BỐN THÁNG SAU, NGÀY 4 THÁNG MƯỜI MỘT NĂM 2008, tôi bỏ phiếu bầu cho Barack. Hai chúng tôi đến khu vực bầu cử từ sớm, đó là phòng thể dục ở trường tiểu học Beulah Shoesmith, chỉ cách nhà của chúng tôi ở Chicago vài dãy phố. Chúng tôi đưa Sasha và Malia đi theo, cả hai đứa đều mặc sẵn đồng phục và sẵn sàng đến trường. Ngay cả vào Ngày Bầu cử - hoặc có lẽ đặc biệt là vào Ngày Bầu cử - tôi nghĩ đi học vẫn là một ý hay. Đi học là một thói quen. Trường học mang lại sự an tâm. Trong lúc chúng tôi đi qua hàng chục thợ chụp ảnh và máy quay truyền hình để đến điểm bầu cử, trong lúc mọi người xung quanh nói về tính chất lịch sử của ngày này, tôi lại cảm thấy vui mừng chỉ vì đã chuẩn bị xong hộp cơm trưa cho hai đứa trẻ.
Đây sẽ là một ngày như thế nào? Sẽ là một ngày dài. Ngoài chuyện đó ra, chúng tôi chẳng ai biết gì hơn.
Như trong bao ngày căng thẳng khác, Barack có vẻ thoải mái hơn bao giờ hết. Anh chào hỏi các nhân viên của ban bầu cử, cầm lấy lá phiếu của mình và bắt tay với bất cứ người nào anh gặp, dáng vẻ rất thư giãn. Chắc cũng hợp lý thôi. Chuyện này sắp vượt ra khỏi tầm kiểm soát của anh rồi.
Chúng tôi đứng trong khu vực bầu cử của mình trong lúc hai đứa con gái chồm người vào gần hơn để xem chúng tôi đang làm gì.
Tôi đã bầu Barack nhiều lần trước, trong các kỳ bầu cử sơ bộ và tổng tuyển cử, trong các cuộc đua cấp tiểu bang và cấp quốc gia, và lần bỏ phiếu này cũng không có gì khác. Với tôi, đi bầu là một thói quen, một nghi thức lành mạnh cần thực hiện một cách tận tâm mỗi khi có cơ hội. Cha mẹ đã dẫn tôi đi bầu khi tôi còn bé, và tôi tạo thói quen dẫn Sasha và Malia cùng đi bầu với mình mỗi khi có thể, với hy vọng hai con tôi quen với quy trình này và nhận ra tầm quan trọng của hành động bỏ phiếu.
Sự nghiệp của chồng đã cho tôi cơ hội nhìn cận cảnh cỗ máy chính trị và quyền lực. Tôi đã thấy được rằng số lượng phiếu bầu khác nhau tại mỗi khu vực tạo ra sự khác biệt không chỉ giữa hai ứng viên mà còn giữa hai hệ thống giá trị khác nhau. Khi mỗi khu vực có vài người không đi bầu, điều đó có thể quyết định những gì con cái chúng ta được học ở trường, chế độ chăm sóc sức khỏe mà chúng ta nhận được, hay liệu chúng ta có cử quân đội tham chiến hay không. Bầu cử vừa đơn giản vừa vô cùng hiệu quả.
Hôm đó, tôi đã nhìn chằm chằm một lúc vào ô chữ nhật nho nhỏ đặt cạnh tên chồng tôi, nơi cử tri sẽ đánh dấu vào để chọn anh ấy cho vị trí tổng thống Mỹ. Sau gần hai mươi mốt tháng tiến hành chiến dịch vận động tranh cử, của những lần công kích và kiệt sức, thì đây là việc cuối cùng tôi cần làm.
Barack liếc nhìn tôi và cười phá lên. “Em vẫn đang cân nhắc hay sao?”, anh ấy nói. “Có cần suy nghĩ thêm chút nữa không?”
Nếu có thể dẹp hết những âu lo thì Ngày Bầu cử hoàn toàn có thể là một kỳ nghỉ ngắn, một khoảng dừng tưởng chừng không có thật giữa những gì đã xảy ra và những gì đang chờ phía trước. Bạn đã nhảy nhưng vẫn còn lơ lửng với đôi chân chưa đáp xuống đất. Bạn không thể biết tương lai sẽ ra sao. Sau nhiều tháng hối hả với mọi thứ, thời gian giờ đây bỗng chậm lại đến mức khổ sở. Hôm đó, lúc ở nhà, tôi đã đóng vai trò nữ chủ nhà đón tiếp người thân và bạn bè đến nhà để tán gẫu và giết thời giờ.
Sáng hôm đó Barack ra ngoài chơi bóng rổ với anh Craig và vài người bạn ở phòng gym gần nhà, một hoạt động mà từ lâu đã trở thành thói quen vào Ngày Bầu cử. Barack thích nhất là một trận bóng rổ quyết liệt và kịch tính để xoa dịu sự căng thẳng của mình.
“Chỉ cần đừng có để ai làm gãy mũi anh ấy là được”, tôi nói với anh Craig lúc hai người họ bước ra cửa. “Anh ấy sẽ xuất hiện trên ti-vi, anh biết rồi đó.”
“Chuyện gì cũng bắt anh chịu trách nhiệm hết”, anh Craig đáp lại bằng những lời chỉ có thể được nói ra từ miệng một ông anh trai.
Nếu tin vào kết quả thăm dò thì có vẻ Barack rất có khả năng giành chiến thắng, nhưng tôi cũng biết anh đang chuẩn bị cả hai bài diễn văn cho đêm đó - một bài diễn văn mừng chiến thắng và một bài chấp nhận thua cuộc. Đến thời điểm này, chúng tôi đã hiểu về chính trị và bầu cử đủ để không xem nhẹ bất cứ điều gì. Chúng tôi biết về một hiện tượng được gọi là hiệu ứng Bradley, đặt theo tên một ứng viên người Mỹ gốc Phi, Tom Bradley, người đã tranh cử chức thống đốc bang California đầu thập niên 1980. Khi kết quả thăm dò liên tục cho thấy Bradley đang dẫn đầu, ông lại thua trong Ngày Bầu cử, khiến mọi người đều ngạc nhiên và để lại cho thế giới một bài học lớn hơn về tính cố chấp của nhiều cử tri, vì hiện tượng này đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm sau đó ở những cuộc đua cấp cao khác, nơi có các ứng viên người da đen tham gia tranh cử trên khắp đất nước. Về mặt lý thuyết, mỗi khi liên quan đến các ứng viên thiểu số, cử tri thường che giấu định kiến của mình trước người thăm dò ý kiến và chỉ kín đáo thể hiện điều đó trong phòng bỏ phiếu.
Suốt chiến dịch vận động, tôi từng nhiều lần tự hỏi bản thân rằng nước Mỹ có thật sự sẵn sàng bầu chọn một tổng thống người da đen hay chưa, liệu đất nước đã đủ vững mạnh để phóng tầm mắt khỏi vấn đề chủng tộc và vượt qua các định kiến hay chưa. Cuối cùng chúng tôi cũng sắp có được câu trả lời.
Nhìn chung thì cuộc tổng tuyển cử ít tàn khốc hơn cuộc chiến cạnh tranh của vòng sơ bộ. John McCain đã làm một việc không có lợi cho bản thân khi chọn thống đốc bang Alaska, Sarah Palin, liên danh ứng cử vị trí phó tổng thống. Vì thiếu kinh nghiệm và không có sự chuẩn bị tốt, Palin nhanh chóng trở thành chuyện cười cho cả nước. Và rồi, vào giữa tháng Chín, tin tức chỉ toàn nói về thảm họa. Nền kinh tế Mỹ bắt đầu mất kiểm soát khi Lehman Brothers, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất nước, đột ngột phá sản. Bấy giờ cả thế giới mới nhận ra những gã khổng lồ Phố Wall đã bỏ túi hàng đống lợi nhuận từ chính những khoản vay thế chấp mua nhà. Chứng khoán lao dốc. Thị trường tín dụng đóng băng. Quỹ hưu trí tiêu tan.
Barack là nhân vật thích hợp cho thời điểm này, thích hợp với một công việc chưa bao giờ dễ dàng mà nay còn trở nên khó khăn bội phần, “nhờ” các cuộc khủng hoảng kinh tế. Tôi đã “ca” bài ca này khắp nước Mỹ từ hơn một năm rưỡi nay: chồng tôi điềm tĩnh và luôn chuẩn bị cho mọi tình huống. Những khó khăn rắc rối này không làm anh nao núng. Tâm trí anh có khả năng giải quyết mọi điều rắc rối, phức tạp. Đương nhiên tôi có thiên vị chồng mình, và cá nhân tôi vẫn sẽ thỏa mãn nếu chúng tôi thua trong cuộc tranh cử này, nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy đất nước thật sự cần sự giúp đỡ của anh. Đã đến lúc chúng ta cần ngưng nghĩ về những thứ không liên quan như màu da. Chúng ta sẽ thật ngu ngốc nếu không đưa anh ấy lên vị trí tổng thống vào lúc này, dẫu cho lúc đó những gì anh nhận lại từ người tiền nhiệm sẽ là một mớ hỗn độn.
Khi đêm dần buông, tôi cảm thấy ngón tay mình bắt đầu tê cứng, cảm giác nôn nao chạy khắp cơ thể. Tôi không thật sự muốn ăn. Tôi không có hứng thú trò chuyện với mẹ hay với bạn bè đến thăm. Rồi tôi lên lầu chỉ để tìm chút thời gian cho riêng mình.
Barack hóa ra cũng rút lên trên đấy, rõ ràng là anh cũng cần được yên tĩnh một mình.
Tôi bắt gặp anh đang ngồi bên bàn làm việc, đọc lướt qua bài diễn văn mừng chiến thắng trong văn phòng đầy sách bên cạnh phòng ngủ của chúng tôi - “cái ổ” của anh. Tôi bước đến và bắt đầu xoa bóp vai cho anh.
“Anh ổn chứ?”, tôi hỏi.
“Ừ.”
“Mệt không?”
“Không hề.” Anh ngẩng lên và mỉm cười với tôi, như muốn chứng minh sự thật là anh ấy ổn. Chỉ mới hôm qua chúng tôi đã nghe tin bà Toot, bà ngoại tám mươi sáu tuổi của Barack, qua đời ở Hawaii sau nhiều tháng suy yếu vì bệnh ung thư. Vì từng bỏ lỡ cơ hội nói lời tạm biệt lần cuối với mẹ, nên trước đó khi hay tin bà bắt đầu yếu dần, Barack đã quyết định phải gặp được bà Toot. Chúng tôi đã đưa bọn trẻ đến thăm bà vào cuối mùa hè năm đó, và mười ngày trước anh đã một mình đến thăm bà, dành ra một ngày không tham dự chiến dịch để ngồi bên cạnh và nắm lấy tay bà. Barack đã mất mẹ ngay từ những ngày đầu làm chính trị, tức là hai tháng sau khi anh ấy công bố tranh cử vị trí thượng nghị sĩ tiểu bang. Giờ đây, khi sự nghiệp đó đang đến thời kỳ đỉnh cao thì bà ngoại anh đã không còn ở đây để chứng kiến điều đó. Những người đã từng nuôi dạy anh đều đã ra đi.
“Dù kết quả có thế nào, em vẫn tự hào về anh”, tôi nói. “Anh đã làm được rất nhiều.”
Anh chồm người và choàng tay ôm lấy tôi. “Em cũng vậy”, anh kéo tôi vào lòng. “Cả hai chúng ta đều đã làm rất tốt.”
Tôi chỉ có thể nghĩ đến tất cả những gì anh vẫn còn phải tiếp tục gánh vác.
SAU BỮA TỐI TẠI NHÀ, tất cả chúng tôi đều sửa soạn và lái xe vào khu trung tâm để xem kết quả bầu cử cùng một nhóm bạn và vài người thân trong một phòng mà nhóm chiến dịch đã thuê cho chúng tôi tại khách sạn Hyatt Regency. Đội ngũ phục vụ chiến dịch vận động thì tập trung tại một khu khác của khách sạn, cố gắng dành cho chúng tôi không gian riêng tư. Joe và Jill Biden cũng có phòng riêng dành cho bạn bè và gia đình ở bên kia sảnh khách sạn.
Những kết quả đầu tiên đến vào khoảng sáu giờ chiều, theo giờ trung tâm, trong đó McCain chiến thắng ở Kentucky và Vermont thì chọn Barack. Rồi West Virginia bầu cho McCain và sau đó South Carolina cũng thế. Sự tự tin của tôi có chút lung lay, mặc dù chuyện không có gì bất ngờ. Theo lời của Axe và Plouffe, hai người đang liên tục ra ra vào vào và thông báo từng mẩu thông tin mà họ nhận được, thì tất cả đều đang diễn ra theo đúng dự đoán. Mặc dù đa số tin tức đều tích cực, nhưng những tin không chính thức về chính trị là thứ mà tôi không muốn nghe nhất. Đằng nào thì chúng tôi cũng không thể kiểm soát được mọi việc, vậy thì nghe để làm gì? Chúng tôi đã có cú nhảy của nỗ lực, và bây giờ, bằng cách này hay cách khác, chúng tôi đã đến lúc đáp xuống. Qua ti-vi, chúng tôi thấy hàng ngàn người đã tụ tập ở Công viên Grant cách bờ hồ vài dặm, nơi kết quả bầu cử đang được phát sóng trên những màn hình cực đại và là nơi Barack sẽ xuất hiện để phát biểu một trong hai bài diễn văn của mình. Cảnh sát túc trực ở gần như mọi góc đường, tàu tuần duyên tuần tra trên hồ, trực thăng vần vũ trên cao. Cả thành phố Chicago dường như đang nín thở chờ đợi tin tức.
Connecticut chọn Barack. New Hampshire cũng chọn Barack. Rồi Massachusetts, Maine, Delaware và Washington, D.C. cũng thế. Khi Illinois đọc tên Barack, chúng tôi có thể nghe tiếng còi xe và những tiếng hò reo đầy háo hức từ những con đường bên dưới. Tôi chọn chiếc ghế gần cửa và ngồi xuống một mình, quan sát cảnh tượng trước mắt. Căn phòng giờ đây đã gần như yên ắng hoàn toàn. Hai cô con gái đang ngồi bên phải tôi trên một chiếc trường kỷ, một đứa mặc đầm đỏ và một đứa mặc đầm đen; còn bên trái tôi là Barack đang ngồi trên một chiếc trường kỷ khác bên cạnh mẹ tôi, áo khoác của anh đã được treo ở đâu đó trong phòng. Mẹ tôi mặc một bộ com-lê màu đen trang nhã và đeo khuyên tai bạc cho buổi tối hôm đó.
“Bà ngoại, bà đã sẵn sàng chưa?”, tôi nghe Barack nói với bà.
Mẹ tôi chưa bao giờ tỏ ra quá xúc động, bà chỉ liếc nhìn anh ấy và nhún vai, rồi cả hai cùng bật cười. Thế nhưng sau này bà đã kể lại cảm giác lo lắng của mình vào tối hôm đó. Cũng như tôi, bà xúc động khi chợt nhìn thấy khoảnh khắc mềm yếu của Barack. Nước Mỹ đã nhìn thấy một Barack tự tin và mạnh mẽ, nhưng mẹ tôi cũng nhận ra gánh nặng mà anh phải gánh vác trên chặng đường phía trước, nhìn thấy nỗi cô độc trong công việc mà anh sắp đảm nhận. Người đàn ông này, người không còn cha mẹ bên mình, đang sắp được bầu làm lãnh đạo của thế giới tự do.
Khi nhìn sang lần nữa, tôi thấy mẹ đang nắm chặt tay Barack.
ĐÚNG MƯỜI GIỜ TỐI, các kênh truyền hình đồng loạt cho phát hình ảnh người chồng tươi cười của tôi, công bố Barack Hussein Obama trở thành tổng thống thứ 44 của nước Mỹ. Tất cả chúng tôi đều nhảy cẫng lên và bắt đầu reo hò. Nhân viên chiến dịch tràn vào phòng, cả vợ chồng Biden cũng thế, mọi người cứ ôm chầm lấy nhau. Thật không thể tin được. Tôi cảm thấy như thể linh hồn mình đã bay đi đâu mất và chỉ biết tự nhìn mình phản ứng với tất cả những chuyện này.
Anh đã thành công. Chúng tôi đều đã thành công. Đó là một chiến thắng giòn giã, dù ai cũng nghĩ đó là chuyện gần như bất khả thi.
Đây là lúc tôi cảm thấy như thể gia đình mình vừa được phóng vào một thế giới kỳ lạ dưới mặt nước. Mọi thứ có vẻ chậm lại và nhập nhòe như một thước phim quay chậm, mặc dù thực tế là chúng tôi đang nhanh chóng di chuyển theo sự hướng dẫn chính xác của các mật vụ để vào thang máy chở hàng, ra ngoài theo lối thoát phía sau khách sạn, rồi ngồi vào một chiếc SUV đang chờ sẵn. Tôi có hít thở bầu không khí bên ngoài không? Tôi có cảm ơn người đã mở cửa khi chúng tôi băng qua không? Tôi có mỉm cười không? Tôi không biết. Tôi vẫn đang cố gắng đưa mình quay về với thực tại. Tôi nghĩ chúng tôi có chút mệt mỏi. Đó quả là một ngày rất dài. Tôi có thể thấy vẻ mệt mỏi trên gương mặt hai cô con gái. Trước đó tôi đã giải thích với hai đứa rằng đêm nay, dù cha thắng hay thua, chúng ta sẽ có một buổi ăn mừng lớn và náo nhiệt tại công viên.
Lúc này xe của chúng tôi đang lướt đi giữa đoàn xe cảnh sát hộ tống dọc theo đường Lake Shore, tăng tốc chạy về phía nam, hướng đến Công viên Grant. Tôi đã đi qua con đường này hàng trăm lần, từ những chuyến xe buýt từ Whitney Young về nhà đến những lần đến phòng tập lúc trời còn chưa sáng. Đây là thành phố của tôi, thân thuộc đến mức không thể thân thuộc hơn được nữa, ấy thế mà đêm hôm đó nó lại như khác hẳn, yên ắng lạ lùng. Như thể không gian và thời gian đang dừng lại, giống như một giấc mơ.
Malia căng mắt nhìn đường phố qua cửa kính chiếc SUV.
“Cha ơi”, con bé nói với giọng an ủi. “Chẳng có ai trên đường hết. Con nghĩ không có ai tới dự lễ mừng của cha đâu.”
Barack và tôi nhìn nhau rồi phá lên cười. Chỉ khi đó chúng tôi mới nhận ra đoàn xe của mình chính là những chiếc xe duy nhất đang chạy trên đường. Barack giờ đã là tổng thống đắc cử. Mật vụ đã dọn đường, cấm lưu thông toàn bộ khu vực đường Lake Shore, đóng mọi ngả đường đổ về. Chúng tôi nhanh chóng hiểu ra đó là biện pháp an ninh dành cho tổng thống. Nhưng điều này vẫn còn quá mới mẻ đối với chúng tôi.
Mọi thứ đều mới mẻ.
Tôi choàng tay ôm lấy Malia. “Mọi người đã đến đó rồi cưng à”, tôi nói. “Đừng lo, họ đang chờ chúng ta đó.”
Và đúng là họ đang chờ. Hơn hai trăm ngàn người đã nêm kín công viên để đón chúng tôi. Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng hò reo háo hức khi bước ra khỏi xe và được dẫn vào những căn lều trắng đã được dựng sẵn trước công viên, tạo thành một đường hầm dẫn đến sân khấu. Bạn bè và người thân đã tụ tập ở đó để chào đón chúng tôi, nhưng theo quy định của mật vụ, họ phải đứng phía sau dây bảo vệ. Barack choàng tay ôm tôi, như muốn bảo đảm tôi vẫn ở bên anh lúc đó.
Chỉ ít phút sau chúng tôi đã bước lên sân khấu, cả bốn người chúng tôi - tôi cầm tay Malia còn Barack nắm tay Sasha. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều thứ cùng một lúc. Tôi nhìn thấy một bức tường dày bằng kính chống đạn đã được dựng quanh sân khấu. Tôi nhìn thấy cả một biển người, nhiều người trong số đó đang vẫy những lá cờ Mỹ tí hon. Bộ não của tôi không thể xử lý được bất cứ điều gì. Mọi thứ quá choáng ngợp.
Tôi không nhớ gì nhiều về bài diễn văn của Barack đêm đó. Sasha, Malia và tôi đứng trong cánh gà nhìn ra trong lúc anh ấy phát biểu, xung quanh là những tấm chắn bằng kính, là thành phố của chúng tôi cùng với sự tin tưởng của hơn sáu mươi chín triệu phiếu bầu. Những gì đọng lại với tôi chính là cảm giác tin tưởng dễ chịu đó, là sự tĩnh lặng khác thường của đêm tháng Mười Một ấm áp khác thường bên bờ hồ ở Chicago. Sau chừng ấy tháng nỗ lực tham gia các cuộc vận động tranh cử với những đám đông có kích động, có thét gào, chúng tôi vẫn thấy bầu không khí tại Công viên Grant hoàn toàn khác. Chúng tôi đang đứng trước một đám đông khổng lồ những người Mỹ hân hoan nhưng cũng có vẻ trầm ngâm. Tôi cảm nhận được sự tĩnh lặng nào đó. Tôi có cảm giác mình có thể nhận ra từng khuôn mặt trong biển người kia. Tôi thấy được rất nhiều giọt nước mắt đang chực trào ra.
Có lẽ tôi đã tưởng tượng ra sự tĩnh lặng đó, hoặc có lẽ với tất cả chúng tôi, đó là kết quả của một ngày làm việc dài. Suy cho cùng thì lúc đó cũng đã sắp nửa đêm. Và mọi người đã chờ đợi rất lâu. Chúng tôi cũng đã chờ đợi từ rất lâu, rất lâu rồi.