Người mẹ hay nhì nhèo vì thằng con trai mãi không bỏ được bệnh đái dầm. Mười sáu tuổi vẫn đái dầm. Cái thằng ranh ma, tai hại - người mẹ nói - nghịch ngợm lắm, chữa trị tốn công tốn sức chả ăn thua. Thằng con đi đâu thì chớ, về nhà nghe mẹ nhì nhèo, lại om xòm. Thằng con gắt: Mẹ lúc nào cũng vậy, im mồm đi được không? Ai mà muốn! Người mẹ tức tối: Thôi được rồi, lớn là cãi lại, tao chịu thua! Mặt người mẹ nóng hầm hập.
Thái đi từ bên ngoài về, mặt mũi bạc phếch vì mệt. Mấy ngày anh chạy suốt trên đường, hết Tây Bắc lại vào Tây Nam. Những chuyến hàng, may mắn trót lọt thì vui, không thì mặt anh đăm đăm khó. Thời buổi người khôn của khó, công an nghiệp vụ cao, qua mắt bọn họ phải vắt óc nghĩ. Lại phải “làm luật” với một số sếp to. Sống được bằng nghề này phải được sự “bảo trợ” của một số quan chức. Người ta cứu cho không thì mệt nghỉ trong tù!
Thấy chồng về, Hồng không nói nữa, nhưng khuôn mặt đăm đăm.
- Em mang cái bị ở đâu về thế?
- Hôi hám quá. Tính đi chứ, cứ để thế này chịu sao được.
Thái thả mình xuống salông, thở dốc. Anh tu một chai nước Lavi đã để sẵn đó.
- Chưa tìm được thì phải chịu, ai còn muốn chịu thối. Em thấy đó, y tế có kết quả gì đâu.
- Em nói nhiều rồi. Thối không phải chỉ y học. Một nền y học chết tiệt!
Không chịu được những lời càu nhàu, oán trách thô thiển của vợ, Thái dở điện thoại ra bấm, alô, ông Cường à, một ít hàng trắng mắc kẹt ở biên giới Tây Nam, đàn em tôi độ này yếu quá, đen nữa, “sa lầy” suốt. Ông muốn làm gì? Người ở đầu dây kia hỏi. Ông giúp tôi xoa dịu, tôi bồi cho một ít về bên này...
Cuộc thoả thuận giữa hai bên có vẻ ổn. Thái biết cách nên “nuôi” các quan chức đó như nào để họ giúp mình đúng lúc. Đồng tiền đi đúng cửa khả năng thành công cao hơn. Anh cười ha hả. Tay Cường chắc như đinh đóng cột vậy là được. Số hàng này đâu có nhỏ. Thái thở dài.
- Lại gặp khó khăn à? - Người vợ hỏi.
- Chắc gỡ được, chuyến này nhiều.
- Nguy hiểm lắm, em run đấy.
- Đàn bà có khác! Tôi có bắt cô đi làm đâu. Sốt ruột!
Dù chồng nói “chẳng chó nào làm gì được chồng em”, nhưng trên mặt người vợ còn rấp rính trăn trở. Chị trở vào trong, định nấu cho chồng món gì đó.
Cậu con trai từ trên gác xuống, thấy bố lùi lũi cúi mặt. Thái gọi con lại. Thằng Bát nhăn nhó nói con vội, phải đi ngay.
- Cu cậu vội mà không nói với bố được một câu à?
- Rồi! Con chào bố. - Thằng Bát lẳng lặng đi.
Người mẹ nhìn con lắc đầu. Chị sợ chồng thấy điệu bộ đó, lảng chuyện khác. Chị nói đến chuyến hàng. Thái không muốn một chút dính dáng gì của vợ nên không thổ lộ, xua đi bằng một làn khói thuốc, với cái vỏ bọc lạ lẫm anh kiếm được trong chuyến đi vừa rồi.
- Thầy vừa gọi điện nói Thằng Bát bỏ học nhiều quá. - Hồng thông báo.
Thái gác hai chân lên mặt bàn, nhả khói, đăm chiêu nghĩ.
- Nó không thích học mà.
Ngày còn học cấp một, thằng nhóc là một nhân vật bất trị của trường tiểu học Nga Bình. Cô giáo chủ nhiệm đến phát khóc xin được thôi dạy lớp đó. Nó cứng cổ đánh bạn, bỏ học giữa buổi và quần áo thường bê bết đất cát, thường mang cả mùi khai khú đến lớp. Trong nhà, có mấy thứ đồ cổ của ông nội. Thằng Bát thường lợi dụng lúc cả nhà đi vắng, đái vào đó và để nguyên chỗ cũ. Nó lấy những nghi hoặc của bố mẹ, chị gái về sự hư đốn của cái nhà vệ sinh làm trò vui. Có khi người nhà nghi cho con chuột chết ở chỗ nào đó, hoặc đổ cho mùi từ nhà hàng xóm bay sang. Đôi lần, Bát về nhà bà, nó vớ được cái hũ mắm của một người bà con nơi quê biếu. Nó cầm cò đái tồ tồ. Hai bận như thế. Lần một nó đậy nắp vào, lần hai quên. Hũ mắm để dưới gầm chiếc tủ trong nhà bếp. Lúc bà kiểm tra thì hũ mắm bốc mùi, không chịu được. Thằng Bát cười hề hề khi biết tin.
Sinh ra, Bát mũm mìm đáng yêu, ngoan lạ lùng và nói những câu lạ lùng. Đến năm lớp 7 đổ đốn sinh chuyện. Hàng xóm bảo ảnh hưởng của bố mẹ. Vợ chồng Thái - Hồng không biết nguyên nhân sinh “bệnh” của con trai.
Ngôi nhà này xảy ra nhiều chuyện lạ lùng, ngay cả Thái là chủ cũng vậy. Anh thi thoảng cũng đái dầm. Mỗi lần xảy ra thường anh lấy lý do bị mê nên mới vậy. Người vợ vài ba lần từ chối ngủ chung giường. Thái không chịu, hứa sẽ sửa, nhưng khó. Sau này buổi tối anh cố không uống nước, chuyện này mới bớt chút ít. “Bố con mày định biến cái nhà này thành chỗ chứa nước đái à?” Hồng hỏi chồng và con. Thằng Bát hềnh hệch cười, Thái gườm gườm bỏ đi. Hồng chịu khó đi chùa khấn vái cầu khẩn, cũng xui chồng công đức thật nhiều để khỏi cái sự lạ lùng kia. Mặt khác, nhờ sự can thiệp của ngành y, vợ chồng đưa con đi chữa rất nhiều nơi. Tìm cả những bài thuốc đắc địa. Tất nhiên có bí mật hỏi chữa cho chồng, nhưng không mấy thuyên giảm. Rõ ràng do quả thận hư, cái lò luyện trần gian ấy. Để chữa được cái thận hư này sao khó quá. Y học chịu không kết luận được chính xác bệnh gì đọng trong hai quả thận của cha con nhà này. Cắt phăng teo thì còn gì. Thế là cứ để chịu đựng, lưu cữu những lo lắng, mùi hôi hám do nó gây ra.
Năm đó, Thái may mắn cứu được một người bị tai nạn ôtô trên đường từ Điện Biên về Sơn La. Đường núi gập ghềnh vắng và đầy hoang lạnh lẻ loi. Gia đình nhà đó cảm ơn vì chồng họ, con họ không chết. Thái không lấy tiền tạ ơn, bảo họ cứ an tâm sống, đi đường cẩn thận. Đêm ấy hai vợ chồng bảo nhau thắp hương trên ban thờ cầu mong trời phật nhủ lòng. Con đã cứu được người, xin hãy giúp con. Cho chồng con, thằng bé khỏi cái bệnh lạ lùng. Bệnh không khỏi ngay, khi hai vợ chồng không chờ mong nữa thì bệnh đỡ, chỉ diễn ra với số lần rất ít, nhiều nhất là tháng một lần.
Dạo nọ, cô con gái xinh đẹp của họ bỗng nhiên mắc chứng bệnh ngớ ngẩn. Không biết nguyên nhân vì sao. Con bé lảm nhảm linh tinh, nhớ nhớ quên quên đáng thương. Thái lại nghĩ hay là mình lỡ chém cụt hai ngón tay của thằng đàn em mà bị trời phạt. Anh đến tận nhà tên đó, xin lỗi, bồi thường hậu hĩnh. Cũng về nhà khấn vái hương hỏa, chờ đợi ngày con gái lành. Nhưng chuyện không theo ý muốn. Bà mẹ đẻ ra Thái khom khom lưng, bỏm bẻm nói: “Anh chị đừng làm gì thất đức để ảnh hưởng đến con cái”. Thái xin vâng. Hồng miễn cưỡng gật, buông thêm cái nguýt dài thượt, miệng rì rầm bà lắm chuyện! Đến cuối năm bệnh của cô con gái khỏi. Nói năng bình thường. Chơi bời bạn bè bình thường. Người mẹ hỏi con có nhớ mình đã làm gì nói gì trước đó không. Nó lắc đầu không biết.
Ngày mới sinh ra, con bé cứ huơ huơ cánh tay như đứa trẻ làm trò. Bốn tháng biết chuyện một mình, cười khành khạch. Người mẹ ngủ bên con, ban đêm nghe thấy tiếng đòi đứa bé văng vẳng rợn người, từ một miền xa thẳm mung lung. Chị sợ, đòi chồng vào nằm cùng cả với con. Không còn tiếng đó nữa. Người chồng cũng quen ngủ ba người. Hai vợ chồng hai bên, đứa con nằm giữa. Có khi đứa con nằm một bên.
Thằng Bát được nuông chiều ngày càng trở nên bất cần mọi thứ. Nó giống một con thú hoang ương ngạnh khó thuần. Con thú sống nhiều bằng bản năng. Một mình rong ruổi chiếc xe. Bát thích chở nhiều đứa bạn cùng lúc, bất kể nam hay nữ. Đứa nọ áp vào đứa kia, có khi chiếc xe tội nghiệp gánh bảy đứa.
Thái nghi ngờ mảnh đất này có vấn đề. Anh nhờ thầy thông thiên văn tường địa lý đến. Thằng Bát ngoan ngoãn thông minh, mới mấy tuổi biết tính đổi tiền đô với tiền Việt. Thế rồi sự hư thân mất nết từ đâu cứ thế đổ về. Thầy vuốt râu nói đây là một công việc rất khó. Nhìn đâu cũng thấy tà khí. Đây không phải đất thổ cư lành lặn. Trên bản đồ, vào thời Lý, chỗ này có con mãng xà khổng lồ án ngữ. Trước đây không ai xây được nhà. Về sau có một cô gái chết vì bị tường đổ. Dân nói con mãng xà đã lấy một mạng người nên nó tạm cho làm nhà lên người nó, thi thoảng về đòi nợ máu, ác nghiệt ác nghiệt. Thái nửa ngờ nửa tin. Thầy vung tay, xoay tay, vẹo đầu, rồi chắp tay, trông kỳ dị. Thầy lắc đầu chép miệng. Thái dúi vào túi thầy mấy tờ bạc cuộn tròn. Trăm sự nhờ thầy. Thầy cười tươi hơn. Rồi làm phép một buổi sáng đẫy đà trừ tà ma, cúng tế thần xà. Sau đó thầy ôm cả thảy ba triệu đồng cùng mối nghi hoặc của vợ chồng Thái ra về.
Ba tháng sau nghe nói thầy bị gãy bốn cái răng vì một anh chàng khoẻ tay. Vợ anh ta nhờ thầy về cúng tế, anh không chịu được những nhảm nhí thầy gieo vào cái đầu khiêm tốn thông minh của vợ. Thái không ngừng tìm thầy. Nhưng bóng dáng một ông thầy có thể cắt được lo lắng cho anh và kiệt cùng những lạ lùng thì chưa sao thấy. Tạm thời anh vẫn phát đạt trên đường làm ăn với một cái đầu tuyên bố không cần học cũng kiếm được tiền.
- Không còn cách nào sao? Anh đi Tây đi Tầu, chả nhẽ chịu bó tay - giọng Hồng chì chiết.
Thái không cho phép mình lười nhác tìm kiếm. Đã ngót một chục ông thầy được rước về rồi. Dường như các thầy vào tay Thái bỗng mất hết pháp lực. Cứ ôm tiền rồi biến mất, còn bệnh lạ thì chưa.
- Tôi có nằm im mà chịu trận đâu. Mấy thằng thầy đều vô dụng cả. Không hiểu chúng nó lừa lọc thế nào mà vẫn giàu.
Ngày trôi miên man.
Thêm một ông thầy hôi khẳm được đưa từ vùng núi Tây Bắc về. Thái dùng cả ôtô riêng để rước ngài. Vừa nhìn thấy điệu bộ nhũng nhẵng, với tứ chi gần bằng nhau, gần bằng que vung vít lung tung, Hồng vừa tức vừa buồn cười. Tóc của thầy bờm xờm dài, loăn xoăn sợi nhỏ như đuôi chó ghẻ. Hồng nói nhỏ vào tai chồng, tay khua khua trước mặt, chun mũi. Hôi lắm anh ơi, liệu có hiệu quả không? Thái khẳng định, đám bạn đã rất tinh tường chọn rồi. Những kẻ ăn mặc sạch sẽ không có tài, trông bẩn thỉu mà được việc. Biết đâu...
Thầy cởi chiếc áo rách tươm vứt vào chiếc nón nứa của người dân tộc thiểu số, vung vung cán cờ đen bằng giấy, buộc vào đầu đoạn tre, lẩm bẩm đọc. Rồi thầy bỏ đồ hành lễ. Những nghi thức này Hồng chưa thấy bao giờ, nhưng Thái đã thấy trên những bộ phim về đồng bào thiểu số, và vài bận ở bản mường xứ núi Hòa Bình. Những tiếng gầm rú ghê rợn. Hai vợ chồng hồi hộp đợi chờ.
Thầy làm lễ chừng hơn một tiếng thì đứng lên lấy tay lau mặt, nói xong rồi. Đất này có ma, con ma to lắm. Con ma này không khát máu nhưng rất nghịch ngợm, thích đùa bỡn. Nó muốn ông bà phải sống có ích. Tốt nhất lên rừng mà ở. Tại đó uống nước suối, ăn quả rừng, thịt rừng. Vài năm mới khỏi.
Hồng thét lên. Thế thì kinh khủng quá. Thái níu vợ đứng sang một bên, hỏi thầy còn cách nào không. Thầy lắc đầu, chả còn cách nào khác. Phải vậy thôi à!
Lại “bai bai” thầy.