KHÔNG CÔNG TY NÀO LÀ MỘT HÒN ĐẢO BIỆT LẬP.
AI YÊU QUÝ BẠN? AI THÙ GHÉT BẠN?
THỬ THÁCH KHÔNG CHỈ LÀ TÌM ĐỐI TÁC, MÀ LÀ TÌM ĐỐI TÁC PHÙ HỢP. ĐỂ LÀM ĐƯỢC NHƯ VẬY, ĐẦU TIÊN BẠN CẦN TỰ HỎI: “AI YÊU MÌNH? AI GHÉT MÌNH?”. ĐIỀU THỨ HAI, HÃY CÂN NHẮC LỰA CHỌN CÁC ĐỐI TÁC TIỀM NĂNG TRONG PHƯƠNG DIỆN DOANH THU VÀ YẾU TỐ THỎA MÃN, RỒI XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ HOẶC LỢI ÍCH HỌ CÓ THỂ MANG LẠI. ĐIỀU THỨ BA, BẠN NÊN NGỒI LẠI VỚI HỌ ĐỂ QUYẾT ĐỊNH XEM MỖI BÊN SẼ CHO NHAU NHỮNG GÌ VÀ SẼ THU LẠI ĐƯỢC GÌ KHI HỢP TÁC.
Các mối quan hệ tương trợ thành công sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, cổ phần và giá trị nhãn hiệu của bạn. Tuy nhiên, ta có một cạm bẫy cần tránh: Việc nhân đôi yếu tố thỏa mãn nổi bật (dù nâng cao lợi nhuận) có thể khiến mô hình kinh doanh bên công ty đối tác lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí suy sụp. Vì thế, hiểu được việc hợp tác với mình sẽ ảnh hưởng thế nào đến tổng doanh thu của đối tác tiềm năng là vô cùng cần thiết trước khi bạn liên hệ và gặp họ.
KHÔNG CÔNG TY NÀO LÀ MỘT HÒN ĐẢO ĐƠN ĐỘC
Các mối quan hệ hợp tác rất quan trọng cho sự phát triển của công ty và bạn có thể tạo ra chúng trong nhiều khía cạnh: sản xuất, nghiên cứu và phát triển (R&D), phát triển sản phẩm, bán hàng, phân phối và hỗ trợ khách hàng. Hãy luôn chấp nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài! Trong thế giới không ngừng thay đổi này, vòng tuần hoàn sản phẩm đã thu gọn lại khi các công ty tập trung, chuyên môn hóa và phân loại các nhiệm vụ chính lúc trao đổi công việc với các đối tác. Chưa một công ty nào dù lớn hay nhỏ thành công trong việc chữa trị vết thương lòng của khách hàng mà không nhờ vào sự giúp đỡ của một số chiến hữu. Vì vậy, chớ nên độc hành bình thiên hạ!
AI YÊU QUÝ BẠN? AI THÙ GHÉT BẠN?
Tuy nhiên, tìm đối tác phù hợp không hề dễ dàng. Lúc đầu, bạn có thể cảm thấy sung sướng khi lần đầu được công ty khác tỏ ý giao kết và lập quan hệ đối tác với họ ngay lập tức; hoặc mơ mộng đến việc liên kết với những nhãn hiệu lớn trong ngành của mình: “Làm sao mà thất bại cho được khi đã liên minh với Walmart hay Mercedes-Benz?”. Đáng tiếc rằng, ngay cả những công ty nổi tiếng hay nhiệt thành nhất cũng có khả năng không phải là đồng minh tốt nhất dành cho bạn. Để tạo dựng một mối quan hệ liên kết bền vững, cả hai bên đều phải đạt được mục đích của mình dễ dàng hơn, bằng cách làm việc với nhau thay vì tồn tại độc lập. Sự nổi tiếng và thiện cảm thuần túy rất khó tạo ra một quan hệ đối tác thành công.
Có hai loại đối tác: kẻ yêu quý bạn và người thù ghét bạn. Đọc đến đây, có thể bạn sẽ thắc mắc ai lại muốn hợp tác với một người ghét mình bao giờ chứ? Đó là bởi vì có khả năng bạn đã không nhận ra điều đấy ngay từ đầu! Đối tác mới của bạn có thể “giáng trần” như một lựa chọn hoàn hảo, rồi chuyển dần thành kẻ thù. Kịch bản này đã xảy ra rồi!
Kẻ yêu: Những đồng minh thật sự quý trọng bạn sẽ luôn mong bạn thành công. Vì sao? Vì thành tựu của bạn sẽ gia tăng sự thành công của họ! Đầu tiên, hợp tác với bạn sẽ tăng doanh thu và lợi nhuận của họ. Điều thứ hai, sự cộng tác sẽ giúp họ nhận dạng và phát triển yếu tố thỏa mãn nổi bật để thu hút khách hàng. Bạn có thể cung cấp cho họ các vũ khí mới để đấu lại đối thủ cạnh tranh, giảm chi phí thâu tóm, duy trì lượng khách hàng, giảm thời gian vào thị trường hoặc tăng chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Điều cuối cùng và quan trọng nhất, nếu khách hàng của đối tác yêu bạn, họ sẽ còn yêu bạn hơn nữa! Thế nên bạn cần tìm hiểu các nỗi đau tiềm ẩn từ khách hàng của đối tác tiềm năng và giúp họ tìm ra phương pháp chữa trị nỗi đau đó. Một khi đã lắng nghe khách ruột mô tả phương pháp giải quyết nỗi đau do bạn giải quyết, đối tác tiềm năng đó sẽ sẵn sàng ký tên vào hợp đồng.
Người ghét: Các đối tác thù hằn bạn thường có những lý do thuyết phục khi làm vậy. Suy cho cùng, một “tay chơi” mới toanh dù còn non nớt cũng có thể gây tổn thương cho đồng nghiệp xung quanh. Ví dụ, khách hàng của đối tác đang đau khổ vì một cơn đau nhức nhối và không rõ ràng. Bạn liền xuất hiện và giải quyết nó. Một khi xâm nhập vào thị trường, bạn không chỉ đơn thuần cho đối tác thấy họ sai lầm ở điểm nào, mà còn thay đổi luật lệ của cuộc chơi! Thế là khách hàng bên họ yêu cầu giảm giá cả, phục vụ tốt hơn, thêm chức năng, gửi hàng nhanh hơn... Tất cả những điều này đòi hỏi chi phí vượt trội, tạo ra trở ngại mà đồng minh của bạn chẳng mong đợi xíu nào.
KẺ THỦ CỦA KẺ THỦ LÀ BẠN CỦA BẠN
Hầu hết đối tác tiềm năng sẽ tỏ ra khó chịu khi luồng thu nhập bị đe dọa bởi yếu tố thỏa mãn mà bạn khám phá ra. Tệ hơn nữa, một khi nhận thấy mối liên kết với bạn có thể khiến đồng minh bên họ bất mãn và tạo lỗ hổng trong mô hình kinh doanh, những công ty này có thể đi đến kết luận bạn không thể bị đánh bại trong một liên minh sòng phẳng và quay sang hợp tác với địch thủ của bạn. Cũng có khi họ đã làm vậy rồi!
Tình huống khó xử nhất là khi đối tác tiềm năng quý mến bạn, nhưng khách hàng bên họ lại thù hằn. Trường hợp của Skype là một ví dụ điển hình. Khi công ty này lần đầu gõ cửa hợp tác, các nhà cung cấp thiết bị cầm tay (phần lớn là điện thoại di động và bộ đàm) rất vui lòng ký kết liên doanh. Họ không mấy bận tâm tới việc Skype xác nhận “cả thế giới có thể tán gẫu miễn phí”. Dù mọi người có gọi điện không cước phí thì khách hàng từ mọi đối tác của họ cũng đều phải mua thiết bị cầm tay. Hiển nhiên, phần lớn các đối tác đấy – những nhà cung cấp mạng không dây – ghét cay ghét đắng Skype. Dịch vụ liên lạc miễn phí của Skype đã đè bẹp nguồn lợi nhuận lâu nay mà họ có từ các cuộc gọi đường dài.
Vì thế, nhiều khi không phải do lỗi ở bản thân mà bạn được yêu hay bị ghét. Tất cả đều liên quan đến các mối quan hệ phức tạp giữa những doanh nghiệp khác trong “hệ sinh thái” của họ. Thế những điểm trọng yếu ở đây là gì? Khi cân nhắc các đối tác tiềm năng, hãy hình dung việc hợp tác sẽ tạo ra ảnh hưởng như thế nào đến các quan hệ đối tác của họ. Và nên nhớ rằng, một khi bạn đã liên kết thành công với đối tác đầu tiên, các đối tác khác sẽ sẵn sàng theo sau.
BẠN CÓ THỂ MANG LẠI ĐIỀU GÌ VÀ THU ĐƯỢC ĐIỀU GÌ?
Trong bất kỳ mối quan hệ nào, đặc biệt là trong kinh doanh, bạn phải cho đi thì mới có thể nhận lại. Trong một mối quan hệ tương trợ, mỗi bên đều đánh cược rằng góp chung nguồn lực sẽ tăng doanh thu và lợi nhuận nhanh hơn so với tự hoạt động. Họ thường mạo hiểm những gì đang có và hy vọng thu lại được những thứ hiếm hoi và khó bắt chước hơn. Mối liên kết sẽ đáng giá hơn cho cả hai bên nếu hai bên bổ sung được cho nhau. Tuy nhiên, chỉ một bản hợp đồng kinh doanh không đủ để xây dựng quan hệ bền vững. Để mang lại yếu tố thỏa mãn như đã hứa với khách hàng, hai bên phải thường xuyên tương tác để duy trì sự thỏa thuận giữa việc cho và nhận. Nếu thỏa thuận đó tiêu tan và một bên quyết định theo đuổi giải pháp khác thì mối quan hệ sẽ chết đi. Vì vậy, sự đồng nhất và tin tưởng rất cần thiết đối với quá trình tạo dựng mối quan hệ thành công.
QUAN HỆ TƯƠNG TRỢ KHỞI ĐẦU BẰNG CỤM TỪ “ĐỒNG Ý”
Có được bạn đồng hành đầu tiên là điều rất hứng khởi đối với một công ty trẻ. Nhưng trước khi ăn mừng sự hợp tác, bạn nên đánh giá điều này ở hai phương diện: doanh thu và yếu tố thỏa mãn. Đối tác của bạn phải giúp tăng doanh thu (gián tiếp hay trực tiếp) hoặc tăng khả năng tạo ra yếu tố thỏa mãn độc đáo và bền vững – nếu được cả hai điều thì càng tốt! Phần lớn giao kèo làm ăn sẽ mang đến ít nhất một vài lợi ích liên quan đến hai phương diện trên, nhưng các lợi ích đấy có thể không tồn tại ở tỷ lệ tương đương. Bạn cần luôn luôn lạc quan trong các quan hệ liên kết. Các đồng minh mạnh nhất sẽ giúp bạn đảm bảo doanh thu và phát triển yếu tố thỏa mãn một cách đồng đều.
ĐỐI TÁC
GIAO KẾT KINH DOANH RẤT QUAN TRỌNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG TY BẠN. TUY NHIÊN, TÌM ĐƯỢC ĐỐI TÁC PHÙ HỢP KHÔNG PHẢI LÀ VIỆC DỄ DÀNG.
Liệt kê các công ty...
... yêu quý bạn:
đây là những đối tác muốn bạn thành công.
... thù hằn bạn:
những đối tác khác có lý do chính đáng để ghét bạn.
Lưu ý: Kẻ thù của kẻ thù là đồng minh của bạn.
MA TRẬN DOANH THU – THỎA MÃN
HÃY ĐÁNH GIÁ KỸ CÀNG CÁC LOẠI QUAN HỆ ĐỐI TÁC ĐỂ CHẮC CHẮN MÌNH CÓ NHỮNG ĐỒNG MINH PHÙ HỢP.
SẮP XẾP CÁC ĐỐI TÁC TIỀM NĂNG DỰA VÀO:
1. Họ góp bao nhiêu phần vào doanh thu của bạn (dẫn chứng bằng các con số nếu có!) và/hoặc yếu tố thỏa mãn (kèm theo ví dụ minh họa) như thế nào?
2. Bạn góp bao nhiêu phần vào doanh thu của họ (dẫn chứng bằng các con số nếu có!) và/hoặc yếu tố thỏa mãn (kèm theo ví dụ minh họa) như thế nào?
Sẽ không sao cả...
... nếu bạn chưa có tên của những đối tác tiềm năng.
... nếu bạn đang loay hoay chọn lựa các bên phù hợp.
... nếu bạn chưa phân loại được một đồng minh. Hãy cứ đặt họ vào ô “đồng ý” trước tiên!
... nếu bạn muốn xếp một đối tác ở nhiều hạng mục trong ma trận.
CHỌN ÁO ĐỂ MẶC, CHỌN BẠN ĐỂ CHƠI
Có rất nhiều dạng quan hệ tương trợ. Hãy đánh giá từng loại kỹ càng để chắc chắn bạn có một liên minh hảo hạng.
BẠN CÙNG SÒNG, CÙNG CHƠI CÙNG CHỊU
Các đồng minh dạng này mang lại ít doanh thu nhưng giúp tuyên truyền yếu tố thỏa mãn bạn đề ra. Tuy nhiên, dần dà, bạn sẽ phát triển nhanh hơn họ. Hãy cân nhắc như thế này: Nếu bạn và các đối tác đầu tiên không còn cùng đẳng cấp, họ sẽ không giúp thêm được gì cho việc kinh doanh đang tiến triển và bạn sẽ không thu thêm được lợi nhuận sau khi bỏ công sức giúp họ. Đấy là lúc bạn nên tìm kiếm các đồng minh mới! Điều đó không có nghĩa là bạn phải cắt đứt mọi quan hệ với bạn cũ. Hãy cứ nhận điện thoại và giữ logo phía họ trên trang web của bạn, nhưng đừng tiếp tục tốn nguồn lực cho họ.
BẠN CÙNG TIẾN, GIÚP NHAU HỌC TẬP
Các đối tác có khả năng trao đổi kinh nghiệm sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về sản phẩm, thị trường và dây chuyền giá trị – công thức thiết yếu cho sự thành công và khả năng tăng cường yếu tố thỏa mãn. Họ cũng sẽ góp phần vào câu chuyện trôi chảy “không ma sát” của công ty bạn. Những “bạn cùng tiến” này thường là các trường đại học, tổ chức mang tính đột phá về sản phẩm hay những nhà doanh nhân dày dạn. Không có gì mạo hiểm khi liên kết với họ, vì bạn có thể học hỏi được rất nhiều điều (nhưng cần xác định mình đã tiếp thu được bao nhiêu). Ngoài ra, họ thường không mang lại doanh thu đáng kể, nên bạn sẽ phải tăng cường hợp tác với các bên khác.
BỌN XẢ THƯ RÁC
Các đối tác này thêm tiền vào két chúng ta bằng cách phổ biến sản phẩm đến thị trường lớn với chi phí tối thiểu. Nhưng họ thường gia tăng tần số một cách bừa bãi và gây nhiều phiền toái. Các khách hàng tiềm năng sẽ phớt lờ hoặc tệ hơn là phản ứng gay gắt với họ. Đây thực sự không phải là một cách thông minh để thâu tóm khách hàng. Hãy tiếp tục tìm kiếm những đồng minh khác!
ĐẠN DƯỢC CHIẾN TRANH
Đôi khi bạn là viên đạn trong cuộc chiến của kẻ khác! Điều đấy có nghĩa là gì? Tức là sản phẩm của bạn giúp công ty khác đánh bại đối thủ. Vậy mối quan hệ tương trợ này có lợi như thế nào? Đầu tiên, nó đem lại cả giá trị doanh thu lẫn yếu tố thỏa mãn. Hàng hóa của bạn sẽ đến tay một lượng khách hàng mục tiêu lớn hơn và tạo nên doanh thu khi đối tác phân phối chúng như phụ tùng hoặc đồ tặng kèm theo sản phẩm của họ. Kế đến, một khi khách hàng ở các công ty này yêu thích sản phẩm bạn cung cấp, bạn sẽ tiếp cận được một nền cơ sở khách hàng đồ sộ từ phía họ với rất ít chi phí. Cụ thể, các chương trình bạn thực hiện sẽ “hạ cánh” ngay trung tâm một thị trường mới và hàng hóa của bạn sẽ được điều chỉnh để mang đến một yếu tố thỏa mãn độc đáo khác. Trên thực tiễn, những quan hệ đối tác kiểu “súng đạn” này là những quan hệ cực kỳ khó nhận diện và khó đánh giá (có lẽ là khó nhất). Mặc dù việc trở thành vũ khí trong cuộc chiến của kẻ khác có đôi chút đáng sợ nhưng nó có thể mang đến những trải nghiệm vô cùng quý báu. Vì vậy, hãy liên kết chặt chẽ với những đồng minh này!
CÔNG VIÊN KỶ JURA VÀ CÁC ĐẠI GIA QUYỀN UY
Đối tác có thâm niên hoạt động “từ thời nguyên thủy” như Walmart và IKEA là các sếp sòng tại ngành công nghiệp hoặc thị trường bạn đang làm việc. Những đấu thủ “hung bạo” này thừa sức thay đổi luật chơi chỉ với một cái búng tay. Hãy tưởng tượng đến viễn cảnh danh mục đối tác của bạn có tên họ! Việc xây dựng liên minh tương lai này sẽ khiến vô số đối thủ phải ganh tị trong bất lực. Nếu sản phẩm của bạn mang lại yếu tố thỏa mãn phù hợp để gắn kết với yếu tố thỏa mãn của họ thì doanh thu đạt được có thể “vượt lên nóc nhà”. Nhưng hãy cẩn thận! Một khi các đồng minh “khủng long” này khoái hàng hóa của bạn, họ có thể từ đối tác tốt trở thành địch thủ khủng khiếp nhất bằng việc phát triển sản phẩm tương đương và áp dụng ngay vào các chiến dịch cạnh tranh. Còn nếu bạn không làm họ hài lòng hoặc có ai đó đem đến cùng một dịch vụ nhưng chi phí rẻ hơn thì xin chia buồn, bạn tiêu rồi! Một khi đã hết giá trị hợp tác, họ có thể tống cổ bạn dễ như phủi tay. Các đối tác này luôn làm điều tốt nhất cho chính họ, không phải cho bạn. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn mang lại yếu tố thỏa mãn đúng lúc cần thiết và trở thành đồng minh thực sự của họ chứ không đơn thuần một mối cung cấp hàng.
KẺ YÊU/NGƯỜI GHÉT
Rất khó để xác định đối tác mới sẽ yêu mến hay thù hằn bạn. Điều quan trọng là bạn có tin tưởng họ hay không. Các quan hệ tương trợ “yêu – ghét” rất hiếm khi nhất quán. Một khi quý trọng bạn, họ có thể trở thành đối tác chiến lược (quá tốt!), nhưng nhỡ ghét nhau rồi thì lại làm “khủng long kỷ Jura” để đe dọa. Để xác định việc hợp tác đang hướng về đâu, bạn cần biết rõ mình là một thành viên đúng nghĩa ở liên minh hay chỉ là một quân cờ phục vụ cho những mưu đồ khác. Hãy kiểm soát các mối quan hệ này một cách cẩn thận và bảo vệ vị trí của bạn khi cuộc chơi thay đổi.
ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC
Trong quan hệ đối tác chiến lược thành công, cả hai bên đều đạt được những lợi ích đáng kể. Những gì bỏ ra và thu được rất rõ ràng. Thêm nữa, các thành viên lại tương đương nhau về cả quy mô lẫn uy thế. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra trong trường hợp công ty của bạn còn non trẻ, 80% doanh thu phụ thuộc vào một đối tác lớn mạnh hơn và sản phẩm của bạn chỉ chiếm 1% doanh thu phía họ? Trong trường hợp đấy, bạn thường phải dựa dẫm vào đồng minh nhiều hơn mức họ cần đến bạn và sẽ không có đủ sự đồng thuận lẫn nguồn lực cần thiết để biến quan hệ hai bên trở thành quan hệ chiến lược. Các đối tác chiến lược thường rất ưu tú và có nhiều quyền hành, nếu không khéo thì liên kết giữa bạn với họ có thể trở thành một “suất phim khủng long”.
ĐỐI TÁC THUỐC ĐỘC – ĐỘC ƠI LÀ ĐỘC!
Các đối tác này là một ngoại lệ, thể hiện mặt tối của trò chơi. Hãy tránh xa họ bằng bất kỳ giá nào! Tất nhiên bạn sẽ không bao giờ đề nghị liên kết với một công ty mờ ám. Nhưng cần hiểu rằng những đối tác tuyệt vời có thể trở nên vô cùng hiểm độc. Một khi nhận ra quan hệ đối tác sắp thiết lập có nhiều hạn chế phức tạp, bạn hãy rút lại lợi ích doanh thu (nếu có) hoặc yếu tố thỏa mãn và rời khỏi bàn đàm phán một cách nhẹ nhàng. Tuy vậy, hãy ra đi trong hữu nghị, vì bạn có thể cần các đồng minh này (dù hiện tại họ không tốt) trong tương lai. Thi thoảng tiếp cận họ lần nữa cũng là điều đáng để cân nhắc!
Bạn cần sử dụng ma trận đối tác cho – nhận khi chuẩn bị đàm phán với một đồng minh mới hoặc với một đồng minh sẵn có. Chúng tôi đã điền vào ma trận này (dòng chữ màu xám) ví dụ về việc hợp tác giữa một công ty cung cấp mạng di động với một công ty trò chơi. Khi thiết lập ma trận, hãy thay thế thông tin trong các ô bằng trường hợp cụ thể của bạn.
TỪ “ĐỒNG Ý” ĐẾN “CHIẾN LƯỢC”
TRONG MỘT MỐI QUAN HỆ ĐỐI TÁC THÀNH CÔNG, CẢ HAI BÊN ĐỀU SẼ NHẬN ĐƯỢC CÁC LỢI ÍCH ĐÁNG KỂ.
Đồng minh của bạn trở thành đối tác chiến lược nhờ vào đâu?
Ý tưởng: Có một sự cho – nhận rõ ràng. Cả hai bên tương đương nhau về quy mô lẫn uy thế.
CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN ĐỐI TÁC CỦA BẠN
BẠN BIẾT MÌNH CẦN HỢP TÁC VỚI NHỮNG AI.
GIỜ LÀ LÚC TÌM CÁCH TIẾP CẬN HỌ!
Tên doanh nghiệp cần hợp tác: _________________________
Bạn đã biết những ai?
Liệt kê những đối tượng có quan hệ với doanh nghiệp đấy.
Bạn sẽ nói gì với “ông trùm”?
Ai sẽ là “ông trùm” – kẻ đưa ra quyết định giao kèo? Bạn có 30 giây để thu hút sự chú ý của người đấy.
Bạn sẽ nói gì với “người giữ cửa” (đầu mối trung gian hoặc những ai có khả năng giới thiệu bạn)?
Cần thuyết phục “người giữ cửa” như thế nào để được diện kiến “ông trùm” – một trong những lãnh đạo bạn cần gặp?
Bạn sẽ thuyết phục “ông trùm” thông qua?
E-mail, điện thoại, gặp trực tiếp...?
TÓM TẮT CHƯƠNG – ĐỐI TÁC
Tìm kiếm đồng minh hoặc suy vong, tất cả đều phụ thuộc ở bạn! Có 3 điều cần cân nhắc khi nhận dạng đối tác. Đầu tiên, hãy tự hỏi bản thân: Ai yêu quý và ai ghét bạn? Tiếp theo, mỗi đối tác tiềm năng sẽ đóng góp vào doanh thu và yếu tố thỏa mãn của bạn như thế nào? Cuối cùng, thông qua quan hệ tương trợ, bạn và các đồng minh sẽ cho đi và nhận lại những gì?
CÁC CÂU HỎI CẦN ĐƯỢC TRẢ LỜI:
1. Những ai yêu và ghét bạn? Tại sao họ làm vậy?
2. Bạn đã sẵn sàng để cống hiến cho các đối tác yêu mến mình, cũng như bảo vệ bản thân khỏi những kẻ thù ghét mình hay chưa?
3. Các đối tác sẽ đóng góp như thế nào cho doanh thu và yếu tố thỏa mãn của bạn?
4. Trong quan hệ tương trợ, sự cho đi và nhận lại có mang đến một đề xuất rõ ràng và hấp dẫn cho cả bạn và các đối tác tiềm năng hay không?
ĐỒNG BỘ HÓA CÁC BÁNH RĂNG CỦA BẠN... ĐỒNG BỘ HÓA VỚI ĐỐI TÁC
Hãy đảm bảo liên minh giữa bạn và đối tác cùng thành công vững mạnh! Một đồng minh hoàn hảo sẽ luôn đóng góp để tăng cường yếu tố thỏa mãn nổi bật và giới thiệu thêm khách hàng cho bạn.
GHI NHỚ
Quan hệ đối tác là yêu hoặc ghét.
CÂU CHUYỆN MINH HỌA
Tận dụng đối tác
Khi khởi nghiệp, đội ngũ sáng lập phải làm gấp nhiều lần công việc của người bình thường. Nhưng dù có lạc quan như thế nào đi nữa, không ai có thể nói mình khởi nghiệp mà không cần đến đối tác. Có nhiều thứ nằm ngoài khả năng của đội ngũ sáng lập và việc tìm cách tự làm mọi thứ mình không có chuyên môn với mục đích tiết kiệm chi phí có thể trở thành một chọn lựa sai lầm và đắt giá. Những hoạt động như tìm hiểu đặc thù của thị trường, nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng, tiếp cận nhóm đối tượng sẵn sàng chia sẻ và thử nghiệm sản phẩm, ước lượng chi phí đưa sản phẩm đến tay người sử dụng mục tiêu… là những hoạt động có thể rất tốn kém, đặc biệt đối với những công ty khởi nghiệp thường không có nhiều năng lực tài chính.
Trong bối cảnh đó công ty khởi nghiệp càng biết tận dụng hệ thống đối tác, công ty đó càng tiết kiệm được nhiều chi phí và rút ngắn được thời gian thâm nhập thị trường.
Tôi biết một kênh truyền hình dành cho giới trẻ ở Việt Nam, ra đời vào những năm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, với đội ngũ thiếu hiểu biết về ngành truyền hình và giải trí, trong khi các kênh truyền hình đối thủ đang có trước đó đã và đang hoạt động hiệu quả. Trong nhiều điều kiện bất lợi, kênh truyền hình non trẻ này đã tận dụng khá nhiều các hoạt động, quảng bá cũng như trao đổi truyền thông với nhiều kênh truyền thông khác, lựa chọn cách tiếp cận không làm phát sinh chi phí như với báo giấy, báo mạng, hãng xe taxi, nhà hàng, quán nhạc… nhờ vậy mà thương hiệu của họ đã được biết đến trong một thời gian ngắn ngủi. Cho đến nay, kênh truyền hình đó đã và đang đi vào hoạt động ổn định – một phần là nhờ khởi đầu may mắn vì đã có những đối tác như thế.
Đỗ Quốc Hiệp
Cổ đông và Sáng lập viên của YANTV, DataFirst