Cuộc rượu đang hồi gay cấn thì có điện thoại của Thằng Bát. Thái cáu giận lui ra ngoài nghe. “Bố đến đưa con về. Mấy thằng ở đây nó giữ”. Thái lầu bầu trong miệng “Lại làm sao để công an giữ?” “Con chạy hơi nhanh một tí”, “Khổ lắm! Thôi được rồi. Chỗ nào?” Thằng Bát nói địa điểm. Thái tắt phụt máy, quay trở vào, tức tối. Mấy ông mặt đỏ gay gắt lợi dụng lúc chủ nhà đi vắng cụng ly nhau. Chai rượu Whisky vít ngược. Tiếng cười vẫn giòn giã vang. Vừa khả ố vừa gợi dục.
- Các ông cứ chiến đấu tiếp. Tôi đi xem thằng con quý tử bị công an giao thông giữ thế nào. Nhé!
Một người hỏi:
- Ông họ lại đua xe hay vượt đèn đỏ?
- Đua xe.
Người khác xua tay:
- Cứ để nó ngồi đó, xong vụ này đã, ông Thái.
- Một tí thôi mà. Để con ở đó tôi không yên tâm. Tội con cha nhục mà!
Thái đi rồi, người ta còn nghe thấy tiếng anh làu bàu chửi thằng con quậy phá cả cuộc vui này.
Vì cái bóng của một ông bố nuông chiều con hết mức nên nó luôn đúng, muốn gì được nấy. Ông nội nói nó sứơng từ trong trứng sướng ra, từ da sướng vào. Bố nó nổi tiếng là một người đào hoa đất Hà Thành, ăn chơi bạt mạng, trời chỉ bằng cái thúng. Người đẻ ra Thái dù không muốn can thiệp vào công việc làm ăn của con, nhưng cũng thấy nỗi sợ rình rập trong nhiều đêm ngủ “Con bỏ việc đó đi được không?” “Bố lo gì, kệ con. Con thích đùa với chúng nó”. Cái từ “chúng nó” nhiều vấn đề. Đến lượt Bát, nó cũng hay sử dụng từ đó. Nó gọi đám áo vàng đứng đường là “chúng nó”. Tay chân ngứa ngáy là gây gổ đánh nhau què chân gãy cẳng. Thằng Bát được sinh ra như một hòn ngọc quý. Bố cu đi đâu thì chớ, về nhà là ôm lấy con hôn hít chùn chụt.
Lần bị bắt này chỉ là một minh chứng nhỏ về thói đua xe của thằng Bát, một cậu ấm sinh ra trong cuộc cách mạng của người bố. Thái nói đời mình là một cuộc cách mạng. Chính là khi anh gặp một đám cặn bã trong xã hội trong một cuộc đua xe đạp cấp thành phố, anh thay đổi mình. Anh mang máng hiểu khi nghe các cụ nói ở những buổi hội thảo cấp cao, trên ti vi... Với anh, cách mạng chính là không cần học. Ông cụ dạy nhân bất học bất tri lý. Anh phản bác, chả cần sách vở. Đời đã dạy cái lý cho anh rồi. Anh hả hê nói với bè bạn vậy và tu rượu. Bao giờ anh cũng có thái độ khinh miệt người ham chữ. Người ham chữ chỉ tốn vải tốn giấy tốn cơm. Nhiều chữ mà cái đầu không biết động đậy thì ích gì. Nhiều chữ mà không có đồng đôla người ta vẫn khinh.
Thái lấy lại bình tĩnh dựng xe ngoài lán. Chiếc xe kềnh càng khiến anh phải lựa để không bị chiếc xe bên cạnh chạm vào. Thằng Bát nhìn thấy bố đến, hét lên đòi thả ra. Bát không biết sự hằn học đó của nó lúc này không có lợi, nhưng đó là bản chất.
Người bố đến bên ông cảnh sát có vẻ là sếp:
- Các anh thông cảm, con trai tôi nó dại, mong đại xá cho.
Thằng Bát thấy bố nó nhún nhường, sự việc khiến nó lấy làm lạ. Chưa thấy bố sợ ai bao giờ, nay lại đi nhún nhường nhận lỗi với một đám cảnh sát so với nó là loại “tép riu”, nó phản ứng ngay:
- Bố ơi, người ta đánh con! Ông kia, người kia, người kia và một người nữa đã đánh con. Bố phải trừng trị.
- Mày ngồi im đấy - Người bố quát.
Thằng con giật cái chân đang bị khoá vào cái cột sắt:
- Con còn bị xích đây này, bố bảo họ mở cho con, con không chịu nổi nữa rồi.
Thái nhìn con rồi nhìn viên cảnh sát đứng gần nhất, dịu giọng:
- Phiền các anh thương, thả giúp cháu ra.
- Không được, khi chúng tôi chưa làm rõ thì đối tượng này chưa thể thả ra. Nếu thả ra chúng tôi sẽ bị cấp trên quở mắng vì làm việc không đến nơi đến chốn. Đây cũng là nguyên tắc. Cậu ta đã đến tuổi trưởng thành, có lỗi phải chịu phạt. Mong anh thông cảm.
Lần Bát va chạm với công an đầu tiên là lần nó còn cưỡi xe đạp. Chiếc xe địa hình cổ của Đức hay giả Nga gì đó. Đi loạng choạng thế nào đâm ngay vào mấy chú công an đang đứng hút thuốc thảnh thơi mé đường. Họ giữ thằng bé lại. Ban đầu định hỏi chơi, dọa nạt tí chút. Ai dè thấy thằng bé có tư chất nghịch ngợm, vênh mặt chẳng nề hà sợ sệt. Họ giữ xe lại xem sao. Nó ngang nhiên tranh cãi lý lẽ. Công an chịu nhưng thằng Bát vẫn không thể đi. Nó mệt phờ, tức tối chìa ra đái một bãi vào đít ôtô công an đỗ cạnh đó rồi vào lý luận tiếp. Cuối cùng công an lắc đầu thả cho nó đi. Họ ngấm ngầm phục một thằng nhóc sắc lạnh và gay gắt: Không sợ công an.
Công an ở đây không lạ gì khuôn mặt Thái, họ đã từng gặp anh, trong phòng tạm giam, trên phố, quán nhậu...
Thái theo người có chức trách vào một căn phòng, đôi bên phải nói chuyện người lớn chứ không nói chuyện với con trẻ. Thằng nhóc quá bướng bỉnh, bất cần, anh về giáo dục cháu, nên chú ý đến nó, bọn trẻ bây giờ cứ vô tình để chúng xổng ra là hỏng, ngoan cũng đua đòi thành hỏng. Người có chức trách khuyên thế. Họ qua quýt tả về lý do công an đánh thằng Bát. Thằng nhóc cũng đánh lại, có chỗ phải nghĩ thêm. Thái biết con mình không phải nên nhu. Tính con thì biết rồi, nó chống lại người ta mới đánh. Chính con anh đánh người thi hành trước.
Người bố lại nhún xuống xin cho con. Lắc đầu. Đó là nguyên tắc, không ai thay đổi được dẫu anh có là ai. Họ cứng thế thì mình càng phải mềm. Lúc này mà nóng là hỏng. Người ta bảo anh về, con anh sẽ bị giam một tuần. Ôi, thế thì làm sao nó chịu được. Thái nóng ran cả người. Các ông làm ơn thả cho con tôi về, tôi sẽ giáo dục nó. Phạt bao nhiêu tiền cũng được. Xin đền bù cả khoản thằng con động chạm đến các anh. Dứt khoát không được, anh bình tĩnh. Chúng tôi chờ chỉ thị cấp trên đã.
Thái tức tối nhờ người can thiệp. Có phải mình không nhún đâu. Hết mức rồi người ta còn làm khó. Con anh anh xót, dẫu sai trái thì phải được châm chước, phải được bỏ qua. Vì là con anh. Xưa nay nó chưa từng biết thế nào là khổ, đùng một cái bóp nghẹt nó...
Nhóm bạn vẫn đợi rượu nhưng Thái không còn hứng thú. Mọi người bảo nhau dừng lại ở đây. Tiếng ly chạm leng keng kết thúc. Những vỏ chai lăn lóc, những bát đũa ly cốc lộn xộn. Mùi rượu phả nồng nặc. Rượu vào, ai cũng có một giọng khè khè đặc trưng. Rượu là cái kích cho vôlum tiếng nói rộn lên.
Người mẹ tỏ rõ sự bức bối. Chú mèo quẩn vào chân gây bực bội. Gia đình này chưa từng chịu thiệt, nhún nhường chịu lép vế. Đây là lần đầu tiên người ta dám hành hạ con họ. Đương nhiên không thể bỏ qua. Hồng bảo chồng:
- Mối quan hệ của anh đầy ra đấy. Nuôi quân ba năm dùng trong một giờ.
Thái gật đầu tay châm thuốc.
Hồng tỏ tức tối đi ra đi vào, luôn miệng nói lũ ranh con dám động đến con bà! Điều đó làm Thái nổi khùng.
- Im đi! Có làm được gì mà cứ ra ra vào vào, chóng hết cả mặt.
Chuyện trẻ con làm kinh động người lớn. Căng thẳng gấp gáp. Cấp trên can thiệp gọi xuống cấp dưới. Xã hội vẫn có những sự khó hiểu như vậy: kẻ sai vẫn có người bênh vực che chở. Kẻ phạm pháp có người giúp đỡ. Sai nhiều thành sai ít. Sai ít thành không sai. Sai lòi mắt thành đúng...
Trưởng ban an toàn giao thông gọi điện xuống bảo lãnh cho thằng Bát. Người này trước đây chịu ơn của người đã sinh ra bố nó, có nghĩa là ông nội thằng Bát. Những người liên quan việc đưa thằng Bát vào đây bị quở trách vô lý vì lỡ cứng nhắc. Cuộc sống mà cứng nhắc là hỏng, bề trên nói thế. Kẻ nghe vừa run vừa vâng. Bát có cái tên Anh Hùng ung dung bước ra. Nó cười ha hả sau ba tiếng đồng hồ ngồi đồn. Cứ như lẽ phải là của nhà nó.
Bát bị bố mắng một trận, nhưng nó không gợn chút lo sợ, mặt châng lâng bất cần.
- Mẹ mày quản nó thêm vào, tôi đi suốt ngày.
- Tôi đàn bà đàn bẹt, nói thế nào được nó.
- Bà là mẹ nó cơ mà. Đừng có cả ngày lo cho đùi mới vú như thế.
- Im đi, tôi lại không biết ông đang lo cho cái gì ư! - Hồng cãi lại.
Thái nổi khùng:
- Đừng nhiễu sự, cứ thế mà làm.
Thấy thằng con bật lon bia Heniken, gác chân lên bàn uống ngay trước mặt người bố, người bố bảo từ nay con bớt tính ngông cuồng đi, bố không đi xin cho con được mãi. Con phải chăm chú đến học tập. Cái giọng vừa mỉa mai vừa có chút gì độc ác nữa. Chẳng ra dạy mà giống sự kích động hơn. Biết rồi khổ lắm nói mãi, cái bài muôn thủa. Tuy không nói ra miệng nhưng cách càu nhàu của Bát đã minh hoạ cho kiểu cách đó rồi.
Thằng bé như viên ngọc không được gọt giũa. Cũng giống như một cây xanh được gieo trồng nơi đất tốt nhưng cớm ánh sáng, chỉ có lá mà không đơm hoa, thành quả. Ruộng đồng nhiều phân tro hoá ngột, dễ đổ dễ trở thành thứ chỉ làm phân xanh. Ông nội bảo người bố: Sao mày không chăm con cho nó học hành tử tế, cứ để nó lêu lổng? Thái ừ ào cho qua: Con nói với nó nhiều nhưng nó không nghe, tạm thời chưa có cách nào cả. Ông gắt lên: anh nói thì ăn thua gì, anh phải có biện pháp cụ thể chứ. Ngày bé nó ngoan chứ có hỗn láo thế đâu. Tôi nhận ra là nó chỉ làm theo anh chị thôi. Con người học cái tốt thì khó, học cái dở giản đơn hơn nhiều. Bàn thân anh mất cái uy làm bố à? Thái tỏ ra khó chịu: Chẳng lẽ đánh nó? Nó không nghe thì đành chịu. Có đầu óc đi buôn là được. Con lại thấy nó nghỉ học sớm tốt hơn.
Ông già tức lộn ruột, ném vèo cái gậy ba toong qua cửa rồi ngồi phịch xuống thở. Không hiểu chuyện gì, nửa tháng sau ông cụ chết đột ngột, không bệnh tật, không đau yếu. Tuổi chín mươi. Ai dám chắc rằng không phải ông cụ đau lòng vì đám con của mình. Một lũ được sinh ra trong no đủ mà không đứa nào thành tài để cụ xấu hổ với bạn bè, tổ tiên. Ông cụ chết không nhắm mắt. Lúc hấp hối còn thều thào: Đừng thả thằng nhóc ra đời!
Đừng thả thằng nhóc ra đời. Thái rất nhớ, nhưng anh đã làm ngược lại, không thể cấm không cho nó ra đời. Nó đã quậy phá và đôi khi làm anh chúng chiếng. Một lần bà giúp việc nói nhỏ với Thái rằng đừng để cậu lêu lổng, bà liền bị vạc vào mặt bằng những lời lẽ cay nghiệt gay gắt. Những việc làm của anh, thể hiện sức mạnh và uy quyền. Anh tự cho mình là ông chủ uy quyền, thứ nhất là trong nhà này.
Chiếc xe tội nghiệp nằm góc phố của thằng Bát được thanh lý nhanh chóng cho bên thu mua sắt vụn. Những đồ giá trị đắt tiền cũng có thể thành thứ đồng nát trong vòng một đêm. Người bố sắm cho nó một chiếc xe máy khác, tuỳ chọn kiểu. Thằng con lại có dịp gọi điện cho lũ bạn khao. Chúng cười ha hả, khuôn mặt rạng ngời tuổi trẻ.
Vẫn loại xe dễ đua trước đây. Kèm theo một lời dặn ngắn ngủi và thiếu trọng lượng: chịu học đi ông mãnh, ông đừng phá nữa.
Người mẹ nói, tôi chỉ đẻ con ra, còn dạy dỗ phần của bố nó.