giấc ngủ một cách thân tình. Rồi những kỷ vật em tặng tôi, những nụ hôn em vừa cho tôi kia, là gì kia chứ? Chỉ có thể là tình yêu. Cứ cho là trong tình yêu ấy có cả sự thương cảm, sự an ủi, động viên của em, sự bù đắp cho việc tôi đã không gặp được gia đình trước khi vào nơi hòn tên mũi đạn, lành ít dữ nhiều, thì nó cũng quý giá biết chừng nào với những người lính chúng tôi. Nhất là vì tình yêu ấy mà em đã đốt cháy mọi giai đoạn, bỏ qua cả những lẽ thường tình mà tôi linh cảm một người như em không thể nào không biết. Tôi bắt đầu nhận ra những khoảng khắc trong chiến tranh. Khoảng khắc có thể bằng cả bao năm tháng, thậm chí là cả một đời. Khoảng khắc có thể làm cho con người trở thành anh hùng, cũng có thể thành kẻ phản bội thì khoảng khắc cũng có thể nảy sinh một tình yêu chân chính. Vậy sao tôi có thể lặng lẽ ra đi một cách vô tình với em. Tôi vùng dậy, xé tờ giấy trong cuốn sổ tay, viết thật to và đậm:
"Tầm Xuân! Anh biết ngỏ lời với em lúc này là quá vội, nhưng anh không thể không nói ra. Vì đêm nay, vì em, vì anh, vì chiến tranh, vì cả khát vọng và tin tưởng vào ngày chiến thắng, sẽ có hoà bình và con người được sống trong hạnh phúc. Hãy đợi anh! Anh sẽ về với em, với thị xã nhỏ bé thân yêu của chúng mình”. Ngày, tháng, năm và ký tên.
Tôi đặt tờ giấy lên mặt bàn, dùng cái chén uống nước chẹn lại, rồi gấp chăn màn, khoác ba lô, khép cửa nhà. Ra ga, nghe mọi người nói tôi mới biết vừa rồi bom Mỹ thả xuống ngay đầu ga bắc, may là không trúng đường, không ai bị chết nhưng mấy nhà xưởng bị cháy, lực lượng tự vệ xí nghiệp vẫn còn đang dập lửa, cứu đầu máy. Tôi chắc Xuân cũng đang ở đó nhưng không thể chạy ra đó vì tàu đã sắp vào ga.
Đó là đêm 17, rạng ngày 18 tháng 7 năm 1972. Sau đó đúng 10 ngày chúng tôi lên đường đi B. Tôi viết cho Xuân một lá thư trước ngày lên đường. Lúc đó tôi chưa có hòm thư mới nên Xuân cũng không thể gửi thư cho tôi được. Cuối năm 1975, tôi mới được ra Bắc, về thăm nhà. Cả nhà mừng lắm, bà con hàng xóm cũng sang chia vui, nhà lúc nào cũng nhộn nhịp như tết, đầy tiếng cười, tiếng nói. Bố mẹ tôi nhắc lại chuyện tôi về mà không gặp được gia đình, ân hận vì lúc đi sơ tán đã không biên thư cho tôi biết, cũng là muốn để tôi yên tâm lên đường. Ngày hôm sau tôi ra ga ngay để tìm Xuân. Đi dọc hết cả phố bờ sông nhưng tôi không thể nhận ra ngôi nhà Xuân ở chỗ nào, vì lúc đó trời tối, cảnh vật lại hoang tàn, không như bây giờ. Tôi hỏi thăm. Mọi người mau mắn, tận tình chỉ nhà Xuân nhưng họ lại xì xào với nhau và nhìn tôi thật lạ, như có điều gì khó nói. Khi biết tôi vừa từ chiến trường ra, tất cả quây lấy tôi, ngập ngừng. Lát sau, một bác trai đến trước tôi, một tay bác cầm tay tôi, một tay bác đặt trên vai tôi hồi lâu, rồi nói, vừa như báo tin, vừa như an ủi:
- Chú à, cô Xuân hy sinh rồi, từ năm bảy hai cơ, chắc chú chưa biết. Thương con bé quá!
Tôi giật mình thảng thốt, con tim như bị một bàn tay nào bóp chặt. Ngoài mặt trận, đã bao lần phải chứng kiến sự hy sinh của đồng đội cũng đau xót lắm nhưng nỗi đau của tôi lúc này vẫn có gì thật khác lạ. Tôi không thể tin được điều đó lại xảy ra với một cô gái ở hậu phương. Cô gái ấy lại là Xuân. Tự nhiên nước mắt tôi trào ra. Những giọt nước mắt đầu tiên sau chiến tranh. Mọi người vẫn đứng cả quanh tôi. Rồi bác trai dẫn tôi đến nhà Xuân. Chỉ có mẹ Xuân ở nhà. Bà đưa tôi đến bàn thờ Xuân. Lúc này tôi mới nhìn rõ khuôn mặt Xuân trong di ảnh. Xuân mặc chiếc áo thợ màu xanh, nụ cười rất tươi. Bên dưới ảnh đề dòng chữ: “Liệt sĩ Phạm Thị Thanh Xuân, hy sinh ngày 18 tháng 7 năm 1972”. Trời ơi! 18 tháng 7 năm 1972. Làm sao tôi quên được ngày đó. Chả lẽ Xuân lại hy sinh vào đúng vào cái đêm tôi gặp Xuân? Sao lại có một sự trùng hợp như thế? Sao lại tàn khốc, sao lại trớ trêu đến như thế? Tôi lấy tay gạt nước mắt, cố bình tĩnh hỏi mẹ về trường hợp hy sinh của Xuân.
Bà kể, đêm 18, sau khi Mỹ ném bom vào nhà xưởng của xí nghiệp, Xuân cùng lực lượng tự vệ, xung kích đang dập lửa, cứu máy thì chúng lại thình lình lao đến ném bom đợt hai đến tận gần sáng. 12 người đã hy sinh trong đó có Xuân. Tôi hỏi mộ Xuân bây giờ ở đâu? Mẹ Xuân bỗng nghẹn ngào:
- Không tìm được Xuân cháu ạ. Chắc là bom đã làm tan nát hết. Bới mãi cũng chỉ nhặt được những mẩu xương thịt rơi vãi lẫn lộn với đất đá. Nhưng cũng của nhiều người lắm, không nhận ra được là xương thịt của ai.
Nghe mẹ kể, tôi không thể kìm nén được cảm xúc của mình nữa. Tôi ôm lấy mẹ, ngả đầu vào vai mẹ. Bỗng tôi thấy bà nín khóc, bàn tay bà vỗ vỗ nhè nhẹ vào vai, rồi xoa xoa trên lưng tôi. Im lặng. Tôi cứ để yên như thế hồi lâu.
Thấy có một chiếc hộp sắt nhỏ đặt ngay dưới di ảnh Xuân. Tôi hỏi, mẹ Xuân bảo đó là mấy kỷ vật của Xuân, gia đình vẫn giữ lại. Rồi bà run run mở nắp hộp lấy từng thứ cho tôi xem: Một cái gương tròn bỏ túi, một cái lược sừng, một chiếc cặp ba lá… một bức thư và một tờ giấy sổ tay. Tôi cầm lên xem. Là tờ giấy tôi đã viết cho Xuân đêm hôm đó và bức thư tôi gửi Xuân trước khi đi B. Xuân đã không kịp đọc tất cả. Trời ơi! Giá như đêm ấy Xuân không ra hiện trường, vì em đã được nghỉ, hoặc giá như đêm ấy tôi cố giữ Xuân lại với mình…
Thấy tôi cầm chặt lá thư và mảnh giấy ấp lên ngực, nước mắt lại trào ra, mẹ Xuân ngước mắt lên nhìn tôi. Tôi vội thưa với bà:
- Đây là của con, của con… Xuân đã không kịp đọc nó. Thương Xuân quá mẹ ơi! - Rồi tôi kể lại câu chuyện đêm 18 ấy với bà trước bàn thờ của Xuân. Tôi rút trong ngực áo ra cuốn sổ tay chép bài hát mà Xuân đã tặng tôi đêm đó. Tôi đã định mang ra để nói với Xuân rằng tôi đã vẫn giữ nó bên mình suốt những năm tháng chiến trường, cũng như tôi vẫn nhớ những lời đã viết cho Xuân. Cũng là một cách để Xuân sẽ nhận ra tôi. Vậy mà…
Bây giờ thì tôi chỉ còn biết đặt cuốn sổ lên bàn thờ và thầm nói với Xuân: Xuân ơi! Trong những lúc gian khổ nhất ở chiến trường, có lúc anh đã gục ngã, chính Xuân và cuốn sổ này đã vực anh đứng dậy để có ngày chiến thắng trở về. Xuân ơi, anh không bao giờ quên đêm gặp em trên mảnh đất thị xã của chúng mình đầy bom đạn trong chiến tranh. Nó sẽ mãi mãi sống. Cũng như em sẽ mãi sống trong lòng anh em ạ, cho dù có thể nhiều thứ sẽ đổi thay...
Thành phố Yên Bái, 8-2012