Trước khi vượt Cổng Trời, toàn tiểu đoàn được nghỉ một ngày làm công tác chuẩn bị. Hành quân bộ, mọi thứ cần thiết cho sinh hoạt và chiến đấu đều chất tất cả lên đôi vai người lính, nên chuẩn bị càng kỹ lưỡng, cẩn trọng thì càng thuận tiện, an toàn trên dọc đường hành quân. Sáng mai thực sự là cuộc chinh phục Trường Sơn, trước khi ngủ, Tiểu đội trưởng đi tới từng võng nhắc nhở: “Đồng chí kiểm tra lại quần áo, khăn mặt, chăn, màn, tăng, võng, lương khô, muối bột, ruốc bông, thịt hộp, bông băng, thuốc, giấy, bút, bật lửa… xem còn quên thứ gì không? Nhét tất cả vào trong ba lô cho gọn nhé. Cuốc chim, xà beng, xẻng cá nhân, bát, đũa, nhớ gài, buộc xung quanh ba lô cho chắc. Còn súng, lựu đạn, dao găm, bình tông, đèn pin, bao tượng gạo, nhớ đeo quanh người theo trình tự sao cho tiện lúc lấy ra dùng”.
Mấy cậu vừa làm vừa lẩm bẩm trong miệng, không để Tiểu đội trưởng nghe thấy: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Hôm sau, mới sớm tinh mơ, chưa nhìn rõ mặt người đã có lệnh xuất phát. Trông ai cũng như cái thùng hàng di chuyển về hướng Cổng Trời. Vừa ra khỏi bãi khách đã gặp dốc. Rồi cứ thế, suốt từ ngã ba Khe Ve lên Cổng Trời toàn ngược dọc theo sống núi Giăng Màn mà đi. Xuống thì ít, lên thì nhiều, toàn bốn mươi, năm mươi độ, có chỗ còn bảy, tám mươi độ. Giao liên bảo, các dốc này có tên cả đấy. Qua “Chín Dốc”, thì đến “Năm Thang”, lại còn “Hết Hơi”, với “Tắc Thở” nữa. Đều do mấy eng đã qua đây đặt cả. Ngày đi học, Phóng tưởng tượng mãi cũng không hình dung nổi thế nào là dốc “thăm thẳm” trong câu thơ “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời”, của cụ Quang Dũng tả về đường hành quân của người lính Tây Tiến. Nay thì biết rồi, hiểu rồi. Đã dốc, lại toàn đá tai mèo nhọn, sắc. Có chỗ phải bám vào các mấu đá mà đu người lên. Ai qua đây cũng phải bám cả nên mấu đá nham nhở là thế mà cũng phải nhẵn lì. Đánh vật với đèo dốc, cuối cùng cũng tới được Cổng Trời. Có lệnh giải lao, hạ vội ba lô, nằm vật ra thở dốc. Vậy mà o giao liên người Quảng Bình vẫn nhoẻn cười bảo:
- Mệt à mấy eng? Chưa quen thôi eng. Em kể câu chuyện tình yêu mấy eng nghe cho đỡ mệt nhé. Các eng ạ, ngày xửa ngày xưa, nơi đây là thung lũng bằng phẳng. Con sông Rào Cái chảy xuyên qua, chia đôi thung lũng, một bên là đất Việt, một bên là đất Lào. Hai bên bờ sông là các bản người Việt, người Lào sống vui vẻ, thuận hòa. Chúa đất Việt là Khăm Ta, có người con gái út là nàng Y Leng, xinh đẹp, thùy mỵ, nết na. Đến tuổi lấy chồng, nàng yêu Thông Ma - con trai của một tù trưởng bên đất Lào, sức vóc hơn người, lại quả cảm, can trường. Năm ấy lúa ngô được mùa, dân bản hai bên sông Rào Cái đều no ấm. Chúa Đất Khăm Ta quyết định tổ chức cưới rể, đón Thông Ma về làm chồng Y Leng. Ngày cưới, Y Leng mặc áo váy thêu hoa mạ, tóc gài lông chim phượng, ra tận bờ sông Rào Cái đón chồng. Bên kia sông, Thông Ma mặc chiếc khố đỏ tươi như hoa chuối rừng, vắt chéo trên mình tấm da hổ, cùng đoàn đưa rể nổi kèn trống, khiêng lễ vật, hò nhau xuống bè. Thông Ma cơ bắp cuồn cuộn, giơ tay vẫy Y Leng rồi vớ cây sào gỗ trắc, đẩy bè băng băng vượt sông. Dòng sông đang yên ả bỗng nổi sóng cuồn cuộn, chiếc bè bị chao đảo, rung lắc, chòng chành rồi lật úp. Thông Ma ngã nhào xuống nước. Y Leng thấy thế hoảng hốt, vừa la gọi tên Thông Ma vừa lội phăm phăm xuống dòng nước xiết. Bỗng một cột nước trắng xóa cuộn lên như vòi rồng trùm kín Y Leng. Khi cột nước tan thì không thấy Y Leng đâu nữa. Thông Ma đã ngoi lên khỏi mặt nước, rồi lại lặn, ngụp tìm Y Leng nhưng không thấy. Chàng lặn lội suốt ba ngày, ba đêm dọc theo triền sông Rào Cái mà vẫn không tìm thấy Y Leng. Thông Ma phờ phạc, thẫn thờ như người mất hồn nhìn dòng nước chảy. Dân bản Pa Loóc bảo chàng: “Sông Rào Cái có con thuồng luồng to lắm, nó ở tít hang núi Xi Pay trên kia. Thi thoảng nó mới bơi ra kiếm mồi. Con trâu, con bò nó cũng nuốt chửng luôn. Chắc Y Leng đã bị nó ăn thịt rồi, không tìm thấy đâu...”. Thông Ma cắn chặt răng, hai hàng nước mắt trào ra đầm đìa. Càng thương Y Leng bao nhiêu, chàng lại tự trách mình bấy nhiêu đã không bảo vệ được Y Leng. Rồi chàng vùng dậy, quyết chí phải giết bằng được con thuồng luồng độc ác. Nhưng tìm mãi vẫn không thấy dấu vết thuồng luồng. Hình như từ khi ăn thịt Y Leng, nó đã trốn biệt trong hang. Thông Ma quyết định lấy đá lấp cửa hang Xi Pay, nơi con thuồng luồng đang lẩn trốn. Chàng vào rừng đẵn một cây gỗ nghiến thật to làm đòn gánh, rồi lên tận đỉnh Phu Copi, chọn hai hòn đá thật lớn gánh về để lấp cửa hang. Đường núi cheo leo hiểm trở, phải đi nhiều ngày nhưng Thông Ma không nản chí. Khi gánh đá về đến gần cửa hang thì đòn gánh bị gãy đôi. Hai hòn đá rơi xuống, cắm chặt vào đất không lay nổi nữa. Đau đớn, tuyệt vọng, Thông Ma hộc lên một tiếng vang trời rồi lao mình xuống dòng sông Rào Cái để được chết cùng Y Leng. Để lại trên bờ hai hòn đá sừng sững, đầu dính vào nhau, chân choãi ra đủ cho một chục con trâu cùng đi qua. Dân bản Tà Rắp liền đặt cho nó cái tên “Cổng Trời” các eng ạ…
Câu chuyện sự tích Cổng Trời quả là ly kỳ, dân bản Tà Rắp thuở hồng hoang thật giàu trí tưởng tượng. Song đúng là không ngoa tý nào khi gọi nơi đây là Cổng Trời. Nó giống hệt cái cổng vòm, lại ở nơi sơn cùng thủy tận. Nhìn lên chỉ thấy mây với sương mờ ảo như giăng màn. Nhìn xuống vách đá sừng sững, sâu hun hút như là âm ty địa ngục. Anh em vẫn đang bàn tán về câu chuyện sự tích Cổng Trời thì giao liên đã giục:
- Đi thôi các eng. Giờ ta còn phải vượt đèo Mụ Giạ nằm giữa biên giới Việt - Lào nữa mới tới nơi nghỉ.
- Cổng Trời thì có chuyện kể rồi. Còn đèo Mụ Giạ thì có chuyện gì không hả o? Có chuyện gì o kể cho nghe rồi hẵng đi.
Lính nhao nhao nói. Thực ra là muốn được nghỉ thêm chút nữa. O giao liên tưởng thật lại hồn nhiên:
- Có chứ mấy eng! Chuyện có từ thời vua Hùng mở cõi đấy, cũng hay lắm. Em kể các eng nghe nhé, rồi hành quân cho khỏe như Mụ Giạ. Là thế này các eng ạ. Thuở ấy nước Văn Lang và nước Lan Xang núi liền núi, sông liền sông, không có sự phân chia ranh giới, dân hai nước thường tranh chấp nhau đất đai. Vua Hùng và vua Fa Ngum liền gặp nhau bàn cách đặt ranh giới. Nghĩ mãi, cuối cùng hai vua chọn cách: Đúng thời điểm gà gáy canh một, mỗi nước cử một người ra đi từ dưới chân núi thuộc nước mình lên. Hai người gặp nhau ở đâu thì lấy đó làm ranh giới phân chia hai nước. Họp bàn xong, vua Hùng về kinh, cử sứ giả đi tìm người đi nhanh để đảm nhận trọng trách này. Sứ giả đã đi khắp nơi, hết miền xuôi tới miền ngược, hết vùng này sang vùng khác vẫn không tìm được người ưng ý. Ngày cuối cùng, đến một bản hẻo lánh ở miền tây Quảng Bình, dân bản đi nương hết, chỉ có một người duy nhất ở nhà nhưng đó lại là một bà già tên Giạ gầy yếu, nhỏ bé, sống một mình. Biết sứ giả đi tìm người thi đi, bà Giạ vui vẻ, hăm hở nhận lời và nói: “Sứ giả nấu cho ta một nong cơm nếp, muối cho ta một nong cà giòn, gánh đầy một chum nước sông Rào Cái, để ta ăn uống lấy sức đi”. Sứ giả không tin một bà lão gầy yếu, hom hem lại có thể ăn nhiều đến như vậy nhưng vẫn cho người chuẩn bị. Nửa đêm bà Giạ dậy, ăn một loáng đã hết nhẵn nong cơm, nong cà, uống cạn chum nước, rồi vươn vai đứng dậy. Kỳ lạ quá, bà lão bỗng to lớn như một người khổng lồ. Đợi tiếng gà gáy báo canh một vừa dứt, bà khởi hành ngay. Bà đi nhanh như chim bay. Mỗi bước chân vượt qua hai, ba quả núi cao, năm, sáu ngọn đồi lớn. Chưa đầy nửa buổi đã đi được mấy trăm dặm. Đến trưa, vừa đặt chân tới đỉnh một con đèo thì bà gặp người đàn ông của nước Lan Xang chọn đi cũng vừa đến. Vừa nhìn thấy nhau, hai người vội lao đến ôm chặt nhau. Trời đang âm u bỗng chan hòa nắng, bà Giạ và người đàn ông nước Lan Xang óng ánh như được dát vàng, Lát sau họ biến đâu mất nhưng lại mọc lên quả núi đôi. Vua hai nước liền quyết định lấy khúc đèo Yên Ngựa giữa hai đỉnh núi đôi này để phân chia ranh giới. Từ đấy đèo có tên là đèo Mụ Giạ, biên giới tự nhiên của hai nước Việt - Lào. Cũng từ đấy dân hai nước không còn tranh chấp đất đai, luôn sống yêu thương, gắn bó nhau, các eng ạ. Chuyện là thế đấy, em kể xong rồi, giờ ta đi thôi các eng, để còn kịp đến Trạm giao liên ngã ba Lùm Bùm trước khi trời tối.
Dọc đường hành quân, lệnh của giao liên là tối thượng, có mệt đến mấy cũng phải xốc ba lô lên vai mà đi. Đúng sẩm tối, cả tiểu đoàn đến ngã ba Lùm Bùm. Từng đại đội được phân chia vào các bãi khách hạ trại, nấu cơm tối. Sáng hôm sau, chuyển hướng hành quân sang sườn Tây Trường Sơn, bắt đầu đi trên rừng Lào. Nhường đường theo sườn Đông Trường Sơn cho các đoàn quân đi B1, B3 vào A Sầu, A Lưới, Thừa Thiên… Câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật: “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây/ Bên nắng rát bên mưa quay” thật đúng về thời tiết mưa, nắng Trường Sơn. Bên sườn Đông còn đang mưa như trút nước, sang đến sườn Tây đã thấy ngay cái nắng hầm hập như đổ lửa xuống người. Chiếc ba lô đang ẩm ướt hôi xì bỗng khô như rang, chẳng khác nào như cõng than cháy trên lưng. Mấy bữa ở sườn Đông còn hành quân hùng dũng, giờ đã đến lúc cúi đầu mà lết từng bước. Chân như muốn rời, cơ thể khô mà lại nhão ra, chỉ cần đứng lại là đổ gục ngay xuống, thiếp vào giấc ngủ được ngay. Nhưng vẫn phải cắn răng mà đi, cố bám nhau. Lính ta gọi là đi bằng đầu. Chỉ cần chậm vài bước, không bám được nhau là lạc ngay. Đã có nhiều người ngủ quên, bị lạc đường mà thành lính thu dung, đào ngũ. Trên đầu thì máy bay trinh sát OV-10 vè vè suốt ngày. Phát hiện ra có dấu hiệu khả nghi là nó gọi các loại máy bay khác đến trút bom ngay. Nhiều chiến sĩ hy sinh dọc đường hành quân vì bom, pháo, phải chôn vội bên đường, đánh dấu bằng một mảnh ni nông bọc tờ giấy ghi tên tuổi, đơn vị và quê quán. Chẳng biết sau này có ai tìm được không?
Ăn uống dọc đường hành quân ngày càng kham khổ. Trước khi vượt Trường Sơn mỗi người được cấp một ống cóng ruốc thịt, có trộn thuốc chống sốt rét, tê phù và một cân muối để ăn trong toàn bộ chặng đường. Có chàng ăn mạnh miệng, không biết dè sẻn, chưa đi hết Trường Sơn đã phải cạo ống cóng quèn quẹt. Ngày ăn hai bữa, bữa trưa thường là ăn cơm nắm, bữa chiều thì nấu ở bãi khách bằng bếp Hoàng Cầm để tránh máy bay OV-10 phát hiện. Nấu ăn theo đại đội. Nấu liền hai chảo cơm. Một chảo ăn bữa tối, một chảo để làm cơm nắm mai mang đi ăn trưa. Cứ đến bãi khách là mỗi tiểu đội phải cử ngay hai người mang tăng xuống suối xa hàng cây số lấy nước. Cho nước chảy vào tăng, buộc túm lại, dùng đòn gỗ khiêng về, đổ vào một cái hố cũng lót tăng để nấu ăn và làm nước uống. Còn tắm rửa, đánh răng, rửa mặt thì khỏi cần. Lúc nào hành quân, gặp suối thì tổng vệ sinh một thể. Riêng gạo thì mỗi người chỉ mang đầy một bao tượng, khoảng độ năm cân, đủ ăn trong một tuần. Hết thì lấy tại các kho đã được tích trữ dọc theo đường hành quân. Quân trang, vũ khí cũng vậy, đều đã được hậu cần chuẩn bị từ trước. Các kho này thường nằm sâu trong rừng già, cách xa đường, xa trạm để tránh máy bay hoặc thám báo địch phát hiện. Mỗi kho có từ một đến hai chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác và bảo quản, kiêm cấp phát.
Hành quân liên tục năm ngày được nghỉ một ngày. Tuy không phải hành quân nhưng nhiều việc lắm. Đi lấy gạo, tắm rửa, giặt quần áo, cắt tóc, viết sẵn thư để gặp đoàn nào ra Bắc thì gửi. Xong cả rồi thì rủ nhau đi kiếm rau rừng hay xuống suối mò cua, ốc, bắt cá cải thiện cho có tí chất tươi. Cứ đều đặn như vậy, Tiểu đoàn đã hành quân trên đất Lào đã hơn hai tháng, qua các tỉnh dọc Trường Sơn như Khăm-muộn, Sa-van-na-khệt, Xa-ra-van, Tà-ven-noọc, Át-ta-pư. Lính ta cũng dần quen với hành quân đường núi và sinh hoạt dọc đường. Nhưng cũng đã có những cái chết bất ngờ xảy ra không lường trước hết được. Đức quê Yên Bình ở Đại đội 2, ngày nghỉ mò đi bắt cá, mải đuổi theo đàn cá bị trượt chân lao xuống thác mất tích. Tiểu đoàn phải cử một tiểu đội ở lại tìm thi thể Đức. Anh em cứ đi dọc theo suối tìm. Bốn ngày sau thấy trong gió có mùi, cứ đi theo hướng có mùi hôi thối tăng dần. Thấy một khối hình sẫm màu nằm kề mép nước. Đến gần nhận ra cái thi thể nằm sấp đã trương phềnh, nhặng và kiến bám đen ngòm, mùi hôi thối như đặc quánh lại. Cơ thể đã rất khó nhận dạng, ngoài chiếc áo lính rách bươm nhưng vẫn mắc vào người. Theo phản xạ tự nhiên, tất cả đều nôn thốc nôn tháo. Dùng cành cây xua ruồi nhặng, rồi lật lên. Trên nắp túi áo ngực có thêu dòng chữ “Hoa Lan” bằng chỉ. Đúng là Đức rồi. Cái áo Đức mặc có thêu tên người yêu Đức là Lan. Đức vẫn bảo để Lan lúc nào cũng sát với tim cậu ấy. Giờ thì cũng nhờ cái tên ấy mà nhận ra được Đức. Tất cả anh em, nước mắt đều trào ra, không ai để ý đến mùi hôi thối nữa. Mọi người xúm lại khiêng Đức lên chỗ đất khô ráo. Cởi áo mình đang mặc khâm liệm Đức, cho vào trong đó một mảnh tôn có chạm dòng chữ: “N.V. Đức, YB, C2, D Yên Ninh 2”, rồi đem mai táng dưới gốc một cây săng lẻ bên bờ suối.
Tiếp đến là Hưng, Văn Yên, Đại đội 3, ngày nghỉ vào rừng, thấy có cái lán liền ghé vào xem, vừa ghé mông ngồi vào cái sạp gỗ trong lán thì một quả mìn nổ tung cả lán. Anh em phải nhặt từng mẩu xương thịt Hưng gom lại đem mai táng… Người chết nằm lại Trường Sơn. Người sống vẫn tiếp tục cuộc hành quân vạn lý. Đã đến Át-ta-pư, chuẩn bị vượt cao nguyên Bô-lô-ven. Toàn tiểu đoàn lại được nghỉ một ngày. Lần này đến lượt Trung đội 2 của Đại đội 1 đi lấy gạo. Trước khi đi, Chính trị viên Đương vẫn quán triệt như mọi lần, yêu cầu bộ đội phải hết sức bảo đảm bí mật, không được để lộ mục tiêu kho gạo cũng như cuộc hành quân của tiểu đoàn. Nếu dọc đường có đụng bọn biệt kích, thám báo hay phỉ Vàng Pao thì chủ động tránh chúng, hết sức hạn chế đụng độ, trường hợp đặc biệt mới được nổ súng. Nhiệm vụ cao nhất là phải bảo đảm an toàn cho cuộc hành quân vào chiến trường chứ không phải là tiêu diệt bọn địch trên dọc đường hành quân. Giao liên cũng nhắc, kho gạo này cách bãi khách khá xa, nằm sâu trong rừng già, đường đi qua nhiều đèo, dốc lại rất ngoắt ngoéo, rất dễ bị lạc nên mọi người phải bám sát đội hình. Đội hình đi theo hàng dọc, đi đầu là giao liên, tiếp đến là Tiểu đội 1 đến Tiểu đội 2. Tiểu đội 3 đi sau cùng. Tiểu đội trưởng Công đi đầu đội hình tiểu đội, Tiểu đội phó Sa Minh Phóng khóa đuôi. Vượt rừng được chừng hai tiếng, vừa chạm mặt một đỉnh dốc, một bên là vực sâu, bỗng một ánh chớp xanh lè lóe lên, tiếp theo là một tiếng nổ inh tai, đất đá mù mịt. Mìn. Trúng bãi mìn rồi. Phóng vừa nhận ra được điều đó thì đã có tiếng AR-15 quét liên thanh. Phóng chỉ kịp nhìn thấy có bóng người chới với đổ xuống thì đã như bị ai đó xô mạnh vào người rồi lao xuống vực. Bị lăn tự nhiên bao nhiêu vòng Phóng cũng không biết nữa, cho đến khi bị cây cối chặn lại thì đã gần chạm đáy vực. Phóng vội sờ soạng khắp người kiểm tra. May quá không bị sao, ngoài hàng khuy áo bị bung hết, chắc do vướng cây. Khẩu AK khoác chéo trên ngực vẫn còn. Chưa định thần bỗng nghe thấy có tiếng rên ở bụi cây gần đấy. Phóng vội bò tới. Thì ra là Pà, người đi ngay trước Phóng, đang ôm chân quằn quại. Một mảnh mìn đã xuyên thấu qua bắp đùi Pà, máu vẫn đang trào ra. Chắc là khi bị trúng mảnh, theo phản xạ Pà đã xô Phóng cùng lao xuống vực, cả hai thoát khỏi làn đạn bắn thẳng của bọn thám báo. Túi bông băng đã bị văng mất. Phóng vội giật phăng cả áo ngoài lẫn áo may ô đang mặc xé đôi băng vết thương cho Pà. Phía trên vực tiếng súng thưa đần. Không biết anh em trong trong trung đội có ai hy sinh, có ai chạy thoát được không? Vẫn nghe thấy có tiếng súng nổ nhưng có vẻ là rất xa. Hay tại ở dưới vực nên nghe thấy xa. Việc đầu tiên là phải tìm cách đưa Pà nhanh chóng lên được miệng vực, xem anh em có ai bị sao không. Nhìn cái vực sâu và dốc thế này một mình lên đã khó, giờ lại thêm Pà bị thương thì đi sao đây. Phóng hít một hơi thật sâu như để tăng thêm sức lực và quyết tâm rồi xốc nách Pà lên. Vừa đau, vừa dốc Pà không nhấc nổi chân. Phóng đành xốc Pà lên vai. Có những đoạn dốc quá, không đi nổi, Phóng phải đẩy Pà lên trước rồi mới đu mình leo lên sau. Nhích từng bước một như con sâu đo. Không biết là mất bao nhiêu thời gian mới thoát được cái vực. Lên đến nơi mới biết là thoát, nằm vật ra thở dốc. Để Pà nằm đó, Phóng bò tới chỗ mìn nổ ban nãy. Lạ quá, không thấy một ai. Chỉ thấy những vệt máu loang trên đất, những cành cây gãy gục vì mìn nổ và những đám cỏ lẫn dây leo nhàu nát. Mọi người đã chạy thoát hay là bị bọn thám báo bắt hết cả rồi? Phóng vội cất tiếng hú gọi. Hú đến khản giọng cũng chỉ có âm âm u u của rừng già đáp lại. Phóng giơ súng lên bắn chỉ thiên ba phát cũng không có động tĩnh gì. Phải quay về bãi khách ngay báo cáo với các thủ trưởng, kẻo trời tối không biết đường nào mà đi.Vả lại vết thương của Pà cũng cần được y tá xử lý ngay. Pà cố nén đau để Phóng dìu đi. Được vài mét lại phải nghỉ. Đi được vài chục mét, gặp một ngã tư. Rẽ đường nào thì về được bãi khách? Lúc đi cứ cắm mặt theo người đi trước, giờ không thể nhớ nổi đường nào đã đi. Đành chọn đường nhẵn nhất để đi. Nhưng được một đoạn lại có lối rẽ. Có chỗ tới bốn, năm nhánh đường, tỏa đi các hướng, nhánh nào cũng na ná như nhau, nhìn vào như đánh đố, chẳng còn biết đường nào về bãi khách.
Chiều ở Tây Trường Sơn sập tối nhanh như tắt điện, vừa mới còn những tia nắng xiên khoai thoắt cái đã tối như bưng, không còn thấy gì cả. Cây cối, đường đi… tất cả chỉ một màu đen kịt. Bây giờ mà đi tiếp thì càng lạc. Muốn quay về chỗ bãi mìn, hy vọng có người của tiểu đoàn ra tìm cũng không biết đường nào dẫn tới bãi mìn nữa. Nhìn Pà nghiến răng chịu đau lê bước, thương quá mà không biết làm sao. Hai đứa đều sinh ra ở bản Điêng, cùng uống nước dòng Thia, cùng ăn cơm gạo Mường Lò, chơi đùa với nhau từ lúc chưa biết mặc quần, lớn lên là bạn tùng của nhau, cùng hát thâu đêm với bạn gái trong những đêm Hạn Khuống, coi nhau như anh em ruột thịt. Khi nhập ngũ cả hai đã hứa với các ải6, các êm7 sống cùng sống, chết cùng chết. Vậy mà giờ Pà bị thương đau đớn đến thế Phóng cũng không làm gì được, muốn nhanh chóng đưa Pà về đơn vị để sơ cứu vết thương, vậy mà lại đến nông nỗi này. Biết làm gì bây giờ? Phóng ngồi thừ người trong đêm tối, rồi như sực tỉnh, vội vùng dậy thu gom lá khô trải dày trên đất cho Pà nằm. Muỗi nhiều quá, Phóng chặt mấy cành cây, bó lại xua muỗi cho Pà. Lúc chiều mải tìm đường quên cả đói. Giờ mới thấy đói, thấy khát đến cồn cào. Từ sáng đến giờ chưa có gì vào bụng. Mình khỏe còn đỡ. Pà bị thương thế kia mà không có cái ăn, cái uống thì sống làm sao.
Suốt đêm đó, vừa lo lắng lại vừa đói, Phóng không chợp mắt được tí nào. Sáng sau, mệt, đói đến rã người vẫn cố vục dậy để đi. Pà mệt lắm rồi không lê bước được nữa. Phóng xốc Pà lên vai loạng choạng bước. Đành liều chọn một nhánh đường theo linh cảm mà đi. Đói quá. Đói đến run cả người, hoa cả mắt. Tưởng như đã gục xuống thì không thể nào ngồi dậy được nữa. Bỗng Phóng ngửi thấy phảng phất mùi gì hăng hăng. Hếch hẳn mũi lên ngửi, vừa ngửi vừa nghĩ, đoán xem là mùi gì. Ngày ở nhà, Phóng là người thính mũi nhất của phường săn bản Điêng. Chỉ cần ngửi thoang thoảng thấy mùi là Phóng đã đoán được đó là mùi của con vật gì. Thậm chí còn đoán được là con đực hay con cái. Nó đang cách xa bao nhiêu. Cái mùi Phóng vừa ngửi thấy quen quen, chắc chắn là đã thấy rồi mà sao chưa nghĩ ra là mùi gì? Hình như… À! Đúng rồi, trăm phần trăm là mùi cứt cầy hương. Loại cầy chuyên ăn quả rừng, thịt rất thơm nên gọi là cầy hương, thậm chí phân của nó cũng thơm. Phóng ngó nghiêng chung quanh mãi không thấy đám phân cầy nhưng mùi của nó thì vẫn nồng lên. Ngó xuống chân. Ồ! Thì ra giày Phóng đang giẫm lên bãi phân cầy. Phóng vội di di giầy vào đất. Bãi phân cầy rời khỏi đế giày, để lộ ra vật gì màu nâu sẫm, bóng láng. Phóng cúi hẳn xuống nhìn. Hạt gắm. Đúng là một hạt gắm. Đã bị con cầy cắn nham nhở. Tự nhiên nước miếng trong miệng Phóng ứa ra. Nhớ ngày ở nhà vẫn hay vào rừng nhặt gắm về rang ăn. Tách lớp vỏ cứng ra, bên trong là nhân ăn vừa bùi, vừa béo, thơm ngon hơn cả khoai. Cầy hương rất thích ăn hạt gắm. Con cầy này tham ăn, chắc nuốt chửng cả hạt nên không tiêu hóa được, vì vỏ hạt rất dày và cứng nên đùn ra nguyên xi. Phóng cúi xuống nhặt hạt gắm lẫn trong đám phân cầy lên, lấy vạt áo lau sạch, đưa lên miệng nhấm thử thấy còn ăn được, liền đưa nửa hạt còn lại cho Pà. Phóng nghĩ, chắc quanh đây thể nào cũng có dây gắm, liền để Pà ngồi đấy, để đi tìm hạt gắm. Cuối cùng Phóng cũng phát hiện ra dây gắm, bám vào một cây khộp nhưng đã rụng hết quả. Cào bới xung quanh gốc cây mãi cũng chỉ mót được năm hạt gắm lũ cầy ăn sót lại. Thế cũng được một bữa rồi. Phóng vội mang về chỗ Pà ngồi, rồi cả hai nhấm nháp hạt gắm sống thay cơm. Mỗi đứa có hai hạt rưỡi mà tỉnh cả người. Ước gì có hạt gạo to bằng hạt gắm này để ăn.
Không để tiêu phí năng lượng, Phóng vùng dậy, tiếp tục xốc Pà lên vai cõng đi. Gần trưa thấy một bãi đất khá rộng, không có cây to, chỉ có cây lúp xúp và dây leo phủ nhằng nhịt. Cảm giác như nơi đây từng có người ở, đặt Pà ngồi xuống, Phóng đi thám thính. Đúng là trước đây có một cái lán nhưng đã bị đổ nát. Giữa bãi đất có đống gì khá to phủ bạt. Tấm bạt ni lông vẫn còn nguyên dù mưa nắng đã làm cho nó bạc thếch. Phóng gỡ lớp bạt, lộ ra những bao tải chồng đống lên nhau. Phóng xé một bao. Ôi! Gạo. Toàn gạo cả nhưng đã bị ngấm nước mốc meo đóng cứng lại. Phóng lấy dao găm khoét sâu vào trong. Lớp gạo bên trong cũng đã bị mủn nhưng chưa đóng bánh. Cầm lên một nắm nhai thử, vị đắng mốc xộc lên nhưng vẫn còn hơi gạo. Sống rồi, dẫu là mốc, dẫu là mủn nhưng vẫn là gạo. Sao lại có kho gạo để mốc mục giữa rừng thế này nhỉ? Phóng thọc tay vào giữa bao, vục mấy vốc đem tới cho Pà. Thế là cả hai lại chén gạo mốc no căng bụng. Ăn xong mới thấy khát. Nhưng kiếm đâu ra nước ở giữa rừng bây giờ. Phóng đảo mắt nhìn xung quanh. Thấy có một cái võng bạt treo trên cây, liền mò tới, lật ra xem. Chợt giật mình sững sờ, mặt tái đi. Trong võng là một bộ xương khô nằm lỏng chỏng. Xương cốt của ai vậy? Chắc là của người lính coi kho đã chết mà không ai biết. Lẫn trong đống xương còn có cái hăng gô màu đen xỉn, chắc là người lính kia đã dùng cái hăng gô này để nấu ăn. Nhìn thấy hộp sọ người lính đọng đầy nước. Chắc ở đây mới có mưa. Nhìn thấy nước, cái khát lại bùng lên dữ dội. Phóng cầm cái sọ của người lính lên, lầm rầm khấn xin anh, rồi cẩn thận gạn nước đọng trong sọ vào bi đông. Nhấm một chút cho đỡ khát rồi cầm tới đưa cho Pà. Chưa bao giờ Phóng lại thấy nước ngon, ngọt, mát đến thế. Người Phóng tỉnh hẳn lại. “Cảm ơn anh. Những giọt nước này của anh đã cứu chúng em thoát chết khát đấy. Không biết anh chết vì lý do gì? Bị thương hay là ốm? Lính Trường Sơn chúng ta đâu chỉ chết vì bom đạn mà còn chết bởi sốt rét, phù tim, phù phổi, tả lỵ, thương hàn, suy kiệt. Những cái chết như thế sao lại gọi là tử vong. Phải gọi là hy sinh mới đúng. Có phải không anh? Trước khi rời cái lán gạo bỏ hoang này, em sẽ chôn cất cho anh tử tế. Nếu còn sống đến ngày toàn thắng nhất định em sẽ đến đưa anh về nghĩa trang” - Nghĩ vậy, rồi Phóng lấy dao găm cắt dây võng, xếp hài cốt người chiến sĩ gác kho lại cẩn thận để gói đem mai táng. Chợt Phóng phát hiện trong đống xương có một cái lọ pê-ni-xi-lin bọc kín bằng giấy bóng, được nút kín cũng bằng giấy bóng. Phóng mở ra xem. Thì ra trong lọ có một bức thư chừng một trang giấy, chữ đã ố vàng nhưng vẫn đọc được. Thư viết:
Tôi là Đặng Văn Hùng, quê quán xã Mỹ Bằng, Yên Sơn, Tuyên Quang. Tôi được giao canh giữ, bảo quản kho gạo này. Nhưng đã hai năm rồi không có ai đến lấy, cũng không nhận được sự liên lạc nào. Gạo của quân đội tôi vẫn giữ gìn cẩn thận, không bị hao tổn cân nào. Mấy hôm nay tôi bị sốt rét nặng lắm, không biết có qua nổi không. Tôi đã cố gắng chặt thêm cây rừng để gia cố lại sàn kho cho vững chắc và rào thêm xung quanh kho để phòng thú rừng đến phá kho.
Tôi viết sẵn thư này, phòng khi không qua khỏi, đồng chí nào phát hiện được thì báo cho các thủ trưởng biết, tôi đã thực hiện nhiệm vụ coi kho đến hơi thở cuối cùng. Tôi cũng nhờ đồng chí an táng cho tôi tại đây. Bằng cách nào cố gắng báo cho gia đình tôi biết. Đến ngày chiến thắng nếu có điều kiện thì cho tôi được về quê hương,
Kính thư! Xin rất cảm ơn đồng chí nào đã phát hiện ra tôi và giúp những điều tôi đã dặn”.
Đọc lá thư của người chiến sĩ coi kho, Phóng không sao cầm nổi nước mắt. Dẫu đơn độc suốt hai năm, anh ấy đã không bỏ kho, không bỏ nhiệm vụ. Anh ấy đã chuẩn bị sẵn cho cái chết của mình. Nhưng anh ấy còn lá thư để lại, còn được gặp mình. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu Phóng. Ngộ nhỡ mình lạc mãi trong rừng đến chết thì sao? Phóng cũng muốn viết một lá thư như thế nhưng không có bút, giấy. Lục túi áo ngực, chỉ có tấm ảnh Siêng tặng trước lúc lên đường. Phóng đã gói kín trong ni lông và luôn để trong túi ngực. Hầu như người lính nào có ảnh người yêu cũng đều làm như thế cả. May quá, mặt sau của tấm ảnh có dòng chữ của Siêng: “Mãi mãi chờ anh. Điêu Thị Siêng, bản Điêng, Nghĩa Lộ, ngày 3-5-1968”. Vậy là có địa chỉ rồi, nếu Phóng có chết giữa rừng Trường Sơn, ai phát hiện ra sẽ có thông tin để liên lạc, từ đó sẽ biết đó là xương cốt của Phóng. Yên tâm rồi. Giờ phải chôn xương cốt của anh Hùng đã. Phóng dùng dao găm đào một cái huyệt nhỏ trên nền kho rồi chôn hài cốt gói trong chiếc võng và tăng xuống đó. Chôn xong, Phóng nhặt đá xếp xung quanh, dùng mũi dao găm viết lên chiếc hăng gô, tài sản duy nhất của người chiến sĩ đã thầm lặng hy sinh để lại, dòng chữ “Đặng Văn Hùng, Mỹ Bằng, Yên Sơn, Tuyên Quang”, đặt lên mộ rồi lấy đá đè lên cẩn thận. Đứng trước mộ Hùng, Phóng cúi đầu vái ba vái, rồi cầu xin anh phù hộ cho Phóng tìm được đường về bãi khách, hay gặp được bất cứ ai cũng tốt. Vết thương của Pà đã bắt đầu bị hoại tử rồi, người Pà lên cơn sốt hầm hập, không còn nhấc nổi chân nữa. Phải tranh thủ đi thôi. Phóng đang định xốc Pà lên vai, thì Pà thều thào nói:
- Mình không thể đi được nữa Phóng ạ. Đi cả hai thế này thì chết cả hai mất. Phóng cứ để mình ở đây với anh Hùng. Cậu đi một mình may ra còn tìm ra đường, tìm được đơn vị rồi đến đón mình cũng được.
Phóng trào nước mắt bảo Pà:
- Không được. Mình không thể để Pà ở đây một mình được. Pà còn khỏe mà. Vết thương chữa được mà. Thể nào cũng tìm ra đường hay gặp một ai chứ. Mình vẫn cõng được Pà à. Anh em mình sống cùng sống, chết cùng chết. Pà quên lời hứa với ải, êm lúc lên đường rồi sao?
Pà vẫn thều thào:
- Nhưng…
- Không nhưng gì cả, nào bám vào cổ mình đi, tranh thủ, nhanh tí nào hay tí ấy.
Nói rồi không đợi Pà trả lời, Phóng xốc Pà lên vai. Lại gặp một cái ngã ba. Phóng đang phân vân chọn đường thì Pà bảo:
- Cho mình ngồi xuống nghỉ một lát, Phóng đi xem đường trước rồi quay lại đón mình.
Thấy Pà nói thế cũng phải, Phóng để Pà ngồi nghỉ, còn mình đi xem đường. Thấy Phóng khoác súng, Pà bảo:
- Cậu mang súng đi làm gì cho nặng. Để lại cho mình, nhỡ thám báo đến mình còn có súng để tự bảo vệ chứ.
Phóng liền tháo súng khỏi ngực đưa cho Pà, chỉ mang theo con dao găm. Đi được chừng vài trăm mét, bỗng nghe thấy một tiếng súng nổ vang ở chỗ Pà ngồi đợi. Bọn thám báo phát hiện ra Pà rồi sao? Phóng vội chạy trở lại. Đến nơi giật mình, sững sờ, không tin vào mắt mình. Pà nằm gục bên vũng máu, khẩu súng văng ra bên cạnh. Thì ra Pà đã lừa Phóng đi tìm đường, lừa Phóng để súng lại để làm như vậy. Phóng không hề nghĩ tới việc Pà đã chọn cách giải thoát cho mình, giải thoát cả cho Phóng thế này. Nếu không Phóng đã cầm súng đi rồi. “Pà ơi! Sao cậu lại làm như vậy? Sao nỡ bỏ tớ mà đi thế này? Pà ơi!”. Thương Pà lắm, nhưng Phóng cũng không còn nước mắt để khóc bạn nữa. Vả lại bây giờ cũng không phải là lúc ngồi đấy mà khóc lóc. Đằng nào thì việc cũng xảy ra rồi. Phóng đặt Pà nằm thẳng lên bãi đất, khẽ vuốt mắt cho bạn. Lục trong túi áo ngực của Pà cũng có tấm ảnh của Thình gói trong ni lông, Phóng gói lại cho thật kín. Rồi trải tấm tăng liệm Pà. Chọn chỗ đất phẳng, Phóng lại lấy dao găm đào huyệt. Hì hục đào gần hai tiếng mới sâu được nửa mét. Đào xong huyệt chuẩn bị đưa xác Pà xuống, bỗng Phóng nghĩ chôn Pà ở đây, chẳng có gì làm dấu, đến Phóng cũng không thể biết là vị trí này là đâu giữa Trường Sơn rừng rú bạt ngàn này thì sau này làm sao chỉ được nơi chôn Pà, làm sao đón được Pà về bản Điêng? Chả lẽ để Pà lạnh lẽo, vô tăm, vô tích mãi nơi đây sao? Phóng thừ ra như người mất hồn. Chưa bao giờ lại thấy cô đơn khủng khiếp, bế tắc, tuyệt vọng như lúc này. Lúc nãy phải cố vì Pà đang trông đợi vào mình. Bây giờ Pà mất rồi, tự nhiên chân tay Phóng cũng thấy bủn rủn. Phóng với khẩu súng, kéo quy lát, viên đạn văng ra ngoài. Chỉ còn có một viên đạn duy nhất. Có phải là viên đạn định mệnh dành cho mình? Một phát súng như Pà thế là xong, khỏi phải đau đớn, khỏi phải đói khát, khỏi khỏi phải tìm đường. Có cố đến mấy mà không tìm ra đường thì cũng chết. Thế thì chết luôn cho đỡ khổ. Chết ở đây còn có Pà làm bạn về thế giới bên kia.
Nghĩ đến cái chết, bỗng nhiên Phóng chợt nhớ tới cảnh đám ma ở quê. Người Thái đen Mường Lò, quê Phóng có tục hóa thiêu. Các cụ già trong bản vẫn thường căn dặn lớp trẻ, người Thái đen dù sinh sống ở đâu, dù cuộc đời sang hèn, tốt xấu thế nào thì khi lìa bỏ cõi trần, linh hồn sẽ được gọi về đất Tổ Mường Lò. Sau khi nghỉ ngơi dưới tán cây đa, gửi trâu vào rừng Đông Quai Hà thì bay ra Nậm Tốc Tát ở bản Thạch Lương tắm gội cho sạch bụi trần, rồi theo dây khau cát về Mường Trời. Các cụ bảo, muốn lên được Mường Trời, linh hồn phải trải qua hai lần tắm rửa. Lần thứ nhất là tắm trong lửa, lần thứ hai là tắm trong dòng nước linh thiêng, thanh khiết của Nậm Tốc Tát. Lửa và nước sẽ hóa giải những sai lầm, đố kị, oán hờn, thù hận, tham độc, tẩy rửa mọi sự vương vấn trần gian để về với cõi Trời. Gác cửa đường lên Trời luôn có một con chó đá. Những linh hồn ma quỷ hay không được tắm trong lửa, không được tắm nước Nậm Tốc Tát sẽ không lọt qua được cửa này. Vào ngày lễ Xên bản, Xên mường các cụ còn kể cho con cháu nghe vì sao người Thái đen lại có tục thiêu xác. Đó là, ngày xửa ngày xưa, Mường Lò bị giặc xâm chiếm. Chúng tàn phá bản mường, giết hại dân lành. Tang tóc phủ khắp mường. Có hai anh em con một gia đình người Thái đen, quyết tâm luyện võ để đánh đuổi kẻ thù. Biết được điều này lũ giặc kéo đến định bắt hai anh em. Nhưng được dân mường mật báo, hai anh em đã chạy thoát. Lũ giặc tức tối liền giết chết ải êm của hai chàng. Hai anh em quyết định trốn khỏi mường chiêu binh, luyện võ để đánh đuổi lũ giặc, giải phóng cho bản mường. Đến lúc ra đi, nhìn thi thể ải êm lòng hai anh em lại rối bời. Không nỡ bỏ thi thể ải êm, hai anh em đã lấy củi khô thiêu xác ải êm, lấy rượu trắng rửa xương cốt xong thì gói vào bọc vải đem theo bên mình. Trong một cuộc chiến đấu, người em bị trọng thương. Biết sẽ không qua khỏi, người em bảo anh hãy thiêu xác mình để linh hồn được gặp cha mẹ. Rồi sau đó trong quá trình chiến đấu chống lại lũ giặc tàn ác, nhiều nghĩa binh bị tử trận, người anh cũng đều đem hỏa thiêu, gói tro, xương vào túi vải mang theo đến ngày toàn thắng mới đưa về Mường Lò chôn cất và lập nhà mồ để thờ. Kể từ đó, người Thái đen có tục hỏa thiêu, vừa để tỏ lòng tri ân với người đã giữ đất, giữ mường, vừa để tẩy rửa linh hồn trong lửa trước khi về thế giới bên kia. Các cụ cũng luôn nhắc nhở đám trẻ là khi một ai bị chết thì người còn sống phải làm cho người chết được ba điều: Thứ nhất, phải bằng mọi cách giữ được thân xác của người đã chết. Thứ hai, là phải vượt qua nỗi thương xót khi nhìn thấy thịt da người thân bị cháy trong biển lửa. Thứ ba, phải vượt qua nỗi sợ hãi thông thường khi cầm theo bên mình nắm xương của người đã chết trong suốt cuộc hành trình. Vậy thì sao mình lại không hỏa thiêu cho Pà, để linh hồn Pà được về Mường Trời. Nghĩ thế, Phóng liền vùng dậy cầm dao găm đi chặt củi. Ở bản khi hỏa thiêu, phải dùng củi cây si, cây đa. Các cụ bảo thiêu xác bằng củi si, củi đa thi xác sẽ cháy sạch. Ở Trường Sơn không có những loại cây ấy, Phóng chặt cây rừng làm củi, nhưng vẫn xếp đủ bảy tầng củi tương ứng với bảy vía của người đàn ông. Xếp củi xong, Phóng đặt xác Pà lên tầng củi trên cùng, quay lưng vào thi thể, khấn rồi châm lửa vào tầng củi trên cùng. Đêm ấy, Phóng thức trắng để canh lửa. Đến sáng thì lửa lụi, cũng thiêu xong. Đợi nguội than, Phóng nhặt xương Pà vào chiếc áo bộ đội, rồi gói lại cho vào ba lô. Xốc ba lô có xương cốt của bạn lên vai, Phóng cắm đầu mải miết đi. Mệt mỏi cũng cố, đói khát cũng cắn chặt răng mà đi, không tìm được đơn vị mình thì phải cố tìm đơn vị khác. Nếu không chỉ có chết, xương cốt Pà cũng bị thất lạc. Cố lên. Phóng đếm từng bước. Cố đi đủ 100 bước mới ngồi nghỉ một chút lấy sức, rồi lại cố 100 bước tiếp, cứ thế, cứ thế… Đang cắm cúi đi, bỗng Phóng giật mình bởi tiếng quát bằng tiếng Lào. Tiếng Lào cũng gần giống với tiếng Thái nên Phóng nghe hiểu được:
- Mày tên gì?
Có tiếng đáp lại, cũng bằng tiếng Lào:
- Tao là Ít-xa-la!
Dù chưa nhìn thấy người nhưng Phóng đoán chắc một bộ đội giải phóng Lào bị thám báo bắt. Chúng đang tra khảo anh. Phóng liền ngồi thụp xuống vừa nghe, vừa vạch lá quan sát. Lại có tiếng quát lớn. Rồi tiếng trả lời dõng dạc không một chút run rẩy:
- Đơn vị mày đóng ở đâu?
- Chúng tao ở khắp nơi!
- Ai là chỉ huy của mày?
- Chỉ huy quân đội Ít-xa-la, chúng mày đã biết tên, cần gì tao phải nói!
- A, thằng này láo. - Tiếp theo là tiếng đấm đá, rồi lại có tiếng quát:
- Ít-xa-la ở bản nào?
- Bản nào cũng có! - Tiếng đáp lại vẫn dõng dạc.
- Vậy đêm qua mày ngủ ở đâu?
- Ở rừng!
Lúc này, Phóng đã trườn gần tới. Tốp thám báo đang quây lấy người lính Lào. Bọn chúng lại xông vào đấm đá anh túi bụi. Lúc sau, chắc là tên chỉ huy quát lệnh cho bọn lính:
- Thôi! Giải nó về đồn!
Bọn lính túm lại đẩy người lính giải phóng Lào đi, nhưng anh gạt ra đáp lại hùng hồn:
- Tao thà chết ở đây cùng đồng đội. Theo mày về đồn, đồng đội và bà con nghĩ tao đầu hàng mày à, thằng địch sâu bọ kia?
- A! Mày muốn chết thì cho mày chết này! - Thằng chỉ huy nghiến răng, gầm lên trong họng, rút súng khỏi bao. Một tiếng nổ vang lên đanh gọn, khô khốc. Một thân người ngã vật xuống. Nhưng lạ quá, không phải là người lính Ít-xa-la mà chính là thằng chỉ huy rú lên một tiếng thất thanh rồi đổ gục xuống. Thấy chỉ huy bị bắn gục, bọn lính giật mình, rồi theo phản xạ chạy túa ra các hướng. Mạnh thằng nào thằng ấy chạy. Tiếng AK điểm xạ cứ chiu chíu đuổi theo chúng khá xa. Hồi lâu, chừng đã xua hết bọn thám báo, một tốp bốn chiến sĩ Lào chạy đến đỡ người đồng đội bị trói dậy. Đúng là bộ đội Ít-xa-la rồi. Phóng cố sức bò ra, thều thào bằng tiếng Thái:
- Tôi… tôi… là bộ đội… Việt Nam… bị lạc... đơn vị. Các bạn… cứu… cứu... tôi... với!
Nghe tiếng Phóng gọi, bốn chiến sĩ Pa-thét Lào chạy cả lại đến bên Phóng. Người nói tiếng Lào, người nói tiếng Thái, vừa nói vừa diễn tả thêm bằng động tác. Phóng cũng hiểu đấy là các chiến sĩ Pa-thét của Tỉnh đội Át-ta-pư đang trên đường đi trinh sát thì lọt vào ổ mật phục của bọn phỉ Vàng Pao. Một chiến sĩ bị thương nên địch bắt được. Các chiến sĩ chạy thoát đã quay lại giải cứu đồng đội. Biết tình cảnh của Phóng, các chiến sĩ Lào đưa ngay cơm nắm và nước uống cho Phóng ăn lấy sức rồi dẫn về hậu cứ Tỉnh đội Át-ta-pư. Nghe Phóng trình bày, thủ trưởng Tỉnh đội đã cho mai táng di cốt của Pà tại nghĩa trang của bản Wat Pha-bath theo phong tục người Lào. Bao ngày đói khát, gian nan, lo lắng, phải gồng mình lên mới vượt qua nổi, nên an táng xong Pà xong, Phóng thiếp đi, ngủ một mạch tới hôm sau mới tỉnh.
Tháng 1-2018
6. Ải (tiếng Thái): bố
7. Êm (tiếng Thái): mẹ.