DÙ TẠO RA MỘT THỊ TRƯỜNG MỚI HAY THAY DỔI THỊ TRƯỜNG ĐÃ CÓ, BẠN ĐỀU CẦN KHÁCH HÀNG
NẾU KHÔNG ĐỒNG HÀNH CÙNG KHÁCH , BẠN SẼ KHÔNG BÁN ĐƯỢC HÀNG
TRÊN THỰC TẾ, BẤT KỲ CÔNG TY NÀO CŨNG CẦN CÓ KHÁCH HÀNG. BẠN SẼ KHÔNG THỂ THÀNH CÔNG NẾU KHÔNG CÓ HỌ. NHƯNG ĐỂ GIÀNH ĐƯỢC HỌ, BẠN PHẢI HIỂU RÕ HỌ THỰC SỰ MUỐN GÌ. HỌ BỊ “ĐAU” Ở Đ U? HỌ CÓ VẤN ĐỀ HAY NHU CẦU GÌ MÀ CÔNG TY BẠN CÓ THỂ GIẢI QUYẾT HOẶC ĐÁP ỨNG? BẠN PHẢI CẢM THẤY SỰ THÔI THÚC TÌM BẰNG ĐƯỢC “THUỐC” GIẢM ĐAU CHO HỌ. HƠN NỮA, BẠN PHẢI NHÌN BAO QUÁT MỌI KHẢ NĂNG HIỆN TẠI ĐỂ ĐƯA RA GIẢI PHÁP TỐI ƯU.
DOANH NGHIỆP SINH RA LÀ ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Lý do doanh nghiệp của bạn tồn tại là gì? Doanh nghiệp được sinh ra, trước tiên là để giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Bạn không nhất thiết phải đâm đầu vào những bài toán to tát, bạn chỉ cần thấy được một nhóm người đang cần giải quyết một vấn đề và bạn có khả năng giải quyết vấn đề đó là đã đủ để công ty của bạn tồn tại. Ngược lại, bạn sẽ thấy có nhiều ý tưởng kinh doanh nghe rất “kêu” trong phòng họp hoặc trên bản kế hoạch kinh doanh. Nhưng rốt cuộc lại chẳng đi đến đâu vì sản phẩm làm ra không triệt tiêu được “nỗi đau” của ai cả.
Nỗi đau Ở đây chính là vấn đề khiến khách hàng bận tâm. Cơn đau thường được thể hiện qua những lời phàn nàn đại loại như “việc này tốn thời gian quá đi”, “tôi cạn cả hầu bao để xử lý chuyện đấy” hay “vấn đề này phức tạp quá” hoặc đơn thuần là “làm chán phát ốm!”. Thuốc chữa bạn cung cấp chính là thứ giúp họ hết đau – là khả năng giảm thời gian, giảm chi phí, giảm độ khó hay giảm sự nhàm chán.
Đôi lúc khách hàng và người dùng hàng có những chỗ đau khác nhau (Lưu ý: Họ không nhất thiết phải là một người. Khách hàng là người trả tiền mua sản phẩm. Người dùng hàng là người trực tiếp sử dụng sản phẩm.). Vì thế, việc xác định chính xác hai đối tượng này hết sức quan trọng.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT ĐIỀU GÌ ĐEM LẠI KẾT QUẢ TỐT CHO BẠN VÀ DOANH NGHIỆP CỦA BẠN?
Để dò ra được chỗ đau của khách hàng tiềm năng, cũng như để đánh giá xem ý tưởng cho sản phẩm mới có Ổn không, bạn phải bước ra khỏi “vùng an toàn” – bốn bức tường văn phòng. Đúng vậy, hãy bước ra đường và bắt đầu tiếp xúc với khách hàng tương lai. Nhưng cần tiếp xúc với những ai? Bạn đừng mong tìm thấy họ qua các mẫu thông tin liên hệ lượm lặt được trên Internet. Rải hàng tấn email khảo sát ý kiến chỉ khiến bạn mất thời gian quý báu. Thay vào đấy, bạn có thể thử tiếp cận trực tiếp - chẳng hạn như hỏi thẳng một người xem anh ta cần gì. Nếu may mắn, anh ta sẽ cho bạn câu trả lời. Tuy nhiên, khách hàng tiềm năng thường chỉ mường tượng một cách mơ hồ về vấn đề đang mắc phải và họ cũng không hình dung được giải pháp nào sẽ khiến mình hài lòng. Henry Ford – cha đẻ của hãng xe Ford danh tiếng - từng nói: “Trước đây, tôi mà hỏi mọi người muốn gì thì chắc họ sẽ đòi ngay một giống ngựa nhanh hơn”. Vì chẳng có chiếc Ô tô nào xuất hiện trong suy nghĩ của họ cả!
TƯƠNG TÁC VỚI KHÁCH HÀNG!
Cách tốt nhất để xác định khách hàng tiềm năng và tìm ra chỗ đau của khách là quan sát, tham gia và tương tác với họ. Hãy học cách ghi chú và đi đến kết luận. Có thể bạn sẽ nghiệm ra được một cách làm mới thông minh hơn, nhanh hơn, đơn giản hơn, rẻ hơn hoặc thú vị hơn cho mọi người. Cứ thử đi! Bạn hãy ra ghế đá công viên ngồi và nhìn các khách hàng tiềm năng lướt qua. Họ đang làm gì và đang để tâm đến điều gì? Họ mang theo bên người những vật dụng hay thiết bị gì? Họ đi một mình hay đi theo nhóm? Những trải nghiệm thực tế như thế sẽ hé lộ nhiều thông tin quan trọng về khách hàng tiềm năng lẫn chỗ đau của họ – như một nhân viên bán hàng ở Harley-Davidson đã đúc kết rằng: “Nếu không đồng hành cùng khách, bạn sẽ không bán được hàng”.
Hãy học cách đồng hành! Làm một mẫu thử nghiệm, đi ra ngoài và bán! Rồi sẵn sàng chỉnh sửa để tạo ra những phiên bản mới. Bạn thu được càng nhiều ý kiến phản hồi cho phiên bản mới, bạn sẽ càng nhanh chóng phát hiện ra sản phẩm của mình có thực sự hữu dụng hay không. Nói chuyện với khách hàng tiềm năng và bán mẫu thử cho họ sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc dành hàng tiếng đồng hồ ngồi họp, phân tích và thảo luận chuyện sản phẩm sẽ “tuyệt cú mèo” ra làm sao. Hơn nữa, bạn sẽ hiểu được động cơ khách hàng chọn mua các sản phẩm của mình – điều đấy có thể hoàn toàn khác với lý do mà ban đầu bạn muốn bán chúng. Khách hàng đem lại ý tưởng để cải thiện hàng hóa và bạn sẽ nhanh chóng khám phá ra họ thích hay không thích điều gì ở sản phẩm hiện tại. Do đó, hãy Sớm tung mẫu thử đầu tiên ra thị trường!
Nhóm thiết kế của Apple cũng ra sản phẩm theo cách đó, các nhà thiết kế ở Volvo cũng đang làm vậy và nhà sáng lập IKEA thì vô cùng yêu thích công việc này. Nhưng càng ngày càng khó thuyết phục khách hàng tiềm năng lẫn người dùng cuối) dành thời gian đánh giá một sản phẩm mới. Chỉ riêng việc gây sự chú ý thôi đã khá nhọc nhằn. Thậm chí khi họ bắt đầu quan tâm, bạn sẽ nhận ra hầu hết mọi người đều đã bận kín lịch và không muốn thay đổi thời gian biểu hàng ngày chỉ để thử điều bạn muốn họ làm.
Một ngày chỉ có 1.440 phút mà đã dày đặc công việc, đi lại, ăn uống, tập thể dục, tán gẫu, dọn dẹp nhà cửa, giải trí – chưa tính đến cả ngủ nghỉ nữa. Bằng cách nào đấy, bạn phải thuyết phục khách hàng tiềm năng rằng thứ mà chúng ta đang làm hàng ngày chưa đủ tốt và anh/chị rất nên bỏ chút thời gian để nhìn qua giải pháp tuyệt vời mà tôi đang bày ra đây. Việc thay đổi thói quen của khách hàng dù khó nhưng Có thể thực hiện được. Thế nên những Công ty dám đương đầu với thử thách này thường được biết đến với mác “rủi ro cao, tiềm năng lớn” (“High risk, high potential”).
Ngoài ra, vẫn còn những cách tiếp cận khác. Có hai cách để thay đổi hành vi của khách hàng. Thứ nhất, hãy thử thay thế sản phẩm. Nếu một khách hàng nữ của bạn đã có sẵn ô tô để lái, sao không mời cô ta lái thử một chiếc khác? Cô ấy không hề bỏ đi thói quen của mình (vẫn lái ô tô), nhưng sự lựa chọn ở đây đã thay đổi – sang chiếc xe bạn gợi ý!
Cách thứ hai là mời khách hàng sử dụng một sản phẩm vượt xa sự mong đợi của họ. Ví như chiếc điện thoại di động đầu tiên - một bước đột phá vĩ đại trong ngành truyền thông - đã giúp con người giữ liên lạc với nhau 24/7. Rồi đến điện thoại thông minh (smartphone) giúp mọi người không chỉ trò chuyện qua điện thoại mà còn có thể kiểm tra email, nghe nhạc, chơi game ở bất cứ nơi nào hay làm cùng lúc với bất cứ việc gì khác. Đó chính là giá trị thêm vào của sản phẩm.
Kết luận: Đừng sản xuất ô tô khi khách hàng chỉ cần cái xe đạp
KHÁCH HÀNG CỦA BẠN LÀ AI?
HỌ CÓ CÙNG NỖI ĐAU KHÔNG? MIÊU TẢ NGẮN GỌN
ĐẶC ĐIỂM KHÁCH HÀNG VÀO KHUNG TRỐNG
TỪ CHỖ ĐAU ĐẾN SẢN PHẨM
Được rồi! Được rồi! Giờ bạn đã tương đối hiểu khách hàng của mình là ai và sản phẩm của bạn có thể giúp họ chữa “vết thương lòng” như thế nào. Thử thách tiếp theo là truyền đạt thông tin đó cho những đồng nghiệp khác trong nhóm, rồi tạo ra một giải pháp hoàn chỉnh và có triển vọng kinh doanh.
CHUYỆN THƯỜNG TIẾP DIÊN NHƯ SAU
Giờ bạn đã nắm khá chắc khách hàng đang cần cái gì. Họ đã nói với bạn, cho bạn xem cái họ cần là gì, thậm chí có khi cho bạn luôn vài ý tưởng về giải pháp. Bạn và cả nhóm sẽ lắng nghe, nghe thật kỹ, để có thể biến những thông tin đấy thành đặc điểm kỹ thuật của sản phẩm. Kinh nghiệm và chuyên môn của cả nhóm sẽ quyết định cách phân chia công việc nội bộ trong dự án.
Tiếp theo, giờ đây nỗi đau của khách hàng đã trở thành bản mô tả dự án. Bạn đưa nó cho bộ phận kỹ thuật - những người sẽ xây dựng bản phác thảo này thành một lộ trình với những mốc thời gian cụ thể và các kết quả tương ứng với từng mắc phải công nhận họ giỏi việc đấy thật!).
Sau cùng, nếu đội ngũ Công ty hiểu rõ chỗ đau của khách và các kỹ sư đã phát triển thành công giải pháp giảm đau thì bạn sẽ sớm có được sản phẩm cần thiết! Một khi bản mẫu (thông qua việc đào sâu tương tác với người tiêu dùng) được hoàn thiện, đấy là thời điểm để bạn tung ra. Sản phẩm giờ đã có mặt trên thị trường - thường là với một buổi ra mắt hoành tráng (được truyền thông nhắc đến càng nhiều càng tốt). Đội ngũ bán hàng giờ đã có thể bắt đầu đi tìm những khách hàng đầu tiên trong khi bộ phận điều hành thiết kế các gói tính phí – có thể kết hợp phí một lần khi cài đặt và phí duy trì hàng tháng để đảm bảo dòng doanh thu ổn định. Còn phí dịch vụ hỗ trợ khách hàng thì sao? Bạn nên cân nhắc việc khoản này sẽ được xử lý thế nào và do ai đảm nhiệm, Có cần gộp nó vào chi phí bán hàng hay không. Làm sao cho “không được miếng cũng được tiếng” là ổn. Tuy nhiên, vẫn còn vương lại một câu hỏi: Đây Có phải là thứ khách hàng thực sự muốn không? Nếu họ tiếp tục quay lại mua sản phẩm thì câu trả lời là có đấy!
ÔI, NHỮNG CƠN ĐAU!
Khách hàng của bạn có thấy đau không? Họ nói sao? Bạn đã học được gì từ họ? Bạn có đưa ra được giải pháp giảm đau cho họ chưa? Họ có mua giải pháp của bạn không? Cách sử dụng có đơn giản không? Bạn có làm thỏa mãn khách hàng chưa? Bạn chắc chắn chứ? Hãy cân nhắc lại lần nữa!
NỖI ĐAU CỦA KHÁCH HÀNG
SẢN PHẨM HAY DỊCH VỤ CỦA BẠN LOẠI BỎ NỖI ĐAU CỤ THỂ NÀO?
Giải thích chỗ đau của khách hàng
Ý tưởng: "Nhìn trong bóng tối à? Ôi trời, khó quá!"
Giải thích cách chữa trị của bạn?
Ý tưởng: "Bóng đèn".
Lưu ý: Thực hiện việc này khá khó, nhưng nếu bạn có thể triệt tiêu cơn đau cho khách hàng và lý giải được phương pháp, bạn sẽ thành công!
Bạn xác định chính xác chỗ đau của khách hàng vì:
Ý tưởng: “Tôi đã phỏng vấn, xem xét, quan sát, tham gia, trải nghiệm, trò chuyện, bán thử phiên bản beta(2)…”.
(2) Phiên bản beta: mẫu thử nghiệm sau phiên bản alpha (hoặc sau cùng) của một sản phẩm trước khi được bày bán chính thức; các sản phẩm beta thường được phân phát miễn phí hoặc bán rẻ cho khách hàng.
Bạn chỉ bán sản phẩm dựa trên đơn đặt hàng trước được không? Giải thích tại sao:
Ý tưởng: “Hãng Volkswagen tạo ra mẫu thử cho dòng xe Beetle mới. Họ quyết định sản xuất loại xe này vì bị thuyết phục bởi những phản hồi cuồng nhiệt từ công chúng cùng một loạt các đơn đặt hàng trước”.
BĂNG QUA VỰC THẲM
Xin chúc mừng! Bạn đã có được những khách hàng đầu tiên! Bây giờ, hãy tìm cách “băng qua vực thẳm”. Tức là ngoài nhóm khách hàng nhỏ hiện có, bạn cần cố gắng vươn tầm với, thâm nhập vào thị trường đại chúng rộng lớn. Geoffrey A. Moore đã phát triển một trong những mô hình có sức ảnh hưởng nhất cho các công ty có tiềm năng vượt trội, gọi là “vòng đời tiếp nhận công nghệ” (Technology Adoption Life Cycle). Trong cuốn sách “Crossing the Chasm” (tạm dịch: “Băng qua vực thẳm”), ông giải thích tại sao hầu hết các công ty không bao giờ nắm bắt được thị trường đại chúng. Nói một cách ngắn gọn, đấy là vì họ không nhận ra các nhóm khách hàng khác nhau có những nỗi đau khác nhau. Họ thất bại trong việc biến công nghệ (thứ mà hầu hết các công ty rủi ro cao – tiềm năng lớn đều bán trong những ngày đầu) của chính mình thành một sản phẩm thích nghi với sự thay đổi nhu cầu trong nhiều thị trường riêng biệt. Hầu hết các công ty đều gặp thách thức nghiêm trọng khi cố gắng nhảy qua bên kia vực. Ngay cả những doanh nghiệp hoàn thành việc đấy một cách xuất sắc cũng không lý giải nổi họ làm cách nào. Nhưng hãy chú ý: Công ty của bạn nhất định sẽ thay đổi, vì mọi chuyện đương nhiên phải thế thôi!
BƯỚC CHUYỂN MÌNH
Hãy cùng hình dung trường hợp một công ty vào rất nhiều năm về trước đã vượt qua vực thẳm như thế nào, bằng một sản phẩm có chức năng giúp mọi người chuyển kênh TV mà không cần đứng dậy, rời khỏi ghế ngồi. Bạn là người đứng đầu công ty đấy, dưới trướng là một nhóm các kỹ sư hết sức nhiệt tình và tuyệt vời. Bạn giao cho họ việc phát triển sản phẩm và họ hoàn thành xuất sắc công việc đó. Sản phẩm mẫu thử đầu tiên là một chiếc điều khiển từ xa có 8 nút. Sản phẩm tiếp theo có 10 và chiếc sau đấy nữa có 14 nút. Rốt cuộc, bạn quyết định tạo ra một thiết kế liều lĩnh gồm 20 nút, nhưng “may thay”, ngân quỹ cho các kỹ sư đã cạn kiệt ngay trong công đoạn thiết kế và bạn buộc phải dừng việc phát triển sản phẩm lại. Trước thời điểm tiến gần đến bờ vực, những khách hàng đầu tiên của bạn mê tơi chiếc điều khiển từ xa mới, vì họ không phải nhích mình ra khỏi ghế đi-văng nữa. Họ thích tất cả các nút bấm ngộ nghĩnh – cho dù chỉ có thể sử dụng ba hoặc bốn nút mà thôi. Đối tác, nhân viên và những nhà đầu tư tiềm năng của bạn cũng mến chiếc điều khiển từ xa này, vì niềm đam mê công nghệ mới.
Sau cùng tính mới lạ của sản phẩm giảm xuống khiến người tiêu dùng dần quên đi tại sao họ lại thích chiếc điều khiển của bạn đến thế. Tất cả những gì họ thấy bây giờ là một thiết bị xấu xí với quá nhiều nút bấm mà chẳng ai biết công dụng là gì. Họ gạt phăng đứa con tinh thần của bạn sang một bên để quay lại dùng cách chuyển kênh TV cũ. Điều đấy nghĩa là gì? Bạn đã băng qua vực thẳm! Những nhu cầu đặc biệt hơn đã trỗi dậy cùng với nguồn khách hàng mới. Bạn cần phải điều chỉnh sản phẩm theo sự tiến hóa của nền cơ sở khách hàng và các yếu tố thị trường đang thay đổi (thậm chí cũng cần phải tạo ra một bộ phận “Sales & Marketing(3)” mới!) rồi tìm kiếm những đối tác mới. Hãy chắc chắn bạn đang suy nghĩ lại giải pháp cho cơn đau của khách hàng. Bạn có thể nghĩ lại xem: Chính xác thì họ cần bao nhiêu cái nút bấm?
(3) Sales & Marketing: Tiếp thị & Bán hàng.
BĂNG QUA VỰC THẲM
THỬ THÁCH: HÃY MANG SẢN PHẨM TỪ CÁC NHÀ CẢI CÁCH VÀ KHÁCH HÀNG
TIÊN PHONG VƯỢT QUA VỰC THẲM, HƯỚNG TỚI THỊ TRƯỜNG ĐẠI CHÚNG.
MỘT NGÀY TRONG CUỘC ĐỜI KHÁCH HÀNG
Họ sẽ sử dụng sản phẩm như thế nào?
Ý tưởng: “Một chiếc Harley–Davidson được cưỡi bởi một tay kế toán viên 47 tuổi, mặc đồ da màu đen và có lý tưởng sống ngoài vòng pháp luật.”
Họ sẽ dùng nó ở đâu?
Ý tưởng: “Trên những con đường đầy gió vùng ngoại ô hoặc trong các chuyến du ngoạn ‘thị uy’ ở thị trấn nhỏ, làm mọi người xung quanh khiếp hãi.”
Họ sẽ sử dụng nó khi nào?
Ý tưởng: “Xe Harley–Davidson được dành cho những ‘cú lượn tự do’ vào cuối tuần khi chủ sở hữu muốn khẳng định sự tồn tại của bản thân.”
Lưu ý: Bạn có giải quyết các vấn đề trên các đoạn đường khác nhau trong suốt hành trình sử dụng sản phẩm không? Ví dụ: lúc mở hàng ra, lắp đặt, sử dụng, hủy hàng, v.v.
TÓM TẮT CHƯƠNG – KHÁCH HÀNG
Điều quan trọng là bạn phải xác định được chỗ đau của người tiêu dùng. Bên cạnh đấy, niềm đam mê tìm kiếm và chữa khỏi cơn đau ấy phải liên kết chặt chẽ tới những khách hàng đang chuẩn bị trả tiền để được chữa. Nếu bạn không biết họ bị đau gì thì bạn phải quan sát và tương tác với họ. Trực tiếp xin lời khuyên khách hàng không phải lúc nào cũng là chiến thuật tốt nhất. Nếu đồng hành cùng khách thì bạn có thể bán hàng cho họ! Khi câu trả lời là “không” đối với bất kỳ câu hỏi nào dưới đây, bạn cần phải tiếp tục nghiên cứu bánh răng này.
CÁC CÂU HỎI CẦN ĐƯỢC TRẢ LỜI:
1. Bạn đã tìm ra được chỗ đau nào mà rất nhiều các khách hàng tiềm năng cùng có chưa? Làm cách nào bạn biết được điều đó?
2. Bạn và đội ngũ của bạn có ham muốn tìm cách trừ bỏ cơn đau ấy không?
3. Bạn đã biết những khách hàng đầu tiên của mình là ai chưa?
4. Bạn có thể làm một mẫu thử giúp khách hàng hết đau không?
5. Bạn sẵn sàng vượt qua vực thẳm khi thời gian chín muồi chứ?
ĐỒNG BỘ HÓA CÁC BÁNH RĂNG CỦA BẠN… ĐỒNG BỘ HÓA VỚI KHÁCH HÀNG
Khách hàng là nơi mọi chuyện bắt đầu và kết thúc. Mọi thứ bạn làm kể từ nay phải gắn kết với mong muốn của họ.
GHI NHỚ
Hãy đồng hành cùng khách hàng và hiểu nỗi đau của họ. Sau đó, phát triển một phương thuốc cho họ.
CÂU CHUYỆN MINH HỌA
Adayroi – Hành trình chinh phục khách hàng
Đối với ngành dịch vụ nói chung và thương mại điện tử nói riêng, ngoài bảo đảm chất lượng sản phẩm thì chìa khóa tạo nên sự khác biệt, giữ chân người dùng không gì khác chính là dịch vụ chăm sóc khách hàng. Việc làm hài lòng khách hàng không phải chuyện dễ dàng mà cần trải qua một quá trình thấu hiểu và cải tiến chính mình để đem đến trải nghiệm tuyệt vời nhất dành cho họ.
Tôi xin phép được kể một câu chuyện mà Adayroi từng trải qua để minh chứng cho điều này. Khi website vừa ra mắt, chị An - nhân viên văn phòng - đã thử đi chợ online lần đầu tiên trên Adayroi. Vì đơn hàng của chị An chủ yếu là hàng tươi sống, Adayroi đã cố gắng đẩy nhanh tốc độ nhằm có thể giao hàng ngay sau đó 90 phút. Tuy nhiên, chị An đã gặp phải một chút phiền toái bởi vì văn phòng nơi chị đang làm không có thiết bị để bảo quản đồ tươi. Điều này khiến cho sản phẩm chị An đặt mua cho buổi cơm chiều không còn tươi nguyên như lúc nhận hàng.
Chị An đã liên hệ tổng đài “Chăm sóc khách hàng” để góp ý về thời gian và không tiếp tục mua hàng tại Adayroi vì thời gian giao hàng chưa hợp lý.
Việc chị An không tiếp tục sử dụng dịch vụ khiến Adayroi quyết định nghiên cứu và cải tiến quy trình giao hàng theo yêu cầu của khách. Điều này đòi hỏi công ty phải tiến hành thay đổi rất nhiều thứ trong hoạt động lưu trữ hàng hóa và vận hành. Cuối cùng, sau một tháng nỗ lực tìm hiểu và thử nghiệm, chức năng giao hàng chính xác theo giờ hẹn đã đi vào hoạt động và bắt đầu nhận được những phản hồi tích cực từ khách hàng.
Ngay sau đó, bộ phận “Chăm sóc khách hàng” liên hệ với chị An để bày tỏ sự tri ân và tặng chị cuốn sách “Nấu ăn bằng cả trái tim” của Christine Hà với hy vọng chị có thể tiếp tục trải nghiệm mua sắm thực phẩm cho gia đình trên Adayroi. Chị An cảm thấy rất vui và bất ngờ vì Adayroi đã thực sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến của khách hàng. Từ đó, Adayroi đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc đặt mua thực phẩm hàng ngày của chị.
Qua câu chuyện kể trên, tôi hiểu rằng mỗi ý kiến nhận được khi khách hàng không hài lòng là một bài học để cải tiến dịch vụ của mình. Cũng chính từ đó, Adayroi đã cho ra đời chương trình “Alo tôi nghe!” để tạo điều kiện cho cán bộ quản lý ở tất cả bộ phận trực tiếp đón nhận chia sẻ từ tổng đài “Chăm sóc khách hàng” hàng tháng. Mục tiêu của chương trình là lắng nghe những góp ý trực tiếp từ khách hàng và liên tục đề ra phương án cải tiến nhằm đảm bảo trải nghiệm mua sắm tốt nhất cho người tiêu dùng.
Lê Hoàng Uyên Vy
Tổng giám đốc VinEcom