Hành lang trong đồn cánh sát đường London rất hút gió. Sàn nhà được lát gạch màu nâu, những hàng ghế gắn chặt xuống đất đứng xếp hàng, tất cả đều được giám sát từ bên kia phòng qua tấm kính hai chiều. Cứ như để cung cấp một điểm sáng nhỏ nhoi đối chọi với khung cảnh kém thân thiện trên, người ta dựng bên cạnh phòng hình một nữ cảnh sát ngớ ngẩn, to bằng người thật cắt ra từ tấm bìa.
Sáng hôm nay, mấy chiếc ghế đã bị một nhóm phụ nữ chiếm giữ và tất cả bọn họ đều giận dữ. Đến lúc Morrow đi qua trên đường vào phòng thẩm vấn thì họ đã thành lập được một hội đồng khiếu nại: Một trong số họ đứng dậy khi Morrow đi từ phòng Điều tra Hình sự ra. Những người phụ nữ khác đợi trong hy vọng khi người phụ nữ này đoán đường đi của Morrow và lao ra cản đường.
“Này cô, cô là chỉ huy ở đây hả?”
Hai tay chống nạnh, đầu ngửa ra sau, chị ta nhìn xuống Morrow với vẻ hiếu chiến. Chị ta có vòng hai quá khổ và đang mặc một chiếc áo lòe loẹt màu tím phía trên cái quần màu đen. Tóc chị ta cắt ngắn, nhuộm màu rượu vang không tôn lên màu da vàng chút nào.
“Có phải cô là chỉ huy không?”, chị ta đang sẵn sàng gây sự.
Có trong tay mười cảnh sát và mặc áo chống đạn Morrow cũng chẳng gây chiến với người này:
“Trông tôi có giống người chỉ huy không?”.
Chị ta xem xét Morrow và nhận thấy cô đang mang thai.
“Tất cả chúng tôi đều bị gọi đến đây cùng một giờ...”.
Morrow cắt lời:
“Chị hiểu rằng đây là cuộc điều tra án mạng chứ?”.
Chị ta ghé sát vào mặt Morrow:
“Và cô hiểu là tất cả chúng tôi đều đang bỏ việc để ngồi đây chờ cô chứ?”.
Một đám phụ nữ đang xem đồng loạt gật đầu.
Morrow bước vòng qua chị ta và nói với những người còn lại:
“Chúng tôi sẽ gọi tất cả các chị vào sớm thôi”.
Nhưng người phụ nữ mặc áo tím tưởng là chị ta đã thắng và cảm thấy tự tin hơn nên lại bước tới chắn đường cô:
“Thế nghĩa là thế nào?”.
“Cái gì cơ?”
“’Sớm’ ấy, nghĩa là thế nào?”. Chị ta vươn người tới, quyết tâm không bị đẩy lui trước mặt những người khác.
Morrow nhìn thấy đèn bật lên đằng sau tấm gương hai chiều. Viên cảnh sát trực đang ngồi đằng sau chỗ đó. Nếu người phụ nữ này có vẻ như đang giơ tay giơ chân với một sỹ quan cảnh sát thì anh ta sẽ phi ra đây ngay, vui mừng tóm lấy cái cớ này.
Morrow không có thời gian đôi co, càng không có thời gian điền vào các biểu mẫu cáo buộc phụ trợ. Vẫn còn cảm thấy quá tự tin nhờ vào chiến thắng trong buổi họp giao ban lúc sáng, cô giơ một tay lên với tấm gương, ra hiệu cho viên cảnh sát không cần phải ra. Cô cảm thấy đám phụ nữ đang tụ tập ở đây không thực sự muốn ra về chứ chưa nói đến chuyện họ có việc cụ thể cần làm, cô bước thẳng đến và nói trực tiếp với họ:
“Được rồi, các chị”, cô nói và thấy rằng họ nhận ra trọng âm của cô không khác gì của họ. “Thỏa thuận thế này nhé: Sarah Erroll vừa bị giết ngày hôm kia...”.
“Cái đó chúng tôi biết rồi”, người phụ nữ đằng sau lưng cô nói.
“Điều các chị không biết là cô ta bị giết như thế nào.” Cô nhìn quanh họ, để họ tự tưởng tượng. “Tôi không thể kể cho các chị biết chi tiết đó nhưng tôi có thể nói thế này: Chúng tôi cần phải tìm ra thủ phạm và phải làm thật nhanh”.
“Chúng tôi có được trả tiền không?”, lại là người phụ nữ mặc áo tím, chị ta đã tiến lên từ phía sau để đòi lại uy quyền.
Morrow bực tức:
“Để tìm tên sát nhân ấy à?”.
“Cô ta nói cũng đúng đấy, Anne Marie”, một người khác nói với thủ lĩnh áo tím từ bên ngoài đám người. Chị ta nhìn vào Morrow. “Nhưng cô hiểu cho, thậm chí họ còn không hề nói với chúng tôi lời nào. Chỉ bảo chúng tôi tới đây. Tất cả chúng tôi phải bỏ dở công việc và chúng tôi đều phải đến cùng một giờ. Cô đâu có phỏng vấn chúng tôi cùng lúc được.”
“Được rồi”, Morrow gật đầu với mặt đất. “Đúng. Chúng tôi sẽ cố gặp tất cả các chị cho xong trước giờ ăn trưa. Cách đây hai tòa nhà là một quán cà phê tự phục vụ”. Cô chỉ vào cánh cửa bên phải, “các chị cứ tự nhiên đi từng tốp hai người đến đó uống trà”.
Vài người gật đầu, vài người lẩm bẩm. Chị áo tím Anne Marie ngồi phịch xuống ghế khi bị đánh bại. Morrow chỉ vào chị ta:
“Chị đừng có gọi món gì cả, vì tôi định nói với chị đầu tiên đấy”.
Anne Marie đã làm việc cho bà Erroll được gần ba tuần. Tiền lương thì rất hậu, không nghi ngờ gì chuyện đó, chị ta thích tiền, nhưng có nhiều việc bà già không làm được hơn là quảng cáo tuyển dụng và cô con gái thì chẳng bao giờ nhờ cậy đến Anne Marie.
Chị ta kể điều này với Morrow và Leonard với vẻ khó tin trong lúc vươn tay vào trong cổ áo, thọc vào cánh tay và kéo một bên dây quai áo trong đã bị tuột lên vai.
Trong ba tuần mùa hè mà Anne Marie từng ở đó, Sarah Erroll đã đi xa hai lần, một lần đến New York và một lần đến London. Cô ta không bao giờ mời bạn bè đến chơi. Không ai gọi cho cô ta hay để lại lời nhắn ở máy điện thoại nhà.
“Cô ta là người thế nào?”
Anne Marie nhún vai:
“Tôi không thích cô ta”.
“Tại sao không?”
“Tôi nghĩ cô ta hơi đần. Hơi mơ hồ.” Chị ta nghiêng ngả đầu, “đầu óc cứ để trên mây”.
“Như thế nào?”
“Cái gì như thế nào?”
“Cô ta để đầu óc trên mây như thế nào? Cô ta có tham vọng hay có nói về việc mình muốn làm bao giờ không?”
“Không.”
“Sao chị lại nghĩ cô ta đần?”
“À, khi bị sa thải, tôi đã đến gặp cô ta và nói: ‘Này, thật bất công, tôi bỏ việc để đến đây làm và giờ cô ta đang bảo tôi bị đuổi...’”.
“Chờ đã, cô ta là ai? Ai đuổi chị?”
“Cô ta. Cái người còn lại ấy. Bảo tôi lười và tôi cứ ngồi trên giường mỗi khi cô ta vào và bảo bà Erroll cần thay đồ, nhưng tôi chỉ...”
“Ai là người còn lại?”
“Kay Murray ấy.” Chị ta trề môi ra.” Cô ta đấy.”
“Kay Murra sa thải chị à?”
“À, thực ra cô ta không bao giờ sa thải tôi. Cô ta chỉ bẫy tôi thôi.” Cô ta pha một cốc trà và nói: “Ôi tôi có thể thấy chị không hạnh phúc khi ở đây”. Anne Marie đang vung vẩy tay và phồng mang trợn má, cứ như là Kay đã cư xử rất vô lý trong khi lời lẽ của cô ấy có vẻ tính toán kỹ càng. “Sau đó, tôi nói đại loại ‘tôi không sao cả’, cô ta nói ‘à, có lẽ một vị trí mới sẽ phù hợp với chị hơn và chị từng nói về chuyện thích đi đây đi đó này kia’, rồi tôi nói ‘ồ, nếu cô trả tiền cho tôi đi du lịch...”.
“Vâng”, Morrow cắt lời chị ta. “Vậy là chị đã đến gặp Sarah vì việc đó, thế cô ta nói gì?”
“Kay là người quyết định.”
Morrow ngạc nhiên vì quyền lực mà Kay đã nắm được. Theo chỗ cô được biết thì cô ấy không được học hành tử tế cho lắm và chính miệng cô ấy đã nói mình không thân thiết với Sarah.
“Chị có chìa khóa không?”
“Không. Kay Murray mở cửa cho chúng tôi ra vào. Cô ta có chìa khóa.”
“Còn ai có nữa không?”
“Không. Chỉ có Kay Murray thôi.”
“Vậy là Kay rất thân với Sarah?”
“Không. Chỉ với bà mẹ thôi, bà Erroll ấy.”
“Joy Erroll à?”
“Vâng.”
Leonard chen vào:
“Tôi tưởng bà cụ bị bệnh Alzheimer?”.
“Có. Nhưng không có nghĩa là cô không thể kết bạn, đúng không?”. Chị ta nhìn Leonard vẻ khinh khỉnh.
“Họ là bạn bè như thế nào?”
“Bà mẹ vui hẳn lên khi nhìn thấy Kay. Yêu cô ta. Khóc khi cô ta ra về. Không nhớ nổi tên mình nhưng lại biết khi nào Kay Murray không có trong nhà.” Chị ta nhếch miệng cười méo mó. “Chỉ càng tốt cho chúng tôi, nếu cô là người phải ở lại trông nom bà cụ thì cô sẽ hiểu.”
“Chị có nhớ cái sảnh hình vuông rộng rãi ngay ở trong hiên không?”
“Có.”
“Khi chị ở đó thì có gì trong sảnh.”
“Chỉ có một cái tủ bát to màu đen. Giống mấy thứ trong phim kinh dị ấy. Tay nắm cửa to tướng, thõng xuống.”
“Rất to...”, Morrow gật đầu, thúc giục chị ta mô tả nó.
Anne Marie gật đầu:
“Vâng, to lắm.” Thấy rằng Morrow mong được nghe nhiều hơn chị ta nói thêm, “tủ bát...”.
Người phụ nữ tiếp theo đã làm việc ở đó năm tháng cho đến khi cháu gái bà ta có con và bà ta phải nghỉ để ở nhà trông cháu. Đứa bé bị sinh non và người mẹ bị căng thẳng sau sinh. Bà gật đầu với cái bụng của Morrow:
“Cô hiểu chuyện đó thế nào rồi đấy”.
Bà là người nhỏ nhắn, khỏe mạnh và cực kỳ luộm thuộm. Chỉ có ba cái khuy ở một bên giày ống thôi mà bà cũng cài sai. Bà mặc một chiếc áo sơ mi màu đen với logo ABBA và một bên vai đã bị phai thành màu xám. Morrow mỉm cười khi cô nhận ra đó là chỗ bà phải giặt sạch bãi trớ của đứa bé.
Người phụ nữ này cũng nhớ được chiếc tủ bát màu đen và nói nó là tủ quần áo, cao ít nhất mười feet, chi tiết này không đúng. Họ đã đo chiều cao của dấu vết để lại trên tường và nó chỉ có bảy feet thôi. Bà ta không biết đã có chuyện gì xảy ra cho cái tủ. Sarah Erroll là cô gái dễ thương và rất tốt với mẹ cô, mặc dù bà cụ hơi lẫn và không phải lúc nào cũng tử tế.
“Bà ấy không tử tế như thế nào?”
Người phụ nữ cười khúc khích và đỏ mặt:
“Mồm miệng chua ngoa lắm”.
“Thế à?”
Người phụ nữ mím môi lại với nhau cứ như sợ rằng mình sẽ bất chợt buột miệng ra câu gì đó không hay.
“Là do chứng lẫn đấy”, người phụ nữ thì thào kể, “bà cụ bị lẫn. Bà ấy nói chuyện như một quý bà nhưng lại chen vào những từ tục. Cô mà nghe thì sẽ chết cười với bà ấy, buồn cười lắm”.
“Bà có thích làm ở nhà đó không?”
Bà ta nghĩ một lát:
“Nhà đó cũng tốt. Tôi làm công việc này, cô biết đấy, và đôi khi hơi buồn vì cái cách người ta đối xử với người bệnh”.
“Nhưng ở đây không thế?”
“Không. Lương trả rất khá và Kay là bạn của bà cụ, ý tôi là bạn thực sự, và vì thế bà Erroll vẫn được đối xử như một con người.
Ý tôi là, ngay từ lúc đầu cô Sarah đã ngồi với chúng tôi và nói rằng ngôi nhà này đã luôn là một chốn hạnh phúc và cô ấy muốn những người làm việc ở đây cũng được hạnh phúc. Cô ấy nói rằng tuy mẹ cô ấy bị lẫn nhưng bà vẫn biết khi nào người ta không vui. Cô ấy nói nếu tôi có điều gì cần phàn nàn hay lo lắng thì tôi nên nói chuyện với Kay.”
“Bà có phàn nàn điều gì không?”
“Không.”
“Làm việc cùng Kay có dễ dàng không?”
“Ổn cả. Cô ấy chỉ chăm lo cho bà cụ. Mặc cho bà Erroll tất cả những bộ quần áo bà ưa thích, cho dù chúng còn không vừa với bà nữa. Cô ấy tìm những bộ phim cũ để họ cùng xem với nhau. Nếu bà Erroll buồn thì Kay thường kể cho bà nghe là cô ấy vừa gặp Nữ hoàng và điều đó làm bà cụ vui lên. Họ cùng nấu nướng với nhau.
Làm bánh mỳ và bánh nướng.”
“Kay và bà Erroll quý mến nhau chứ?”
“Ôi trời.” Bà ta đảo mắt để nhấn mạnh. “Họ yêu nhau ấy chứ.”
Hai người phụ nữ khác không có gì để nói vì chỉ ở lại làm một hai tháng, một người là vì đi du lịch, người kia là vì bị đau lưng và không nhấc được đồ vật nặng. Kay giữ chị ta lại làm người quét dọn vì thích chị ta, nhưng sau đó bệnh tình chị ta nặng lên và cả việc ấy cũng không làm được.
Morrow định gọi một người nữa vào thì Wilder vào phòng thẩm vấn và báo với cô rằng giám đốc trung tâm hộ lý Jackie Hunter đang ở dưới nhà.
Jackie Hunter năm mươi tuổi và đã ly dị. Mái tóc đen cắt ngắn của bà ta có những lọn màu sô cô la và bóng bảy, được chăm sóc tốt đến mức trông cứ như bà ta cướp nó của một người phụ nữ trẻ hơn, cả hàm răng trắng lóa của bà cũng thế. Bà ta ăn nói nhẹ nhàng, âm điệu chắc chắn là đến từ vùng Giffnock, bà đặt hai bàn tay lên đùi, tay nọ đặt trên tay kia, gật đầu và lắng nghe rất chăm chú. Morrow có thể tưởng tượng ra cảnh từ bà toát lên vẻ cảm thông trong lúc các khách hàng khóc lóc, khiến họ có cảm giác được người khác lắng nghe.
Jackie giải thích rằng ba năm trước, Sarah đã đến gặp bà khi mẹ cô mới bị tai biến nhẹ những lần đầu tiên. Sarah đang làm việc ở London, trong thành phố, sống cũng các cô bạn gái thời đi học. Cô đã không nhận ra mẹ mình đang dần trở nên lú lẫn. Bà Erroll là một người phụ nữ kiêu hãnh và giống như rất nhiều người bệnh Alzheimer khác, bà giấu bệnh rất tài tình. Sarah nhận ra trên điện thoại nghe giọng mẹ hơi khác, nhưng lại nghĩ bà tức giận vì cô chuyển tới London sống.
Jackie đã sắp xếp để bà Erroll được khám riêng. Sau đó, họ thấy rõ là bà cần được chăm sóc liên tục và chi phí cho việc này rất tốn kém.
“Sarah cảm thấy sao?”
“Tôi nhớ là Sarah đã rất buồn vì chuyện này. Cô ấy nói rằng mình không thể trả nổi, vì họ không còn tiền. Hoặc Sarah phải tự mình làm hết mọi khâu chăm sóc bà cụ, hoặc là họ phải bán ngôi nhà. Bà Erroll không bao giờ chịu đi nơi khác. Rồi vài tuần sau, cô ấy liên lạc với tôi và nói tôi có thể cử người đến để cô ấy phỏng vấn được không. Một người khác đã đồng ý trả tiền chăm sóc bà cụ, một người họ hàng.”
“Người đó là ai?”
“Tôi không biết. Cô ấy không bao giờ nhắc lại về người này.” Bà ta giữ khuôn mặt trung lập tuyệt đối.
“Chi phí chăm sóc rơi vào khoảng bao nhiêu tiền?”
“Dịch vụ chăm sóc suốt ngày đêm có thể lên tới hai mươi ngàn bảng một tuần, tùy thuộc vào số lượng nhân viên và khả năng chuyên môn của họ.”
“Sarah phỏng vấn người ở cấp độ nào?”
Jackie ngồi lùi lại và cẩn thận vắt chéo chân trong lúc tính nhẩm.
“Hai hộ lý toàn thời gian, y tá phụ, và một y tá phụ trông đêm. Việc đó sẽ tốn khoảng năm ngàn bảng một tháng.”
Con số tương đồng với các sổ sách kế toán:
“Khoảng sáu mươi ngàn một năm?”.
Jackie Hunter gật đầu:
“Đó chỉ là chi phí cho hộ lý thôi. Chưa tính đến thiết bị và tiền ăn hay tiền làm ngoài giờ. Đó là một hóa đơn rất rất nặng. Cô ấy đang làm việc ở một quán bar ở thành phố London. Tôi nghĩ cô ấy quen biết rất nhiều người có tiền...”.
Morrow không muốn kể cho bà ta biết Sarah Erroll có được tiền từ đâu.
“Bà có thích Sarah không?”
“Tôi không gặp lại cô ấy sau lần đó. Hầu hết thời gian tôi chỉ liên lạc với Kay Murray.”
Morrow đang ở trong căng tin ăn bữa trưa Brian đã gói sẵn cho cô. Bánh mỳ nâu với thịt lợn muối, pho mát và một quả táo. Căng tin rất đông nhưng cô tìm được một chỗ trống bên cạnh cửa sổ và mở vài trang ghi chép ra trước mặt để có thể giả vờ đọc chúng nếu có ai đó thử nói chuyện với mình.
Cô liếc quanh phòng. Họ gọi đây là căng tin nhưng thực chất nó chỉ chứa máy bán nước uống và vài cái bàn, dùng để ăn những thứ họ tự mang đi thì đúng hơn. Trước đây, nó đúng là căng tin nhưng bếp đã bị đóng cửa suốt từ ngày cô vào làm đến giờ. Ngoài các cảnh sát mặc đồng phục ngồi quanh bàn, vài người trong đội của cô cũng ra đây nghỉ trưa. Và cô để ý khi họ đi vào, nhìn thấy cô và ngồi cách thật xa. Những người khéo giao thiệp hơn thì đón nhận ánh mắt cô, mỉm cười và mời ngồi cùng vì biết cô sẽ không động đậy, nhưng những người khác thì chỉ việc lờ thẳng đi. Routher nhìn vào túi bánh quy của mình cứ như cậu ta sắp khóc. Bầu không khí trong phòng có gì đó thay đổi, cô cảm thấy khác. Một cuộc chiến chống lại Bannerman sắp nổ ra, và cô biết mình sẽ phải chọn phe. Nhưng tình huống của cô khác những người còn lại bởi vì cô đang đứng giữa ngã ba đường. Cô sẽ không ở đây để kiểm soát được diễn biến sự việc và sẽ phải đương đầu với kết quả của nó khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ thai sản. Cô chẳng có mấy lựa chọn: Hoặc bị đám đồng nghiệp ghét, hoặc bị các sếp ghét.
Cô nhìn vào các cảnh sát mặc đồng phục: Khuôn mặt của họ không có gì phức tạp, bực bội, đói, cười. Ít nhất thì họ cũng hiểu rõ động cơ của mình. Họ đang nghĩ đến tiền.
Đôi mắt cô lang thang qua các trang sổ ghi chép. Họ đã phá được mật khẩu laptop của Sarah Erroll và vào được máy tính. Cô ta giữ các bảng số liệu tỉ mỉ về thu nhập của mình. Trong thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp, Sabine kiếm được khoảng một trăm tám mươi ngàn bảng một năm. Các khoản thù lao được trả độc lập và biến động từ tám trăm đến ba ngàn. Morrow thấy cô gái này quá là ngây thơ khi giữ những con số như thế. Lúc nào cô ta cũng có khả năng bị bắt, hay các tài liệu bị tìm ra.
Cô cắn một miếng táo và cố tưởng tượng ra cảnh cô cho phép một kẻ lạ mặt xấu xí quan hệ tình dục với mình trong một căn phòng lạ. Thậm chí để cho ai đó chạm vào mình mà không bị ăn đấm vào mặt đã khó lắm rồi. Hồi còn mặc đồng phục, cô từng bắt những gã mua dâm và biết không phải tất cả đều xấu, vài người thậm chí còn khá tử tế. Chính cái giao dịch giữa người mua kẻ bán kia mới là xấu. Thậm chí giữa các mối thân quen thì giao dịch kia cũng có khía cạnh gay gắt, ví dụ như một cuộc hôn nhân đổ vỡ hay sự khinh bỉ ngấm ngầm.
Cô tưởng tượng ra chính mình đóng vai Sarah, vì tiền mà phải nằm trên một cái giường xa hoa, nhìn lên trần nhà sang trọng trong khi một gã đàn ông ngầm ý khinh miệt mình nằm đè lên người, thúc của quý vào trong cô. Lúc ấy cô biết tại sao Sarah lại ghi chép tỉ mỉ như thế: Khi nằm trên chiếc giường xa hoa ấy, cô ta chỉ nghĩ đến tiền.
Khi ngồi trên máy bay về nhà, Sarah nghĩ đến tiền. Khi về đến nhà và điền vào những bảng số liệu ấy là cô ta đang viết đè lên ký ức về gã đàn ông đã khinh miệt mình kia.
Làm sao cô ta lại phát triển được kỹ năng ấy mới là thứ khiến Morrow phiền lòng. Sarah đã học ở đâu cái cách giữ hai tay bên người và chỉ nghĩ về tiền. Cô ta đã học được bằng cách nào cơ chứ.
Morrow nhìn lên để gạt bỏ ý nghĩ về cái trần nhà. Routher đã xuống lầu với những anh bạn chí cốt của cậu ta. Thật bận rộn. Có rất nhiều việc phải làm. Họ đã tiến đến giai đoạn then chốt trong cuộc điều tra: Tối qua, câu chuyện đã lên sóng truyền hình và sáng nay, báo chí rầm rộ đưa tin về nó, còn các hộ dân ở khu vực chung quanh đó thì đang thích đóng vai cảnh sát chuyên nghiệp. Lượng thông tin được đưa về chỗ họ nhiều đến mức sắp làm méo mó sự việc. Những người bạn cũ và bọn dở hơi liên lạc với cảnh sát với những mẩu thông tin rõ ràng là chẳng liên quan gì. Nếu hóa ra có bất kỳ thông tin nào quan trọng hay thiết thực mà họ lại không quan tâm đến thì họ sẽ bị bêu riếu. Giờ họ phải dùng nguồn nhân lực có hạn của mình để ngồi gạn lọc các thông tin tìm chi tiết liên quan, trong khi họ chẳng có gì trong tay để lần theo.
Cánh cửa đôi mở ra và Harris đi vào cùng Gobby, anh ta trông thấy cô và tiến lại, khuôn mặt tỏ vẻ hài lòng. Cặp mắt của các thành viên khác trong đội điều tra hình sự theo dõi họ đi tới bàn cô và cô nghĩ đến Anne Marie áo tím.
“Vậy là”, anh ta nói, “chúng tôi không tính đến khoản tiền tìm được trong cuốn danh mục bảo tàng: Hôm nay tổng số tiền được tính ra là 654.576 bảng”.
“Ồ, tôi không biết”, Morrow nói, mừng vì mình đã thoát được khỏi cái khách sạn sang trọng và trở về với căng tin xập xệ. “Nếu anh dùng tỷ giá của Văn phòng hối đoái thì sao? Tôi nghĩ các ngân hàng thường cho tỷ giá cao hơn.”
Gobby cười toe toét sau lưng Harris.
Nhưng Harris không hề nao núng:
“Quy đổi ở ngân hàng nào thì con số tổng cũng gần với dự đoán của tôi hơn của cô”.
“Anh là đồ khỉ nhỏ mọn, Harris.” Cô với tay vào túi xách và lôi một tờ mười bảng ra khỏi ví. “Anh ở chỗ ngôi nhà suốt buổi sáng đấy à?”
“Vâng.” Anh ta nhét tờ mười bảng vào túi và cùng Gobby ngồi xuống đối diện với cô. “Công tác khám nghiệm hiện trường xong hết rồi.”
“Tôi sẽ quay lại đó để xem xét lần cuối.”
“Mới tìm được vài cuống phiếu từ các nhà bán đấu giá cho vài món đồ gỗ.”
“Được bán à?”
“Vâng.”
Morrow cắn một miếng bánh mỳ nữa.
“Hôm nay Kay Murray có đến đó không?”
“Không. Đáng lẽ cô ta phải đến à?”
“Ừ. Đáng lẽ thế.”
Harris nhìn đồng hồ của mình.
“Mới có 3 giờ thôi. Có thể cô ta chưa đến nơi.”
“Hóa ra cô ấy rất thân với nhà họ.” Cô cắn thêm một miếng. “Tôi không hề biết. Cô ấy chẳng nói gì cả.”
Harris gật đầu.
“Hóa ra cô ta lại giá trị hơn vẻ ngoài hả?”
“Hơn nhiều.”
Cửa căng tin lại mở ra và một cơn gió lạnh buốt thổi vào phòng, tiếng trò chuyện giảm hẳn và Harris ngồi thẳng lưng lên như một con mèo. Bannerman đứng ở lối vào, nhìn quanh, tìm Morrow và thấy cô đang ngồi cùng bàn với Harris và Gobby. Cô chăm chú quan sát ông ta đi tới, thấy Harris rụt tay lại trên mặt bàn và thấy Bannerman nhìn từ cô sang anh ta.
Bannerman đứng ở một đầu bàn, hạ ngón tay lên mặt bàn để làm điểm tựa.
“Vậy ra”, ông ta nói nhanh, “cô ta là gái gọi”.
Morrow miễn cưỡng gật đầu.
“Vậy thì thủ phạm có thể là bất kỳ ai”, ông ta nói và nhún vai.