GẦN NHƯ TỪ GIÂY PHÚT TÔI ĐỒNG Ý để anh ra tranh cử, Barack bỗng trở thành một cái bóng vụt đến vụt đi, một phiên bản nhạt nhòa của người đàn ông mà tôi quen biết - một người bỗng nhiên buộc phải có mặt ở mọi nơi cùng lúc, được thúc đẩy phải nỗ lực hơn nữa và bị ràng buộc bởi sức mạnh của nỗ lực đó. Còn chưa đến một năm nữa là cuộc tranh cử sơ bộ bắt đầu, với địa điểm đầu tiên là Iowa. Barack phải nhanh chóng thuê người, lôi kéo những mạnh thường quân có thể chi ra những khoản tiền khổng lồ, và nghĩ ra cách giới thiệu về khả năng tranh cử của bản thân sao cho vang dội nhất có thể. Mục tiêu là để thu hút sự chú ý của cử tri và duy trì điều đó cho đến ngày bầu cử. Những nước đi đầu tiên này sẽ quyết định sự thành bại của các chiến dịch.
Toàn bộ hoạt động tranh cử sẽ được giám sát bởi hai con người vô cùng tận tụy tên David - David Axelrod và David Plouffe. Axe, như mọi người thường gọi, có giọng nói nhẹ nhàng, phong cách lịch lãm và hàng ria mép được tỉa tót kỹ lưỡng. Anh từng là phóng viên của tờ Chicago Tribune trước khi chuyển sang tư vấn chính trị, và anh đảm nhiệm phần thông điệp cũng như truyền thông cho Barack. Plouffe, người đàn ông ba mươi chín tuổi có nụ cười trẻ thơ và tình yêu sâu đậm với các con số và chiến lược, sẽ quản lý chung cho cả chiến dịch. Đội ngũ của Barack nhanh chóng lớn mạnh khi những người giàu kinh nghiệm được tuyển vào để quản lý vấn đề tài chính và triển khai kế hoạch cho các sự kiện.
Ai đó đã khuyên Barack chính thức công bố việc tranh cử của mình ở Springfield. Mọi người nhất trí rằng đó sẽ là sự sắp đặt phù hợp cho một chiến dịch tranh cử mà chúng tôi hy vọng sẽ hoàn toàn khác biệt với những gì trước đó - một chiến dịch diễn ra từ thấp lên cao, chủ yếu tác động đến những người mới tiếp cận chính trị. Đây là nền tảng hy vọng của Barack. Những năm tháng làm người tổ chức hoạt động cộng đồng đã cho anh biết nhiều người cảm thấy không được lắng nghe và bị tước quyền bầu cử ngay trong chính nền dân chủ của nước Mỹ. Project VOTE! đã giúp anh nhìn thấy điều gì có thể xảy ra nếu những con người đó được trao cho sức mạnh để tham gia bỏ phiếu. Cuộc chạy đua trở thành tổng thống Mỹ sẽ là bài kiểm tra lớn nhất cho ý nghĩ đó. Liệu thông điệp của anh có tác dụng trên quy mô lớn hơn hay không? Liệu còn có đủ người giúp sức hay không? Barack biết mình là một ứng cử viên khác thường. Anh ấy muốn tổ chức một chiến dịch khác thường.
Kế hoạch là Barack tuyên bố tranh cử ngay trên bậc thềm của Tòa nhà Quốc hội cũ của tiểu bang, một di tích lịch sử, nơi hiển nhiên sẽ bắt mắt hơn nhiều so với bất kỳ trung tâm hội nghị hay vũ đài nào khác. Nhưng như thế cũng đồng nghĩa với việc anh phải ở ngoài trời, tại Illinois, vào giữa tháng Hai, khi nhiệt độ không khí thường dưới 0. Theo tôi thì quyết định này có mục đích tốt nhưng nhìn chung là không thực tế, và nó chẳng giúp tôi thêm tin tưởng vào đội ngũ tổ chức tranh cử, những người hiện đang ít nhiều chi phối cuộc sống của chúng tôi. Tôi không hài lòng với ý tưởng này khi hình dung cảnh hai đứa con gái và tôi cố gắng mỉm cười trong tuyết giăng hay gió rét căm, còn Barack thì cố tỏ ra háo hức thay vì lạnh cóng. Tôi nghĩ về những người quyết định ở trong nhà ngày hôm đó thay vì đứng ngoài trời, giữa cái lạnh giá rét suốt nhiều giờ. Tôi là dân miền Midwest, tôi biết thời tiết có thể làm hỏng bét mọi thứ. Tôi cũng biết rằng Barack không thể sẩy chân từ quá sớm.
Khoảng trước đó một tháng, Hillary Clinton đã tự tin tuyên bố tranh cử chức tổng thống. John Edwards, ứng viên North Carolina, người đồng tranh cử với John Kerry trong mùa bầu cử 2004, đã bắt đầu chiến dịch vận động từ trước đó một tháng và công bố điều đó trước một ngôi nhà đã bị bão Katrina đánh sập ở New Orleans. Tổng cộng có chín đảng viên Đảng Dân chủ tham gia cuộc chơi. Sàn đấu sẽ đông đúc và cạnh tranh khốc liệt.
Đội ngũ của Barack đang đánh cược khi tổ chức buổi công bố tranh cử ngoài trời, nhưng tôi không có lý do để nghi ngờ. Tôi đã kiên quyết yêu cầu đội cố vấn chí ít phải trang bị một máy sưởi trên bục diễn giả của Barack để anh không tỏ ra quá khó chịu trên bản tin quốc gia. Ngoài điều đó thì tôi không có ý kiến gì nữa. Tôi không còn quyền kiểm soát nữa. Các cuộc mít-tinh đang được lên kế hoạch, chiến lược đã được vạch ra, tình nguyện viên được quy tụ. Chiến dịch đang diễn ra, và không còn đường lui nữa.
Trong một hành động có lẽ là vô thức thuộc về bản năng tự vệ, sự tập trung của tôi hướng vào điều gì đó mà tôi có thể kiểm soát, ví dụ như tìm nón trùm đầu tạm gọi là ổn cho Malia và Sasha khi hai đứa tham dự buổi công bố. Tôi đã nhớ mua quần áo mùa đông mới cho chúng, nhưng lại quên bẵng mấy chiếc nón cho đến khi gần như quá muộn.
Khi ngày công bố đến gần, tôi bắt đầu có những chuyến mua sắm sau-giờ-làm tại các cửa hàng ở Water Tower Place, lướt qua từng đống quần áo mùa đông đang vơi, săn tìm những gian thanh lý trong vô vọng. Ban đầu tôi còn bận tâm chuyện làm sao để bảo đảm Malia và Sasha trông giống con gái của tổng thống tương lai, nhưng chẳng bao lâu sau đó tôi chỉ tập trung vào chuyện làm sao để hai đứa trông tươm tất như những đứa trẻ có mẹ quan tâm chăm sóc. Cuối cùng, vào lần mua sắm thứ ba, tôi đã tìm thấy hai chiếc nón len màu trắng cho Malia và hồng cho Sasha, cả hai đều có kích cỡ nhỏ dành cho nữ và vừa khít trên đầu Malia nhưng lại hơi rộng nên cứ sụp xuống gương mặt bé nhỏ của Sasha-năm-tuổi. Hai chiếc nón đó không phải thời trang cao cấp, nhưng trông cũng đủ xinh xắn, và quan trọng hơn là chúng giữ cho hai đứa ấm áp bất kể mùa đông Illinois có ra sao. Đó là một thắng lợi nhỏ, nhưng vẫn là thắng lợi, và nó thuộc về tôi.
NGÀY CÔNG BỐ TRANH CỬ - ngày 10 tháng Hai năm 2007 - là một buổi sáng trời trong xanh, là kiểu ngày thứ Bảy sáng sủa vào giữa mùa đông, đẹp trời nhưng không mấy dễ chịu. Nhiệt độ vào khoảng mười một độ âm và có những cơn gió nhẹ rét buốt thổi qua. Gia đình chúng tôi đã đến Springfield trước đó một ngày, ở trong một căn phòng suite(1) có ba phòng sang trọng tại một khách sạn ở trung tâm, ở một tầng mà ban tổ chức chiến dịch đã thuê đứt để làm chỗ nghỉ ngơi cho khoảng hơn hai chục gia đình và bạn bè của chúng tôi từ Chicago đến tham gia.
Chưa gì chúng tôi đã bắt đầu trải nghiệm sức ép của một chiến dịch tầm cỡ quốc gia. Tuyên bố của Barack vô tình diễn ra cùng ngày với sự kiện State of the Black Union, một diễn đàn thường niên do nhân vật nổi tiếng trên kênh phát thanh công cộng Tavis Smiley tổ chức, và rõ ràng là ông ấy tức giận vì chuyện này. Ông thể hiện sự bất mãn của mình với nhân viên tổ chức chiến dịch, cho rằng hành động này là sự kém tôn trọng cộng đồng người Mỹ gốc Phi và làm tổn hại khả năng tranh cử tổng thống của Barack. Tôi ngạc nhiên khi những phát súng đầu tiên nã vào chúng tôi lại đến từ chính cộng đồng người da đen.
Sau đó, chỉ một ngày trước buổi công bố, tạp chí Rolling Stone đăng một bài viết về Barack, trong đó có thuật lại việc phóng viên đã đặt chân tới nhà thờ Trinity ở Chicago, nơi hai chúng tôi vẫn còn là thành viên giáo xứ, dù sau khi sinh hai con thì hoạt động của chúng tôi tại đó đã giảm đáng kể. Bài viết trích dẫn một bài giảng đầy căm phẫn và dễ gây kích động của mục sư Jeremiah Wright nhiều năm trước về cách người da đen bị đối xử trên nước Mỹ, có ý cho rằng người Mỹ quan tâm đến việc duy trì sự thượng đẳng của người da trắng hơn là quan tâm đến Thiên Chúa. Mặc dù tổng thể thì nội dung bài viết vẫn tích cực, nhưng tôi biết dòng tít chạy trên trang bìa, “Cội nguồn cực đoan của Barack Obama”, sẽ nhanh chóng được giới truyền thông bảo thủ sử dụng như một loại vũ khí. Đó là một thảm họa tiềm tàng, nhất là ngay đêm trước khi công bố chiến dịch, và đặc biệt là khi theo kế hoạch thì mục sư Wright sẽ chủ trì nghi thức thỉnh Chúa trời cầu nguyện ban phước cho buổi công bố của Barack. Barack buộc phải thực hiện một cuộc trò chuyện đầy khó khăn qua điện thoại với vị mục sư, hỏi xem ông có sẵn lòng lui khỏi tâm điểm và thay vào đó là ban phước riêng cho chúng tôi ở hậu trường hay không. Barack nói mục sư Wright bị tổn thương, nhưng dường như ông cũng hiểu tình hình, khiến chúng tôi tin rằng ông vẫn sẽ ủng hộ chúng tôi mà không oán trách gì.
Sáng hôm đó, tôi chợt nhận ra rằng chúng tôi đã đến thời điểm không thể vãn hồi. Giờ đây chúng tôi đang đưa gia đình mình trình diện toàn dân nước Mỹ. Theo dự định thì hôm đó là ngày đồng loạt khởi động chiến dịch tranh cử, thời điểm mà mọi người đã chuẩn bị suốt nhiều tuần liền. Và như mọi nhà tổ chức khác, tôi không sao giũ bỏ nỗi sợ rằng khi đến giờ bắt đầu thì chẳng ai xuất hiện. Không như Barack, tôi là người ưa hoài nghi. Tôi vẫn còn những nỗi lo lắng đeo bám mình từ bé. Nếu chúng tôi không đủ giỏi thì sao? Biết đâu mọi điều mà người ta nói với chúng tôi đều là sự phóng đại. Biết đâu Barack không nổi tiếng như các nhân viên của anh nghĩ. Biết đâu bây giờ chưa phải là thời điểm của anh. Tôi cố gắng gạt hết những nghi ngờ của mình sang một bên khi chúng tôi từ cửa hông tiến vào khu vực khán đài bên trong tòa nhà quốc hội cũ và vẫn chưa nhìn thấy những gì đang diễn ra bên ngoài. Để nhận báo cáo nhanh từ nhân viên chiến dịch, tôi giao Sasha và Malia cho mẹ và bà Kaye Wilson - “Má Kaye” - cựu cố vấn của Barack đồng thời đang đảm nhận vai trò người đỡ đầu đối với hai cô con gái của chúng tôi.
Tôi được báo là đám đông trông khá ổn. Người ta bắt đầu tề tựu từ trước bình minh. Kế hoạch là Barack bước ra trước, rồi tôi và hai con bước ra chỉ ít lâu sau đó để cùng đứng với anh trên bục, bước lên vài nấc thang trước khi xoay người và vẫy tay chào đám đông. Tôi đã nói rõ rằng chúng tôi sẽ không ở trên sân khấu suốt hai mươi phút của bài diễn thuyết. Đòi hỏi hai đứa trẻ ngồi yên và giả vờ hứng thú với những gì cha chúng đang nói trong suốt thời gian đó là một điều quá sức với chúng. Nếu chúng có vẻ buồn chán, nếu một trong hai đứa hắt hơi hay bắt đầu tỏ ra sốt ruột, điều đó sẽ chẳng giúp gì cho Barack. Tôi cũng vậy. Tôi biết hình tượng mà tôi cần phải nhập vai, hình tượng người vợ hiền xinh đẹp luôn nở nụ cười như tạc, say sưa nhìn chồng mình như thể uống từng lời vàng ý ngọc của anh ấy. Đó không phải và sẽ không bao giờ là tôi. Tôi có thể ủng hộ anh ấy, nhưng tôi không thể là một rô-bốt.
Sau khi được báo cáo tình hình và nhanh chóng cầu nguyện với mục sư Wright, Barack bước ra chào khán giả. Sự xuất hiện của anh được chào đón bằng một tiếng ồ lên vang dội mà tôi có thể nghe thấy từ bên trong tòa nhà quốc hội. Tôi quay vào để tìm Sasha và Malia, bắt đầu cảm thấy thật sự lo lắng. “Hai con đã sẵn sàng chưa?”, tôi hỏi.
“Mẹ ơi, con nóng quá”, Sasha nói và cởi chiếc nón hồng xuống.
“Con yêu, con phải đội nón. Ngoài kia lạnh lắm.” Tôi cầm lấy nón và đội lại cho con.
“Nhưng mình chưa có ra ngoài, mình ở trong mà mẹ”, con bé đáp.
Đó là Sasha, đứa con gái có khuôn mặt bầu bĩnh và chuyên nói sự thật của chúng tôi. Tôi không thể cãi với logic của con. Thay vào đó, tôi liếc nhìn và cố gắng truyền thông điệp cho một nữ nhân viên trẻ tuổi gần đó, người chắc hẳn là chưa có con: nếu không bắt đầu sự kiện ngay bây giờ thì chúng ta sẽ không thể quản được hai đứa trẻ này nữa.
Thật may, cô ấy gật đầu và ra hiệu cho chúng tôi tiến đến lối đi. Đã tới lúc rồi.
Đến thời điểm này, tôi đã tham gia khá nhiều sự kiện chính trị của Barack và nhiều lần chứng kiến anh tương tác với những đám đông cử tri. Tôi đã có mặt ở các buổi khởi động chiến dịch, sự kiện gây quỹ và các bữa tiệc đêm bầu cử. Tôi đã thấy những đám đông khán giả mà trong đó có những người bạn cũ và người ủng hộ thâm niên. Nhưng Springfield hoàn toàn khác.
Ngay khi chúng tôi bước lên sân khấu thì tôi không còn bình tĩnh nữa. Tôi dành mọi sự tập trung vào Sasha, bảo đảm con bé vẫn mỉm cười và không vấp té trên đôi chân đang mang ủng. “Ngẩng đầu lên nào con yêu”, tôi nói và nắm tay bé. “Cười nào!”, Malia đã nhanh hơn chúng tôi, con bé ngẩng cao đầu và nở nụ cười rộng đến mang tai khi thấy cha và vẫy tay chào. Mãi đến khi chúng tôi bước lên bậc thềm thì tôi mới có thể nhìn vào đám đông, hay ít nhất là đã cố gắng nhìn vào đám đông. Sự phấn khích ở đó là không thể tưởng tượng nổi. Hóa ra ngày hôm đó có hơn mười lăm ngàn người đã đến. Từ vị trí trung tâm của tôi nhìn ra, đám đông trải thành một khung cảnh ba-trăm-độ, tràn ra khỏi khuôn viên tòa nhà quốc hội và bao lấy chúng tôi bằng sự nhiệt tình của họ.
Tôi không phải là người sẽ dành ngày thứ Bảy cho một cuộc vận động chính trị. Tôi chưa bao giờ hiểu được sức hấp dẫn của việc đứng tại khu vực thể dục thể thao công cộng hay trong khán phòng của trường trung học để nghe những lời hứa hẹn dài dòng và hoa mỹ. Tôi tự hỏi tại sao tất cả những người này lại có mặt ở đây. Tại sao họ chấp nhận mang thêm một lớp vớ giữ ấm và đứng hàng giờ trong cái lạnh? Tôi có thể hình dung người ta chen chúc để chờ nghe ban nhạc yêu thích của mình trình diễn, ban nhạc có những bài hát mà họ đã thuộc nằm lòng, tôi cũng có thể hình dung người ta chịu đựng tuyết giá để xem một trận Super Bowl mà đội họ yêu thích từ thời thơ ấu sẽ tham gia thi đấu. Nhưng chính trị thì sao? Chính trị hoàn toàn không giống với bất kỳ điều gì tôi đã trải nghiệm trước đó.
Tôi dần hiểu ra chúng tôi chính là “ban nhạc”. Chúng tôi là một đội sắp ra sân. Bỗng nhiên tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn bao giờ hết. Chúng tôi nợ từng con người trong đám đông này một điều gì đó. Chúng tôi đang yêu cầu họ đặt niềm tin vào chúng tôi, và giờ đây chúng tôi phải hoàn thành nghĩa vụ mà họ trao cho, đó là mang nhiệt huyết đó bên mình trong hai mươi tháng, đi qua năm mươi tiểu bang và vào thẳng Nhà Trắng. Tôi đã không tin mấy chuyện đó là khả thi, nhưng có lẽ bây giờ thì tôi tin. Tôi nhận ra đây là sự hồi đáp của tinh thần dân chủ, một giao ước giữa con người với nhau. Anh xuất hiện vì chúng tôi, và chúng tôi sẽ hiện diện vì anh. Tôi đã có thêm mười lăm ngàn lý do để muốn Barack chiến thắng.
Giờ đây thì tôi đã toàn tâm toàn ý. Cả gia đình của chúng tôi đã toàn tâm toàn ý, mặc dù chuyện này hơi đáng sợ. Tôi vẫn chưa thể tưởng tượng chuyện gì đang chờ phía trước.
HILLARY CLINTON là một đối thủ đáng gờm. Sau nhiều lượt thăm dò, bà vẫn giữ vị trí dẫn đầu tuyệt đối trong số các cử tri vòng bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ, trong khi Barack thấp hơn từ mười tới hai mươi điểm, và Edwards thì sau Barack vài điểm. Cử tri Đảng Dân chủ biết gia đình Clinton, và họ đang khát khao một chiến thắng. Trong khi đó, có rất ít người có thể phát âm đúng tên chồng tôi. Từ rất lâu trước buổi công bố, tất cả chúng tôi - Barack, tôi và đội ngũ tổ chức chiến dịch - đã hiểu rằng mặc dù anh rất có tài làm chính trị, nhưng trong tư cách một người đàn ông da đen tên Barack Hussein Obama, anh có rất ít khả năng thành công.
Đó cũng là một rào cản mà chúng tôi gặp phải trong cộng đồng người da đen. Tương tự cảm nhận ban đầu của tôi về việc Barack ứng cử, nhiều người da đen không thể tin rằng chồng tôi thật sự có cơ may chiến thắng. Nhiều người vẫn còn chưa tin một người da đen có thể giành chiến thắng trong các lĩnh vực có người da trắng áp đảo, như vậy nghĩa là họ sẽ chọn một phương án an toàn hơn, phương án tốt thứ nhì. Một thử thách của Barack là làm sao lôi kéo những cử tri da đen đã có thời gian dài ủng hộ Bill Clinton, vị ứng viên từng thể hiện thái độ hòa nhã khác thường với cộng đồng người Mỹ gốc Phi và gặt hái được nhiều mối quan hệ tốt đẹp với họ. Barack đã ra sức khẳng định thiện chí của anh với đủ các thành phần cử tri khắp Illinois, trong đó bao gồm những nông dân da trắng ở phía nam tiểu bang. Anh đã chứng minh mình có thể tiếp xúc với mọi thành phần cử tri, nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu điều này.
Sự săm soi dành cho Barack trở nên gắt gao hơn, người ta luôn nhìn anh dưới lăng kính khuếch đại. Chúng tôi biết là trong tư cách một ứng viên da đen, anh ấy không thể có bất cứ va vấp nào. Anh ấy buộc phải nỗ lực gấp đôi trong mọi việc. Với Barack, và với mọi ứng viên không có họ Clinton, hy vọng duy nhất để được đề cử là quyên góp thật nhiều tiền và nhanh chóng tiêu số tiền đó với hy vọng những biểu hiện tốt ở cuộc bầu cử sơ bộ có thể tạo đà đủ mạnh để vượt mặt cỗ máy nhà Clinton.
Chúng tôi đặt hy vọng vào Iowa. Chúng tôi phải chiến thắng ở khu vực đó, hoặc phải dừng bước. Là vùng nông thôn có hơn 90% dân số là người da trắng, đây là một tiểu bang kỳ lạ với vai trò địa bàn chính trị then chốt và có lẽ không phải là nơi thích hợp nhất cho một gã da đen ở Chicago tìm cách khẳng định bản thân, nhưng thực tế là chúng tôi phải đặt hy vọng vào nơi này. Iowa luôn là địa điểm đầu tiên trong các vòng bầu cử tổng thống sơ bộ từ năm 1972. Thành viên của cả hai đảng đều bỏ phiếu từ các cuộc họp cấp khu vực - còn gọi là các cuộc họp kín - giữa mùa đông, và cả đất nước đều chú ý. Nếu bạn được để ý ở Des Moines và Dubuque, bạn cũng có thể làm nên chuyện ở Orlando và L.A. Chúng tôi cũng biết nếu chúng tôi thể hiện tốt ở Iowa thì điều đó sẽ gửi thông điệp đến cử tri da đen trên toàn quốc rằng họ hoàn toàn có thể bắt đầu tin tưởng. Việc Barack là thượng nghị sĩ tại tiểu bang Illinois láng giềng giúp người ta phần nào nhận ra tên anh và giúp anh quen thuộc với những vấn đề rộng hơn của khu vực này, và điều này khiến David Plouffe tin rằng chí ít chúng tôi cũng có một lợi thế nhỏ tại Iowa - và chúng tôi sẽ tìm cách tận dụng lợi thế này.
Chuyện này đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải đi Iowa gần như mỗi tuần, đón chuyến bay sớm của United Airlines ở sân bay O’Hare, thực hiện khoảng ba, bốn chặng vận động trong một ngày. Tôi đã nói trước với Plouffe là tôi sẵn lòng tham gia chiến dịch, với điều kiện là họ phải cho tôi về lại Chicago đúng giờ để đưa con gái tôi lên giường ngủ. Mẹ tôi đã đồng ý rút ngắn giờ làm việc để có thể đến chăm sóc bọn trẻ khi tôi không có ở nhà. Barack cũng sẽ phải trú lại nhiều giờ đồng hồ ở Iowa; tuy vậy, chúng tôi hiếm khi xuất hiện ở đó - hay bất cứ đâu - cùng với nhau. Giờ đây tôi là một đại diện cho ứng viên tổng thống, một người đại diện có thể gặp gỡ cử tri ở các trung tâm cộng đồng ở Iowa trong khi Barack vận động tranh cử ở Cedar Falls hay quyên góp tiền ở New York. Chỉ khi thật sự quan trọng thì nhân viên chiến dịch mới để cho hai chúng tôi đi cùng nhau.
Giờ đây Barack luôn có một đoàn trợ lý theo cùng trên đường đi tranh cử, và tôi được cấp quỹ để thuê riêng cho mình hai nhân viên - có vẻ là quá nhiều so với ý định chỉ dành hai hoặc ba ngày một tuần để tham gia chiến dịch của tôi. Tôi không biết mình nên được hỗ trợ những gì. Melissa Winter, người đầu tiên tôi thuê và về sau đã trở thành trưởng nhóm, được nhân viên lập lịch trình của Barack giới thiệu. Cô làm việc tại văn phòng Thượng nghị sĩ Joe Lieberman ở trụ sở Quốc hội và đã tham gia vào chiến dịch ứng cử phó tổng thống năm 2000 của ông. Melissa đã gần bốn mươi, có mái tóc vàng và đeo kính. Tôi đã phỏng vấn cô trong phòng khách nhà chúng tôi ở Chicago và rất ấn tượng trước trí tuệ và sự chăm chút chi tiết đến mức ám ảnh của cô, những điều mà tôi biết sẽ rất quan trọng khi tôi tìm cách đưa hoạt động tranh cử vào lịch trình vốn đã bận rộn của mình tại bệnh viện. Cô ấy sắc sảo, làm việc hiệu quả và nhanh nhẹn. Cô cũng đã tiếp xúc với chính trường đủ lâu để không cảm thấy mệt với cường độ và tốc độ của nó. Melissa trẻ hơn tôi chỉ vài tuổi, và so với những nhân viên trẻ tuổi hơn mà tôi đã gặp trong chiến dịch, cô ấy cho tôi cảm giác như một người cùng trang lứa và một đồng minh. Cô trở thành một người tôi có thể phó thác gần như mọi mặt trong cuộc sống của mình - và cho đến giờ vẫn thế.
Katie McCormick Lelyveld là thành viên cuối cùng trong bộ ba của chúng tôi khi gia nhập nhóm với vai trò giám đốc truyền thông. Cô chưa đến ba mươi tuổi nhưng đã từng tham gia một chiến dịch tranh cử tổng thống và từng làm cho Hillary Clinton khi bà là đệ nhất phu nhân, điều này khiến kinh nghiệm của cô vô cùng phù hợp với vị trí mới. Thông minh, can đảm và luôn biết cách ăn mặc, Katie chịu trách nhiệm giao tế với phóng viên và đội ngũ truyền hình, bảo đảm sự kiện của chúng tôi được ghi hình đầy đủ. Và nhờ chiếc cặp da có đầy đủ đồ tẩy trang, kẹo cao su hương bạc hà, bộ kim chỉ và một đôi vớ nylon dự phòng mà cô luôn mang theo, cô giúp tôi không gặp phải cảnh lộn xộn hay bối rối mỗi khi đi thẳng từ sân bay đến các sự kiện khác nhau.
TRONG NHIỀU NĂM tôi đã đọc các bản tin nói về các ứng viên tổng thống đổ về tranh cử ở Iowa, nơi mà họ vụng về chen vào những bàn ăn đầy những người dân giản dị đang dùng cà phê ở những quán ăn bình dân ven đường, tạo dáng ngớ ngẩn trước một con bò được tạc từ bơ có kích thước như thật hoặc ăn các món đồ chiên xiên que ở hội chợ bang. Nhưng tôi không biết điều gì thật sự có ý nghĩa với cử tri và điều gì chỉ là sự cố ý gây ấn tượng.
Cố vấn của Barack đã cố gắng lý giải sự kỳ lạ của Iowa cho tôi nghe, giải thích rằng sứ mệnh của tôi chủ yếu là dành thời gian với đảng viên Đảng Dân chủ ở mọi ngõ ngách của tiểu bang, tiếp cận những nhóm nhỏ, xốc lại tinh thần của các tình nguyện viên và tìm cách thuyết phục những nhà lãnh đạo cộng đồng. Họ nói rằng người dân Iowa rất coi trọng vai trò đầu tàu chính trị của mình. Họ tìm hiểu các ứng viên và đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về chính sách. Vì đã quá quen với sự lôi kéo suốt hàng tháng trời của các ứng viên nên họ cũng không dễ dàng bị chinh phục chỉ bằng một nụ cười và một cái bắt tay. Tôi được kể rằng một số cử tri nơi đây sẽ kiên trì suốt nhiều tháng với mong muốn có thể trò chuyện trực tiếp với từng ứng viên trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng. Điều mà người ta không nói với tôi là thông điệp mà tôi nên áp dụng ở Iowa là gì. Tôi không được trao kịch bản, không được tư vấn về trọng điểm, cũng không nhận được lời khuyên nào. Tôi nghĩ đơn giản là mình phải tự làm những chuyện đó.
Chiến dịch cá nhân đầu tiên của tôi diễn ra vào đầu tháng Tư, bên trong một ngôi nhà khiêm tốn ở Des Moines. Có khoảng vài chục người tập hợp trong phòng khách, một số ngồi trên trường kỷ và những chiếc ghế xếp mà người ta mang đến để dùng cho buổi gặp gỡ này, còn số khác thì ngồi xếp bằng trên sàn. Lẽ ra tôi không nên ngạc nhiên với những gì mình thấy khi nhìn lướt qua căn phòng, nhưng tôi đã ngạc nhiên, ít ra là một chút. Trên những chiếc bàn nhỏ đặt cạnh trường kỷ là những tấm khăn trải bàn màu trắng được móc thủ công, loại mà bà ngoại Shields của tôi từng dùng ở nhà bà. Tôi thấy những bức tượng bằng sứ trông y hệt những bức tượng mà bà Robbie giữ trên những chiếc kệ ở nhà dưới trong căn nhà trên Đại lộ Euclid và không cho chúng tôi đụng vào. Một người đàn ông ở hàng ghế đầu đang nở nụ cười ấm áp với tôi. Tôi đang ở Iowa nhưng có cảm giác như ở nhà. Tôi nhận ra người Iowa cũng giống như người nhà Shield và nhà Robinson. Họ không chịu được lũ ngốc nghếch. Họ không tin những kẻ kiểu cách sáo rỗng. Họ có thể đánh hơi được một kẻ tầm phào từ rất xa.
Tôi nhận ra rằng việc của mình chỉ là chính mình, là nói như tôi vẫn nói. Và thế là tôi nói.
“Hãy để tôi kể về mình. Tôi là Michelle Obama, tôi lớn lên ở vùng South Side Chicago, trong một căn hộ nhỏ ở tầng trên của một ngôi nhà hai tầng, nơi mang lại cảm giác rất giống với ngôi nhà này. Cha tôi là một người vận hành hệ thống ống bơm nước cho thành phố. Mẹ tôi ở nhà nuôi dạy anh trai và tôi.”
Tôi nói đủ thứ - về anh tôi và những giá trị mà hai chúng tôi được nuôi dạy, về vị luật sư ngôi sao mà tôi đã gặp ở công ty, người đã chiếm lấy trái tim tôi bằng sự điềm tĩnh và tầm nhìn của anh về thế giới, người thường xuyên vứt vớ của mình lung tung trong nhà và đôi khi còn ngáy trong lúc ngủ. Tôi kể về cách tôi đang duy trì công việc của mình tại bệnh viện, về việc hôm nay khi tôi đang đứng đây thì mẹ tôi đã phải giúp tôi đi đón hai cô con gái ở trường về.
Tôi không dùng lời hoa mỹ để che đậy cảm xúc của mình về chính trị. Tôi nói rằng chính trường không có chỗ cho người tốt, tôi cho họ biết mâu thuẫn giữa tôi với Barack quanh chuyện anh ấy có nên tranh cử hay không, về nỗi lo lắng không biết sự chú ý của công chúng sẽ ảnh hưởng đến gia đình tôi thế nào. Nhưng tôi đang đứng trước mặt họ vì tôi tin chồng mình và tin những gì anh ấy có thể thực hiện. Tôi biết anh ấy đọc nhiều đến mức nào và suy nghĩ sâu sắc ra sao. Tôi nói rằng anh ấy chính là vị tổng thống thông minh, tử tế mà tôi sẽ chọn cho đất nước này, kể cả khi tôi thà ích kỷ giữ anh ấy ở gần gia đình hơn suốt những năm qua.
Nhiều tuần trôi qua, tôi vẫn kể lại cùng một câu chuyện - ở Davenport, Cedar Rapids, Council Bluffs; ở Sioux City, Marshalltown, Muscatine - trong các hiệu sách, trụ sở các nghiệp đoàn công nhân, nhà của cựu chiến binh cao tuổi, và khi thời tiết ấm áp hơn thì tôi nói dưới những mái hiên và trong các công viên. Càng kể câu chuyện của mình nhiều hơn thì giọng tôi càng rõ ràng hơn. Tôi yêu thích câu chuyện của mình. Tôi thoải mái khi kể câu chuyện đó cho mọi người nghe. Và tôi đang kể câu chuyện đó cho những người mà cho dù có sự khác biệt về màu da thì họ vẫn khiến tôi nhớ về gia đình - đó là những bưu tá có những ước mơ to lớn như ông nội Dandy từng có; những giáo viên dạy dương cầm có ý thức cộng đồng như bà Robbie; những người mẹ chọn ở nhà nhưng vẫn tích cực hoạt động trong Hội phụ huynh học sinh và giáo viên như mẹ tôi; những công nhân cổ cồn xanh sẵn lòng làm bất cứ điều gì cho gia đình, hệt như cha tôi. Tôi không cần tập dượt hoặc ghi ra giấy. Tôi chỉ cần nói ra những điều trong thâm tâm mình.
Suốt chặng đường này, giới phóng viên và thậm chí một số người quen bắt đầu hỏi tôi những câu hỏi có chung một nội dung: tôi có cảm giác gì khi là một người phụ nữ da đen cao một mét tám, tốt nghiệp Ivy League và đứng nói chuyện trong căn phòng đầy những người Iowa da trắng? Cảm giác đó lạ thế nào?
Tôi chưa bao giờ thích câu hỏi này. Dường như câu hỏi đó luôn kèm theo một nụ cười mỉm chi giả tạo theo kiểu xin-đừng-hiểu-sai mà người ta thường dùng khi nói về vấn đề chủng tộc. Tôi cảm thấy cách suy nghĩ đó hạ thấp tất cả chúng ta, bởi nó cho thấy người ta chỉ nhìn vào sự khác nhau giữa người này và người kia.
Tôi nổi giận chủ yếu vì câu hỏi đó quá đối lập với những gì tôi đang trải nghiệm, và dường như cũng trái với những gì mà những người tôi gặp đang trải nghiệm - chẳng hạn như người đàn ông mặc áo có logo hạt mầm trên túi áo trước ngực, cậu sinh viên đại học mặc chiếc áo len chui đầu có hai màu đen và vàng, hay như bà cụ đã về hưu đang cầm một hộp kem có bánh quy phủ một lớp đường có hình logo mặt trời mọc của chúng tôi. Những con người này tìm đến tôi sau những buổi nói chuyện, có vẻ háo hức muốn chia sẻ những điểm chung giữa chúng tôi - rằng cha của họ cũng sống với chứng đa xơ cứng, hay họ cũng có những người ông người bà giống ông bà tôi. Nhiều người nói rằng trước đây họ chưa từng tham gia chính trị, nhưng chiến dịch của chúng tôi có điều gì đó mà họ cảm thấy xứng đáng. Họ nói họ đang dự định trở thành tình nguyện viên ở văn phòng địa phương, và họ cũng sẽ cố gắng thuyết phục vợ chồng mình hoặc một người hàng xóm nào đó đến tham gia.
Đó là những tương tác hết sức tự nhiên và chân thành. Tôi ôm lấy họ theo bản năng và được họ ôm lại, thật chặt.
CŨNG VÀO KHOẢNG THỜI GIAN NÀY, tôi đưa Malia đi khám sức khỏe, một việc mà chúng tôi thực hiện mỗi ba hay sáu tháng một lần để theo dõi bệnh suyễn mà con bé đã mắc từ khi còn bé. Bệnh suyễn đã trong vòng kiểm soát, nhưng bác sĩ cảnh báo về một vấn đề khác - chỉ số khối cơ thể của Malia - một cách đo sức khỏe tính bằng tỷ lệ giữa chiều cao, cân nặng và số tuổi - đang bắt đầu cao lên. Ông nói không có gì nghiêm trọng nhưng đây là một dấu hiệu cần được quan sát kỹ. Nếu chúng tôi không thay đổi một số thói quen thì dần dần nó có thể trở thành vấn đề, làm tăng nguy cơ cao huyết áp và đái tháo đường loại 2. Nhìn vẻ bàng hoàng trên khuôn mặt tôi, ông cam đoan với tôi bệnh này phổ biến và có thể chữa khỏi. Tỷ lệ trẻ béo phì đang tăng cao trên khắp nước Mỹ. Trong quá trình hành nghề ông ấy đã thấy nhiều trường hợp như vậy, chủ yếu là những người Mỹ gốc Phi thuộc tầng lớp lao động.
Tin này đến với tôi như một viên đá ném vào cửa kính. Tôi đã rất nỗ lực để bảo đảm con gái tôi hạnh phúc và khỏe mạnh. Tôi đã sai ở đâu? Tôi đã làm mẹ như thế nào mà không chú ý đến sự thay đổi ở con mình?
Khi nói chuyện nhiều hơn với bác sĩ, tôi bắt đầu nhìn ra thói quen sinh hoạt của gia đình mình. Vì Barack thường không ở nhà, sự tiện lợi đã trở thành yếu tố quan trọng nhất trong các lựa chọn của tôi ở nhà. Chúng tôi ăn ở ngoài nhiều hơn. Khi có ít thời gian nấu nướng, tôi thường chọn mua những món làm sẵn trên đường về nhà. Buổi sáng, tôi chuẩn bị hộp cơm trưa cho các con với các gói Lunchables và hộp nước ép trái cây Capri Suns. Vào cuối tuần, chúng tôi thường đến cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s sau giờ học ba-lê và trước giờ học bóng đá. Bác sĩ nói nhìn chung thì tất cả những chuyện này đều không có gì bất thường, thậm chí là không có gì xấu. Tuy nhiên, nếu lặp đi lặp lại quá nhiều thì chúng sẽ trở thành vấn đề thật sự.
Rõ ràng chúng tôi cần thay đổi, nhưng tôi không biết làm thế nào để thay đổi. Mọi giải pháp dường như chỉ đòi hỏi nhiều thời gian hơn - thời gian mua sắm, thời gian làm bếp, thời gian xắt rau hay chế biến ức gà - tất cả những chuyện này đều gần như là bất khả thi trong cuộc sống của tôi lúc này.
Sau đó, tôi nhớ lại một cuộc trò chuyện vào vài tuần trước với một người bạn cũ mà tôi tình cờ gặp trên máy bay, khi đó cô ấy đề cập đến việc vợ chồng cô đã thuê một thanh niên tên Sam Kass để nấu những bữa ăn có lợi cho sức khỏe ngay tại nhà. Thật tình cờ, hóa ra Barack và tôi đã gặp Sam nhiều năm trước thông qua một nhóm bạn thân khác.
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thuê ai đó để chuẩn bị bữa ăn cho gia đình mình. Chuyện đó cho tôi cảm giác có chút giống như khoe mẽ, giống với kiểu hành vi mà những họ hàng của tôi ở South Side liếc nhìn ngờ vực. Barack, người chạy chiếc Datsun có lỗ thủng trên sàn, cũng không mặn mà lắm với ý tưởng này; nó dường như không phù hợp với sự giản dị cố hữu của một nhà tổ chức sự kiện cộng đồng, lẫn hình ảnh mà anh ấy muốn thể hiện trong vai trò ứng viên tổng thống. Nhưng với tôi, dường như đó là lựa chọn tỉnh táo duy nhất. Phải chấp nhận hy sinh. Không ai khác có thể điều hành các chương trình của tôi ở bệnh viện. Không ai khác có thể vận động tranh cử như vợ Barack Obama. Không ai khác có thể thay thế vị trí của người mẹ cho Malia và Sasha khi chúng ngủ. Nhưng có lẽ Sam Kass có thể nấu nướng cho chúng tôi.
Tôi thuê Sam đến nhà vài lần một tuần, yêu cầu cậu chuẩn bị một món mà tối đó chúng tôi sẽ dùng và một món khác tôi có thể để trong tủ lạnh và hâm lại vào tối hôm sau. Cậu ấy có hơi khác biệt trong nhà chúng tôi - một chàng trai hai mươi sáu tuổi da trắng, đầu cạo nhẵn bóng và thường xuất hiện vào lúc xế chiều với bộ râu lún phún. Bọn trẻ rất yêu thích những trò đùa cũng như tài nấu nướng của cậu. Cậu chỉ chúng cách xắt cà rốt và trụng rau, giúp gia đình chúng tôi tránh xa sức hút của các cửa hàng thực phẩm tiện lợi để ăn uống theo quy tắc mùa nào thức nấy. Cậu có thể rất coi trọng mùa đậu tươi đầu xuân hay thời điểm dâu tây chín mọng vào tháng Sáu. Cậu ấy chờ đến khi đào đã căng tròn để mang cho bọn trẻ thưởng thức vì biết rằng khi ấy đào có thể ngon không kém kẹo ngọt. Sam cũng có kiến thức bài bản về thức ăn và sức khỏe, chẳng hạn cách nền công nghiệp thực phẩm đã quảng bá thức ăn chế biến đến các gia đình nhân danh sự tiện lợi như thế nào, và việc này đang gieo rắc những hậu quả nghiêm trọng ra sao đến sức khỏe cộng đồng. Tôi ngạc nhiên khi nhận ra điều đó cũng liên quan đến những gì mình đã chứng kiến khi làm ở bệnh viện, và với những thỏa hiệp mà tôi tự chọn với tư cách một người mẹ đang tìm cách chăm lo bữa ăn cho gia đình mình.
Một buổi tối nọ, Sam và tôi nói chuyện suốt vài giờ trong bếp, cùng bàn xem nếu Barack đắc cử vị trí tổng thống, thì tôi có thể sử dụng vai trò Đệ nhất Phu nhân như thế nào để giải quyết một số các vấn đề nói trên. Ý tưởng này sinh ra ý tưởng khác. Nếu chúng tôi trồng rau ngay tại Nhà Trắng và lên tiếng khuyến khích sử dụng thức ăn tươi thì sao? Nếu lúc đó chúng tôi sử dụng điều này làm nền cho một thứ gì đó to lớn hơn thì sao, ví dụ như một sáng kiến về sức khỏe cho trẻ em nhằm giúp các bậc cha mẹ tránh được những sai lầm mà tôi đã phạm phải?
Chúng tôi nói đến khi trời tối. Khi cả hai đã bắt đầu mệt, tôi nhìn Sam và thở dài, “Vấn đề duy nhất là anh chàng của chúng ta đang bị dẫn trước hơn ba mươi điểm. Anh ấy sẽ không thắng nổi”.
Đó là một giấc mơ, nhưng tôi thích giấc mơ đó.
TRONG CHIẾN DỊCH VẬN ĐỘNG TRANH CỬ, mỗi một ngày là một cuộc đua khác nhau. Tôi vẫn đang tìm cách thu xếp để có được chút gì đó bình thường và ổn định trong cuộc sống, không phải chỉ cho hai đứa con mà còn cho tôi nữa. Tôi mang theo hai chiếc điện thoại BlackBerry - một cho công việc, một cho đời sống cá nhân và các bổn phận chính trị, mà giờ đây, theo cách này hay cách khác, đã gắn chặt vào nhau. Những cuộc gọi hằng ngày của Barack dường như ngắn lại và chỉ cập nhật tin tức - Em đang ở đâu? Mọi chuyện thế nào? Hai đứa nhỏ sao rồi? - chúng tôi giờ đây có vẻ đã quen với việc không nói về sự mệt mỏi hay về những nhu cầu cá nhân. Chuyện đó không cần thiết, vì dù sao thì chúng tôi cũng không thể quan tâm đến chúng được. Cuộc sống giờ đây chỉ xoay quanh kim đồng hồ.
Trong công việc, tôi nỗ lực hết sức để duy trì sự ổn định, đôi khi tôi sẽ liên hệ với nhân viên của mình ở bệnh viện để kiểm tra tình hình khi đang ngồi trên băng ghế sau của chiếc Toyota Corolla thuộc về một sinh viên khoa nhân học kiêm tình nguyện viên của cuộc vận động tranh cử ở Iowa, hay từ một góc yên tĩnh của nhà hàng Burger King ở Plymouth, New Hampshire. Được sự ủng hộ của đồng nghiệp, nhiều tháng sau khi Barack công bố tranh cử ở Springfield, tôi quyết định quay trở lại làm việc bán thời gian vì biết đó là cách duy nhất có thể duy trì mọi thứ. Vì thường xuyên đồng hành với nhau khoảng hai hoặc ba ngày một tuần, Melissa, Katie và tôi đã trở thành một gia đình làm việc hiệu quả, gặp nhau ở sân bay vào buổi sáng và tất bật đi qua cổng an ninh, nơi mọi nhân viên bảo vệ đều đã biết tên tôi. Giờ đây tôi thường được nhận ra hơn, chủ yếu bởi những phụ nữ người Mỹ gốc Phi - họ sẽ lên tiếng gọi, “Michelle! Michelle!”, khi tôi đi ngang qua họ để ra cổng.
Có điều gì đó đang thay đổi, nhưng nó diễn ra chậm đến mức rất khó nhận ra. Đôi khi tôi cảm thấy như mình đang trôi trong một vũ trụ lạ kỳ khi vẫy tay với những người hoàn toàn xa lạ nhưng lại tỏ ra như thể quen biết tôi hoặc khi bước lên những chiếc máy bay mang tôi ra khỏi cuộc sống bình thường của mình. Tôi bắt đầu được mọi người biết tới. Và tôi được biết tới với tư cách là vợ của một người có tiếng, và với tư cách là một người tham gia vào chính trị, một chuyện khiến mọi sự càng thêm kỳ lạ.
Tôi nhận ra việc chào hỏi những dòng người ủng hộ trong các sự kiện đã trở nên giống với việc cố gắng đứng thẳng giữa cơn bão, khi những người lạ mặt đầy thiện ý và nhiệt tình với tay ra để bắt lấy tay tôi và vuốt tóc tôi, rồi những người tìm cách chìa bút ghi âm, máy quay và đẩy cả con cái của họ vào tôi để chụp hình mà không hề báo trước. Tôi cười, bắt tay và lắng nghe các câu chuyện, trong lúc vẫn cố bước tiếp. Cuối cùng, tôi, với son môi người khác trên má và dấu tay trên áo choàng, vẫn đi tiếp, xộc xệch như thể vừa băng qua một đường hầm lộng gió.
Tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ về chuyện này, nhưng tôi thầm lo rằng khi người ta càng lúc càng biết đến tôi trong vai trò vợ của Barack thì những phần khác trong tôi đang dần biến mất. Khi tôi nói chuyện với phóng viên, họ ít khi hỏi về công việc của tôi. Họ chèn dòng “tốt nghiệp Harvard” vào mô tả dành cho tôi, nhưng thường chỉ dừng ở đó. Một vài tờ báo đã cho đăng các câu chuyện xoay quanh nghi vấn rằng tôi được thăng chức ở bệnh viện chẳng phải do năng lực mà do vị thế chính trị ngày càng lên cao của chồng tôi - một điều đã khiến tôi đau lòng biết bao khi đọc được. Vào một ngày tháng Tư, Melissa gọi cho tôi để nói về một bài xã luận cạnh khóe do Maureen Dowd của tờ New York Times viết. Trong bài báo, cô gọi tôi là “công chúa vùng Nam Chicago”, cho rằng tôi đang khiến hình ảnh Barack xấu đi khi nói trước công chúng rằng anh ấy không chịu cất lọ bơ vào tủ lạnh sau khi đã ăn xong hoặc không tự nhặt vớ của mình. Với tôi, việc người khác nhìn nhận Barack như một con người bình thường chứ chẳng phải đấng cứu thế là cực kỳ quan trọng. Maureen Dowd hẳn đã hài lòng hơn nếu tôi trưng ra nụ cười như tạc và cái nhìn ngưỡng mộ đối với chồng mình. Tôi thấy thật kỳ lạ và buồn bã khi một bài phê bình nặng nề như thế lại đến từ một phụ nữ khác, người cũng đang đi làm, người thậm chí chẳng buồn tìm hiểu tôi nhưng lại cố nhào nắn câu chuyện của tôi một cách cay độc.
Tôi cố gắng không để những thứ ấy làm phiền lòng, nhưng đôi khi chuyện đó rất khó.
Với mọi sự kiện của chiến dịch, mỗi bài báo đăng, mọi dấu hiệu cho thấy chúng tôi có thể đang giành thêm sự ủng hộ, chúng tôi lại bị dòm ngó nhiều hơn một chút và dễ bị tấn công hơn một chút. Những tin đồn điên khùng rộ lên về Barack. Người ta đồn anh ấy từng theo học một trường Hồi giáo cực đoan và tuyên thệ vào Thượng viện trên một quyển kinh Koran. Người ta đồn anh đã từ chối lặp lại Lời tuyên thệ Trung thành. Người ta còn đồn anh ấy không đặt tay lên tim khi nghe quốc ca, và rằng anh có một người bạn đã từng là khủng bố trong nước từ những năm 1970. Những lời bịa đặt này thường xuyên được những nguồn tin có uy tín phản bác, nhưng vẫn lan truyền trong các chuỗi email nặc danh, không chỉ bởi những kẻ theo thuyết âm mưu chui nhủi dưới tầng hầm, mà còn bởi những ông chú, đồng nghiệp và những vị hàng xóm không thể phân biệt đâu là sự thật đâu là chuyện hư cấu trên mạng.
Barack có thể gặp bất trắc là chuyện mà tôi thậm chí còn không muốn nghĩ tới, huống hồ là thảo luận. Rất nhiều người trong chúng tôi lớn lên giữa những bản tin buổi tối nói về các vụ ám sát. Anh em nhà Kennedy bị ám sát. Mục sư Martin Luther King Jr. bị ám sát. Ronald Reagan bị ám sát. John Lennon bị ám sát. Nếu thu hút quá nhiều dư luận, bạn sẽ tạo ra một rủi ro nhất định. Barack lại là người da đen. Rủi ro đối với anh chẳng có gì xa lạ. “Anh ấy có thể bị bắn khi đi đổ xăng”, đôi khi tôi nói như vậy để nhắc nhở mọi người khi họ bàn về đề tài này.
Bắt đầu từ tháng Năm, Barack đã được mật vụ bảo vệ. Anh là ứng viên tổng thống được bảo vệ sớm nhất từ trước đến nay, tận một năm rưỡi trước khi anh trở thành tổng thống đắc cử, điều này có thể nói lên đôi chút về bản chất và sự nghiêm trọng của những mối đe dọa nhắm tới anh ấy. Giờ đây Barack đi lại trong những chiếc SUV đen bóng do chính phủ cấp và được hộ tống bằng một nhóm cận vệ có vũ trang, mặc com-lê và đeo tai nghe. Ở nhà thì có một đặc vụ đứng gác tại cổng trước.
Về phần mình, tôi hiếm khi cảm thấy bất an. Khi tiếp tục đi khắp nơi để nói chuyện, tôi càng thu hút những đám đông ngày một lớn hơn. Nếu trước kia mỗi lần tôi chỉ gặp gỡ khoảng hai mươi người trong những bữa tiệc bình thường được tổ chức trong nhà, thì nay tôi phải nói chuyện với hàng trăm người trong nhà vận động của trường trung học. Đội ngũ ở Iowa báo cáo rằng những bài nói chuyện của tôi có khuynh hướng gặt hái được rất nhiều sự ủng hộ (được đo bằng những “thẻ ủng hộ” có chữ ký mà nhân viên chiến dịch đã cẩn trọng thu lại và liên tục cập nhật). Đến một thời điểm nọ, chiến dịch bắt đầu nhắc đến tôi như “người dễ gần” vì cách mà tôi khiến người ta nhận định về mình.
Mỗi ngày tôi lại có một bài học mới về cách đi đứng hợp lý hơn, cách để không bị bệnh tật hay bất cứ sự lộn xộn nào cản trở. Sau khi bị phục vụ một vài món ăn “có vấn đề” ở các quán ăn bắt mắt ven đường, tôi học được cách trân trọng món bánh mì kẹp nhạt nhẽo của cửa hàng McDonald’s. Trong những chuyến đi dằn xóc từ thị trấn này đến thị trấn khác, tôi học cách bảo vệ quần áo của mình không bị vấy bẩn bằng cách chọn những món ăn có thể bẻ vụn ra thay vì thức ăn dạng lỏng, vì tôi biết mình không nên để ai đó chụp hình khi có một vệt đồ ăn dính trên váy. Tôi tập hạn chế uống nước vì hiểu rằng trên đường đi sẽ ít có thời gian để tấp xe vào giải quyết nhu cầu cá nhân. Tôi học cách ngủ trong tiếng ồn của những chiếc xe tải đường dài lăn bánh trên xa lộ Iowa sau nửa đêm và (như đã từng xảy ra tại một khách sạn có tường đặc biệt mỏng) cách phớt lờ một cặp đôi đang hạnh phúc tận hưởng đêm tân hôn ở phòng kế bên.
Dẫu cho trải qua nhiều thăng trầm, nhưng năm đầu tiên của chiến dịch tranh cử đong đầy những kỷ niệm ấm áp và những tràng cười sảng khoái. Tôi thường mang Sasha và Malia cùng đi với mình nếu có thể. Chúng là những lữ khách vui vẻ và dai sức. Trong một ngày bận rộn ở một hội chợ ngoài trời tại New Hampshire, tôi phải đi phát biểu và bắt tay với các cử tri và để cho một nhân viên chiến dịch dẫn hai đứa trẻ đi khám phá các quầy hàng và các trò chơi trước khi chúng tôi tụ họp lại để chụp ảnh cho tạp chí. Khoảng một giờ đồng hồ sau, tôi hết hồn khi nhìn thấy Sasha. Hai gò má, mũi và trán của con bé bị che phủ hoàn toàn bởi lớp sơn hóa trang màu đen và trắng. Con bé được hóa thành một chú gấu trúc và cực kỳ thích thú với chuyện đó. Tôi nghĩ ngay đến đội ngũ của tạp chí đang chờ chúng tôi, về cuộc hẹn chụp ảnh mà giờ đây chúng tôi phải hoãn lại. Nhưng rồi tôi nhìn lại khuôn mặt gấu trúc bé bỏng của Sasha và thở phào. Con gái tôi trông rất đáng yêu và đang vui vẻ. Tất cả những gì tôi có thể làm là cười to và tìm nhà vệ sinh gần nhất để xóa lớp sơn đi.
Cứ thế, hết lần này đến lần khác, cả gia đình bốn người chúng tôi đi cùng nhau. Nhóm chiến dịch thuê một chiếc RV vài ngày ở Iowa để chúng tôi có thể đi vận động tranh cử ở các thị trấn nhỏ, thỉnh thoảng chen vào vài ván Uno giữa mỗi chặng dừng. Chúng tôi dành một buổi chiều ở hội chợ tiểu bang Iowa, chơi xe điện đụng và bắn súng nước để thắng được thú nhồi bông, trong lúc đó các tay thợ chụp hình đưa máy vào cuộc, chĩa thẳng ống kính vào mặt chúng tôi. Cuộc vui đích thực chỉ bắt đầu khi Barack phải đến điểm dừng chân kế tiếp của anh, để lại tôi với bọn trẻ không bị bủa vây bởi cơn bão phóng viên báo chí, nhân viên an ninh và nhân viên chiến dịch, những người đã đi theo anh ấy và đi tới đâu cũng khiến mọi thứ chộn rộn lên đến đó. Khi anh ấy đã rời đi, chúng tôi tự mình khám phá những trò còn lại, tận hưởng luồng gió vút qua khi chúng tôi trùm bao bố và lao xuống chiếc cầu trượt khổng lồ màu vàng.
Tuần này sang tuần khác, tôi trở lại Iowa, ngắm mùa đông trôi qua khung cửa sổ máy bay, khi mặt đất bắt đầu chầm chậm xanh trở lại, khi những cây đậu nành và bắp mọc thành những đường thẳng đều tăm tắp. Tôi thích những cánh đồng được tạo hình ngay ngắn đó, thích những dãy màu sắc rực rỡ mà hóa ra là những nhà kho, những xa lộ nông thôn bằng phẳng chạy thẳng đến đường chân trời. Tôi đã yêu mến tiểu bang này, mặc dù sau tất cả những nỗ lực bỏ ra, có vẻ chúng tôi sẽ không chiến thắng ở đó.
Gần cả năm nay, Barack và nhóm chiến dịch đã đổ rất nhiều công sức và nguồn lực vào Iowa, nhưng theo hầu hết các kết quả bình chọn, anh ấy vẫn đang đứng thứ hai hoặc thứ ba, sau Hillary và John Edwards. Cuộc đua có vẻ sát sao, nhưng Barack đang mất ưu thế. Trên phạm vi cả nước, bức tranh còn tệ hơn: Barack vẫn đều đặn theo sau Hillary với khoảng cách mười lăm hay hai mươi điểm - một thực tế mà tôi luôn phải đối mặt mỗi khi đi qua màn hình tin tức trong sân bay hay tại các nhà hàng mà chiến dịch chọn làm điểm dừng chân.
Nhiều tháng trước, tôi đã quá chán nản với những bình luận tào lao không dứt của các chuyên gia trên đài CNN, MSNBC và Fox News đến mức vào những đêm ở nhà, tôi đã cho các đài đó vào danh sách đen vĩnh viễn, thay vào đó, tôi đều đặn xem các chương trình của kênh giải trí E! và kênh thiết kế nội thất HGTV. Để tôi nói cho các bạn biết, sau một ngày bận rộn thì chẳng có gì giúp ta thoải mái hơn việc xem một đôi vợ chồng trẻ tìm được ngôi nhà mơ ước của mình ở Nashville, hay một cô dâu tương lai hài lòng với chiếc áo cưới vừa chọn.
Thành thật mà nói, tôi không tin vào những bình luận viên kia, và tôi cũng không chắc về kết quả thăm dò nữa. Tự đáy lòng, tôi tin chắc rằng họ sai. Không khí mà họ mô tả trong các phim trường thị thành sạch boong chẳng phải là không khí mà tôi đã bắt gặp ở các sảnh nhà thờ và trung tâm cộng đồng ở Iowa. Những chuyên gia đó không hề gặp các đội tình nguyện viên trung học “Barack Stars” tham gia vào chiến dịch sau khi chơi bóng hay tập kịch. Họ không hề nắm tay với một cụ bà da trắng đang tưởng tượng ra một tương lai tốt đẹp hơn cho những đứa cháu lai của mình. Họ cũng không nhận ra một gã khổng lồ lớn như thổi, đó là tổ chức thực địa của chúng tôi. Chúng tôi đang trong quá trình xây dựng một mạng lưới tham gia chiến dịch khổng lồ trong cộng đồng - có tổng cộng hai trăm nhân viên tại ba mươi bảy văn phòng - mạng lưới lớn nhất trong lịch sử bầu cử sơ bộ của Iowa.
Giới trẻ ủng hộ chúng tôi. Tổ chức của chúng tôi được truyền sức mạnh từ lý tưởng và năng lượng của những bạn trẻ hai mươi hai đến hai mươi lăm tuổi, những người tạm gác mọi thứ và tự lái xe tới Iowa để tham gia chiến dịch, những người mang trong mình một mã gien giống với mã gien đã thôi thúc Barack đón nhận công việc tổ chức sự kiện cộng đồng ở Chicago năm xưa. Họ có một tinh thần và kỹ năng mà các bảng xếp hạng chẳng hề tính tới. Tôi cảm nhận được điều đó mỗi lần đến thăm họ - một làn sóng hy vọng trào dâng từ việc tiếp xúc với những con người thật sự tin tưởng chúng tôi, những người đã bỏ ra bốn hay năm giờ mỗi tối để gõ từng cánh cửa và kêu gọi cử tri, xây dựng mạng lưới những người ủng hộ ở cả những thị trấn nhỏ nhất và bảo thủ nhất, đồng thời thuộc nằm lòng quan điểm phức tạp của chồng tôi về trang trại chăn nuôi heo khép kín hay kế hoạch cải thiện hệ thống nhập cư.
Đối với tôi, người thanh niên đang điều hành các văn phòng thực địa của chúng tôi chính là đại diện cho lời hứa của thế hệ lãnh đạo kế tiếp. Họ không ủ ê, và giờ họ còn được trui rèn và đoàn kết. Họ đang kết nối cử tri với nền dân chủ một cách trực tiếp hơn, bất kể là qua một văn phòng thực địa trên phố hay một website mà qua đó họ có thể tổ chức các cuộc họp và vận động cử tri qua điện thoại. Như Barack thường nói, những gì chúng tôi đang làm không phải chỉ dành cho một cuộc bầu cử đơn lẻ. Chúng tôi đang góp phần vào một nền chính trị tốt đẹp hơn trong tương lai - nền chính trị ít bị tiền chi phối hơn, dễ tiếp cận hơn và giàu hy vọng hơn. Cho dù sau cùng chúng tôi không chiến thắng đi nữa thì chúng tôi cũng đang tạo ra những tiến bộ quan trọng. Theo cách này hay cách khác, công sức của những tình nguyện viên trẻ tuổi đó đều đáng giá.
KHI THỜI TIẾT bắt đầu trở lạnh, Barack biết là về cơ bản anh chỉ còn một cơ may cuối cùng để thay đổi cuộc đua ở Iowa, và đó là thể hiện thật ấn tượng ở bữa tối Jefferson-Jackson, một nghi thức mà Đảng Dân chủ tổ chức hàng năm ở mọi tiểu bang. Ở Iowa, trong lần bầu cử tổng thống, bữa tối được tổ chức vào đầu tháng Mười Một, khoảng tám tuần trước kỳ bỏ phiếu sơ bộ vào tháng Một, và được truyền thông cả nước đưa tin. Nguyên tắc cơ bản là mọi ứng viên sẽ có một bài phát biểu - mà không có ghi chép hay máy nhắc chữ - đồng thời cố gắng mang đến càng nhiều người ủng hộ càng tốt. Về bản chất, đó là một cuộc vận động khổng lồ và cực kỳ cạnh tranh.
Suốt nhiều tháng, các bình luận viên của các kênh truyền hình cáp nghi ngờ việc người dân Iowa sẽ đứng lên ủng hộ Barack vào thời điểm bỏ phiếu sơ bộ, ám chỉ rằng dẫu là một ứng viên khác thường và năng động thì anh vẫn không tài nào chuyển sự nhiệt tình đó thành phiếu bầu được. Đám đông ở bữa tối Jefferson-Jackson là câu trả lời của chúng tôi dành cho họ. Khoảng ba ngàn người ủng hộ chúng tôi đã đến từ khắp nơi trong tiểu bang, điều đó chứng tỏ cho mọi người thấy chúng tôi vừa có tổ chức vừa tích cực, và hiển nhiên là mạnh mẽ hơn bất cứ những gì họ từng nghĩ.
Trên sân khấu đêm đó, John Edwards chĩa mũi nhọn vào Clinton, ngầm công kích về tầm quan trọng của sự thành thật và đáng tin cậy. Joe Biden cười toe toét và đón nhận sự ấn tượng và ồn ào của đám đông cử tri ủng hộ Obama bằng một câu chào mỉa mai, “Xin chào, Chicago!”. Hillary, lúc đó đang cầm cự với một cơn cảm lạnh, cũng tận dụng cơ hội này để tấn công vào lời kêu gọi thay đổi của Barack. Bà nói, “‘Thay đổi’ chỉ là một lời nói suông nếu như ta không có sức mạnh và kinh nghiệm để biến nó thành hiện thực”.
Barack là người cuối cùng phát biểu đêm hôm đó, anh bảo vệ thông điệp cốt lõi của mình bằng một bài nói chuyện làm phấn chấn lòng người - anh nói nước Mỹ đang ở thời khắc quyết định, thời cơ để vượt qua không chỉ nỗi sợ và những thất bại của chính quyền Bush, mà còn vượt qua sự phân cực chính trị bấy lâu, đương nhiên bao gồm cả trong chính quyền Clinton trước đây. “Tôi không muốn dành một năm hay bốn năm sau để lại đấu cuộc chiến mà chúng ta đã có từ thập niên 1990”, anh nói. “Tôi không muốn đẩy người Mỹ áo đỏ đối đầu với người Mỹ áo xanh, tôi muốn trở thành tổng thống của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.”
Khán phòng dậy sóng. Tôi quan sát từ dưới sân khấu trong niềm tự hào vô bờ.
“Hỡi nước Mỹ, thời khắc của chúng ta là lúc này”, Barack nói. “Thời khắc của chúng ta là ngay bây giờ.”
Sự thể hiện của anh đêm hôm đó trao cho chiến dịch chính xác những gì nó cần, đưa anh lên dẫn đầu cuộc đua. Anh đã dẫn đầu trong khoảng một nửa các cuộc thăm dò ở Iowa và bắt đầu lấy đà khi các cuộc bầu kín sắp diễn ra.
Những ngày sau Giáng sinh, khi chỉ còn khoảng một tuần cho chiến dịch tranh cử Iowa, dường như một nửa South Side đã di chuyển đến Des Moines lạnh căm. Mẹ tôi và Má Kaye xuất hiện. Anh trai tôi và Kelly đến cùng với các cháu của tôi. Sam Kass cũng ở đó. Chị Valerie, người vừa mới tham gia chiến dịch hồi chớm thu trong vai trò cố vấn của Barack, cũng có mặt, cùng với Susan và hội chị em bạn gái của tôi cùng chồng con của họ. Tôi xúc động khi những đồng nghiệp tại bệnh viện cũng đến, rồi những người bạn chung của chúng tôi từ Sidley & Austin, những giáo sư luật đã từng dạy chung với Barack. Và, tuân thủ chủ trương tận dụng từng khoảnh khắc của chiến dịch, tất cả họ đều cam kết góp phần tạo ra cú hích cuối cùng, họ hội ý tại một văn phòng thực địa, sau đó gõ cửa từng nhà trong thời tiết không độ, tán dương Barack và nhắc nhở mọi người đi bỏ phiếu. Chiến dịch càng được củng cố thêm bởi hàng trăm người khác cũng đến Iowa từ khắp nơi trên đất nước vào tuần cuối cùng, họ trú tại những phòng ngủ còn trống của những người ủng hộ, mỗi ngày họ đều đi thẳng đến những thị trấn nhỏ nhất và băng qua những con đường xa xôi hẻo lánh nhất.
Bản thân tôi hiếm khi xuất hiện ở Des Moines, vì quá trình thực hiện năm hay sáu sự kiện một ngày buộc tôi phải qua lại khắp tiểu bang, di chuyển trên một chiếc xe tải thuê cùng Melissa và Katie, do một đội ngũ những tình nguyện viên xoay tua đánh lái. Barack cũng vậy, và giọng nói của anh bắt đầu khàn đi.
Dù chúng tôi phải đi hết bao nhiêu dặm đường thì tôi vẫn bảo đảm chúng tôi sẽ trở về căn cứ của mình tại khách sạn Residence ở Tây Des Moines mỗi đêm để kịp cho Malia và Sasha đi ngủ lúc tám giờ. Dĩ nhiên hai đứa khó mà để ý việc tôi không ở bên cạnh chúng, vì xung quanh chúng là những anh chị em họ, bạn bè và người giữ trẻ, tất cả cùng chơi trò chơi trong phòng khách sạn và đi dạo quanh thị trấn. Một đêm nọ, tôi mở cửa phòng với hy vọng được ngả lưng trên giường để tìm chút thời gian yên tĩnh, nhưng rồi tôi phát hiện căn phòng của chúng tôi đầy những dụng cụ nhà bếp vứt lung tung. Có mấy cây lăn bột trên giường, những tấm thớt bẩn trên chiếc bàn nhỏ, kéo cắt thực phẩm trên sàn. Chụp đèn và màn hình ti-vi bị phủ một lớp bụi mỏng… Hình như đó là bột mì?
“Anh Sam dạy tụi con làm pasta!”, Malia thông báo. “Tụi con có hơi quá tay một chút.”
Tôi cười to. Tôi đã lo hai cô con gái này sẽ ra sao trong đợt Giáng sinh đầu tiên không gặp bà cố ở Hawaii. Nhưng may thay, một túi bột mì ở Des Moines có vẻ là một sự thay thế phù hợp cho chiếc khăn tắm trên cát ở bãi biển Waikiki.
Vài ngày sau, vào một ngày thứ Năm, các cuộc bỏ phiếu diễn ra. Barack và tôi ghé vào trung tâm ăn uống Des Moines vào buổi trưa, sau đó chúng tôi đi tới các điểm bỏ phiếu để chào hỏi càng nhiều cử tri càng tốt. Tối đó, chúng tôi cùng ăn tối với một nhóm bạn và người thân, cảm ơn họ đã ủng hộ chúng tôi trong suốt mười một tháng điên cuồng kể từ lần công bố tranh cử tại Springfield. Tôi rời bữa sớm quay về khách sạn để kịp thời gian chuẩn bị cho bài diễn văn của Barack sau cuộc bỏ phiếu, dù anh thắng hay thua. Chỉ trong phút chốc, Katie và Melissa lao vào phòng với tin tức nóng hổi đến từ phòng tác chiến của chiến dịch: “Chúng ta thắng rồi!”.
Chúng tôi điên lên vì sung sướng, hét to đến nỗi mật vụ phải gõ cửa để bảo đảm mọi chuyện vẫn ổn.
Vào một trong những đêm lạnh lẽo nhất trong năm, một lượng cử tri Iowa đông đến mức kỷ lục đã đi đến các điểm bỏ phiếu kín, gần như gấp đôi lượng cử tri của bốn năm trước. Barack đã giành được lòng tin của cử tri da trắng, da đen và người trẻ tuổi. Hơn một nửa lượng người tham gia chưa từng tham gia bỏ phiếu kín trước đây, và nhóm này có vẻ đã giúp bảo đảm chiến thắng của Barack. Các bình luận viên tin tức của nhà đài cuối cùng cũng đặt chân đến Iowa và giờ đang ca bài ca chúc tụng bậc kỳ tài chính trị, người đã đánh bại cỗ máy Clinton và cựu ứng viên phó tổng thống Edwards.
Đêm đó, tại buổi phát biểu mừng chiến thắng của Barack, khi bốn chúng tôi - Barack, tôi, Malia và Sasha - đứng trên sân khấu ở Hy-Vee Hall, tôi cảm thấy tuyệt vời, và thật sự đã có một chút thay đổi trong nhận thức. Tôi nghĩ mọi thứ mà Barack đã nói suốt những năm qua quả thật là khả thi. Tất cả những chuyến đi đến Springfield, mọi bức bối về việc anh ấy vẫn chưa tạo ra đủ ảnh hưởng, tất cả những lý tưởng của anh, niềm tin chân thành và khác thường của anh vào việc con người có khả năng vượt qua những điều đã chia cắt họ, và cuối cùng thì chính trị có thể phát huy hiệu quả - có lẽ từ đầu anh ấy đã đúng.
Chúng tôi đã đạt được một thành công vượt bậc, một thành tựu mang tính lịch sử - không chỉ Barack, không chỉ tôi, mà còn cả Melissa và Katie, Plouffe, Axelrod, chị Valerie, và mỗi thành viên trẻ tuổi tham gia chiến dịch, mỗi tình nguyện viên, mỗi giáo viên, nông dân, người về hưu và học sinh trung học đã đứng lên ủng hộ một điều gì đó mới mẻ vào đêm hôm đó.
Barack và tôi ra sân bay để rời Iowa vào lúc nửa đêm và biết rằng chúng tôi sẽ không quay lại nơi này trong nhiều tháng nữa. Hai đứa trẻ và tôi về nhà ở Chicago, quay về với công việc và trường lớp. Barack bay đến New Hampshire, nơi vòng bầu cử sơ bộ sẽ diễn ra trong vòng chưa đến một tuần nữa.
Iowa đã thay đổi tất cả chúng tôi. Đặc biệt, Iowa đã trao cho tôi niềm tin đích thực. Nhiệm vụ của chúng tôi bây giờ là chia sẻ niềm tin đó với phần còn lại của nước Mỹ. Những ngày sau đó, các nhân viên tổ chức thực địa Iowa của chúng tôi đã tỏa ra những tiểu bang khác - đến Nevada và South Carolina, đến New Mexico, Minnesota, và California - để tiếp tục lan tỏa thông điệp mà khi đó đã được minh chứng, thông điệp rằng sự thay đổi thật sự khả thi.
(1) Phòng suite: loại phòng lớn trong khách sạn, thường bao gồm hai phòng ngủ, phòng sinh hoạt chung và phòng bếp.