KHÔNG CÓ CẨM NANG NÀO HƯỚNG DẪN LÀM ĐỆ NHẤT PHU NHÂN HOA KỲ. Trên thực tế, đó chẳng phải là một công việc hay một chức danh chính thức trong văn phòng chính phủ. Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ không hề được trả lương và cũng không có bổn phận rõ ràng nào cả. Nó chỉ là một chỗ ngồi phụ bên cạnh chiếc ghế tổng thống, một chỗ ngồi mà đến lúc tôi nhận lấy thì đã từng có hơn bốn mươi ba phụ nữ khác từng ngồi, mỗi người một kiểu.
Tôi không biết nhiều về những Đệ nhất Phu nhân trước đây và cách mà họ đảm nhiệm vị trí này. Tôi biết Jackie Kennedy đã hết lòng trang hoàng lại Nhà Trắng. Tôi nhớ Rosalynn Carter từng tham gia các cuộc họp nội các, Nancy Reagan đã gặp chút rắc rối khi nhận những chiếc váy hàng hiệu miễn phí, còn Hillary Clinton từng bị dè bỉu vì đảm nhận vai trò hoạch định chính sách trong chính quyền của chồng mình. Có một lần vào vài năm trước, tại bữa tiệc trưa dành riêng cho vợ chồng các thượng nghị sĩ Mỹ, tôi vừa choáng váng vừa ngưỡng mộ khi thấy Laura Bush tạo dáng, điềm tĩnh và mỉm cười để hoàn thành nghi thức chụp ảnh kỷ niệm với khoảng một trăm người khác nhau mà không hề có chút sơ sẩy và cũng không cần một phút nghỉ ngơi nào. Các Đệ nhất Phu nhân xuất hiện trên bản tin, dùng trà với vợ hoặc chồng của các nguyên thủ quốc gia khác; họ gửi lời chúc mừng chính thức vào các dịp lễ và mặc những bộ trang phục lộng lẫy đến dự các bữa quốc tiệc. Tôi cũng biết họ thường chọn đấu tranh cho một hoặc hai mục tiêu cao cả nào đó.
Tôi đã hiểu là mình sẽ được đánh giá theo một chuẩn mực khác. Là Đệ nhất Phu nhân Mỹ gốc Phi đầu tiên đặt chân vào Nhà Trắng, tôi gần như được mặc định là “khác” trong mắt mọi người. Nếu có sứ mệnh nào đó được dành sẵn cho những vị tiền nhiệm người da trắng, tôi biết trường hợp của mình sẽ khác. Qua những va vấp trong chiến dịch tranh cử, tôi đã học được rằng tôi cần giỏi giang hơn, nhanh nhẹn hơn, thông minh hơn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tôi sẽ phải làm cho người ta quý mến và tôn trọng mình. Tôi lo rằng nhiều người Mỹ không thấy bản thân họ được phản ánh nơi tôi, hoặc không tìm được sự kết nối giữa hành trình của tôi và hành trình của họ. Tôi không có may mắn tập làm quen từ từ với vai trò mới của mình trước khi bị người khác đánh giá. Và khi nói tới phán xét, tôi cũng dễ dàng bị tấn công bởi những nỗi sợ vô căn cứ và những quy chụp mang nặng tính phân biệt chủng tộc đang ngầm hiện diện trong nhận thức của công chúng, thứ có thể bị khuấy động bất kỳ lúc nào bởi tin đồn và những lời cạnh khóe.
Tôi háo hức và cảm thấy mình thật nhỏ bé khi nhận lấy vị trí Đệ nhất Phu nhân, nhưng tôi chưa từng nghĩ đó là một vị trí dễ dàng và hấp dẫn. Không một ai nghĩ vậy khi họ có chữ “đầu tiên” và “da đen” gắn liền với mình. Tôi như một người đang đứng tại chân núi, ngẩng đầu lên và biết mình phải leo hết đoạn đường trước mặt để có được sự công nhận và tôn trọng.
Với tôi, thực tế này khơi dậy một đoạn đối đáp nội tâm có nguồn cơn từ tận thời trung học, khi tôi đặt chân vào Whitney Young và chợt cảm thấy mình bị kẹp chặt trong nỗi hoài nghi. Tôi học được rằng sự tự tin cần được tạo thành từ bên trong. Tôi đã lặp đi lặp lại những từ ấy rất nhiều lần, qua vô số lần tôi phải nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Mình có đủ giỏi không? Có, mình đủ giỏi.
Tôi cảm thấy quãng thời gian bảy mươi sáu ngày chuyển giao là cực kỳ cần thiết để tôi xác định hình ảnh vị Đệ nhất Phu nhân mà tôi muốn trở thành. Sau tất cả những gì tôi đã làm để rút khỏi lĩnh vực luật doanh nghiệp và bắt đầu phục vụ cho lợi ích cộng đồng, tôi biết mình sẽ hạnh phúc nhất nếu có thể chủ động tham gia và nỗ lực để đạt được những kết quả rõ ràng và cụ thể. Tôi dự định sẽ thực hiện lời hứa của mình với những người vợ và chồng của các quân nhân mà tôi đã gặp khi đang vận động tranh cử - để chia sẻ câu chuyện của họ và tìm cách hỗ trợ họ. Và tôi cũng có ý tưởng trồng một khu vườn và nghĩ cách cải thiện sức khỏe cũng như dinh dưỡng cho trẻ em ở quy mô lớn hơn.
Tôi không muốn lẳng lặng thực hiện những ý định đó một cách không chính thức. Tôi dự định đến Nhà Trắng với một kế hoạch đã được tính toán thấu đáo và một đội ngũ giàu năng lực hỗ trợ cho mình. Nếu có điều gì tôi đã học được từ mặt trái của chiến dịch vận động tranh cử, từ vô số cách mà người ta đã dùng để nhào nặn hình ảnh của tôi thành một phụ nữ luôn cáu giận hoặc không đạt chuẩn, thì đó chính là dư luận sẽ nhanh chóng ập vào bất kỳ lỗ hổng nào. Nếu không bước ra ngoài kia và khẳng định bản thân mình, bạn sẽ nhanh chóng bị người khác đánh giá sai lệch. Tôi không muốn tự đặt mình vào một vai thụ động và chờ đợi đội ngũ của Barack chỉ đạo. Sau khi đã vượt qua một năm đầy những thử thách gắt gao, tôi biết mình sẽ không bao giờ để bản thân bị vùi dập như thế lần nữa.
TÂM TRÍ TÔI CHẠY ĐUA VỚI THỜI GIAN để hoàn thành tất cả những việc cần làm. Chúng tôi không có cách nào để lên kế hoạch trước cho sự chuyển đổi này. Mọi động thái chuẩn bị cho cuộc sống trong Nhà Trắng trước khi có kết quả bầu cử đều sẽ bị xem là ngạo mạn và không phải phép. Đối với một người phải hoạch định trước mọi thứ như tôi, chuyện đó thật khó khăn. Và thế là giờ đây chúng tôi phải cuống cuồng tăng tốc. Ưu tiên hàng đầu của tôi là bảo vệ Sasha và Malia. Tôi muốn các con ổn định cuộc sống càng sớm và càng thoải mái càng tốt, tức là tôi cần dàn xếp chuyện chuyển nhà và tìm cho các con một ngôi trường mới ở Washington, nơi chúng sẽ có những năm tháng hạnh phúc.
Sáu ngày sau khi công bố kết quả bầu cử tổng thống, tôi bay sang Washington để gặp ban giám hiệu của nhiều ngôi trường khác nhau. Bình thường thì tôi chỉ tập trung vào chất lượng giảng dạy và văn hóa của trường, nhưng giờ đây chúng tôi không còn áp dụng tiêu chuẩn “bình thường” được nữa. Chúng tôi phải suy xét và bàn bạc đủ thứ khía cạnh phức tạp khác - các quy tắc của mật vụ, phương án di tản khi có tình huống khẩn cấp, kế hoạch bảo vệ sự riêng tư của con cái chúng tôi khi cả đất nước đang để mắt đến chúng. Có quá nhiều biến số phức tạp. Số người liên quan nhiều hơn, có nhiều cuộc đối thoại cần được xúc tiến hơn trước khi một quyết định dù là rất nhỏ được đưa ra.
May thay, tôi được giữ lại những thành viên trong đội chiến dịch tranh cử - Melissa, Katie và Kristen - để tiếp tục làm việc với mình trong suốt quá trình chuyển giao. Chúng tôi bắt tay ngay vào công tác hậu cần để chuyển vào Nhà Trắng, đồng thời bắt đầu thuê nhân viên - người tổ chức kế hoạch, chuyên gia chính sách, chuyên viên truyền thông - cho khu văn phòng của tôi ở Cánh Đông tòa nhà, đồng thời phỏng vấn người cho những vị trí thường trú trong khu tư dinh. Một trong những người đầu tiên được tuyển là Jocelyn Frye, bạn cũ của tôi ở trường luật, người có đầu óc phân tích tuyệt vời đã nhận lời làm giám đốc chính sách cho tôi, giúp giám sát những chương trình hành động mà tôi lên kế hoạch thực hiện.
Trong khi đó, Barack bận rộn tìm người thích hợp cho các vị trí trong nội các của mình và hội ý riêng với nhiều chuyên gia khác nhau để tìm cách cứu nguy cho nền kinh tế. Đến thời điểm này, có hơn mười triệu người Mỹ thất nghiệp và ngành công nghiệp ô-tô đang rơi tự do. Nhìn chồng tôi mím chặt môi mỗi khi kết thúc những buổi thảo luận đó, tôi có thể nói rằng tình hình còn tệ hơn nhiều so với những gì đa số người Mỹ có thể hiểu được. Anh cũng bắt đầu nhận được tin tình báo hàng ngày, biết được những bí mật lớn hơn của quốc gia - các mối đe dọa được giữ kín, những liên minh thầm lặng và những chiến dịch ngầm mà phần lớn người dân không hề biết tới.
Giờ đây, đội ngũ mật vụ đã chọn bí danh chính thức cho tất cả chúng tôi, vì họ sẽ bảo vệ chúng tôi suốt nhiều năm tới. Barack là “Renegade”, còn tôi là “Renaissance”. Hai cô con gái được phép tự chọn bí danh từ danh sách những cái tên tiệp chữ cái đầu với nhau. Malia trở thành “Radiance”, còn Sasha thì chọn “Rosebud”. (Mẹ tôi về sau cũng chọn một bí danh không chính thức cho bà, “Raindance”.)
Khi trực tiếp trao đổi với tôi, các nhân viên mật vụ luôn gọi tôi là “phu nhân”. Chẳng hạn như “Xin đi lối này, thưa phu nhân. Hãy lùi lại, thưa phu nhân”, và “Thưa phu nhân, xe sẽ đến trong giây lát”.
“Phu nhân” là ai? Ban đầu tôi đã muốn hỏi như thế. Với tôi, phu nhân nghe cứ như một phụ nữ lớn tuổi có dáng điệu tao nhã, tay cầm một chiếc ví đỏm dáng và chân mang đôi giày cao gót sang trọng, một người có thể đang ngồi đâu đó gần đây.
Nhưng tôi chính là phu nhân. Phu nhân chính là tôi. Đó là một phần của sự thay đổi lớn này, của quá trình chuyển giao mà chúng tôi đang trải qua.
Tôi nhớ đến tất cả những chuyện này vào ngày tôi đến thăm các trường học ở Washington. Sau một cuộc gặp, tôi quay lại Sân bay Quốc nội Reagan để gặp Barack, anh bay từ Chicago sang theo một chuyến bay ngoài lịch trình. Theo nghi thức dành cho tổng thống đắc cử, chúng tôi được Tổng thống Bush và phu nhân mời ghé thăm Nhà Trắng, và chúng tôi đã lên lịch để chuyến đi này trùng với chuyến tham quan trường học của tôi. Tôi đang đứng chờ ở nhà ga riêng khi máy bay của Barack hạ cánh. Cạnh tôi là Cornelius Southhall, một trong những mật vụ đứng đầu trong nhóm nhân viên bảo vệ an ninh cho tôi.
Cornelius là một cựu vận động viên bóng bầu dục cao lớn của trường đại học, người từng phục vụ trong đội an ninh của Tổng thống Bush. Như những chỉ huy an ninh khác của tôi, anh ấy thông minh, được huấn luyện để luôn cảnh giác cao độ vào mọi thời điểm, một máy quét bằng xương bằng thịt. Dẫu vậy, khi hai chúng tôi nhìn máy bay của Barack lăn bánh trên đường băng và dừng lại cách chúng tôi khoảng hai mươi mét, anh ấy đã thông báo một chuyện trước khi tôi kịp nhận ra.
Anh ấy nói, “Thưa phu nhân, cuộc sống của bà sắp thay đổi mãi mãi”.
Khi tôi nhìn anh ấy tỏ vẻ khó hiểu, anh ấy nói thêm, “Rồi phu nhân sẽ thấy”.
Sau đó anh ấy chỉ về phía bên phải và tôi nhìn theo. Ngay lúc đó, có một cái gì đó khổng lồ xuất hiện: một đạo quân rồng rắn đủ loại xe, bao gồm một đội xe ô-tô và mô-tô cảnh sát, một số chiếc SUV đen, hai chiếc limousine bọc thép có cờ Mỹ cắm trên ca-pô, một chiếc xe tải chuyên thu dọn vật liệu nguy hiểm, một đội phản kích trang bị súng máy, một xe cứu thương, một xe tải có thiết bị phát hiện những vật thể đang bay tới, vài chiếc xe tải chở khách và một nhóm cảnh sát hộ vệ khác. Đó là đoàn xe tổng thống. Ít nhất phải có hơn hai mươi xe, di chuyển theo đội hình được bố trí rõ ràng, chiếc này nối đuôi chiếc kia, rồi cuối cùng, toàn bộ đội xe dừng lại trong yên lặng, và hai chiếc limo dừng ngay trước máy bay đậu sẵn của Barack.
Tôi quay sang Cornelius. “Có xe chở chú hề luôn không?”, tôi hỏi anh ấy. “Đây là toàn bộ đội hình sẽ tháp tùng anh ấy từ bây giờ sao?”
Cornelius mỉm cười. “Đúng vậy, mỗi ngày, trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ngài ấy. Lúc nào cũng sẽ y hệt như vậy.”
Tôi cố đón nhận cảnh tượng kia: hàng tấn kim loại, một đội đặc nhiệm, tất cả đều chống đạn. Tôi vẫn chưa biết là sự bảo vệ dành cho Barack chỉ mới lộ diện một nửa. Tôi không hề biết anh ấy còn có một chiếc trực thăng túc trực gần mình để sẵn sàng di tản, những tay súng thiện xạ được bố trí trên nóc nhà dọc theo những tuyến đường anh ấy đi, một bác sĩ riêng luôn bên cạnh anh ấy để ứng phó với bất cứ vấn đề y tế nào, hoặc chiếc xe anh ấy đi còn chứa cả loại máu thích hợp, phòng khi anh ấy cần truyền máu. Chỉ trong vài tuần, ngay trước lễ nhậm chức của Barack, chiếc xe tổng thống đã được nâng cấp sang một mẫu mới - được mệnh danh là Quái Thú, một cái tên rất thích hợp - đó là một chiếc xe tăng bảy tấn ngụy trang thành một chiếc xe sang trọng, che giấu những khẩu súng bắn hơi cay để mắt thường không thể nhìn ra, được trang bị lốp xe chống xẹp và một hệ thống thông gió khép kín chuyên dụng để bảo vệ anh ấy khỏi các cuộc tấn công hóa học hay sinh học.
Tôi giờ đây đã kết hôn với một trong những con người được bảo vệ cẩn mật nhất hành tinh. Chuyện này vừa khiến tôi yên tâm mà cũng vừa khiến tôi căng thẳng.
Tôi nhìn Cornelius khi anh đang ra hiệu mời tôi tiến về phía chiếc limo.
“Bây giờ phu nhân có thể đến đó rồi”, Cornelius nói.
TÔI TỪNG CÓ LẦN VÀO NHÀ TRẮNG, chỉ mới vài năm trước. Thông qua văn phòng của Barack ở Thượng viện, tôi đã đăng ký cho tôi, Malia và Sasha tham gia chuyến tham quan đặc biệt trong một lần chúng tôi đến Washington vì nghĩ rằng đó sẽ là một chuyến đi thú vị. Các chuyến tham quan Nhà Trắng thường không kèm hướng dẫn viên, nhưng trong chuyến đi này nhóm vài người chúng tôi có một hướng dẫn viên riêng của Nhà Trắng đi theo và dẫn chúng tôi qua những hành lang rộng và nhiều căn phòng khác nhau được mở cửa cho công chúng tham quan.
Chúng tôi nhìn chăm chăm những chùm đèn bằng kính khắc hoa văn được treo trên trần cao của Phòng Đông, nơi từng tổ chức những vũ hội và tiệc chiêu đãi xa hoa, và chăm chú nhìn đôi gò má đỏ bừng cũng như vẻ nghiêm trang của George Washington trong tấm chân dung khổng lồ thếp vàng treo trên một mặt tường. Qua lời của hướng dẫn viên, chúng tôi biết Đệ nhất Phu nhân Abigail Adams vào cuối thế kỷ mười tám đã sử dụng không gian khổng lồ này để phơi quần áo, và nhiều thập kỷ sau, trong cuộc nội chiến Bắc Nam, Quân đội Liên bang đã tạm trú đóng tại đây. Một số lễ cưới của con gái các tổng thống cũng diễn ra ở đây. Quan tài của Abraham Lincoln và John F. Kennedy cũng từng được đặt tại đây để công chúng viếng thăm.
Hôm đó, tôi đã điểm qua một lượt tất cả những vị tổng thống, tìm cách ghép những gì tôi còn nhớ từ các lớp lịch sử với hình ảnh những gia đình đã thật sự bước đi trên những hành lang kia. Malia, khi đó khoảng tám tuổi, có vẻ kinh ngạc trước không gian khổng lồ của nơi này, còn Sasha năm tuổi đang cố hết sức để không động vào bất cứ thứ gì không được phép động vào. Con bé cố kiềm chế khi chúng tôi đi từ Phòng Đông sang Phòng Lục, nơi có những bức tường lụa màu ngọc lục bảo hoàn mỹ, với câu chuyện về Tổng thống James Madison và cuộc chiến năm 1812, rồi đến Phòng Lam, nơi có nội thất kiểu Pháp và câu chuyện về lễ cưới của Tổng thống Grover Cleveland. Khi hướng dẫn viên đề nghị chúng tôi theo anh vào Phòng Đỏ, Sasha ngẩng nhìn tôi và “đau khổ” buột miệng đúng kiểu trẻ con, “Ôi không, lại một CĂN PHÒNG nữa hay sao!”. Tôi lập tức suỵt con bé im lặng và nhìn với ý “Đừng có làm mẹ phải xấu hổ”.
Nhưng thành thật mà nói, ai có thể trách con bé được chứ? Nhà Trắng là một nơi rộng lớn, với ١٣٢ căn phòng, ٣٥ phòng tắm và ٢٨ lò sưởi rải rác khắp sáu tầng lầu, tất cả đều chứa đựng nhiều sự kiện lịch sử đến mức không có một chương trình tham quan nào có thể nói hết. Thật sự rất khó có thể hình dung cuộc sống thường nhật sẽ ra sao ở nơi này. Đâu đó ở tầng dưới, nhân viên chính phủ vẫn ra vào tòa nhà, còn đâu đó ở trên, Tổng thống và Đệ nhất Phu nhân sống cùng với mấy chú chó cưng ở khu vực dành riêng cho gia đình tổng thống. Nhưng khi đó chúng tôi đang đứng ở một khu vực khác của tòa nhà, nơi giống như một bảo tàng ngưng đọng cùng thời gian, nơi những biểu tượng đã sống và đóng vai trò quan trọng, nơi từng đặt thi thể của những nhân vật có nhiều cống hiến cho đất nước này.
Hai năm sau, tôi quay lại nơi này một lần nữa, nhưng lần này qua một cánh cửa khác và cùng với Barack. Giờ đây nơi này sắp trở thành ngôi nhà tương lai của mình.
Tổng thống Bush và phu nhân đón tiếp chúng tôi ở Phòng Tiếp đón ngoại giao ngay cạnh Bãi cỏ phía Nam. Đệ nhất Phu nhân thân thiện nắm tay tôi. “Cứ gọi tôi là Laura”, bà nói. Chồng bà cũng hiếu khách không kém, tinh thần hào sảng vùng Texas của ông dường như đã lấn át bất cứ cảm giác khó chịu nào do chính trị gây ra. Trong suốt chiến dịch vận động, Barack đã thường xuyên chỉ trích sự lãnh đạo của tổng thống đương nhiệm, hứa hẹn với cử tri là anh sẽ sửa chữa nhiều điểm mà anh cho là sai lầm trong đó. Bush, một đảng viên Cộng hòa, hẳn nhiên là người ủng hộ John McCain. Nhưng ông cũng cam kết sẽ biến cuộc chuyển giao này thành cuộc bàn giao quyền lực tổng thống êm thấm nhất lịch sử, đề nghị mọi cơ quan của hệ thống hành pháp chuẩn bị hồ sơ tóm tắt mọi chuyện để bàn giao cho chính quyền mới. Kể cả bên phía Đệ nhất Phu nhân, các nhân viên cũng thu thập lại danh sách địa chỉ liên hệ, lịch sinh hoạt, những cách trả lời mẫu để giúp tôi quen thuộc với những bổn phận xã hội đi kèm với chức vị này. Đằng sau tất cả những chuyện này là một sự tử tế, một tình yêu đích thực dành cho đất nước này - một điều mà tôi luôn trân trọng và ngưỡng mộ.
Dù Tổng thống Bush không hề nói thẳng ra, nhưng tôi thề là mình đã nhìn thấy những dấu hiệu của sự thanh thản trên khuôn mặt ông khi ông biết nhiệm kỳ của mình sắp kết thúc, biết mình đã làm tròn bổn phận và có thể sớm trở về nhà ở Texas. Đã đến lúc cho tổng thống kế nhiệm vào thay.
Trong lúc các ông chồng đi đến Phòng Bầu dục để trò chuyện, Laura dẫn tôi vào chiếc thang máy ốp gỗ dành riêng cho gia đình tổng thống, nơi được một người Mỹ gốc Phi trong bộ tuxedo lịch lãm vận hành.
Khi thang máy lên hai tầng để đến tư dinh của tổng thống và gia đình, Laura hỏi thăm Sasha và Malia. Lúc này bà đã sáu mươi hai tuổi, đã nuôi dạy hai cô con gái trong thời gian ở Nhà Trắng. Từng là giáo viên và thủ thư, bà đã sử dụng vị trí Đệ nhất Phu nhân để thúc đẩy giáo dục và bảo vệ giáo viên. Bà nhìn tôi bằng đôi mắt màu xanh dương ấm áp.
“Cô cảm thấy thế nào?”, bà hỏi tôi.
“Hơi choáng ngợp một chút”, tôi thú nhận.
Bà mỉm cười với vẻ cảm thông thật sự. “Tôi biết. Tin tôi đi, tôi hiểu cảm giác ấy.”
Khi đó tôi chưa thể hiểu hết ý nghĩa của những gì mà bà đang diễn đạt, nhưng về sau tôi thường nghĩ về chuyện đó: Barack và tôi đang gia nhập một hội kỳ lạ và rất ít thành viên, bao gồm gia đình Clinton, gia đình Carter, hai gia đình Bush, Nancy Reagan và Betty Ford. Đó là những người duy nhất trên trái đất này biết rõ những gì Barack cùng với tôi đang đối mặt, là những người từng trực tiếp trải qua những niềm vui và khó khăn mà chỉ những ai sống tại Nhà Trắng mới hiểu. Dẫu tất cả chúng tôi đều khác nhau, nhưng chúng tôi đều chia sẻ trải nghiệm chung này.
Laura dẫn tôi xem qua tư dinh của tổng thống và gia đình, chỉ cho tôi nhiều căn phòng khác nhau. Khu vực riêng tư của Nhà Trắng là khoảng không gian rộng gần hai ngàn mét vuông ở hai tầng trên cùng của tòa nhà chính mang đậm tính lịch sử - chính là tòa nhà có hàng cột màu trắng đặc trưng mà bạn sẽ nhận ra ngay trong các bức ảnh. Tôi nhìn thấy phòng ăn, nơi các gia đình tổng thống dùng bữa, và ngó vào một gian bếp gọn gàng, nơi có các đầu bếp đang chuẩn bị bữa tối. Tôi thấy khu dành cho khách ở tầng trên cùng và đã tìm ra một chỗ có lẽ phù hợp cho mẹ tôi sống ở đó, nếu chúng tôi có thể thuyết phục bà ở chung. (Ở đó cũng có một phòng gym nhỏ, nơi mà cả Barack và Tổng thống Bush đều tỏ ra hào hứng nhất trong suốt phần tham quan của nhóm đàn ông.) Tôi thích thú nhất khi xem hai phòng ngủ mà tôi nghĩ sẽ phù hợp nhất cho Sasha và Malia, ở ngay bên kia hành lang của phòng ngủ chính.
Với tôi, điểm mấu chốt là đem đến cho hai cô con gái của mình cảm giác thoải mái và thân thuộc. Nếu không xét đến sự xa hoa và hào nhoáng - chẳng hạn như việc được dọn vào một ngôi nhà lớn đẹp như mơ có đầu bếp riêng, một làn bowling và một hồ bơi - thì những gì Barack và tôi đang làm là điều mà không bậc phụ huynh nào muốn làm: buộc hai đứa trẻ phải rời khỏi ngôi trường chúng yêu thích ngay giữa năm học, khiến chúng rời xa bạn bè, và đặt chúng vào một ngôi nhà mới và ngôi trường mới mà không cho chúng nhiều thời gian chuẩn bị. Tôi cứ nghĩ mãi chuyện đó, nhưng tôi cũng cảm thấy được an ủi khi biết là đã có những bà mẹ khác và những đứa trẻ khác đã từng thành công khi trải qua chuyện này.
Laura dẫn tôi vào một căn phòng xinh xắn tràn ngập ánh sáng ngay cạnh phòng ngủ chính, nơi vốn được dùng làm phòng thay đồ cho Đệ nhất Phu nhân. Bà chỉ cho tôi thấy khung cảnh Vườn Hồng và Phòng Bầu dục qua ô cửa sổ, nói thêm rằng bà cảm thấy dễ chịu khi có thể nhìn ra ngoài và đôi khi cảm nhận được những gì chồng bà đang làm. Bà nói Hillary Clinton đã chỉ cho bà góc nhìn này vào lần đầu tiên bà đến thăm Nhà Trắng tám năm trước. Và tám năm trước nữa, mẹ chồng của bà, phu nhân Barbara Bush, đã chỉ cho Hillary góc nhìn ấy. Tôi nhìn ra cửa sổ và nhớ rằng mình là một phần của một sự kế thừa khiêm tốn.
Trong những tháng tiếp theo, tôi cảm thấy sự kết nối mạnh mẽ với những người phụ nữ đó. Qua điện thoại, Hillary đã sẵn lòng chia sẻ những hiểu biết của bà, chia sẻ với tôi kinh nghiệm của bà khi chọn trường cho con gái Chelsea. Tôi đã gặp Rosalynn Carter và trò chuyện qua điện thoại với Nancy Reagan, cả hai đều nhiệt tình và sẵn lòng giúp đỡ. Vài tuần sau chuyến thăm đầu tiên đó, Laura đã tử tế mời tôi quay lại Nhà Trắng cùng Sasha và Malia vào một ngày mà hai cô con gái của bà, Jenna và Barbara, cũng có mặt ở đó để chỉ cho hai đứa nhà tôi “những chỗ hay ho” của Nhà Trắng, từ những chiếc ghế nhung ở phòng chiếu phim tại nhà đến cách trượt xuống một hành lang dốc ở tầng trên.
Tất cả những chuyện đó đã khích lệ tinh thần tôi. Tôi đã bắt đầu háo hức chờ đến ngày mình có thể truyền lại những gì tôi học được cho Đệ nhất Phu nhân kế nhiệm.
CUỐI CÙNG THÌ CHÚNG TÔI đã chuyển đến Washington ngay sau dịp lễ Giáng sinh truyền thống của gia đình ở Hawaii, để Sasha và Malia có thể nhập học khi bạn học mới của chúng quay lại trường sau kỳ nghỉ đông. Khi đó vẫn còn ba tuần nữa mới tới ngày nhậm chức, đồng nghĩa với việc chúng tôi phải tạm thời sắp xếp sống bên ngoài Nhà Trắng, thuê phòng ở tầng trên cùng của khách sạn Hay-Adams tại trung tâm Washington. Phòng của chúng tôi nhìn ra Quảng trường Lafayette và Bãi cỏ phía Bắc của Nhà Trắng, nơi có thể nhìn thấy khán đài và những hàng ghế kim loại đang được chuẩn bị cho buổi diễu hành mừng tân tổng thống nhậm chức. Trên tòa nhà đối diện khách sạn, ai đó đã treo một băng-rôn khổng lồ với dòng chữ “Chào mừng Malia và Sasha”. Tôi hơi xúc động trước cảnh tượng này.
Sau nhiều lần tìm hiểu, hai chuyến tham quan và nhiều buổi trò chuyện, chúng tôi đã quyết định đăng ký cho các con vào trường Sidwell Friends, một trường tư thuộc Hiệp hội Giáo hữu và có danh tiếng rất tốt. Sasha sẽ học lớp hai khối tiểu học, trong một khuôn viên tọa lạc tại vùng ngoại ô Bethesda, Maryland; còn Malia học lớp năm trong khuôn viên chính của trường tại một dãy nhà yên tĩnh chỉ cách Nhà Trắng vài cây số về phía bắc. Cả hai đứa sẽ được đưa đón bằng đoàn xe hộ tống, mỗi đoàn có mười nhân viên mật vụ có vũ trang, một số trong đó sẽ trực ngoài cửa lớp học và đi theo hai đứa vào giờ ra chơi, giờ nghỉ và giờ tập luyện thể thao.
Giờ đây chúng tôi như đang sống trong một cái bong bóng, được phong kín khỏi thế giới hàng ngày, ít nhất là một phần nào đó. Tôi không còn nhớ lần cuối mình tự làm mấy việc vặt hay đi bộ thư giãn trong công viên là khi nào. Nhất cử nhất động đều phải được thảo luận trước về mặt an ninh lẫn giờ giấc. Bong bóng đó đã hình thành từ từ xung quanh chúng tôi trong suốt quá trình vận động tranh cử, khi danh tiếng của Barack ngày càng vang xa và khi chúng tôi cần vạch ra những ranh giới giữa mình và công chúng, và trong một vài trường hợp là giữa chúng tôi và bạn bè, người thân của mình. Thật lạ khi phải ở bên trong một cái bong bóng, và tôi cũng không đặc biệt thích chuyện đó, nhưng đồng thời tôi cũng hiểu rằng sự sắp xếp này là tốt nhất. Với sự hộ tống thường xuyên của cảnh sát, xe của chúng tôi không còn cần phải dừng đèn đỏ. Nếu có thể sử dụng lối đi chuyên dụng hoặc đường vận chuyển hàng hóa ở cửa hông để vào một tòa nhà thì chúng tôi hiếm khi đi theo lối cửa chính. Theo quan điểm của mật vụ, chúng tôi càng ít lộ diện càng tốt.
Tôi hy vọng bong bóng của Sasha và Malia có thể khác, rằng chúng vẫn an toàn nhưng không bị gò bó, rằng phạm vi sinh hoạt của chúng sẽ rộng hơn của chúng tôi. Tôi muốn chúng có thể kết bạn, những người bạn đích thực - những đứa trẻ thật sự quý mến chúng không phải chỉ vì chúng là con cái nhà Obama. Chúng tôi muốn chúng được học hỏi, được phiêu lưu, phạm sai lầm và đứng dậy từ sai lầm. Tôi hy vọng trường học đối với chúng có thể giống như một sự chở che, một nơi chúng có thể được là chính mình. Sidwell Friends khiến chúng tôi hài lòng vì nhiều lý do, một phần vì đó là trường Chelsea Clinton đã theo học khi cha cô còn là tổng thống. Đội ngũ nhân viên ở đó đã biết cách bảo đảm an toàn cho các học sinh là con cái của những nhân vật có tên tuổi và đã có những sắp xếp về an ninh mà giờ đây sẽ rất cần thiết cho Malia và Sasha, tức là chúng tôi sẽ không phải tiêu tốn quá nhiều nguồn lực của trường. Trên hết, tôi thích cảm giác mà nhà trường mang lại. Triết lý của Hiệp hội Giáo hữu đều hướng đến cộng đồng, với tôn chỉ là không một cá nhân nào được coi trọng hơn những cá nhân khác, điều mà cá nhân tôi thấy giống như một đối trọng lành mạnh cho sự ồn ào giờ đây đang vây quanh cha của bọn trẻ.
Vào ngày đầu tiên Malia và Sasha đi học, vợ chồng tôi dùng bữa sáng khá sớm tại phòng khách sạn cùng với hai đứa rồi giúp chúng mặc quần áo ấm. Barack không thể không cho chúng vài lời khuyên để hòa nhập ở trường mới (luôn mỉm cười, tử tế và nghe lời thầy cô), cuối cùng, anh nói khi cả hai đã đeo ba-lô màu tím lên lưng, “Và tuyệt đối đừng ngoáy mũi!”.
Mẹ gặp chúng tôi ở hành lang, rồi chúng tôi cùng đi thang máy xuống nhà.
Bên ngoài khách sạn, mật vụ đã dựng một hành lang an ninh với mục đích giữ chúng tôi khỏi tầm nhìn của phóng viên ảnh và đội truyền hình, những người đã đứng chờ sẵn ở lối ra vào để “săn” hình ảnh gia đình chúng tôi trong giai đoạn chuyển giao. Barack chỉ vừa bay từ Chicago đến vào đêm hôm trước, và anh hy vọng có thể cùng đi đến trường với bọn trẻ, nhưng anh ấy biết như thế sẽ tạo quá nhiều chú ý. Đoàn xe của anh ấy quá cồng kềnh. Anh ấy giờ đã có quá nhiều ràng buộc. Tôi có thể đọc được nỗi khổ tâm đó trên khuôn mặt anh khi Sasha và Malia ôm anh để chào tạm biệt.
Mẹ và tôi cùng đi với hai đứa nhỏ trong chiếc SUV đen có cửa kính chống đạn màu khói - một kiểu “xe buýt đến trường” mới của chúng. Sáng hôm đó tôi cố gắng tỏ ra tự tin bằng cách mỉm cười và đùa giỡn với chúng. Thế nhưng bên trong, tôi cảm thấy căng thẳng, cảm giác đó khiến tay chân tôi hơi lọng cọng. Trước tiên chúng tôi đến khuôn viên khối cấp hai, nơi Malia và tôi vội vã băng qua một rừng máy ảnh của phóng viên để vào trong tòa nhà, mật vụ theo sát bên hông. Sau khi đưa Malia đến chỗ giáo viên mới của con bé, đoàn xe chở chúng tôi sang Bethesda, nơi tôi lặp lại quá trình tương tự với Sasha bé bỏng, đưa con bé vào một phòng học xinh xắn có những ô cửa sổ rộng và những chiếc bàn có chiều cao phù hợp với học sinh tiểu học - nơi tôi mong sao sẽ là một chốn an toàn và hạnh phúc.
Tôi quay lại đoàn xe và đi về Hay-Adams, ngồi gọn bên trong cái bong bóng của mình. Tôi sẽ có một ngày bận rộn, kín lịch họp hành, nhưng tâm trí tôi vẫn hướng về hai cô con gái. Ngày hôm nay của chúng thế nào? Chúng ăn gì? Chúng có bị săm soi hay vẫn thấy thoải mái như ở nhà? Sau đó tôi nhìn thấy trên báo một bức ảnh của Sasha được chụp trong lúc chúng tôi đến trường, bức ảnh khiến tôi trào nước mắt. Tôi tin rằng ai đó đã chụp bức ảnh khi tôi đưa Malia đến lớp của con bé, còn Sasha thì ngồi chờ trong xe với mẹ tôi. Gương mặt bầu bĩnh của con bé áp vào cửa sổ chiếc SUV, đôi mắt tròn xoe nhìn chăm chăm ra ngoài với vẻ trầm tư khi thấy bao nhiêu là phóng viên và những người hiếu kỳ. Tôi không biết con bé đang nghĩ gì, nhưng biểu cảm của nó thì có chút buồn bã.
Chúng tôi đang đòi hỏi quá nhiều thứ ở chúng. Suy nghĩ đó quẩn quanh trong đầu tôi không chỉ trong cả ngày hôm đó, mà còn suốt nhiều tháng và nhiều năm sau đó.
QUÁ TRÌNH CHUYỂN GIAO vẫn diễn ra nhanh chóng. Tôi bị tấn công dồn dập bởi hàng trăm quyết định, rõ ràng là tất cả đều khẩn. Tôi cần phải chọn mọi thứ, từ khăn tắm và kem đánh răng đến xà bông rửa chén và bia cho những người sống trong Nhà Trắng, chọn trang phục cho ngày lễ nhậm chức và những buổi yến tiệc linh đình theo sau đó, và cả nghĩ phương án đưa đón khoảng một trăm năm mươi bạn bè thân thiết và họ hàng từ xa đến. Tôi giao tất cả những việc có thể cho Melissa và những thành viên khác trong nhóm nhân viên chuyển giao của mình. Chúng tôi cũng thuê Michael Smith, nhà thiết kế nội thất tài ba mà một người bạn ở Chicago đã giới thiệu, để giúp sắp xếp nội thất cũng như trang hoàng lại tư dinh, cùng với Phòng Bầu dục.
Tôi được biết tổng thống tân cử được cấp một trăm ngàn đô-la từ ngân sách liên bang phục vụ cho quá trình chuyển chỗ ở và tân trang nhà mới, nhưng Barack nhất quyết là chúng tôi sẽ tự chi trả các khoản phí đó, sử dụng số tiền chúng tôi dành dụm từ tiền bản quyền quyển sách của anh. Anh luôn như thế: cực kỳ thận trọng trong vấn đề tiền bạc và đạo đức, giữ cho mình một tiêu chuẩn thậm chí còn cao hơn những gì được quy định theo pháp luật. Có một châm ngôn cũ xưa trong cộng đồng người da đen: Để tiến xa hơn một nửa, ta phải giỏi gấp đôi. Là gia đình Mỹ gốc Phi đầu tiên trong Nhà Trắng, chúng tôi đang được xem là những đại diện của chủng tộc mình. Chúng tôi biết rõ bất cứ sai sót hay khiếm khuyết nào cũng sẽ bị phóng đại và xem như một điều gì đó to tát hơn bản chất của nó.
Nhìn chung tôi không quan tâm nhiều đến chuyện trang hoàng lại Nhà Trắng hay lên kế hoạch cho lễ nhậm chức bằng việc tập trung suy nghĩ xem mình có thể làm được những gì trong vai trò mới. Theo tôi hiểu thì tôi thật sự không cần phải làm bất cứ điều gì. Không có mô tả công việc đồng nghĩa với không có yêu cầu công việc, và như thế tôi được tự do chọn kế hoạch cho mình. Tôi muốn bảo đảm rằng mọi nỗ lực của tôi đều giúp thúc đẩy những mục tiêu lớn hơn của chính phủ mới.
Tôi cảm thấy nhẹ cả người khi cả hai đứa con đều vui vẻ sau ngày đầu tiên ở trường, rồi ngày thứ hai và ngày thứ ba cũng thế. Sasha mang bài tập về nhà làm, đây là chuyện con bé chưa từng làm trước đây. Malia đã đăng ký tham gia hát trong một buổi hòa nhạc hợp xướng dành cho học sinh trung học. Cả hai nói rằng học sinh các lớp khác đôi khi có vẻ bất ngờ khi nhìn thấy chúng, nhưng ai cũng cư xử tử tế. Những ngày sau đó, hai đứa cũng dần quen với chuyến xe tháp tùng đến Sidwell Friends. Sau khoảng một tuần, hai đứa đã cảm thấy thoải mái đến trường mà không cần tôi theo, thay vào đó, bà ngoại là người hộ tống chúng đến trường, việc này khiến cho việc đưa đón trở nên gọn nhẹ hơn, cần ít mật vụ, xe cộ và súng ống hơn.
Mẹ tôi không muốn dọn đến Washington ở cùng chúng tôi, nhưng tôi đã ép bà. Malia và Sasha cần bà ngoại. Tôi cần mẹ. Tôi tin là bà cũng cần chúng tôi. Trong vài năm vừa qua, mẹ đã gần như hiện diện từng ngày trong cuộc sống của chúng tôi, tính thực tế của mẹ giúp xoa dịu mọi âu lo của chúng tôi. Ở tuổi bảy mươi mốt, mẹ chưa từng sống ở đâu khác ngoài Chicago. Bà không muốn rời South Side và ngôi nhà trên Đại lộ Euclid. (“Tôi yêu con cháu và con rể tôi, nhưng tôi cũng yêu ngôi nhà của mình”, mẹ chẳng thèm giấu giếm gì cả mà đã trả lời thẳng thắn như thế với một phóng viên sau ngày bầu cử. “Nhà Trắng khiến tôi liên tưởng tới viện bảo tàng, mà làm sao có thể ngủ được trong một bảo tàng cơ chứ?”)
Tôi ra sức giải thích rằng nếu dọn đến Washington, mẹ sẽ gặp đủ kiểu người thú vị, bà chẳng phải nấu nướng hay tự lau dọn một mình nữa, và ở tầng trên cùng của Nhà Trắng có nhiều phòng hơn ở nhà. Những điều ấy không có ý nghĩa gì với mẹ. Mẹ tôi vô nhiễm trước mọi lối sống xa hoa và thời thượng.
Cuối cùng tôi gọi điện cho anh Craig. “Anh phải nói chuyện với mẹ cho em”, tôi nói. “Hãy thuyết phục mẹ đến ở với bọn em”.
Và thế là có kết quả. Anh Craig giỏi ở khoản thuyết phục những khi cần thiết.
Thế là suốt tám năm sau đó mẹ tôi đã sống cùng với gia đình chúng tôi ở Washington, nhưng vào thời điểm đó, mẹ miễn cưỡng nói rằng mẹ chỉ ở tạm mà thôi, rằng mẹ chỉ ở đó đến khi hai đứa cháu ổn định. Mẹ cũng từ chối bị nhét vào bất kỳ cái “bong bóng” nào. Bà không nhận sự bảo vệ của mật vụ và tránh gặp gỡ truyền thông để không phải trở nên nổi tiếng và tránh phiền phức. Mẹ đã làm xiêu lòng nhân viên tạp vụ Nhà Trắng bằng việc nhất quyết tự mình giặt ủi, và trong nhiều năm mẹ đã ra vào tòa nhà theo ý thích của mình, đi bộ ra khỏi cổng và đến cửa hàng dược mỹ phẩm CVS hay hệ thống chuỗi cửa hàng Filene’s Basement gần nhất mỗi khi cần mua một món gì đó, kết bạn mới và thường xuyên dùng bữa trưa với họ. Bất cứ khi nào có người nói rằng mẹ giống hệt mẹ của Michelle Obama, mẹ chỉ nhún vai lịch sự và đáp, “Ừ, ai cũng nói như vậy”. Mẹ tôi có cách làm riêng của mình, lúc nào cũng thế.
CẢ GIA ĐÌNH TÔI đều đến dự lễ nhậm chức của Barack. Các cô dì, chú bác, anh chị em họ của tôi cũng đến. Bạn bè chúng tôi ở Công viên Hyde cũng đến, cả những cô bạn gái của tôi ở Chicago và chồng họ. Ai cũng dẫn con cái theo cùng. Chúng tôi đã chuẩn bị những bữa tiệc cho người lớn và trẻ em trong suốt tuần lễ nhậm chức, gồm cả một buổi hòa nhạc dành cho trẻ em, một bữa trưa dành riêng cho bọn trẻ diễn ra song song với tiệc trưa truyền thống tại Điện Capitol ngay sau nghi thức tuyên thệ, và một cuộc truy lùng kho báu và tiệc thiếu nhi tại Nhà Trắng diễn ra song song với dạ tiệc mừng nhậm chức.
Một trong những phúc lành bất ngờ vào mấy tháng cuối cùng của cuộc vận động tranh cử chính là sự hòa hợp hết sức tự nhiên của chúng tôi với gia đình Joe Biden. Dù từng là đối thủ chính trị mới vài tháng trước đó, nhưng giờ đây Barack và Joe có mối quan hệ tốt đẹp một cách tự nhiên, cả hai dễ dàng chuyển đổi qua lại giữa một bên là sự nghiêm túc trong công việc và một bên là sự thoải mái của gia đình.
Tôi thích Jill, vợ của Joe, ngưỡng mộ sự kiên cường thầm lặng và thái độ nghiêm túc trong công việc của chị. Chị kết hôn với Joe và trở thành mẹ kế của hai con trai của ông vào năm 1977, năm năm sau khi người vợ đầu tiên và con gái nhỏ của Joe qua đời trong một vụ tai nạn giao thông thương tâm. Về sau, họ có một cô con gái chung. Jill vừa nhận bằng tiến sĩ về giáo dục và đã giảng dạy môn tiếng Anh tại một trường cao đẳng cộng đồng ở Delaware không chỉ trong thời gian Joe làm thượng nghị sĩ, mà còn qua suốt hai chiến dịch tranh cử tổng thống của anh. Cũng như tôi, chị hứng thú với việc tìm cách hỗ trợ các gia đình có thân nhân tại ngũ. Khác với tôi, chị có một mối gắn kết tình cảm trực tiếp với vấn đề này: Beau Biden, con trai lớn của Joe, đang đóng quân tại Iraq trong lực lượng Vệ binh Quốc gia. Cậu đã được phê duyệt một kỳ nghỉ ngắn ngày để về Washington chứng kiến cha mình tuyên thệ trở thành phó tổng thống.
Và có cả năm đứa cháu nội của nhà Biden, tất cả đều cởi mở và khiêm tốn như ông bà Joe và Jill của chúng. Chúng đã từng có mặt tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ ở Denver và cuốn cả Sasha lẫn Malia vào sự huyên náo của mình, rủ hai đứa ngủ lại tại phòng khách sạn của Joe, vui vẻ kết bạn mới đến mức quên bẵng không khí chính trị xung quanh. Chúng tôi lúc nào cũng biết ơn khi có bọn trẻ nhà Biden ở bên.
Ngày Nhậm chức lạnh cắt da, nhiệt độ không bao giờ lên quá không độ C và gió còn góp phần làm cho nhiệt độ như xuống gần mức âm mười độ C. Sáng hôm đó, Barack và tôi đến nhà thờ với hai đứa trẻ, mẹ tôi, Craig và Kelly, Maya và Konrad, và Má Kaye. Lúc đó, chúng tôi nghe nói người ta đã xếp hàng ở khu công viên National Mall từ trước bình minh, tụ tập thành từng nhóm trong lúc chờ đợi những hoạt động của lễ nhậm chức bắt đầu. Tôi sẽ không bao giờ quên cái lạnh ngày hôm đó, cũng như sẽ nhớ mãi chừng đó con người đã đứng ngoài trời trước tôi hàng giờ đồng hồ với niềm tin rằng sự chờ đợi đó xứng đáng để họ chịu đựng thời tiết giá lạnh này. Về sau chúng tôi biết được rằng gần hai triệu người đã đổ về công viên vào ngày hôm đó từ khắp mọi miền đất nước, kéo dài suốt hơn một cây số từ Điện Capitol đến quá Đài tưởng niệm Washington - họ là một biển người đa dạng màu da, tràn đầy hưng phấn và hy vọng.
Sau lễ nhà thờ, Barack và tôi đến Nhà Trắng để gia nhập cùng Joe và Jill, Tổng thống Bush, Phó tổng thống Dick Cheney và phu nhân của họ, tất cả tập hợp lại để dùng cà phê và trà trước khi cùng theo đoàn xe đến Điện Capitol để cử hành lễ tuyên thệ. Barack đã nhận mã ủy quyền cho phép anh tiếp nhận kho vũ khí hạt nhân của nước Mỹ và một bản tóm tắt quy trình sử dụng chúng. Từ giờ trở đi, đi đến đâu anh cũng sẽ được một sĩ quan quân đội bám sát, mang theo một chiếc vali hai mươi ký chứa mã phóng đầu đạn hạt nhân cùng những thiết bị thông tin liên lạc tân tiến, thường được gọi là “vali hạt nhân”. Trọng trách đó cũng thật nặng nề.
Với tôi, lễ nhậm chức đã trở thành một trong những trải nghiệm kỳ lạ và diễn ra như một đoạn phim chiếu chậm, một trải nghiệm có quy mô quá lớn đến mức tôi không thể xử lý hết thông tin về những gì đang diễn ra. Chúng tôi được dẫn vào một căn phòng riêng ở Điện Capitol trước giờ lễ để hai cô con gái dùng một ít thức ăn vặt và Barack có thêm vài phút cùng tôi dợt lại cách đặt tay lên quyển Kinh thánh nhỏ màu đỏ mà cách đây một trăm năm mươi năm Tổng thống Abraham Lincoln từng sở hữu. Cùng thời điểm đó, nhiều bạn bè, họ hàng và đồng nghiệp của chúng tôi đang tìm chỗ ngồi ở khán đài bên ngoài. Tôi nhận ra rằng có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử có nhiều người da màu như thế ngồi trước công chúng và trước khán giả truyền hình trên toàn thế giới, được thừa nhận là thượng khách tại buổi lễ nhậm chức tổng thống của nước Mỹ.
Barack và tôi đều biết rõ ý nghĩa của ngày này đối với rất nhiều người Mỹ, nhất là những người đã tham gia phong trào bảo vệ dân quyền. Barack quyết định mời Tuskegee Airmen, những phi công và nhân viên mặt đất người Mỹ gốc Phi đã làm nên lịch sử khi tham chiến trong Chiến tranh Thế giới thứ hai đến tham dự buổi lễ. Anh cũng mời nhóm Little Rock Nine, nhóm chín sinh viên da đen đầu tiên đã thể nghiệm phán quyết của Tòa án tối cao trong vụ Brown v. Board of Education bằng cách đăng ký theo học tại một trường trung học toàn người da trắng tại Arkansas vào năm 1957, chịu đựng rất nhiều ngày tháng bạo lực và bị bắt nạt để đấu tranh cho một mục đích cao đẹp hơn. Nay họ đã là các cư dân cao tuổi, tóc họ đã ngả muối tiêu và vai đã xụi xuống - dấu vết của hàng chục năm đã qua và có lẽ cũng vì gánh nặng mà họ đã mang vác vì thế hệ tương lai. Barack thường nói rằng anh ấy muốn leo lên những bậc thang Nhà Trắng vì Little Rock Nine đã dám leo những bậc thang của trường trung học Central. Trong tất cả những sự tiếp nối mà chúng tôi đang duy trì, có lẽ đây chính là thứ quan trọng nhất.
Đúng chính ngọ hôm đó, chúng tôi đứng trước toàn thể nước Mỹ cùng hai cô con gái. Tôi thật sự chỉ nhớ được những chi tiết nhỏ nhất - ánh mặt trời sáng rực trên vầng trán của Barack khi đó, sự yên lặng trang nghiêm bao trùm đám đông khi chánh án Tòa án tối cao, John Roberts, bắt đầu cử hành nghi lễ. Tôi nhớ Sasha, khi đó còn quá nhỏ nên dễ dàng lọt thỏm giữa một biển người lớn xung quanh, đã tự hào đứng trên một chiếc ghế kê chân để người khác trông thấy mình. Tôi nhớ không khí thật trong lành. Tôi nâng quyển Kinh thánh của Lincoln, và Barack đặt tay trái của anh lên nó rồi đọc lời thề bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ - trang trọng tiếp nhận mọi vấn đề của quốc gia chỉ với một vài câu nói ngắn. Đó vừa là gánh nặng vừa là niềm hân hoan, một cảm giác tương tự lặp lại trong bài diễn văn nhậm chức mà Barack trình bày sau đó.
Anh nói, “Hôm nay chúng ta tập hợp tại đây vì chúng ta đã chọn hy vọng thay vì sợ hãi, chọn mục tiêu thống nhất thay vì xung đột và bất hòa”.
Tôi thấy sự thật đó được phản ánh rất nhiều lần trên khuôn mặt của những con người đứng run rẩy trong gió lạnh chỉ để chứng kiến lễ nhậm chức. Nhìn đến đâu tôi cũng thấy đông đảo người đứng. Họ lấp đầy từng tấc đất trong khu công viên National Mall và lối diễu hành. Tôi cảm thấy như thể gia đình mình như sắp sửa rơi thẳng vào vòng tay họ. Tất cả chúng tôi đang thiết lập một hiệp ước. Các bạn giúp chúng tôi; chúng tôi giúp các bạn.
MALIA VÀ SASHA nhanh chóng học được thế nào là cuộc sống dưới mắt công chúng. Tôi nhận thấy điều này khi chúng tôi bước vào chiếc limo tổng thống, dẫn đầu đoàn diễu hành và bắt đầu chạy chầm chậm đến Nhà Trắng. Khi đó, Barack và tôi đã tạm biệt George và Laura Bush, vẫy tay chào khi họ được trực thăng của thủy quân lục chiến chở đi khỏi Điện Capitol. Chúng tôi cũng đã dùng bữa trưa. Barack và tôi được ăn món ức vịt tại một sảnh lát đá cẩm thạch trang trọng bên trong Điện Capitol với hàng trăm khách, bao gồm nội các mới của anh, các thành viên của Quốc hội và các thẩm phán của Tòa án tối cao, trong lúc Malia và Sasha đang chén món khoái khẩu của mình - gà lăn bột, mì ống và phô mai - cùng bọn trẻ nhà Biden và một nhóm anh chị em họ ở căn phòng gần bên.
Tôi ngạc nhiên khi thấy hai cô con gái của mình xử sự hoàn hảo suốt buổi lễ nhậm chức, chúng không tỏ ra bồn chồn, uể oải hay quên phải mỉm cười. Chúng tôi vẫn còn hàng ngàn người đang quan sát từ hai bên đường và trên truyền hình khi đoàn xe lăn bánh đến Đại lộ Pennsylvania, dù cửa sổ kính râm của xe khiến người ta khó nhìn thấy những gì bên trong. Khi Barack và tôi bước ra để đi bộ một quãng ngắn trên đoạn đường diễu hành và vẫy chào công chúng, Malia và Sasha ở lại trong chiếc limo ấm áp vẫn đang rì rì chạy. Có vẻ khi đó chúng đã nhận ra là cuối cùng chúng cũng được ở một mình và không bị dòm ngó nữa.
Khi vợ chồng chúng tôi trở lại xe, hai đứa trẻ bắt đầu lột nón ra, nghịch tóc của nhau và hăm hở lao vào trận chiến cù nhau theo kiểu chị em gái hay làm. Cuối cùng chúng cũng mệt nhoài nên đã nằm dài trên băng ghế đợi về nhà suốt chặng đường còn lại, mở lớn nhạc Beyoncé trên dàn âm thanh của xe như những ngày xưa.
Barack và tôi đều cảm nhận một sự nhẹ nhõm ngọt ngào vào thời điểm ấy. Chúng tôi đang là gia đình tổng thống, nhưng vẫn là chính mình.
Khi mặt trời bắt đầu lặn trong ngày nhậm chức hôm đó, nhiệt độ càng hạ thấp hơn nữa. Barack và tôi, cùng Joe Biden không-biết-mệt, đã dành hai giờ đồng hồ sau đó đứng trên bục quan sát đặt trước Nhà Trắng, nhìn các ban nhạc và xe diễu hành từ toàn bộ năm mươi tiểu bang đi qua trước mặt trên Đại lộ Pennsylvania. Đến một lúc nào đó, tôi không còn cảm giác ở đầu ngón chân nữa, kể cả khi ai đó đã trao cho tôi một chiếc mền trùm chân. Lần lượt từng vị khách trên bục xin phép vào trong để chuẩn bị cho buổi dạ vũ.
Gần bảy giờ tối, ban nhạc diễu hành cuối cùng cũng diễn xong, Barack và tôi đi qua màn đêm để vào Nhà Trắng, lần đầu xuất hiện trong tòa nhà với tư cách cư dân sinh sống ở đó. Chỉ trong buổi chiều, các nhân viên đã làm một cú thay đổi ngoạn mục tư dinh của chúng tôi từ đầu tới chân, dọn những vật dụng của gia đình Bush ra ngoài và thay tất cả bằng đồ đạc của chúng tôi. Trong vòng năm giờ đồng hồ, các tấm thảm đã được hấp toàn bộ để loại bỏ mọi vết tích của mấy chú chó nhà Bush để Malia không bị dị ứng. Nội thất được mang vào và bố trí trong nhà, cây cỏ trang trí được bày ra. Khi chúng tôi dùng thang máy lên lầu, quần áo của chúng tôi đã được sắp xếp gọn gàng trong tủ áo; quầy bếp đã chất đầy những món ăn yêu thích của chúng tôi. Các quản gia thường trú của Nhà Trắng, hầu hết là người Mỹ gốc Phi trạc tuổi chúng tôi hoặc lớn hơn, luôn trực sẵn để giúp chúng tôi bất cứ điều gì.
Tôi lạnh đến nỗi gần như không thể nuốt thứ gì vào bụng. Trong chưa đầy một giờ nữa chúng tôi sẽ phải tham gia buổi dạ vũ đầu tiên trong tổng cộng mười vũ hội mừng lễ nhậm chức. Ngoài những người quản gia khi đó hãy còn xa lạ với tôi thì tôi thấy rất ít người trên nhà. Thật sự thì tôi nhớ mình đã cảm thấy đôi chút cô đơn khi bước dọc theo hành lang, băng qua một loạt những cánh cửa đang khép. Hai năm qua tôi luôn có người vây quanh, có Melissa, Katie và Kristen ngay bên cạnh. Giờ đây tôi chợt cảm thấy cô độc. Hai đứa trẻ đã đến một khu vực khác của tòa nhà để vui đùa suốt buổi tối. Mẹ tôi, anh Craig và Maya ở cùng chúng tôi ngay trong tòa nhà nhưng đã được mời vào xe và chở đến những bữa tiệc của đêm hôm đó. Một thợ làm tóc đang chờ tạo kiểu tóc cho tôi; bộ đầm dạ hội tôi sẽ mặc đang được treo trên giá. Barack đã đi tắm để mặc bộ tuxedo của anh.
Đó là một ngày tuyệt vời và trọng đại đối với gia đình chúng tôi, và tôi hy vọng cả đối với đất nước, nhưng đồng thời cũng là một cuộc siêu marathon. Tôi chỉ có vỏn vẹn chừng năm phút để ngâm nước ấm và sẵn sàng cho những sự kiện kế tiếp. Sau đó, tôi ăn vài miếng thịt nướng và khoai tây mà Sam Kass đã chuẩn bị. Tôi được chải tóc và trang điểm lại, rồi tôi khoác bộ đầm voan mình đã chọn, đó là bộ trang phục được một nhà thiết kế trẻ tên Jason Wu tạo riêng cho tôi. Chiếc đầm chỉ có một dây vai và được đính những bông hoa tinh tế bằng vải lụa, mỗi bông hoa có một viên pha lê nhỏ đặt chính giữa, tà váy dài rũ xuống sàn nhà.
Tính tới thời điểm đó, tôi chỉ mới diện qua một vài tấm váy dạ hội, nhưng tác phẩm của Jason Wu đã mang đến một phép màu nho nhỏ, khiến tôi cảm thấy nhẹ nhàng, xinh đẹp và cởi mở trở lại, ngay cả khi tôi bắt đầu nghĩ mình quá mệt mỏi đến mức không thể làm gì thêm nữa. Chiếc váy đã gợi nhớ sự biến đổi đẹp như mơ của gia đình tôi, hồi sinh sự hứa hẹn mà toàn bộ trải nghiệm này mang lại - nếu nó không biến được tôi thành nàng công chúa đẹp rạng rỡ của buổi dạ tiệc, thì chí ít cũng thành một người phụ nữ có khả năng bước lên một sân khấu khác. Tôi giờ đây là FLOTUS(1) - Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ - của POTUS(2) - Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Đã đến lúc để ăn mừng.
Đêm đó, Barack và tôi đến Vũ hội Neighborhood, vũ hội nhậm chức đầu tiên mà công chúng có thể tham gia với chi phí vừa túi tiền, và là nơi Beyoncé - Beyoncé bằng xương bằng thịt - trình diễn bản R&B kinh điển “At Last” mà chúng tôi đã chọn làm bản “vũ điệu khai màn”. Sau đó, chúng tôi sang Vũ hội Home States, và sau đó nữa là Vũ hội Commander in Chief, rồi lại sang Vũ hội Youth và thêm sáu vũ hội khác nữa. Thời gian ở từng vũ hội của chúng tôi tương đối ngắn và gần như y hệt nhau: Ban nhạc trình diễn bài “Hail to the Chief”, Barack phát biểu vài lời, hai chúng tôi cố bày tỏ sự trân trọng của mình dành cho những người tham dự, và chúng tôi sẽ chầm chậm nhảy bản “At Last” thêm một lần nữa trong khi mọi người đứng xem.
Mỗi lần như thế tôi lại ôm lấy chồng mình và tìm sự điềm tĩnh trong mắt anh. Chúng tôi vẫn là cặp đôi cò cưa, một-âm-một-dương suốt hai mươi năm qua và vẫn gắn bó bên nhau bằng một tình yêu vững bền. Đây chính là một điều mà tôi luôn sẵn lòng thể hiện.
Tuy nhiên, khi đêm về khuya, tôi cảm thấy mình bắt đầu kiệt sức.
Phần hay nhất của đêm đó là phần diễn ra sau cùng - một bữa tiệc riêng được tổ chức cho vài trăm bạn bè của chúng tôi ở Nhà Trắng. Chính tại đây chúng tôi mới có thể thả lỏng, uống một chút champagne và ngừng lo lắng về diện mạo của mình. Chắc chắn tôi sẽ tháo giày ra.
Chúng tôi đến bữa tiệc đó vào khoảng hai giờ sáng. Barack và tôi băng qua sàn nhà cẩm thạch dẫn đến Phòng Đông và thấy bữa tiệc đang hồi tưng bừng, thức uống cứ chảy tràn và mọi người đang khiêu vũ dưới những ngọn đèn chùm lung linh trong những bộ trang phục nhã nhặn. Wynton Marsalis cùng ban nhạc đang trình diễn nhạc jazz trên sân khấu nhỏ ở cuối phòng. Tôi thấy những người bạn đến từ gần như mọi giai đoạn cuộc đời mình - bạn bè ở Princeton, Harvard, Chicago, họ hàng nhà Robinson và nhà Shields. Họ là những người mà tôi muốn được cùng cười đùa và nói, Làm thế nào mà tất cả chúng ta đến được đây?
Nhưng tôi đã kiệt sức. Tôi đã chạm tới ngưỡng cuối cùng. Tôi cũng nghĩ về kế hoạch trước mắt, rằng sáng hôm sau - thật ra chỉ còn ít giờ đồng hồ nữa - chúng tôi sẽ phải tham dự Ngày Quốc gia Cầu nguyện, và sau đó chúng tôi sẽ đứng và chào đón hai trăm người đến tham quan Nhà Trắng. Barack nhìn tôi, anh đọc được ý nghĩ của tôi. “Em không cần phải tham dự đâu”, anh nói. “Không sao mà.”
Người dự tiệc đang ùa về phía tôi, háo hức muốn được tiếp xúc. Đây là một mạnh thường quân. Và đây là thị trưởng một thành phố lớn. “Michelle! Michelle!”, mọi người gọi tên tôi. Tôi mệt mỏi đến nỗi tôi nghĩ mình đã có thể bật khóc.
Khi Barack bước qua cửa và nhanh chóng mất hút giữa đám đông trong phòng, tôi lặng người một tí, rồi xoay người thật nhanh và quyết định “bỏ trốn”. Tôi thậm chí không còn năng lượng để nói lời xin lỗi đúng kiểu Đệ nhất Phu nhân hoặc vẫy tay tạm biệt bạn bè mình. Tôi chỉ bỏ đi thật nhanh, mặc kệ những mật vụ lẽo đẽo theo sau, mặc kệ mọi thứ. Tôi tìm thấy thang máy dẫn lên “nhà”, bước vào đó để đến một hành lang xa lạ và vào một căn phòng xa lạ, cởi bỏ đôi giày và chiếc váy vũ hội rồi ngã vật xuống chiếc giường mới xa lạ của chúng tôi.
(1) FLOTUS: viết tắt của First Lady of the United States - Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ.
(2) POTUS: viết tắt của President of the United States - Tổng thống Hoa Kỳ.