THUỞ BÉ TÔI DÀNH RẤT NHIỀU THỜI GIAN LẮNG NGHE âm thanh của sự nỗ lực. Đó là tiếng nhạc dở tệ, “nghiệp dư”, vọng lên xuyên qua lớp ván sàn phòng ngủ của tôi - tiếng tinh tinh tinh của đám học trò của bà Robbie ở tầng dưới, khi chúng ngồi trước cây dương cầm đánh những tiếng đàn lọt chọt một cách chậm rãi và vụng về. Gia đình tôi sống ở khu South Shore của thành phố Chicago, trong một căn bungalow(1) ốp gạch. Căn nhà này của vợ chồng bà Robbie và ông Terry. Cha mẹ tôi thuê tầng trên, còn ông bà Robbie và Terry sống ở tầng trệt. Robbie là cô của mẹ tôi và bà luôn đối xử hào phóng với mẹ tôi suốt nhiều năm qua, nhưng đối với tôi thì bà Robbie khá đáng sợ. Bà nghiêm nghị, là chỉ huy dàn hợp xướng của một nhà thờ trong vùng, đồng thời là giáo viên dạy dương cầm ở khu chúng tôi sinh sống. Bà mang những đôi giày cao gót tinh tế và cổ lúc nào cũng lủng lẳng cặp kính lão. Bà có nụ cười tinh quái nhưng không dễ đón nhận những lời mỉa mai theo cách mẹ tôi hay làm. Thỉnh thoảng tôi lại nghe bà càm ràm học viên của mình vì không chăm chỉ luyện đàn, hoặc than phiền với cha mẹ chúng vì đã đưa con tới học trễ.
“Chúc ngủ ngon!”, bà sẽ nói câu này giữa ban ngày ban mặt, cùng với sự cau có như khi người ta nói “Ôi trời ơi!”. Có vẻ không có mấy người có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của bà Robbie.
Tuy nhiên, âm thanh cho thấy có người nào đó đang nỗ lực đã trở thành nhạc nền trong cuộc sống của chúng tôi. Tiếng đàn tinh tinh vang lên vào những buổi trưa, rồi tiếng đàn tinh tinh vang lên vào những buổi chiều. Những quý bà trong dàn đồng ca nhà thờ thỉnh thoảng sẽ đến tập thánh ca, gân cổ thể hiện lòng mộ đạo xuyên qua bốn vách tường nhà chúng tôi. Theo quy tắc của bà Robbie, bọn trẻ học dương cầm chỉ được phép tập mỗi lần một bài nhạc. Từ phòng mình, tôi lắng nghe nỗ lực của bọn trẻ, từng nốt ngập ngừng, để có được cái gật đầu của bà. Chúng sẽ tập từ những bài cơ bản như Hot Cross Buns rồi tiến dần đến Brahms’s Lullaby, nhưng phải sau rất nhiều lần cố gắng. Tiếng nhạc đó chẳng đến nỗi khó chịu, chỉ có điều nó cứ dai dẳng. Nó len lỏi lên chiếc cầu thang ngăn không gian sống của chúng tôi với không gian của vợ chồng bà Robbie. Nó lãng đãng chui qua các ô cửa sổ mùa hè đang mở toang, đồng hành với những suy nghĩ của tôi khi tôi đang chơi búp bê Barbie hoặc xếp gạch xây vương quốc đồ chơi nhỏ bé của mình. “Khoảng lặng” duy nhất chính là khi cha tôi tan ca làm sớm ở nhà máy xử lý nước thành phố, về nhà và mở ti-vi xem trận đấu của đội bóng chày Cubs, vặn âm thanh lên thật to đủ để át hết tiếng nhạc.
Bấy giờ là cuối những năm 60 tại vùng South Side, Chicago. Đội Cubs chơi không tệ, nhưng cũng không xuất sắc. Những lúc đó cha tôi thường ngồi xuống chiếc ghế tựa, còn tôi sẽ ngồi trong lòng cha và nghe ông kể đội Cubs đang bị sụt giảm phong độ vào cuối mùa giải ra sao, hay tại sao Billy Williams, siêu sao bóng chày sống ngay bên Đại lộ Constance gần nhà chúng tôi, lại có cú phát bóng ngọt như vậy từ vị trí phát bóng bên trái. Bên ngoài sân bóng, nước Mỹ đang ở giữa một cuộc chuyển mình quy mô lớn và khó lường. Anh em nhà Kennedy đã chết. Martin Luther King Jr. bị ám sát khi đang đứng diễn thuyết trên ban công tại Memphis, kéo theo một làn sóng bạo loạn trên khắp nước Mỹ, gồm cả Chicago. Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ năm 1968 trở thành sự kiện đẫm máu khi cảnh sát mang gậy gộc và hơi cay truy bắt những người phản đối chiến tranh Việt Nam ở công viên Grant, chỉ cách nơi chúng tôi sống khoảng mười bốn cây số về phía bắc. Trong lúc đó, các gia đình da trắng đang ồ ạt rời khỏi thành phố, đến với vùng ngoại ô hấp dẫn với lời hứa hẹn về những ngôi trường tốt hơn, không gian rộng rãi hơn, và hẳn là nhiều người da trắng hơn nữa.
Tôi không thật sự có ấn tượng gì với tất cả những điều kể trên. Tôi chỉ là một đứa trẻ, một bé gái còn chơi búp bê Barbie và các khối đồ chơi xếp hình, có cha mẹ và ông anh trai hàng đêm ngủ cách mình chưa đầy một thước. Gia đình là thế giới của tôi, là trung tâm của mọi sự. Mẹ dạy tôi đọc từ sớm, dắt tôi đến thư viện công, ngồi cùng khi tôi đánh vần từng chữ trên trang sách. Mỗi ngày cha tôi đi làm trong bộ đồng phục màu xanh dương của công chức thành phố, nhưng về đêm ông lại dạy chúng tôi biết đến tình yêu nhạc jazz và nghệ thuật. Hồi còn trẻ, cha tôi từng theo học Viện Nghệ thuật Chicago, ông cũng từng vẽ và điêu khắc vào thời trung học. Ông còn là một vận động viên bơi lội và võ sĩ quyền Anh sáng giá ở trường, và đến khi trưởng thành, ông là cổ động viên của mọi môn thể thao phát sóng trên truyền hình, từ giải golf chuyên nghiệp đến giải khúc côn cầu trên băng quốc gia. Ông thích nhìn những con người mạnh mẽ trở nên vượt trội. Khi anh trai tôi, Craig, hứng thú với môn bóng rổ, cha đã đặt các đồng xu trên bậu cửa phòng bếp để anh ấy phải nhảy lên thì mới lấy được.
Mọi thứ cần thiết đều nằm trong bán kính năm dãy nhà - ông bà và các anh chị em họ, nhà thờ ở góc đường nơi chúng tôi không phải là học sinh chuyên cần của lớp giáo lý Chủ nhật, cây xăng nơi đôi khi mẹ nhờ tôi đến mua giúp một gói Newports, cửa hàng rượu kiêm nơi bán bánh mì Wonder, kẹo que và sữa. Vào những đêm hè oi bức, anh Craig và tôi ngủ thiếp đi giữa tiếng reo hò của các trận bóng mềm thuộc giải đấu người lớn đang diễn ra tại công viên gần nhà, cũng là nơi mà vào ban ngày chúng tôi thường leo trèo ở khu trò chơi vận động hoặc chơi đuổi bắt với những đứa trẻ khác.
Anh Craig lớn hơn tôi chưa tới hai tuổi. Anh có đôi mắt hiền và tinh thần lạc quan của cha, còn tính cách thì cứng rắn như mẹ. Hai anh em tôi luôn thân thiết với nhau, một phần nhờ tình yêu thương bất di bất dịch và có phần không thể lý giải được mà anh ấy dành cho tôi từ lúc tôi mới lọt lòng. Chúng tôi có một bức ảnh gia đình trắng đen chụp từ hồi xưa, bốn người chúng tôi ngồi trên trường kỷ, mẹ mỉm cười bế tôi ngồi trong lòng, gương mặt cha trông nghiêm nghị và tự hào, còn anh Craig thì ngồi trong lòng cha. Chúng tôi ăn mặc chỉn chu để dự thánh lễ hay tiệc cưới gì đó. Lúc đó tôi khoảng tám tháng tuổi, má phúng phính, mặt ngầu, mặc cái quần tã với chiếc đầm trắng ủi tinh tươm, trông như sắp trượt ra khỏi vòng tay của mẹ, mắt nhìn chằm chằm như thể muốn nuốt luôn chiếc máy ảnh. Cạnh tôi là anh Craig, lịch lãm trong chiếc áo vest thắt nơ con, dáng vẻ nghiêm chỉnh. Lúc ấy anh mới hai tuổi nhưng đã thể hiện được sự thận trọng cùng trách nhiệm của người làm anh - anh đưa tay nắm lấy cổ tay mập mạp của tôi với vẻ che chở.
Vào thời điểm chụp bức ảnh đó, gia đình tôi sống đối diện dãy nhà của ông bà nội ở Parkway Gardens, một dự án nhà đất với những khu căn hộ theo phong cách tân thời có giá cả phải chăng ở South Side. Công trình được thi công vào những năm 1950 và thiết kế như chung cư, nhằm giảm tình trạng thiếu nhà ở cho các gia đình người da đen thuộc tầng lớp lao động giai đoạn hậu Chiến tranh thế giới thứ hai. Về sau, khu nhà này dần xuống cấp bởi sự nghèo nàn và các băng đảng bạo lực bủa vây, khiến nó trở thành một trong những nơi sinh sống nguy hiểm ở thành phố Chicago. Tuy nhiên, rất lâu trước khi chuyện này diễn ra, khi tôi mới chập chững biết đi, cha mẹ tôi - vốn quen biết nhau từ thuở thiếu niên và kết hôn ở độ tuổi đôi mươi - đã nhận lời chuyển xuống phía nam vài cây số để đến sống cùng ông bà Terry và Robbie trong một khu nhà tử tế hơn.
Trên Đại lộ Euclid, hai hộ gia đình chúng tôi cùng sống dưới một mái nhà không lớn lắm. Theo cấu trúc thì không gian ở tầng trên có lẽ đã được thiết kế như căn hộ riêng biệt chỉ dành cho một hoặc hai người, nhưng cả gia đình bốn người chúng tôi đã xoay xở được. Cha mẹ tôi ngủ trong phòng ngủ duy nhất, còn anh Craig và tôi chia nhau một khu rộng hơn mà tôi nghĩ vốn là phòng khách. Sau đó, khi chúng tôi lớn hơn, ông ngoại tôi - Purnell Shields, một thợ mộc dù không lành nghề cho lắm nhưng lại rất yêu nghề - mang về một tấm ván rẻ tiền và dựng lên một vách ngăn tạm để chia căn phòng lớn thành hai gian riêng. Ông gắn cửa lùa bằng nhựa cho mỗi gian và chừa một không gian chung nho nhỏ trước cửa để chúng tôi cất đồ chơi và sách vở của mình.
Tôi yêu căn phòng của mình. Nó chỉ rộng vừa đủ cho một chiếc giường đôi và bàn học cỡ hẹp. Tôi để toàn bộ thú nhồi bông trên giường, cẩn thận sắp xếp chúng quanh đầu nằm mỗi đêm như một nghi thức dễ chịu. Ở bên kia vách, phòng của anh Craig được sắp xếp gần như đối xứng với phòng tôi, với chiếc giường ngủ kê sát vách ngăn, song song với giường của tôi. Vách ngăn mỏng đến mức anh em tôi có thể trò chuyện với nhau khi nằm trên giường của mình và thường ném quả bóng bằng vớ cuộn tròn qua lại giữa khe hở khoảng hai tấc của vách ngăn và trần nhà.
Trong khi đó, bà Robbie khiến không gian sống của mình trông như lăng tẩm. Bàn ghế trong nhà bà được bọc trong màng nhựa bảo vệ khiến chúng trông thật lạnh lẽo và cứ dính vào cẳng chân tôi mỗi khi tôi đủ can đảm ngồi lên. Kệ tủ của bà chưng đầy những bức tượng nhỏ bằng sứ mà chúng tôi không được phép động vào. Tôi thường đưa tay lại gần một bộ tượng chó xù dễ thương bằng thủy tinh - chó mẹ có dáng vẻ hiền lành cùng ba chú chó con nhỏ xíu - rồi rụt tay lại vì sợ cơn lôi đình của bà Robbie. Những ngày không có lớp dạy đàn thì tầng trệt lặng như tờ. Ti-vi không bao giờ được mở, radio cũng chẳng bật bao giờ. Thậm chí tôi cũng không chắc là hai ông bà có thường trò chuyện với nhau không. Tên đầy đủ của chồng bà Robbie là William Victor Terry, nhưng vì lý do nào đó mà chúng tôi chỉ gọi ông bằng họ Terry. Ông Terry giống như cái bóng lặng lẽ, một người đàn ông có cung cách thanh lịch mặc com-lê chỉnh tề vào mọi ngày trong tuần và gần như chẳng bao giờ hé môi.
Tôi thường nghĩ nhà trên và nhà dưới tựa như hai thế giới khác nhau với hai bầu không khí hoàn toàn đối lập. Trên lầu, chúng tôi ồn ào và không hề cảm thấy hổ thẹn vì chuyện đó. Craig và tôi chơi ném bóng và rượt đuổi nhau vòng vòng trong nhà. Chúng tôi xịt nước đánh bóng gỗ lên sàn hành lang để có thể trượt xa và nhanh hơn khi mang vớ, và chúng tôi vẫn thường xuyên đâm sầm vào tường. Chúng tôi có những trận đấu quyền Anh giữa anh trai và em gái trong bếp, dùng hai bộ găng mà cha đã tặng vào dịp Giáng sinh cùng với những hướng dẫn riêng cho từng đứa để làm sao tung một cú jab(2) ra hồn. Về đêm, gia đình chúng tôi cùng chơi board game(3), kể chuyện bông đùa với nhau và nghe đĩa nhạc của nhóm The Jackson 5. Khi chịu hết nổi thì bà Robbie nhà dưới sẽ dứt khoát tắt rồi bật, rồi lại tắt rồi bật công tắc điện ở cầu thang chung, đồng thời cũng là công tắc điều khiển đèn hành lang tầng trên của chúng tôi - như một cách lịch sự để ra hiệu cho chúng tôi nhỏ tiếng lại.
Bà Robbie và ông Terry đã lớn tuổi. Họ lớn lên ở thời đại khác, với những mối bận tâm khác. Họ đã chứng kiến những điều mà cha mẹ tôi chưa từng được chứng kiến - những điều mà hai anh em chúng tôi, ở độ tuổi trẻ con ồn ào của mình, hoàn toàn không thể tưởng tượng được. Đó là những lời mà mẹ tôi sẽ nói nếu chúng tôi bắt đầu làu bàu về sự khó chịu của nhà dưới. Chúng tôi được dạy là dù không biết đến một tình cảnh nào đó thì cũng hãy luôn nhớ là nó có tồn tại. Cha mẹ sẽ nói với chúng tôi rằng ai cũng có một quá khứ mà chúng ta không hay biết, và chúng ta nên nhớ điều đó để cảm thông với mọi người. Nhiều năm sau tôi mới biết bà Robbie đã từng kiện Đại học Northwestern tội kỳ thị chủng tộc - bà đăng ký tham gia khóa hợp xướng do trường tổ chức vào năm 1943 và không được phép ở trong ký túc xá nữ. Người ta bảo bà phải thuê phòng trong thị trấn - nơi “dành cho người da màu”. Còn ông Terry từng là nhân viên khuân vác hành lý trên toa hạng sang của một trong những chuyến tàu đêm chở hành khách đi và đến Chicago. Đó là một nghề đáng quý, dù tiền lương chẳng được cao lắm, hoàn toàn được đảm trách bởi những người đàn ông da đen - những người vừa cố giữ cho bộ đồng phục của mình phẳng phiu trong khi khuân vác hành lý, vừa phục vụ bữa ăn và nói chung là phục vụ những nhu cầu của hành khách đi tàu, kể cả đánh giày.
Nhiều năm sau khi đã nghỉ hưu, ông Terry vẫn giữ lối sống nghiêm nghị chỉnh tề - ăn mặc chỉn chu, thái độ phục tùng, không bao giờ khẳng định bản thân dưới bất cứ hình thức nào, ít nhất đó là những gì tôi thấy. Như thể ông đã từ bỏ một phần con người mình như một cách ứng phó với hoàn cảnh. Tôi thường thấy ông cắt cỏ dưới sân giữa cái nắng hè gay gắt trong đôi giày tây cổ điển, quần dài có dây đeo vai, nón phớt vành mỏng, ống tay áo xắn lên cẩn thận. Ông tự nuông chiều bản thân bằng cách hút đúng một điếu thuốc mỗi ngày và uống đúng một ly cocktail mỗi tháng, và ngay cả khi ấy thì ông cũng không bao giờ buông thả bản thân theo cách cha mẹ tôi vẫn làm mỗi tháng vài lần là nốc một ly rượu pha sô-đa hay một chai bia Schlitz. Một phần nào đó trong tôi muốn ông Terry lên tiếng, bật mí bất cứ bí mật nào ông đang mang theo. Tôi nghĩ ông có đủ thứ chuyện hay ho về những thành phố ông đã đặt chân đến, về cách người giàu cư xử hoặc không biết cư xử trên tàu. Nhưng chúng tôi không hề nghe được chút bí mật nào từ ông. Vì lý do nào đó, ông Terry không bao giờ hé môi.
ĐƯỢC KHOẢNG BỐN TUỔI, tôi quyết định học dương cầm. Khi đó anh Craig đang học lớp một. Thỉnh thoảng tôi thấy anh chạy xuống dưới lầu để theo học lớp dương cầm hàng tuần của bà Robbie và vẫn nguyên vẹn trở lên. Vậy nên tôi nghĩ mình đã sẵn sàng. Tôi khá tin là thật ra mình đã học chơi dương cầm bằng cách cảm thụ dần qua biết bao giờ đồng hồ lắng nghe những đứa trẻ khác lóng ngóng tập đàn. Âm nhạc đã nằm sẵn trong đầu tôi. Tôi chỉ muốn xuống dưới và thể hiện cho bà Robbie chuẩn-mực-cao của mình thấy là tôi có năng khiếu thế nào và sẽ trở thành học trò cưng của bà mà không tốn nhiều công sức ra sao.
Cây dương cầm của bà Robbie được đặt trong một căn phòng nhỏ vuông vức ở cuối nhà, gần ô cửa sổ nhìn ra sân sau. Bà đặt chậu cây ở một góc và chiếc bàn gấp ở góc còn lại để học sinh ngồi điền nhạc phổ. Trong giờ dạy, bà ngồi thẳng lưng trên chiếc ghế bành lưng cao được bọc nệm, tay gõ nhịp, đầu ngẩng cao trong lúc chăm chú lắng nghe dò lỗi. Tôi có sợ bà Robbie hay không? Không hẳn, nhưng bà có vẻ gì đó đáng dè chừng; bà tượng trưng cho một kiểu uy quyền cứng nhắc mà tôi chưa từng gặp ở nơi nào khác. Bà đòi hỏi mỗi đứa trẻ ngồi trước cây dương cầm của mình phải thật xuất sắc. Tôi xem bà Robbie như một nhân vật để lấy lòng, hay có thể là chinh phục theo cách nào đó. Tôi luôn cảm thấy cần phải chứng tỏ điều gì đó với bà.
Trong buổi học đầu tiên, chân tôi đong đưa dưới ghế đàn vì ngắn quá chưa chạm tới sàn nhà. Bà Robbie cho tôi dùng riêng một quyển sách nhạc vỡ lòng - chuyện này khiến tôi mừng rỡ vô cùng - và dạy tôi cách đặt tay lên phím đàn.
“Được rồi, hãy tập trung nào”, bà nói, gắt gỏng khi tôi thậm chí còn chưa bắt đầu. “Hãy tìm phím Đô giữa.”
Khi bạn còn bé, dương cầm có thể trông như cây đàn ngàn phím. Bạn sẽ nhìn chằm chằm một dải những phím trắng và đen trải dài đến mức hai cánh tay nhỏ của bạn không thể với tới. Tôi nhanh chóng học được phím Đô giữa là cột mốc. Đó là ranh giới giữa khu vực dành cho tay phải và tay trái, giữa khóa Sol và khóa Fa. Nếu bạn có thể đặt ngón cái lên phím Đô giữa, mọi thứ khác rồi sẽ tự động đâu vào đó. Các phím trên cây đàn của bà Robbie có chút không đồng đều về màu sắc và hình dáng, vài phím bị sứt mẻ đôi chỗ theo thời gian, khiến chúng trông như một hàm răng xấu xí. Thật may, phím Đô giữa lại khuyết hẳn một góc to gần bằng đầu móng tay tôi, điều này giúp tôi luôn tìm được vị trí trung tâm.
Hóa ra tôi thích dương cầm. Việc ngồi đàn cho tôi cảm giác rất tự nhiên, như thể đó là chuyện dành cho tôi. Gia đình tôi có nhiều nhạc công và những người yêu nhạc, đặc biệt là bên nhà ngoại. Tôi có người cậu chơi trong ban nhạc chuyên nghiệp. Vài người dì của tôi hát trong các dàn đồng ca nhà thờ. Tôi có bà Robbie, người còn đứng ra chỉ đạo một chương trình đào tạo mang tên Lớp Operetta - một chương trình âm nhạc sân khấu giá rẻ dành cho trẻ em mà anh Craig và tôi cùng tham gia vào mỗi sáng thứ Bảy ở tầng hầm nhà thờ - bên cạnh việc dạy đàn và tham gia dàn hợp xướng. Tuy nhiên, tâm điểm âm nhạc của cả nhà chính là ông ngoại Shields, người thợ mộc, vốn là em trai bà Robbie. Ông là người vô lo, bụng phệ, có tràng cười dễ khiến người ta vui lây và chòm râu muối tiêu. Hồi tôi còn bé xíu, ông sống ở khu West Side, và anh em chúng tôi gọi ông là ông Westside. Nhưng ông dọn vào khu chúng tôi sống cùng năm tôi bắt đầu theo học đàn, và chúng tôi đã đổi tên ông thành ông Southside cho đúng kiểu.
Ông Southside ly thân với bà ngoại tôi từ nhiều thập kỷ trước, khi mẹ tôi còn đang trong độ tuổi teen. Ông sống với bác Carolyn - chị cả của mẹ tôi - và cậu út Steve trong căn nhà nhỏ một tầng cách chúng tôi hai dãy nhà, nơi ông mắc dây nhợ từ trên xuống dưới để thưởng thức nhạc, gắn loa trong mọi căn phòng, kể cả nhà tắm. Trong phòng ăn, ông đóng một bộ tủ kệ công phu để đặt các thiết bị nghe nhạc của mình, đa phần được ông “đào” từ các sự kiện bán hàng đã qua sử dụng. Ông có hai bàn xoay nghe đĩa than không đồng bộ, cộng với một máy nghe “băng cối” cũ cọc cạch và những hàng kệ chất đầy đĩa nhạc mà ông đã dày công sưu tập suốt nhiều năm.
Có rất nhiều điều mà ông Southside không tin tưởng. Ông là kiểu người già theo thuyết âm mưu kinh điển. Ông không tin nha sĩ, điều này khiến ông gần như chẳng còn cái răng nào. Ông không tin cảnh sát. Và vốn là cháu trai của một nô lệ ở Georgia từng trải qua thời thơ ấu ở Alabama trong giai đoạn các đạo luật phân biệt chủng tộc Jim Crow được ban hành trước khi chuyển lên phía bắc đến Chicago vào những năm 1920, không phải lúc nào ông cũng tin người da trắng. Khi có con, ông Southside tìm mọi cách để giữ cho chúng an toàn - đe dọa chúng bằng những câu chuyện có thật và hư cấu về những gì có thể xảy ra với trẻ da đen lỡ bước vào khu vực không thích hợp, và dạy chúng cách tránh né cảnh sát.
Âm nhạc dường như là liều thuốc an thần của ông, một cách để ông thư giãn và giải tỏa muộn phiền. Khi được trả tiền làm mộc, thỉnh thoảng ông Southside sẽ vung tiền tự sắm cho mình một album nhạc mới. Ông thường xuyên tổ chức tiệc tùng cho cả nhà, buộc mọi người phải nói thật lớn tiếng trên bất kỳ loại nhạc nền nào mà ông đang mở trên dàn âm thanh nổi, vì tiếng nhạc đó luôn lấn át mọi thứ. Chúng tôi ăn mừng hầu hết các sự kiện lớn trong đời ở nhà ông Southside, đồng nghĩa với việc suốt nhiều năm chúng tôi mở quà Giáng sinh trên nền nhạc Ella Fitzgerald(4) và thổi nến sinh nhật giữa tiếng saxophone của Coltrane(5). Theo lời mẹ tôi, hồi còn trẻ ông Southside đã quyết tâm nhồi nhét nhạc jazz vào đầu bảy đứa con của mình, bằng cách thường xuyên vặn đĩa hát lớn hết cỡ để đánh thức cả nhà dậy lúc mặt trời mọc.
Tình yêu âm nhạc của ông đã lan tỏa đến những người khác. Khi ông Southside dọn đến khu nhà chúng tôi, tôi thường dành trọn những buổi chiều ở nhà ông, chọn ngẫu nhiên các album nhạc trên kệ rồi đặt vào dàn máy, mỗi album là một chuyến phiêu lưu đắm say. Mặc dù tôi còn nhỏ nhưng ông không hề cấm tôi đụng vào đồ đạc trong nhà. Về sau ông còn mua cho tôi chiếc đĩa nhạc đầu tiên trong đời, album Talking Book của Stevie Wonder, mà tôi để ở nhà ông, trên chiếc kệ được ông dành riêng cho những đĩa hát tôi yêu thích. Nếu tôi đói, ông sẽ pha cho tôi một ly sữa lắc hay chiên cả con gà trong lúc hai ông cháu nghe Aretha(6), Miles(7) hoặc Billie(8). Với tôi, nhà ông Southside lớn tựa thiên đường. Và thiên đường, như tôi hình dung, phải là một nơi đầy nhạc jazz.
Ở NHÀ, tôi tiếp tục tập luyện để trở thành nhạc công. Ngồi trước cây dương cầm đứng của bà Robbie, tôi nhanh chóng nắm được các thang âm - quá trình học thẩm thấu kia là có thật - và tôi lao vào thị tấu(9) những bản nhạc mà bà đưa cho. Vì không có đàn riêng nên tôi phải chờ đến khi không còn học viên nào ở nhà dưới để tập luyện trên cây đàn của bà Robbie - tôi thường lôi kéo mẹ đi với mình và đề nghị mẹ ngồi lên chiếc ghế bành bọc nệm để nghe tôi tập đàn. Tôi học hết bản này tới bản khác trong sách dạy dương cầm. Chắc chắn tôi không giỏi hơn những học viên khác của bà Robbie, cũng không đỡ vụng về hơn là bao, nhưng tôi rất quyết tâm. Với tôi, chuyện học đàn như có ma lực. Quá trình này khiến tôi luôn có cảm giác hưng phấn và thỏa mãn. Bởi lẽ tôi nhận ra mối tương quan đơn giản, đầy khích lệ giữa thời gian tập luyện và thành quả đạt được. Ngoài ra, tôi cũng cảm nhận được điều gì đó từ bà Robbie - tuy bà kiềm lại không thể hiện rõ ràng - nhưng có một cái gì đó tươi vui nhẹ nhàng tỏa ra từ bà mỗi khi tôi hoàn thành một bản nhạc mà không mắc lỗi, khi tay phải của tôi đánh lên một giai điệu còn tay trái nhấn đúng một hợp âm. Tôi nhận ra điều đó khi lén nhìn bà: môi của bà bớt mím chặt và ngón tay gõ nhịp sẽ nảy cao hơn một chút.
Hóa ra đây là giai đoạn tốt đẹp nhất của hai chúng tôi. Hẳn là bà Robbie và tôi đã có thể tiếp tục như thế nếu tôi bớt tò mò và tôn trọng phương pháp dạy đàn của bà hơn. Thế nhưng sách quá dày và quá trình học những bài vỡ lòng kéo dài quá lâu đến mức tôi trở nên thiếu kiên nhẫn và bắt đầu lén đọc trước những bài học sau - không chỉ trước vài trang mà là đọc hẳn cả phần sau của quyển sách, xem những bản nhạc nâng cao và bắt đầu mất tập trung đối với các bài tập chính và thay vào đó là lan man tập đánh những bản nhạc này. Khi tôi tự hào biểu diễn một trong những bản nhạc nằm-ở-phần-sau-quyển-sách cho bà Robbie nghe, bà nổi giận, đập tan thành tựu của tôi bằng câu “Chúc ngủ ngon!” cay nghiệt. Tôi bị la hệt như cái cách tôi từng nghe bà la rất nhiều học viên trước đó. Tôi chỉ cố học nhiều hơn và nhanh hơn, nhưng bà Robbie xem việc đó như một trọng tội, giống như tội mưu phản. Bà không hề ấn tượng với nỗ lực của tôi, một chút cũng không.
Tôi cũng không dễ gì bỏ cuộc. Tôi là kiểu trẻ con muốn có câu trả lời rõ ràng cho những thắc mắc của mình, thích lý giải sự việc cho ra lẽ, muốn tìm hiểu mọi thứ đến tận cùng. Tôi có dáng vẻ của một luật sư và cũng có xu hướng độc tài, theo lời chứng thực của anh trai tôi, người thường bị yêu cầu rời khỏi khu vực vui chơi chung của chúng tôi. Khi nghĩ mình có một ý tưởng hay ho nào đó, tôi không thích bị từ chối. Đó là lý do bà Robbie và tôi đối đầu nhau, cả hai đều nóng nảy và không khoan nhượng.
“Sao bà lại nổi giận vì cháu muốn tập một bản nhạc mới vậy ạ?”
“Cháu chưa sẵn sàng. Đó không phải là cách học đàn dương cầm.”
“Nhưng cháu đã sẵn sàng rồi mà. Cháu vừa đánh bài đó đấy thôi.”
“Đó không phải là cách học đúng.”
“Nhưng tại sao cơ ạ?”
Giờ học đàn trở nên dài đằng đẵng và mệt mỏi, chủ yếu vì tôi không chịu tuân thủ phương pháp được dạy, còn bà Robbie thì phủ nhận những ưu điểm trong phương pháp học tự do của tôi dành cho giáo trình âm nhạc của bà. Theo tôi nhớ thì hai bà cháu cứ đôi co từ tuần này sang tuần khác. Tôi ương bướng, còn bà thì cố chấp. Tôi có quan điểm cá nhân, bà cũng thế. Giữa những cuộc tranh cãi, tôi tiếp tục chơi đàn, bà tiếp tục lắng nghe và chỉnh sửa. Tôi không mấy công nhận công sức của bà đối với sự tiến bộ trong “sự nghiệp” âm nhạc của tôi. Bà không mấy công nhận sự tiến bộ của tôi. Dẫu vậy, những bài học vẫn tiếp tục diễn ra.
Ở lầu trên, cha mẹ tôi và anh Craig thấy mọi chuyện thật buồn cười. Họ cười ngặt nghẽo trong giờ ăn tối khi tôi kể lại những trận chiến giữa mình và bà Robbie, và họ vẫn tiếp tục phấn khích bàn về chuyện đó trong lúc tôi đang ăn món mì Ý với thịt viên. Anh Craig - vốn là một người hoạt bát, một học viên tuân thủ nguyên tắc và nỗ-lực-vừa-đủ trong lớp dương cầm - hoàn toàn không có vấn đề gì với bà Robbie. Cha mẹ tôi không bày tỏ chút cảm thông nào với các nỗi khổ của tôi lẫn của bà Robbie. Nhìn chung, họ không phải là các bậc phụ huynh hay can thiệp vào những chuyện ngoài chuyện học hành trong trường, vì ngay từ sớm họ kỳ vọng rằng anh em tôi nên tự giải quyết chuyện riêng của mình. Dường như cha mẹ tôi coi nhiệm vụ ở nhà của mình là lắng nghe và động viên chúng tôi khi cần thiết. Và trong khi những bậc phụ huynh khác có thể sẽ la rầy khi con mình lời qua tiếng lại với người lớn, như tôi đã làm, thì cha mẹ tôi lại chấp nhận chuyện đó. Mẹ tôi đã có những khoảng thời gian sống cùng bà Robbie từ năm mười sáu tuổi, phải tuân theo mọi quy tắc khó dò mà bà đặt ra, và biết đâu mẹ cũng vui thầm khi thấy quyền lực của bà Robbie bị thách thức. Bây giờ nhìn lại, tôi nghĩ cha mẹ đã tôn trọng tính cương quyết của tôi, và tôi mừng vì điều đó. Họ gìn giữ ngọn lửa nhiệt tình trong tôi.
MỖI NĂM MỘT LẦN, bà Robbie tổ chức một buổi biểu diễn hoành tráng để học viên của mình có thể trực tiếp trình diễn trước khán giả. Đến tận bây giờ tôi vẫn không rõ bà đã xoay xở thế nào, nhưng bằng cách nào đó bà đã được phép sử dụng một phòng tập ở Đại học Roosevelt tại trung tâm Chicago, tổ chức các buổi biểu diễn của mình trong một tòa nhà bằng đá bề thế tọa lạc trên Đại lộ Michigan, ngay cạnh nơi Dàn nhạc Giao hưởng Chicago trình diễn. Chỉ nghĩ đến việc đi đến đó thôi đã khiến tôi hồi hộp. Căn hộ của chúng tôi nằm trên Đại lộ Euclid, cách phía nam của khu Chicago Loop(10) khoảng mười bốn cây số, nơi những tòa nhà chọc trời tráng lệ và những lối đi bộ đông kín người khiến tôi cảm thấy như một thế giới khác. Mỗi năm, gia đình tôi đi vào trung tâm thành phố chỉ vài lần, chủ yếu để tham quan Học viện Nghệ thuật hoặc để xem kịch. Một nhà bốn người chúng tôi di chuyển như những phi hành gia trong khoang tàu vũ trụ bốn bánh hiệu Buick của cha tôi.
Cha tôi thích tất cả những dịp được lái xe. Ông rất sốt sắng với chiếc xe của mình, chiếc Buick Electra 225 hai cửa màu đồng mà ông tự hào gọi là “con Deuce and a Quarter”(11). Ông thường xuyên đánh sáp để nó luôn bóng loáng và hết sức “chấp hành” lịch bảo dưỡng định kỳ - ông đem xe đến cửa hàng Sears(12) để đảo lốp và thay dầu hệt cách mẹ tôi đưa hai anh em tôi đi khám sức khỏe định kỳ. Chúng tôi cũng yêu thích chiếc Buick đó. Đường nét mềm mại và thiết kế đèn đuôi xe hẹp khiến nó trông tinh tế và hiện đại. Xe rộng rãi đủ để khiến chúng tôi thấy thoải mái như ngồi trong nhà. Tôi thậm chí có thể đứng thẳng trong xe, lần bàn tay theo trần xe bọc vải. Hồi đó việc gài dây an toàn chưa bị bắt buộc, thế nên phần lớn thời gian trong xe, anh Craig và tôi sẽ lăn lộn ở băng ghế sau, nhoài người lên băng ghế trước khi muốn nói chuyện với cha mẹ. Thường thì tôi sẽ chồm lên chỗ tựa đầu của ghế tài xế và đưa cằm ra phía trước để mặt mình kề sát mặt của cha và chúng tôi sẽ có cùng một góc nhìn.
Chiếc xe mang lại cho gia đình chúng tôi một kiểu gần gũi khác, một dịp để vừa trò chuyện vừa đi du lịch cùng nhau. Những buổi tối sau khi dùng bữa xong, anh Craig và tôi thỉnh thoảng sẽ nài nỉ cha chở chúng tôi đi dạo một vòng. Để tự thết đãi vào những đêm hè, chúng tôi sẽ đến một bãi chiếu bóng phục vụ khách ngồi trong ô-tô ở khu vực phía tây nam nhà mình để xem loạt phim Hành tinh khỉ, đậu chiếc Buick giữa trời nhá nhem và ổn định chỗ ngồi để xem phim. Mẹ sẽ đưa gà chiên và khoai tây cắt lát mà bà mang từ nhà cho từng người chúng tôi, anh Craig và tôi sẽ lấy đùi mình làm bàn ăn ở băng ghế sau, cẩn thận lau tay bằng khăn giấy chứ không quẹt lên ghế.
Phải nhiều năm sau tôi mới hiểu hết ý nghĩa của việc lái xe đối với cha. Hồi bé tôi chỉ có thể cảm nhận được điều đó - sự tự do mà ông cảm thấy khi ngồi sau vô-lăng, niềm vui ông có được khi động cơ chạy êm ru và bốn bánh xe cân bằng hoàn hảo bon bon dưới chân. Trong độ tuổi ba mươi, ông được bác sĩ thông báo rằng sự suy yếu bất thường mà ông mới nhận thấy ở một chân chỉ là khởi đầu của quá trình kéo dài và đau đớn dẫn đến tình trạng tê liệt; rằng nhiều khả năng một ngày nào đó, do sự tổn thương bí ẩn nào đó của các tế bào thần kinh ở não và tủy sống, ông sẽ không còn bước đi được nữa. Tôi không biết thời điểm chính xác, nhưng dường như chiếc Buick đã đến với ông gần như cùng lúc với căn bệnh đa xơ cứng. Và dù ông chưa bao giờ nói ra, nhưng hẳn là ông cảm thấy được xoa dịu hơn mỗi khi lái xe.
Chẩn đoán đó không khiến cha mẹ tôi quá lo lắng hay ám ảnh. Lúc đó chúng tôi vẫn còn cách xa thời đại mà một lệnh tìm kiếm đơn giản trên Google có thể mang lại một loạt biểu đồ, số liệu thống kê và giải thích y khoa phức tạp khiến người ta hy vọng hoặc thất vọng. Tôi đoán cha cũng không muốn xem những thông tin đó. Dù theo đạo nhưng ông sẽ không cầu xin Chúa tha chết cho mình. Ông cũng không tìm kiếm phương thức chữa trị khác, không tìm kiếm chuyên gia, càng không tìm lỗi di truyền nào đó để oán trách. Gia đình chúng tôi có một thói quen lâu đời là chặn đứng tin xấu, cố gắng quên nó ngay khi vừa được thông báo. Không ai biết cha tôi đã cảm thấy khó chịu bao lâu trước khi ông tự đi khám bệnh, nhưng tôi đoán là ông đã chịu đựng hàng tháng, thậm chí hàng năm trời. Ông không thích những cuộc hẹn khám sức khỏe. Ông không ưa than thở. Ông là kiểu người chấp nhận những gì xảy ra và cứ thế tiếp tục cuộc sống của mình.
Điều tôi biết là vào ngày biểu diễn piano trọng đại của tôi, ông đã bước hơi loạng choạng, chân trái không thể bắt kịp chân phải. Tất cả ký ức của tôi về cha luôn bao gồm những biểu hiện của khuyết tật này, ngay cả khi lúc đó chưa ai trong số chúng tôi sẵn sàng gọi đó là khuyết tật. Khi đó tôi chỉ biết cha mình di chuyển hơi chậm hơn những người cha khác. Đôi khi tôi thấy ông khựng lại trước khi bước lên bậc thang, như thể cần phải nghĩ qua một lượt cách làm trước khi thực hành vậy. Khi gia đình chúng tôi đi mua sắm ở trung tâm thương mại, ông sẽ ngồi trên ghế đá, hài lòng ngồi trông chừng mấy túi đồ hoặc chợp mắt một chút trong lúc ba thành viên còn lại lang thang mua sắm.
Trên đường vào trung tâm thành phố để tham gia buổi trình diễn, tôi ngồi ở ghế sau chiếc Buick, mặc chiếc đầm xinh xắn, mang giày da bóng, tóc tết bím, và lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là đổ mồ hôi lạnh. Mặc dù đã luyện tập nhừ tử ở nhà trong căn hộ của bà Robbie, tôi vẫn lo lắng về màn biểu diễn. Anh Craig cũng mặc com-lê chỉnh tề và chuẩn bị bài biểu diễn của mình. Nhưng anh không lo lắng. Thực tế là anh ấy ngủ ngon lành đến mức không còn biết trời trăng gì ở băng ghế sau, miệng há hốc, hoàn toàn thoải mái và vô lo. Anh Craig là vậy. Cả đời tôi vẫn luôn ngưỡng mộ sự thư thái của anh. Khi đó anh đang tham gia mùa giải bóng rổ Biddy có lịch thi đấu vào mỗi cuối tuần và rõ ràng là anh đã chế ngự được nỗi sợ mỗi khi trình diễn.
Cha tôi thường đậu xe ở gần nơi muốn đến nhất có thể, chấp nhận trả thêm tiền đậu xe để giảm thiểu quãng đường phải đi trên đôi chân không vững của mình. Hôm đó chúng tôi dễ dàng tìm được Đại học Roosevelt và đi đến nơi sẽ diễn ra buổi trình diễn, một khán phòng có vẻ rất lớn và vọng âm. Tôi cảm thấy mình vô cùng bé nhỏ khi ở trong đó. Căn phòng có những ô cửa sổ thanh nhã cao chạm trần nhìn ra những bãi cỏ rộng của Công viên Grant và xa xa là những con sóng bạc đầu của Hồ Michigan. Những dãy ghế màu xám kim loại ngay hàng thẳng lối dần dần được lấp đầy bởi những đứa trẻ đang hồi hộp và những bậc phụ huynh mang đầy kỳ vọng. Và ở phía sân khấu, trên bục cao, là hai cây đại dương cầm loại nhỏ đầu tiên tôi từng thấy, nắp đàn bằng gỗ cứng được chống lên trông như hai cánh chim đen tuyền khổng lồ. Bà Robbie cũng có mặt ở đó, bận rộn tới lui trong bộ đầm họa tiết đơm hoa tựa như nữ hoàng của vũ hội - dù là nữ hoàng có hơi “cứng” một tí - để bảo đảm tất cả học sinh của mình đã đến đủ và đều cầm nhạc phổ trong tay. Bà ra hiệu cho khán phòng im lặng khi đến giờ mở màn.
Tôi không nhớ thứ tự các tiết mục của ngày hôm đó. Tôi chỉ nhớ khi đến lượt mình, tôi đã đứng dậy và đi lên sân khấu với dáng vẻ hoàn hảo nhất, bước lên bậc thang và ngồi trước một trong hai cây đại dương cầm nhỏ sáng bóng. Thực tế là tôi đã sẵn sàng. Dù vẫn cảm thấy bà Robbie nóng tính và cứng nhắc, nhưng tôi cũng tiếp thu sự tận tụy hết mình của bà. Tôi thuộc bản nhạc làu làu đến mức không phải nghĩ ngợi gì về nó nữa. Tôi chỉ cần bắt đầu di chuyển đôi tay.
Vậy mà lại có vấn đề, một vấn đề mà tôi phát hiện ngay khi nhấc những ngón tay nhỏ của mình lên phím đàn. Tôi đang ngồi trước một cây dương cầm hoàn hảo, được lau chùi kỹ lưỡng, lên dây chính xác, tám mươi tám phím trải ra như một dải ruy-băng trắng đen hoàn mỹ. Vấn đề là tôi không quen với sự hoàn hảo. Trên thực tế, tôi chưa từng gặp được sự hoàn hảo trong đời mình. Kinh nghiệm đánh đàn của tôi hoàn toàn đến từ phòng học nhạc bé xíu trong nhà bà Robbie, nơi có chậu cây lưa thưa và cửa sổ nhìn ra khoảnh sân sau khiêm tốn của chúng tôi. Nhạc cụ duy nhất mà tôi từng chơi là cây dương cầm đứng không-hoàn-hảo của bà, với những phím đàn ngả màu phát ra tiếng kim và phím Đô giữa bị mẻ một cách khá tiện lợi. Đối với tôi, đó chính là dương cầm - giống như khu tôi sống chính là khu tôi sống, cha tôi chính là cha tôi, cuộc sống của tôi là cuộc sống của tôi. Đó là tất cả những gì tôi từng biết.
Bỗng nhiên giờ đây tôi nhận thức được là người ta đang ngồi dưới khán đài nhìn tôi ngó chằm chằm vào những phím đàn sáng bóng, không tìm thấy bất kỳ điều gì ngoài sự giống nhau như tạc. Tôi không biết phải đặt tay mình vào đâu. Cổ họng nghẹt lại và tim đập thình thịch, tôi nhìn về phía khán giả, cố gắng che giấu sự hoảng loạn của mình và tìm kiếm gương mặt của mẹ để được trấn an. Thay vào đó, tôi thoáng thấy ai đó đứng lên từ hàng ghế đầu và chầm chậm tiến về phía tôi. Đó là bà Robbie. Chúng tôi đã có nhiều trận cãi nhau ầm ĩ, đến mức tôi có chút xem bà như kẻ địch. Nhưng lúc này đây, khi tôi sắp bị chê trách, bà Robbie đến bên tôi như một thiên sứ. Có lẽ bà hiểu nỗi bàng hoàng của tôi. Có lẽ bà biết sự khác biệt của thế giới vừa âm thầm mở ra trước mắt tôi lần đầu tiên. Hoặc cũng có thể bà chỉ đơn giản là cần đốc thúc mọi việc. Dù sao đi nữa, bà Robbie đã im lặng và nhẹ nhàng đặt một ngón tay lên phím Đô giữa để tôi biết phải bắt đầu từ đâu. Sau đó bà quay trở về chỗ với nụ cười khích lệ khẽ nhất có thể. Tôi bắt đầu trình diễn bản nhạc của mình.
(1) Bungalow: kiểu nhà thường chỉ có một tầng, diện tích nhỏ và có hàng hiên tương đối rộng.
(2) Jab: một đòn đánh trong boxing, đòn này đánh nhanh và thẳng vào đối phương.
(3) Board game: các trò chơi có sử dụng bàn cờ, xúc xắc hoặc lá bài và có sự tương tác trực tiếp giữa nhiều người chơi với nhau, ví dụ như cờ cá ngựa, bài Uno,…
(4) Ella Jane Fitzgerald (1917-1996): nữ ca sĩ nhạc jazz người Mỹ từng nhận nhiều giải thưởng âm nhạc danh giá và được mệnh danh là Nữ hoàng nhạc jazz.
(5) John William Coltrane (1926-1967): còn được nhắc đến với tên “Trane”, là nhạc công saxophone và nhà soạn nhạc jazz danh tiếng.
(6) Aretha Louise Franklin (1942-2018): ca sĩ, nhạc sĩ và nghệ sĩ piano người Mỹ với danh hiệu “Nữ hoàng nhạc Soul”.
(7) Miles Dewey Davis III (1926-1991): nhạc sĩ nhạc jazz người Mỹ, một trong những người có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20 và đi đầu trong sự phát triển nhạc jazz từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai đến thập niên 1990, trở thành “hình tượng khổng lồ” của nhạc jazz.
(8) Billie Holiday (1915-1959): nữ ca sĩ nhạc jazz nổi tiếng người Mỹ có sự nghiệp kéo dài gần 30 năm.
(9) Thị tấu: khả năng đọc và chơi một bản nhạc mà chưa được tập trước.
(10) Chicago Loop: khu trung tâm thương mại và tài chính của thành phố Chicago.
(11) Deuce and a Quarter: nghĩa đen là “hai và hai lăm”, chỉ con số 225 trong tên xe.
(12) Sears: chuỗi cửa hàng bán lẻ ở Mỹ, cung cấp các sản phẩm gia dụng, nội thất, quần áo,… và các dịch vụ cơ bản như rửa xe, sửa xe,…