Nếu bạn theo đuổi lý do Tại sao của mình, người khác sẽ đi theo bạn
“BÙM!” Tiếng súng vang lên và cuộc đua bắt đầu. Các vận động viên cùng xuất phát trên đường chạy. Ngày hôm trước trời đổ mưa khiến mặt đất ẩm ướt, nhưng thời tiết khá mát mẻ. Đó là một ngày tuyệt vời cho một cuộc chạy đua. Một hàng vận động viên nhanh chóng hình thành một nhóm trông giống như bầy cá đang bơi theo đàn. Nhóm vận động viên đang duy trì tốc độ tốt nhất để giữ sức cho toàn chặng. Với cuộc đua nào cũng vậy, chỉ ít phút sau khi xuất phát thì những người mạnh nhất bắt đầu bứt phá lên phía trước và những kẻ yếu hơn bị rớt lại đằng sau. Nhưng với Ben Comen thì khác. Ben bị rớt lại phía sau ngay khi tiếng súng vừa vang lên. Ben không phải là vận động viên tốt nhất trong nhóm. Thực tế anh là người chậm nhất. Anh chưa từng chiến thắng bất kỳ một cuộc đua nào trong suốt thời gian tham gia đội tuyển điền kinh của trường trung học Hanna. Anh bị chứng bại não.
Bệnh bại não là một chứng bệnh thường mắc phải ngay từ khi chào đời, và nó ảnh hưởng tới khả năng thăng bằng của bệnh nhân. Người ta phải chịu đựng các vấn đề về thể xác trong cả cuộc đời. Những chiếc xương méo mó khiến cho cơ thể bị vặn vẹo. Cơ bắp thường yếu ớt và phản xạ thần kinh chậm. Sự bó cứng giữa các khối cơ và khớp xương cũng khiến người bệnh mất thăng bằng. Những ai mắc chứng bại não thường có dáng đi xiêu vẹo, đầu gối lập cập và bàn chân phải kéo lê. Những người bên ngoài nhìn họ giống người lóng ngóng và suy nhược.
Cả nhóm đã bứt phá xa phía trước trong khi Ben bị rớt xa lại đằng sau. Anh trượt chân trên cỏ ướt và ngã nhào xuống nền đất mềm. Anh từ từ nhấc mình lên rồi lại chạy tiếp. Mỗi lần ngã xuống anh lại đứng dậy. Những khi đau đớn anh được đỡ dậy và lại tiếp tục chạy. Ben không bỏ cuộc. Đám đông đã bỏ xa tầm mắt và Ben vẫn chạy một mình. Cả khán trường lặng im và Ben có thể nghe thấy tiếng thở nặng nhọc của mình. Anh cảm thấy cô đơn. Anh lại vấp phải chân mình và ngã xuống, nhưng anh lại đứng dậy để tiếp tục. Dù tinh thần có cứng cỏi nhưng anh không giấu được sự khó nhọc trên khuôn mặt mình. Mỗi lần phải dùng toàn bộ năng lượng để gượng dậy anh lại tỏ ra nhăn nhó. Đối với Ben thì đây là một phần của cuộc đua. Mọi người đều đã về đích trong khoảng hai mươi lăm phút. Đối với Ben anh thường mất hơn bốn mươi lăm phút để làm điều đó.
Anh phải dùng toàn bộ sức lực của mình để có thể cán đích trong đau đớn và kiệt sức. Cơ thể anh bầm tím, chảy máu, và dính đầy bùn. Nhưng Ben đã thực sự truyền cảm hứng cho chúng ta. Đây không phải câu chuyện về “mọi khó khăn rồi sẽ qua” hay “hãy đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã”. Mặc dù chúng là những bài học lớn nhưng chúng ta không cần đến Ben Comen để chứng tỏ điều đó. Có hàng tá những tấm gương để chúng ta học hỏi điều đó, như một nhà điền kinh Olympic phải vượt qua chấn thương để giành giải vô địch. Bài học của Ben còn sâu sắc hơn thế.
Có một điều thú vị đã xảy ra sau khoảng 25 phút của cuộc đua. Khi mọi người đã về đích họ quay trở lại để chạy cùng Ben. Ben là người duy nhất mà khi anh vấp ngã sẽ có ai đó vực anh dậy để tiếp tục. Ben là người duy nhất mà khi anh về đích có cả trăm người chạy theo sau anh.
Những gì Ben dạy cho chúng ta rất đặc biệt. Khi bạn cạnh tranh với người khác, sẽ không có ai muốn giúp bạn. Nhưng khi bạn cạnh tranh với chính mình, mọi người đều muốn giúp bạn. Những vận động viên Olympic không giúp đỡ nhau vì họ là đối thủ. Ben bắt đầu mọi cuộc đua với một lý do TẠI SAO rõ ràng. Anh không ở đó để chiến thắng người khác mà để chiến thắng bản thân mình. Và Ben không bao giờ quên điều đó. Chính lý do TẠI SAO anh chạy đã giúp anh có được sức mạnh để tiếp tục đứng dậy và không ngừng tiến về phía trước. Và mỗi ngày khi Ben chạy, anh chỉ lập kế hoạch để chiến thắng chính mình.
Bây giờ hãy thử nghĩ chúng ta đã làm kinh doanh như thế nào. Chúng ta luôn cạnh tranh với ai đó và cố gắng để tốt hơn họ, có thể là về chất lượng, tính năng hay dịch vụ. Chúng ta luôn so sánh mình với người khác, và vì vậy không ai muốn giúp chúng ta. Điều gì xảy nếu chúng ta làm việc mỗi ngày chỉ đơn giản là để tốt hơn chính mình? Để khiến cho tháng này tốt hơn tháng trước? Và để khi rời khỏi tổ chức thì chúng ta thấy mình đã giúp nó trở nên tốt đẹp hơn.
Mọi tổ chức đều bắt đầu với một lý do TẠI SAO, nhưng chỉ những tổ chức vĩ đại mới biết cách giữ cho lý do TẠI SAO đó luôn rõ ràng hết năm này qua năm khác. Những ai quên mất lý do TẠI SAO của mình chỉ làm việc để giỏi hơn người khác mà không phải là chính họ. Cuộc chơi cho những người đã đánh mất lý do TẠI SAO của mình là cuộc đua để giành giật huy chương hay để đánh bại người khác.
Điều gì xảy ra nếu lần tới người ta hỏi: “Ai là đối thủ của bạn?” và chúng ta trả lời: “Tôi không biết.” Nếu họ tiếp tục gặng hỏi: “Điều gì khiến bạn giỏi hơn đối thủ của mình?”, chúng ta trả lời: “Chúng tôi không giỏi hơn họ trong mọi trường hợp.” Và nếu họ lại hỏi: “Lý do nào khiến tôi nên làm ăn với bạn?” và chúng ta trả lời đầy tự tin: “Bởi vì những gì chúng tôi làm hôm nay tốt hơn sáu tháng trước đây. Và những gì chúng tôi sẽ làm trong sáu tháng tiếp theo thì tốt hơn ngày hôm nay. Bởi vì chúng tôi thức dậy mỗi ngày với một ý thức rõ ràng về lý do TẠI SAO chúng tôi làm việc. Chúng tôi làm việc để truyền cảm hứng cho người khác làm những điều truyền cảm hứng cho họ. Vậy chúng tôi có tốt hơn đối thủ của mình hay không? Nếu bạn tin tưởng những gì chúng tôi tin tưởng và bạn tin rằng chúng tôi có thể giúp bạn, khi đó chúng tôi là người tốt hơn. Nếu bạn không tin những gì chúng tôi tin tưởng và không tin chúng tôi có thể giúp bạn, khi đó chúng tôi không tốt hơn. Mục tiêu của chúng tôi làm tìm kiếm những khách hàng tin tưởng vào những gì chúng tôi tin tưởng và hợp tác để cùng nhau thành công. Chúng tôi tìm kiếm những con người có thể chung vai với chúng tôi để gánh vác một mục tiêu chung. Chúng tôi không hứng thú với việc ngồi trên bàn đàm phán để ký kết những hợp đồng hứa hẹn. Và đây là những gì chúng ta sẽ làm để hiện thực hóa mục tiêu chung…” Và sau đó bạn tiếp tục nói thêm chi tiết về làm THẾ NÀO và làm CÁI GÌ. Nhưng lần này bạn đã bắt đầu với lý do TẠI SAO.
Hãy tưởng tượng nếu mọi tổ chức đều bắt đầu với lý do TẠI SAO, khi đó mọi quyết định sẽ dễ dàng hơn, các bên sẽ có được niềm tin và sự trung thành với nhau nhiều hơn. Nếu các nhà lãnh đạo của chúng ta luôn biết bắt đầu với lý do TẠI SAO, khi đó chúng ta có thể lạc quan về một tương lai tràn đầy sự đổi mới và sáng tạo. Không quan trọng sản phẩm hay dịch vụ của bạn là gì, không quan trọng quy mô công ty bạn lớn hay nhỏ, nếu chúng ta cùng có trách nhiệm để bắt đầu với lý do TẠI SAO và truyền cảm hứng cho người khác cùng làm như vậy, khi đó chúng ta sẽ cùng nhau thay đổi thế giới.
Và điều đó tràn đầy cảm hứng.
Nếu cuốn sách này truyền cảm hứng cho bạn, xin hãy chuyển nó cho người mà bạn muốn truyền cảm hứng.