HƯỞNG THÀNH QUẢ TỪ NỖ LỰC CỦA CHÍNH MÌNH
TỪ Ý TƯỞNG ĐẾN LỢI NHUẬN
TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU CẦN MỘT MÔ HÌNH KINH DOANH. BẠN CỐ GẮNG LÀM VIỆC, TÌM KIẾM, MANG LẠI YẾU TỐ THỎA MÃN VÀ GIỜ ĐÂY CẦN ĐƯỢC “TRẢ LƯƠNG” VÌ SỰ NỖ LỰC CỦA BẢN THÂN. NHƯNG BẠN SẼ THU TIỀN CHO KHOẢN NÀO, THU BAO NHIÊU VÀ KHI NÀO BẮT ĐẦU? TRƯỚC TIÊN, HÃY CỐ GẮNG TĂNG DOANH THU VÀ HỌC CÁCH ÁP DỤNG TRÒ CHƠI “CON SỐ 0” ĐỂ GIẢM CÀNG NHIỀU KHOẢN CHI PHÍ XUỐNG MỨC “ZERO” CÀNG TỐT. KẾ ĐẾN, ĐỂ XÁC ĐỊNH ĐƯỢC MỘT Ý TƯỞNG TIỀM TÀNG CÓ BỀN VỮNG HAY KHÔNG, HÃY DIỄN ĐẠT CƠ HỘI KINH DOANH CỦA BẠN BẰNG SỐ LIỆU. HÃY NHỚ RẰNG NHỮNG CON SỐ KHÔNG HỀ BIẾT NÓI DỐI. KHÔNG CÓ CHÚNG, BẠN SẼ KHÔNG THỂ TIN TƯỞNG VÀO TIẾN ĐỘ CỦA MÌNH!
Số liệu là phương tiện tốt nhất để đánh giá một cơ hội kinh doanh, vì chúng mang lại sự tin cậy. Một khi đã nắm bắt rõ ràng số liệu của mình, bạn sẽ hiểu công việc kinh doanh mà bạn đang thực hiện. Suy nghĩ thử xem, bạn có đang nhắm vào các mục tiêu đã chọn? Bạn đã xác định được những yếu tố ảnh hưởng đến những mục tiêu đấy chưa? Nói một cách cụ thể, từng mẹo được đề xuất trong các chương khác của sách phải được định lượng ngay tại chương “Mô hình kinh doanh” này. Nếu bạn không thực hiện được kế hoạch của mình thì bạn nên thay đổi phương pháp tiếp cận.
Chúng ta hãy cùng bắt đầu với trò “con số 0” và xem qua các yếu tố cơ bản. Nếu có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh chuyên ngành tài chính, bạn có thể bỏ qua phần nội dung thứ hai của chương này. Tuy nhiên, việc sở hữu một tấm bằng như vậy lại ngầm thể hiện rằng bạn chưa bán được gì cả. Trong trường hợp đó, chúng tôi đề nghị bạn đọc lại chương “Thâu tóm khách hàng”.
TRÒ CHƠI “CON SỐ 0”
Bạn không thể tránh khỏi vấn đề chi phí. Nhưng lại có khả năng loại trừ một vài chi phí! Điều này nghe rất khó tin, nhưng giảm thiểu phí tổn xuống con số 0 (thay vì chỉ khoảng 10% hoặc tầm đấy) là một chiến lược rất quan trọng. Mọi thứ sẽ càng tốt hơn nếu bạn có cách làm đột phá, vì mỗi con số 0 bạn điền vào trong cột chi phí sẽ tăng khả năng xây dựng một công ty đủ sức thay đổi cả thế giới!
Thách thức mọi chi phí trong bảng tài chính của bạn: Mỗi mức phí bạn tiêu tốn có thực sự mang lại giá trị khách hàng và yếu tố thỏa mãn không? Nếu không thì tại sao phải giữ chi phí đấy? Hãy giảm nó xuống mức zero! Xem lại thật tường tận những chi phí được cho là không thể điều chỉnh chỉ vì các đối tác hoặc đối thủ của bạn đều nghĩ như vậy. Ngoài ra, bạn cần tự đặt câu hỏi: Làm thế nào để chuyển những chi phí hiện có thành doanh thu? Khách hàng sẽ phản ứng ra sao nếu bạn làm vậy? Hãy lưu ý rằng trò “con số 0” phụ thuộc vào việc thấu hiểu nỗi đau của khách hàng, nên phải chắc chắn bạn đã xác định chính xác họ đau ở đâu.
NHỮNG VÍ DỤ CỦA TRÒ CHƠI “CON SỐ 0”
Vào thời điểm hiện tại, một số công ty đã thành công phần nào trong việc giảm chi phí xuống mức zero. Về cá nhân mình, bạn cần những đột phá mới để “chạm được đến đáy”. Hãy cố gắng vì mỗi con số 0 điền vào cột chi phí sẽ khiến ý tưởng mà bạn phát triển thay đổi cuộc chơi chung.
Đối với việc tận dụng trò “con số 0”, IKEA một lần nữa dẫn đầu như một đấu thủ sành sõi. Công ty này đã thay đổi luật chơi bằng việc thách thức các phương thức bán đồ nội thất truyền thống. Cụ thể là họ đã chuyển giao việc lắp ráp nội thất từ nhà sản xuất sang phía khách hàng. Kết quả ra sao? IKEA giảm được chi phí lắp ráp trên bảng tài chính xuống con số 0, cho phép khách của họ mua được hàng ưa thích ở giá thấp hơn. Bước đi này của công ty cũng đồng thời cắt giảm phí tổn vận chuyển, vì từng bộ phận tách rời dễ đóng gói hơn nhiều so với một sản phẩm hoàn thiện. IKEA không dừng lại ở đó. Họ giảm luôn tổng chi phí bằng cách cho người tiêu dùng đến lấy đồ trực tiếp từ kho hàng. Nói cách khác, họ cung cấp cho khách yếu tố thỏa mãn thông qua sự đổi mới trong việc giảm thiểu giá cả. Một ví dụ khác là Skype. Thông qua dịch vụ điện thoại miễn phí, tổ chức này đem đến cho khách hàng sự hài lòng tối đa. Bảng tài chính của họ cũng hiện diện rất nhiều con số 0! Nếu bạn biết cách chơi trò này thì nó sẽ thay đổi quy luật chung trong cả ngành kinh doanh của bạn. Vì thế, hãy tập trung vào việc thách thức các chi phí trong bảng tài chính. Liệu khách hàng có thực sự cần và mong đợi chúng hay chỉ có bạn nghĩ như vậy? Bạn có thể giảm thiểu khoản nào mà vẫn tạo ra yếu tố thỏa mãn?
Hai hãng bay Ryanair và Southwest cũng đã tạo ra sự đột phá với con số 0 và họ đã thay đổi cuộc chơi trong ngành hàng không. Ví dụ, thay vì trả tiền để đáp máy bay ở các phi trường lớn, họ hợp tác với những sân bay nhỏ hơn gần thành phố lớn để nhận phí bảo trợ. Hơn nữa, Ryanair còn chuyển đổi phí vận chuyển hành lý thành thu nhập bằng cách thu phí hành lý ký gửi của hành khách. Sự cách tân của Ryanair và Southwest dựa trên cảm hứng từ dịch vụ mà các công ty xe buýt đã cung cấp. Điểm khác biệt đáng kể duy nhất giữa hai phương tiện di chuyển là đường hàng không sẽ đưa khách đến đích nhanh hơn. Tóm lại, bài học ở đây là nếu bạn muốn thách thức các cấu trúc và mô hình kinh doanh đang tồn tại, hãy quan sát các công ty nằm ngoài ngành bạn hoạt động. Sự đổi mới trong mô hình kinh doanh của bạn cũng quan trọng không kém việc tạo dựng và phát triển yếu tố thỏa mãn.
ĐÂY LÀ NHỮNG CON SỐ 0 CỦA BẠN
BẠN CHẲNG THỂ TRÁNH NÉ TẤT CẢ CHI PHÍ, NHƯNG LẠI CÓ THỂ LOẠI TRỪ MỘT VÀI CHI PHÍ! VIỆC ĐƯA CHI PHÍ XUỐNG MỨC ZERO (THAY VÌ CHỈ GIẢM KHOẢNG 10%) LÀ CỰC KỲ QUAN TRỌNG.
Miêu tả những con số 0 của bạn:
Ý tưởng: “IKEA thay đổi luật chơi nhờ thách thức các phương pháp bán đồ nội thất truyền thống. Họ đã giảm chi phí lắp ráp xuống còn 0, giúp khách hàng có thể mua sản phẩm ở giá thấp hơn”.
Cụ thể hơn, ở khoản nào?
Ý tưởng: “IKEA đã chuyển giao việc lắp ráp đồ nội thất từ nhà sản xuất sang phía khách hàng”.
Nguồn lực của ai?
Ý tưởng: “IKEA cắt giảm khoảng 80% chi phí vận chuyển vì các bộ phận của một món đồ nội thất có thể được đóng gói tốt hơn một sản phẩm hoàn thiện”.
Tại sao?
Ý tưởng: “IKEA cung cấp cho khách hàng yếu tố thỏa mãn thông qua sự đột phá trong việc giảm thiểu giá cả”.
Lưu ý: Nếu bạn làm việc trong một công ty đang hoạt động thì bạn có cách nào để giúp nơi mình làm việc giảm 90% chi phí mà không đánh mất yếu tố thỏa mãn? Để đạt được mục tiêu như vậy bạn nên bắt đầu thực hiện những cải cách khác biệt.
KHÁCH HÀNG CỦA BẠN SẴN SÀNG BỎ RA NHỮNG GÌ?
Hãy tính toán giá sản phẩm bằng cách sử dụng một trong hai phương pháp sau:
1. Định giá dựa theo chi phí: Với kỹ thuật này, bạn cần tìm hiểu xem phí tổn là bao nhiêu để triển khai, sản xuất và bán sản phẩm của mình. Sau đấy, hãy thêm vào “lợi nhuận mong muốn” trên một sản phẩm (còn gọi là lợi nhuận biên – margin) để trang trải các mức phí khác trong công ty và gia tăng thu nhập, rồi đưa ra giá sản phẩm dựa trên con số đấy. Ngoài ra, lợi nhuận biên bạn nắm giữ cần nằm cùng một mức với các công ty tương tự. Có thể nói định giá dựa trên phí tổn là phương pháp truyền thống được công nhận rộng rãi. Nó giúp việc so sánh, đánh giá trở nên dễ dàng hơn cho cả khách hàng và đối thủ của bạn. Hãy lưu ý rằng, sức tiêu dùng của khách hàng có thể thách thức độ lớn của lợi nhuận biên, được xác lập bởi các công ty cùng kinh doanh một mặt hàng (business-to-business setting). Cho dù bạn cố gắng tỏ ra kín đáo như thế nào về khoản này, khách hàng cũng sẽ có lợi nhờ vào quy luật cạnh tranh.
2. Định giá dựa theo giá trị: Theo phương thức này, giá cả được quyết định đơn thuần dựa vào việc bạn nghĩ sản phẩm của mình đáng giá bao nhiêu đối với khách hàng. Nhận định này của bạn không bị ảnh hưởng bởi chi phí triển khai, sản xuất và bán sản phẩm.
Nếu bạn xử lý được nỗi đau cho khách hàng, thành công trong việc xây dựng yếu tố thỏa mãn và tạo được sự khác biệt so với đối thủ của mình thì hãy nhắm vào việc định giá dựa theo giá trị. Còn nếu chỉ định giá dựa trên chi phí thì bạn sẽ phụ thuộc vào mức giá của mình (bằng chính giới hạn do bạn đã đặt ra). Hãy nhớ lại thử xem, bạn đã nghe bao nhiêu người tiêu dùng nói rằng “Tôi sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để mua món hàng này”? Do vậy, một sản phẩm giá thấp chưa hẳn đã thể hiện một chiến lược kinh doanh tốt.
Tuy nhiên, nhiều công ty không dám thử sử dụng phương pháp định giá theo giá trị. Trong trường hợp bạn dự tính đưa ra một sản phẩm thông thường và không có yếu tố thỏa mãn rõ ràng, hãy cân nhắc sử dụng chiến lược định giá theo chi phí để giữ tính cạnh tranh của mặt hàng đấy. Dĩ nhiên, nếu yếu tố thỏa mãn của bạn cao thì đừng ngại việc đưa ra mức giá phù hợp bằng cách quan sát và đánh giá tổng quan cảm nhận của khách hàng.
BẠN CÓ BAO NHIÊU LỢI NHUẬN?
BẠN TỔN HẠI LỚN CHỪNG NÀO?
Khi mà bạn đã định giá cho sản phẩm của mình, bạn có thể tiếp tục xử lý dữ liệu tại bảng lợi nhuận và thua lỗ (P&L – profit and loss). Bắt đầu với doanh thu – phần hấp dẫn nhất! Để biết được doanh thu sẽ đạt mức mong đợi vào lúc nào, hãy nhân giá sản phẩm với số lượng khách hàng bạn hy vọng có được trong 3 năm tới. Bạn có thể dễ dàng thực hiện việc này với bảng tài chính trên Excel. Tuy vậy, đây cũng là vấn đề mà nhiều công ty đã tính toán thất bại.
Tiếp theo là chi phí. Bạn cần tiền để thuê văn phòng, cài đặt dịch vụ điện thoại cố định, trả bảo hiểm – các ví dụ của chi phí duy tu (dùng để bảo trì nơi làm việc). Hãy cộng số đấy vào lương bổng và tiền mua trang thiết bị để sản xuất, mở rộng cơ sở... rồi lấy doanh thu trừ đi chi phí cho 3 năm tới. Đừng nản lòng nếu lúc đầu bạn chỉ dự kiến được toàn thua lỗ. Có rất nhiều công ty tiềm năng cao phải chịu như vậy trong nhiều năm liền. Hãy cân nhắc phương án củng cố các nguồn tài trợ bên ngoài để bù cho những năm đầu thất bát.
DỮ LIỆU THÂU TÓM KHÁCH HÀNG
Hãy xem xét thật kỹ các dữ liệu mà bạn đang theo dõi để tổng hợp COCA và LTV.
Đảm bảo việc ghi nhận dữ liệu về số sản phẩm bán ra, tên của người bán, ngày mua hàng, giá thị trường... nên nhớ rằng bạn sẽ cần các dữ liệu này để đánh giá xem hiện bạn có phân phối nguồn lực một cách thích hợp hay không. Chúng sẽ vô cùng có ích khi bạn bắt đầu mở rộng quy mô kinh doanh. Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng giá cả đưa ra phù hợp với cấu trúc bán hàng (sales structure). Ví dụ, nếu giao dịch trung bình hàng năm thấp hơn 10 ngàn đô (ở thị trường Mỹ) thì sẽ chẳng có ai thèm đầu tư vào công ty bạn. Các dự toán dài hạn trong tương lai sẽ không thành công nếu COCA của bạn luôn cao hơn LTV.
Hãy bắt đầu theo dõi hình thù của ống dẫn khách hàng càng sớm càng tốt. Bạn thu thập được bao nhiêu lead trong một tháng? Những lead nào mang lại cơ hội kinh doanh trên thực tế? Trong số các cơ hội đấy, bao nhiêu lead trở thành khách hàng? Những khách hàng tiếp tục trung thành với bạn và mua sản phẩm của bạn nhiều hơn một lần? Một khi hiểu được ống dẫn của mình, bạn có thể từ từ nâng cấp hệ thống, sửa chữa những “rò rỉ” và bảo đảm sẽ có được doanh thu tốt hơn.
BẠN CẦN LÀM NHỮNG GÌ ĐỂ THÀNH CÔNG?
Chúc mừng! Bạn đã hoàn thành những phép tính trên! Nhưng những con số bạn thu thập được có đúng với thực tế hay chưa? Kinh nghiệm (của riêng bạn hoặc từ người khác) và những số liệu vĩ mô (gồm các thông tin như dân số trong một khu vực địa lý cụ thể, mức thu nhập, giới tính…) sẽ giúp bạn tinh lọc các ước tính của mình. Càng dành nhiều công sức cho những con số, phép tính của bạn sẽ càng thực tiễn hơn.
Sau khi hoàn thành vấn đề thuật toán, ta cần bắt đầu một việc khó khăn hơn: khởi động kế hoạch biến những con số thành hiện thực. Cụ thể, bạn cần chạy một bài phân tích độ nhạy. Hãy tự hỏi: “Dựa vào số liệu trước mắt, những yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến thành công tương lai của doanh nghiệp nhiều nhất?”. Doanh số bán ra và khách hàng thâu tóm được thường là chìa khóa chủ yếu cần tập trung, nhưng vẫn còn rất nhiều những điều cần lưu ý khác. Làm cách nào để phân rõ những gì bạn bắt buộc phải có và những gì bạn muốn có?
CHIẾN LƯỢC ĐỊNH GIÁ
THEO NHẬN ĐỊNH CÁ NHÂN, SẢN PHẨM CỦA BẠN ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG?
Chiến lược định giá của bạn dựa trên chi phí…
Ý tưởng: “Những nhà sản xuất bê-tông thêm vào lợi nhuận biên để thanh toán giá cả và định giá dựa vào đó”.
…Hay giá trị?
Ý tưởng: “Apple định giá dựa trên giá trị thực tế của sản phẩm đối với khách hàng”.
Tại sao phải làm vậy?
Ý tưởng: “Các sản phẩm làm từ bê-tông đều như nhau: tầm thường và kém nổi bật. Chúng không có yếu tố thỏa mãn rõ ràng”.
Tại sao phải làm vậy?
Ý tưởng: “Apple đã tạo ra yếu tố thỏa mãn và tách biệt bản thân khỏi các đối thủ cạnh tranh”.
HÃY CHO CHÚNG TÔI THẤY NHỮNG CON SỐ!
ĐẾN THỜI ĐIỂM NÀY BẠN ĐÃ CÓ MỘT BẢNG TÀI CHÍNH, VẬY CÁC SỐ LIỆU CẦN THIẾT Ở ĐÂU NÀO?
Khi bạn thắc mắc về việc thêm các chi phí, theo đuổi một cơ hội mới hoặc gia nhập một thị trường lạ, đừng quên những câu hỏi cơ bản này: “Việc dành thời gian và nguồn lực xử lý vấn đề giá cả – lợi nhuận có tạo ra sự khác biệt đáng kể cho công ty không?”. Khi bạn băn khoăn về việc dành tiền cho một chiến dịch tiếp thị để thu hút khách hàng mới hoặc mua cho nhóm phát triển sản phẩm vài chiếc ghế êm ái để họ không xin nghỉ giữa chừng vì đau lưng, hãy xem lại các tính toán đã thực hiện của bạn. Vấn đề sẽ được giải quyết!
ĐẶT MỤC TIÊU
Để có thể đánh giá xem bản thân có đang sử dụng thời gian và nguồn lực một cách thông minh không, hãy tự hỏi: “Mình muốn đạt được điều gì và vào thời điểm nào?”. Một số người gọi điều này – theo một cách khá màu mè – là: “Định nghĩa chiến lược của bản thân”. Nhưng hãy cứ hiểu đơn giản là bạn cần đề ra mục tiêu cho mình và mục đích của việc này là tăng cường sự gắn bó, thấu hiểu lẫn nhau trong công ty. Tuy nhiên, chỉ đặt ra và chia sẻ mục tiêu là chưa đủ. Bạn cũng cần phải áp dụng những bài “thuyết giảng” của mình vào thực tiễn, bằng cách hoạch định rõ con đường để đạt được các mục tiêu đấy.
Có 3 sai lầm phổ biến khi đặt mục tiêu. Sai lầm đầu tiên là cố gắng đặt ra quá nhiều các mục tiêu vô cùng mơ hồ hoặc rắc rối đến mức không ai hiểu được. Sai lầm thứ hai là đánh giá thấp sự quan trọng của việc minh họa và truyền đạt mục tiêu đấy đến đội ngũ của bạn. Sai lầm thứ ba là đặt mục tiêu dựa trên những thông tin chưa rõ ràng. Khi quá trình thu thập dữ liệu còn mơ hồ, bạn sẽ không thể xác định rằng có nên điều chỉnh lại thời gian và nguồn lực của mình hay không.
Hãy đơn giản hóa mục tiêu để chúng dễ nắm bắt hơn và gia tăng khả năng chuyển đổi các dự tính trên giấy tờ thành công việc hằng ngày. Nên nhớ rằng những mục tiêu được trình bày rõ ràng, súc tích là cực kỳ trọng yếu đối với quá trình tăng hiệu suất. Dù gì bạn cũng chẳng muốn số liệu quan trọng “chơi trò ú tim” với mình lúc cần thiết, đúng không nào?
Bây giờ bạn cần xác định một số mục tiêu định lượng và cố gắng hoàn thành những gì có thể đo lường được. Tuy nhiên, cần lưu ý, không phải cứ đặt ra mục tiêu – chính xác hơn là mục tiêu dài hạn – thì bạn sẽ thực hiện được ngay. Bạn cũng nên quan tâm đến những vấn đề cần hoàn tất trước mắt (hay mục tiêu ngắn hạn). Ví dụ như việc mua ô tô. Mục tiêu dài hạn khi sở hữu loại xe này là để đi lại thuận tiện hơn, nhưng phải đảm bảo bánh xe luôn căng, động cơ không thiếu nhớt và xăng thì đầy bình. Việc bảo trì xe thường xuyên sẽ giúp ta đạt được mục tiêu trên, vì thế hãy quan tâm thấu đáo các công việc kiểu này. Ngoài ra, bạn cũng không cần thêm thắt gì nhiều cho kế hoạch tổng quan mà bạn đã thiết lập, trừ khi thời thế thay đổi – điển hình là vào mùa đông, ta phải lắp loại bánh trượt tuyết thì ô tô mới di chuyển được.
Sau khi đã vạch rõ và truyền đạt các mục tiêu của mình, hãy tập trung vào nó trong các buổi họp ban điều hành. Bạn chỉ nên lắng nghe các bộ phận phụ trong doanh nghiệp (như ban tài chính) trong trường hợp có tình huống cấp bách cần giải quyết.
Hãy liên tục giám sát xem công ty của mình có đang phát triển và hướng đến mục tiêu không nhé!
ĐẶT MỤC TIÊU
MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC ĐẶT MỤC TIÊU LÀ TĂNG CƯỜNG SỰ GẮN BÓ VÀ THẤU HIỂU LẪN NHAU TRONG CÔNG TY. TUY NHIÊN, CHỈ ĐẶT VÀ CHIA SẺ MỤC TIÊU THÔI LÀ CHƯA ĐỦ.
Mục tiêu của bạn là gì và cần truyền đạt chúng như thế nào?
Ý tưởng: “Đạt được 1 triệu khách hàng. Chính thức khởi động và dựng các bảng hiệu để phô trương thanh thế”.
Những điều gì là quan trọng nhất và cần được đánh giá?
Ý tưởng: “Bảng điều khiển của một chiếc xe thể thao có mô-men xoắn và tốc độ siêu việt”.
Làm sao để chuyển đổi chúng thành các công việc hằng ngày?
Ý tưởng: “Chúng ta phải có thêm 2.740 khách hàng mỗi ngày để đạt mục tiêu trong vòng 1 năm. Nói cách khác, với 1% tỷ lệ chuyển đổi, chúng ta phải tiếp cận được 274.000 đầu mối mới trong một ngày”.
Lưu ý: Luôn có một số mục tiêu ngắn hạn đáng cân nhắc để “lót đường” cho mục tiêu dài hạn mà chúng ta nhắm đến. Ví dụ, bạn mua ô tô cốt để đi lại thuận tiện hơn, nhưng hãy đảm bảo bánh xe phải căng, động cơ đủ dầu và bình đầy xăng nếu muốn du ngoạn ở đâu đấy. Việc bảo trì xe thường xuyên sẽ giúp bạn đạt mục tiêu trên, vì vậy đừng nên lơ là. Tuy nhiên, bạn không cần tính toán, thêm bớt gì vào công việc cần thực hiện, trừ khi hoàn cảnh thay đổi. Ví dụ như vào mùa đông ta phải lắp bánh chạy trên tuyết thì ô tô mới di chuyển được.
DỊCH CHUYỂN NHỮNG CÂY KIM
ĐỂ ĐÁNH GIÁ XEM MÌNH CÓ ĐANG SỬ DỤNG THỜI GIAN VÀ NGUỒN LỰC MỘT CÁCH THÔNG MINH HAY KHÔNG, BẠN HÃY TỰ HỎI: “MÌNH MUỐN ĐẠT ĐƯỢC ĐIỀU GÌ VÀ VÀO THỜI ĐIỂM NÀO?”.
Điều gì sẽ nhích cây kim đến với mốc thành công?
Ý tưởng: “Gia tăng số lượng khách hàng”.
Điều gì sẽ đưa cây kim về khu vực màu đỏ (chỉ sự thiệt hại)?
Ý tưởng: “Chúng ta có thể mất đi một đối tác phân phối hoặc thất thoát gấp đôi lượng chi phí bán sản phẩm”.
Vậy bạn nên làm gì?
Tốt nhất là bạn nên tự mình nghĩ ra cách giải quyết...
ĐÂY LÀ NHỮNG LUỒNG DOANH THU CỦA BẠN
BẠN CÓ THỂ KIẾM ĐƯỢC RẤT NHIỀU TIỀN NHỜ VÀO NHỮNG ĐỀ XUẤT CỦA MÌNH, CỤ THỂ HƠN, LÀM CÁCH NÀO ĐỂ TÌM RA ĐƯỢC MỘT LUỒNG DOANH THU KHÁC NHẰM TĂNG CƯỜNG YẾU TỐ THỎA MÃN?
Bạn cần làm điều đấy như thế nào?
Ý tưởng: “Ryanair tăng doanh thu bằng cách bán đồ ăn nhẹ trên máy bay, thu phí hành lý và giao dịch với các đối tác để có chỗ đậu máy bay, huy động được xe hỗ trợ và có thể chuyên chở hành khách tới các sân bay ở xa”.
Và khi nào?
Ý tưởng: “Hôm nay? Ngày mai?
Hay quý sau?”.
TÓM TẮT CHƯƠNG – MÔ HÌNH KINH DOANH
Việc xử lý các con số giúp bạn đưa ra chiến lược định giá, quyết định nguồn đầu tư tương lai và ước tính con đường phát triển công ty của bạn. Hãy cố gắng giảm thiểu chi phí xuống 0 trong bảng tài chính của mình. Tạo ra một chiến lược “bá đạo” để thâu tóm khách hàng và nhắm vào việc định giá dựa trên giá trị đi kèm với yếu tố thỏa mãn độc đáo. Xác định một vài mục tiêu cụ thể và truyền đạt chúng tới đội ngũ của bạn. Sau cùng, thường xuyên giám sát thời gian và nguồn lực của cả đội để bảo đảm rằng mọi người đang đi đúng hướng.
CÁC CÂU HỎI CẦN ĐƯỢC TRẢ LỜI:
1. Khả năng chơi trò “con số 0” của bạn như thế nào?
2. Bạn đã có chiến lược định giá đúng đắn chưa?
3. Bạn đã thu thập đủ dữ liệu để dự toán các chi phí chưa?
4. Bạn đã hoạch định một vài mục tiêu cụ thể cho việc kinh doanh của mình chưa?
5. Bạn đã giám sát được thời gian, nguồn lực của công ty và có thể điều chỉnh chúng khi cần thiết chưa?
ĐỒNG BỘ HÓA CÁC BÁNH RĂNG CỦA BẠN...
ĐỒNG BỘ HÓA VỚI MÔ HÌNH KINH DOANH
Mô hình kinh doanh không đơn thuần là những con số! Hãy luôn phấn đấu để nó mãi là một phần trong yếu tố thỏa mãn.
GHI NHỚ
Tiền là sản phẩm kết hợp giữa các ý tưởng tuyệt vời và khả năng đột phá trong việc hình thành những con số 0.