Bác sĩ trực hỏi thăm tình hình nhà văn ăn uống ra sao. Vưỡn thế, chưa hết hai phần ba cái cạp lồng cơm, lúc nhạt mồm nốc thêm hộp sữa hay bắp ngô luộc, củ khoai lang, cốc nước mía. Thi thoảng những vết thương rủ nhau đồng hành dần dật chạy trong cơ thể, nhà văn Vừu nhăn nhó.
Người vợ và những đứa con có phải là nguyên nhân chính trong chuyện này, hay ngờ nghệch một vài giây phút bĩ cực, nhà văn buông xuôi cái thân tàn tạ từ giã đời văn. Ngoài chuyện cơm áo gạo tiền, ghen tuông, bất tin tưởng là thủ phạm. Có chuyện Vừu cởi mở hết nhưng một phần hắn giấu.
Tôi không có cái diễm phúc là cha của năm đứa con gái như Vừu. Có một mống, con cu sun sun quý hoá, đầy những xuýt xoa. Vừu thường ghen tỵ giá mà tôi được như ông. Đằng này năm cái tàu há mồm nó kéo, cái tàu già nua nhà này đã quá mệt mỏi và yếu ớt rồi. Mình Vừu đắp điếm gia đình bằng mấy đồng lương và tiền nhuận bút. Sức lực đã yếu lại đèo bòng nhiều thành ra các tàu há mồm chậm lớn, nheo nhóc đến ứa nước mắt. Ngòi bút Vừu gồng lên cùng năm tháng trôi dài và mòn vẹt sức lực, trí tụê. Vừu giống như bát mắm tôm vào cuối cuộc nhậu, chỉ còn loè loẹt rính lại trên thành bát nhờ nhờ. Sức Vừu cũng thế. Đó là một câu nói tôi cho là đau đớn khi mấy anh em tụ tập liên hoan cuốn phóng sự xã hội của nhà báo Thanh Đừng ở Nhật Tân chó quán. Về chuyện gia đình, có lần Vừu long lanh con mắt vì những bi kịch gia đình. Thẳng thừng khẳng định: bi kịch gia đình chủ yếu là cái anh tiền và đũng quần đàn bà. Đương nhiên bi kịch của Vừu là đũng quần đàn bà, là anh tiền. Tiền và no đủ luôn từ chối Vừu, đối với hắn những thứ đó quá xa xỉ. Khó ai có thể tin được cuộc sống của một nhà văn thế kỷ hăm mốt, đất nước đang hoá rồng mà lại bi đát đến thế. Nhưng nhìn vào tiền nhuận bút thì ắt hiểu, còn tùm lum chuyện đánh thuế nhà văn nhiều người đã lên tiếng. Làm việc trí tụê có khi hai năm trời mới ra được cuốn sách, rẻ mạt hai triệu khá hơn bảy triệu, thấm tháp gì. Nhưng giá mà Vừu thuộc vào loại nhà văn bị đánh thuế thu nhập thì quả đáng mừng, lúc đó chẳng còn phải quá méo mặt mỗi lúc con cái đòi tiền học phí, tiền sách vở. Hắn gay gắt phản đối chuyện này. Tờ đô la có hàng chữ IN GOD WE TRUST quyến rũ. Nhưng con người nhỏ bé lắm thay!
Báo chí thi nhau lên gân lên cốt đòi nhà văn thực hiện sứ mệnh. Chỉ thấy những cuốn sách dở nhan nhản đậu trên giá mà vắng bóng những cái tàm tạm được, cái được hiếm hoi ích kỷ trốn tránh đi đâu. Gần đây người ta cũng làm được mấy vụ để bán sách chạy bằng cách lăng xê, tung bút khen chửi không lơi tay, và sau đó một thời gian chìm xuồng, lại ngấm ngầm làm từ đầu, đi lại từ chập tối để đến ngày mai. Chờ đợi và tìm cơ hội. Không phải các nhà văn không dám đứng lên thực hiện sứ mệnh, nhưng còn xét thời gian cho nó, làm sao để nó sống được. Nhà văn sẵn sàng đầu tư tâm huyết nhưng mơ hồ không rõ ra đời đứa con tinh thần của mình có được chấp nhận, hay bị khuynh hướng gò ép và nằm chờ ở nhà xuất bản. Thành ra, hào phóng với lũ mọt lũ mối và làm mồi cho máy xay tái sản xuất giấy hạng bét, đưa vào in những cuốn khác tác giả có tiền đầu tư. Nên, đó là lý do chùn bút các nhà văn nghèo.
- Ông định xây dựng một gia đình biến dạng trong cuốn này?
- Vâng, trong thời buổi kinh tế thị trường. Sự héo rũ về nhân cách. Tôn ti bị đảo lộn, những tình cảm bị bóp méo... Tôi giải quyết cả thói hủ bại ở đây nữa.
Vừu chép chép môi:
- Người ta nói nhiều rồi. Vừa rồi có cái cuốn Luật đời cha và con, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ra lò, Gia đình bé mọn ăn giải thưởng... Không phải là ông không biết. Ông có viết thì cũng nên tránh những thứ đó ra.
Tôi xua đi:
- Tôi nói cách của tôi chứ. Đề tài có thể là một nhưng viết như thế nào là quan trọng. Này, ông có hiểu cái ý của một số học giả nước nhà khi muốn chấn chỉnh lý thuyết, cách viết truyện ngắn và tiểu thuyết không. “Kể lại câu chuyện” khác với “viết câu chuyện”. Chúng ta mới dừng ở mức “kể lại câu chuỵên”. Đề tài chúng ta giẫm lên nhau, nhưng viết thế nào mới quan trọng. Ông hiểu ý tôi không. Có thể cùng lúc ngàn nhà văn viết về tình dục, nhưng mỗi người có cách hào hển khác nhau, thăng hoa khắc nhau. Mỗi thằng đàn ông ngủ với vợ cũng có cách trèo lên người và rên thế nào chứ.
Tôi dừng lại, thấy miệng khô khốc. Muốn uống nước.
- Ông chờ tí, tôi kiếm cốc trà đá ngoài cổng, rồi vào ngay.