ĐỪNG SỢ ĐỐI THỦ.
NHƯNG HÃY CẢNH GIÁC.
MẠNH THẮNG YẾU HAY NHANH THẮNG CHẬM?
SỰ CẠNH TRANH LUÔN TỒN TẠI. MẶC DÙ KHÔNG AI BÁN SẢN PHẨM GIỐNG HỆT BẠN, BẠN VẪN SẼ CÓ ĐỐI THỦ, VÌ MỌI DOANH NGHIỆP ĐỀU CẠNH TRANH ĐỂ TRANH THỦ THỜI GIAN VÀ KIẾM TIỀN TỪ KHÁCH HÀNG. CÂU HỎI BẠN CẦN TRẢ LỜI LÀ “CÁC KHÁCH HÀNG TIỀM NĂNG CỦA TÔI CÓ THỂ DÙNG THỜI GIAN VÀ TIỀN VÀO VIỆC GÌ NỮA?”.
Thế nào? Bạn không đồng ý sao? Bạn nghĩ mình không có đối thủ cạnh tranh ư? Nếu vậy thì bạn đã:
1. Sai lầm rồi (đa phần là vậy).
2. Nhắm vào một cơ hội tí tẹo đến mức chẳng ai khác muốn theo đuổi.
3. Đã định hình một cơ hội tuyệt vời trong một thị trường còn đang tiềm ẩn và ý tưởng của bạn vô cùng phù hợp với thị trường đấy. Xin chúc mừng! Bạn đích thực là một thiên tài!
Hoặc không hề như vậy! Nếu một viễn cảnh nghe có vẻ hoàn hảo quá, chắc hẳn kẻ khác cũng đã nghĩ đến rồi. Cho dù chỉ một mình bạn theo đuổi nó, trường hợp đấy cũng sẽ không kéo dài. Đối với phần lớn các công ty, những kế hoạch cạnh tranh thật quá dễ nhận biết và đối phó.
Một trong những đồng nghiệp của chúng tôi đã nói rằng: “Sự cạnh tranh sẽ không tồn tại cho đến khi ta có 10 triệu đô la doanh thu”. Đại ý là bạn không cần phải để ý quá nhiều tới đối thủ trừ khi đã xây dựng được một doanh nghiệp tầm cỡ. Hãy cảnh giác và quan sát xem họ đang làm gì, nhưng đừng phí thời gian và nguồn lực cho họ. Và đừng bao giờ sao chép ý tưởng của họ!
Điều bạn cần tập trung là thêm vào yếu tố thỏa mãn cho sản phẩm của mình. Một khi đem đến sự thỏa mãn tuyệt vời, bạn sẽ thổi bay mọi kẻ địch!
MẠNH ĐÁNH BẠI YẾU
HAY NHANH VƯỢT MẶT CHẬM?
Phân loại thị trường chúng ta đang hoạt động là một cách để nhận biết tình trạng cạnh tranh và cách ứng phó với đối thủ. Hãy tự hỏi: “Liệu kẻ mạnh luôn đánh bại kẻ yếu hay kẻ nhanh sẽ chiến thắng kẻ chậm?”. Nói một cách khác, bạn đang đấu tranh để sống còn trong những Đại Dương Đỏ đầy cá mập và bão tố hay đang bơi một cách yên bình trong các Đại Dương Xanh hữu tình? Hai cụm từ “Đại Dương Đỏ” và “Đại Dương Xanh” được đặt ra bởi W. Chan Kim và Renée Mauborgne trong quyển sách “Chiến lược Đại Dương Xanh” (Blue Ocean Strategy) của họ.
ĐẠI DƯƠNG ĐỎ
Trong Đại Dương Đỏ, bạn nằm trong số các doanh nghiệp có sản phẩm na ná nhau và tất cả đều đang nỗ lực để sống sót. Thử thách được đặt ra là: Thuyết phục các khách hàng tiềm năng chuyển sang mua hàng của bạn thay vì tiếp tục sử dụng những gì họ đã dùng trong nhiều năm qua.
Một tin vui cho các chú cá trong vùng biển này là các cơ cấu quy luật và đồng minh đã được hình thành. Nếu bạn là lính mới thì bạn có thể dễ dàng đánh giá tình hình và học tập luật chơi. Vấn đề nằm ở chỗ bạn không thể mãi mãi là tay mơ mà cần phải phát triển thật nhanh, vì tại đây, kẻ mạnh luôn xơi tái kẻ yếu. Một doanh nghiệp trong thị trường Đại Dương Đỏ cần khai thác triệt để nhu cầu sẵn có của người tiêu dùng. Hãy hỏi bản thân: “Mình có thể ‘câu trộm’ những khách hàng nào? Làm sao để thuyết phục họ mua sản phẩm công ty mình thay vì sản phẩm của công ty khác?”. Bạn cần xây dựng yếu tố thỏa mãn bằng cách làm cho sản phẩm phân phối nhanh hơn, tốt hơn và hạ thấp giá thành để thuyết phục người tiêu dùng. Sau đấy điều chỉnh doanh nghiệp sao cho phù hợp với tuyên bố giá trị(13) đã đề ra và vượt mặt các đối thủ của mình!
(13) Tuyên bố giá trị (value proposition): một giá trị mà sản phẩm/công ty của bạn hướng đến, thể hiện xuyên suốt thông qua các thông điệp marketing và các hoạt động khác.
ĐẠI DƯƠNG XANH
Hãy ngắm nhìn Đại Dương Xanh, nước rất trong và sạch! Nơi đây không bị vẩn đục bởi máu tanh từ các cuộc xung đột ác liệt, còn bạn là chú cá duy nhất bơi tung tăng. Lý do rất đơn giản: Chưa ai phát hiện ra thị trường của bạn! Hình dung mà xem, bạn không có đối thủ! Nghe thật tuyệt vời đúng không nào? Tiếc rằng, thực tế không đơn giản như vậy. Trước khi đưa một sản phẩm mới vào thị trường mới, bạn cần phải tạo ra nhu cầu. Hãy suy nghĩ xem! Bạn muốn mọi người chấp nhận một mặt hàng chưa được biết đến và yêu cầu họ cân nhắc, thay đổi thói quen mua sắm lâu nay. Đấy là một đề nghị khá khó thực hiện. Để thành công, trước tiên bạn phải “giáo dục” (educate) khách hàng kỹ càng. May thay, việc giải thích một sản phẩm mới cũng không mấy phức tạp.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn thật sự thống lĩnh Đại Dương Xanh thì bạn sẽ phải theo đuổi sự khác biệt và giá thành thấp. Hãy nhớ lại tháp nhu cầu của khách hàng. Về mặt tính năng và hiệu suất (2/3 phần đáy của kim tự tháp), sản phẩm một công ty Đại Dương Xanh có thể sẽ tương tự như sản phẩm của đồng nghiệp tại Đại Dương Đỏ. Điểm khác biệt giữa hai sản phẩm nằm ở yếu tố thỏa mãn (đỉnh kim tự tháp). Khả năng thành công ở vùng biển này phụ thuộc vào việc bạn có đưa ra được một yếu tố thỏa mãn khác biệt hoàn toàn so với những gì đã có ở Đại Dương Đỏ hay không. Hãy nhớ rằng yếu tố này càng tuyệt vời, các công ty khác càng khó sao chép. Đấy sẽ là lợi thế bền lâu cho bạn.
XÁC ĐỊNH THỂ LOẠI CẠNH TRANH
TRONG THỊ TRƯỜNG BẠN ĐANG MUỐN NẮM GIỮ, LIỆU NHANH SẼ THẮNG CHẬM HAY MẠNH SẼ THẮNG YẾU? VỀ CĂN BẢN, CÓ HAI LOẠI THỊ TRƯỜNG – ĐẠI DƯƠNG XANH VÀ ĐẠI DƯƠNG ĐỎ – SẼ XÁC ĐỊNH THỂ LOẠI CẠNH TRANH CHÚNG TA PHẢI ĐỐI MẶT. BẠN ĐANG HOẠT ĐỘNG TẠI VÙNG BIỂN NÀO TRÊN ĐÂY?
Đánh dấu vào ô phù hợp nhất với doanh nghiệp của bạn và giải thích tại sao.
☐ Bạn đang phải cạnh tranh
☐ Bạn đang vượt lên trên sự cạnh tranh
☐ Bạn đang khai thác một nhu cầu sẵn có
☐ Bạn phải chọn lựa giữa giá trị và giá cả
☐ Bạn tạo được sự khác biệt hoặc giá thành thấp
☐ Bạn mang đến sản phẩm bổ trợ cho các mặt hàng đã có sẵn
☐ Bạn chưa cần quan tâm đến chuyện cạnh tranh
☐ Bạn đang tạo ra nhu cầu mới
☐ Sự đánh đổi giữa giá trị và giá cả không quan trọng với bạn nữa
☐ Bạn đang giải quyết vấn đề theo một cách mới
BẠN LÀ MỘT ĐẤU THỦ VƯỢT TRỘI HAY LÀ KẺ THAY ĐỔI CUỘC CHƠI?
Một khi đã ổn định vị trí trong Đại Dương Đỏ, bạn sẽ dành nhiều thời gian vật lộn, lôi kéo khách hàng khỏi những người chủ trước đây. Vì thế, để vươn lên trong vùng nước dữ này, bạn phải là một đấu thủ vượt trội (outperformer) so với các thế lực khác trong thị trường. Đấy là một trận chiến đầy cam go và thành công của bạn phụ thuộc vào sự kiên định và khả năng nạp năng lượng với những “cục pin siêu bền”, cho đến khi kẻ địch đầu hàng hoặc bỏ cuộc. Luôn nhớ rằng đây là một bài kiểm tra sự tập trung và sức chịu đựng. Nếu chỉ lơ đãng trong một giây hoặc pin không được sạc ngay từ đầu thì kẻ địch sẽ đè bẹp bạn.
Ở Đại Dương Xanh, mọi chuyện diễn ra theo cách khác. Bạn là người thay đổi cả cuộc chơi (game-changer). Bạn có thể là tay chơi duy nhất trong thị trường vừa hình thành (hoặc chỉ mới manh nha) – nơi các quy luật vẫn chưa định hình rõ. Vì chưa có ai đến gây sự, bạn có thể thiết lập lại thị trường và lơ là chốc lát mà không mất mát điều gì. Trong trường hợp này, nhiệm vụ tiên quyết là tạo ra một mặt hàng ưu việt, hơn hẳn những sản phẩm đang có. Nếu làm được điều này, bạn có thể thư giãn, nhìn dòng khách hàng tìm đến. Thậm chí chẳng cần động tay động chân để gây thu hút, họ sẽ sẵn sàng xếp hàng để mua sản phẩm! Theo lời một nhà khởi nghiệp, những kẻ thay đổi cuộc chơi sẽ “thu phục người tiêu dùng ngay cả khi văn phòng đóng cửa”. Điều đấy là một tin tốt. Còn tin xấu là pin bạn dùng nên là loại tốt và bền nhất, bởi vì nước màu xanh luôn có khả năng chuyển đỏ và khi đấy bạn sẽ phải cạnh tranh với những tên cá mập khét tiếng nhất!
Hãy nghĩ về thị trường điện thoại di động. Trước đây, nếu muốn trò chuyện bằng điện thoại, bạn phải sử dụng một công cụ được gắn cố định vào tường và phải đứng một chỗ cho đến khi xong cuộc đối thoại. Nhưng khi điện thoại di động ra đời, bạn bỗng dưng có thể đi lại, tìm món ăn vặt và thậm chí du lịch khi đang tán dóc. Yếu tố thỏa mãn ở đây vô cùng ấn tượng! Nhưng dù mọi người đều yêu thích sự tiện lợi này thì điện thoại di động vốn chỉ được xem như một phần bổ sung thuần túy vào hệ thống điện thoại cũ. Đây chính là thời điểm những kẻ vượt trội hơn vươn lên làm chủ, vì ý tưởng loại bỏ đường dây điện thoại và chuyển sang hệ thống di động chưa nhận được sự quan tâm rộng rãi. Các công ty sản xuất điện thoại và nhà cung cấp lớn căn bản đã lờ đi thị trường đầy tiềm năng này.
Kết quả là hiện tượng điện thoại di động phát triển nhanh chóng, thu hút một lượng lớn các đấu thủ kỳ cựu và tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt, tác động đến những kẻ đã có mặt trước đó. Vào thời điểm này, một chú cá nhỏ rời khỏi cuộc chiến và bơi về một hướng khác. Các ông trùm thị trường liền cười nhạo nó vì những ý tưởng “tầm thường” như tăng kích cỡ màn hình và loại bỏ bàn phím truyền thống. Dù vậy, chú cá này vẫn đánh dấu lãnh thổ và tiếp tục cải thiện yếu tố thỏa mãn. Cuối cùng, nó đã tạo ra một hệ thống sinh thái hoàn chỉnh, biến đổi quy luật chung và trở nên nổi tiếng. Vậy tên của chú cá nhỏ bé đấy là gì? Chính là Apple!
Phần lớn các doanh nghiệp đều cố gắng trở thành những đấu thủ vượt trội và rất nhiều doanh nghiệp trong số đấy dựa vào yếu tố khác biệt để tăng cường khả năng sống sót. Nhưng chỉ một vài công ty nghĩ đến việc họ sẽ thức dậy vào một sáng đẹp trời và trở thành kẻ thay đổi cuộc chơi. Nếu đấy là điều bạn muốn thực hiện thì hãy dành thời gian suy nghĩ xem mình thật sự là ai. Bạn đã đủ khả năng để tạo nên sự đột phá trên thực tế? Hay trong tâm khảm, bạn vẫn chỉ là một đấu thủ mạnh mẽ – một doanh nhân ưu tú đang mơ giấc mộng cải hóa thị trường nước nhà?
TÌNH HUỐNG KHÓ XỬ CỦA NHÀ CẢI CÁCH
Clayton Christensen – một tác gia có tiếng – đã miêu tả chính xác các thách thức để trở thành một đấu thủ vượt trội và những gì sẽ xảy ra khi thị trường hiện tại bị thay đổi hoặc thị trường mới xuất hiện. Nghiên cứu của ông cho thấy các đấu thủ sẽ luôn bị đánh bại bởi những kẻ thay đổi cuộc chơi. Đấy chỉ là vấn đề thời gian!
Tại sao điều đấy lại xảy ra? Rất đơn giản! Sáng kiến hoặc công nghệ đột phá từ các nhóm “phá game” này luôn làm rối loạn mọi trật tự trong một thị trường nhất định. Thông thường, mọi thứ sẽ bắt đầu bằng việc một doanh nghiệp thay đổi quy luật để thu hút người tiêu dùng ở phân khúc thị trường thấp, cụ thể là các khách hàng trước đây chưa có khả năng mua hoặc tiếp cận những gì đang hiện diện tại thị trường.
Trong thời gian đầu, điều này chẳng đáng bận tâm đối với các nhóm đấu thủ kỳ cựu. Họ sẽ kháo nhau rằng các hoạt động phá game của một doanh nghiệp nhỏ được thành lập bởi một “lũ mọt sách” từ đại học Stanford sẽ không bao giờ thành công. Thậm chí họ quả quyết rằng trừ phi lợn nái biết bay thì doanh nghiệp đấy mới nắn gân họ nổi! Nhưng hãy yên trí, một khi những kẻ thay đổi cuộc chơi đấy sử dụng các sản phẩm đơn giản và tinh tế hơn (mà không cần thiết bị kèm theo) để chiếm lấy khách hàng, họ sẽ ngã ngựa cả đám!
Vấn đề các công ty vượt trội và kỳ cựu thường mắc phải là không tập trung đối phó với những gì một đối tượng phá game đang thực hiện cho tới lúc mọi chuyện trở nên quá muộn. Tại sao họ không làm vậy? Bởi vì không ai khác trong thị trường phản ứng lại, ngay cả đối thủ và đối tác của họ đều không bận tâm bởi vì nó nằm ngoài phạm vi hoạt động. Nói cách khác, nhiều doanh nghiệp lâu năm chỉ tập trung phục vụ nhu cầu của các nhóm khách hàng hiện tại và cải tiến sản phẩm truyền thống. Nhưng theo thời gian, người tiêu dùng bắt đầu chán các thiết bị kèm theo rườm rà và muốn đổi sang một giải pháp đơn giản và rẻ tiền hơn, khiến cho các nhóm vượt trội mất dần nguồn thu nhập.
Hãy hình dung một chuyến đi trượt tuyết tại vùng núi. Thông thường, các du khách sẽ mang ván trượt vào rồi chậm rãi tiến dần lên cao, từng bước từng bước một (cũng khá là gian nan). Từ đỉnh núi, họ sẽ trượt xuống, lượn vài vòng và lao thẳng xuống chân núi. Một vài người rất hài lòng với trải nghiệm đấy, trong khi số khác lại sử dụng tàu trượt để lên núi nhanh hơn. Tất nhiên, nếu thay đổi ý định thì du khách sẽ phải cởi ván trượt tuyết ra và chờ chuyến tiếp theo. Ngay sau đấy cáp treo được đưa vào sử dụng. Nó rẻ và tiện lợi hơn tàu trượt rất nhiều. Nhưng để thực hiện những cú trượt đẹp mắt, họ vẫn phải xếp hàng chờ và có thể sẽ qua một vài trạm để đến đích. Hãy tưởng tượng xem nếu gần đấy có một phương tiện có thể đưa bạn thẳng lên chóp núi chỉ trong vài giây! Tuyệt vời hơn là nó hoàn toàn miễn phí và sẵn sàng đưa đón bất kỳ lúc nào?
Điều thú vị ở đây là những người sáng tạo các công cụ leo núi đầu tiên đã không nghĩ đến tàu trượt. Các công ty lắp đặt tàu trượt không đánh bại được các đối thủ cáp treo và có thể một công ty cáp treo sẽ không quan tâm đến một chiếc ghế biết bay có thể đưa khách lên đỉnh núi. Nhưng dù sản phẩm đột phá này có thể được tạo ra trong thực tế hay không thì nó vẫn là một ẩn số để tương lai trả lời.
Hãy luôn ghi nhớ: Đa số những người muốn gây đột phá đều thất bại, nhưng vẫn sẽ có kẻ thành công.
KẺ THAY ĐỔI CUỘC CHƠI HAY CHỈ LÀ ĐẤU THỦ VƯỢT TRỘI?
BẠN CÓ THAM VỌNG GÂY ĐỘT PHÁ VÀ TRIỆT TIÊU MỌI NỖ LỰC CẠNH TRANH HAY KHÔNG? CÓ MONG MUỐN TẠO RA NHU CẦU MỚI VÀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ ĐANG TỒN TẠI NHỜ MANG ĐẾN CÁC SẢN PHẨM TỐT VÀ RẺ HƠN KHÔNG? HAY BẠN SẼ CỐ GẮNG CHƠI TRÊN CƠ ĐỐI THỦ TRONG THỊ TRƯỜNG VÀ DẪN ĐẦU MỘT THỊ TRƯỜNG SẴN CÓ? HÃY LỰA CHỌN MỘT TRONG HAI CON ĐƯỜNG SAU: ÔM MỘNG THAY ĐỔI CẢ VÁN CỜ HOẶC THUẦN TÚY TRỞ THÀNH ĐẤU THỦ VƯỢT TRỘI.
Bạn là một kẻ thay đổi cuộc chơi. Giải thích tại sao:
Ý tưởng: “Sản phẩm iPad của Apple đã gây đột phá tại thị trường di động”.
Bạn là một đấu thủ vượt trội. Giải thích tại sao:
Ý tưởng: “Samsung bám vào nhu cầu hiện tại của khách hàng: duy trì các tính năng nổi bật và nâng cao hiệu suất sản phẩm”.
AI CÓ THỂ ĐÁNH BẠI BẠN?
MÓN HÀNG NÀO CÓ THỂ SÁNH NGANG VỚI SẢN PHẨM CỦA BẠN? HÃY SUY NGHĨ VỀ YẾU TỐ THỎA MÃN BẠN ĐANG MANG LẠI, VÌ HÀNG HÓA TỪ ĐỐI THỦ CÓ THỂ TẠO NÊN SỰ THỎA MÃN TƯƠNG ĐƯƠNG! TRÊN THỰC TẾ, KHÁCH HÀNG CỦA BẠN CÓ THỂ MUA SẢN PHẨM TƯƠNG ĐƯƠNG TỪ NHỮNG CÔNG TY NÀO?
Khách hàng có thể mua của...
Ý tưởng: “Một chiếc xe Audi thay vì Mercedes-Benz”.
Bởi vì...
Ý tưởng: “Tương tự Mercedes-Benz, xe Audi có thể xử lý nỗi đau của khách hàng”.
Nhận dạng đối thủ cạnh tranh có quá phức tạp đối với bạn không?
SỰ CẠNH TRANH KHÔNG BAO GIỜ KẾT THÚC
CÓ THỂ CHẲNG AI BÁN SẢN PHẨM GIỐNG HỆT BẠN, NHƯNG BẠN VẪN SẼ CÓ ĐỐI THỦ, VÌ MỌI DOANH NGHIỆP ĐỀU CẠNH TRANH ĐỂ TRANH THỦ THỜI GIAN VÀ LẤY TIỀN CỦA KHÁCH HÀNG.
Bằng số tiền mua sản phẩm từ bạn, khách hàng có thể...
Ý tưởng: “Với chi phí bỏ ra để mua một chiếc túi cao cấp, họ có thể mua 20 chiếc túi rẻ hơn, với nhiều màu sắc khác nhau”.
Với khoảng thời gian khách hàng bỏ ra cho sản phẩm của bạn thì họ có thể...
Ý tưởng: “Thay vì đi xem phim trong vòng 2 tiếng đồng hồ, họ có thể chơi game hoặc đi uống cà phê”.
Hãy nhớ rằng: Nếu bạn cho rằng mình không có đối thủ, có 3 trường hợp sẽ xảy ra:
1. Bạn đã sai lầm! (đa phần là vậy). 2. Bạn đã lựa chọn một cơ hội quá nhỏ bé tới mức không ai khác muốn theo đuổi nó. 3. Bạn đã định hình một cơ hội tuyệt vời trong một thị trường còn đang tiềm ẩn và ý tưởng của bạn hoàn hảo cho thị trường đấy. Đúng là một thiên tài! Xin chúc mừng!
TÓM TẮT CHƯƠNG – ĐỐI THỦ
Dù là hiện tại hay trong tương lai, bạn luôn phải cạnh tranh để giành giật thời gian, tiền bạc và sự chú ý của khách hàng. Nếu bạn đang bơi trong một Đại Dương Đỏ, hãy tăng cường sức mạnh hệ thống cũng như quyết định chiến lược của mình – tăng giá trị hoặc giảm giá thành – và sẵn sàng vượt qua các đối thủ. Nếu bạn đang trôi nổi yên bình trên Đại Dương Xanh, hãy nhanh chóng tập trung vào yếu tố thỏa mãn, đồng thời tạo nên sự khác biệt và giảm thiểu chi phí hợp lý hơn. Trở thành người thay đổi cuộc chơi sẽ giúp các khách hàng tìm tới bạn. Đến khi Đại Dương Xanh của bạn hóa đỏ, hãy cố gắng bảo vệ vị trí độc tôn của mình hoặc là bơi tới một vùng biển xanh mới.
CÁC CÂU HỎI CẦN ĐƯỢC TRẢ LỜI:
1. Nếu đang lặn ngụp trong Đại Dương Đỏ, pin bạn dùng đã được sạc đầy chưa?
2. Bạn có biết phương hướng để ứng phó và đánh bại đối thủ chưa?
3. Nếu bạn đang bơi trong một Đại Dương Xanh, bạn đã gầy dựng được yếu tố thỏa mãn ưu việt chưa?
4. Liệu bạn đã đủ năng lực để trở thành một kẻ thay đổi cuộc chơi?
ĐỒNG BỘ HÓA CÁC BÁNH RĂNG CỦA BẠN... ĐỒNG BỘ HÓA VỚI ĐỐI THỦ
Đối thủ cũng là người bình thường! Rất nhiều người trong số họ có thể trở thành đối tác tuyệt vời.
GHI NHỚ
Dẫu có bé nhỏ, một người thay đổi cuộc chơi vẫn có thể đánh bại một đấu thủ to lớn và vượt trội. Dù có già nua, một sếp sòng lâu năm vẫn dư sức bóp chết những tên tay mơ vừa nhập cuộc. Tất cả đều phụ thuộc vào việc bạn tồn tại ở Đại Dương Xanh hay Đỏ.
CÂU CHUYỆN MINH HỌA
Ticketbox và bài toán đối thủ cạnh tranh
Ticketbox.vn thành lập vào tháng 10 năm 2013. Khi vừa ra đời, ngoài việc đối đầu với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp tuy nhỏ nhưng đã hoạt động tương đối lâu như vntic.vn, silo.vn – danh sách đối thủ gián tiếp của Ticketbox cũng rất nặng ký, ví dụ như các công ty bán deal có chỗ đứng trên thị trường như hotdeal, nhommua, cungmua… Tuy nhiên, thị trường về mảng đặt vé trực tuyến cho các sự kiện giải trí, thể thao đặc biệt là cho các bạn trẻ lúc bấy giờ hầu như vẫn chưa được khai thác đúng và vẫn còn bị bỏ ngỏ. Đây chính là cơ hội để Ticketbox có được bước phát triển thuận lợi ngay từ đầu.
Sau đó, khi các lễ hội âm nhạc với sự góp mặt của các DJ nổi tiếng hàng đầu thế giới phát triển và được các bạn trẻ ủng hộ mạnh mẽ tại Việt Nam, Ticketbox gần như khẳng định được vị trí dẫn đầu và bỏ xa các đối thủ khác do định hướng đúng và nắm bắt được cơ hội này.
Tuy nhiên, tầm 6 đến 8 tháng sau, thị trường lần lượt xuất hiện các sản phẩm cạnh tranh được copy giống đến 80 – 90 % mô hình và trải nghiệm người dùng từ Ticketbox. Tuy các đối thủ ra sau không am hiểu thị trường và có bề dày kinh nghiệm bằng Ticketbox nhưng bù lại họ có nguồn tài chính mạnh. Do vậy, đà phát triển của Ticketbox cũng ít nhiều bị ảnh hưởng khi họ thâm nhập. Nhanh chóng nhận ra điều này, Ticketbox quyết định sáp nhập với một công ty đối thủ. Nước cờ này đã giải quyết khá nhiều vấn đề:
1. Đội ngũ Ticketbox được hoàn thiện hơn để thích ứng với đà phát triển nhanh của công ty.
2. Trên thị trường bớt đi một đối thủ.
3. Ngăn cản đối thủ còn lại sáp nhập để cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Nhìn nhận một cách khách quan thì trong khởi nghiệp, có đối thủ cạnh tranh là một việc tốt. Có thêm người gia nhập thị trường chứng tỏ những gì mình đang làm là đúng và có tiềm năng để người khác đầu tư cạnh tranh. Một số doanh nghiệp sẽ tập trung vào nâng cao sản phẩm, dịch vụ để cạnh tranh. Một số khác sẽ dùng tiền để ngăn cản sự phát triển của công ty đối phương. Bất kỳ ngành nghề nào trên thương trường, sớm hay muộn cũng sẽ có đối thủ. Nhiều khi thị trường quá lớn, một công ty phát triển phục vụ không hết, các công ty đối thủ sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển cùng nhau. Việc cạnh tranh là việc mà các nhà khởi nghiệp sẽ phải đương đầu liên tục. Có khi nó rất căng thẳng và gây stress, bực mình. Nhưng cũng có khi đó lại là cơ hội để biến địch thành bạn và nâng cao giá trị cạnh tranh cho công ty của bạn. Tất cả đều phụ thuộc vào sự khéo léo và tài chiến lược của từng nhà khởi nghiệp.
Trần Tuấn Anh
Nhà sáng lập Ticketbox