N
ĂM TÔI HỌC LỚP MỘT, có lần một cậu bạn cùng lớp đã đấm vào mặt tôi. Nắm đấm như trời giáng, mạnh hết cỡ và vô cùng đột ngột. Khi chúng tôi đang xếp hàng chờ nhận phần ăn trưa, tất cả đều đang rôm rả đủ thứ chuyện-trọng-đại của những đứa trẻ sáu, bảy tuổi - ai là người chạy nhanh nhất, hay tại sao bút màu sáp lại có cái tên kỳ lạ như thế - thì bốp, tôi bị đấm một phát. Tôi không biết lý do. Tôi đã quên tên cậu bạn đó, nhưng tôi nhớ mình đã trừng mắt điếng người nhìn cậu ấy trong cơn đau đớn, môi dưới của tôi sưng lên và nước mắt tôi trào ra. Tôi bất ngờ và hãi hùng đến mức quên cả tức giận và chỉ biết chạy về nhà với mẹ.
Cậu bạn đó đã bị cô giáo chúng tôi khiển trách. Mẹ tôi đích thân đến trường để nhìn tận mặt cậu ấy, để xem rốt cuộc cậu ấy có thể gây nguy hại gì nữa không. Ông Southside, người đã ở nhà chúng tôi ngày hôm đó, cũng nổi máu ông ngoại và nhất quyết đi theo mẹ tôi đến trường. Dù không được nghe nhưng tôi biết đã có cuộc nói chuyện giữa người lớn với nhau, và một hình phạt nào đó đã được đưa ra. Tôi nhận được lời xin lỗi với vẻ mặt xấu hổ từ cậu bạn đó, và được dặn là không cần lo lắng về cậu ấy nữa.
“Cậu bạn đó chỉ sợ hãi và tức giận những chuyện không liên quan tới con”, mẹ nói với tôi khi đang nấu bữa tối trong bếp. Mẹ lắc đầu, như thể mẹ biết nhiều hơn nhưng không muốn chia sẻ với tôi. “Thằng bé đang phải giải quyết rất nhiều vấn đề của bản thân.”
Đây là cách chúng tôi nói về những kẻ bắt nạt. Hồi tôi còn bé, chuyện rất dễ hiểu: những kẻ bắt nạt là những con người sợ sệt đang ẩn trốn bên trong những con người ra vẻ đáng sợ. Tôi nhìn thấy điều đó trong DeeDee, cô hàng xóm hung hăng ở khu phố kế bên, và cả trong Dandy, ông nội tôi, người có thể thô lỗ và to tiếng với chính vợ mình. Họ công kích những người xung quanh vì họ không thể chịu đựng nỗi bức xúc bên trong bản thân mình. Tôi tránh đụng độ với họ khi có thể, và tôi chống lại họ nếu cần phải làm thế. Theo mẹ tôi, người có lẽ sẽ muốn khắc hai chữ “bao dung” lên bia mộ mình, bí quyết là chớ bao giờ để tâm những lời xúc phạm hoặc gây hấn của kẻ bắt nạt.
Còn nếu bạn để tâm thì bạn có thể bị tổn thương nặng nề.
Mãi đến sau này thì điều này mới trở thành một thử thách thật sự đối với tôi. Chỉ khi đang ở độ tuổi ngoài bốn mươi và cố gắng giúp chồng đắc cử vị trí tổng thống nước Mỹ, tôi mới nghĩ lại cái ngày mà mình đang xếp hàng chờ nhận phần ăn trưa lớp một, nhớ lại nỗi hoang mang khi bị tấn công bất ngờ, nỗi đau khi đột nhiên bị đấm thẳng vào mặt.
Gần như suốt cả năm 2008, tôi cố gắng không bận tâm về những cú đấm như vậy.
TÔI SẼ BẮT ĐẦU bằng cách kể ngay về một kỷ niệm vui của năm 2008, vì năm đó tôi thật sự có nhiều kỷ niệm tuyệt vời. Chúng tôi đã đến Butte, Montana, vào ngày Quốc khánh, hôm đó cũng là sinh nhật lần thứ mười của Malia và còn khoảng bốn tháng nữa là tới cuộc tổng tuyển cử. Butte là một thị trấn lâu đời, nổi tiếng với ngành khai thác mỏ đồng và nằm ở góc tây nam rậm rạp của bang Montana, nơi người ta có thể thấy dãy núi Rocky xa xa. Butte là một thị trấn khó đoán, nơi mà chúng tôi hy vọng có thể đưa cuộc tranh cử vào tình trạng khó phân thắng bại. Bang Montana đã ủng hộ George W. Bush ở kỳ bầu cử trước, nhưng cũng đã bỏ phiếu chọn một thống đốc thuộc Đảng Dân chủ. Đây có vẻ là một nơi Barack nên ghé qua.
Hơn bao giờ hết, thời điểm đó người ta tính toán xem mỗi ngày Barack sử dụng từng phút từng giây như thế nào. Anh ấy bị theo dõi và đánh giá. Người ta ghi lại những tiểu bang anh ghé qua, những hàng quán anh đến dùng bữa sáng và cả loại thịt anh ấy gọi kèm với món trứng. Giờ đây anh ấy có khoảng hai mươi lăm phóng viên luôn đồng hành với mình, họ chiếm trọn khoang sau của máy bay mà chúng tôi thuê để dùng trong chiến dịch, họ đứng đầy hành lang và phòng ăn sáng của các khách sạn tỉnh lẻ, họ đi theo anh từ trạm dừng này đến trạm dừng khác và dùng ngòi bút để khiến mọi sự được lưu truyền ngàn năm. Khi một ứng viên tổng thống bị cảm, chuyện đó sẽ được ghi lại. Nếu ứng viên nào đó làm tóc tại một cửa tiệm đắt đỏ hay yêu cầu mù tạt Dijon của Pháp tại một nhà hàng TGI Fridays phong cách Mỹ (như Barack từng “lỡ dại” nhiều năm trước, và kết quả là có được một dòng tít trên tờ New York Times), chuyện đó cũng được ghi lại và lan truyền theo hàng trăm nẻo khác nhau trên Internet. Ứng viên này có yếu ớt quá không? Anh ta chưng diện quá hả? Hay anh ta là kẻ đạo đức giả? Mà anh ta có đúng là người Mỹ đích thực không?
Chúng tôi biết đây là một phần của quá trình tranh cử - một bài kiểm tra xem ai có đủ dũng khí và khả năng chống chọi để đảm nhiệm đồng thời vai trò nhà lãnh đạo và biểu tượng của đất nước. Chuyện này giống như phải đem tâm hồn của mình cho người ta chụp X-quang mỗi ngày, quét tới quét lui xem có bất kỳ dấu hiệu xấu nào không. Bạn sẽ không được bầu nếu không chấp nhận được cái nhìn săm soi kỹ lưỡng của nước Mỹ, thứ sẽ dò xét toàn bộ tiểu sử đời bạn, bao gồm những mối quan hệ xã hội, lựa chọn nghề nghiệp và việc khai báo thuế của bạn. Và cái nhìn đó chắc chắn đã trở nên khắc nghiệt hơn và dễ bị thao túng hơn bao giờ hết. Lúc này chúng tôi chỉ mới bước vào thời đại mà những cú click chuột được đo đếm và chuyển hóa thành tiền. Facebook chỉ vừa trở nên phổ biến. Twitter còn tương đối mới. Phần lớn người Mỹ trưởng thành đều sở hữu một chiếc điện thoại di động, và đa số điện thoại di động đều có camera. Chúng tôi đang đứng trước ranh giới của một điều mà tôi không chắc là có ai trong số chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ.
Barack không còn chỉ cố gắng giành được sự ủng hộ của cử tri Đảng Dân chủ; giờ đây anh đang lôi kéo toàn thể nước Mỹ ủng hộ mình. Sau vòng bỏ phiếu kín ở Iowa, Barack và Hillary Clinton đã dành cả mùa đông và mùa xuân năm 2008 để đến từng tiểu bang và vùng lãnh thổ, nỗ lực tranh giành từng lá phiếu để có thể trở thành ứng viên có số phiếu vượt ngưỡng tối thiểu. (John Edwards, Joe Biden và những đối thủ khác đều đã bỏ cuộc chơi từ cuối tháng Một.) Hai ứng viên đã cạnh tranh với nhau rất quyết liệt, trong đó Barack mở màn bằng một sự dẫn đầu khiêm tốn nhưng dần dần gia tăng cách biệt vào khoảng giữa tháng Hai. “Bây giờ cha là tổng thống rồi hả mẹ?”, Malia thỉnh thoảng hỏi tôi như vậy suốt nhiều tháng sau đó, khi chúng tôi đứng trên nhiều sân khấu khác nhau, giữa tiếng nhạc mừng vang vọng xung quanh, tâm trí bé bỏng của con bé vẫn chưa hiểu được điều gì ngoài mục đích sau cùng đó.
“Vậy bây giờ cha là tổng thống hả mẹ?”
“Chưa đâu cục cưng, vẫn chưa.”
Phải đến tháng Sáu thì Hillary mới công nhận là bà không có đủ phiếu đại cử tri để giành chiến thắng. Sự thừa nhận chậm trễ này của bà đã làm lãng phí các nguồn lực quý báu của chiến dịch, khiến Barack không thể chuyển hướng cuộc chiến vào John McCain, đối thủ thuộc Đảng Cộng hòa. Vị Thượng nghị sĩ lão luyện từ Arizona này đã trở thành người mặc định được đề cử của Đảng Cộng hòa từ tận tháng Ba, và hiện đang vận động tranh cử bằng hình ảnh một anh hùng chiến tranh phi đảng phái, người từng ủng hộ sự hợp tác giữa hai đảng và có kinh nghiệm dày dặn về quốc phòng - tóm lại, hàm ý là ông sẽ dẫn dắt nước Mỹ theo đường lối rất khác với George W. Bush.
Chúng tôi có mặt ở Butte vào ngày Quốc khánh với mục đích kép, bởi giờ đây gần như mọi thứ đều có mục đích kép. Barack đã dành bốn ngày trước đó để vận động tại Missouri, Ohio, Colorado và North Dakota. Anh ấy không có nhiều thời gian để quay về mừng sinh nhật Malia, và anh cũng không thể không xuất hiện trong tầm mắt cử tri vào ngày lễ quan trọng nhất của đất nước. Vì thế, thay vì anh phải về nhà, chúng tôi đã bay đến gặp anh, cố gắng để vẹn cả đôi đường - một ngày đoàn tụ gia đình trước con mắt của công chúng. Maya, em gái cùng mẹ khác cha của Barack, và chồng em ấy, Konrad, cũng cùng đi với chúng tôi, dẫn theo con gái Suhaila, một cô bé bốn tuổi hết sức đáng yêu.
Bất kỳ bậc cha mẹ nào có sinh nhật của con trùng với ngày đại lễ đều biết rằng họ phải cân bằng giữa hoạt động ăn mừng của gia đình và các hoạt động lễ hội chung. Những người tốt bụng ở Butte dường như hiểu điều này. Có những tấm bảng “Chúc mừng sinh nhật Malia!” dán bên trong cửa sổ của các cửa tiệm mặt tiền Đại lộ Trung tâm. Người ta hô vang lời chúc mừng con bé giữa tiếng trống kèn theo điệu nhạc rộn ràng của bài “Yankee Doodle”, trong lúc gia đình chúng tôi ngồi trên khán đài xem cuộc diễu hành mừng Quốc khánh của thị trấn. Những người chúng tôi gặp luôn tử tế với hai đứa trẻ và tôn trọng chúng tôi, ngay cả khi họ thú nhận rằng bỏ phiếu bầu cho ứng viên Đảng Dân chủ gần như là một hành động điên rồ trái với truyền thống.
Cũng vào hôm đó, ban thực hiện chiến dịch đã tổ chức một buổi dã ngoại tại một cánh đồng nhìn ra những dãy núi nhấp nhô của rặng Continental Divide. Sự kiện này là buổi tụ họp của vài trăm người ủng hộ của chúng tôi tại địa phương, và cũng là tiệc mừng sinh nhật Malia. Tôi cảm động khi thấy tất cả những người đã đến gặp chúng tôi, nhưng đồng thời tôi cũng cảm nhận được điều gì đó riêng tư hơn và rạo rực hơn, một điều không liên quan gì với nơi chúng tôi đang có mặt. Hôm đó tôi chợt nhận ra sự nhạy cảm vô cùng của bậc làm cha làm mẹ, nhận ra dòng chảy quá nhanh của thời gian khi bất thình lình thấy các con đã lớn bổng lên, bắp tay bắp chân tròn lẳn của chúng nay đã thon dài và ánh mắt của chúng đang trở nên hiểu biết hơn. Đối với tôi, ngày Quốc khánh năm 2008 là ngưỡng quan trọng nhất mà chúng tôi đã vượt qua: mười năm trước, khi xuất hiện ở phòng sinh để chào đón đứa con đầu lòng, Barack và tôi tin rằng chúng tôi đã biết rất nhiều về thế giới này, trong khi sự thật là chúng tôi vẫn chưa hề biết gì cả.
Tôi dành phần lớn thời gian của mười năm qua để cân bằng giữa gia đình và công việc, xoay xở để làm sao vừa có thể yêu thương chăm sóc Malia và Sasha, vừa nỗ lực hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Nhưng mục tiêu đã thay đổi: giờ đây tôi đang tìm cách cân bằng giữa việc nuôi dạy con với một thứ hoàn toàn khác và phức tạp hơn nhiều - đó là chính trị, nước Mỹ và hành trình làm-điều-quan-trọng của Barack. Tầm vóc của những gì đang diễn ra trong cuộc sống của Barack, những đòi hỏi của chiến dịch tranh cử, sự chú ý hướng về gia đình chúng tôi - tất cả dường như đang tiến triển rất nhanh. Sau cuộc bỏ phiếu kín ở Iowa, tôi quyết định nghỉ việc tại bệnh viện vì biết rằng mình không thể đảm đương công việc đó một cách hiệu quả được nữa. Chiến dịch tranh cử đang dần dần chi phối mọi thứ. Sau Iowa, tôi bận rộn đến mức không thể đến văn phòng và thu dọn đồ dùng của mình hoặc nói lời chia tay đàng hoàng với đồng nghiệp. Giờ đây tôi là một người mẹ và người vợ toàn thời gian, dẫu cho đó là người vợ có một mục tiêu to lớn và người mẹ muốn bảo vệ các con của mình không bị nuốt chửng bởi mục tiêu đó. Từ bỏ công việc là một quyết định đau lòng, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác: gia đình cần tôi, và điều đó quan trọng hơn việc tiếp tục theo đuổi sự nghiệp riêng của mình.
Vậy là tôi có mặt tại buổi dã ngoại của chiến dịch tranh cử tại Montana, dẫn đầu một nhóm những người lạ mặt hát bài “Chúc mừng sinh nhật” tặng Malia, cô bé con đang mỉm cười ngồi trên bãi cỏ với một chiếc hamburger trên đĩa. Tôi biết cử tri thấy hai cô con gái của chúng tôi thật đáng yêu và thấy sự gắn bó của gia đình chúng tôi thật đáng quý. Nhưng tôi thường nghĩ không biết các con nhìn nhận toàn bộ những chuyện này như thế nào, chúng có suy nghĩ gì về mọi chuyện đang diễn ra. Tôi cố gắng dằn xuống cảm giác tội lỗi. Chúng tôi có kế hoạch tổ chức một bữa tiệc sinh nhật đúng nghĩa vào cuối tuần tiếp theo, một bữa tiệc có rất nhiều bạn bè của Malia đến tham dự và ngủ lại nhà chúng tôi ở Chicago, và không dính gì tới chính trị. Còn buổi tối hôm Quốc khánh đó, chúng tôi đã có một bữa quây quần riêng tư hơn tại khách sạn. Tuy vậy, khi hai cô con gái của chúng tôi chạy quanh khu dã ngoại trong lúc Barack và tôi bắt tay các cử tri tiềm năng vào chiều hôm đó, tôi tự hỏi không biết về sau chúng có nhớ tới bữa tiệc ngoài trời này như một kỷ niệm vui hay không.
Những ngày này, tôi dõi theo Sasha và Malia với một cảm giác mãnh liệt mới mẻ trong tim. Giờ đây những người lạ bắt đầu gọi tên chúng, họ muốn chạm vào chúng và chụp ảnh chúng, giống họ làm với tôi. Sau mùa đông, chính phủ cho rằng tôi và hai cô con gái cần có mật vụ bảo vệ vì quá nhiều người đã biết tới chúng tôi, điều này nghĩa là khi Sasha và Malia đi học hay tham dự trại hè, thường do bà ngoại chở đi, nhân viên mật vụ sẽ lái xe theo sau chúng.
Ở buổi dã ngoại, mỗi người chúng tôi đều có nhân viên mật vụ theo sát, họ dò xét đám đông để xem có dấu hiệu đe dọa nào hay không, họ khéo léo can thiệp nếu một người thiện chí trở nên nhiệt tình quá mức và thu hút sự chú ý. Thật may, bọn trẻ có vẻ không xem các mật vụ như cận vệ mà xem họ giống những người bạn lớn tuổi mới xuất hiện trong mạng lưới ngày càng mở rộng của những con người thân thiện mà chúng tôi đi cùng, chỉ khác là họ đeo tai nghe và luôn có tinh thần cảnh giác cao độ. Sasha thường gọi họ là “những người bí ẩn”.
Hai đứa trẻ giúp quá trình vận động tranh cử trở nên dễ chịu hơn, bởi chúng không chú tâm nhiều vào kết quả. Tôi và Barack cảm thấy an tâm khi có các con bên cạnh - đó là một sự nhắc nhở rằng rốt cuộc thì gia đình vẫn có ý nghĩa hơn số lượng đông đảo người ủng hộ hay chuyện vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng bầu cử. Hai đứa con của chúng tôi đều không để tâm đến sự ồn ào huyên náo đang vây quanh cha chúng. Chúng không bận tâm xây dựng một nền dân chủ tốt đẹp hơn hay muốn được vào Nhà Trắng. Tất cả những gì chúng muốn (thật sự, thật sự muốn) là một chú cún. Vào những lúc mọi người ít bận rộn hơn, hai đứa thích chơi đuổi bắt hoặc chơi bài với nhân viên chiến dịch, và cho dù đến đâu thì chúng cũng sẽ luôn tìm một tiệm kem. Tất cả những thứ còn lại đều không đáng bận tâm.
Tới tận hôm nay Malia và tôi vẫn còn cười khi nhắc lại chuyện hồi con bé chỉ mới tám tuổi, một đêm nọ khi Barack đang dỗ con bé ngủ, anh đã hỏi, “Con thấy sao nếu cha tranh cử vị trí tổng thống? Con có nghĩ cha nên làm vậy không?”.
“Có chứ ạ!”, con bé đáp và hôn lên má Barack. Quyết định tranh cử của anh sẽ thay đổi gần như mọi thứ trong cuộc sống của con bé sau này, nhưng làm sao mà con bé biết được? Con bé chỉ đơn giản xoay người rồi chìm vào giấc ngủ.
Ngày hôm đó ở Butte, chúng tôi đến tham quan bảo tàng khai thác mỏ trong vùng, chơi đấu súng nước và đá bóng trên bãi cỏ. Barack đọc bài diễn văn tranh cử và bắt tay đám đông cử tri như thường lệ, đồng thời vẫn duy trì sự gắn bó với cả nhà. Sasha và Malia trèo lên người anh, cười khúc khích và khiến anh vui vẻ với những suy nghĩ ngây thơ của chúng. Tôi nhìn thấy sự thoải mái trong nụ cười của anh, ngưỡng mộ anh vì khả năng gạt mọi xao nhãng bên ngoài sang một bên và chỉ đơn giản là người cha mỗi khi có cơ hội. Anh trò chuyện với vợ chồng em gái, Maya và Konrad, và luôn choàng vai tôi khi chúng tôi đi bất kỳ đâu.
Chúng tôi không bao giờ đơn độc. Chúng tôi có nhân viên vây quanh, có mật vụ bảo vệ, có phóng viên chờ phỏng vấn, có những người xa lạ chụp ảnh chúng tôi từ xa. Giờ đây, tất cả những điều đó đều là bình thường trong cuộc sống chúng tôi. Trong suốt thời gian tranh cử, cuộc sống của chúng tôi được lên lịch sẵn đến mức chúng tôi chỉ biết nhìn cuộc sống cá nhân và quyền làm chủ cuộc sống của mình dần dần biến mất. Cả Barack và tôi đều trao gần như cả cuộc sống vào tay một nhóm những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi, những người cực kỳ thông minh và tháo vát, nhưng cũng là những người không biết cảm giác từ bỏ quyền làm chủ cuộc đời mình đau đớn đến dường nào. Nếu cần một món gì đó ở cửa hàng, tôi phải nhờ ai đó đi mua giùm. Nếu muốn nói chuyện với Barack, tôi thường phải gửi yêu cầu cho một nhân viên trẻ tuổi của anh. Đôi khi trên lịch trình của tôi xuất hiện các sự kiện và hoạt động mà tôi không biết.
Nhưng dần dần, như một bản năng sống còn, chúng tôi đã học cách chấp nhận thực tế và sống cuộc đời của mình trước con mắt của công chúng.
Trước lúc chiều xuống ở Butte, chúng tôi có một buổi trả lời phỏng vấn truyền hình, cả bốn người chúng tôi - tôi, Barack và hai cô con gái. Đây là chuyện chúng tôi chưa từng làm. Thông thường, chúng tôi yêu cầu giới báo chí tránh xa bọn trẻ, hạn chế chụp ảnh chúng và chỉ cho chúng xuất hiện trong những sự kiện công khai thuộc chiến dịch tranh cử. Tôi không biết cái gì đã xui khiến chúng tôi đồng ý lần này. Theo tôi còn nhớ, nhân viên chiến dịch cho rằng để công chúng thấy Barack trong vai trò người cha cũng là một ý hay, và lúc đó tôi thấy ý kiến này không có gì đáng ngại. Dù sao đi nữa, anh ấy yêu thương con chúng tôi. Anh ấy yêu thương mọi đứa trẻ trên đời. Đó chính là lý do anh ấy sẽ là một tổng thống tuyệt vời.
Bốn người chúng tôi cùng ngồi với người dẫn chương trình Maria Menounos của chương trình Access Hollywood trên băng ghế trong công viên - ai đó đã phủ một tấm vải nhiều màu sắc lên băng ghế cho phù hợp với không khí lễ hội hơn - và chúng tôi đã trò chuyện với nhau khoảng mười lăm phút. Malia diện kiểu tóc tết bím, còn Sasha thì mặc một chiếc đầm ba lỗ màu đỏ. Như thường lệ, cả hai đều đáng yêu vô cùng. Menounos duyên dáng và giữ không khí của cuộc chuyện trò rất nhẹ nhàng trong lúc Malia, “cô giáo sư trẻ” trong gia đình, nghiêm túc suy nghĩ từng câu hỏi. Con bé nói thỉnh thoảng cha khiến bé xấu hổ khi muốn bắt tay với bạn bè của mình, và rằng cha gây phiền toái cho cả nhà khi để đồ đạc của chiến dịch chắn cả lối ra vào. Sasha cố hết sức để ngồi yên và tập trung, con bé chỉ ngắt ngang cuộc phỏng vấn một lần duy nhất khi xoay sang tôi và hỏi, “Mẹ ơi, chừng nào thì mình được ăn kem ạ?”. Ngoài ra thì con bé ngoan ngoãn lắng nghe chị mình, thi thoảng chêm vào bất kỳ chi tiết nào đó có chút liên quan vừa nảy ra trong đầu. “Cha từng để tóc xoăn đó ạ!”, con bé chợt lên tiếng khi cuộc phỏng vấn gần kết thúc, và tất cả chúng tôi bắt đầu cười phá lên.
Vài ngày sau, cuộc phỏng vấn được phát sóng thành bốn phần trên đài ABC và được dư luận đón nhận nồng nhiệt, được các kênh tin tức khác nhắc đến với những dòng tít câu khách như “Vén màn bí mật về hai cô con gái của Obama” và “Hai cô gái nhỏ nhà Obama bật mí những bí mật trong gia đình”. Bỗng nhiên những bình luận trẻ con của Malia và Sasha được báo chí khắp nơi trên thế giới đăng tải.
Barack và tôi lập tức hối hận về những gì chúng tôi đã làm. Bài phỏng vấn không hề có lời lẽ thô tục. Chẳng có câu hỏi nào xoáy vào đời tư, cũng không có chi tiết đặc biệt nào bị tiết lộ. Thế nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy như mình đã có một lựa chọn sai lầm khi đưa tiếng nói của bọn trẻ ra trước công chúng quá sớm, trước khi chúng có thể thật sự hiểu được ý nghĩa của tất cả những chuyện này. Đoạn video đó không hề gây tổn hại gì cho Sasha hay Malia, nhưng giờ đây nó đã xuất hiện trước cả thế giới và lưu truyền mãi trên Internet. Hai cô bé con của chúng tôi không hề lựa chọn cuộc sống này, ấy thế mà trong lúc không suy xét cẩn thận, chúng tôi đã dâng chúng lên miệng cọp.
KHI ĐÓ tôi đã biết đôi chút về “miệng cọp”. Chúng tôi sống cùng những cái nhìn soi mói vào mình, và chuyện đó khiến mọi thứ trở nên lạ lẫm. Tôi được Oprah Winfrey gửi tin nhắn động viên khích lệ. Stevie Wonder, thần tượng thời thơ ấu của tôi, xuất hiện để trình diễn tại các sự kiện của chiến dịch tranh cử, cười đùa và gọi tên tôi như thể chúng tôi đã quen biết từ lâu lắm. Lượng quan tâm chú ý khiến tôi mất phương hướng, nhất là khi tôi cảm thấy chúng tôi không thật sự làm được điều gì để xứng đáng với sự quan tâm đó. Vị thế của chúng tôi được nâng lên nhờ sức mạnh của thông điệp mà Barack đang truyền tải, đồng thời cũng nhờ lời hứa hẹn và tính đặc trưng của thời điểm này. Nếu nước Mỹ bầu ra vị tổng thống da đen đầu tiên, điều này không chỉ liên quan đến Barack mà còn nói lên điều gì đó về đất nước này. Đối với rất nhiều người, và vì rất nhiều lý do, điều này mang rất nhiều ý nghĩa.
Dĩ nhiên, Barack là người đón nhận phần lớn cái nhìn săm soi này - sự nịnh hót cũng như sự dò xét luôn đi kèm với nó. Càng nổi tiếng thì bạn càng có nhiều kẻ ganh ghét. Dường như việc các đối thủ dùng tiền để tìm hiểu thông tin về nhau đã trở thành luật bất thành văn, đặc biệt là trong chính trị - người ta thuê thám tử moi móc từng chi tiết trong đời tư của ứng viên, cố tìm ra một vết nhơ nào đó.
Chồng tôi và tôi có bản tính khác nhau, và đó là lý do một người chọn chính trị còn người kia thì không. Anh ấy ý thức được những tin đồn và những nhận thức lệch lạc đang bị bơm vào chiến dịch như khí độc, nhưng chúng không khiến anh phiền lòng. Barack đã trải qua nhiều chiến dịch khác. Anh tìm hiểu lịch sử chính trị và sẵn sàng cho mọi bối cảnh chính trị mà mình gặp phải. Và nhìn chung, anh đơn giản không phải là người dễ lo sợ hay đi chệch hướng vì những thứ mơ hồ như sự nghi ngờ hay xúc phạm.
Ngược lại, tôi vẫn đang học cách làm người của công chúng. Tôi tự xem mình là một phụ nữ tự tin, thành đạt, nhưng tôi cũng là đứa trẻ năm nào từng nói với mọi người rằng mình có dự định trở thành bác sĩ nhi khoa và từng nỗ lực hết sức để đạt điểm chuyên cần tuyệt đối ở trường. Nói cách khác, tôi quan tâm người khác nghĩ gì. Tôi đã dành cả tuổi trẻ để tìm kiếm sự chấp nhận, cần mẫn thu thập những ngôi sao nhũ vàng và tránh xa những tình huống xã hội lộn xộn. Theo thời gian, tôi bắt đầu tập để không đong đếm giá trị bản thân một cách khắt khe qua những thành tích đúng nguyên tắc thông thường, nhưng tôi vẫn tin rằng nếu làm việc chăm chỉ và chân thành thì tôi có thể tránh được những kẻ bắt nạt và luôn được mọi người nhìn nhận đúng với bản chất của mình.
Tuy nhiên, niềm tin này sắp bị đảo lộn.
Sau chiến thắng của Barack tại Iowa, thông điệp của tôi trên đường chiến dịch ngày càng sôi nổi hơn, gần như tỷ lệ thuận với số người trong những đám đông đến dự các buổi tuyên truyền vận động. Các buổi gặp gỡ của tôi từ quy mô hàng trăm người nay đã tăng lên hàng ngàn người và hơn thế nữa. Tôi nhớ mình đã đến dự một sự kiện tại Delaware cùng với Melissa và Katie, và chúng tôi đã thấy một dòng người dày đặc vây quanh dãy nhà, chờ đợi để được vào khán phòng đã đông nghẹt bên trong. Cảnh tượng đó khiến tôi ngỡ ngàng trong hạnh phúc tột cùng. Tôi truyền đạt điều này đến mọi đám đông: tôi vô cùng xúc động trước sự nhiệt tình và gắn bó mà mọi người dành cho chiến dịch của Barack. Tôi thấy mình nhỏ bé trước công sức và nỗ lực mà mọi người đầu tư mỗi ngày để giúp anh được bầu làm tổng thống.
Còn với bài diễn văn vận động tranh cử của mình, dựa trên phương pháp từng rất hiệu quả đối với tôi tại Iowa, tôi đã xây dựng cho nó một kết cấu mở, không sử dụng máy nhắc chữ hay lo lắng nếu mình lỡ nói lạc đề một chút. Lời lẽ của tôi không trau chuốt, và tôi chưa bao giờ nói năng lưu loát được như chồng mình, nhưng những gì tôi nói đều xuất phát từ trái tim chân thành. Tôi mô tả những mối hoài nghi ban đầu của mình đã giảm bớt theo thời gian và được thay thế bằng một điều gì đó đáng khích lệ và giàu hy vọng hơn. Tôi nhận ra có rất nhiều người trong số chúng ta đang có cùng những khó khăn và mối bận tâm về con em của mình, cũng như lo lắng về tương lai. Và cũng như tôi, có rất nhiều người tin Barack là ứng viên duy nhất có khả năng mang lại sự thay đổi đích thực.
Barack muốn rút quân đội Mỹ ra khỏi Iraq. Anh muốn rút lại chính sách cắt giảm thuế mà George W. Bush đã thông qua cho tầng lớp siêu giàu. Anh muốn xây dựng chế độ chăm sóc sức khỏe với chi phí hợp lý cho toàn bộ người Mỹ. Đó là một kế hoạch đầy tham vọng, nhưng mỗi khi bước vào một khán phòng đầy những người ủng hộ đang bừng bừng khí thế, tôi cảm thấy có lẽ với tư cách một dân tộc, chúng tôi đã sẵn sàng bỏ qua những khác biệt của nhau và biến kế hoạch của Barack thành hiện thực. Trong những khán phòng đó có lòng tự hào, có tinh thần đoàn kết vượt qua mọi khác biệt về màu da. Tinh thần lạc quan dâng cao và truyền cho chúng tôi sức mạnh. “Hy vọng đang quay trở lại!”, tôi tuyên bố tại mỗi điểm vận động tranh cử.
Vào một ngày tháng Hai, tôi đang ở Wisconsin thì Katie nhận được một cuộc gọi từ ai đó trong đội ngũ truyền thông của Barack, nói là có vẻ có vấn đề gì đó. Tôi đã nói ra một điều gì đó gây tranh cãi trong bài diễn văn của mình tại một nhà hát ở Milwaukee ít giờ trước. Katie cũng bối rối như tôi. Điều tôi đã nói tại Milwaukee thật sự không có gì khác với nội dung tôi vừa phát biểu trước một đám đông khác ở Madison, vốn cũng không có gì khác với những bài diễn văn mà tôi vẫn nói suốt nhiều tháng qua. Chưa từng có vấn đề gì xảy ra trước đây. Tại sao bây giờ lại có?
Cũng trong ngày hôm đó, chúng tôi đã thấy vấn đề. Ai đó đã ghi hình bài nói chuyện dài khoảng bốn mươi phút của tôi và biên tập nó thành một đoạn phim vỏn vẹn mười giây, tách nó khỏi ngữ cảnh và chỉ nhấn mạnh một vài từ.
Bỗng nhiên có những đoạn clip được trích từ cả hai bài diễn văn của tôi tại Milwaukee và Madison, tập trung vào đoạn tôi nói về cảm giác được khích lệ. Nguyên văn là thế này: “Trong năm nay chúng ta đã nhận ra rằng hy vọng đang quay trở lại! Và hãy để tôi kể với các bạn điều này, lần đầu tiên kể từ khi trưởng thành, tôi thật sự tự hào về nước Mỹ. Không chỉ vì những gì Barack đã làm được, mà vì tôi cho rằng mọi người đang khao khát sự thay đổi. Tôi vẫn luôn mong mỏi được thấy đất nước của chúng ta hướng tới sự thay đổi, và mong rằng tôi không phải cô độc như vậy trong sự chán nản và thất vọng. Tôi đã thấy người ta khao khát được thống nhất với nhau về những vấn đề cơ bản thường gặp, và chuyện đó khiến tôi tự hào. Tôi cảm thấy mình được ưu ái khi trở thành một trong những người chứng kiến những điều này”.
Nhưng gần như tất cả những lời của tôi đã bị lược bỏ sạch sẽ, kể cả những phần nói về sự hy vọng, đoàn kết và sự xúc động của tôi. Sắc thái ý nghĩa đã mất hết, sự chú ý được hướng về một điều duy nhất. Điều được ghi lại trong những đoạn clip - và đang được phát liên tục trên các kênh vô tuyến, như chúng tôi được thông báo - lại là thế này: “Lần đầu tiên kể từ khi trưởng thành, tôi thật sự tự hào về nước Mỹ”.
Tôi không cần xem tin tức cũng biết nó đang được nhào nặn ra sao. Bà ta không ái quốc. Bà ta luôn ghét nước Mỹ. Đây mới chính là con người thật của bà ta. Trước giờ bà ta chỉ diễn mà thôi.
Đó là cú đấm đầu tiên. Và có vẻ tôi đã tự “mời” nó đến với mình. Khi cố gắng thể hiện một bài diễn văn đơn giản và dễ hiểu, tôi đã quên mất mỗi cụm từ có sức nặng đến mức nào. Tôi đã vô tình dâng cho những kẻ ganh ghét mình một bữa tiệc mười-sáu-từ thịnh soạn. Hệt như hồi học lớp một, tôi không lường trước được chuyện đó.
Tối hôm đó, tôi bay về nhà ở Chicago, cảm thấy tội lỗi và suy sụp tinh thần. Tôi biết Melissa và Katie đang âm thầm dùng điện thoại di động để theo dõi các tin tức xấu, dù họ rất cẩn thận không chia sẻ các tin đó với tôi vì biết rằng làm vậy chỉ khiến mọi thứ thêm tồi tệ. Tính tới thời điểm đó, ba người chúng tôi đã làm việc với nhau được gần một năm, cùng nhau đi qua những dặm đường dài không đếm nổi và liên tục chạy đua với thời gian để tôi có thể về nhà với bọn trẻ vào ban đêm. Chúng tôi đã đi qua nhiều khán phòng trên cả nước, ăn nhiều thức ăn nhanh hơn mình mong muốn và đến gặp những vị mạnh thường quân giàu có tại những ngôi nhà tráng lệ đến mức chúng tôi kiềm chế để không há hốc mồm. Trong khi Barack và đội tranh cử đi lại trên những chiếc máy bay thuê riêng và những chiếc xe du lịch êm ái, chúng tôi vẫn phải cởi giày đứng chờ trong dòng người đang chậm chạp nhích lên từng bước để làm thủ tục kiểm tra an ninh tại sân bay, ngồi ghế bình dân trên các chuyến bay của hãng United và Southwest, trông cậy vào thiện chí của những tình nguyện viên để được trung chuyển đến những sự kiện mà đôi khi diễn ra ở nơi cách nhau đến hàng trăm cây số.
Nhìn chung, tôi cảm thấy chúng tôi đã làm việc khá xuất sắc. Tôi đã thấy Katie đứng trên ghế để lớn tiếng xua đuổi những tay thợ chụp hình gấp đôi tuổi mình và thẳng thắn bày tỏ thái độ đối với những phóng viên đặt câu hỏi vượt quá giới hạn cho phép. Tôi đã thấy Melissa tỉ mỉ sắp xếp từng chi tiết trong lịch trình của tôi, thành thạo điều phối nhiều sự kiện trong một ngày, tay liên tục bấm điện thoại để giải quyết mọi vấn đề có thể phát sinh, đồng thời bảo đảm tôi không bao giờ lỡ vở kịch nào của bọn trẻ tại trường, tiệc sinh nhật của người bạn cũ hay một dịp đi tập thể dục tại phòng gym. Hai người họ cống hiến hết mình cho chiến dịch này, hy sinh cuộc sống cá nhân của mình để tôi có thể duy trì cuộc sống cá nhân của riêng tôi.
Tôi ngồi dưới ánh đèn phát ra từ trần máy bay, lo lắng mình đã làm hỏng chuyện với mười sáu từ kia.
Về nhà, sau khi dỗ bọn trẻ ngủ và đưa mẹ về lại nhà trên Đại lộ Euclid để nghỉ ngơi, tôi gọi điện thoại di động cho Barack. Đó là đêm trước ngày bầu cử sơ bộ tại Wisconsin, và kết quả thăm dò cho thấy cuộc đua đang rất gay gắt. Trong việc lựa chọn đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc thì Barack đang dẫn trước với cách biệt nhỏ nhưng ngày càng tăng lên, trong khi Hillary thì cho chạy các mẩu quảng cáo chỉ trích Barack về mọi thứ, từ kế hoạch chăm sóc y tế đến việc anh không chịu tranh luận với bà thường xuyên hơn. Rủi ro dường như rất cao. Chiến dịch của Barack không thể chịu nổi một cú thất bại. Tôi xin lỗi anh về bài diễn văn của tôi đã gây ra phiền phức. “Em không biết em đã làm gì sai”, tôi nói. “Em vẫn nói y như vậy suốt mấy tháng qua.”
Đêm đó Barack đi từ Wisconsin đến Texas. Tôi gần như cảm nhận được anh nhún vai ở đầu dây bên kia. “Nghe này, đó là vì khán giả của em quá đông”, anh ấy nói. “Em đã trở thành một thế lực đáng gờm trong chiến dịch, điều đó nghĩa là người ta sẽ nhắm vào em nhiều hơn. Đây chỉ là bản chất của sự việc thôi.”
Như vẫn thường làm mỗi khi chúng tôi nói chuyện với nhau, anh cảm ơn tôi vì đã dành thời gian cho chiến dịch, nói thêm rằng anh lấy làm tiếc vì những hậu quả mà tôi phải gánh chịu. “Anh yêu em”, anh nói với tôi trước khi gác máy. “Anh biết chuyện này rất khó khăn, nhưng rồi nó sẽ qua. Luôn là như thế.”
ANH ẤY VỪA ĐÚNG cũng vừa sai về chuyện này. Ngày 19 tháng Hai năm 2008, Barack chiến thắng vòng bầu cử sơ bộ ở Wisconsin với cách biệt khá tốt, đồng nghĩa với việc tôi không gây ra bất kỳ tổn hại nào cho anh tại khu vực này. Cùng ngày hôm đó, Cindy McCain đã chỉ trích tôi trong lúc đang phát biểu tại một cuộc vận động, bà nói: “Tôi tự hào về đất nước tôi. Tôi không biết các bạn có thế không, không biết các bạn có từng nghe ai đó nói những lời này trước đây hay không - Tôi rất tự hào về đất nước tôi”. Đài CNN nhận định chúng tôi đang “đốp chát nhau về lòng ái quốc”, còn các blogger thì vẫn hăng hái bình phẩm như thường lệ. Nhưng chỉ trong khoảng một tuần, có vẻ như mọi sự náo động đều lắng xuống. Barack và tôi đều trả lời báo chí, giải thích rõ là tôi cảm thấy tự hào khi thấy rất nhiều người Mỹ gọi điện kêu gọi ủng hộ chiến dịch, nói chuyện với hàng xóm của mình và ngày càng có lòng tin về sức mạnh của chính họ trong nền dân chủ Mỹ - đây là những việc mà tôi cảm thấy mới chỉ có lần đầu. Và rồi chúng tôi tiếp tục lên đường. Trong các bài diễn văn của mình, tôi cố gắng thận trọng với lời lẽ của mình hơn, nhưng thông điệp mà tôi muốn truyền đạt vẫn không thay đổi. Tôi vẫn tự hào và cảm thấy được khích lệ. Chuyện đó không có gì thay đổi cả.
Ấy thế mà một hạt giống nguy hại đã được gieo - người ta nhận định tôi là một kẻ cáu kỉnh và hơi công kích, không được duyên dáng như người ta kỳ vọng. Chúng tôi không biết nhận định này đến từ đối thủ chính trị của Barack hay từ nơi nào khác, nhưng những tin đồn và bình luận ác ý gần như mang theo một thông điệp không-mấy-nhẹ-nhàng về chủng tộc, với mục đích khơi dậy nỗi sợ sâu kín nhất và xấu xí nhất bên trong cộng đồng cử tri. Đừng để những người da đen chiếm quyền. Họ không giống chúng ta. Tầm nhìn của họ không phải tầm nhìn của chúng ta.
Sự việc càng thêm nghiêm trọng khi kênh tin tức ABC đã cắt gọt hai mươi chín giờ ghi hình các bài diễn thuyết của mục sư Jeremiah Wright thành một đoạn băng gây tranh cãi, xoáy vào cơn giận dữ và sự căm phẫn của ông về nước Mỹ của người da trắng, như thể người da trắng là thủ phạm gây ra mọi khổ đau. Barack và tôi mất hết tinh thần khi nhìn thấy đoạn băng đó, nó phản ánh phần tồi tệ và điên rồ nhất của người đã làm phép hôn phối cho chúng tôi và rửa tội cho hai con của chúng tôi. Gia đình của cả hai chúng tôi đều có những thành viên nhìn nhận vấn đề chủng tộc với sự hồ nghi khó chịu. Tôi từng thấy cơn giận âm ỉ của ông Dandy vì những năm tháng bị gạt khỏi con đường sự nghiệp do màu da của mình, tôi cũng thấy nỗi âu lo của ông Southside về sự an toàn của cháu mình trong khu phố của người da trắng. Trong khi đó, Barack từng nghe Toot, bà ngoại người da trắng của anh, đưa ra những nhận định chưa thấu đáo về vấn đề sắc tộc, thậm chí bà còn thú nhận với đứa cháu ngoại da đen của mình là đôi khi bà cảm thấy sợ khi gặp một người đàn ông da đen trên đường. Chúng tôi đã có nhiều năm chung sống với những suy nghĩ hạn hẹp của một vài người lớn tuổi trong gia đình và chấp nhận một sự thật là không ai hoàn hảo, đặc biệt là những người trưởng thành trong giai đoạn phân biệt chủng tộc. Có lẽ điều này đã khiến chúng tôi bỏ qua những phần thái quá trong các bài giảng nảy lửa của mục sư Wright, mặc dù chúng tôi không có mặt trong bất kỳ bài giảng nào mà giới truyền thông đang soi mói. Tuy nhiên, chúng tôi bàng hoàng khi chứng kiến phiên bản cực đoan của ông bị phát sóng trên bản tin. Toàn bộ sự việc này nhắc nhở rằng những suy nghĩ lệch lạc của nước Mỹ về vấn đề chủng tộc có thể đến từ cả hai phía - sự hoài nghi và quy kết rập khuôn có thể đến từ phía người da đen lẫn người da trắng.
Trong lúc đó, có người đã đào bới bản luận văn cử nhân mà tôi đã viết ở Princeton từ hơn hai mươi năm trước - một khảo sát về quan điểm của cựu sinh viên Mỹ gốc Phi đối với vấn đề chủng tộc và bản sắc sau khi theo học tại trường Princeton. Vì những lý do mà tôi không bao giờ hiểu nổi, giới truyền thông bảo thủ đang xem luận văn của tôi như một bản tuyên ngôn bí mật nào đó về quyền lực của người da đen, một mối đe dọa chưa được triệt tiêu. Họ làm như thể ở tuổi hai mươi mốt, thay vì tìm cách đạt điểm A môn xã hội học và giữ được một chỗ trong trường luật Harvard thì tôi lại nung nấu một kế hoạch nổi loạn kiểu Nat Turner(1) để lật đổ người da trắng và cuối cùng, giờ đây, thông qua chồng của mình, tôi có dịp để biến nó thành hiện thực. “Có phải Michelle Obama có trách nhiệm về sự thất bại thảm hại của Jeremiah Wright?” là tiêu đề phụ trong một bài báo online của Christopher Hitchens. Ông công kích tôi-thời-đại-học, cho rằng tôi đã bị ảnh hưởng quá mức từ những nhà tư tưởng da đen cực đoan và bên cạnh đó còn là một cây bút chẳng ra gì. Trong bài báo, ông viết, “Bản luận văn không phải là khó đọc, mà là không thể ‘đọc’ được, theo đúng nghĩa đen. Bởi vì nó không phải được viết bằng ngôn ngữ của loài người”.
Tôi không chỉ bị tô vẽ thành kẻ ngoài cuộc, mà còn hoàn toàn trở thành “kẻ khác”, khác đến mức người ta không thể hiểu được ngôn ngữ mà tôi sử dụng. Hiển nhiên đó là một lời xúc phạm lố bịch của kẻ tiểu nhân, nhưng cách ông ấy châm chọc trí lực của tôi, hạ thấp con người hồi trẻ của tôi đã thể hiện rõ một sự khinh miệt. Barack và tôi giờ đây đã quá nổi tiếng nên không thể nào bị xem là vô hình, nhưng nếu người ta xem chúng tôi là những kẻ ngoại tộc mưu đồ lấn chiếm cương thổ của họ thì có thể chúng tôi không còn khả năng chiến thắng trong cuộc tranh cử này. Không nói thẳng ra, nhưng dường như người ta cứ bóng gió: Những kẻ này không thuộc về nơi đây. Barack có một bức ảnh chụp anh đang quấn khăn đội đầu và mặc bộ quần áo truyền thống của Somali mà người ta tặng nhân chuyến thăm chính thức của anh đến Kenya trong vai trò một thượng nghị sĩ, và bây giờ bức ảnh đó xuất hiện trên tờ Drudge Report, làm hồi sinh những giả thuyết cũ cho rằng anh là một người Hồi giáo kín. Vài tháng sau, Internet sẽ bùng nổ với một tin đồn nặc danh và vô căn cứ khác, lần này là chất vấn tư cách công dân của Barack, lan truyền rằng anh không được sinh ra ở Hawaii mà là tại Kenya, và do đó không đủ tư cách trở thành tổng thống Mỹ.
Khi chúng tôi tiếp tục với vòng bầu cử sơ bộ ở Ohio và Texas, ở Vermont và Mississippi, tôi tiếp tục nói về sự lạc quan và đoàn kết, cảm nhận sự tích cực mà những người tham gia các sự kiện thuộc chiến dịch tranh cử mang lại và cùng hướng đến suy nghĩ về sự thay đổi. Tuy nhiên, bài nhận định tiêu cực nói trên có vẻ ngày càng gây thêm bất lợi cho tôi. Trên kênh tin tức Fox News có những buổi thảo luận về “cơn tức giận hung hăng” của tôi. Internet rộ lên những tin đồn về một đoạn băng ghi hình mà trong đó tôi gọi người da trắng là “những đứa da trắng” - một sự bịa đặt trắng trợn. Vào tháng Sáu, khi Barack cuối cùng cũng đạt được đề cử của Đảng Dân chủ, tôi chúc mừng anh bằng cú đập tay bông đùa trên sân khấu tại một sự kiện ở Minnesota, và sự việc sau đó đã lên báo, được một bình luận viên kênh Fox nhận định thành “cú đập tay khủng bố”, lại với ngụ ý rằng chúng tôi là những mối nguy hiểm. Một dòng tin phụ cũng trên kênh đó đã gọi tôi là “Mẹ của các con Obama”, có ý xỏ xiên tôi chỉ là mẹ của hai đứa trẻ “ngoài giá thú” nhà Obama chứ chẳng phải vợ của Barack Obama, điều này gợi lại những quan điểm lệch lạc và rập khuôn về khu ổ chuột của người Mỹ gốc Phi, biến tôi thành “người ngoài” và đẩy tôi ra khỏi cuộc hôn nhân của chính mình.
Tôi dần cảm thấy mệt mỏi, không phải về thể chất mà về tinh thần. Những cú đấm ấy rất đau, thậm chí cả khi tôi hiểu chúng hoàn toàn không liên quan gì đến bản chất con người tôi. Như thể ngoài kia có một phiên bản hoạt hình nào đó của tôi đang tàn phá xung quanh, một phụ nữ mà tôi cứ nghe người ta nhắc đến mãi nhưng không bao giờ gặp - một con quái vật quá to lớn, quá tàn bạo và cần được hạ gục trong lớp vỏ của một người vợ chính khách, tên là Michelle Obama. Một việc cũng khiến tôi đau lòng không kém là bạn bè tôi thỉnh thoảng sẽ gọi đến và bày tỏ sự lo lắng, cho tôi hàng đống lời khuyên mà họ nghĩ tôi nên nói lại với người phụ trách chiến dịch tranh cử của Barack, hoặc muốn được tôi trấn an sau khi nghe những tin tức tồi tệ về tôi, về Barack hoặc về tình trạng của chiến dịch vận động tranh cử. Khi tin đồn về cuộn băng “những đứa da trắng” xuất hiện, một người bạn khá hiểu tôi đã gọi điện đến, thể hiện rõ sự lo lắng vì nghĩ tin đồn đó là thật. Tôi phải dành ra gần ba mươi phút để thuyết phục cô ấy rằng tôi không hề trở thành kẻ phân biệt chủng tộc, và khi cuộc trò chuyện giữa chúng tôi kết thúc, tôi gác máy trong tình trạng hoàn toàn nản lòng thoái chí.
Nhìn chung, tôi cảm thấy như thể mình không thể thắng nổi, như thể không có niềm tin hay nỗ lực nào có thể giúp tôi vượt qua những kẻ gièm pha cũng như ý định hạ bệ tôi của họ. Tôi là một phụ nữ da đen và mạnh mẽ, một điều mà đối với một số người, với một kiểu tư duy nhất định nào đó, thì chỉ có thể được hiểu là “giận dữ”.
Giờ đây tôi bắt đầu thật sự tức giận đôi chút, điều này càng khiến tôi cảm thấy tệ hại hơn, cứ như tôi đang biến lời tiên tri của những kẻ ganh ghét mình thành sự thật, như thể tôi đã đầu hàng. Có bao nhiêu “phụ nữ da đen giận dữ” đã bị cuốn vào cái logic vòng vo của khái niệm đó? Khi bạn có điều muốn nói nhưng không được lắng nghe, tại sao bạn không thử nói lớn tiếng hơn? Nếu người ta dán cho bạn cái nhãn “tức giận” hay “dễ xúc động”, chẳng phải điều đó càng dễ khiến bạn trở thành như vậy hay sao?
Tôi kiệt sức bởi những thứ hèn hạ đó, rối bời bởi sự công kích cá nhân mà nó gây ra, đồng thời cảm thấy như thể tôi không còn đường lui. Khoảng tháng Năm, Đảng Cộng hòa bang Tennessee tung lên mạng một video chiếu lại những nhận xét của tôi tại Wisconsin kèm với cảnh các cử tri nói những câu như “Này, tôi tự hào là người Mỹ từ hồi còn là một đứa trẻ lận kìa”. Trang web của kênh truyền thông NPR đăng tải một câu chuyện với dòng tít: “Michelle Obama là báu vật hay cục nợ?”. Được in đậm ngay bên dưới tiêu đề đó là những luận điểm tranh cãi về tôi: “Thẳng thắn hay thẳng thừng?” và “Vẻ ngoài: quyền lực hay đáng sợ?”.
Tôi có thể nói cho bạn biết là chuyện này đau đớn lắm.
Đôi khi tôi đổ lỗi cho chiến dịch tranh cử của Barack đã đẩy tôi vào tình cảnh hiện tại. Tôi biết tôi hoạt động năng nổ hơn nhiều vợ chồng các ứng viên tổng thống khác, chính vì vậy nên tôi mới trở thành mục tiêu tấn công. Bản năng của tôi là đáp trả, là lên tiếng vạch trần những lời dối trá cũng như những quy chụp bất công, hoặc buộc Barack phải lên tiếng, nhưng đội ngũ tổ chức chiến dịch liên tục nói rằng tốt nhất là đừng phản ứng, đơn giản là hãy chịu trận và cứ thế tiến lên. “Chính trị là vậy” luôn là câu thần chú, như thể chúng tôi không thể làm gì, như thể chúng tôi đều đã chuyển đến sống ở một thành phố khác trên một hành tinh khác tên là Chính Trị, nơi mà những quy tắc thông thường không được áp dụng.
Mỗi khi bị xuống tinh thần, tôi lại khiến bản thân khổ sở hơn với một loạt những suy nghĩ thoái chí: tôi đâu có lựa chọn những điều này. Chưa bao giờ tôi ưa chính trị. Tôi từ bỏ công việc và danh tính của mình vì chiến dịch này, và giờ đây tôi trở thành một món nợ? Sức mạnh của tôi đâu mất rồi?
Ngồi trong gian bếp nhà mình ở Chicago vào một tối Chủ nhật khi Barack về nhà để nghỉ lại một đêm, tôi trút hết mọi bí bách trong lòng.
“Em không cần phải làm chuyện này”, tôi nói với anh. “Nếu em gây tổn hại cho chiến dịch, vậy em đi vận động tuyên truyền để làm gì?”
Tôi giải thích rằng Melissa, Katie và tôi đang cảm thấy bị quá tải trước số lượng các lời mời phỏng vấn của giới truyền thông và những nỗ lực để đi vận động tuyên truyền với ngân sách eo hẹp mà chúng tôi đang có. Tôi không muốn làm hỏng chuyện và luôn muốn hỗ trợ anh, nhưng chúng tôi thiếu thời gian và nguồn lực nên chỉ có thể phản ứng với những gì trước mắt. Còn về sự soi mói càng ngày càng tăng mà người ta dành cho tôi, tôi cảm thấy mệt mỏi vì không có khả năng kháng cự, mệt mỏi vì bị nhìn nhận hoàn toàn sai lệch với bản chất con người mình. “Em có thể chỉ ở nhà với các con, nếu chuyện đó giúp tình hình khả quan hơn”, tôi chốt lại. “Em sẽ là một người vợ bình thường, người chỉ xuất hiện tại các sự kiện lớn và mỉm cười. Có lẽ như vậy sẽ dễ dàng hơn cho tất cả mọi người.”
Barack lắng nghe với vẻ đầy cảm thông. Tôi biết anh rất mệt và rất muốn lên lầu ngủ một giấc. Đôi khi tôi ghét chuyện đời sống gia đình và đời sống chính trị của chúng tôi đã không còn phân định rõ ràng. Cuộc sống của anh là một loạt những vấn đề cần được giải quyết trong tích tắc và hàng trăm mối tương tác khác nhau. Tôi không muốn trở thành một vấn đề khác mà anh phải để tâm, nhưng một lần nữa, cuộc sống của tôi đã hoàn toàn quyện vào cuộc sống của anh.
“Em là một tài sản quý báu chứ hoàn toàn không phải một món nợ gì cả, Michelle, em phải biết điều đó”, Barack xúc động lên tiếng. “Nhưng nếu em muốn dừng hay muốn chậm lại, anh hoàn toàn hiểu. Em có thể làm bất cứ điều gì em muốn.”
Anh nói tôi không cần phải cảm thấy mắc nợ anh hay chiến dịch tranh cử của anh. Và nếu tôi muốn tiếp tục nhưng cần thêm trợ lực, anh sẽ tìm cách để có được những điều đó cho tôi.
Tôi cảm thấy được an ủi, nhưng chỉ một chút thôi. Tôi vẫn cảm thấy mình như đứa trẻ lớp một vừa bị đánh một cú trời giáng trong lúc xếp hàng chờ nhận bữa trưa năm nào.
Nhưng sau câu nói ấy, chúng tôi ngừng bàn về chủ đề chính trị và cả hai mỏi mệt lên lầu đi ngủ.
KHÔNG LÂU SAU ĐÓ, tôi tới văn phòng của David Axelrod ở Chicago, cùng anh và chị Valerie xem những đoạn video quay lại những lần tôi xuất hiện trước công chúng. Giờ đây tôi nhận ra quá trình đó giống một buổi “can thiệp nội bộ”, một cách để giúp tôi thấy những phần nhỏ mà mình có thể kiểm soát được trong quá trình này. Cả hai khen ngợi những nỗ lực và khả năng kêu gọi hiệu quả của tôi trong việc kêu gọi mọi người ủng hộ Barack. Nhưng rồi Axe tắt âm thanh của đoạn video để chúng tôi có thể nhìn kỹ hơn vào ngôn ngữ hình thể, đặc biệt là nét mặt của tôi.
Tôi đã nhìn thấy gì? Tôi thấy mình đang nói với sự mãnh liệt, tự tin và không bao giờ muốn tỏ ra nhân nhượng. Tôi luôn đề cập đến những giai đoạn khó khăn mà nhiều người Mỹ phải đối mặt, cũng như những bất công trong hệ thống giáo dục và y tế của chúng tôi. Mặt tôi phản ánh rõ sự nghiêm trọng của những vấn đề mà tôi cho là cần được giải quyết, cũng như tầm quan trọng đích thực của những lựa chọn mà nước Mỹ đang có.
Nhưng cách diễn đạt của tôi quá nghiêm trọng, quá trầm trọng - ít nhất là so với những gì người ta quen kỳ vọng ở phụ nữ. Tôi nhận ra một người xa lạ có thể nhìn nhận biểu cảm của tôi ra sao, đặc biệt là khi biểu cảm đó được gắn với một thông điệp không hề hoa mỹ. Tôi có thể hiểu vì sao phe chống đối đã tìm cách cắt gọt những hình ảnh ấy và đưa tôi ra trước dư luận dưới hình ảnh một người đàn bà chua ngoa đang cáu gắt. Đương nhiên đó lại là một sự quy chụp, một cái bẫy khác. Cách dễ dàng nhất để khiến tiếng nói của phụ nữ bị phớt lờ là chụp cho họ cái mũ người đàn bà bẳn tính.
Có vẻ không ai chỉ trích Barack về việc tỏ ra quá nghiêm túc hay không thường xuyên cười. Nhưng tôi là một người vợ chứ chẳng phải ứng viên, thế nên có lẽ người ta kỳ vọng tôi phải mang đến sự vui vẻ và nhẹ nhàng. Nhưng rồi, nếu có bất cứ câu hỏi nào về cách phụ nữ hoạt động trên hành tinh Chính Trị, thì hãy cứ nhìn vào Nancy Pelosi, người phụ nữ thông minh, giàu tham vọng và được mô tả là đanh đá hiện đang giữ chức Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ; hoặc nhìn vào những gì Hillary Clinton đang phải chịu đựng khi các bình luận viên truyền hình và các cây bút liên tục tranh luận từng bước tiến trong chiến dịch tranh cử của bà. Giới tính của Hillary được dùng để chống lại bà một cách không thương tiếc bằng những quy chụp tồi tệ nhất. Bà bị gọi là kẻ độc đoán, người đàn bà ưa đay nghiến. Giọng của bà bị cho là chói tai, tiếng cười thì như gà cục tác. Hillary là đối thủ của Barack, điều này nghĩa là khi đó tôi không cần phải tỏ ra đặc biệt cảm thông với bà, nhưng tôi không khỏi ngưỡng mộ sự vững vàng và khả năng tranh đấu của Hillary khi bị vây quanh bởi những người có thói ganh ghét phụ nữ.
Ngày hôm đó, khi tôi xem lại đoạn băng với Axe và Valerie, nước mắt tôi cứ chực ứa ra. Tôi rất buồn. Tôi nhận ra mình vẫn chưa thành thạo kỹ năng diễn thuyết trong chính trị. Và tôi đã đi diễn thuyết như thế hơn một năm nay. Tôi cũng nhận ra là mình có thể tương tác tốt nhất tại các địa điểm quy mô nhỏ, như tôi từng làm ở Iowa, nhưng rất khó để truyền đạt lòng nhiệt huyết của tôi tại các khán phòng lớn hơn. Diễn thuyết trước các đám đông lớn hơn đòi hỏi những biểu thị cảm xúc rõ nét hơn, một điều mà tôi cần phải rèn luyện thêm. Giờ đây tôi lo là tất cả đã quá muộn.
Chị Valerie, người bạn thân thiết hơn mười lăm năm của tôi, nắm chặt tay tôi.
“Tại sao các anh chị không nói chuyện này sớm hơn?”, tôi hỏi. “Tại sao không ai ra tay giúp đỡ?”
Câu trả lời là không một ai chú ý đến điều đó. Có vẻ như mọi người trong chiến dịch tranh cử của Barack có cảm nhận chung là tôi đang làm rất tốt. Chỉ đến bây giờ, khi tôi là người gây ra rắc rối, người ta mới gọi tôi đến văn phòng của Axe.
Với tôi, đây là một bước ngoặt. Cơ chế hoạt động của chiến dịch vận động chỉ tồn tại để phục vụ cho ứng viên, chứ không bao gồm vợ chồng hay gia đình của họ. Và mặc dù nhân viên của Barack rất tôn trọng tôi và trân trọng những đóng góp của tôi, họ vẫn chưa chỉ dẫn cho tôi hết mức. Cho đến thời điểm đó, không một ai trong chiến dịch đồng hành với tôi hoặc có mặt tại các sự kiện do tôi tổ chức. Tôi chưa bao giờ được hướng dẫn cách ứng xử với truyền thông hay trang bị kỹ năng thuyết trình. Tôi cũng nhận ra là không ai sẽ để ý bảo vệ tôi, trừ khi tôi yêu cầu.
Cuối cùng, vì biết sự chú ý của dư luận sẽ chỉ ngày càng tăng lên vào sáu tháng cuối của chiến dịch, chúng tôi đã nhất trí là tôi thật sự cần được giúp đỡ. Nếu tôi tiếp tục thực hiện chiến dịch như một ứng viên, tôi cần được hỗ trợ như một ứng viên. Tôi bảo vệ bản thân bằng cách tổ chức mọi việc tốt hơn và yêu cầu được cung cấp các nguồn lực cần thiết để làm việc hiệu quả. Trong những tuần cuối của vòng bầu cử sơ bộ, ban tổ chức chiến dịch của Barack đã bắt đầu mở rộng biên chế đội ngũ của tôi và thêm vào đội một người lên kế hoạch và một trợ lý cá nhân: Kristen Jarvis, nhân viên cũ rất tử tế từ văn phòng thượng nghị sĩ của Barack, người có thể giúp tôi trụ vững trong những thời điểm căng thẳng cao độ nhờ cách xử sự trầm tĩnh của cô; và một chuyên gia truyền thông thực tế và thông thạo chính trị tên Stephanie Cutter. Stephanie cùng làm việc với Katie và Melissa để giúp tôi gọt giũa thông điệp và cả cách thuyết trình, xây dựng bài diễn văn quan trọng mà tôi sẽ trình bày vào mùa hè năm ấy tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ. Cuối cùng chúng tôi cũng được quyền sử dụng máy bay riêng của chiến dịch, chuyện này giúp tôi di chuyển hiệu quả hơn. Giờ đây tôi đã có thể trả lời phỏng vấn ngay trên máy bay, trang điểm và chỉnh trang đầu tóc khi đang trên đường tham gia sự kiện, hay mang Sasha và Malia theo cùng mà không phải tốn thêm chi phí.
Tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Vì tất cả mọi thứ. Và tôi thật sự tin rằng điều này đã giúp tôi cười nhiều hơn và bớt đề phòng.
Khi chúng tôi lên kế hoạch cho sự xuất hiện của tôi trước công chúng, Stephanie tư vấn cho tôi cách phát huy ưu thế của bản thân và ghi nhớ những điều mình thích nói đến nhất - tình yêu dành cho chồng và các con, mối liên hệ giữa tôi và những người mẹ đang có công ăn việc làm và lòng tự hào về gốc gác Chicago của mình. Cô nhận ra tôi thích nói đùa và bảo tôi đừng kiềm chế khiếu hài hước của mình. Nói cách khác, tôi cứ là chính mình. Không lâu sau khi các cuộc bầu cử sơ bộ kết thúc, tôi nhận lời mời làm một trong những người dẫn chương trình The View, dành một giờ đồng hồ vui vẻ trò chuyện hăng say với Whoopi Goldberg, Barbara Walters và những người dẫn chương trình khác trước sự tham gia trực tiếp của khán giả. Chúng tôi nói về những cuộc tấn công chống lại tôi, nhưng cũng vừa cười vừa kể về hai cô con gái và những va vấp đầu tiên, cùng với sự khó chịu khi phải mang vớ da. Tôi cảm thấy thoải mái hơn và thật sự làm chủ tiếng nói của mình tốt hơn. Chương trình được phát sóng và nhìn chung là nhận được những phản hồi tích cực. Hôm đó tôi đã mặc một bộ đầm trắng đen giá chỉ có một trăm bốn mươi tám đô-la, và sau đó chị em đã đổ xô tìm mua bộ đầm đó.
Tôi đang tạo ra sức ảnh hưởng, đồng thời cảm thấy thoải mái hơn về bản thân, ngày càng cởi mở và lạc quan hơn. Tôi cũng cố gắng học hỏi từ những người Mỹ mà tôi gặp gỡ trên khắp đất nước, tổ chức những buổi thảo luận xoay quanh sự cân bằng giữa gia đình và công việc, đề tài yêu thích của tôi. Với tôi, những bài học ý nghĩa nhất là khi tôi đến thăm các cộng đồng quân nhân và gặp gỡ vợ hoặc chồng của những người lính.
“Hãy kể tôi nghe về cuộc sống của các bạn”, tôi thường đề nghị với họ như vậy. Sau đó tôi lắng nghe câu chuyện của họ, những phụ nữ đang ôm con trong lòng, một số vẫn còn rất trẻ. Một số người mô tả cảnh phải chuyển từ doanh trại này sang doanh trại khác tận tám lần hoặc hơn trong nhiều năm, và mỗi lần như vậy họ đều phải ổn định lại sinh hoạt của các con, chẳng hạn như sắp xếp cho con học tiếp lớp học nhạc hay chương trình phổ cập. Họ cũng nói về những khó khăn khi phải duy trì con đường sự nghiệp trong suốt những lần di chuyển đó. Chẳng hạn như một giáo viên không thể tìm được việc vì tiểu bang cô vừa chuyển đến không công nhận chứng chỉ sư phạm của cô ở tiểu bang trước đó; thợ làm móng và những nhà vật lý trị liệu cũng gặp vấn đề tương tự về giấy phép hành nghề. Nhiều bậc cha mẹ trẻ gặp khó khăn khi tìm nơi giữ trẻ với chi phí vừa phải. Và dĩ nhiên, tất cả họ đều có gánh nặng về mặt cảm xúc lẫn vật chất khi có một người thân yêu bị điều động đi công tác xa nhà suốt mười hai tháng hoặc lâu hơn tại những nơi như Kabul hay Mosul, hoặc trên một chiếc hàng không mẫu hạm trên Biển Đông. Gặp gỡ những người vợ, người chồng như thế giúp tôi hiểu rõ hơn về những nỗi đau của mình. Sự hy sinh của họ lớn hơn sự hy sinh của tôi rất nhiều. Tôi tham gia những lần gặp gỡ đó, chăm chú lắng nghe và đôi khi ngỡ ngàng vì mình biết quá ít về đời sống quân ngũ. Tôi thầm hứa rằng nếu Barack may mắn được bầu làm tổng thống, tôi sẽ tìm cách hỗ trợ cho các gia đình này tốt hơn.
Tất cả những điều này đã tiếp thêm năng lượng cho tôi để giúp tạo cú hích cuối cùng cho Barack và Joe Biden, vị thượng nghị sĩ thân thiện đến từ Delaware và trong tương lai không xa sẽ được chọn là ứng viên liên danh tranh cử chức phó tổng thống. Khi được vây quanh bởi những người luôn ủng hộ tôi, tôi lại cảm thấy có can đảm để nghe theo bản năng của mình. Tại các sự kiện trước công chúng, tôi tập trung vào việc tạo ra mối liên kết cá nhân với những người mình đang gặp gỡ trong những nhóm nhỏ và những đám đông hàng ngàn người, cũng như tại các cuộc trò chuyện ở hậu trường và bên những hàng rào dây phiền toái. Khi cử tri trực tiếp gặp tôi, họ hiểu ra những lời châm biếm trước đó không hề đúng. Tôi nhận ra càng hiểu nhau thì chúng ta càng khó ghét nhau hơn.
Tôi tiếp tục dành mùa hè năm 2008 để làm việc hăng hái hơn và nỗ lực hơn, tin rằng mình có thể tạo ra sự khác biệt tích cực cho Barack. Khi đại hội đến gần, lần đầu tiên tôi cộng tác với người chuyên viết diễn văn, đó là Sarah Hurwitz, một phụ nữ trẻ tài năng giúp tôi gói gọn những ý tưởng của mình vào một bài diễn văn chỉ kéo dài mười bảy phút. Sau nhiều tuần chuẩn bị chu đáo, tôi bước lên sân khấu tại Trung tâm Pepsi ở thành phố Denver vào cuối tháng Tám, đứng trước đám đông khoảng hai mươi ngàn người và thêm hàng triệu khán giả truyền hình nữa, sẵn sàng nói cho cả thế giới được rõ tôi thật sự là ai.
Đêm đó, anh Craig là người giới thiệu tôi ra sân khấu. Mẹ tôi ngồi ở hàng ghế đầu của khu khách VIP, có vẻ hơi choáng váng trước sân khấu to lớn của cuộc đời chúng tôi hiện tại. Tôi nói về cha - về sự khiêm nhường, sự kiên cường của ông và cách mà các đức tính ấy đã định hình hai anh em chúng tôi. Tôi cố gắng mang đến cho người Mỹ cái nhìn chân thật và gần gũi nhất về Barack và trái tim cao quý của anh. Khi tôi hoàn thành bài diễn văn, những tràng pháo tay vang lên không ngớt và tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm, sự nhẹ nhõm vì biết rằng có lẽ cuối cùng thì tôi đã làm được điều gì đó để thay đổi cách người ta nhận định về mình.
Chắc chắn đó là một thời khắc trọng đại - hoành tráng, công khai và đến nay vẫn có thể dễ dàng được tìm thấy trên YouTube. Nhưng sự thật là cũng vì những lý do đó nên thời điểm ấy cũng trở nên nhỏ bé một cách lạ kỳ. Quan điểm của tôi bắt đầu đảo lộn, như một chiếc áo đang được lộn ngược ra ngoài. Sân khấu, khán giả, đèn đuốc và những tràng vỗ tay - tất cả đều trở nên bình thường hơn tôi từng tưởng tượng. Giờ đây tôi sống vì những khoảnh khắc ở giữa những lần xuất hiện trước công chúng, những khoảnh khắc không cần diễn tập, không cần ghi hình, không có ai đang diễn hay săm soi đánh giá và những bất ngờ thật sự vẫn có thể xảy ra - khi mà thỉnh thoảng tôi có thể cảm nhận được chiếc then cài cửa bé xíu trong trái tim mình đang mở ra.
Về vấn đề này, chúng ta cần phải quay trở lại ngày Quốc khánh ở Butte, Montana. Lúc ấy đã cuối ngày, mặt trời mùa hạ dần buông xuống đằng sau những ngọn núi phía tây, tiếng pháo hoa bắt đầu vang lên từ xa. Chúng tôi qua đêm tại khách sạn Holiday Inn Express nằm cạnh đường cao tốc liên bang. Ngày mai Barack sẽ đi Missouri, còn ba mẹ con chúng tôi sẽ về nhà ở Chicago. Cả bốn chúng tôi đều mệt lử. Chúng tôi đã xem cuộc diễu hành và tham gia buổi dã ngoại. Chúng tôi đã hòa mình vào những cư dân của thị trấn Butte. Và giờ đây, cuối cùng chúng tôi cũng sắp sửa có một buổi sum vầy nhỏ dành riêng cho Malia.
Khi đó nếu bạn hỏi thì tôi sẽ nói rằng phải đến phút chót chúng tôi mới nghĩ đến chuyện tổ chức sinh nhật cho Malia - ý tưởng đó chợt bật ra giữa lúc chúng tôi đang đầu tắt mặt tối với chiến dịch vận động. Chúng tôi tập trung trong phòng hội nghị có trần thấp và gắn đèn huỳnh quang ở tầng hầm khách sạn, cùng với Konrad, Maya, Suhaila và một vài nhân viên chiến dịch thân với Malia, và dĩ nhiên là có cả các mật vụ. Chúng tôi có bong bóng, một chiếc bánh kem được mua từ cửa hàng tạp hóa, mười cây đèn cầy và một hộp kem. Có vài món quà được mua và gói vội bởi ai đó khác chứ chẳng phải tôi. Không khí buổi tiệc không đến mức ảm đạm nhưng cũng chẳng giống tiệc tùng. Đơn giản vì hôm đó là một ngày quá mệt mỏi. Barack và tôi buồn bã nhìn nhau, chúng tôi biết mình đã làm hỏng bữa tiệc sinh nhật của con.
Nhưng cuối cùng, cũng như mọi chuyện khác trên đời, vấn đề nằm ở quan điểm, ở cách chúng ta nhìn nhận những gì đang diễn ra trước mắt mình. Barack và tôi chỉ tập trung vào những lỗi lầm và khiếm khuyết của bản thân, nhìn thấy chúng trong căn phòng thiếu sáng và bữa tiệc chắp vá đó. Nhưng Malia thì trông đợi một điều khác, và con bé đã nhìn thấy điều đó. Con bé thấy những gương mặt hiền lành, những người yêu thương mình, một cái bánh phủ đầy kem, bên cạnh là em gái và em họ, và phía trước là một tuổi mới. Con bé đã được hưởng một ngày ngoài trời. Con bé đã được xem diễu hành. Còn ngày mai sẽ là một chuyến bay.
Malia chạy ào đến chỗ Barack đang ngồi, lao vào lòng anh ấy và nói, “Đây là sinh nhật vui nhất luôn đó ạ”.
Cô bé con của chúng tôi không để ý rằng cả cha và mẹ của mình đã rơm rớm nước mắt, hay một nửa số người trong phòng giờ đây cũng đang nghẹn ngào. Bởi vì con bé nói đúng. Và tất cả chúng tôi chợt bừng tỉnh. Đó là ngày Malia tròn mười tuổi, và mọi thứ đang rất tuyệt vời.
(1) Nat Turner (1800-1831): một nô lệ người Mỹ gốc Phi từng khơi mào cuộc nổi loạn chống lại người da trắng và giải phóng nô lệ da đen ở các đồn điền thuộc Hạt Souththampton, Virginia, nước Mỹ vào năm 1831. Cuộc nổi loạn đã khiến 60 người da trắng và khoảng 120 người da đen thiệt mạng, trong đó có nhiều người không hề tham gia sự kiện.