Năng lượng tạo phấn khích
Sức hút tạo cảm hứng
A!!!! Gầm lên một tiếng, Steve Ballmer, người đã thay thế Bill Gates làm Giám đốc điều hành của Microsoft lao lên bục sân khấu trong cuộc họp thượng đỉnh toàn cầu được tổ chức hàng năm của công ty. Ballmer đã tự tin nói rằng ông yêu Microsoft. Ông cũng biết cách làm thế nào để hâm nóng đám đông bằng năng lượng tràn đầy của mình. Ông đập hai bàn tay vào nhau và chạy từ bên này qua bên kia sân khấu, ông gào thét và vã mồ hôi. Ông rất đáng để chú ý và đám đông thích điều đó. Không nghi ngờ gì, đúng như Ballmer đã chứng tỏ rằng năng lượng có thể kích thích một đám đông. Nhưng liệu nó có thể truyền cảm hứng cho cả quần chúng? Điều gì xảy ra nếu ngày hôm sau hoặc tuần sau Ballmer không ở đó với năng lượng của mình để kích thích nhân viên của ông? Liệu năng lượng có đủ để giữ cho một công ty với khoảng 80.000 người luôn tập trung.
Ngược lại, Bill Gates là một người hay ngượng ngùng và xấu hổ, một hình ảnh có vẻ không phù hợp với địa vị xã hội của ông. Ông không hợp với hình mẫu của một nhà lãnh đạo một tập đoàn hàng tỷ đô. Ông không phải là nhà diễn thuyết nhiều năng lượng nhất. Tuy nhiên, khi Bill Gates nói, mọi người lắng nghe một cách chăm chú và hồi hộp. Họ dõi theo từng lời của ông. Khi Gates nói, ông không thu hút một khán phòng mà ông truyền cảm hứng cho họ. Những ai lắng nghe ông chia sẻ gìn giữ những lời ông nói và mang theo chúng hàng tuần, hàng tháng hay thậm chí hàng năm. Bill Gates không có nhiều năng lượng, nhưng ông biết cách truyền cảm hứng.
Năng lượng có thể khích lệ nhưng sức hút mới truyền cảm hứng. Năng lượng dễ nhận thấy, dễ đo lường và dễ bắt chước. Sức hút khó nhìn nhận, gần như không thể đo lường và quá khó để bắt chước. Tất cả những nhà lãnh đạo kiệt xuất đều có sức hút vì họ có một lý do TẠI SAO rõ ràng, đó là một niềm tin bất diệt về một mục đích hay nguyên tắc lớn lao hơn chính họ. Niềm đam mê của Bill Gates với máy tính chưa phải là điều truyền cảm hứng cho chúng ta mà đó là niềm lạc quan bất diệt của ông rằng những vấn đề dù có phức tạp đến đâu cũng có thể giải quyết được. Ông tin rằng chúng ta có thể tìm ra cách loại bỏ những trở ngại để đảm bảo mọi người đều có thể sống và làm việc với tiềm năng lớn nhất của mình. Chính niềm lạc quan đó của ông đã thu hút chúng ta.
Sống trong cuộc cách mạng máy tính, ông đã nhận thấy máy tính là công nghệ hoàn hảo giúp tất cả chúng ta làm việc có hiệu suất cao hơn và đạt được tiềm năng lớn nhất của mình. Niềm tin đó đã truyền cảm hứng để ông biến viễn cảnh trong đó mỗi gia đình đều có một chiếc máy tính trở thành sự thật. Thật thú vị là chính Microsoft lại chưa bao giờ sản xuất máy tính. Điều khiến Gates có thể nhìn thấy tầm ảnh hưởng của công nghệ mới này không chỉ xuất phát từ việc một chiếc máy tính có thể làm được CÁI GÌ, nó xuất phát từ lý do TẠI SAO chúng ta cần nó. Ngày nay, công việc ông đang làm cùng Quỹ từ thiện Bill và Melinda Gates không liên quan gì tới phần mềm, nhưng đó là một cách khác để ông mang lý do TẠI SAO của mình vào trong cuộc sống. Ông đang tìm những giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề vì ông vẫn giữ một niềm tin bất diệt. Và ông vẫn luôn tin rằng nếu chúng ta có thể giúp đỡ mọi người, lần này là những người thiếu may mắn, để họ loại bỏ những trở ngại tưởng như đơn giản, khi đó họ cũng có cơ hội để làm việc hiệu quả hơn và đạt tới tiềm năng cao hơn của bản thân. Đối với Gates, điều thay đổi chỉ là NHỮNG GÌ ông đang làm để mang nguyên tắc của ông vào cuộc sống.
Sức hút không liên quan nhiều đến năng lượng, nó đến từ lý do TẠI SAO rõ ràng. Nó đến từ niềm tin tuyệt đối về một lý tưởng cao đẹp vượt khỏi cái tôi nhỏ bé. Phần thưởng, thăng chức hay những củ cà rốt khác và thậm chí vài cây gậy có thể khiến người ta làm việc chăm chỉ hơn, nhưng lợi ích thu được chỉ có giá trị trong ngắn hạn giống như bao biện pháp lôi kéo khác. Theo thời gian, những chiến thuật như vậy gây tốn kém và làm tăng thêm mệt mỏi cho cả nhân viên lẫn người quản lý, và cuối cùng chúng sẽ trở thành động cơ chính để người ta đi làm mỗi ngày. Đó không phải là sự trung thành. Nhân viên trong trường hợp này chỉ là một phiên bản khác của khách hàng trong kinh doanh lặp lại. Khi nhân viên có sự trung thành với công ty, họ sẵn sàng từ chối lợi ích và mức lương cao hơn để ở lại làm việc với bạn. Lòng trung thành với công ty còn cao hơn cả lợi ích và lương bổng. Và không phải công việc chúng ta làm truyền cảm hứng cho chúng ta, mà chính là ý nghĩa đằng sau công việc đó. Hãy nhớ rằng chúng ta không mong muốn xây dựng một bức tường mà chúng ta mong muốn xây dựng một thánh đường.
Con đường bạn lựa chọn
Sinh ra ở bang Ohio cách Dayton 60 dặm, Neil Armstrong lớn lên cùng những câu chuyện tuyệt vời kể về anh em nhà Wright. Ngay từ thời thơ ấu ông đã ước mơ được bay. Ông làm những mô hình máy bay, đọc sách báo về chúng và dán mắt lên bầu trời thông qua chiếc kính thiên văn đặt trên mái nhà. Thậm chí ông đã có bằng phi công trước khi có bằng lái xe. Và như một định mệnh, Armstrong đã trở thành phi hành gia để biến đam mê thời thơ ấu của ông trở thành sự thật. Tuy nhiên, đối với hầu hết chúng ta, con đường sự nghiệp chúng ta đi lại có vẻ giống như Jeff Sumpter.
Khi Sumpter còn đang học phổ thông, mẹ của ông đã sắp xếp để ông làm công việc thực tập mùa hè tại ngân hàng nơi bà đang làm việc. Bốn năm sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, ông đã gọi điện tới ngân hàng để xem liệu ông có thể làm một công việc bán thời gian tại đó không, kết quả là họ mời ông vào làm việc toàn thời gian. Thật tuyệt, Jeff đã có một sự nghiệp trong ngành ngân hàng. Thực tế, sau 15 năm trong ngành, ông và bạn học của mình là Trey Maust đã thành lập ngân hàng riêng của họ là ngân hàng Lewis & Clark ở Portland, tiểu bang Oregon.
Sumpter là người rất thành thạo trong công việc, ông là một trong những nhân viên làm tín dụng tốt nhất công ty. Ông được đối tác và khách hàng rất yêu mến và tôn trọng. Mặc dù Jeff thừa nhận rằng ông không thực sự đam mê ngành ngân hàng cho lắm, ông vẫn làm việc vì một lý do nào đó. Không phải NHỮNG GÌ ông làm khiến cho ông muốn bước ra khỏi nhà vào mỗi buổi sáng, mà đó là lý do TẠI SAO ông làm nó.
Con đường sự nghiệp của chúng ta luôn có nhiều bất ngờ. Tôi chưa bao giờ dự định sẽ làm những gì như tôi đang làm bây giờ. Khi còn là một cậu bé, tôi ước muốn trở thành một kỹ sư ngành hàng không, nhưng khi học cao đẳng tôi lại quyết định trở thành một công tố viên hình sự. Tuy nhiên khi tôi vào trường luật thì mới vỡ mộng vì ý tưởng trở thành luật sư của mình, chỉ vì tôi cảm thấy nó không phù hợp. Tôi đã học luật ở Anh, nơi mà luật là một trong những nghề cuối cùng thực sự của “người Anh”. Đó là nơi mà nếu bạn không mặc một chiếc com lê kẻ sọc đi phỏng vấn thì bạn có thể lỡ mất cơ hội xin việc. Điều đó thực sự không hợp với tôi.
Tôi đã hẹn hò với một cô gái trẻ đang học marketing tại Đại học Syracuse. Cô nhìn thấy điều gì thực sự truyền cảm hứng cho tôi và điều gì khiến tôi chán nản với nghề luật, cô đã gợi ý tôi nên thử làm điều gì mới mẻ. Và thật bất ngờ, tôi đã tìm thấy mình trong một sự nghiệp mới trong ngành marketing. Nhưng đó chỉ là một trong những việc tôi làm, nó không phải là niềm đam mê của tôi và cũng không phải là cách tôi định nghĩa bản thân mình. Mong muốn của tôi là truyền cảm hứng cho mọi người để họ làm điều truyền cảm hứng cho họ, và nó là lý do tại sao tôi bước ra khỏi nhà vào mỗi buổi sáng. Điều thú vị là tìm ra những cách mới mẻ, những điều khác nhau để mang nguyên tắc của tôi vào trong cuộc sống, một trong số đó chính là cuốn sách này.
Không quan trọng chúng ta làm ĐIỀU GÌ trong cuộc đời mình, động cơ TẠI SAO của chúng ta - những mục đích, nguyên tắc hay niềm tin - thì không bao giờ thay đổi. Nếu Vòng tròn Vàng của chúng ta được cân bằng, NHỮNG GÌ chúng ta làm chỉ đơn thuần là cách thức hữu hình để thổi nguồn sinh khí cho nguyên tắc đó. Phát triển phần mềm chỉ đơn giản là một trong những điều Bill Gates làm để mang nguyên tắc của ông vào trong cuộc sống. Một hãng hàng không giúp cho Herb Kelleher có phương tiện hoàn hảo để lan tỏa niềm tin về tự do của ông. Đưa con người lên mặt trăng là một mục tiêu John F. Kennedy sử dụng để đưa niềm tin của ông vào cuộc sống rằng hãy phục vụ tổ quốc thay vì đòi hỏi tổ quốc phải phục vụ mình. Và nó đã đưa nước Mỹ trở thành một cường quốc tiên tiến và thịnh vượng. Apple giúp Steve Jobs có được phương tiện để thách thức thực tại và làm điều gì đó lớn lao trên thế giới. Mọi điều những nhà lãnh đạo có sức hút này thực hiện đều là phương tiện hữu hình để mang lý do TẠI SAO của họ vào cuộc sống. Nhưng không có ai trong số họ có thể tưởng tượng ra họ sẽ làm CÁI GÌ ngay khi họ còn trẻ.
Khi lý do TẠI SAO đã rõ ràng thì những ai có chung niềm tin đó sẽ bị thu hút và có thể muốn góp sức để mang nó vào trong cuộc đời. Nếu niềm tin đó được nhân rộng, nó có thể tạo ra sức mạnh để tập hợp thêm nhiều người hơn nữa và họ sẽ giơ tay khẳng định rằng: “Tôi muốn giúp một tay”. Với một nhóm những người được tập hợp lại có chung một mục đích, nguyên tắc hay niềm tin, những điều kỳ diệu có thể xảy ra. Nhưng để trở thành vĩ đại thì chỉ có nguồn cảm hứng thôi là chưa đủ. Cảm hứng chỉ là bước khởi đầu, bạn cần nhiều hơn thế để biến nó thành một phong trào.
Khuếch đại nguồn cảm hứng
Vòng tròn Vàng không chỉ là một phương tiện giao tiếp, nó còn cho bạn những hiểu biết về cách một công ty vĩ đại được tổ chức như thế nào. Khi chúng ta mở rộng phạm trù của Vòng tròn Vàng, chúng ta đồng thời không nên giữ mãi cách nhìn nó như một mô hình hai chiều đơn giản. Để nó có thể cung cấp cho bạn những giá trị chân thực về cách xây dựng lên những tổ chức vĩ đại trong thế giới ba chiều, nó cũng phải được xem xét trong ba chiều không gian. Điều may mắn là nó đúng là một hình nón ba chiều nếu chúng ta nhìn từ trên xuống dưới. Hãy xoay nó lại cho đúng chiều và bạn sẽ nhận được đầy đủ giá trị của nó.
Hình nón đại diện cho một công ty hay tổ chức - một hệ thống vốn tự nó đã được tổ chức theo các cấp bậc. Ở trên đỉnh của hệ thống là nhà lãnh đạo - đại diện cho lý do TẠI SAO. Trong các công ty thì vị trí đó thường là giám đốc điều hành. Cấp bậc tiếp theo là cấp độ THẾ NÀO, nó thường bao bồm các nhà quản lý cấp cao, những người được truyền cảm hứng bởi tầm nhìn của nhà lãnh đạo và biết cách làm THẾ NÀO để mang nó vào cuộc sống. Đừng quên rằng lý do TẠI SAO chỉ là một niềm tin, làm THẾ NÀO là những hành động được thực hiện để hiện thực hóa niềm tin đó, và CÁI GÌ là kết quả của những hành động này. Cho dù nhà lãnh đạo có khả năng tạo sức hút hay truyền cảm hứng đến thế nào, nếu không có những con người trong tổ chức được truyền cảm hứng để biến tầm nhìn đó trở thành hiện thực bằng cách xây dựng các hệ thống và quy trình nền tảng, khi đó tổ chức sẽ làm việc kém hiệu quả hoặc tệ hơn là sẽ thất bại.
Trong mô hình này, cấp độ THẾ NÀO đại diện cho một cá nhân hay một nhóm nhỏ những người chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống cơ sở để có thể biến lý do TẠI SAO trở thành hiện thực. Điều đó có thể xảy ra ở các bộ phận marketing, điều hành, tài chính, nhân sự và tất cả các bộ phận quản lý cấp cao khác. Dưới đó là cấp độ CÁI GÌ, đây là nơi mọi ý tưởng trở thành sự thực. Phần lớn các nhân viên nằm trong cấp độ này, và đó cũng là nơi tất cả những yếu tố hữu hình thực sự xảy ra.
Tôi có một ước mơ (và cũng có một kế hoạch)
Tiến sĩ King nói rằng ông có một ước mơ, và ông đã truyền cảm hứng cho người khác để biến ước mơ của ông thành ước mơ của họ. Tiến sĩ King có một người bạn thân là Ralph Abernathy, người đã từng làm cố vấn cho ông và cũng là thư ký tài chính kiêm thủ quỹ của Hội đồng lãnh đạo Cơ đốc giáo miền Bắc. Ralph Abernathy đã đóng góp cho phong trào theo một cách khác. Ông biết cần phải làm gì để hiện thực hóa ước mơ của Martin Luther King và ông chỉ cho mọi người cách làm nó như THẾ NÀO. Tiến sĩ King thì nói về tư tưởng của phong trào, trong khi Abernathy có thể chỉ ra cho người ta từng bước đi cụ thể cần thực hiện. Ông có thể nói với khán giả đang dõi theo bài diễn văn nhiệt huyết của tiến sĩ King rằng: “Tiếp theo đây, hãy cho phép tôi nói với các bạn điều này có ý nghĩa gì vào buổi sáng ngày mai”.
Tiến sĩ King là người lãnh đạo, nhưng một mình ông thì không thể thay đổi nước Mỹ. Mặc dù ông đã truyền cảm hứng cho phong trào, nhưng để người ta thực sự hành động thì cần có sự tổ chức. Hầu hết những nhà lãnh đạo vĩ đại như tiến sĩ King đều có những người xung quanh biết cách thực hiện nó như THẾ NÀO. Bên cạnh mỗi kiểu người TẠI SAO luôn có một hay một nhóm kiểu người THẾ NÀO được truyền cảm hứng để xây dựng hệ thống cơ sở nhằm biến mục đích chung trở thành sự thật. Chính hệ thống cơ sở đó mới tạo ra những thay đổi hữu hình và khiến cho thành công có thể xảy ra.
Người lãnh đạo đứng trên đỉnh của hình nón - là điểm bắt đầu, điểm xuất phát của lý do TẠI SAO, trong khi kiểu người THẾ NÀO đứng phía dưới chịu trách nhiệm hiện thực hóa mục đích. Người lãnh đạo tưởng tượng ra đích đến và kiểu người THẾ NÀO tìm đường đi tới đó. Một đích đến không có đường đi thì luẩn quẩn và không hiệu quả, đó là điều kiểu người TẠI SAO sẽ trải nghiệm khi thiếu đi sự giúp đỡ của người khác. Ngược lại, một đường đi mà không có đích đến thì có thể hiệu quả nhưng chẳng đi đến đâu. Sẽ tốt thôi nếu bạn biết cách lái xe thế nào, nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu bạn có một nơi để đến. Với tiến sĩ King, Ralph Abernathy là một trong những người được ông truyền cảm hứng và cũng là người biết làm THẾ NÀO khiến cho nguyên tắc đó có thể thực hiện và trở thành sự thực. Abernathy đã nói rằng: “Nhiệm vụ của tiến sĩ King là giải thích lý tưởng và học thuyết bất bạo động. Còn nhiệm vụ của tôi thì đơn giản và thực tế hơn. Tôi chỉ phải nói với người ta rằng: ‘Đừng đi những chiếc xe buýt đó.’”
Đối với mỗi nhà lãnh đạo vĩ đại có sức hút, những người đã từng đạt được thành tựu nào đó, luôn có một hay một nhóm nhỏ những con người phía sau biết làm THẾ NÀO để biến tầm nhìn của họ trở thành sự thực. Tiến sĩ King có một ước mơ, nhưng dù nó có tràn đầy cảm hứng nó vẫn chỉ là một ước mơ nếu không thể trở thành sự thực. Ước mơ của ông cũng giống như ước mơ của vô số những người Mỹ gốc Phi đã lớn lên trước thời dân chủ. Ông nói về những chủ đề giống họ và chịu cùng sự tổn thương gây ra bởi một hệ thống bất công. Nhưng nhờ có sự lạc quan, điềm tĩnh và khả năng thuyết trình của mình, ông đã truyền cảm hứng cho cả một quần chúng.
Tiến sĩ King đã không thay đổi nước Mỹ một mình. Ông không phải là một nhà lập pháp, nhưng cuối cùng các điều luật đã được đưa ra để giúp tất cả mọi người trên nước Mỹ đều có quyền bình đẳng bất kể màu da của họ. Điều này có được là nhờ phong trào đứng đầu là tiến sĩ King đã thu hút được hàng triệu người làm thay đổi lịch sử nước Mỹ. Nhưng làm sao bạn có thể tổ chức được hàng triệu con người như vậy? Khoan hãy bàn tới hàng triệu, thử nghĩ làm thế nào bạn có thể tổ chức hàng trăm hay hàng chục con người? Tầm nhìn và sức hút của người lãnh đạo là đủ để thu hút những người đổi mới và người sớm đón nhận. Họ là những người tin tưởng vào bản năng và trực giác của mình để sẵn sàng hy sinh nhằm biến tầm nhìn thành hiện thực. Khi đã có những thành công bước đầu và những bằng chứng hữu hình chứng tỏ tầm nhìn đó có thể trở thành sự thật, thì số đông những người có đầu óc thực tế còn lại sẽ bắt đầu chú ý. Khi ước mơ đã có những căn cứ trở thành hiện thực thì điểm bùng phát có thể đạt được và mọi thứ thực sự tiến triển.
Những người biết lý do Tại sao cần những người biết làm Thế nào
Thomas Friedman, tác giả cuốn Thế giới phẳng, đã nói rằng những người bi quan thường đúng, nhưng chính những người lạc quan mới làm thay đổi thế giới. Bill Gates đã tưởng tượng ra một thế giới trong đó máy tính có thể giúp chúng ta đạt được tiềm năng lớn nhất của mình. Và nó đã xảy ra. Giờ đây, ông tưởng tượng ra một thế giới trong đó bệnh sốt rét không tồn tại. Và nó sẽ xảy ra. Anh em nhà Wright tưởng tượng ra một thế giới trong đó chúng ta có thể bay lên bầu trời dễ như chúng ta bắt xe buýt vậy. Và nó đã xảy ra. Những kiểu người TẠI SAO có năng lực thay đổi hướng đi của một ngành công nghiệp hay thậm chí thay đổi thế giới… giá như họ cũng biết cách làm THẾ NÀO.
Kiểu người TẠI SAO là những người có tầm nhìn xa trông rộng và giàu trí tưởng tượng. Họ có xu hướng lạc quan tin tưởng rằng mọi điều họ tưởng tượng ra có thể thực sự đạt được. Những người kiểu THẾ NÀO sống thực tế hơn và có cảm nhận rõ ràng về những gì hiển hiện. Kiểu người TẠI SAO thường tập trung vào những điều mà hầu hết mọi người không thể thấy, như tương lai chẳng hạn. Kiểu người THẾ NÀO lại tập trung vào những gì hầu hết mọi người có thể thấy, và họ có xu hướng làm tốt công việc xây dựng hệ thống và quy trình cũng như hoàn thành công việc. Kiểu người này không tốt hơn kiểu người kia, họ chỉ thể hiện những cách nhìn nhận và trải nghiệm thế giới khác nhau một cách tự nhiên. Bill Gates là kiểu người TẠI SAO. Và tương tự là anh em nhà Wright, Steve Jobs và Herb Kelleher. Nhưng họ không làm việc một mình vì họ không thể. Họ cần có những con người biết làm THẾ NÀO.
Trong buổi nói chuyện với khán giả Los Angeles năm 1957, Walt Disney đã nói đùa rằng: “Nếu không có ông anh cả của tôi thì chắc tôi phải ngồi tù vài lần vì thiếu nợ. Tôi chẳng biết trong ngân hàng họ làm những gì. Anh ấy đã giúp tôi làm đúng theo các quy định.” Walt Disney là kiểu người TẠI SAO, một người đã biến ước mơ thành hiện thực nhờ sự giúp đỡ của Roy, người anh trai nhạy cảm và là kiểu người THẾ NÀO.
Walt Disney bắt đầu sự nghiệp bằng công việc vẽ hình hoạt họa cho quảng cáo, nhưng ông đã nhanh chóng chuyển qua làm phim hoạt hình. Năm 1923, Hollywood nổi lên như kinh đô của điện ảnh, và Walt muốn trở thành một phần của nó. Roy là người anh hơn ông tám tuổi và khi đó đang làm việc tại ngân hàng. Roy luôn nể phục tài năng và khả năng tưởng tượng của em trai mình, nhưng ông biết rằng Walt có thiên hướng mạo hiểm và không để ý đến sự phức tạp của kinh doanh. Giống bao kiểu người TẠI SAO khác, Walt luôn bận rộn suy nghĩ xem tương lai sẽ trông như thế nào và thường quên mất ông đang sống trong hiện tại. Bob Thomas, người viết tiểu sử Disney đã viết rằng: “Walt Disney mơ mộng, vẽ vời và tưởng tượng. Còn Roy ngồi trong bóng tối gây dựng lên một đế chế. Là một chuyên gia tài chính và doanh nhân thông minh, Roy đã giúp cho ước mơ của Walt Disney trở thành sự thật. Ông đã dựng lên một công ty mang tên em trai mình.” Chính Roy là người sáng lập ra công ty phân phối Buena Vista khiến cho những bộ phim của Disney trở thành ký ức tuổi thơ của biết bao người Mỹ. Chính Roy đã tạo ra công việc kinh doanh khiến cho các nhân vật của Disney trở thành những cái tên mà ai cũng biết đến. Và giống như bao kiểu người THẾ NÀO khác, Roy không bao giờ muốn là người ra mặt, ông thích ở sau sân khấu và tập trung vào việc làm THẾ NÀO để gây dựng tầm nhìn của em trai mình.
Hầu hết những người trên thế giới thuộc kiểu người THẾ NÀO. Hầu hết con người có thể hoạt động khá hiệu quả trong thế giới thực và có thể hoàn thành tốt công việc của họ. Một số người có thể rất thành công và thậm chí kiếm được hàng triệu đô, nhưng họ không bao giờ xây dựng được những doanh nghiệp tỷ đô hay làm thay đổi thế giới. Kiểu người THẾ NÀO không cần đến kiểu người TẠI SAO để có thể làm tốt công việc của mình. Nhưng người TẠI SAO, với mọi tầm nhìn và trí tưởng tượng của họ, lại thường phải chịu sự thua thiệt. Nếu không có ai được truyền cảm hứng bởi ý tưởng của họ và thiếu những kiến thức để biến nó thành sự thực, thì hầu hết những người kiểu TẠI SAO chẳng đi đến đâu, họ có mọi câu trả lời trong mình nhưng chưa bao giờ đạt được chúng.
Mặc dù nhiều người trong số họ cảm thấy tự hào vì là người nhìn xa trông rộng, nhưng trong thực tế hầu hết các doanh nhân thành đạt lại là kiểu người THẾ NÀO. Hãy hỏi một doanh nhân xem họ thích điều gì ở cương vị một doanh nhân, và hầu hết sẽ trả lời rằng họ thích được kiến tạo. Khi họ nói mình thích kiến tạo thì điều đó chứng tỏ rằng họ biết làm THẾ NÀO để hoàn thành công việc. Một công việc kinh doanh là một cấu trúc bao gồm những hệ thống và quy trình cần được lắp ghép vào nhau. Kiểu người THẾ NÀO là những người thích hợp với công việc xây dựng lên những hệ thống và quy trình như vậy. Nhưng hầu hết các công ty không phải là công ty tỷ đô hay có khả năng thay đổi hướng đi của một ngành kinh doanh cho dù họ có tài năng xây dựng cỡ nào. Để có được vị thế của một công ty tỷ đô, để thay đổi hướng đi của cả một ngành kinh doanh thì cần có sự kết hợp rất hiếm hoi và đặc biệt giữa những người biết TẠI SAO và những người biết làm THẾ NÀO.
Trong hầu hết các tổ chức có khả năng truyền cảm hứng và tạo nên những điều vĩ đại, ở đó luôn có sự kết hợp đặc biệt của TẠI SAO và THẾ NÀO. Ví dụ Bill Gates là người có tầm nhìn xa trông rộng về một thế giới nơi mỗi gia đình đều có một chiếc máy tính, còn Paul Allen là người xây dựng lên công ty. Herb Kelleher là người có khả năng thuyết giảng về lý tưởng tự do, còn Rollin King là người đưa ra ý tưởng cho Southwest Airlines. Steve Jobs là người truyền bá những ý tưởng khác biệt, còn Steve Wozniak là kỹ sư khiến Apple hoạt động. Jobs có tầm nhìn, còn Woz có sản phẩm. Chính sự kết hợp của một tầm nhìn về tương lai và một tài năng có thể biến nó thành hiện thực khiến cho một tổ chức trở nên vĩ đại.
Mối quan hệ này làm sáng tỏ sự khác biệt giữa tuyên bố tầm nhìn và tuyên bố sứ mệnh của một tổ chức. Tầm nhìn là lời tuyên bố về mục đích của người sáng lập, đó là lý do TẠI SAO công ty tồn tại. Nó là tầm nhìn về một tương lai chưa xảy ra. Tuyên bố sứ mệnh là sự miêu tả về con đường, những nguyên tắc chủ đạo nhằm chỉ ra công ty dự định tạo ra tương lai đó như THẾ NÀO. Khi cả hai điều này được tuyên bố rõ ràng, cả hai kiểu người TẠI SAO và THẾ NÀO đều thấy rõ vai trò của họ trong sự kết hợp. Cả hai sẽ làm việc cùng nhau với mục đích và kế hoạch rõ ràng để đạt được thành công. Tuy nhiên để làm được điều đó thì có nhiều kỹ năng là chưa đủ, nó cần có thêm sự tin tưởng.
Như đã thảo luận ở cuối chương 3, mối quan hệ tin tưởng là vô giá để chúng ta cảm thấy an toàn. Khi chúng ta có thể tin tưởng con người hay tổ chức nơi chúng ta đang làm việc, nó cho phép chúng ta chấp nhận thử thách mới và luôn cảm thấy được hỗ trợ. Và có lẽ mối quan hệ tin tưởng cần được thiết lập nhất là giữa người có tầm nhìn xa trông rộng và người có khả năng kiến tạo, đó là kiểu người TẠI SAO và THẾ NÀO. Trong những tổ chức có khả năng truyền cảm hứng, người lãnh đạo cao nhất thường là người kiểu TẠI SAO, đó là người thức dậy mỗi ngày không chỉ để điều hành một công ty mà còn dẫn dắt một lý tưởng. Còn giám đốc tài chính và giám đốc tác nghiệp là những người có khả năng thực thi cao và là người kiểu THẾ NÀO, họ là những người có đủ khiêm tốn để thừa nhận rằng họ không phải là người đưa ra tầm nhìn mà là người được truyền cảm hứng bởi tầm nhìn của nhà lãnh đạo và biết cách làm thế nào để mang nó vào trong cuộc sống. Những kiểu người THẾ NÀO tiêu biểu nhất thường không muốn ra mặt để chia sẻ về tầm nhìn, họ thích làm việc sau cánh gà để xây dựng hệ thống nhằm biến tầm nhìn thành hiện thực. Cần có sự kết hợp về cả kỹ năng và nỗ lực của hai kiểu người này để tạo ra những điều vĩ đại.
Không phải ngẫu nhiên mà sự hợp nhất của TẠI SAO và THẾ NÀO thường xuất hiện trong những mối quan hệ gia đình và bạn bè thân thiết. Những trải nghiệm chung từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành làm tăng khả năng có những giá trị và niềm tin chung ở họ. Trong trường hợp là người trong gia đình hay bạn bè thời thơ ấu, những gì họ cùng trải nghiệm gần như giống nhau. Điều đó không có nghĩa là bạn không thể tìm một người bạn tốt ở nơi khác. Nó chỉ có nghĩa rằng khi bạn được lớn lên cùng với ai đó và có những trải nghiệm chung với họ sẽ làm tăng khả năng có chung cái nhìn về thế giới.
Walt Disney và Roy Disney là hai anh em. Bill Gates và Paul Allen học chung phổ thông ở Seattle. Herb Kelleher là luật sư tư vấn ly hôn cho Rollin King và họ cũng là những người bạn cũ. Martin Luther King Jr. và Ralph Abernathy cùng thuyết giáo ở Birmingham một thời gian dài trước khi phong trào dân chủ hình thành. Steve Jobs và Steve Wozniak là những người bạn thân hồi trung học. Và danh sách vẫn còn dài.
Điều hành hay dẫn dắt
Đối với tất cả những người tài năng thuộc kiểu người THẾ NÀO đang điều hành các tổ chức ngày nay, họ có thể đạt được thành công đến hết cuộc đời, nhưng họ sẽ phải sử dụng toàn bộ cuộc đời để điều hành công ty. Có rất nhiều cách để thành công và tạo ra lợi nhuận. Trong đó các biện pháp lôi kéo mà tôi đã đề cập một số như ở trên thì hoạt động khá tốt. Thậm chí người ta có thể tạo ra điểm bùng phát mà vẫn không duy trì được thành công lâu dài. Đó gọi nó là mốt nhất thời. Nhưng những tổ chức vĩ đại thì hoạt động giống hệt như một phong trào xã hội. Họ truyền cảm hứng về một ý tưởng hay sản phẩm phù hợp với lối sống của người khác, từ đó họ sẽ đón nhận và chia sẻ hay thậm chí tìm cách giúp tổ chức phát triển đi lên. Những tổ chức vĩ đại không chỉ làm người ta phấn khích mà họ còn truyền cảm hứng để người ta tham gia giúp đỡ tổ chức đạt được mục đích mà không đòi hỏi được trả công theo bất cứ hình thức nào. Không cần khuyến mại, giảm giá hay gửi thư hoàn phí. Người ta được thuyết phục để chia sẻ không phải bởi họ bị ép buộc làm vậy mà bởi họ muốn làm vậy. Họ tự nguyện chia sẻ thông điệp đã khơi nguồn cảm hứng cho họ.
Tạo ra một cái loa phóng thanh hiệu quả
Sau quy trình tuyển chọn trong ba tháng, công ty Big Company Incorporated BCI cuối cùng cũng đã chọn được đối tác quảng cáo cho chiến dịch ra mắt dòng sản phẩm mới. BCI là một thương hiệu nổi tiếng hoạt động trên một thị trường khá phức tạp. Vì là nhà sản xuất nên họ phải bán sản phẩm thông qua một bên thứ ba. Sản phẩm của họ thường xuyên có mặt trên các gian hàng của những đại lý bán lẻ khổng lồ nên họ không phải kiểm soát trực tiếp quy trình bán hàng. Chương trình trọng tâm của họ là thúc đẩy bán hàng từ xa thông qua các chương trình marketing. BCI là một công ty hoạt động tốt với một văn hóa đậm đà bản sắc và những nhân viên luôn biết kính trọng ban quản trị. Nhưng sau nhiều năm, thị trường cạnh tranh đã ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Mặc dù BCI có sản phẩm tốt và giá cả cạnh tranh, nhưng công ty cũng gặp khó khăn trong việc duy trì mức độ tăng trưởng liên tiếp trong nhiều năm. Năm nay, những nhà quả lý của BCI rất hào hứng vì công ty có ra mắt một sản phẩm mới mà họ thực sự nghĩ rằng nó sẽ tạo ra sự khác biệt. Để thúc đẩy sản phẩm, họ đã cho chạy các chiến dịch quảng bá rộng lớn.
“Một sản phẩm tiên tiến chưa từng có, sẽ được một nhà sản xuất hàng đầu ra mắt.” Họ đã ra lời quảng cáo như vậy, rồi tiếp tục nói về những tính năng mới và lợi ích của sản phẩm, những điều ban quản trị BCI cảm thấy khá tự tin để giới thiệu. Các nhà lãnh đạo của BCI đã làm việc chăm chỉ để xây dựng thương hiệu của công ty và họ muốn tận dụng điều đó. Họ rất hào hứng về chiến dịch mới này và thực sự mong đợi vào thành công của nó để thúc đẩy doanh số bán hàng. Họ biết họ đã làm tốt và muốn thông điệp đó đến tai mọi người. Vì vậy họ đã bỏ ra kinh phí hàng triệu đô để quảng cáo cho sản phẩm của mình. Và BCI đã thành công trên phương diện gây được sự chú ý cho mọi người.
Nhưng có một vấn đề xảy ra.
BCI và đối tác quảng cáo của họ đã làm tốt việc quảng bá sản phẩm tới công chúng. Họ đã nói lên được những cải tiến đặc biệt cho sản phẩm mới nhất của mình, và những người quan tâm cũng đồng ý rằng sản phẩm mới của họ tốt hơn các đối thủ cạnh tranh. Với hàng triệu đô la bỏ ra cho truyền thông, họ đã đảm bảo rằng quảng cáo của họ đến được tai công chúng một cách thường xuyên. Các chỉ số quảng cáo như số lượng người xem hay tần suất xem đều đạt được ở mức cao. Không có nghi ngờ gì về việc thông điệp của họ đã đến được tai công chúng. Nhưng có một vấn đề là nó không được rõ ràng. Nó chỉ nói về CÁI GÌ và THẾ NÀO mà không đề cập đến TẠI SAO. Mặc dù mọi người đều biết công dụng và tính năng của sản phẩm, nhưng không ai biết niềm tin của BCI là gì. Điều may mắn là nó chưa phải là hoàn toàn thất bại. Sản phẩm của họ sẽ vẫn còn bán được chừng nào quảng cáo vẫn được duy trì, và khuyến mại vẫn có tính cạnh tranh. Đó là một chiến lược hiệu quả, nhưng là một phương thức kiếm tiền tốn kém.
Điều gì xảy ra nếu Martin Luther King truyền đi một bản kế hoạch chi tiết 12 điểm để giành được quyền dân chủ trên nước Mỹ, một bản kế hoạch chi tiết và toàn diện hơn bất cứ kế hoạch nào về quyền dân chủ từng có trước đây? Nếu ông tuyên bố điều này qua loa phóng thanh vào ngày mùa hè năm 1963 đó, kế hoạch của ông sẽ được mọi người nghe thấy. Giống như các phương tiện truyền thông quảng cáo, loa phóng thanh là phương tiện tuyệt vời để đảm bảo ai cũng nghe được. Và giống như BCI, thông điệp của King có thể đến với hàng ngàn người, nhưng niềm tin của ông sẽ không bao giờ được nhận thức rõ ràng.
Để gây được sự chú ý thì khá dễ dàng, những gì cần có là tiền bạc cùng vài chiêu thức quảng cáo. Tiền bạc giúp cho thông tin luôn được đặt ở trung tâm và ở hàng đầu, còn quảng cáo giúp cho việc đưa tin. Nhưng không có phương pháp nào tạo ra sự trung thành. Nhiều người đang đọc cuốn sách này vẫn còn nhớ rằng Oprah Winfrey đã từng tặng xe hơi miễn phí cho mỗi thành viên làm khán giả phòng thu của cô. Chuyện xảy ra vài năm trước đây và người ta vẫn còn nhớ sự kiện đó, nhưng có mấy ai nhớ được tên hãng xe là gì? Đó chính là vấn đề. Chính xác thì đó là hãng xe Pontiac đã tài trợ 276 chiếc xe đời G6 mới nhất của họ với trị giá lên tới bảy triệu đô. Và cũng chính Pontiac đã coi sự kiện này như một phương thức để quảng cáo chiếc xe đời mới của họ. Sự kiện đã thành công trong việc củng cố thêm tính cách hào phóng của Oprah, điều mà chúng ta vẫn thường thấy ở cô, nhưng cuối cùng chỉ có được vài người nhớ rằng Pontiac đã là một phần trong câu chuyện. Tệ hơn là sự kiện đã không củng cố được mục đích, nguyên tắc hay niềm tin nào mà Pontiac là đại diện. Chúng ta không biết lý do TẠI SAO của Pontiac là gì, vì vậy chiêu trò quảng cáo này chỉ có tác dụng thu hút thêm sự chú ý của công chúng, và đó là tất cả những gì nó làm được.
Để một thông điệp có tầm ảnh hưởng thực sự, có thể tác động tới hành vi và tạo dựng lòng trung thành, thì chỉ thu hút sự chú ý thôi là chưa đủ. Nó cần đưa ra được những thông điệp ý nghĩa, những nguyên tắc hay niềm tin để những người có chung giá trị và niềm tin đó cảm thấy có sự gắn kết. Chỉ có như vậy thông điệp mới tạo ra được những thành công lâu dài trên toàn thị trường. Để một sự kiện có thể thu hút được những người thuộc bên trái đường cong trong Quy luật lan tỏa, người ta phải làm rõ lý do TẠI SAO sự kiện được thực hiện. Nếu chỉ được làm với mục đích để gây sự chú ý, thì ngoài những lợi ích ngắn hạn có thể đạt được, nó không có ý nghĩa gì hơn việc khuếch đại âm thanh mà thuật ngữ kinh doanh gọi là: làm ồn. Nhiều công ty ngày nay vẫn đang tự hỏi tại sao khác biệt hóa lại khó khăn đến vậy. Bạn có nghe thấy tiếng ồn nào phát ra từ họ hay không?
Ngược lại, giả sử tiến sĩ King không có một chiếc loa phóng thanh nào hỗ trợ thì nó có ảnh hưởng gì tới bài thuyết trình của ông không? Thông điệp về tầm nhìn của ông vẫn rõ ràng và ngôn từ của ông vẫn tràn đầy cảm hứng. Ông biết những gì mình tin tưởng và ông nói bằng cả đam mê và uy tín của mình về niềm tin đó. Nhưng sẽ chỉ có vài người ngồi hàng đầu có thể được truyền cảm hứng từ những gì ông nói. Một nhà lãnh đạo với một lý tưởng cao đẹp cần phải có một chiếc loa phóng thanh để truyền tải thông điệp của mình. Nó cần phải rõ ràng và đủ lớn để có tác dụng. Có một mục đích, nguyên tắc hay niềm tin rõ ràng là quan trọng, nhưng cũng quan trọng không kém là người ta phải nghe được bạn. Để lý do TẠI SAO có sức mạnh thúc đẩy con người, không chỉ cần rõ ràng mà còn phải được khuếch đại đến nhiều người nhằm tạo ra sự bùng nổ về quy mô.
Không phải ngẫu nhiên mà Vòng tròn Vàng là một hình nón ba chiều. Thực tế nó chính là một chiếc loa phóng thanh. Một tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ trở thành chiếc loa phóng thanh, qua đó một người với mục đích, nguyên tắc hay niềm tin rõ ràng có khả năng truyền đạt nó ra thế giới bên ngoài. Nhưng để chiếc loa phóng thanh có thể hoạt động tốt thì sự rõ ràng phải đặt lên hàng đầu. Nếu không có thông điệp rõ ràng để truyền tải thì bạn định khuếch đại điều gì?
Chỉ nói những gì bạn tin tưởng
Tiến sĩ King sử dụng chiếc loa phóng thanh của mình để tập hợp người khác theo ông tạo ra sự công bằng trong xã hội. Anh em nhà Wright sử dụng loa phóng thanh để tập hợp cộng đồng địa phương giúp họ tạo ra công nghệ làm thay đổi thế giới. Hàng ngàn người lắng nghe John F. Kennedy chia sẻ niềm tin về phụng sự và khả năng đưa con người lên Mặt trăng trong vòng một thập kỷ. Những lý tưởng xã hội cao đẹp luôn có khả năng khơi nguồn cảm hứng cho người khác để họ sẵn sàng đóng góp và phụng sự. Bất kỳ tổ chức nào cũng có khả năng tạo ra một chiếc loa phóng thanh để đạt được tầm ảnh hưởng rộng lớn. Thực tế đó là một trong những nhân tố quyết định khiến cho một tổ chức trở nên vĩ đại. Những tổ chức vĩ đại không chỉ tạo ra nhiều lợi nhuận, họ còn dẫn dắt người khác và làm thay đổi hướng đi của một ngành kinh doanh, và đôi khi là cuộc sống của chúng ta.
Một ý định TẠI SAO rõ ràng tạo cơ sở cho những kỳ vọng. Khi chúng ta không hiểu lý do TẠI SAO của một tổ chức là gì, chúng ta không lấy gì để kỳ vọng và vì vậy chúng ta kỳ vọng điều nhỏ bé nhất - giá cả, chất lượng, dịch vụ, tính năng - những thứ liên quan đến hàng hóa. Nhưng khi chúng ta đã biết rõ lý do TẠI SAO thì chúng ta sẽ kỳ vọng nhiều hơn. Với những cá nhân hay tổ chức chưa đạt được những chuẩn mực cao này, tôi chân thành khuyên nên làm sáng tỏ lý do TẠI SAO và cố gắng giữ cho Vòng tròn Vàng được cân bằng. Những chuẩn mực cao thường khó duy trì vì nó yêu cầu bạn có kỷ luật để thường xuyên nhắc nhở mọi người về lý do TẠI SAO tổ chức của bạn lại tồn tại ngay từ đầu. Nó yêu cầu mọi người trong tổ chức chịu trách nhiệm về cách làm THẾ NÀO bạn tiến hành công việc, đó là những giá trị và nguyên tắc dẫn đường của bạn. Và nó cần có thời gian và nỗ lực để đảm bảo rằng mọi điều bạn nói và làm là trung thành với lý do TẠI SAO của bạn. Nhưng đối với những ai sẵn sàng bỏ ra thời gian và công sức, họ sẽ gặt hái được những thành công vĩ đại.
Richard Branson là người đầu tiên xây dựng hãng băng đĩa Virgin trở thành một thương hiệu bán lẻ trong ngành âm nhạc có trị giá hàng tỷ đô. Sau đó, ông đã thành lập một hãng hàng không được xem như là một trong những công ty hàng không chính trên thế giới ngày nay. Ông tiếp tục xây dựng một thương hiệu nước giải khát, một công ty tổ chức đám cưới, một công ty bảo hiểm và dịch vụ điện thoại di động. Và danh sách vẫn còn dài. Tương tự như vậy, Apple bán máy tính, điện thoại di động, đầu kỹ thuật số, máy nghe nhạc mp3, và liên tục lặp lại khả năng sáng tạo đổi mới của mình. Khả năng không chỉ thành công mà còn lặp lại nhiều lần thành công đó liên quan tới những người trung thành, những người luôn đi theo để ủng hộ thành công của họ. Trong thế giới kinh doanh họ gọi Apple là một thương hiệu cá tính. Họ đã đánh giá thấp sức mạnh của Apple. Gucci cũng là một thương hiệu cá tính, nhưng Apple mới làm thay đổi hướng đi của một ngành kinh doanh. Dù có nói thế nào thì một số ít những công ty như vậy không hoạt động như những đơn vị kinh doanh, họ tồn tại như những phong trào xã hội.
Lặp lại thành công
Không phải ai cũng biết đến Ron Bruder, nhưng ông là một nhà lãnh đạo vĩ đại. Có câu chuyện kể về ông vào năm 1985, khi ông đang đứng cùng hai cô con gái trên phần đường dành cho người đi bộ để đợi đèn xanh sang đường. Ông nghĩ đây là một cơ hội tốt để dạy hai cô bé một bài học giá trị trong cuộc sống. Ông chỉ vào đèn đỏ bên đường và và hỏi hai cô con gái của mình dấu hiệu đó có nghĩa là gì. Hai cô bé trả lời: “Nó có nghĩa là chúng ta phải đợi ở đây.” Ông hỏi lại: “Các con có chắc vậy không? Sao các con không nghĩ rằng nó bảo chúng ta phải chạy cho nhanh?”
Bruder lúc nào cũng trong bộ com lê lịch sự đến công ty và ăn nói một cách nhỏ nhẹ, bạn sẽ nghĩ ông là một nhà lãnh đạo thận trọng. Nhưng đừng vội phỏng đoán chỉ dựa trên những gì bạn nhìn thấy. Cách ăn mặc đó chẳng qua là do tính chất công việc buộc ông phải vậy. Bruder hoàn toàn không phải là kiểu người khuôn mẫu. Bruder được thôi thúc bởi một lý do TẠI SAO rõ ràng. Ông nhận thấy một thế giới trong đó người ta chấp nhận cuộc sống và những gì họ đang làm không phải vì họ bắt buộc phải làm vậy mà vì chưa từng có ai chỉ cho họ một cách làm khác. Đó chính là bài học ông muốn dạy cho hai cô con gái của mình trên phần đường dành cho người đi bộ ngày nào - luôn có một góc nhìn khác cho cùng một sự việc. Chính việc luôn bắt đầu với lý do TẠI SAO đã giúp Bruder gặt hái được những thành công tuyệt vời cho chính mình. Nhưng quan trọng hơn thế, ông luôn biết cách chia sẻ lý do TẠI SAO của mình thông qua những việc ông làm để truyền cảm hứng cho người khác làm những điều tuyệt vời cho chính họ.
Giống như hầu hết chúng ta, con đường sự nghiệp mà Bruder đã trải qua là hoàn toàn ngẫu nhiên và tình cờ. Nhưng động cơ TẠI SAO ông làm việc thì không bao giờ thay đổi. Mọi điều Bruder làm đều bắt đầu với lý do TẠI SAO, đó là niềm tin mạnh mẽ rằng nếu bạn có thể chỉ cho người ta một cách làm khác, nó sẽ mở ra cho họ một con đường mới để đi theo. Giống như bao lãnh đạo truyền cảm hứng khác, ông đã thay đổi hướng đi của một ngành kinh doanh. Nhưng Ron Bruder không phải là người chỉ giỏi làm mãi một thứ. Ông có khả năng lặp lại sự thành công nhiều lần và thay đổi hướng đi của nhiều ngành kinh doanh.
Khi Bruder còn là giám đốc tài chính cho một tập đoàn thức ăn chuyên kinh doanh các loại rau quả, đồ hộp, có một lãnh đạo cấp cao trong công ty tới gặp ông hỏi xin ý kiến. Ông muốn mua lại một đại lý du lịch cho cháu trai mình nên nhờ Bruder đánh giá tình hình tài chính của đại lý trước khi ký kết hợp đồng. Biết rằng đó là một cơ hội mà không phải ai cũng nhìn thấy, Bruder quyết định tham gia đại lý du lịch để giúp nó vận hành. Tại đó, ông đã làm một điều khác biệt với tất cả những gì các đại lý khác đang làm. Ông đã xây dựng Greenwell thành đại lý du lịch ven biển miền đông đầu tiên sử dụng công nghệ mới với việc sử dụng máy tính cho toàn bộ hoạt động của mình. Sau một năm, họ không chỉ trở thành công ty thành công nhất trong vùng mà mô hình kinh doanh của họ còn trở thành chuẩn mực cho cả ngành kinh doanh. Và Bruder tiếp tục thành công.
Một đối tác cũ của Bruder là Sam Rosengarten đang làm trong ngành kinh doanh đầy bụi bặm với than đá và dầu khí. Đặc tính của ngành là nó tạo ra những vùng đất bỏ hoang do bị ô nhiễm do hoạt động kinh doanh của họ. Những vùng đất này không được sử dụng vì quá ô nhiễm và chi phí làm sạch chúng lớn đến nỗi riêng phí bảo hiểm thôi đã khiến người ta không muốn đụng đến nữa. Nhưng Bruder không nhìn thách thức này theo cách của số đông. Ông không tập trung vào việc làm sạch mà đưa ra một giải pháp hoàn hảo dựa vào một góc nhìn khác.
Trước đó công ty bất động sản Brookhill với 18 nhân viên của Bruder vẫn đang hoạt động tốt. Thấy được cần phải chớp lấy thời cơ này, ông đã tiếp cận công ty Dames & Moore để chia sẻ ý tưởng của mình. Đó một trong những công ty kỹ thuật môi trường lớn nhất thế giới với đội ngũ công nhân viên lên tới 18.000 người. Họ đã bị thuyết phục bởi ý tưởng của Bruder và ký kết hợp tác để theo đuổi dự án. Các công ty bảo hiểm đã vui vẻ đưa ra một mức bảo hiểm phù hợp vì rủi ro đã được giảm thiểu đáng kể khi có một công ty quy mô lớn như vậy tham gia. Vì có được bảo hiểm nên quỹ tín dụng Suisse First Boston đã cung cấp tài chính để Brookhill có khả năng mua lại, sửa sang và nâng cấp những khu đất trước đây bị ô nhiễm rồi bán chúng với trị giá lên tới 200 triệu đô la. Và Brookhill đã trở thành nhà tiên phong trong việc tái phát triển những khu đất bỏ hoang, một ngành kinh doanh vẫn làm ăn phát đạt cho tới ngày nay. Động cơ TẠI SAO của Bruder không chỉ tạo ra hướng đi tốt cho ngành kinh doanh, nó còn giúp làm sạch môi trường.
Bruder luôn gặp phải những thách thức và đụng vào các lĩnh vực khác nhau một cách ngẫu nhiên và tình cờ. Nhưng không quan trọng ông làm CÁI GÌ, điều không bao giờ thay đổi là lý do TẠI SAO ông làm nó. Bruder hiểu một điều rằng dù cơ hội có vẻ tốt thế nào, dù ông có thông minh và tài giỏi cỡ nào, ông sẽ không thể đạt được điều gì nếu không có sự giúp đỡ của người khác. Ông hiểu rằng để thành công cần có sự kết hợp của nhiều người. Ông có một tài năng thu hút những người có chung niềm tin với mình. Nhiều người tài giỏi tìm tới ông và đề nghị: “Tôi có thể giúp gì cho ông?” Sau khi đã vượt qua được những cái nhìn hạn hẹp và làm thay đổi nhiều ngành kinh doanh, giờ đây Bruder dành tâm huyết của mình cho một thử thách lớn hơn: hòa bình thế giới. Ông đã thành lập Quỹ Đào tạo nhân lực (EFE) như một chiếc loa phóng thanh giúp ông thực hiện mục tiêu của mình.
Quỹ EFE đã mang lại những tiến bộ đáng kể trong việc giúp đỡ giới trẻ ở Trung Đông thay đổi diện mạo cuộc sống của họ và của cả khu vực. Ông đã mang lại một góc nhìn mới cho vấn đề ở Trung Đông cũng giống như bài học về góc nhìn khác ông đã dạy cho các cô con gái trên đường năm xưa. Giống như mọi thành công Bruder đã đạt được, Quỹ EFE cũng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong những công việc mà nó thực hiện. Bruder không điều hành một công ty, ông dẫn dắt một phong trào.
Mọi phong trào đều mang tính cá nhân
Sau sự kiện nước Mỹ bị tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001, Bruder đã chuyển sự chú ý sang Trung Đông và tự hỏi làm sao những điều như vậy có thể xảy ra. Ông hiểu rằng nếu một sự kiện như vậy đã xảy ra một lần thì nó có thể sẽ lặp lại lần nữa, và ông muốn tìm cách nào đó để ngăn cản điều đó vì tương lai của những đứa con mình.
Trong lúc nghĩ xem có thể làm gì, ông phát hiện ra những điều còn sâu sắc hơn việc bảo vệ những cô con gái của ông hay thậm chí ngăn cản chủ nghĩa khủng bố trên nước Mỹ. Ông nhận thấy trên đất nước mình, phần lớn giới trẻ thức dậy mỗi buổi sáng đều có niềm tin về những cơ hội đang chờ đón họ trong tương lai. Không quan trọng tình hình kinh tế ra sao, hầu hết các chàng trai, cô gái lớn lên trên nước Mỹ đều có cảm giác lạc quan rằng họ có thể đạt được điều gì đó nếu họ muốn, họ có thể sống giấc mơ Mỹ của mình. Tuy nhiên, một cậu bé lớn lên ở Gaza hay một cô bé sống ở Yemen không có cảm giác đó vào mỗi sáng thức dậy. Dù chúng có cùng ước mơ nhưng lại không thể có cùng niềm lạc quan như vậy. Thật dễ để nói rằng điều đó là do sự khác biệt văn hóa, nhưng như vậy thì không thay đổi được gì. Lý do thực sự là không có những tổ chức để giúp giới trẻ trong khu vực này có được cảm giác lạc quan về tương lai. Ví dụ như một trường cao đẳng ở Jordan có thể giúp họ có địa vị nào đó trong xã hội, nhưng nó không chắc đã cung cấp cho giới trẻ những hành trang cần thiết cho cuộc đời phía trước. Trong trường hợp này, sự tồn tại của hệ thống giáo dục chỉ khiến người ta cảm thấy bi quan hơn.
Bruder đã nhận ra những vấn đề khiến chúng ta phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố ở phương Tây không liên quan nhiều tới việc giới trẻ ở Trung Đông nghĩ gì về nước Mỹ, nó liên quan nhiều hơn tới việc họ nghĩ gì về bản thân và tương lai của mình. Thông qua Quỹ EFE, Bruder đã xây dựng những chương trình trên khắp Trung Đông để dạy cho giới trẻ những kỹ năng cứng và kỹ năng mềm có thể giúp họ cảm thấy mình có được những cơ hội trong cuộc đời. Đồng thời để họ cảm thấy tự tin hơn vào tương lai. Bruder đang sử dụng Quỹ EFE để chia sẻ thông điệp TẠI SAO của ông trên tầm quốc tế. Ông đã dạy cho người khác hiểu rằng luôn có một lựa chọn khác trên con đường họ nghĩ mình đang đi.
Quỹ Đào tạo nhân lực không phải là một hoạt động nhân đạo của nước Mỹ để làm việc thiện trên một mảnh đất xa xôi. Nó là một phong trào quốc tế. Mỗi hoạt động của EFE được tiến hành độc lập với đa số người dân địa phương đứng đầu mỗi cơ sở. Những nhà lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm trao cho giới trẻ những cơ hội bằng cách dạy họ kỹ năng, kiến thức và quan trọng hơn là sự tự tin để họ lựa chọn một con đường khác cho chính mình. Mayyada Abu-Jaber đang dẫn dắt phong trào ở Jordan. Mohammad Naja đang lan tỏa đường lối ở Gaza và ngân hàng phương Tây. Và Maeen Aleryani đang chứng tỏ rằng hướng đi này có thể làm thay đổi cả nền văn hóa của Yemen.
Ở Yemen, trẻ em thường chỉ học chín năm trên ghế nhà trường, đây là một trong những tỷ lệ thấp nhất trên thế giới. Ở Mỹ con số này là 16 năm. Được truyền cảm hứng bởi Bruder, Aleryani đã nhìn thấy cơ hội tuyệt vời giúp những thanh thiếu niên thay đổi nhận thức của họ để có thể chủ động hơn cho tương lai của mình. Anh đã đi tìm nguồn tài chính cho hoạt động của cơ sở EFE tại Sanaa, thủ đô Yemen, và chỉ trong một tuần đã kêu gọi được số tiền tài trợ lên tới 50.000 đô la. Ở một trong những quốc gia nghèo nhất khu vực vốn không có văn hóa làm từ thiện như Yemen mà đạt được tốc độ và con số như vậy là rất đáng kể. Khi bạn nói với người khác lý do TẠI SAO bạn làm những gì bạn làm thì những điều khác thường có thể xảy ra.
Những người tham gia vào chương trình của EFE trong khắp vùng đều tin tưởng rằng họ có thể giúp cho anh chị em và con cái họ được đào tạo những kỹ năng giúp họ thay đổi nhận thức về con đường họ nên lựa chọn. Họ đang làm việc để giúp giới trẻ trong khu vực tin tưởng vào một tương lai tươi sáng và tràn đầy cơ hội. Và họ không làm điều đó cho Bruder, họ làm điều đó cho chính họ. Đó là lý do tại sao EFE sẽ thay đổi thế giới.
Đứng tại vị trí trên cùng của chiếc loa phóng thanh, vị trí của TẠI SAO, vai trò của Bruder là truyền cảm hứng để phát động một phong trào. Bất kể ai cũng đều có thể tham gia phong trào này, không quan trọng họ sống ở đâu, làm gì, hay là người nước nào. Miễn là họ tin tưởng họ có thể làm nên sự thay đổi thực sự và giúp cho phong trào phát triển. Nếu bạn tin tưởng rằng có một con đường khác để đi tới đích, và tất cả những gì chúng ta cần làm là hãy bước trên đó, khi đó bạn hãy ghé thăm trang web efefoundation.org và tham gia phong trào này. Để thay đổi thế giới cần có sự hỗ trợ của tất cả những ai có chung niềm tin.