Nguyễn Văn Học
1.
Chủ bút hầm hập trách tội đàn em một chút lơ là đề hỏng việc. Một cái tin sai sự thật, cấp trên đập bàn khiển trách, toà soạn u ám như cả năm không tiền lương. Cuộc họp đột xuất được tổ chức. Đàn em tối tăm mặt mày, mấy anh chị can gián nói đỡ cũng chịu chung số phận. Chủ bút hùng hồn tuyên bố toàn bộ nhân viên từ bé đến lớn sẽ bị cắt tiền thưởng dịp này. Nhớ lấy.
Chủ bút không làm anh em toà soạn sợ vì cái uy, mà sợ tính gàn dở. Với ngài, báo chí sắp đặt, văn chương xoa đầu. Miệng liến thoắng nói góp ý phê bình báo nhưng anh em nào ho he ý kiến ý cò bị ngài trù dập ngay. Thế nên, không chắc chắn đẻ ra Tổng Biên tập để áp đặt chủ quan ngài hay để ngài lãnh đạo tờ báo phát triển, đi lên. Trang văn nghệ ngài nói bây giờ phải cách tân, không có chút máu me đêm tân hôn, không có tí trần truồng văn nghệ không mùi mẫn. Nên tôi chỉ là kẻ nạp đạn còn người bóp cò là chủ bút. Đạn nạp rồi có thể loại ra. Ngài thường vỗ vai tôi nói cái truyện này của ông này khá to, đăng được đấy. Tôi đọc, có ý kiến truyện ở vào dạng xoàng, đều gương người tốt việc tốt theo kiểu phóng sự. Chả có chút văn nghệ. Chủ bút lại vỗ vai, ông ta không là dân chuyên nghiệp, viết thế là tài lắm. Không có văn thì cho thêm văn cho họ, anh là nhà văn trẻ, chẳng khó đâu. Biên tập lại. Duyệt.
Vài ngày sau thấy tác giả truyện ngắn rước chủ bút đi uống bia. Vung ra những cái bắt tay nồng nhiệt nóng bỏng tình thâm. Anh em dưới quyền không còn cách nào khác là chấp nhận sự nghiệt ngã này. Bởi tổng là ngài.
Tôi, nhà văn nhiều khiếm khuyết, giấc mơ sau xoá giấc mơ trước, lúc bùng lên, lúc tắt đi, lúc nào cũng hăm hở. Tôi viết vì tôi đáng phải như vậy, một trách nhiệm với đời mình. Đọc sách lý luận chăm chỉ âm ỉ ngấm, tôi thấy mình không có tư cách để không viết. Viết vừa khổ vừa mừng.
Những người bạn tôi cũng vậy, đôi khi giấc mơ bị biến thành cuộc mặc cả, thanh toán, tiền nong. Nhưng chúng tôi cùng hăng hái tiến lên, vì thế mà hợp nhau. Vừu là người bạn thân nhất, chúng tôi chứng kiến những bước đi của nhau trong đời và mong mỏi nhau thành đạt. Câu chuyện tôi đang kể thì Vừu bận về quê. Một chút trục trặc gia đình. Lúc nào hắn cũng có vẻ tất bật. Người thân nữa là Gáo. Tuổi sàn sàn nhau. Gáo mất ba năm làm báo vặt chờ việc, và gấp ba ngần ấy rèn rũa văn chương trong thất vọng. Kẻ thắp lên ngọn lửa cho hắn là những người bạn. Chúng tôi tự thắp cho nhau.
Cha mẹ tôi thuần nông, cả một vùng rộng mênh mông quê tôi xưa nay chưa có nhà văn nào. Ngày nhỏ tôi hay mơ mộng hão huyền vì quá vất vả. Khổ quá dễ mơ hão. Cha tôi ngày xưa vì hoàn cảnh mà đào ngũ, để mang tiếng xấu không cơ nào rửa trôi. Đêm đêm ông châm vào bóng đêm những đốm lửa bằng cái đóm, đặt vào nõ điếu và rít. Tiếng rít ngày càng nhỏ cùng sự giảm sút sức lực của cha. Năm tôi hai tám tuổi, được in tập truyện dài Cha yêu cha quý thì người mất. Cha cầm cuốn sách của con trai những giây phút cuối đời, trân trối con hãy tìm ra con đường để quê mình thoát khỏi cảnh trồng rau nghèo nàn. Tôi gật đầu, và nước mắt túa ra. Nhưng chắc chắn tôi không bao giờ quên lời dặn của người. Tôi viết văn là để nhớ đến người. Cha tự hào vì có con viết bài được đăng báo. Mẹ tôi thường là hình ảnh để tôi miêu tả về những bà mẹ. Người là cảm hứng đầu đốt trong tôi niềm thơ. Tôi làm thơ trước khi viết truyện và tiểu thuyết. Dáng mẹ đi khắc khổ, gắn với chiếc nón mê hay cái quang gánh. Có thể bắt gặp ở bất cứ làng quê nào. Khắc khổ khắc vào giấc mơ tôi, mồ hôi nhỏ trong chập chững đường văn tôi, cả cái hắt xì hơi mẹ cũng khiến ngòi bút tôi thức giấc. Ngày tôi đi học mẹ dặn cố gắng thoát nghèo, con ạ. Học hành mới bằng người. Mẹ được gọi là tân tiến bởi ý nghĩ tân tiến ngày đó. Làng ít học. Tạm gọi thế. Đến thời kinh tế mở cửa thế kỷ hai mốt người ta mới nghĩ đến chuyện học của con em. Mẹ bảo đừng chúi vào viết vẽ lăng nhăng, những thứ chẳng ra tiền. Chỗ này thì tôi không nghe mẹ. Bí mật viết, hâm nóng ước mơ.
Giờ về quê mẹ vẫn gọi tôi là thằng chữ nghĩa, một điều Cu hai điều Cu. Tôi mãi là cu con bé nhỏ của mẹ.
Trời đã mùa đông từ bao giờ. Tôi ném mình vào một cuộc dạo phố đơn độc. Người viết văn đôi lúc thấy mình lẻ loi trước đồng loại, muốn tìm một trò tiêu khiển. Ra khỏi cơ quan trong nặng trĩu nỗi buồn. Lão chủ bút có cái cười khả ố đáng cho một nhát cùi tay vào mặt khiến máu tôi sôi lên. Máu phó ban biên tập sôi lên. Máu biên tập sôi lên. Tôi tìm một chiều bình yên nơi đô hội. Chấp nhận một công việc trong đó, có nghĩa là chấp nhận sống với một tờ báo đã chết. Tôi chỉ còn niềm vui là chăm chút những đứa con riêng tư của mình.
Mấy khách du lịch ba lô bị níu kéo chụp ảnh. Cô phó nháy mặt nhiều trứng cá tươi cười mời, ông khách lắc đầu. Khuôn mặt bỗng chuyển trạng thái trời từ nắng sang mưa. Tôi mất ba phút để nhìn một cô gái không cần biết đến cái lạnh, cứ thản nhiên bộ áo quần mát mẻ khéo léo hở giữa mùa thu dạo phố. Cũng chừng ba phút để nhìn một đôi trai gái yêu nhau và nghĩ về một tình yêu lãng mạn. Giàu có không đi với văn chương. Vợ tôi không hề có chút cảm tình với văn chương. Nhưng làm sao chúng tôi lấy nhau, thú thực giờ tôi vẫn um úm lạ. Nhiều người bảo như vậy mới chung thuỷ. Thật sự có chút đúng, vì từ ngày cưới tôi mới dăm ba lần phản bội. Lấy người vợ làm văn chương, họ thường ít khi chịu thua kém chồng, nên xảy ra xô xát.
Gió gờn gợn trên mặt hồ. Tôi ngồi tựa lưng ghế đá. Có đứa trẻ con duyên dáng nhảy một mình, mái tóc vàng hung ngây thơ. Không có một chút nào của nỗi buồn.
Tôi nhớ về một gia đình, trong ý nghĩ. Gia đình đó là không gian truỵên của tôi. Chồng và người vợ đều là những người tôi từng chơi thân. Người chồng là bạn học, còn người vợ tên Hồng thậm chí một thời gian tôi ngưỡng vọng.