NHIỀU NGƯỜI HỎI cuộc sống trong Nhà Trắng có cảm giác như thế nào. Đôi khi tôi nói rằng nó có đôi chút giống những gì tôi hình dung về cuộc sống trong một khách sạn sang trọng, chỉ khác là khách sạn ấy không có vị khách nào khác mà chỉ có tôi với gia đình mình. Hoa tươi được trưng khắp nơi và được thay mới gần như mỗi ngày. Bản thân tòa nhà có cảm giác cũ kỹ và hơi đáng sợ. Các bức tường quá dày và các tấm ốp sàn cứng đến nỗi tiếng động bị hút đi rất nhanh. Những ô cửa sổ rất to, cao và được trang bị kính chống bom, luôn đóng chặt vì lý do an ninh, vì thế càng khiến không khí thêm tĩnh lặng. Nơi đây được giữ sạch sẽ không một hạt bụi. Đội ngũ nhân viên ở đây bao gồm lễ tân, đầu bếp, quản gia, thợ cắm hoa và cả thợ điện, thợ sơn, thợ ống nước, mọi người đến và đi hết sức lịch sự và khẽ khàng, cố gắng hết sức để không gây chú ý, họ chờ đến khi bạn đã ra khỏi phòng mới vào thay khăn tắm hay đặt một bình hoa tươi vào chậu hoa bé xíu cạnh giường.
Tất cả các căn phòng đều lớn. Thậm chí phòng tắm và tủ quần áo cũng rộng hơn tưởng tượng. Barack và tôi ngạc nhiên với số lượng đồ nội thất mà chúng tôi phải bỏ bớt ra ngoài để có thể khiến từng căn phòng có vẻ gần gũi hơn. Phòng ngủ chúng tôi không chỉ có một chiếc giường cỡ đại - một chiếc giường khung tuyệt đẹp có trần phủ vải màu lúa mạch - mà còn một lò sưởi và một khu vực để ngồi tiếp khách, nơi có trường kỷ, bàn trà và một vài chiếc ghế bọc vải. Có năm phòng tắm cho năm người chúng tôi, thêm mười phòng tắm khác kèm theo. Tôi không chỉ có một tủ quần áo mà có cả một căn phòng thay đồ - căn phòng mà tại đó Laura Bush đã chỉ tôi nhìn ra Vườn Hồng. Về sau, căn phòng này đã trở thành văn phòng làm việc của riêng tôi, nơi tôi có thể yên tĩnh ngồi đọc sách, làm việc, hay xem ti-vi trong trang phục áo thun, quần thể thao và cảm thấy thoải mái khi được thoát khỏi ánh mắt của mọi người.
Tôi hiểu chúng tôi may mắn nhường nào mới có được cuộc sống như vậy. Dãy phòng chính của gia đình tổng thống rộng hơn toàn bộ căn hộ tầng trên mà nhà tôi đã từng ở hồi tôi còn nhỏ tại Đại lộ Euclid. Có một bức tranh của Monet treo bên ngoài cửa phòng ngủ của tôi và một pho tượng đồng của Degas trong phòng ăn. Tôi là một đứa trẻ lớn lên ở vùng South Side, và giờ đây tôi đang nuôi dạy hai cô con gái trong những căn phòng được thiết kế bởi một nhà thiết kế nội thất cao cấp và có thể yêu cầu đầu bếp làm bữa sáng theo ý mình.
Đôi khi tôi nghĩ về những chuyện đó, và nó khiến tôi hơi choáng váng.
Theo cách riêng của mình, tôi tìm cách làm nhẹ nhàng đi các quy tắc của nơi này. Tôi nói rõ với nhân viên phục vụ phòng rằng con gái tôi sẽ tự dọn giường mỗi sáng, như chúng vẫn làm hồi còn ở Chicago. Tôi cũng bảo Malia và Sasha cư xử như trước giờ vẫn thế - lịch sự và biết ơn, không nhờ vả hay yêu cầu bất cứ thứ gì ngoại trừ những thứ cần thiết hoặc tự mình không thể làm được. Nhưng có một điều cũng quan trọng đối với tôi, đó là con gái chúng tôi cảm thấy không bị bó buộc bởi một số quy tắc cố hữu của nơi này. Ừ, các con có thể ném bóng ở hành lang, tôi nói với chúng. Ừ, các con có thể lục tung tủ bếp để tìm thức ăn vặt. Tôi bảo đảm chúng biết mình chẳng cần phải xin phép ai để ra ngoài chơi đùa. Một chiều nọ, giữa cơn bão tuyết, tôi rất vui khi nhìn ra cửa sổ và thấy hai đứa đang trượt tuyết ở Bãi cỏ phía Nam bằng những tấm khay nhựa mà nhân viên nhà bếp đã cho mượn để làm ván trượt.
Trên thực tế, trong tất cả những chuyện này thì hai đứa trẻ và tôi chỉ là vai phụ, là những người đang thụ hưởng sự xa hoa mà nhờ Barack chúng tôi mới có được - chúng tôi quan trọng vì hạnh phúc của chúng tôi gắn với hạnh phúc của anh; chúng tôi được bảo vệ vì một lý do, đó là nếu sự an toàn của chúng tôi không được đảm bảo thì anh ấy cũng không thể tập trung suy nghĩ và lèo lái đất nước này. Nhà Trắng vận hành với mục đích công khai là tối ưu hóa sự an toàn, hiệu quả và quyền lực chung của một người - và người đó chính là tổng thống. Barack giờ đây được bao quanh bởi những con người mà nhiệm vụ của họ là đối xử với anh như với một viên ngọc quý. Đôi khi điều này khiến tôi có cảm tưởng như trở về một thời đại xưa cũ nào đó, khi một gia đình chỉ xoay quanh các nhu cầu của người đàn ông, và điều này trái ngược với những gì tôi muốn các con của mình xem là lẽ thường. Chính Barack cũng không thấy thoải mái với mọi sự chú ý dành cho mình, nhưng anh không thể làm gì được trong chuyện này.
Giờ đây anh ấy có khoảng năm mươi nhân viên đọc và trả lời mail. Anh ấy có đội phi công trực thăng thuộc lực lượng thủy quân lục chiến luôn sẵn sàng đưa anh đi bất cứ nơi đâu anh cần, một nhóm sáu người chuyên sắp xếp những quyển sách tóm tắt để anh ấy có thể theo kịp các vấn đề đang xảy ra và đưa ra các quyết định được suy xét đầy đủ. Anh ấy có một đội ngũ đầu bếp chăm lo vấn đề dinh dưỡng, một nhóm những nhân viên chuyên mua sắm tạp hóa để giữ cho chúng tôi an toàn trước bất kỳ hành vi đầu độc thực phẩm nào, bằng cách lẳng lặng mua sắm tại nhiều cửa hàng khác nhau mà chẳng bao giờ tiết lộ cho người ta biết mình làm việc cho ai.
Từ khi quen biết Barack, tôi hiểu anh chưa bao giờ cảm thấy có hứng thú với việc mua sắm, nấu nướng, hay duy tu nhà cửa dưới bất kỳ hình thức nào. Anh không phải kiểu người có sẵn các dụng cụ cơ bản ở dưới tầng hầm hay giũ bỏ căng thẳng từ công việc bằng cách làm món cơm Ý hay tỉa tót hàng rào. Đối với anh, được gạt bỏ toàn bộ những trách nhiệm và lo toan liên quan đến nhà cửa hoàn toàn khiến anh hạnh phúc, chỉ vì điều đó có thể giải phóng đầu óc của anh, giúp anh có thể nghĩ đến những vấn đề to tát hơn, mà anh thì lại có rất nhiều vấn đề như vậy.
Khôi hài nhất với tôi chính là việc giờ đây anh ấy có ba người hầu cận chuyên coi sóc tủ quần áo của anh ấy, bảo đảm giày của anh luôn sáng bóng, áo sơ mi được ủi phẳng, quần áo tập thể dục luôn sạch sẽ và gấp gọn. Cuộc sống ở Nhà Trắng rất khác cuộc sống trong “cái ổ” của anh.
“Em thấy bây giờ anh gọn gàng chưa?”, Barack nói với tôi vào một ngày nọ, khi chúng tôi ngồi ăn sáng với nhau, ánh mắt anh vui vẻ. “Em có nhìn tủ quần áo của anh chưa?”
“Rồi,” tôi mỉm cười đáp lại anh. “Và anh hoàn toàn không có công trong chuyện đó.”
TRONG THÁNG ĐẦU tại vị, Barack đã ký Luật Lilly Ledbetter Fair Pay giúp bảo vệ người lao động không gặp tình trạng phân biệt mức lương vì các yếu tố như giới tính, chủng tộc hay độ tuổi. Anh yêu cầu chấm dứt việc sử dụng hình thức tra tấn trong quá trình thẩm vấn và bắt đầu một nỗ lực (rốt cuộc bất thành) nhằm đóng cửa nhà tù tại Vịnh Guantánamo trong vòng một năm. Anh rà soát lại các quy tắc đạo đức về tương tác giữa nhân viên Nhà Trắng với những nhà vận động hành lang, và quan trọng hơn cả, anh đã thúc đẩy Quốc hội thông qua một đạo luật kích thích kinh tế, dù không có một đại biểu nào của Đảng Cộng hòa trong Hạ viện ủng hộ. Theo quan điểm của tôi, anh có vẻ đang làm nên chuyện. Sự thay đổi mà anh ấy đã hứa đang trở thành hiện thực.
Một điểm cộng nữa là anh ấy có mặt đúng giờ ăn tối.
Với tôi và hai đứa nhỏ, đây là một thay đổi đáng mừng và bất ngờ đến từ việc sống trong Nhà Trắng với tổng thống nước Mỹ, thay vì sống ở Chicago với người cha làm việc ở Thượng viện xa xôi nào đó và thường vắng nhà để đi vận động tranh cử cho một vị trí cao hơn. Cuối cùng chúng tôi cũng tiếp xúc được với một người cha thật sự. Cuộc sống của anh giờ đã quy củ hơn. Anh làm việc miệt mài, như xưa nay vẫn thế, nhưng đúng sáu giờ rưỡi tối, anh sẽ vào thang máy và lên lầu để dùng bữa cơm gia đình, ngay cả khi sau đó anh ấy thường phải quay lại Phòng Bầu dục. Mẹ tôi đôi khi cũng dùng bữa cùng chúng tôi, dù bà đã có thói quen sinh hoạt riêng của mình, đó là xuống lầu để chào cả nhà trước khi đưa Malia và Sasha đến trường nhưng rồi quyết định không ở cùng chúng tôi vào buổi tối mà sẽ vừa ăn tối tại phòng đón nắng liền kề với phòng ngủ của bà vừa xem Jeopardy!. Kể cả khi chúng tôi mời bà ở lại, bà thường khoát tay từ chối. “Các con đều cần thời gian riêng”, bà nói.
Trong những tháng đầu tiên ở Nhà Trắng, tôi cảm thấy mình cần phải để mắt đến mọi thứ. Một trong những bài học đầu tiên của tôi là cuộc sống tại đây có thể khá đắt đỏ. Dù chúng tôi không phải trả tiền thuê nhà, còn các khoản điện nước và tiền lương nhân viên đều được chi trả bằng ngân sách, chúng tôi vẫn phải trang trải mọi chi phí sinh hoạt mà dường như tăng lên rất nhanh, đặc biệt là khi mọi thứ đều có chất lượng hạng sang. Chúng tôi nhận hóa đơn liệt kê chi phí hàng tháng cho từng món ăn và từng cuộn giấy vệ sinh đã sử dụng. Chúng tôi thanh toán cho từng người khách ngủ lại qua đêm hay dùng bữa cùng chúng tôi. Và với một đội ngũ đầu bếp đạt chuẩn Michelin(1) luôn háo hức muốn làm đẹp lòng tổng thống, tôi buộc phải để mắt tới những món được nấu. Khi Barack thản nhiên nói anh thích có loại trái cây hiếm lạ nào đó trong bữa sáng hay thích ăn tối với sushi, nhân viên nhà bếp đều lưu ý và thường xuyên cho những món đó xuất hiện trên thực đơn. Chỉ về sau, khi kiểm tra hóa đơn, chúng tôi mới nhận ra một số món trong danh sách ấy đã được chuyên chở thẳng từ nước ngoài sang chỉ để phục vụ ngài tổng thống, với giá “trên trời”.
Tuy nhiên, phần lớn sự quan tâm của tôi trong những tháng đầu tiên ở Nhà Trắng là dành cho Malia và Sasha. Tôi theo dõi tâm trạng của chúng, hỏi han về cảm xúc và các mối tương tác của chúng với những đứa trẻ khác. Tôi cố không phản ứng thái quá mỗi khi nghe chúng kể vừa kết thêm bạn, dù trong lòng tôi vui như mở cờ. Bấy giờ tôi đã hiểu là không có cách nào thoải mái xếp lịch vui chơi giải trí ở Nhà Trắng hay tổ chức các chuyến đi chơi cho bọn trẻ, nhưng dần dần chúng tôi cũng đã tìm được cách.
Tôi được phép sử dụng một chiếc điện thoại BlackBerry cá nhân, nhưng được khuyên hãy giới hạn liên lạc với chỉ khoảng mười người bạn thân thiết nhất - những người yêu thương và ủng hộ tôi mà không có động cơ nào khác. Hầu hết các trao đổi của tôi đều thông qua Melissa, người giờ đây là phó chánh văn phòng của tôi và hiểu rõ những diễn biến cuộc sống của tôi hơn ai hết. Cô giữ liên lạc với tất cả các anh chị em họ của tôi và tất cả bạn bè đại học của tôi. Chúng tôi cho họ điện thoại và email liên lạc của cô thay vì của tôi, đề nghị người ta liên hệ với cô khi cần. Một phần của vấn đề này là do những người quen cũ và họ hàng xa lắc xa lơ bỗng dưng ào ào xuất hiện và nhờ vả đủ thứ. Barack có thể phát biểu tại lễ tốt nghiệp của ai đó hay không? Tôi có thể đọc một bài diễn văn cho một tổ chức phi chính phủ nào đó không? Chúng tôi có thể đến tham gia bữa tiệc này hay lần quyên quỹ kia không? Đa số đều vô hại, nhưng tôi không thể tiếp nhận một lần chừng đó chuyện.
Về phần đời sống hàng ngày của hai cô con gái, tôi thường phải tin tưởng nhờ cậy những nhân viên trẻ giúp đỡ tôi khâu hậu cần. Đội của tôi đã sớm đến gặp các giáo viên và nhân viên giáo vụ ở trường Sidwell, ghi lại những ngày quan trọng có các sự kiện do trường tổ chức, thông qua quy trình giải quyết thắc mắc từ phía truyền thông, và trả lời các câu hỏi từ phía giáo viên về việc xử lý các chủ đề trên lớp học có liên quan đến chính trị hay tin tức hàng ngày. Khi hai đứa bắt đầu có kế hoạch giao tiếp ngoài phạm vi của trường, trợ lý riêng của tôi (hoặc theo thuật ngữ chính trị gọi là “thân cận”) trở thành đầu mối liên lạc, thu thập số điện thoại của các phụ huynh khác, sắp xếp đưa đón vào những ngày có sinh hoạt ngoại khóa. Như vẫn luôn làm hồi còn ở Chicago, tôi chủ trương tìm hiểu về cha mẹ của các bạn bè mới của cả hai đứa con, mời một vài người mẹ đến dùng bữa trưa và gặp gỡ số khác trong các sự kiện tại trường. Tôi phải thừa nhận các mối quan hệ đó có thể rất khó xử. Tôi biết đôi khi phải mất một chút thời gian thì những người mới quen mới gạt bỏ những suy nghĩ họ có về tôi và Barack, những gì họ nghĩ đã biết về tôi qua ti-vi hay qua các bản tin, để đơn giản chỉ xem tôi là mẹ của Malia hay Sasha.
Đôi khi tôi cảm thấy thật bối rối khi phải giải thích với mọi người rằng trước khi Sasha có thể đến dự tiệc sinh nhật của bé Julia, nhân viên mật vụ sẽ cần ghé qua và tiến hành một cuộc kiểm tra an ninh. Cũng thật lúng túng khi phải lấy số an sinh xã hội của bất kỳ bậc cha mẹ hay người nuôi dưỡng của đứa trẻ nào đó sắp sang nhà chúng tôi chơi. Đó là những chuyện khó xử và gây bối rối nhưng lại luôn cần thiết. Tôi không thích phải vượt qua cái ranh giới kỳ lạ này mỗi khi gặp gỡ người mới quen, nhưng tôi an tâm hơn khi thấy Sasha và Malia không bị ảnh hưởng bởi ranh giới đó - chúng có thể chạy ra ngoài để chào bạn cùng trường của mình khi các bạn được dắt đến Phòng Tiếp đón ngoại giao - hay Phòng Ngoại giao, như sau này chúng tôi hay gọi - nắm tay nhau và vừa khúc khích cười vừa chạy vào bên trong. Hóa ra bọn trẻ chỉ quan tâm đến chuyện danh tiếng trong ít phút ban đầu gặp mặt. Sau đó thì chúng chỉ muốn được chơi đùa.
TỪ SỚM TÔI ĐÃ NHẬN RA rằng tôi cần phải làm việc với đội ngũ của mình để lên kế hoạch và tổ chức một loạt những bữa tiệc và bữa tối truyền thống, mà trước mắt chính là Vũ hội Governors, một bữa gala trang trọng được tổ chức vào mỗi tháng Hai ở Phòng Đông. Tương tự với Easter Egg Roll(2), một tiệc mừng ngoài trời dành cho gia đình, được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 1878 và có đến hàng ngàn người tham dự. Còn có những tiệc trưa vào mùa xuân mà tôi sẽ tham gia nhằm tôn vinh những người chồng và vợ của các thành viên lưỡng viện - giống bữa tiệc mà ở đó tôi đã thấy Laura Bush luôn mỉm cười trong lúc chụp ảnh lưu niệm với từng vị khách.
Đối với tôi, các sự kiện xã giao này dường như chỉ khiến tôi xao nhãng khỏi những công việc ý nghĩa hơn, nhưng tôi cũng bắt đầu tìm cách cải thiện hoặc làm cho một số sự kiện có vẻ hiện đại hơn, để thay đổi truyền thống, dù chỉ một chút. Nhìn chung, tôi nghĩ cuộc sống trong Nhà Trắng có thể được cải tiến mà không đánh mất bất cứ yếu tố lịch sử hay truyền thống nào của nơi này. Theo thời gian, Barack và tôi sẽ tiến từng bước một theo hướng này, chẳng hạn như chúng tôi treo thêm tranh trừu tượng và tác phẩm của các nghệ sĩ Mỹ gốc Phi lên tường, và kết hợp các món nội thất đương đại với các món đồ cổ. Trong Phòng Bầu Dục, Barack đã thay tượng Winston Churchill bằng tượng Martin Luther King Jr. Và chúng tôi cho phép các quản gia ăn mặc thoải mái hơn vào những ngày không có sự kiện gặp gỡ công chúng nào, trong đó có phương án quần ka-ki và áo đánh gôn thay cho bộ tuxedo trịnh trọng.
Barack và tôi biết rằng mình muốn dân chủ hóa Nhà Trắng, khiến nó giảm bớt sự sang trọng cách biệt và mang lại cảm giác cởi mở hơn. Khi chúng tôi chủ trì một sự kiện nào đó, tôi muốn những người bình thường cũng có thể tham gia, chứ chẳng phải chỉ những người quen thuộc với những bộ tuxedo và váy đầm dạ hội. Và tôi muốn có thêm trẻ con xung quanh, vì bọn trẻ có thể giúp mọi chuyện tốt đẹp hơn. Tôi hy vọng có thể làm cho sự kiện Easter Egg Roll trở nên dễ tiếp cận với nhiều người hơn bằng cách bổ sung thêm các suất tham gia cho các em học sinh trong thành phố và các gia đình quân nhân đến tham gia, cũng như có vé dành riêng cho trẻ em và con cháu của các thành viên Quốc hội và các thượng khách khác. Cuối cùng, nếu tôi có dịp dùng bữa trưa với (hầu hết là) phu nhân của các nghị sĩ lưỡng viện, thì tại sao tôi lại không thể tranh thủ mời họ cùng tham gia một dự án phục vụ cộng đồng trong thành phố?
Tôi biết điều gì quan trọng với mình. Tôi không muốn trở thành một món trang trí đỏm dáng xuất hiện tại các bữa tiệc và lễ khánh thành. Tôi muốn làm những việc có mục đích và có giá trị bền vững. Nỗ lực đầu tiên của mình, tôi đã quyết, chính là dành cho khu vườn.
Tôi không phải là người yêu làm vườn, và chưa từng như thế từ xưa đến nay, nhưng nhờ có Sam Kass và những nỗ lực ăn uống lành mạnh hơn tại nhà của gia đình mình, giờ đây tôi đã biết dâu tây chín mọng vào tháng Sáu, rằng các loại rau có lá sẫm màu hơn có nhiều dưỡng chất hơn, và món cải xoăn đút lò không quá khó làm. Tôi thấy con gái tôi ăn những món như salad đậu hoa và bánh phô mai cải lơ, và hiểu ra rằng cách đây không lâu, những thông tin mà chúng tôi biết về thực phẩm đều thông qua các mẩu quảng cáo của ngành công nghiệp thực phẩm dành cho những món ăn đóng hộp, đông lạnh, hoặc các kiểu thức ăn tiện lợi đã qua chế biến, và chúng sẽ được giới thiệu kèm nhạc nền gây chú ý trên ti-vi hoặc được đóng gói bắt mắt để hướng tới một bậc cha mẹ bận rộn nào đó đang hối hả đến cửa hàng tạp hóa. Chưa có ai thật sự quảng cáo các loại thực phẩm tươi mới và tốt cho sức khỏe - cái cảm giác giòn giòn mà một củ cà rốt tươi rói mang lại hay vị ngọt vô song của trái cà chua vừa được hái trong vườn.
Trồng một khu vườn ở Nhà Trắng là giải pháp của tôi dành cho vấn đề này, và tôi hy vọng điều này sẽ báo hiệu sự khởi đầu của một chương trình có quy mô to lớn hơn. Chính quyền Barack tập trung vào cải thiện khả năng tiếp cận một hệ thống chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền, và với tôi thì khu vườn chính là một cách để truyền đạt thông điệp song song về lối sống lành mạnh. Tôi xem đây là một bài kiểm tra sớm, một hoạt động thử nghiệm có thể giúp tôi xác định những gì mình có thể làm trong vai trò Đệ nhất Phu nhân, một cách để tôi “cắm rễ” vững vàng vào công việc mới này của mình theo đúng nghĩa đen. Với tôi, khu vườn là một lớp học ngoài trời, một nơi mà trẻ con có thể tham quan để học cách gieo trồng thực phẩm. Với người ngoài, làm vườn vừa có vẻ giản dị vừa phi chính trị, một hoạt động vô hại và vô tư của một phu nhân có chiếc xẻng - thứ có thể làm đẹp lòng những vị cố vấn ở Cánh Tây của Barack, những người luôn quan tâm đến “dư luận”, lo lắng về cách mọi thứ sẽ xuất hiện trong mắt công chúng như thế nào.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Tôi dự định sử dụng khu vườn để gợi ra một cuộc đối thoại trong công chúng về dinh dưỡng, nhất là tại trường học và trong gia đình, từ đó dẫn đến những cuộc thảo luận về cách thực phẩm được sản xuất, đóng gói và quảng cáo, cũng như những tác động của các yếu tố đó đến sức khỏe cộng đồng. Và nhân khi nói về những chủ đề đó ở Nhà Trắng, tôi sẽ đưa ra một thách thức ngầm cho những tập đoàn khổng lồ trong ngành công nghiệp thực phẩm và thức uống, cũng như cho cách thức kinh doanh của họ trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Sự thật là tôi không biết mọi chuyện sẽ có kết quả ra sao. Nhưng tôi biết mình đã sẵn sàng tìm câu trả lời khi bắt đầu yêu cầu Sam, người đã gia nhập vào đội ngũ nhân viên Nhà Trắng, bắt tay vào việc xây dựng khu vườn.
Niềm lạc quan của tôi trong những tháng đầu đã giảm xuống vì một nguyên nhân, và đó là chính trị. Giờ đây chúng tôi sống ở Washington, ngay tại điểm giao tranh Dân chủ - Cộng hòa xấu xí mà tôi đã tìm cách né tránh suốt nhiều năm, ngay cả khi Barack quyết định bước vào giữa vòng xoáy đó. Nay anh đã là tổng thống, những thế lực đó hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của anh. Nhiều tuần trước lễ nhậm chức, Rush Limbaugh, người dẫn chương trình phát thanh theo trường phái bảo thủ, đã ác miệng tuyên bố, “Tôi hy vọng Obama thất bại”. Tôi đã ngỡ ngàng khi các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội tát nước theo mưa, họ chống lại từng nỗ lực của Barack trong việc khống chế cuộc khủng hoảng kinh tế, và từ chối ủng hộ các biện pháp hợp lý có thể cắt giảm thuế, gìn giữ hoặc tạo ra hàng triệu công ăn việc làm. Theo một số nguồn tin, vào ngày anh nhậm chức, nền kinh tế Mỹ đang sụp đổ nhanh chẳng kém những ngày đầu của cuộc Đại khủng hoảng, thậm chí còn nhanh hơn. Chỉ riêng tháng Một đã có gần bảy trăm năm mươi ngàn người bị mất việc. Và trong lúc Barack tuyên truyền trong chiến dịch vận động tranh cử rằng có thể tìm thấy điểm chung giữa hai đảng, rằng trong thâm tâm, người Mỹ đoàn kết hơn là chia rẽ, thì Đảng Cộng hòa vẫn cố chứng minh anh ấy sai, ngay trong thời điểm quốc gia lâm nguy.
Tôi đã nghĩ mãi về điều này suốt buổi tối ngày 24 tháng Hai, khi Barack phát biểu tại cuộc họp lưỡng đảng ở Quốc hội. Sự kiện này về cơ bản sẽ thay thế cho Thông điệp Liên bang của tổng thống mới nhậm chức, một dịp để tóm lược các mục tiêu cho năm sắp tới trong một bài diễn văn được truyền hình trực tiếp vào khung giờ cao điểm, phát biểu tại sảnh Hạ viện với sự hiện diện của các thẩm phán Tòa án tối cao, thành viên nội các, các tướng lĩnh quân đội và thành viên Quốc hội. Đây cũng là một truyền thống đầy phô trương mà ở đó các nhà làm luật bày tỏ sự đồng tình hoặc bất đồng với những ý tưởng của tổng thống ngay tức khắc bằng cách liên tục đứng vỗ tay hoặc vẫn ngồi yên với vẻ mặt buồn thảm.
Tối hôm đó tôi chọn cho mình chỗ ngồi trên ban công, giữa một cô bé mười bốn tuổi, người đã viết một lá thư đầy cảm động cho tổng thống, và một cựu chiến binh nhã nhặn trở về từ cuộc chiến Iraq, tất cả chúng tôi đều đang chờ chồng tôi đến. Từ vị trí này, tôi có thể thấy phần lớn khán phòng bên dưới. Đây là một góc nhìn khác thường, góc nhìn toàn cảnh những vị lãnh đạo của đất nước chúng tôi, đa số là những người đàn ông da trắng mặc com-lê đen. Sự kém đa dạng thể hiện rõ mồn một - thành thật mà nói là đáng xấu hổ - cho một quốc gia hiện đại và đa văn hóa. Thực tế ấy còn kịch tính hơn với các đảng viên Đảng Cộng hòa. Vào thời điểm ấy, chỉ có bảy đảng viên Cộng hòa không phải người da trắng trong Quốc hội - không một ai trong số họ là người Mỹ gốc Phi và chỉ có một phụ nữ. Nhìn chung, có bốn trên năm thành viên Quốc hội là nam giới.
Một vài phút sau, sự kiện bắt đầu bằng một tiếng động lớn - tiếng đập búa và hiệu triệu của sĩ quan cảnh vệ. Đám đông đứng dậy, vỗ tay hơn năm phút liên tục khi các lãnh đạo đắc cử tiến đến chỗ của họ ở hai bên lối đi. Ở tâm điểm cơn bão kia chính là Barack, người được vây quanh bởi các chuyên viên an ninh và chuyên viên quay phim, anh bắt tay và tươi cười khi băng qua khán phòng để đến bục phát biểu.
Tôi đã quan sát nghi thức này nhiều lần trước đây trên ti-vi, vào những thời điểm khác với những vị tổng thống khác. Nhưng khi nhìn thấy chính chồng mình đứng giữa đám đông ấy, tôi càng hiểu rõ tầm cỡ của việc này và cái thực tế là anh ấy cần phải chiến thắng hơn một nửa Quốc hội để có thể thông qua bất cứ đạo luật nào chợt trở nên rất thật.
Bài diễn văn của Barack đêm hôm đó rất chi tiết và thận trọng, thừa nhận tình trạng u ám của nền kinh tế, những cuộc chiến đang xảy ra, mối đe dọa từ các vụ tấn công khủng bố và sự tức giận của người Mỹ khi cảm thấy việc chính phủ Mỹ bảo lãnh cho các ngân hàng tuyên bố phá sản là đang tiếp tay cho chính những kẻ phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng tài chính. Anh thận trọng để vừa có cái nhìn thực tế nhưng cũng truyền đạt hy vọng, nhắc nhở người nghe về sự kiên cường của một quốc gia, về khả năng phục hồi sau những thời điểm khó khăn.
Từ ban công, tôi quan sát các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội ngồi yên suốt buổi, họ tỏ vẻ hậm hực và ngoan cố, tay khoanh trước ngực và cố tình tỏ ra nhăn nhó, trông như những đứa trẻ không được làm điều mình muốn. Tôi nhận ra họ sẽ chống lại mọi điều Barack thực hiện, bất kể điều đó có tốt cho đất nước hay không. Cứ như họ đã quên mất một tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa chính là người đã dẫn dắt chúng tôi vào sự hỗn loạn này. Hơn tất thảy, dường như họ chỉ muốn Barack thất bại. Tôi thừa nhận rằng vào thời điểm đó, với góc nhìn đó, tôi thật sự tự hỏi có con đường nào để tiến lên hay không.
HỒI CÒN NHỎ, tôi đã có những ý tưởng mơ hồ về việc làm thế nào để cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn. Hồi ấy tôi thường sang nhà chị em Gore chơi và ghen tị khi gia đình họ có nhà riêng còn gia đình tôi thì không. Tôi cứ mong gia đình tôi có thể mua một chiếc xe ngon lành hơn. Tôi cũng hay để ý một số người bạn có nhiều vòng tay hoặc búp bê Barbie hơn mình, hay ai được mua quần áo tại trung tâm mua sắm thay vì phải mặc quần áo do mẹ may dựa theo các mẫu rập Butterick rẻ tiền ở nhà. Hồi nhỏ, ta học cách đo đếm từ rất lâu trước khi hiểu đúng tầm vóc hay giá trị của một điều gì đó. Sau này, nếu đủ may mắn, ta sẽ biết được rằng mình đã đánh giá sai rất nhiều việc.
Giờ đây chúng tôi đang sống trong Nhà Trắng. Mọi thứ dần trở nên quen thuộc - không phải bởi tôi đã quen với sự rộng lớn của nơi này hay sự xa hoa của lối sống này, mà vì đó là nơi gia đình tôi ngủ, ăn, cười và sinh hoạt. Trong phòng bọn trẻ, chúng tôi đã trưng bày những bộ sưu tập ngày càng nhiều những món đồ lưu niệm mà Barack có thói quen mang về từ những chuyến đi - những quả cầu tuyết cho Sasha, mấy chiếc móc khóa cho Malia. Chúng tôi bắt đầu tạo ra những thay đổi nho nhỏ cho dinh thự này, bổ sung ánh sáng hiện đại song song với những ngọn đèn chùm và nến thơm truyền thống để nơi đây thêm gần gũi. Tôi không bao giờ xem nhẹ sự may mắn hay thoải mái mà chúng tôi có được, nhưng điều mà tôi bắt đầu ngày càng trân trọng hơn chính là tính nhân văn của nơi này.
Kể cả mẹ tôi, người từng ngán ngẩm với vẻ trang nghiêm như bảo tàng của Nhà Trắng, cũng sớm nhận ra nơi này còn nhiều khía cạnh khác. Nhà Trắng có những con người chẳng mấy khác biệt với chúng tôi. Một vài quản gia đã làm việc rất nhiều năm ở đây, săn sóc cho tất cả những gia đình từng sống ở nơi này. Vẻ cung kính thầm lặng của họ làm tôi nhớ bác Terry, người sống ở nhà dưới hồi tôi còn bé ở Đại lộ Euclid, người đã cắt cỏ khi mang giày Tây và quần Âu. Tôi cố gắng bảo đảm rằng những giao tiếp giữa chúng tôi luôn có sự tôn trọng và chân thành. Tôi muốn bảo đảm rằng họ không bao giờ cảm thấy mình như kẻ vô hình. Nếu các quản gia có quan tâm đến chính trị, nếu họ có lòng trung thành riêng dành cho một trong hai chính đảng, thì họ đã giữ kín điều đó. Họ cẩn thận tôn trọng sự riêng tư của chúng tôi, nhưng cũng luôn cởi mở và chào đón, và dần dần chúng tôi trở nên thân thiết hơn. Họ biết khi nào tôi cần thêm không gian hoặc khi nào nên nói đùa nhẹ nhàng. Họ thường hay chê bai đội bóng yêu thích của mình trong nhà bếp, nơi họ thích kể hết cho tôi nghe những tin đồn nóng hổi của nhóm nhân viên hay những thành tích mà cháu họ đạt được trong lúc tôi đọc các tin tức buổi sáng. Nếu có một trận bóng rổ của đội tuyển trường đại học được chiếu trên ti-vi vào buổi tối, Barack đôi khi cũng đến xem cùng với họ trong chốc lát. Sasha và Malia bắt đầu yêu thích bầu không khí vui nhộn trong nhà bếp, chúng thích vào đó để làm sinh tố hay món bắp rang sau khi đi học về. Rất nhiều nhân viên quý mến mẹ tôi và thường ghé bắt chuyện với bà ở phòng đón nắng tầng trên.
Phải mất một thời gian tôi mới có thể nhận ra giọng nói của những tổng đài viên điện thoại khác nhau trong Nhà Trắng, những người gọi đánh thức tôi vào buổi sáng hay nối máy cho tôi với các văn phòng Cánh Đông ở tầng dưới, nhưng chẳng bao lâu chúng tôi đã trở nên thân quen với nhau hơn. Chúng tôi tán gẫu về thời tiết, hay đùa về việc tôi thường phải thức sớm hơn Barack nhiều giờ đồng hồ để làm tóc chuẩn bị cho các sự kiện chính thức. Các giao tiếp ấy diễn ra rất nhanh, nhưng lại giúp cuộc sống của chúng tôi có vẻ bình thường hơn.
Một trong những quản gia kinh nghiệm, một người đàn ông Mỹ gốc Phi tóc bạc trắng tên James Ramsey, đã phục vụ ở đây từ thời Tổng thống Carter. Thỉnh thoảng ông lại trao cho tôi số mới nhất của tạp chí thời trang Jet dành cho phụ nữ Mỹ gốc Phi, mỉm cười đầy tự hào và nói rằng, “Phu nhân Obama, tôi mang đến thứ bà muốn đây”.
Cuộc sống luôn tốt đẹp hơn khi chúng ta có thể nhận ra sự nồng ấm.
TÔI ĐÃ DẠO QUANH và nghĩ rằng căn nhà mới của chúng tôi thật to và rộng ngoài sức tưởng tượng, nhưng rồi, vào tháng Tư năm ấy, tôi sang Anh và được diện kiến Nữ hoàng.
Đây là chuyến đi quốc tế chính thức đầu tiên mà Barack và tôi đi cùng nhau kể từ lúc nhậm chức. Chúng tôi bay sang Luân Đôn trên chuyên cơ Air Force One để anh có thể tham gia hội nghị G20, bao gồm lãnh đạo đại diện của những nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Đó là thời điểm rất cần đến một cuộc họp thượng đỉnh. Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Mỹ đã gây ra những xung chấn khủng khiếp trên khắp thế giới, khiến toàn bộ thị trường tài chính thế giới tụt dốc không phanh. Hội nghị thượng đỉnh G20 cũng đánh dấu lần đầu tiên Barack xuất hiện trên trường quốc tế. Và cũng giống với trường hợp xảy ra trong những tháng đầu tại nhiệm, công việc chủ yếu của anh là thu dọn đống lộn xộn, trong trường hợp này là tiếp nhận mọi sự tức tối từ các nhà lãnh đạo khác trên thế giới, những người cảm thấy nước Mỹ đang bỏ lỡ những cơ hội quan trọng để chỉnh đốn các ngân hàng liều lĩnh và có thể ngăn chặn thảm họa mà giờ đây tất cả mọi người đang phải đối mặt.
Vì đã bắt đầu tin là Sasha và Malia thấy thoải mái với nề nếp sinh hoạt hàng ngày ở trường, tôi để mẹ tôi chăm lo chúng trong những ngày tôi ra nước ngoài, biết chắc rằng ngay lập tức bà sẽ cho bọn trẻ “xổng chuồng” khỏi mọi luật lệ thông thường mà tôi đặt ra, chẳng hạn như phải đi ngủ sớm hay ăn hết mọi loại rau trên bàn ăn tối. Mẹ tôi thích thú khi được làm bà ngoại, nhất là khi bà có thể vứt bỏ các quy tắc cứng nhắc của tôi để thay thế bằng phong cách nuôi dạy nhẹ nhàng, dễ chịu hơn của mình, thậm chí còn thoải mái hơn cả khi anh Craig và tôi còn nhỏ. Hai đứa con gái của tôi luôn hào hứng mỗi khi được ở với bà ngoại.
Thủ tướng Anh Gordon Brown là người chủ trì cuộc họp thượng đỉnh G20, sự kiện bao gồm một ngày trọn vẹn gặp gỡ để bàn về các chủ đề kinh tế tại một trung tâm hội nghị trong thành phố, nhưng như vẫn thường hay xảy ra mỗi khi các lãnh đạo thế giới xuất hiện tại Luân Đôn tham gia các sự kiện chính thức, Nữ hoàng sẽ mời mọi người vào Điện Buckingham để gửi lời chào trọng thể. Với mối quan hệ khắng khít giữa Anh và Mỹ, và cũng vì chúng tôi là người mới tham gia, Barack và tôi được mời đến cung điện sớm để gặp riêng Nữ hoàng trước giờ đón khách chính thức.
Rõ ràng là tôi không có kinh nghiệm trong chuyện gặp gỡ hoàng tộc. Tôi được lưu ý là có thể khẽ nhún gối chào hoặc bắt tay Nữ hoàng. Tôi biết rằng tôi phải gọi bà là “Nữ hoàng” trong khi chồng bà, Hoàng tế Philip, Công tước xứ Edinburg, có danh hiệu “Điện hạ”. Ngoài chuyện đó ra, tôi không biết phải làm gì khi đoàn xe của chúng tôi băng qua các cánh cổng sắt dẫn vào cung điện, chạy ngang những vị khách tò mò bám lấy hàng rào, qua nhiều nhóm cận vệ và một người chơi kèn hoàng gia, rồi qua một mái vòm, chúng tôi vào sân, nơi vị Tổng quản đang chờ bên ngoài để tiếp đón chúng tôi.
Hóa ra Điện Buckingham rất rộng - rộng đến nỗi khó có thể mô tả được. Điện có 775 phòng và lớn hơn Nhà Trắng mười lăm lần. Trong những năm sau đó, Barack và tôi may mắn được đôi lần quay trở lại đây trong vai trò khách mời. Ở các chuyến sau này, chúng tôi ở tại một phòng ngủ lộng lẫy ở tầng trệt cung điện, được những người hầu mặc đồng phục chăm sóc. Chúng tôi tham gia một yến tiệc trang trọng trong phòng vũ hội, dùng thức ăn bằng dao nĩa dát vàng. Có lần trong lúc đi tham quan, chúng tôi được hướng dẫn viên chỉ rằng “Đây là Phòng Lam” và thấy một đại sảnh rộng gấp năm lần Phòng Lam ở nhà. Một ngày nọ, người dẫn đầu nhóm tiếp đãi của Nữ hoàng dẫn tôi, mẹ tôi và hai đứa con gái đi qua Vườn Hồng rộng khoảng nửa héc-ta của cung điện, nơi có hàng ngàn đóa hoa đẹp không tì vết đang nở rộ, khiến cho vài bụi hồng ít ỏi mà chúng tôi vẫn tự hào chăm sóc bên ngoài Phòng Bầu dục trông hơi kém ấn tượng. Tôi thấy Điện Buckingham vừa choáng ngợp vừa khó lý giải.
Trong chuyến viếng thăm đầu tiên, chúng tôi được hộ tống đến căn hộ riêng của Nữ hoàng và được dẫn vào phòng khách nơi bà và Hoàng tế Philip đang đứng chờ đón tiếp chúng tôi. Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị khi ấy đã 82 tuổi, vóc người nhỏ nhắn và nho nhã, nụ cười tinh tế và mái tóc bạc được uốn hướng ra bên ngoài theo đúng phong cách hoàng tộc. Bà vận một chiếc áo màu hồng nhạt, đeo một bộ trang sức ngọc trai và tay mang một chiếc ví màu đen. Chúng tôi bắt tay và tạo dáng để chụp ảnh. Nữ hoàng lịch sự hỏi thăm chúng tôi có khó chịu vì chênh lệch múi giờ không và mời chúng tôi ngồi xuống. Tôi không nhớ chính xác sau đó chúng tôi đã nói gì với nhau, hẳn là nói một chút về tình hình kinh tế và chính trị tại Anh, sau đó là về những cuộc họp khác mà Barack đã tham dự.
Gần như bất cứ cuộc gặp gỡ trang trọng nào cũng luôn kèm theo cảm giác ngượng ngập kỳ lạ, nhưng theo kinh nghiệm của bản thân tôi thì đó là một vấn đề mà ta cần phải tự ý thức để vượt qua. Ngồi cạnh Nữ hoàng, tôi buộc phải giữ lý trí của mình để không tiếp tục phân tích sự tráng lệ của khung cảnh xung quanh hay sự “tê liệt” của mình khi được diện kiến một biểu tượng cao quý. Tôi đã được thấy hình ảnh của Nữ hoàng hàng chục lần trước đây, trong các quyển sách sử, trên truyền hình và trên các tờ giấy bạc, nhưng đây chính là bà bằng xương bằng thịt, đang chăm chú nhìn và hỏi han tôi. Bà là người ấm áp và dễ gần, và tôi cũng cố gắng trở nên giống như vậy. Nữ hoàng là một biểu tượng sống, và bà đã trau dồi rất nhiều để duy trì biểu tượng ấy, nhưng bà vẫn là một con người bình thường như chúng ta. Tôi mến bà ngay lập tức.
Chiều hôm đó, Barack và tôi lướt quanh khu lễ tân của cung điện, dùng bánh canapé(3) với các nguyên thủ quốc gia thuộc nhóm G20 và vợ hoặc chồng của họ. Tôi trò chuyện với Thủ tướng Angela Merkel của nước Đức và Tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp. Tôi gặp Quốc vương Ả Rập Saudi, tổng thống Argentina, thủ tướng Nhật Bản và Ethiopia. Tôi cố hết sức ghi nhớ ai đến từ quốc gia nào và là vợ hoặc chồng của ai, cẩn thận không quá nhiều lời vì sợ có thể nói sai. Nhìn chung, đó là một sự kiện trọng đại và thân thiện, và là dịp để nhắc nhở rằng kể cả các nguyên thủ quốc gia cũng có thể nói về con cái của họ hay buông câu đùa về thời tiết nước Anh.
Gần cuối bữa tiệc, tôi quay sang thì thấy Nữ hoàng Elizabeth bên cạnh mình, cả hai chúng tôi bỗng có không gian riêng với nhau giữa căn phòng đông đúc. Bà vẫn đeo đôi găng tay trắng tinh tươm và có dáng vẻ khỏe khoắn như lúc chúng tôi gặp nhau lần đầu vào nhiều giờ trước. Bà cười với tôi.
“Cô thật cao”, bà ngẩng lên nhận xét.
Tôi cười và đáp lời, “À, đôi giày đã giúp tôi ăn gian thêm vài xen-ti-mét. Nhưng đúng vậy, tôi khá cao”.
Nữ hoàng nhìn xuống đôi Jimmy Choo màu đen mà tôi đang mang. Bà lắc đầu.
“Mấy đôi giày này không thoải mái chút nào đúng không?”, bà hỏi và tỏ vẻ khó chịu với đôi giày đế thấp màu đen mà bà đang mang.
Tôi thú nhận với Nữ hoàng là chân tôi đang đau. Bà cũng thú nhận là chân bà bị đau. Sau đó hai chúng tôi nhìn nhau với cùng một biểu cảm, như kiểu, Khi nào thì cái màn đứng nói chuyện với các lãnh đạo quốc gia mới kết thúc đây? Và bà bật ra một tiếng cười vô cùng duyên dáng.
Hãy quên chuyện bà đôi lúc đội một chiếc vương miện kim cương và tôi đã bay sang Luân Đôn trên chuyên cơ tổng thống; chúng tôi chỉ là hai quý bà mệt mỏi bị hành hạ bởi đôi giày mình đang mang. Khi ấy tôi đã làm theo bản năng của mình mách bảo mỗi khi cảm nhận được sự liên kết với một người mới quen, đó là thể hiện cảm xúc của mình ra ngoài. Tôi trìu mến choàng tay qua vai Nữ hoàng.
Ngay lúc đó tôi đã không biết là mình đang phạm phải một lỗi khủng khiếp. Tôi đã chạm vào Nữ hoàng Anh, một việc mà tôi nhanh chóng biết là không được phép. Hành động của chúng tôi tại khu lễ tân đã bị máy ảnh chộp lấy, và trong những ngày kế tiếp được tường thuật lại trên các bài báo khắp thế giới: “Vi phạm nguyên tắc ngoại giao!”, “Michelle Obama dám ôm Nữ hoàng!”. Chuyện này khơi lại một số suy đoán trong giai đoạn vận động tranh cử, đó là tôi là kẻ kém văn minh và thiếu sự thanh lịch cần có của một Đệ nhất Phu nhân, đồng thời nó cũng khiến tôi lo lắng với ý nghĩ rằng theo cách nào đó tôi đã làm ảnh hưởng đến những nỗ lực của Barack ở nước ngoài. Nhưng tôi cố gắng không để những lời chỉ trích khiến mình lung lay. Nếu việc tôi làm ở Điện Buckingham là không thích hợp, chí ít tôi cũng đã làm một điều hợp với tình người. Tôi dám nói rằng Nữ hoàng cũng không thấy đó là chuyện gì sai trái, vì khi tôi chạm vào bà, bà chỉ tiến gần hơn và khẽ đặt một bàn tay đeo găng lên thắt lưng tôi.
Ngày hôm sau, trong lúc Barack đi dự một loạt các cuộc họp về kinh tế, tôi đến tham quan một ngôi trường nữ. Đây là một trường trung học phổ thông do nhà nước tài trợ, nằm ở trung tâm vùng Islington, không quá xa khu cư xá của thành phố - cách gọi các dự án nhà tập thể ở Anh. Hơn 90% trong số 900 học sinh của trường là người da đen hoặc thuộc nhóm dân tộc thiểu số; 1/5 trong số đó là con cái của các gia đình di dân hoặc tị nạn. Tôi bị thu hút vì đây là một ngôi trường có thành phần học sinh đa dạng và nguồn lực tài chính hạn chế nhưng vẫn được xem là có chất lượng đào tạo xuất sắc. Tôi cũng muốn bảo đảm rằng khi tôi đến thăm một nơi nào đó với tư cách Đệ nhất Phu nhân, tôi có thể thật sự thăm nơi đó - nghĩa là tôi có cơ hội để gặp gỡ những người thật sự đang sinh sống tại đó, chứ chẳng phải những nhà quản lý không thôi. Khi đi công tác nước ngoài, tôi có những cơ hội mà Barack không có. Tôi có thể thoát khỏi những cuộc họp đa phương được sắp xếp sẵn và những cuộc nói chuyện với những nhà lãnh đạo thế giới, để tập trung tìm ra những cách thức mới nhằm mang tới một chút không khí gọi là nhân văn cho những chuyến thăm vốn có thể rất tẻ nhạt. Tôi quyết định sẽ làm như thế với từng chuyến đi nước ngoài, bắt đầu với nước Anh.
Tuy nhiên tôi lại chưa chuẩn bị đầy đủ để có thể cảm nhận hành động của mình khi đặt chân vào Trường Elizabeth Garrett Anderson và được mời vào một khán phòng có chừng hai trăm học sinh, các em đã tề tựu để xem một số phần trình diễn của bạn bè cùng trang lứa và sau đó sẽ nghe tôi phát biểu. Ngôi trường được đặt theo tên một vị bác sĩ tiên phong, người cũng trở thành nữ thị trưởng đầu tiên được bầu ở Anh. Bản thân tòa nhà không có gì đặc biệt - một tòa nhà bằng gạch hình khối hộp trên một con đường chẳng có gì nổi bật. Nhưng khi tôi ngồi xuống chiếc ghế gấp trên sân khấu và bắt đầu xem các tiết mục trình diễn - bao gồm một màn kịch Shakespeare, một tiết mục múa hiện đại, và một bản đồng ca tuyệt vời theo một sáng tác của Whitney Houston - thì một điều gì đó trong tôi bắt đầu rung động. Tôi cảm thấy gần như mình đang trôi ngược về quá khứ của chính mình.
Tôi chỉ cần nhìn những khuôn mặt trong khán phòng để thấy rõ rằng các bé gái này phải nỗ lực rất nhiều để được công nhận. Có những cô bé choàng hijab(4), những cô bé mà tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai và những cô bé có làn da nâu ở mọi sắc độ khác nhau. Tôi biết các em đã phải đẩy lùi những nhận định rập khuôn về mình, đẩy lùi cách người ta nhìn nhận các em trước khi các em có cơ hội tự khẳng định bản thân mình. Các em cần phải đấu tranh để được nhìn nhận, chỉ vì các em nghèo và là phụ nữ và da màu. Các em phải nỗ lực để tiếng nói của mình được lắng nghe và không bị chối bỏ, để không cho phép ai đàn áp mình. Các em phải đấu tranh chỉ để được đi học.
Nhưng khuôn mặt các em lại ngập tràn hy vọng, và giờ đây tôi cũng thế. Với tôi, đây là cả một phát hiện lạ lùng và diễn ra lặng lẽ: các em chính là tôi, như tôi trước đây đã từng. Và tôi cũng chính là các em, như các em có thể trở thành. Thứ năng lượng mà tôi cảm nhận trong ngôi trường ấy không hề bị ảnh hưởng bởi những khó khăn thử thách. Đó chính là thứ năng lượng của chín trăm em gái đang cố gắng.
Khi màn trình diễn kết thúc, tôi đi đến bục phát biểu. Tôi phải cố gắng lắm mới kiềm được cảm xúc. Tôi nhìn lướt những ghi chú mình đã chuẩn bị sẵn nhưng không còn hứng thú với chúng nữa. Tôi ngẩng lên nhìn các em và bắt đầu phát biểu. Tôi nói rằng dù tôi đến từ một nơi xa xôi mang theo cái danh hiệu xa lạ Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ, nhưng tôi giống với các em hơn các em nghĩ. Tôi nói rằng tôi xuất thân từ một khu lao động, được nuôi dạy trong một gia đình khiêm tốn về vật chất nhưng ngập tràn yêu thương, rằng tôi đã nhận ra trường học là nơi tôi có thể bắt đầu khẳng định bản thân - rằng học vấn là thứ đáng để nỗ lực có được, rằng học vấn chính là bàn đạp của chúng ta trong thế giới này.
Khi đó tôi chỉ mới là Đệ nhất Phu nhân được hơn hai tháng. Có những lúc tôi cảm thấy choáng ngợp bởi nhịp độ cuộc sống, thấy mình không xứng đáng với sự xa hoa này, cảm thấy lo lắng về hai đứa con gái và mơ hồ về mục đích đời mình. Cuộc sống dưới mắt công chúng và việc từ bỏ cuộc sống riêng để trở thành biểu tượng của một quốc gia có phần nào đó sẽ tước đi một phần danh tính của tôi. Nhưng cuối cùng, ở đây, khi trò chuyện với các nữ sinh này, tôi cảm thấy một điều gì đó hoàn toàn khác biệt và thuần khiết - sự tương thích của con người trước kia và vai trò mới của tôi. Các em có đủ giỏi hay không? Có, các em rất giỏi, tất cả các em. Tôi đã nói với các học sinh Trường Elizabeth Garrett Anderson rằng các em đã chạm vào trái tim tôi. Tôi nói rằng các em rất đáng trân quý, vì sự thật là như vậy. Và khi bài phát biểu của tôi kết thúc, tôi đã làm một chuyện theo bản năng. Tôi ôm lấy từng cô gái mà mình có thể ôm được.
KHI CHÚNG TÔI VỀ LẠI WASHINGTON, mùa xuân đã đến. Mỗi ngày trôi qua, mặt trời mọc sớm hơn và lặn trễ hơn đôi chút. Tôi quan sát sườn dốc ở Bãi cỏ phía Nam từ từ trở thành một mảng xanh tươi tốt và đầy sức sống. Từ cửa sổ tư dinh, tôi có thể nhìn thấy những đóa tulip đỏ và hoa huệ tím mọc quanh đài phun nước dưới chân ngọn đồi. Các nhân viên và tôi đã dành hai tháng qua để biến ý tưởng về một khu vườn của tôi thành hiện thực, một chuyện không hề dễ dàng. Một phần là vì chúng tôi buộc phải thuyết phục Sở Công viên Quốc gia và đội quản lý đất đai tại Nhà Trắng đào xới một khoảnh đất tại một trong những thảm cỏ mang tính biểu trưng nhất thế giới. Bản thân ý kiến đó ban đầu cũng vấp phải sự phản đối. Vườn hoa Victory đã được cựu Đệ nhất Phu nhân Eleanor Roosevelt trồng từ hàng chục năm trước, và dường như không có ai thật sự hứng thú với việc lặp lại quá trình đó. “Họ nghĩ chúng ta bị khùng”, Sam Kass từng kể với tôi.
Tuy nhiên, cuối cùng chúng tôi cũng làm được. Ban đầu chúng tôi được phép sử dụng một khoảnh đất nhỏ xíu nằm phía sau sân quần vợt, cạnh một kho dụng cụ. Sam sau đó đã đấu tranh để có một miếng đất tốt hơn, và cuối cùng cũng xin được một khoảnh đất chữ L rộng một trăm mét vuông ở mé đón nắng của Bãi cỏ phía Nam, không quá xa Phòng Bầu dục và bộ xích đu mà chúng tôi mới vừa lắp đặt cho hai cô con gái. Chúng tôi hợp tác với đội mật vụ để bảo đảm quá trình cày xới đất không làm ảnh hưởng tới các thiết bị cảm biến hay tầm nhìn cần có để bảo vệ an ninh. Chúng tôi kiểm tra để xác định đất có đủ dinh dưỡng và không có bất cứ nguyên tố độc hại nào như chì hay thủy ngân.
Và rồi chúng tôi đã có thể bắt đầu.
Vài ngày sau khi từ châu Âu trở về, tôi đón tiếp một nhóm học sinh từ Trường tiểu học Bancroft, một trường song ngữ ở khu tây bắc của thành phố. Vài tuần trước đó chúng tôi đã cùng nhau dùng cuốc xẻng để đào xới chuẩn bị đất. Giờ thì những em học sinh ấy đã quay lại để giúp tôi gieo hạt và trồng cây. Khoảnh đất của chúng tôi nằm không quá xa hàng rào phía nam dọc Đường E, nơi du khách thường tụ tập để nhìn vào Nhà Trắng. Tôi vui mừng khi khu vườn giờ đây đã trở thành một phần cảnh quan mà họ có thể nhìn thấy.
Hay ít nhất là tôi hy vọng mình sẽ thấy hài lòng vào một lúc nào đó trong tương lai. Bởi vì với một khu vườn, ta chẳng bao giờ biết rõ điều gì sẽ xảy ra, chẳng hạn như hạt giống có nảy mầm hay không. Chúng tôi đã mời giới truyền thông đến để đưa tin về quá trình trồng cây. Chúng tôi đã mời tất cả các đầu bếp trong Nhà Trắng đến giúp. Cả Tom Vilsack, Bộ trưởng Nông nghiệp của Barack cũng được mời đến. Chúng tôi đã đề nghị mọi người quan sát những gì chúng tôi làm. Giờ đây chúng tôi phải chờ kết quả. Tôi nói với Sam trước khi bất kỳ khách mời nào xuất hiện, “Thành thật mà nói, vụ này phải có kết quả”.
Hôm đó tôi khom lưng làm vườn với một nhóm các em học sinh lớp năm, cẩn thận trồng cây con xuống đất, nhẹ nhàng lấp đất xung quanh những thân cây mong manh. Sau khi ở châu Âu và bị báo chí phân tích từng bộ trang phục một (tôi đã mặc một chiếc áo khoác cardigan để gặp Nữ hoàng, một chuyện cũng “gây bão” chẳng kém việc tôi chạm vào bà), tôi cảm thấy thoải mái khi quỳ gối xuống đất trong một chiếc áo khoác nhẹ và chiếc quần đơn giản. Bọn trẻ cũng đặt câu hỏi cho tôi, một số câu hỏi về các loại rau và những công việc phải làm, nhưng cũng có những câu như “Ngài tổng thống đang ở đâu?” và “Tại sao ngài tổng thống lại không đến giúp?”. Tuy nhiên chẳng mấy chốc bọn trẻ đã quên bẵng tôi để tập trung vào đôi găng làm vườn và mấy chú giun trong đất. Tôi thích ở bên bọn trẻ. Lần đó và trong suốt thời gian tôi sống tại Nhà Trắng, được ở bên bọn trẻ là một sự an ủi tinh thần cho tôi, một cách để tôi tạm thời thoát khỏi những muộn phiền của một Đệ nhất Phu nhân, thoát khỏi cảm giác thường xuyên bị người khác phán xét. Bọn trẻ giúp tôi được trở lại là chính mình. Với chúng, tôi không phải là một biểu tượng để ngắm nhìn. Đối với bọn trẻ, tôi chỉ là một quý bà tử tế và khá cao.
Cũng trong sáng hôm ấy, chúng tôi đã trồng rau diếp và rau bi-na, thì là và bông cải. Chúng tôi cũng trồng cà rốt, cải rổ, hành tây và đậu biếc. Chúng tôi trồng những bụi dâu và rất nhiều loại thảo mộc khác. Rồi chúng tôi sẽ có được gì từ đó? Tôi không biết, cũng giống như tôi chẳng biết điều gì đang chờ chúng tôi phía trước tại Nhà Trắng, những gì chờ đợi đất nước này hay chờ đợi những đứa trẻ đáng yêu đang ở quanh tôi. Khi đó, tất cả những gì chúng tôi có thể làm là đặt niềm tin vào những nỗ lực của mình, tin rằng với ánh nắng mặt trời, mưa và thời gian, cái gì đó hay hay sẽ từ đất vươn lên.
(1) Chuẩn Michelin: tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nhà hàng, theo thứ tự từ một sao Michelin đến ba sao Michelin.
(2) Easter Egg Roll: sự kiện thường niên dành cho thiếu nhi, được Tổng thống và Đệ nhất Phu nhân tổ chức vào ngày thứ Hai sau lễ Phục sinh tại Bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng.
(3) Bánh canapé: một loại bánh mì nướng nhỏ có phủ bơ ở trên, thường được dùng trong tiệc trà.
(4) Hijab: khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo.