Tôi tìm được lý do nói với vợ mình lang thang. Vợ nói tôi về sớm để đi xem phim ở rạp Quốc gia. Bạn tôi cho mấy vé từ hôm trước. Hai mẹ con chờ đợi hồi hộp. Thằng con quý hoá luôn giục giã bố mẹ chẳng chịu đưa con đi xem phim, các bạn trong lớp đi thường xuyên. Người làm cha nhiều lần phải nhăn nhó nói với con bố mẹ quá bận, nếu muốn thì bố có thể chi tiền. Thằng cu lắc đầu, đi một mình chán chết. Bọn bạn chúng nó đi có bố mẹ cô dì chú bác rồi.
Nhanh lên nhé anh. Tiếng vợ tôi chát chúa. Tôi ừ ừ cúp máy. Đột nhiên gió làm rùng mình. Một chút nhoi nhói trong óc. Tôi liên tưởng đến cơn sốt. Có lẽ thời tiết đang đổi, trời phơi phới nhiều mây, gió có lúc quẩn. Nhưng không, ít phút sau, một cú điện thoại chói gắt thông báo cho tôi về hoàn cảnh của bạn mình. Chân tay rụng rời.
Lập tức tôi cắm cổ vào viện.
Bệnh viện, tấp nập người ra vào. Những tiếng rên la, những gương mặt hốt hoảng đau đớn của cả bệnh nhân lẫn người nhà. Người ta vì sơ sểnh thương tích đớn đau sứt đầu mẻ trán gãy tay mà gặp nhau ở đây. Người ta vì coi thường, chẳng nể nang đánh chém nhau mà vào đây. Người ta vì khách quan ngoài ý muốn mà vào đây. Người ta... Vì cả chán sống nữa, yêu cuộc sống nữa. Những va đập. Những điên loạn. Những toan tính.
Bạn tôi nằm thở thoi thóp, mặt méo xệch vì đau. Bác sĩ đang làm công việc của mình. Người va quệt vào Vừu làm thành tai nạn này cũng có mặt. Anh ta tai tái, khắc khổ. Loi choi nâng đỡ Vừu. Chẳng ai muốn thế này. Đau người khổ mình.
Sau đó tôi được biết anh ta chỉ là người đi đường, chung cú ngã của Vừu. Anh không sao, chỉ nát mất một chục đậu phụ vừa mua ngoài chợ.
Tôi nhầm. Chỉ có mình Vừu gây tai nạn cho mình. Anh ta là người tốt. Một người tốt trong rất nhiều người tốt. Anh mang Vừu vào đây, gọi hai người trong cơ quan theo yêu cầu của Vừu.
Bạn tôi được đưa vào nằm trong một căn phòng im ắng sau khi đã tạm ổn. Băng bó tay và chân. Hai chiếc xương sườn bị gẫy. Vừu nói không ra hơi.
Hắn chán. Quá chán đời! Giọng nói còn sặc hơi rượu. Tôi có thể đoán được tám mươi phầm trăm vấn đề.
- Tại sao ông bi quan thế? Chưa bao giờ thấy ông tuyệt vọng như vậy. Có phải chỉ riêng chuyện gia đình?
- Đời tôi nó chó thế đấy ông ạ, trời chẳng cho cái gì cả - Vừu nhăn nhó nói - Muốn chết đi để nỗi khổ mình cũng chết, mà vẫn châng lâng để thấy ông và mọi người.
Nhục quá.
Bên chân bó bột, cái đầu băng trắng toát lạnh nhạt khiến Vừu trông vừa ngố vừa đáng thương.
- Tưởng vài chén rượu có thể làm ông chết được hả? Tôi có ông bạn nói thế này: đàn bà là thứ để giải quyết cho ta những rắc rối, mà không có họ thì rắc rối không xảy ra. Tôi không bắt ông phải cam chịu, nhưng có nhiều cách để ông giải quyết cho thật ổn. Ông là chồng, là cha. Vợ cần ông tỉnh táo, con cần ông trách nhiệm. Phải chịu nhiều đau đớn nữa ông mới chết được.
Vừu đau đớn nghĩ, vừa lúc bác sĩ trưởng khoa nghiêm trọng vào thăm. Trong cái bệnh viện này, trưởng khoa vào thăm là một đặc ân. Thường là vậy, bệnh nhân gãy tay gãy chân khi vào nhập viện còn phải chờ đợi méo mặt mới được khám chữa. Mà người nhà không tường tận một chút thì bệnh nhân tha hồ nhăn nhó kêu gào vì cách chữa trị thô bạo. Lúc vào tôi đã nói với các bác sĩ đây là một nhà văn có tiếng, người vừa ra cuốn sách làm rung động cả tầng lớp trí thức, sinh viên đến cả công nhân. Chính ông ta đấy. Không may cho ông ta là chiếc ô tô chết tiệt lù lù cản đường, cả chiếc xe máy của ông ta cũng chết tiệt nốt. Chỉ người bị Vừu ngã vào, đưa anh vào đây là tốt. Và giờ thì ông nhà văn này tha hồ am hiểu bệnh viện, tha hồ làm quen với bác sĩ y tá, với những em giai đoạn thực tập. Vừu ngán ngẩm thở dài vì cái sự cố dở hơi, không chết đi cho rồi lại nhăn răng sống làm khổ sở bạn bè. Chuyện này vợ con Vừu không biết. Hắn yêu cầu cấm báo tin. Thôi, chịu đựng một mình và nhờ vả bạn bè, bằng hữu, bất bằng hữu văn chương đến thăm. Bằng hữu thì muốn Vừu khoẻ lại, còn bất bằng hữu nếu không muốn nói là mong Vừu chết thì cũng tò mò xem thằng cha này còn sống được nữa hay không. Lúc tôi chạy vào, Vừu nửa tỉnh nửa mê thoi thóp nói bằng cái miệng đầy máu: cứu được thì cứu mà tốn kém quá cứ mặc tôi. Tất nhiên không ai nói muốn chết thì cứ chết, và, biết làm sao được một vài bác sĩ không có ý nghĩ đó.
Bạn bè làm sao lúc đó nhạy cảm người nọ báo cho người kia đến đông ơi là đông. Ông muốn chết cũng đâu có dễ. Tôi nói và cố xoáy vào Vừu lòng tự trọng và cái được gọi là bản ngã của thằng đàn ông, nhằm mục đích nâng cao khả năng ham sống của Vừu. Người đã quá đau buồn thì phó mặc tất cả, coi rẻ bản thân.
- Độ này đường phố công an nườm nượp, thằng nhóc nhà tôi đi phải tránh đường khác xa gần gấp ba vì con đường thường ngày nó vẫn tới trường bị cấm vì sự kiện APEC. Thằng nhóc chẳng hiểu thầy cô nó nhồi nhét cái gì về nhà cũng hí húi tranh luận với mẹ đây là sự kiện quan trọng của Việt Nam, một tiếng nói của ông Bút tổng thống là cả tỉ tỉ đô la. Nó còn hỏi cánh nhà văn các bố có liên hoan dịp này không. Viết văn có được trả đồng nhuận bút cao không. Thằng bé thừa hiểu nhuận bút là cái gì vì nó dại dột là con một nhà văn. Hỏi thì nó nói thầy bảo thế, thay đổi tất cả. Việt Nam là con rồng đang tung bay. Mức sống của dân tình sẽ thay đổi. Ông thấy nó có hồn nhiên không? Sai, không phải hồn nhiên mà là ranh ma. Khốn nạn! Thời đại rắc vào đầu bọn trẻ tất cả những thứ tính toán đó, tí tuổi đã biết cân nhắc mức sống với đồng lương. Thầy giáo không dạy cho cách vào đời mà dạy cách tiêu tiền.
Vừu hơi cười, là cái cười đau hơn là của một người lạc quan. Tôi cố nói về tình hình xã hội để Vừu quên đau, theo yêu cầu của hắn. Cứ nhìn nhau thôi thì không chịu được, phải làm gì đó. Bên kia, người ta cũng rên rỉ cả, khóc mếu cả.
- Ông để ý nhé - tôi nói - sau đây con rồng Á Châu này sẽ chuyển mình. Cái gọi là văn chương, những người cầm bút chúng ta phản ứng ra sao với nhu cầu thực tại. Không phải là mấy bài bồi bút kiếm vài đồng vặt nhạt thếch. Tôi đã nghĩ rồi, sau cuốn này tôi sẽ chỉ đọc. Không có nhà văn tài với một cái đầu tồi. Nghe thì có vẻ khẩu hiệu, vỗ đầu. Nhưng xác đáng đấy. Mấy anh nhà văn đi trước chúng ta đã xoa đầu nhiều lắm, với bọn họ chúng ta như những đứa trẻ tập làm người lớn, ngượng ngùng trước kỳ kinh nguyệt đầu tiên.
- Ừ, cứ nói tăng trưởng kinh tế. Mỗi năm 8, 9, 10, 12%... Tôi thấy tăng thất nghiệp thì có, bà con ta ở quê ra phố gồng gánh tròng trành đồng nát nhan nhản, đi đường chỉ gặp quang gánh là quang gánh.
Nhà văn bệnh nhân ậm ừ muốn ngủ. Tôi đứng dậy đi ra ngoài kiếm chút không khí thoáng đãng, xì bớt cái ám ảnh từ chiều về cú điện thoại đòi xoa đầu của một nhà văn có cỡ trong làng, vừa ra cuốn sách ít lời khen nhiều lời chê và nhan nhản ca từ đãi môi, đã mất gấp hai tiền nhuận bút cho chuyện nhờ vả mấy phóng viên lá cải viết bài quảng cáo, ca tụng. Tôi từ chối khéo cuộc hẹn, và muốn ở đây an ủi người bệnh tâm giao, và tầm phào chuyện văn chuyện đời.
Gần nửa đêm mới tỉnh, đúng lúc tôi mua cạp lồng phở về. Vừu ăn cái ít nhưng muốn uống nhiều nước. Xong quệt môi bằng tờ báo gấp bằng bàn tay.
Không khó để giải thích tại sao tôi và Vừu hay tranh luận. Cách nhìn đời mỗi người mỗi khác. Nhưng viết không ngoài cái tình cái nhân văn đạo đức. Tuy vậy chúng tôi rất hiểu tâm tư của nhau. Mỗi người đi theo một con đường một lối thẩm mỹ. Là chỗ thân tình giúp đỡ nhau, thường cà kê chén tạc chén thù, ngày dưng cũng như tết lễ. Ngày bé, Vừu bé quắt như cái kẹo, được cái lanh lọc thông minh. Đi học cấp III, chính cái dáng vẻ loắt choắt ấy làm nhiều cô giáo quý, cái cười vô hại thân thiện, cả cách hắn xưng hô với các cô giáo trẻ cũng vô hại nốt. Không như một số ngựa non ngứa chân, ong non ngứa vòi đâm lời châm chọc dâm đãng. Cô giáo trẻ đương nhiên ăn mặc gợi hơn những học sinh ở quê, nên đôi ngực phập phồng là tâm điểm để chúng dừng con mắt và nghĩ điều xằng bậy. Sau này, dường như bụi phố phường làm Vừu tinh ranh hơn, cũng làm cho cơ thể vốn khiêm tốn trọng lượng ấy hơn chút ít.
Gáo khác, Gáo có một tuổi thơ đầy nhẫn nhịn và bi đát. Gáo bị bắt nạt nhiều, lũ trẻ đầu làng luôn lấy Gáo làm tâm điểm cho những cuộc chọc ghẹo. Nhiều lần Gáo phát khóc. Mấy lần may mắn kiếm được người anh họ đi tìm lũ trẻ trả thù. Anh họ doạ nếu còn bắt nạt sẽ cho ăn bạt tai, cả đấm và đá. Từ đó chúng ít bắt nạt hơn.
Lớn lên trở thành thanh niên, Gáo luôn nhẫn nhịn không tiếp cận một đối tượng nào, là một tà áo bay bay hồn nhiên. Gáo bảo chắc gì người ta chú ý. Lúc nào Gáo cũng mặc cảm. Thành một nhà văn cùng trang lứa với chúng tôi nhưng Gáo ít khi muốn tiếp xúc với những người có tiếng. Bên họ, Gáo bảo mình càng thấy mình bé nhỏ.
Tôi muốn có sự chia sẻ của Vừu. Tất nhiên chỉ là tham khảo ý kiến, những điều chê bai, khuyên can hay định hướng có thể không nghe. Tôi dự định viết một cuốn tiểu thuyết. Vừu rất sẵn lòng. Hắn nói bản thân đang bế tắc nên ý tưởng nào của bạn bè cũng muốn nghe, rồi cùng gỡ những cái chưa được cho bạn, lúc khác bạn lại gỡ cho mình. Vừu uống từng lời. Hơi rượu thoang thoảng đưa.