MATTHIEU: Động cơ giống như phương hướng ta quyết định sẽ theo mỗi sớm mai thức dậy, khi ta đang trên đường du hành: ta sẽ đi về hướng Bắc, hướng Nam, hay hướng Đông? Vào lúc bắt đầu những thảo luận giúp cung cấp chất liệu cho một cuốn sách, chúng ta nên dành chút thời gian tự hỏi, phương hướng chúng ta muốn đem lại cho những cuộc nói chuyện của mình là gì. Trước hết là tự hỏi, ta muốn giúp ích cho người khác hay muốn phục vụ những lợi ích cá nhân của mình.
ĐỘNG CƠ CỦA CHÚNG TÔI CHO CUỐN SÁCH NÀY
CHRISTOPHE: Về phần mình, tôi thấy dường như tôi có tới ba động cơ. Trước hết là giúp ích cho mọi người. Tôi là một y sĩ viết những cuốn sách trợ giúp tâm lý và dùng những cuốn sách đó để phục vụ mọi người. Khi biết mình có thể giúp ích cho người khác mà không nhất thiết phải gặp họ, tôi cảm thấy một niềm hạnh phúc vô bờ. Tôi không nghĩ có bao giờ mình viết sách với một động cơ nào khác ngoài việc giúp độc giả bớt khổ và tiến bộ trong vai trò con người. Tôi nghĩ cả ba chúng ta đều vậy. Được ở bên hai người bạn tôi yêu quý trong mười ngày là động cơ thứ hai!
Nhưng tôi còn thấy một nguyện vọng nữa trong cuốn sách này, đó là làm cho hình ảnh của chúng ta trong tâm trí mọi người trùng khớp với con người thật của chúng ta. Đôi khi mọi người nhìn chúng ta một cách sai lạc, coi chúng ta như những “hiền triết”, cứ như thể chúng ta đã tìm thấy một kiểu tri kiến và cách sống rất khác người. Rõ ràng – ít nhất thì cũng là đối với tôi – đó là một ảo tưởng, và khi nói về hành trình cũng như các chướng ngại riêng trong việc trở thành những con người tốt đẹp hơn, chúng ta có thể giúp độc giả nhiều hơn bằng cách nhắc họ rằng chúng ta không cao siêu gì hơn họ. Tôi có cảm tưởng là độc giả sẽ thấy an tâm khi biết rằng không hề có hai hạng người, một là những người bay lượn cả chục cây số bên trên đầu họ và một là những người, cũng như họ, lặn lội trong bùn lầy cuộc sống thường nhật. Mọi con người đều như nhau. Tất cả chúng ta đều phải cố gắng rất nhiều để trở nên tốt đẹp hơn.
ALEXANDRE: Lúc mở đầu cuộc trò chuyện này, tôi có cảm giác như mình đang bước vào một phòng thí nghiệm tinh thần bao la để, cùng với các anh, khảo sát những công trường lớn của sự tồn tại. Khi nhận lời thách thức vời vợi này bên cạnh hai chuyên gia về hạnh phúc, tôi vừa vui mừng vừa có chút khiếp sợ. Trên hết, tôi rất mong lời nói của chúng ta sẽ giúp ích được cho mọi người. Có những cuốn sách đã cứu đời tôi. Và tôi sẽ lấy làm hạnh phúc, nếu như – không đưa ra những công thức, không có công thức nào cả – thảo luận của chúng ta có thể khích lệ những người đang phải vật lộn và tỏ rõ cái mong muốn dấn bước ngày một xa trên con đường tâm linh. Dù có đạt được sự tiến bộ lớn lao bên trong đi nữa thì cũng sẽ vô ích nếu như nó không làm cho chúng ta đoàn kết hơn, đến gần đồng loại hơn. Và việc trau dồi bản thân có thể nhanh chóng khiến chúng ta có cảm giác tù túng nếu nó không mở ra lòng quảng đại thực sự. Bản ngã có tài và gàn dở đến độ nó quơ về mình hết mọi thứ, hoặc gần như mọi thứ. Chắc chắn là tinh thần có tính vị kỷ. Khi quên mất người khác, chúng ta tất sẽ thất bại. Do đó mà chúng ta phải cấp thiết tìm kiếm một thực hành giải cứu chúng ta từng giai đoạn một khỏi mối nguy này. Tình bạn giúp chúng ta chữa được nhiều thói tật, nó che chở và nâng đỡ chúng ta. Chính tình bạn đã khởi nguồn cho cuộc gặp gỡ của chúng ta, nó dệt những mối dây bền chặt gắn kết chúng ta mà sẽ không gì làm xơ mòn đi được. Điều cốt lõi là không bao giờ quên rằng tất cả chúng ta là những người cùng hội cùng thuyền, chúng ta phải cùng nhau vượt qua bể khổ. Tôi muốn được dành tặng cuốn sách cho chính cái động lực này.
MATTHIEU: Đầu tiên, cuốn sách này ra đời từ tình bạn của chúng ta và mong ước được sống nhiều ngày bên nhau để chuyện trò thẳng thắn về các chủ đề chúng ta tâm đắc. Dụng ý không đơn thuần chỉ là chia sẻ những gì chúng ta soạn sẵn trong đầu để rồi biến nó thành một cuốn sách. Có những người thích nghĩ ra và truyền bá các khái niệm. Mục đích của chúng ta lại là chia sẻ những gì mình học hỏi được từ các thầy, trong đạo hoặc ngoài đời, cũng như từ những nghiên cứu và thực hành thiền quán hay trị liệu.
Về phần tôi, nhờ đạo lý và lòng tốt của các thầy, tôi tự sửa đổi được một chút và bắt tay vào phụng sự tha nhân. Vì thế nên tôi sẽ cố san sẻ những điều các thầy đã đem đến cho tôi bằng cách nỗ lực hết sức mình để không bóp méo cũng như làm biến chất giáo huấn của các thầy.
ALEXANDRE: Chỉ có một thứ cấp bách, đó là chúng ta nguyện theo đến cùng một thực hành, ôm ấp trong lòng một mong muốn mãnh liệt được tiến bộ, và nhận ra rằng chúng ta có thể thoát khỏi ngục tù của trí óc. Mọi người muốn bàn, muốn viết về thực hành bao nhiêu thì tùy, nhưng thể nghiệm nó từng ngày mới là việc lớn lao. Tôi từng tham gia hội thảo của một phong trào phản đối sự bất công xã hội và nhanh chóng phát hiện ra rằng mình đang phản đối lại những người phản đối. Sau những bài diễn văn hay ho, họ để tôi lại một mình dưới cơn mưa tầm tã và phải đi bộ về nhà. Chê trách thiên hạ, lên án cả Trái đất thì cũng vô ích thôi. Hành động, giúp đỡ, hỗ trợ thật sự mới là điều đáng nói. Ta hãy mau mau làm theo lời khuyên của Nietzsche. Với ông thì cách hay nhất để bắt đầu một ngày mới là tự hỏi, khi vừa thức dậy, rằng hôm nay ta có làm vui lòng được “ít nhất một người” hay không. Làm sao để ân cần với người mình gặp ở góc đường, với những người thân mình sát cánh mỗi ngày, bằng cả tấm lòng? Hoặc yêu thương thật sự người làm mình khó chịu?
CHRISTOPHE: Chúng ta, ai cũng có thể giống như những người phản đối kia, nói về lòng vị tha nhưng rồi không hề giúp đỡ cậu về lại nhà ga. Bởi vì chúng ta chỉ dừng lại ở khái niệm, bởi vì hội thảo xong là chúng ta lại về với những vấn đề và mối bận tâm riêng. Thực ra, thông điệp cốt lõi không phải là “Lòng vị tha là một điều tốt đẹp” mà là “Mình có thể làm gì cho người khác, lúc này, hôm nay?” Khái niệm không thôi thì không chữa lành được cho ai cả. Nó có thể an ủi, soi sáng, làm thỏa lòng người khác, nhưng trước sau gì rồi việc lành bệnh vẫn phải thông qua hành động và cơ thể. Trong thực nghiệm và thực tế ta mới thấy một ý tưởng có nội lực và ý nghĩa hay không, khi thực hành ta mới có thể nhận thấy những hệ quả của nó đối với mình và người.
MATTHIEU: Cái ý căn bản mà các anh nêu lên chính là cốt lõi của đạo Phật. Người ta nói rằng toàn bộ hiệu quả và ý nghĩa của việc giáo dục nằm ở chỗ nó phải trở thành một phần không thể tách rời trong ta. Mọi thứ còn lại chỉ là ba hoa. Dù cho có gom tất cả các đơn thuốc bác sĩ cho thì cũng không giúp gì cho việc chữa trị cả. Các ý niệm hữu ích trong việc soi rọi cuộc tranh luận, biết ta sẽ đi đâu, xác định những nguyên tắc hành động, nhưng nếu ta không thực hành thì cũng vô ích thôi.
Còn một câu hỏi quan trọng nữa đáng làm sáng tỏ, về động cơ của chúng ta và việc sử dụng cuốn sách này. Đó là tính mập mờ trong cái ta gọi là “phát triển cá nhân”. Nếu sự phát triển này chỉ diễn ra trong cái bong bóng bản ngã, ta sẽ dung dưỡng nó, đánh bóng nó, mài dũa nó bằng những ý nghĩ trấn an bản thân, trong một cách nhìn rất hẹp hòi, và ta sẽ đi chệch mục tiêu, bởi chỉ có thể thực hiện cuộc tìm kiếm viên mãn bằng việc từ tâm và mở lòng với kẻ khác. Bằng mọi giá, việc tu tập chánh niệm nói chung và thiền định nói riêng cần tránh trở thành một chốn yên thân để ta suốt ngày mải mê trong thế giới bản ngã. Như Alexandre vẫn nói: “Trong bong bóng bản ngã có cảm giác tù túng.” Hoặc ta tìm cách tự thay đổi để bắt tay vào phụng sự người khác và mọi người sẽ được lợi lạc, hoặc ta cứ ở trong cái bong bóng bản ngã và mọi người chẳng được gì. Khi ta cố hết sức để một mình ta được hạnh phúc, ta sẽ không giúp được người khác mà cũng không giúp được chính mình.
CHRISTOPHE: Tôi có cảm giác như mình vận động trong một quả cầu có hơi khác với các anh. Tôi là một y sĩ, luôn phải đứng trước những mong đợi và khó khăn của bệnh nhân, mà họ lại thường không biết quý trọng bản thân. Do vậy, tôi có khuynh hướng nhìn vấn đề này ít phê phán hơn. Trong công việc của mình, tôi nhận thấy rằng giai đoạn đầu mình thường phải an ủi bản ngã, khôi phục nó, củng cố nó. Rất nhiều người chán ghét bản thân. Tôi thấy mình phải làm ngược. Nếu tôi khuyến khích họ quan tâm đến người khác thì chắc chắn sẽ giúp ích cho họ, nhưng tôi lại không đúng trình tự công việc của mình. Tôi biết rằng về lâu dài thì cần phải bớt chú trọng đến bản thân hay ít ra cũng bớt cái phần thái quá trong sự quan tâm vị ngã này. Nhưng không gấp gáp được. Tôi càng tin điều đó hơn nữa với tư cách cá nhân, bởi trong việc xây dựng mình, tôi tiến bộ bằng cách như vậy.
Một điều nữa luôn làm tôi suy nghĩ khi hành nghề là khoảnh khắc mà y sĩ, khi đứng trước nỗi đau của người khác, tâm sự đôi chút về nỗi đau của mình. Hiện tượng này đã được nghiên cứu, lập thuyết, bởi vì nó là một yếu tố mạnh mẽ, như một thứ gia vị trong ẩm thực. Không có nó, mối quan hệ trị liệu sẽ trở nên nhạt nhẽo, trong khi nhờ yếu tố này, hương vị cộng tác và tình người sẽ được thêm vào. Việc bộc bạch về bản thân trong một mối quan hệ trị liệu có ích ở chỗ nào? Đến một lúc nào đó, y sĩ sẽ thấy ở bệnh nhân một nỗi khổ tương ứng với nỗi khổ anh ta đã chịu đựng. Thế là anh ta quyết định nói cho họ nghe một chút về những điều mình đã trải qua vì như vậy có thể có ích cho bệnh nhân. Họ sẽ nhận ra là mình không đơn độc. Sự bộc bạch này cần thực hiện với liều lượng hết sức nhỏ, sao cho không xâm lấn không gian khám bệnh bằng chuyện riêng của ta, không xem nhẹ quyền đau khổ của họ. Chỉ là giúp họ, bằng nỗi đau của mình, được hợp đoàn với nhóm đông đảo những người xung quanh họ. Điều này khiến tôi nghĩ đến một câu nói của Christian Bobin trong Phế tích thiên đường: “Dù người anh đang nhìn là ai, hãy biết rằng họ đã nhiều lần đi qua địa ngục.” Khi bệnh nhân đến gặp chúng tôi, họ đang băng qua địa ngục, họ cảm thấy đơn độc và lạc lối. Khi biết rằng người khác cũng đã đi qua con đường đau khổ này, đôi khi họ sẽ cảm thấy được an ủi và xoa dịu.
PHƯƠNG PHÁP CỦA CHÚNG TÔI
ALEXANDRE: Khái niệm thiên chức giúp giải phóng chúng ta. Nó là chiếc la bàn trong những ngày mà mọi chuyện đều xui xẻo, là lời thúc giục đáp lại tiếng gọi sâu kín nhất đời ta. Trong thử thách cũng như trong niềm vui, chúng ta phải không ngừng tự hỏi, lúc này, ở đây, đời sống kêu gọi tôi đến với cái gì. Về phần mình, tôi tin rằng cuộc đời đã giao phó cho tôi ba thiên chức. Trước hết là làm người khuyết tật và tôi phải trải nghiệm đến cùng. Tàn tật không hề là một gánh nặng và nó có thể trở thành một mảnh đất rèn luyện tuyệt vời. Nếu tôi xem nó như thứ lao dịch, tôi có thể ngay lập tức tự kết liễu bằng một phát súng. Tốt hơn là nên thấy ở đó một con đường đi đến đạo lý. Nhưng hãy coi chừng, không phải khổ giúp chúng ta trưởng thành, mà là thứ chúng ta tạo ra từ khổ. Tôi dè chừng như dịch bệnh những phát biểu quá vội vàng biện minh cho khổ. Như vậy là quên rằng nỗi đau có thể làm ta trở nên cay đắng, bóp nát trái tim ta. Không phải là tôi chấp nhận hoàn toàn việc khuyết tật, nhưng có những ngày tôi phát hiện ra trong cái tai ương này một dịp để trở nên hoan hỉ và tự tại hơn. Tôi cũng thấy rõ rằng, không có tu tập, tôi sẽ không có cơ may nào. Nói tóm lại, khuyết tật dồn tôi vào đường cùng, buộc tôi phải cấp bách sửa mình và tìm nơi nương náu, tránh xa những nhãn hiệu, bề ngoài, để cất bước học hỏi mỗi ngày.
Nghề viết cũng khởi từ một tiếng gọi. Niềm đam mê này, nhu cầu này, được đặt ra từ rất sớm. Trong giờ khắc chống chọi, tôi hiểu rằng một ngày nào đó mình sẽ phải trình bày di sản mà những người bạn kém may mắn truyền lại cho tôi. Họ đã cho tôi nếm trải một chút điều cốt lõi, đó là mong muốn tiến lên, khát khao một niềm hoan hỉ vô điều kiện và tình đoàn kết. Ở viện dành cho người khuyết tật mà tôi sống từ nhỏ đến lớn trong mười bảy năm, tôi đã hình thành thiên hướng làm chứng nhân. Đây rõ ràng là một cơ chế sinh tồn, nhưng là một trong những cơ chế ích lợi nhất. Trong khổ đau, tôi cảm thấy bằng cả con người mình là cần phải biến nó thành cái gì đó.
Cuối cùng, thiên chức làm cha trong gia đình thôi thúc tôi quên đi rất nhiều những gì đã học, chữa chứng sợ hãi, những phản xạ, những thiếu thốn, và luôn luôn tiến lên.
Ba thiên chức này đi cùng tôi từng giờ, nhất là khi mọi chuyện không ổn, nghĩa là khá thường xuyên. Những thiên chức này vượt ngoài khái niệm một mục tiêu cá nhân mà bản ngã cố đạt cho được bằng mọi giá. Ở đây, không có chuyện thăng cấp hay lên bậc, mấu chốt chỉ là luôn đi tới và yêu thương ngày càng sâu đậm hơn mà không trụ lại nơi đâu cả. Người nào còn nhốt mình trong một danh tính thì vẫn chưa hết khổ. Chẳng hạn, nếu tôi cứ tin chắc rằng hạnh phúc của tôi tùy thuộc vào cương vị người viết, thì ngày tôi không còn viết được nữa, tôi sẽ không còn niềm vui.
Giờ đây, tôi uống nước từ suối nguồn tinh thần lớn lao, nhất là nhờ thực hành thiền và sống một đời sống cầu nguyện. Những điều này giúp tôi trải nghiệm sâu sắc hơn ba thiên chức của cuộc đời tôi.
Mọi sự khởi từ một khuyết tật lúc lọt lòng mẹ. Một dây rốn bị đặt nhầm chỗ khiến tôi thành người tàn tật suốt đời. Từ lúc lên ba tôi đã phải sống trong một trung tâm chuyên biệt, một ngôi trường khắc nghiệt và khủng khiếp. Ở đó tôi đã nhận ra, trọn vẹn, sự bấp bênh trong thân phận chúng tôi. Từ đó, tôi kéo lê một cảm giác bất an, một nỗi sợ bị bỏ rơi, rõ ràng là do một khởi đầu quá chông gai cũng như do bị tách khỏi cha mẹ. Từ cuộc sống trong viện này tôi giữ lại được niềm thán phục trước thế giới và sự đòi hỏi phải luôn lên đường.
Cùng với các bạn bất hạnh, có những bạn bị khuyết tật rất nặng nề, tôi cũng đã chứng kiến cái chết. Một trong những người bạn thân nhất của tôi, Trissia, bị tràn dịch não. Ngày tôi tám tuổi, một cô giáo kéo riêng tôi ra nói: “Đi gặp Trissia đi, bạn ấy ở cuối hành lang, con hãy đi xem bạn ấy xinh đẹp thế nào.” Tôi bước vào căn phòng âm u và thấy bạn mình nằm dài trong một cỗ quan. Tôi đã không biết bạn ấy mắc bệnh. Cuộc gặp gỡ cái chết và sự đau khổ từ sớm này làm tôi trưởng thành nhưng cũng làm tôi bị chấn động. Không bao giờ tôi quên được hình ảnh bạn ấy nằm hai tay khoanh lại, như đang cầu nguyện. Trong căn phòng xanh lục ấy, tôi đã cảm thấy một lời kêu gọi toàn triệt, nó hướng tôi tới cuộc sống tâm linh. Tôi hoàn toàn tin chắc rằng, nếu không có một cuộc tìm kiếm nội tâm, tôi đã tiêu tùng.
Cuộc đấu tranh để được nhận vào trường “bình thường” là một cuộc đấu tranh lâu dài. Tôi trượt các trắc nghiệm vận động tâm thần. Tôi không đủ nhanh nhẹn. Nhờ sự kiên trì của cha mẹ, may sao, tôi cũng được ngồi trên ghế nhà trường. Việc tôi cứ nhấn mạnh quyền được hòa nhập của mọi người là do tôi đã suýt bị loại ra. Khi tôi được ra khỏi viện thì tôi như đặt chân lên một hành tinh khác. Tôi không biết các phép tắc xã hội: tôi phải ôm hôn ai, tôi phải bắt tay ai… Đến hôm nay tôi vẫn còn phải học hỏi trò chơi xã hội này.
Từ nhỏ tôi đã có một ý thức nhất định về cái bi và một sự ngây thơ không bao giờ mất. Ở bên cạnh những người không nói được, tôi còn học được sự dịu dàng trong một cử chỉ thân ái, một nụ cười, một ánh mắt. Tôi phải mất rất nhiều thời gian mới tìm được chỗ trong xã hội và quyết tâm thích nghi. Tôi đã ôm chặt cứng người con gái đầu tiên tôi đem lòng yêu đến nỗi phản ứng của cô vẫn còn khiến tôi bối rối đến hôm nay: “Ơ, có chuyện gì thế, cậu này?” Tiếp xúc đầu tiên này đã suýt khiến tôi sống một cuộc đời thu mình. Ở viện, điều làm tôi vui là được sống trong sự trong sáng đáng ngạc nhiên. Khi chúng tôi hài lòng, chúng tôi nói ra; khi chúng tôi buồn, chúng tôi cũng để lộ cho người khác biết. Trái lại, thế giới ngoài kia, tôi phát hiện ra là lắm lúc ta phải ngụy trang những cảm nghĩ của mình, che giấu những dụng ý, không được thổ lộ hết.
Việc sát cánh bên những người bất lực nhất đã cho tôi nếm trải từ khi còn nhỏ một chút tinh thần đoàn kết. Có người cho rằng con người xấu xa, vị kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình. Tôi đã nếm trải điều ngược lại với các bạn kém may mắn của tôi: một tình đoàn kết tự nhiên, một lòng nhân từ tự nhiên, một mong muốn cùng nhau tiến bộ. Nói tóm lại là một lòng vị tha làm phấn chấn tâm hồn. Trước một số phận không mấy nhân từ, chúng tôi tương thân tương ái. Cần triệt tiêu cái suy nghĩ rằng con người tự trong bản tâm vốn là ích kỷ. Matthieu này, trong cuốn Bàn về lòng vị tha của anh, anh có trích dẫn một đoạn thư của cha đẻ ngành phân tâm học làm tôi thấy buồn cười. Trong đoạn đó, ông ta nói rằng ông ta chỉ phát hiện được rất ít “cái tốt” ở con người, rằng phần lớn họ chỉ là đồ vô lại. Trái lại, tôi đã tìm thấy một lòng tốt mộc mạc, không tính toán, trong trái tim của rất nhiều người tu tập, và nhất là ở trẻ em. Sao chúng ta lại phải bỏ đi sự trong sáng này?
Đúng là trong đời sống hằng ngày, cũng như chỉ cần xem xét bản thân một cách sơ sài nhất, chúng ta cũng thấy rất nhiều thói xấu, như đố kỵ, gièm pha, chế giễu, những tật khó nhổ bỏ. Nhưng mọi điều đó không ngăn được tôi tin vào sự cao cả của con người. Do vậy, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để quay về với cái tận cùng, với bản tính sâu xa nhất của con người và vượt thoát tất cả những cơ chế cảm xúc này.
Trên đường đi, tôi có một cuộc gặp gỡ, một sự tình cờ may mắn, làm tôi lìa bỏ con đường đã được vạch lối cả rồi. Ngày nọ, tôi hỏi một Cha trong viện: “Tại sao lại có những người khuyết tật? Tại sao, nếu Chúa Trời tồn tại, ngài lại bỏ chúng con đó, cách xa cha mẹ?” Cha Morand đã ý nhị mà không cho tôi một lời giải thích trong cái vốn không có lời giải thích nào cả. Lòng tốt của người này, việc ông hiến đời mình cho kẻ khác, đã làm tôi đổi lộ trình và chinh phục được tôi. Tôi còn nhớ lời ông: “Con là một triết gia, con như Socrates vậy!” Từ lúc ấy, dù rằng không giỏi ở trường và chẳng mấy quan tâm đến những vấn đề tinh thần, tôi đã chạy đi mua sách của Platon và Socrates để rồi rút ra một dược phẩm thật sự và nhất là một lời thôi thúc sống tốt hơn mà không phải là sống tốt nhất. Cuộc phiêu lưu đã có thể bắt đầu, và vậy là một thiếu niên tay không dấn thân đi tìm tiến bộ, đi vào đời sống nội tâm. Trước đó, tôi chỉ tìm kiếm hạnh phúc ở bên ngoài, tôi nương náu trong niềm hy vọng về một cuộc đời tốt đẹp hơn mà không dám thay đổi thế giới quan của mình. Các triết gia của Athens đã mang lại một phương thuốc, một niềm khích lệ, một trị liệu pháp cho tâm hồn. Từ lúc đó, tôi đã có mong muốn bước vào triết học theo cách như người ta đi tu. Đó là bước duy nhất tôi có thể thực hiện.
Ngoài việc khuyết tật ra thì sự thiếu thốn tình cảm là thứ để lại những hệ quả nặng nề nhất. Rất nhiều thầy cô giáo coi nghĩa vụ của mình là phải giữ khoảng cách nhằm mục đích trị liệu nhưng dường như việc đó lại cấm đoán mọi tình người. Hơn nữa, nhiều lúc tôi thấy quanh mình là những người tu hành hơi lạnh lùng. Họ luôn thể hiện mình là người sùng kính, và khi tôi nói rằng tôi mê ăn bánh ga-tô, họ lạnh nhạt đáp: “Ta chỉ mê Chúa Trời thôi.” May mắn làm sao, Cha Morand đã chỉnh đốn lại mọi chuyện. Lòng tốt vô vàn và hiểu biết bao la của ông đã cho tôi nếm trải chút đời sống tâm linh. Sự khôn ngoan, sự rộng lượng không gợn chút bóng tối và sự sáng suốt của ông khiến tôi cảm động.
Dạy dỗ bằng cách làm gương, ông đã cải hóa tôi theo con đường triết học. Trong chiến tranh, ông đã cho một gia đình Do Thái tá túc. Ông kể tôi nghe rằng một hôm, khi thấy từ xa một xe của Gestapo, ông đã không ngần ngại lật tung nhà lên, đập vỡ chén dĩa, lôi hết đồ đạc trong tủ ra… Khi họ tới, ông chỉ đáp: “Người của các anh vừa vào, họ lục tung hết cả, các anh nhìn cái đống hỗn loạn này xem.”
Nói tóm lại, nhờ Cha mà tôi mới có niềm đam mê triết học. Phải một thời gian tôi mới hiểu rằng đạo lý bắt nguồn từ một nghệ thuật sống, trong những tu tập hằng ngày. Chẳng mấy chốc, tôi còn có chút cay đắng nghiệm ra rằng triết học không phải là liều thuốc chữa bách bệnh, nhất là trong trường hợp tôi. Tôi đã đọc đi đọc lại Aristotle, Leibniz, Spinoza, Nietzsche và những người khác nữa, nhưng cảm xúc rối bời vẫn không chịu để tôi yên. Dọc đường, tôi gặp được thiền sư Jacques Castermane. Nhờ thầy, tôi cảm nhận được rằng bình yên vốn đã ở đó trong tận cùng sâu thẳm, và rằng thân xác không hề cản trở nó mà còn có thể dẫn đến nó.
Vậy nên tôi cần có một sư phụ vừa là thiền sư vừa là tu sĩ Thiên Chúa giáo để làm sâu đậm thêm đức tin Chúa Trời vẫn luôn ở trong tôi và đi sâu hơn trong thiền định. Thế là cùng vợ với ba đứa con, tôi dọn đến Seoul để bắt đầu học buông bỏ và tự tại. Tôi đã đánh mất niềm vui, sự hồn nhiên, tính ngẫu hứng mà tôi từng có khi còn nhỏ. Giai đoạn rèn luyện ở Hàn Quốc đã tẩy gột tôi rất nhiều. Thay vì là một người cha hoàn hảo thích bảo bọc con cái, điều mà tâm trí tôi đang thèm khát, tôi gặp một vị thầy chân chính đã cho tôi thấy, từng ngày, rằng tình yêu vô điều kiện vượt lên trên mọi thứ tôi có thể hình dung được. Thầy dạy tôi biết yêu thương một cách phóng khoáng hơn, thật sự ra khỏi ngục tù của bản thân mình. Kể từ đó, tôi chuyên tâm hành thiền mỗi ngày một giờ. Việc toàn tâm toàn ý thực hành sẽ cứu rỗi chúng ta. Chúng ta chỉ làm chủ được rất ít thứ trong cuộc đời mình, do vậy cần trao gửi trọn vẹn bản thân mình cho đời sống tâm linh, thứ sẽ giải thoát chúng ta từng bước một.
Mỗi ngày, tôi vui sướng phát hiện ra điều đem lại sự giải phóng thật sự: những cuộc gặp gỡ và sự thành tâm tu tập. Nhờ thầy và gia đình, cùng với Bernard Campan, Joachim, Romina, Christophe, Matthieu, cũng như biết bao người khác nữa, tôi có thể hết lòng cống hiến cho những thiên chức này và tiến bộ trong vai trò làm người. Phải, vô vàn bàn tay tiếp nối trong đời sống hằng ngày đã giúp tôi sống với những vết thương. Suy cho cùng, tôi hoàn toàn không phải là người tự lập. Không có các thiện hữu, tôi sẽ không bao giờ có thể thành công ở Seoul. Khắc này sang khắc khác, tôi cần phải chết đi và sinh ra lần nữa, cũng như phải quên đi rất nhiều điều đã học.
Khi nguyền rủa sự khuyết tật của mình, tôi nhớ lại những lời nhân đức vô cùng của thầy và chúng làm thức tỉnh tôi ngay lập tức: “Hãy vui mừng vì những chướng ngại; nếu con không bị khuyết tật và gặp những đau đớn triền miên, chắc con đã trở thành tên đại ngố.” Những cú sốc điện này đã khiến tôi không còn nguyền rủa cái mà, thoạt nhìn, cản trở tôi tiến bộ.
Gần đây, tôi khẩn khoản xin thầy đừng trả tôi về châu Âu khi tôi còn chưa tìm thấy một sự thanh thản thật sự, một niềm vui chân chính, khi tôi chưa diệt được những nguyên nhân khổ của tôi. Tôi tin rằng chúng tôi sẽ ở lại Hàn Quốc thêm một thời gian nữa.
CHRISTOPHE: Tôi rất thích ba thiên chức mà cậu nói – làm cha, người khuyết tật và tác gia. Với tôi cũng vậy, tư cách làm cha đã giúp khai sáng cho tôi và là động cơ để tôi tiến bộ. Tôi muốn là tấm gương tốt nhất có thể cho các con gái và tôi thấy rõ là điều đó sẽ đòi hỏi tôi phải nỗ lực rất nhiều! Khuyết tật của tôi chỉ đơn giản là tôi rất hay lo sợ, thường xuyên nghĩ về bất hạnh, và luôn phải nỗ lực để không trượt trên cái dốc này trong đời sống thường ngày. Còn về thiên chức tác gia, về cơ bản, nó là sự mở rộng chức nghiệp y sĩ của tôi. Tôi thích giúp đỡ, an ủi, chữa trị. Khi tôi đọc sách của người khác – của cậu, Alexandre ạ, của Matthieu, của Christian Bobin, và của rất nhiều người khác – tôi nhạy cảm với khía cạnh trị liệu hoặc soi sáng trong cuốn sách đó. Tôi đánh giá dụng ích đối với người đọc, và theo tôi thấy, có hai loại sách: loại sẽ giúp ích và loại chỉ để giải trí.
Hành trình của tôi ư? Tôi không phải khi sinh ra đã có đầy đủ các phẩm chất để chữa bệnh và nói về khổ. Tôi đã gặp đủ loại khó khăn – nhỏ hơn của cậu nhiều lắm, Alex ạ. Vì rất nhiều lý do, tôi là người trầm tính, bi quan, hướng nội, và tôi chỉ đủ sức suy nghĩ khi ở một mình. Nhưng đồng thời, tôi cũng cần người khác. Tôi vẫn thường nói rằng tôi là một kẻ cô độc quảng giao! Mỗi khi tôi có thể kể trong sách của mình khía cạnh mong manh này và cho thấy việc cải thiện điều đó quan trọng với tôi thế nào, thì tôi đều tin rằng nó sẽ đem lại chút an ủi cho độc giả, vì họ sẽ nhận thấy rằng công việc này là số phận của toàn thể nhân sinh. Điều tôi sợ nhất là bị độc giả lý tưởng hóa. Mặc dù người thân yêu thương tôi, thỉnh thoảng khâm phục một số cách xử sự của tôi, nhưng họ cũng biết những hạn chế của tôi. Vì vậy mà tôi thường nói về mình trong sách, không phải vì tính ái kỷ, mà để cho mọi người thấy những nỗ lực tôi phải theo đuổi, từ đó tránh xa một hình ảnh quá sức láng lẫy và hoàn hảo.
Được học y chứ không phải kỹ sư là một may mắn đối với tôi. Hồi còn nhỏ, vì tôi là học trò giỏi, mọi người định hướng cho tôi tham gia các môn khoa học, và cũng như tất cả bạn bè lúc bấy giờ, tôi mơ ước đóng hỏa tiễn, đồ đạc, bàn ghế. Thế rồi đến phút chót, tôi đọc Freud, đây là một phần trong chương trình triết. Những điều ông viết làm tôi hứng khởi và tôi quyết định trở thành bác sĩ tâm thần. Là thầy thuốc tâm thần mà không phải nhà tâm lý học, tôi đi theo ngành y và hiểu rằng mình thật sự thích chăm sóc mọi người. Khi được giúp đỡ, an ủi người khác, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Thời còn là sinh viên, chắc chắn tôi cũng hết sức ích kỷ. Người ta không bao giờ dạy tôi lòng vị tha và tôi chỉ thích đi tiệc tùng, quyến rũ các bạn gái. Việc học y đã từng bước đưa đẩy tôi đến chỗ gặp những khổ đau thật sự, những điều khủng khiếp. Tôi nhận ra rằng việc quan trọng là có mặt bên cạnh những người đang chịu khổ. Tôi cũng hiểu rằng mình đã chọn đúng nghề vì bên cạnh nỗi buồn mà những bất hạnh của bệnh nhân gây ra trong tôi, tôi còn cảm thấy việc an ủi họ làm tôi thấy hạnh phúc và cho đời tôi một ý nghĩa mà những hoạt động khác không làm được. Suy cho cùng, việc chăm sóc và an ủi làm tôi thấy thật tuyệt vời. Có phải vì vậy mà tôi tiếp tục đi con đường này? Có phải suy cho cùng những động cơ vị tha của tôi là ích kỷ, vì chúng làm lợi cho tôi? Tôi đã tin như vậy một thời gian dài, hết sức xấu hổ về lòng vị kỷ ngụy trang này. Mãi về sau, Matthieu mới mở mắt cho tôi, anh chỉ ra rằng cảm giác dễ chịu khi chăm sóc người khác là một lợi ích của lòng vị tha, một sự có “thêm”, nhưng không nhất thiết là động cơ ban đầu.
Thế rồi, học y xong, tôi chuyển sang tâm thần học. Và rất nhanh, tôi thấy rằng phân tâm học, lúc bấy giờ đang là ngành học hấp dẫn, không dành cho tôi. Nó động chạm đến mong muốn được giúp đỡ người khác của tôi. Nó đòi hỏi một vị thế rút lui mà tôi sẽ thấy không vui và không thoải mái; tôi cảm thấy mình bị hạn chế trong tính tự nhiên, bị gò bó vào một khoảng cách mà tôi thấy là không đúng khi đứng trước những người đang đau đớn. Cũng như những y sĩ ở trung tâm của cậu, Alexandre ạ, không được có mối quan hệ yêu thương với những đứa trẻ mà họ kèm cặp, thời ấy người ta cho rằng việc chăm sóc sẽ tốt hơn nếu được kiềm chế, trong một khoảng cách trị liệu tương đối. Họ chấp nhận đánh mất sức mạnh to lớn của cảm xúc, lòng trắc ẩn và thấu cảm; họ lờ nó đi hay kiềm chế nó. Lối giữ khoảng cách với bệnh nhân này, không cầm tay họ, không khuyên nhủ họ khiến tôi vô cùng khó chịu. Tôi tự nhủ: “Mình không sinh ra để làm thầy thuốc tâm thần”, vậy là tôi quay sang phẫu thuật, cấp cứu, và sinh sản. Những ngành đó cũng làm tôi hài lòng, nhưng tâm thần học vẫn luôn cuốn hút tôi. Tôi quay lại với nó theo một cách khác. Tôi rời con đường đại học, tôi từ bỏ mọi tham vọng sự nghiệp trong bệnh viện rồi đi ngao du. Tôi tìm được người thầy trong tâm thần học, Lucien Millet, người nổi tiếng là thầy thuốc tâm thần nhân văn. Tôi cảm thấy như cá gặp nước. Ông tử tế với bệnh nhân, gọi họ bằng tên riêng, quan tâm đến họ, muốn gia đình họ cùng tham gia thay vì giữ khoảng cách. Ông hành nghề tâm thần học theo cách tôi thấy nên như thế: nhân từ và quan tâm đến người khác. Tôi bắt đầu học các phương pháp hành vi, phương pháp đi ngược lại phân tâm học Lacan. Với phương pháp hành vi, chúng tôi dạy và cung cấp tình bạn. Chúng tôi giải thích cho bệnh nhân những rối loạn của họ vận hành ra sao, họ cần có những nỗ lực gì. Chúng tôi niềm nở với họ. Chúng tôi cũng đòi hỏi họ những việc khó khăn: đối mặt với nỗi sợ và lo âu. Tất cả những gì tôi làm với bệnh nhân đều được rút ra từ chính bản thân tôi.
Khi tôi phát hiện ra tâm lý học tích cực, tôi cũng dùng nó rất nhiều để đối trị những xu hướng thiên về tiêu cực, bi quan và bất hạnh của mình. Rồi tôi gặp thiền, và một lần nữa đây là thứ hoàn toàn mới đối với tôi.
Mỗi lần làm việc với bệnh nhân thì tôi đều đang chèo cùng xuồng với họ. Họ không biết rằng tôi thường thấy rất biết ơn sau những buổi trị liệu. Khi giúp họ hiểu được đôi điều về bản thân họ, tôi cũng hiểu đôi điều về mình. Bệnh nhân đã trở thành thầy của tôi. Tôi còn nhớ rất rõ khoảng chục người trong số họ đã làm thay đổi đời tôi mà họ không biết.
Khi mình gặp nhau, Alexandre, cậu giúp tôi phát hiện ra khái niệm progrediente, một chữ La-tinh chỉ những người đang làm việc, đang tiến tới. Có lúc cậu còn có một nhóm tên là “Những Progrediente”. Đây chính là quá trình tôi tham gia trong suốt cuộc đời mình, để tự hoàn thiện, để tiến bộ, và một phần công việc của tôi là giải thích điều đó cho bệnh nhân, đồng thời khuyến khích họ làm vậy.
Phải mất rất nhiều thời gian tôi mới bắt đầu hiểu những gì Matthieu thường nói: tính ưu việt của động cơ vị tha so với động cơ vị ngã. Tôi đã lầm lạc đến nỗi mà, nếu không có nghề y, chắc chắn tôi đã đi sai đường. Có lẽ tôi đã là một kỹ sư giỏi nhưng là một người không tốt. Và tôi nghĩ rằng mình chỉ tiếp nhận thông điệp này một cách sâu sắc khi đã thành người cha và thầy thuốc, khi đã “mềm lòng” nhờ các con và bệnh nhân. Vì tôi đã mất nhiều thời gian nên tôi luôn cẩn thận cảm nhận xem bệnh nhân của mình đã đến đâu rồi và chỉ hướng cho họ đến một mục tiêu xa, mà không gây áp lực khiến họ phải làm những chuyện họ vẫn chưa đủ sức. Tôi khuyến khích họ nhìn ra được rằng những hành vi vị tha nho nhỏ sẽ giúp họ bớt nghĩ đến nỗi khổ của mình, nhưng tôi không đưa chúng ra cho họ như một cứu cánh lý tưởng. Nếu tôi kể các anh nghe những chuyện này thì đó là bởi tôi luôn tha thứ cho bệnh nhân khi họ cứ bám khư khư lấy bản ngã méo mó của họ và tôi khuyến khích họ tha thứ cho bản thân về những lỗi lầm và chậm trễ. Đó là con đường tôi đã đi qua.
MATTHIEU: Biết nói gì đây, sau bao điều đẹp đẽ này?
Ngày còn là thằng nhóc và cả khi lớn lên, tôi không giỏi hơn cũng không dở hơn người khác. Tôi có tiếng là hơi lạnh lùng – như Alexandre đã nói lúc khởi đầu tình bạn của chúng tôi. Tôi không được hướng ngoại cho lắm. Từ lúc niên thiếu, tôi đã tiếp thu những tác phẩm tâm linh, nhờ ảnh hưởng của người mẹ thân yêu, Yahne Le Toumelin, và cậu tôi, Jacques Yves Le Toumelin, một thủy thủ đơn độc mà, trong những chuyến đi biển, đã đọc rất nhiều về giáo phái Sufi, Vedanta cùng những con đường tâm linh khác, nhất là các sách của René Guénon. Chúng tôi có một mạng lưới bạn bè rất thường đàm đạo về những chuyện như vậy. Tôi được nuôi dạy trong môi trường thế tục, tôi muốn thành bác sĩ, thậm chí là bác sĩ phẫu thuật. Nhưng tôi đã nghe theo lời khuyên của cha. Ông nói: “Bác sĩ thì có đầy rồi. Nghiên cứu mới là tương lai.” Tôi giỏi vật lý, vì vậy mà tôi chọn vật lý. Tôi không phải là một học trò xuất sắc. Rồi cha tôi nói: “Sinh học là tương lai.” Vì vậy tôi theo sinh học. Nhờ một sự may mắn, tôi vào Viện Pasteur, ở chỗ François Jacob, rồi tôi làm luận án về sự phân chia tế bào.
Tình cờ là, ngay trước khi vào Viện Pasteur, tôi được xem phim Arnaud Desjardins làm về các đại sư Tây Tạng. Tôi 20 tuổi và, bỗng nhiên, điều này làm thay đổi tất cả. Tôi nhận ra rằng mọi chuyện không còn chỉ nằm trong các tác phẩm của thầy Eckhart, Ibn Arabi, Ramana Maharshi, hay của những người đã qua đời nữa. Những vị này vẫn còn sống. Vẫn còn đó những Socrates, những Francis thành Assisi, và tôi thấy dường như họ có cái gì khác thường so với tất cả những người tôi đã gặp cho đến lúc đó. Arnaud Desjardins và một người bạn nữa, Frédéric Leboyer, những người đã gặp họ trực tiếp, cho tôi xem mấy tấm hình. Họ nói với tôi: “Đây là vị làm chúng tôi thấy ấn tượng nhất, Kangyur Rinpoche. Ngài sống ở Darjeeling.” Tôi đã quyết định đi gặp thầy.
Cha tôi đã có sáng kiến tài tình là cho tôi học tiếng Hy Lạp cổ, tiếng La-tinh và tiếng Đức. Ông nói rằng trước sau gì rồi tôi cũng sẽ học được tiếng Anh thôi. Do vậy mà tôi lên đường đi Darjeeling với vốn tiếng Anh chỉ là một cuốn từ điển bỏ túi. Tới nơi thì tôi sớm được gặp Kangyur Rinpoche, và thế là thầy thành thầy tôi, không chỉ vì đó là người đầu tiên tôi gặp, mà còn vì thầy là người làm tôi xúc động sâu xa nhất. Trong chuyến đi đó, tôi còn gặp các thầy khác nữa, nhưng tôi ở bên Kangyur Rinpoche nhiều hơn cả. Tôi dành ba tuần chỉ ngồi trước mặt thầy, không nói gì nhiều. Tôi không biết nói tiếng Anh và tiếng Tây Tạng thì còn ít hơn nữa. Nhưng tôi đã có trước mặt mình tấm gương, không phải về một tri thức đặc biệt hay một tài năng khác thường, như kiểu một bậc kỳ tài dương cầm, mà là tấm gương về điều tuyệt vời nhất có thể xảy ra với một con người. Thầy không giống những người tôi từng biết. Chính bằng lối sống, sự hiện diện, lòng tốt của mình mà thầy khích lệ tôi sâu xa nhất.
Tôi về lại Pháp, tiếp tục luận án, nhưng mỗi năm, từ năm 1967 đến năm 1972, tôi đều quay lại Darjeeling, cả thảy bảy lần. Đến một lúc, tôi tự nhủ: “Khi mình ở Viện Pasteur, mình hầu như chỉ nghĩ đến Himalaya, còn khi mình ở Himalaya, mình không còn nghĩ đến Viện Pasteur nữa. Mình cần phải có một quyết định!” Thế là, thay vì đi Mỹ như François Jacob mong muốn, thay vì làm nghiên cứu sau tiến sĩ, tôi lại nghiên cứu đạo Phật trên rặng Himalaya! Tôi ở lại đó, hầu như không đi đâu, từ năm 1972 đến năm 1997. Tôi gần như không tiếp xúc với phương Tây nữa. Suốt giai đoạn này tôi không đọc một cuốn sách tiếng Pháp nào. Không báo, đài cũng không. Tôi còn có một lỗ hổng hiểu biết về các sự kiện thế giới diễn ra trong giai đoạn đó. Và vì tôi đã hơi xao nhãng tiếng Pháp, tôi gặp bất lợi khi phải viết sách. Trong 25 năm, tôi tập thành người Tây Tạng và tu theo đạo Phật.
Về ba hoàn cảnh các anh vừa nhắc đến – người cha trong gia đình, người khuyết tật và người viết – thì người cha trong gia đình, tôi chưa bao giờ làm. Nhưng tôi vẫn chăm lo cho trẻ em qua trung gian Karuna-Shechen, một tổ chức nhân đạo tôi thành lập với một nhóm bạn. Hiện nay, tổ chức phụ trách giáo dục cho hơn 25.000 trẻ em trong các trường và mỗi năm chữa bệnh cho 120.000 bệnh nhân trong các trạm xá mà tổ chức xây dựng.
Còn về khuyết tật, không phải tôi chơi trò đố chữ, nhưng tôi thấy rõ là chúng ta vẫn là người khuyết tật chừng nào ta còn chưa thức tỉnh, chừng nào ta vẫn còn trong mình dẫu chỉ một chút ác ý, tham lam hay đố kỵ, và ta chưa cảm thấy một lòng từ bao la đối với người khác. Dù đó là hạnh phúc mà các anh đang nói đến, hay lòng vị tha mà tôi tha thiết, thì tôi cũng ý thức được hết sức rõ cái lẫn lộn bóng tối và ánh sáng vẫn còn tồn tại trong mình, và những bước dài mình còn phải đi. Đôi khi tôi biết rằng còn lâu mình mới hoàn toàn nhân từ. Tôi cũng có những ý nghĩ và lời lẽ mà tôi tự trách mình khi lấy lòng vị tha ra để đánh giá. Nhưng tôi thật tâm mong muốn sửa đổi, chuyển hóa thêm nữa. Đó mới là điều đáng nói, đó là hướng tôi muốn đi theo.
Tôi quay về phương Tây là do cuộc đối thoại với cha tôi. Tôi đã dùng cuộc đối thoại này viết thành cuốn sách Thầy tu và triết gia. Tôi không dám nói mình có thiên chức nhà văn. Tôi đã dịch các kinh sách tiếng Tây Tạng, nhưng tôi không có khiếu viết lách. Khi người ta đề nghị tôi thực hiện cuộc đối thoại này, tôi đã đến gặp thầy trụ trì tu viện tôi sống, Rabjam Rinpoche (cháu của Khyentse Rinpoche, thầy thứ hai của tôi, mất năm 1991). Tôi thưa với thầy: “Đây là cái người ta đề nghị con. Nói thật thì con không thấy ích lợi gì lắm khi bỏ ra mười ngày chỉ để đấu lý.” Tôi ngạc nhiên khi thầy đáp: “Có, có chứ, việc đó nên làm.” Vậy nên phần nào theo lời khuyên của thầy mà tôi nhận lời. Không có thầy, tôi đã tiếp tục một lộ trình đó, trên rặng Himalaya, tu tập và dịch kinh. Hiển nhiên là điều đó đã làm thay đổi rất nhiều thứ. Hôm nay, tôi là một người hoàn toàn vô danh, nhưng ngày mai, vì tôi được lên truyền hình, mọi người đến nói chuyện với tôi ngoài đường, họ muốn cho tôi đi nhờ đến đâu đó hay trò chuyện với tôi năm phút. Hơn nữa, vì cách ăn mặc của mình, tôi dễ bị phát hiện, chẳng khác nào một lá cờ lưu động!
Vậy thì tại sao tôi tiếp tục làm những chuyện này? Tôi ở lại tịnh thất cố gắng trở thành người tốt đẹp hơn để có thể thật sự bắt tay vào phụng sự người khác thì chẳng hay hơn sao? Nếu đó là điều lý tưởng thì không cần phải dừng lại giữa đường để loay hoay gặt lúa mì khi nó vẫn còn non. Thế nhưng, hoàn cảnh đã đưa đẩy để tôi dấn thân vào đủ loại hoạt động, nhất là với hội Karuna-Shechen, hội này cho đến nay đã hoàn thành được hơn 160 dự án nhân đạo. Tôi nghĩ rằng cuốn sách chúng ta đang làm sẽ có ích. Một số người nói rằng việc này giúp ích cho họ trong cuộc sống. Điều đó bao giờ cũng làm tôi ngạc nhiên một chút, nhưng đồng thời cũng làm tôi vững tâm. Chính vì vậy tôi đi đây đó khắp nơi trên thế giới, chừng nào chuyện này còn hữu ích.
Tôi qua lại giữa phương Đông và phương Tây, giữa một đời thuần truyền thống, trầm tưởng và một đời tương tác với thế giới hiện đại cùng mọi thách thức mà nó đem lại. Tôi cố tìm kiếm các thiện hữu, những người tốt nhất có thể được để lan truyền sự nghiệp vị tha mà tôi tâm đắc. Khoa học, tôi quay lại với nó bằng cách cộng tác với các nhà khoa học thần kinh. Không làm sao tôi ngờ được mình sẽ đứng trong một phòng thí nghiệm sau 35 năm rời Viện Pasteur. Trong nhiều lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, môi trường, chúng ta có thể tìm thấy một sự đồng nhất tư tưởng, với ý nghĩ rằng một trăm cọng cỏ riêng rẽ không giúp gì nhiều, nhưng nếu ta gom chúng lại thành bó để làm cây chổi, ta có thể quét dọn nhà cửa. “Quét dọn” ở đây có nghĩa là cố dẹp bỏ những chướng ngại cho một thế giới tốt đẹp hơn, một nhân loại công bằng hơn, điều chỉnh lại những bất bình đẳng, lan rộng một thế giới quan vị tha, giúp con người đem lại cho sự sống của mình một ý nghĩa, đóng góp vào lợi ích xã hội. Khi tôi gặp những con người mà tôi cảm thấy có một sự đồng nhất tư tưởng nào đó và tôi dệt nên những mối giao kết bằng hữu với họ, như với các anh, tôi tự nhủ rằng cùng nhau thì chắc chắn sẽ làm được nhiều hơn là chỉ có một mình, ta có thể bảo ban nhau, làm suy nghĩ phong phú hơn và tìm ra những phương cách tốt hơn để giúp tha nhân. Hoàn cảnh đẩy đưa sao mà, dần dà, cả ba chúng ta đã càng lúc càng thân thiết hơn, chúng ta hiểu nhau hơn và quý nhau hơn.
Còn giờ, về chuyện nhà văn, tôi không hẳn là nhà văn. Tôi say mê với những ý tưởng hơn cả. Nhiều lúc mọi người hỏi tôi có một sứ mệnh ở phương Tây hay không. Không hề. Không có kế hoạch đặc biệt nào. Khi người ta nói với tôi trên phòng thu truyền hình: “Rốt cuộc thì ngài làm gì ở đây?”, tôi đáp: “Mọi người yêu cầu tôi đến, tôi đến rồi. Nhưng nếu mọi người không mời tôi, tôi cũng không được hay mất gì cả.” Nếu tôi có thể chia sẻ những ý nghĩ của mình, tôi sẽ sẵn sàng. Bằng không, tôi không mong gì hơn là được ở lại trong tịnh thất của mình. Tôi sẽ không hỏi mãi một câu hỏi: “Mình sẽ viết cuốn gì tiếp theo?” Thời gian thì quý báu mà tôi cũng đã tìm hiểu những đề tài làm tôi say mê hơn. Sau lòng vị tha thì không còn đề tài bao la nào khác cần thiết nữa. Trái lại, nếu cùng nhau chúng ta có thể soạn thảo một công trình đem lại chiều kích bổ sung cho cái mỗi người có thể làm phần mình, tôi sẽ rất vui. Đó là mong muốn của chúng ta đã từ nhiều năm nay.