N
eal Wallace rên rỉ thức giấc và vươn tay ấn nút tắt đồng hồ báo thức. Anh cần ngủ thêm mười phút. Rồi anh nhớ ra vì sao mình hẹn giờ cái thứ chết tiệt này. Anh phải sẵn sàng để bắt đầu buổi ra mắt bức bích họa cho thành phố. Vì On the Town sẽ quay phim anh, anh phải tắm táp và chuẩn bị cho ngon lành nhất. Chai nước cam mua hôm qua vẫn còn một ít, và Neal tu cạn một hơi.
Rồi anh đi tắm, hi vọng có nước nóng. Đó là một điểm bất cập nữa ở chung cư của Hennessy. Ta không bao giờ biết hệ thống nước nóng lạnh có hoạt động không. Có lẽ khi anh giàu và nổi tiếng, anh sẽ mua đứt nơi này từ tay cái lão Hennessy chỉ biết đến tiền, và sửa sang lại tử tế. Anh có thể biến nó thành thánh địa cho cánh nghệ sĩ, không hề mất tiền thuê. Họ chỉ cần chứng tỏ mình có tài là được một suất sống tại đây ngay.
Neal vặn nước và thò tay vào buồng tắm hoa sen bằng kim loại cũ xì. Nước lạnh như băng, nhưng lúc nào mới vặn nước cũng vậy. Đợi một lúc mới biết được. Sau hai phút, anh nghĩ hình như nước hơi ấm lên, nhưng cũng không chắc lắm. Cũng có thể nước lạnh chảy xuống đã khiến tay anh mất cảm giác. Khi anh đứng đó trên sàn nhà lót vải sơn đã bở, trần truồng và run rẩy, đường ống bỗng kêu ầm ầm và rền rĩ. Neal rụt tay lại. Anh biết thế là sao. Chưa đầy một giây sau, hơi nước bốc ra từ miệng vòi. Chí ít ngày hôm nay cũng bắt đầu ra hồn. Anh điều chỉnh độ nóng để không bị bỏng và bước vào buồng tắm.
Sau khi xoa thứ xà bông đắt tiền mẹ anh tặng dịp Giáng Sinh khắp người, Neal quyết định sẽ không mua chung cư của Hennessy nữa. Sao phải đút tiền vào mõm kẻ bỉ ổi đó? Anh sẽ thầu luôn một trong những khách sạn lớn ở đại lộ Western và mời toàn bộ bạn bè thân bằng cố hữu vào ở. Hành lang sẽ đầy những bàn xoay đồ gốm, và anh sẽ biến một lò sưởi thành lò nung. Sẽ có các giá vẽ bên cửa sổ, bục ở các góc dành cho các nhà điêu khắc, và mọi người có thể làm việc cùng nhau và tận hưởng quãng thời gian tuyệt vời. Họ sẽ thuê đầu bếp Pháp để nấu bữa tối và ăn uống cùng nhau, toàn sơn hào hải vị và không ai phải lo đến chuyện cơm áo gạo tiền.
Còn những người bạn nhạc công của anh, nhất là Trista, cô nàng tóc vàng cao ráo chân dài yêu thích nhạc đồng quê Appalachia? Anh sẽ biến một tầng thành phòng thu âm có cách âm để hàng xóm khỏi phàn nàn. Và vì một cặp anh quen đang làm các bộ phim thử nghiệm, anh sẽ dựng cho họ cả một phim trường - phòng chiếu phim, phòng biên tập, đầy đủ tất tất. Còn anh xí tầng trên cùng và sẽ cho đập toàn bộ tường để tạo ra xưởng vẽ trong mơ của mình, một không gian làm việc rộng rãi nhất mà một họa sĩ từng có. Anh sẽ gọi đó là Khách sạn Nghệ thuật Neal Wallace, và những học viên có tài từ khắp nơi trên thế giới sẽ tề tựu dưới chân những bậc thầy. Nếu Neal biến nó thành một trường học, với Tom và các đồng nghiệp của cậu ấy là giáo viên, có lẽ anh sẽ được chính phủ giúp đỡ về tài chính ấy chứ. Tất nhiên, khi đã giàu thì anh sẽ chẳng màng tới số tiền đó, và sẽ thật sự tuyệt vời nếu được bảo chú Sam1 rằng anh đếch cần đống giấy bạc của chú ta.
1 Nguyên văn: Uncle Sam, một cách gọi chính phủ Mỹ.
Sau một tiếng rít ong cả đầu từ mấy đường ống cổ lỗ sĩ, nước lại lạnh như nước đá và Neal nhảy vội ra. Có ai đó vừa dội nước lạnh vào giấc mơ của anh. Quỷ tha ma bắt Hennessy đi!
Anh chẳng mất nhiều thời gian để diện đồ. Neal đã nghĩ từ trước xem phải mặc gì rồi. Vì On the Town sẽ đến quay phim nên anh đã sắm một cái quần bò mới. Một áo len cổ lọ mặc dưới áo sơ mi bò. Chắc trên đó cũng gió. Và anh có một đôi giày da đen khá mới cũng là do mẹ anh tặng nhân sinh nhật.
Chỉ cần thêm cái khăn lụa dài màu vàng có tua rua nữa là đủ bộ. Trista đã để nó lại nhà anh sau một đêm khó quên, và Neal giữ nó lại làm kỉ niệm. Anh bảo cô rằng sẽ đeo nó cho may mắn. Khi Neal ngắm mình trong cái gương cũ dựng bên tường, anh thấy mình cũng “ngon zai” phết, hơi giống phi công trong các thước phim tư liệu về Thế chiến II.
Có tiếng còi bim bim bên ngoài cửa sổ, Neal ngó ra và thấy chiếc xe mười sáu chỗ VW cũ của Tom đậu trước cửa chung cư. Tom xin nghỉ một ngày để đi xem buổi ra mắt của Neal. Cửa mở và Tom bước ra từ bên ghế phụ vì cửa bên tài xế bị kẹt. Vừa tới cửa, anh chàng vừa vẫy tay về phía cửa sổ của Neal.
Neal vội vàng tới cái bếp điện anh dùng thay lò nướng. Anh nên đun nước pha cà phê. Tom nghiện cà phê có hạng và cậu ấy từng thề rằng đám học trò sẽ chẳng nhận ra nổi ông thầy của mình nếu cậu ấy không cầm cốc cà phê trên tay và chẳng có điếu Marlboro ngậm bên khóe miệng.
“Chuẩn bị thế nào rồi, Neal?” Tom đi qua cửa, có chút hụt hơi. Leo ba tầng lầu luôn khiến anh chàng kiệt sức. “Mong là đằng ấy có pha cà phê.”
“Sắp được rồi. Xem lớp xốp mình thiết kế tối qua đi. Mình nghĩ chúng ta có thể đựng trứng trong những cái hộp kiểu này, và chúng còn không lúc lắc cơ.”
Trong lúc Tom chiêm ngưỡng vật liệu đóng hộp kia, Neal ngắm nghía Tom. Anh chàng mặc bảnh ra phết, với cái áo da mới mà Neal chưa thấy bao giờ, và chắc chắn cậu ấy đã tỉa râu. Tom còn đội một cái mũ bê-rê mới coóng nữa. Cái mũ cũ màu xanh bạc hà có một vết bẩn một bên. Tom lúc nào cũng đội mũ bê-rê Cậu ấy từng bảo Neal rằng con người mất tám mươi phần trăm thân nhiệt trong mùa đông nếu không đội mũ. Còn mùa hè thì Tom bảo mình dễ bị say nắng. Neal ước gì Tom cứ thú thực rằng cậu ấy đội mũ bê-rê để che đi cái đầu hói trước tuổi cho xong.
Họ chỉ mất hai mươi phút để dọn đống hộp. Họ xếp mấy hộp bìa các-tông với lớp xốp Neal cắt và cẩn thận đặt đống ống vào trong. Thành phố đề nghị giúp chuyển đồ nghề, nhưng Neal từ chối. Đám công nhân quen chuyển các bàn ghế kim loại nặng trịch và các ống cống rồi nên sẽ không đủ cẩn trọng với những thùng hàng quý báu của anh.
“Đủ cả rồi chứ?” Tom mở cửa bên hành khách và chui vào sau vô lăng. “Hôm nay cậu ít nói quá. Lo lắng à?”
“Một chút. Hoặc có lẽ vì còn quá sớm để nói chuyện.” Tom hiểu ý và im lặng khởi động xe rồi hòa vào dòng xe cộ đông đúc buổi sáng. Anh chàng không nói gì tới khi họ rẽ trái vào đại lộ Melrose.
“Cậu có nghĩ On the Town sẽ phỏng vấn trực tiếp tại hiện trường không?”
“Mình không biết. Có lẽ có.” Neal cười toét miệng khi nhận ra lí do Tom diện đồ mới. “Chắc họ sẽ nói chuyện với một vài người xem, nếu như có ai đó.”
“Ồ, sẽ có chứ. Mình đã bảo đám sinh viên tới xem. Chúng sẽ cầm theo một tấm biển lớn với dòng chữ NEON DO CÂU LẠC BỘ NGƯỜI HÂM MỘ NEAL. Cái vụ câu lạc bộ người hâm mộ là ý tưởng của Suzanne Dickson, và mình không gạt đi nổi. Ôi cái tuổi dở dở ương ương. Trông mình thế nào?”
“Tuyệt, Tom ạ. Cậu trông giống hệt như những gì người ta mường tượng của cánh họa sĩ, trừ việc cậu có chút quá bảnh bao. Cậu nên quệt chút sơn lên áo khoác để cái đám ngoài kia biết cậu nghiêm túc theo đuổi sự nghiệp.”
“Nhưng mình mới mua cái áo khoác này mà! Mình không đời nào đi làm dơ cái áo da một trăm năm mươi đô bằng...” Tom liếc nhìn Neal, và giọng nhỏ đi. “Cậu đùa mình hả?”
“Ừ mình đùa đấy. Nếu mình có cơ hội nói chuyện với nhà sản xuất, mình sẽ đề cử cậu. Như thế cậu sẽ quảng bá được cho trường của cậu. Bên trường sẽ lấy làm ấn tượng và có khi còn tăng lương cho cậu ấy chứ.”
“Ờ, chắc rồi!”
Động cơ chiếc xe cũ của Tom khá ì, nhưng vẫn leo dốc tốt. Tom đánh xe vào vệ đường gần chân cầu vượt xa lộ và đậu gần giàn giáo nhất có thể. Rồi anh chàng quay sang Neal, với điệu bộ rất nghiêm túc.
“Hôm qua mình về gặp bố, và ông ấy bảo sẽ theo dõi On the Town mỗi tối tới khi họ phát sóng chương trình của cậu mới thôi. Cậu nghĩ nó sẽ được phát sóng sớm chứ?”
“Để mình hỏi. Này... có lẽ mình nên nghĩ ra hành động gì để tạo dấu ấn cho riêng mình và kéo kéo dái tai để ra hiệu cho ông ấy.”
“Chắc ông ấy thích lắm. Đi nào, Neal. Chúng ta nên sửa soạn trước khi xe nhà đài tới.”
Neal thở dài khi rời xe. Bố Tom nằm viện vì bị bệnh bạch cầu giai đoạn cuối, và chắc cũng không sống được lâu. Biết mình sắp chết, nhất là vì một chuyện chết tiệt mà mình không thể làm gì để thay đổi hẳn sẽ rất bực mình. Nếu anh rơi vào cảnh đó, anh mong rằng mình được chết nhanh chóng và không đau đớn.
Những chiếc xe trên làn đường cao tốc phóng vèo qua khi họ bắt đầu tháo dỡ các hộp. Tiếng gầm rú thật điếc tai và mỗi khi có một chiếc xe lớn phóng qua, Neal và Tom lại bị gió tạt mạnh. Những người lái xe qua đều nhìn họ, và một vài tài xế còn bấm còi. Thậm chí một tài xế đã đỗ xe lại bên vệ đường và hỏi Tom xem có cần gọi cứu hộ xe không. Tom giải thích tình hình, và người đàn ông thấy nên nán lại xem. Hắn nói phải can đảm lắm mới dám trèo lên giàn giáo đó và đứng chênh vênh bên trên xa lộ. Hắn không biết mình có đủ gan không, nhưng thật lòng chúc Neal may mắn. Neal mỉm cười và bảo không phải chuyện gì lớn lắm đâu, nhưng chỉ mới nghĩ về chuyện đó thôi tay anh đã bắt đầu túa mồ hôi, và anh phải lau tay vào áo mới tiếp tục dỡ đồ được.
Rồi ba chiếc xe chở sinh viên của Tom đỗ lại, và Neal phải vẫy tay chào rồi chiêm ngưỡng những tấm biển của chúng. Tất cả đều muốn giúp, và anh nhờ chúng bê mấy cái hộp sau khi chúng thề thốt sẽ rất cẩn thận. Neal nhận thấy Suzanne Dickson, cô gái nghĩ ra ý tưởng câu lạc bộ người hâm mộ, cứ bám dính lấy Tom đến độ suýt làm Tom vấp chân hai lần. Cô bé học chuyên ngành thiết kế và chắc chắn có ý với Tom.
Họ vừa dỡ xong đồ thì nhóm quay phim di động của On the Town lái tới. Một trong những sinh viên hét rằng có một chiếc xe khác đỗ ở bên vệ đường bên kia cầu vượt. Neal không nhìn xuống xem tình hình. Tốt nhất là anh không nên nghĩ về khoảng cách từ trên giàn giáo xuống xa lộ bên dưới.
Nhà sản xuất rời khỏi xe. Anh ta kẹp một tệp hồ sơ lớn dưới nách, và trông anh ta trẻ đến nỗi Neal tự hỏi liệu đây có phải nhiệm vụ đầu tiên của anh ta không. Anh ta phải gào lên giải thích cho Neal về việc đưa tin kép để đảm bảo anh nghe thấy giữa tiếng còi và tiếng các phương tiện qua lại. Anh ta phụ trách đội một, và họ sẽ quay từ đây. Đội hai là xe tải bên dưới. Họ sẽ xen cảnh để các khán giả qua màn ảnh nhỏ có vài khái niệm về độ cao liên quan. Họ sẽ làm ra một bản tin tuyệt vời.
Nhà sản xuất kiên nhẫn trả lời hai câu hỏi của Tom. Không, người dẫn chương trình của On the Town phải hai tiếng nữa mới tới. Họ sẽ để cô ấy phỏng vấn Neal ở một nơi yên tĩnh hơn. Tiếng ồn giao thông lúc này có thể khiến một con người bình tĩnh cũng phải phát khùng. Và đúng, anh ta nghĩ phỏng vấn Tom có thể tạo hiệu ứng tốt. Họ là bạn đại học à? Vậy càng hay. Một chút thông tin bên lề bao giờ cũng khiến người xem thích thú. Sao Tom không tới giàn giáo và giữ nó trong lúc Neal trèo lên? Anh chàng có thể kéo cáp và tỏ vẻ hơi lo lắng về cách buộc dây. Rồi khán giả có thể băn khoăn rằng liệu có gì không ổn, và như vậy sẽ tăng thêm kịch tính.
Người quay phim cuối cùng cũng quay được cảnh đầu về Neal buộc cái ba lô được thiết kế riêng có những cái túi dài để đựng những loại ống thủy tinh dễ vỡ. Phải mất năm lần anh ta mới quay được khuôn hình hợp ý. Rồi nhà sản xuất hét bảo Neal nên lên giàn giáo. Họ sẽ quay từ đây. Neal chỉ cần quên họ đi và bắt tay làm việc.
Chân Neal hơi run khi anh bước về phía giàn giáo cùng Tom. Anh mừng vì mình quay lưng với máy quay. Tom là người phải diễn lo lắng, chứ không phải anh.
Tom nói gì đó, nhưng giữa tất cả tiếng ồn như thế anh không nghe thấy gì. Chắc cậu ấy nhắc anh kéo dái tai. Rồi Tom giữ giàn giáo cho Neal trèo lên. May mà anh đã mua quần bò mới. Mấy cái cũ đã bị mài mỏng ở đũng quần.
Máy quay giờ đang hướng vào anh, và Neal nở nụ cười rạng rỡ. Rồi anh giơ ngón tay và Tom buông tay giữ. Giàn giáo bỗng nghiêng, và Neal chỉ biết cố không hoảng hồn la hét. Sao anh không thuê một đội lo liệu phần này nhỉ? Nổi tiếng mà không còn mạng thì nổi tiếng làm gì?
Neal cởi ba lô và cúi xuống, giấu mặt khỏi máy quay trong lúc lục lọi các túi. Anh cần chút thời gian để bình tĩnh lại trước khi hạ giàn giáo bằng hệ thống pu-li họ lắp ráp. Cảm ơn Chúa là anh đã đặt mua các bức vách cao ngang thắt lưng ở các phía quanh giàn giáo. Anh bảo nhà sản xuất đó là để bảo vệ cho những người đi môtô bên dưới. Nếu anh làm rơi ống neon, nó có thể gây tai nạn nghiêm trọng khi xe bẻ lái để tránh các mảnh thủy tinh. Đó không phải nguyên do duy nhất. Các bức vách sẽ ngăn anh nhìn xuống và vậy là anh sẽ giả bộ là đang đứng trong một căn buồng nhỏ không có trần. Tất nhiên, căn buồng nhỏ đặc biệt này sẽ lắc lư bên trên xa lộ, nhưng anh sẽ không nghĩ tới điều đó, nếu không anh sẽ nôn ọe ngay trước máy quay mất.
Neal hít thật sâu. Giờ là lúc đứng lên và thả đòn bẩy pu- li để anh bắt đầu đi xuống. Nếu anh còn chần chừ thêm nữa, sẽ có người tới hỏi xem có chuyện gì không. Và khi đó, có lẽ anh sẽ mất hết dũng khí và cầu xin được xuống mất.
Chân rơi run run, Neal đứng lên. Dũng cảm nào. Anh phải tỏ vẻ can đảm khi với lấy đòn bẩy. Anh biết hệ thống làm việc hoàn hảo vì anh đã quan sát cánh công nhân kiểm tra nó. Cái lồng thấp xuống ba foot1 sau mỗi lần kéo cần. Và một khi anh đã xuống tới độ cao mong muốn, một chốt an toàn sẽ giữ nó ở đúng nguyên tại chỗ.
1 Foot: đơn vị đo chiều dài. 1 foot = 30,48 cm.
Sau khi kéo dái tai để dành cho bố Tom, và cố ra bộ anh hùng nhất có thể, Neal nắm cần và kéo. Tim anh nhảy lên tận cổ, anh cố giữ bình tĩnh khi dây cáp kêu răng rắc và giàn giáo bắt đầu hạ xuống. Một foot, hai foot, rồi ba foot, và cái lồng ngừng di chuyển. Anh thở một hơi nhẹ cả người rồi cười toe toét. Cũng không tệ lắm. Anh có thể xử lí một chuyến đi thang máy kiểu thế này, không đổ chút mồ hôi nào.
Neal vẫn đang cười với máy quay khi giật dái tai lần thứ hai và lại kéo cần. Mọi người hẳn sẽ nghĩ thính giác anh có vấn đề, nhưng anh mặc kệ. Thường thì người ta sẽ biên tập thước phim trước khi phát, và Neal muốn đảm bảo có ít nhất một lần giật tai mà bố Tom nhìn thấy.
Khi căn buồng nhỏ an toàn của anh bắt đầu hạ xuống sàn thứ hai, anh nhớ ra một đơn vị nữa ở bên dưới và hơi xoay người để họ quay được nét. Có lẽ tối nay anh sẽ gọi cho mẹ và bảo bà rằng cái giật tai ấy là vì bà. Bà không biết bố Tom, vậy nên bà sẽ không thể biết sự thật. Mấy bà trong hội chơi bài brít của mẹ anh hẳn sẽ ghen tị tới xanh mắt mất.
Kéo cần thêm lần nữa, và Neal xuống đến điểm nối ống đầu tiên. Chuyện này vui nhộn theo một cách điên khùng. Anh có thể học cách làm một ngôi sao truyền thông. Anh với tay vào trong ba lô bằng cử chỉ hoa mĩ và lấy ra một cái ống dài hình chữ U sẽ phát ra ánh sáng tím đậm rực rỡ. Tối qua anh đã viết thư cho vợ chồng Torgensen kèm theo hướng dẫn cách trộn khí. Nếu họ phát On the Town tại Minnesota, Deke và Sally sẽ phải sung sướng lắm khi thấy một nghệ sĩ quan trọng nhường này lại bớt thời gian trả lời thư của họ.
Khi Neal với tay để nối ống, anh nhận ra thay mình khô ráo và vững vàng. Không mồ hôi, không run chút nào. Có phải anh đã chiến thắng được nỗi sợ độ cao bằng một dạng liệu pháp ép bản thân làm điều mình không muốn chăng? Anh chắc chắn rằng mình không hề muốn nhoài cổ ra và nhìn xuống để kiểm chứng.
Neal nối ống thứ hai, một ống màu xanh lá cây tươi. Rồi ống thứ ba. Cứ dễ như bỡn ấy. Mọi hốc cắm đều hoàn hảo. Đám thợ điện làm ăn nghiêm chỉnh thật.
Điểm nối thứ tư cách anh chừng một foot về bên phải, nhưng không vấn đề gì. Neal dựa người vào bên hông giàn giáo và vươn tay để nhét cái ống thứ tư - một bông hoa lồng đèn cánh kép - vào đúng chỗ. Anh thấy cái khăn quàng khẽ phất phơ trong gió, và nổi hứng bốc đồng vẫy tay với máy quay bên dưới. Rồi có tiếng gì nghe như tiếng súng nổ cao cao trên đầu anh, và giàn giáo nghiêng đi, khiến anh ngã nhào vào bức vách đối diện. Một tiếng nổ nữa - ôi Chúa ơi! Dây cáp đứt và anh chới với trong không trung, xa lộ dâng lên đón lấy gương mặt ngập tràn hoảng sợ của anh.
Vài chiếc xe hơi bẻ lái và đâm dúi dụi khi cánh điều khiển môtô cố tránh con người từ trên trời rơi xuống. Tiếng phanh xe kin kít và toàn bộ xe cộ chết cứng ở cả năm làn đường. Người ta còn nghe thấy tiếng những chiếc xe chạy tốc độ cao đâm vào nhau nghe chát chúa, tạo thành một hàng rào thép méo mó. Vụ đâm liên hoàn kéo dài phải vài dặm ở tất cả các hướng.
Gã quay phim của nhóm hai chửi thề to một tiếng. Ngoài này hỗn loạn quá! Nhưng anh ta là dân nhà nghề nên vẫn giữ vững máy quay và tiếp tục công việc. Anh ta chắc mẩm sẽ đoạt giải gì đó nhờ thước phim này, nhưng cũng thấy tội nghiệp cho cái gã vừa rơi khỏi giàn giáo.
Thước phim quay trực tiếp “Thảm họa tại Nút giao” đã giành giải như người dẫn chương trình tuyên bố, được phát sau đó chưa đầy một tiếng đồng hồ. Và biên tập của tờ Avant Garde có thể thấy nó khi vào quán Winchell mua bánh đô-nút thạch cho bữa giữa ngày. Khi ông ta chạy vội về văn phòng, thư kí vừa mang thư đến lúc sáng vào, trong đó phần trả lời câu hỏi từ Neal nằm trên cùng. Rồi một buổi họp khẩn diễn ra và mọi người đồng tình rằng nên thay đổi bố cục để người nghệ sĩ xấu số kia được lên trang bìa. Giấc mơ lớn nhất đời Neal Wallace đã thành hiện thực. Nhưng giờ anh đã chết ngắc rồi nên chẳng thể quan tâm đến nó nữa.