TÔI BẮT ĐẦU HỌC MẪU GIÁO TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC BRYN MAWR(1) mùa thu năm 1969, với lợi thế kép là đã biết đọc những chữ cơ bản và có một ông anh trai học lớp hai rất được quý mến. Trường chúng tôi là một tòa nhà bốn tầng bằng gạch có sân trước và chỉ cách nhà chúng tôi ở Đại lộ Euclid vài ba dãy nhà. Đi từ nhà đến trường chỉ mất chừng hai phút đi bộ, hoặc nếu chạy như anh Craig thì chỉ mất một phút.
Tôi thích ngôi trường này ngay khi bước vào. Tôi thích cô giáo, một phụ nữ da trắng dáng vẻ nhỏ nhắn tên Burroughs. Đối với tôi thì cô rất lớn tuổi nhưng thực tế thì lúc đó cô chỉ mới khoảng năm mươi. Lớp học của cô có những ô cửa sổ cỡ lớn đón nắng, một bộ sưu tập búp bê cho chúng tôi chơi và một ngôi nhà búp bê khổng lồ bằng giấy bìa cứng ở cuối phòng. Tôi làm quen với bạn học, bị thu hút bởi những đứa trẻ cũng có vẻ háo hức được ở trường như tôi. Tôi tự tin vào khả năng đọc của mình. Ở nhà, nhờ thẻ thư viện của mẹ mà tôi đã cày nát những quyển Dick and Jane, và vì vậy tôi mừng rơn khi biết nhiệm vụ đầu tiên ở lớp mẫu giáo là học cách đọc bằng mắt những bộ từ mới. Chúng tôi được học một loạt màu sắc, không phải sắc độ mà tên gọi của chúng - “màu đỏ”, “màu xanh dương”, “màu xanh lá”, “màu đen”, “màu cam”, “màu tím”, “màu trắng”. Trên lớp, cô Burroughs cầm những tấm thẻ giấy manila trên tay và đố lần lượt từng học sinh, yêu cầu chúng tôi đọc bất cứ từ nào được in bằng mực đen trên mặt trước của tấm thẻ. Một ngày nọ tôi quan sát những bạn nam và bạn nữ mà mình đang bắt đầu thân quen đứng lên và đọc những tấm thẻ, tùy vào độ khó mà chữ được chữ không, và bị bắt ngồi xuống khi không đọc được từ nào đó. Tôi nghĩ việc này là một phần của trò chơi, giống như trò đánh vần vậy, nhưng bạn có thể loáng thoáng thấy một sự phân loại nào đó đang diễn ra và cảm giác bị dè bỉu thấy rõ nơi những đứa trẻ không thể đọc được thẻ “màu đỏ”. Dĩ nhiên, đó là năm 1969, ở một trường công khu South Side thành phố Chicago. Không ai nói về lòng tự trọng hay tư duy phát triển. Nếu được học trước ở nhà, bạn sẽ được khen thưởng ở trường, được cho là học sinh “sáng láng” hoặc “có năng khiếu”, và điều này sẽ củng cố sự tự tin trong bạn. Các lợi thế nhanh chóng phát huy. Hai đứa trẻ thông minh nhất trong lớp mẫu giáo của tôi là Teddy, một cậu bé người Mỹ gốc Hàn, và Chiaka, một cô bé người Mỹ gốc Phi, cả hai vẫn duy trì thứ hạng đầu trong lớp suốt nhiều năm sau đó.
Tôi quyết tâm phải đuổi kịp hai người bạn đó. Khi tới lượt mình đọc những tấm thẻ, tôi đứng dậy và cố gắng thể hiện hết sức, đọc một mạch “màu đỏ”, “màu xanh lá” và “màu xanh dương” thật trôi chảy. Nhưng tôi hơi khựng lại ở “màu tím”, và “màu cam” thật khó đọc. Nhưng phải đến khi từ T-R-Ắ-N-G xuất hiện thì tôi mới cứng cả người, cổ họng tôi lập tức khô khốc, miệng tôi có cảm giác kỳ lạ và không sao đọc đúng khẩu hình trong lúc não tôi đang gặp sự cố nghiêm trọng, ra sức cố gắng đào bới ra một màu giống với màu “ch-áng”. Tôi chết lặng. Tôi cảm thấy đầu gối lỏng khỏng một cách kỳ lạ, như thể hai khớp sẽ long ra. Nhưng trước khi chuyện đó xảy ra, cô Burroughs đã yêu cầu tôi ngồi xuống. Và đó chính là lúc tôi nhận ra từ trên tấm thẻ, trọn vẹn và đơn giản. Trắng. Trắắắng. Đó là từ “trắng”.
Đêm hôm đó, khi nằm trên giường với những con thú nhồi bông xếp quanh đầu giường, tôi chỉ nghĩ đến “màu trắng”. Tôi đánh vần nó trong đầu, xuôi rồi lại ngược, tự trừng phạt bản thân vì sự ngu ngốc của mình. Sự xấu hổ nặng ngàn cân, như một thứ tôi không bao giờ rũ bỏ được, mặc dù tôi biết cha mẹ sẽ không bận tâm xem tôi có đọc đúng hết các thẻ hay không. Tôi chỉ muốn thành tựu. Hoặc có thể tôi không muốn bị xem là không có khả năng đạt được thành tựu. Tôi đã chắc mẩm là khi đó cô giáo nghĩ tôi không biết đọc, hoặc tệ hơn, không chịu cố gắng. Tôi bị ám ảnh bởi những ngôi sao nhũ vàng có kích thước bằng đồng xu mà cô Burroughs đã thưởng cho Teddy và Chiaka hôm đó, để cả hai đeo lên ngực như sự công nhận thành tích đã đạt được, hoặc đó có thể là dấu hiệu cho thấy chúng được đánh giá là xuất sắc, còn những học sinh còn lại như chúng tôi thì không. Cả hai người họ đã đọc được hết những tấm thẻ mà không hề vấp váp.
Sáng hôm sau vào lớp, tôi xin cô cho làm lại.
Khi cô Burroughs từ chối, vui vẻ nói thêm là học sinh mẫu giáo chúng tôi còn nhiều thứ khác để làm, tôi vẫn đề nghị cô cho tôi làm lại.
Đáng thương cho những đứa trẻ phải xem tôi đối đầu với những tấm thẻ lần thứ hai. Lần này tôi chậm rãi hơn, cố tình dừng lại sau khi đánh vần xong mỗi từ để hít thở, không để sự hồi hộp làm đoản mạch bộ não của mình. Và cách đó có hiệu quả, cho cả “màu đen”, “màu cam”, “màu tím” và đặc biệt là “màu trắng”. Tôi thật sự đã đọc ra từ “màu trắng” trước cả khi nhìn thấy những chữ đó trên thẻ. Tôi thích nghĩ đến cảnh cô Burroughs ấn tượng ra sao với cô bé da đen có đủ can đảm để chứng tỏ bản thân. Tôi không biết Teddy và Chiaka có để ý chuyện này hay không. Dù sao đi nữa thì tôi đã nhanh chóng nhận chiến lợi phẩm của mình khi về nhà vào trưa hôm đó với cái đầu ngẩng cao và một ngôi sao nhũ vàng cài trên áo.
Ở NHÀ, tôi sống trong một thế giới đầy kịch tính và âm mưu, đắm chìm trong một bộ phim truyền hình dài tập không ngừng diễn biến của những con búp bê. Có sinh sôi, đối đầu và phản bội. Có hy vọng, thù ghét và đôi khi là tình dục. Cách giết thời gian ưa thích của tôi từ lúc tan học đến trước giờ ăn tối là ở lì trong khu vực chung ngay trước phòng riêng của hai anh em và bày búp bê Barbie ra sàn, dựng ra những kịch bản mà tôi cảm thấy thật chẳng kém gì ngoài đời, đôi khi còn cho thêm những mô hình nhân vật trong biệt đội G.I. Joe của anh Craig vào cốt truyện. Tôi giữ quần áo búp bê trong chiếc vali nhựa có họa tiết hoa lá dành cho trẻ con. Tôi gán cho từng cô Barbie và từng nhân vật G.I. Joe một tính cách riêng. Tôi còn trưng dụng những khối chữ cái mòn vẹt mà mẹ từng dùng để dạy anh em chúng tôi đọc chữ nhiều năm trước. Những khối chữ này cũng được đặt tên và trao cho cuộc đời riêng.
Tôi ít khi chủ động tham gia cùng những đứa trẻ hàng xóm chơi đùa bên ngoài sau giờ học, cũng ít khi mời bạn học về nhà chơi, một phần vì tôi là đứa khó tính và không muốn ai đụng chạm búp bê của mình. Tôi từng sang nhà những đứa con gái khác và chứng kiến những cảnh vô cùng kinh dị - búp bê Barbie bị tước phăng mái tóc hoặc có khuôn mặt bị vẽ nguệch ngoạc bằng bút lông. Và một điều tôi học được ở trường chính là mối quan hệ của những đứa trẻ có thể rối beng. Cho dù bạn thấy cảnh tượng ngọt ngào nào đang diễn ra ở sân chơi, đằng sau chúng sẽ là sự chuyên chế của hệ thống cấp bậc và bè phái thường xuyên đổi chiều. Có những nàng ong chúa, kẻ bắt nạt và người theo đuôi. Tôi không nhút nhát, nhưng tôi không chắc là mình cần rước đống lộn xộn đó vào cuộc sống ngoài giờ học. Thay vào đó, tôi dồn năng lượng vào việc trở thành lực lượng nắm quyền duy nhất trong vũ trụ sân-chơi-chung nho nhỏ của mình. Nếu anh Craig xuất hiện và cả gan dịch chuyển dù chỉ một khối nhựa, tôi sẽ bắt đầu gào lên. Tôi cũng không ngại đánh nhau với anh ấy khi cần thiết - thường là một cú đấm thẳng vào giữa lưng. Vấn đề là những con búp bê và những khối nhựa cần được tôi trao cho sự sống, và tôi đã rất có trách nhiệm trao cho chúng điều đó, gây ra hết cuộc khủng hoảng cá nhân này đến cuộc khủng hoảng khác. Như bất cứ vị thần tử tế nào, tôi ở bên cạnh để xem chúng đau khổ và trưởng thành.
Trong khi đó, từ cửa sổ phòng ngủ tôi có thể quan sát hầu hết mọi tình hình thực tế đang diễn ra tại dãy nhà của mình trên Đại lộ Euclid. Vào những buổi chiều muộn, tôi nhìn thấy ông Thompson, một người Mỹ gốc Phi cao lớn sở hữu tòa nhà có ba căn hộ bên kia đường, đặt cây ghi-ta bass to tướng lên chiếc Cadillac, chuẩn bị đi diễn ở một câu lạc bộ nhạc jazz nào đó. Tôi cũng nhìn thấy những thành viên nhà Mendoza, gia đình người Mexico sống cạnh bên, về nhà trong chiếc xe tải chất đầy thang sau một ngày dài sơn vẽ các ngôi nhà, và được những chú chó của họ sủa inh ỏi đón chào ngay từ hàng rào.
Khu chúng tôi sống thuộc tầng lớp trung lưu và đa sắc tộc. Bọn trẻ chọn bạn không dựa vào màu da, mà dựa vào việc đứa nào đang ở ngoài đường và sẵn lòng chơi chung. Bạn bè tôi gồm một cô gái tên Rachel, có mẹ là người da trắng và nói giọng Anh; Susie, cô gái tóc đỏ và xoăn; và cháu gái nhà Mendoza mỗi khi nó đến chơi. Chúng tôi có những cái họ pha lẫn từ nhiều xuất xứ - Kansopant, Abuasef, Yacker, Robinson - và chúng tôi cũng còn quá nhỏ nên không biết mọi thứ xung quanh đang thay đổi nhanh chóng. Năm 1950, mười lăm năm trước khi cha mẹ tôi dọn về khu South Shore, khu vực này có 96% cư dân là người da trắng. Vào thời điểm tôi rời South Shore để học đại học năm 1981, khu này có khoảng 96% cư dân là người da đen.
Anh Craig và tôi lớn lên ngay giữa giao điểm của dòng chảy đó. Những dãy nhà xung quanh chúng tôi là mái ấm của các gia đình người Do Thái, gia đình nhập cư, gia đình người da trắng và người da đen, một số gia đình thì phát đạt còn số khác thì không. Nhìn chung thì mọi người đều chăm sóc bãi cỏ và con cái nhà mình. Họ trả tiền cho bà Robbie để các con của họ có thể học đàn dương cầm. Trên thực tế, gia đình tôi thuộc diện nghèo trong khu. Chúng tôi thuộc số ít những người mà chúng tôi biết là không có nhà riêng, sống chen chúc trên tầng lầu nhà ông bà Robbie và Terry. South Shore vẫn chưa xuôi theo dòng chảy của những khu vực khác - nơi những người khá giả đã khăn gói đến vùng ngoại ô từ lâu, những cửa hàng kinh doanh trong khu lần lượt đóng cửa, dấu hiệu của sự suy tàn xuất hiện - nhưng sự chuyển biến rõ ràng là đã bắt đầu.
Chúng tôi bắt đầu cảm nhận được tác động của sự chuyển biến này, nhất là ở trường. Phòng học lớp hai của tôi biến thành nơi hỗn loạn với những đứa trẻ ngỗ nghịch và bút viết bay tứ tung, một điều hãy còn xa lạ với tôi và anh Craig. Tất cả những chuyện này dường như là do một giáo viên không biết cách kiểm soát lớp học, thậm chí người này có vẻ cũng không thích trẻ con. Thêm vào đó, dường như không có ai đặc biệt bận tâm đến việc vị giáo viên đó không đủ năng lực. Bọn học sinh dùng đó như cái cớ để quậy tưng bừng, và cô giáo thì có vẻ chỉ nhìn thấy những gì tồi tệ nhất nơi chúng tôi. Trong mắt cô, chúng tôi là một lớp toàn “trẻ hư”, mặc dù chúng tôi không hề được cô dạy dỗ hay hướng dẫn, và thực tế là chúng tôi đã phải chuyển xuống một phòng học thiếu sáng ở tầng hầm của trường. Mỗi một giờ trôi qua ở dưới đó đều dài lê thê và chẳng khác gì địa ngục. Tôi khổ sở ngồi tại bàn của mình, trên chiếc ghế màu xanh lá ngả vàng - sắc màu chính thức của thập niên ١٩٧٠ - không học được gì mà chỉ chờ cho tới giờ ăn trưa, lúc tôi có thể về nhà, ăn một chiếc bánh mì kẹp và than thở với mẹ.
Hồi bé, gần như mỗi khi tức tối thì tôi đều nói với mẹ. Khi tôi nổi điên về cô giáo mới, mẹ tôi điềm tĩnh lắng nghe, nói những câu như “Ôi trời” hay “Ồ vậy à?”. Bà không nuông theo cơn giận của tôi, nhưng rất nghiêm túc nhìn nhận sự thất vọng của con gái. Nếu mẹ tôi là ai đó khác, hẳn là bà đã nói những câu cho qua chuyện kiểu như, “Hãy cứ làm hết sức đi con”. Nhưng mẹ tôi biết sự khác biệt. Bà biết sự khác nhau giữa phàn nàn và mệt mỏi thật sự. Mẹ không nói gì với tôi, nhưng bà đã âm thầm đến trường và bắt đầu quá trình vận động hành lang kéo dài nhiều tuần liền, giúp tôi và vài đứa trẻ có thành tích tốt được tách ra khỏi lớp đang học, làm bài kiểm tra đầu vào, và khoảng một tuần sau đó, được xếp vào một lớp ba nề nếp ở tầng trên, dưới sự dìu dắt của một cô giáo hay cười, cương quyết và biết rõ việc của mình.
Đó là một động thái nhỏ nhưng đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi không ngừng thắc mắc điều gì xảy ra với đám trẻ bị giữ lại trong tầng hầm với vị giáo viên không có khả năng sư phạm. Giờ đây, khi đã là người lớn, tôi nhận ra trẻ con từ rất nhỏ đã biết khi nào chúng bị coi thường, khi nào người lớn thiếu đầu tư vào việc học của chúng. Cơn giận của chúng trước thực tế này có thể thể hiện ra dưới hình thức là chúng không vâng lời. Đó không phải là lỗi của chúng. Chúng không phải “trẻ hư”. Chúng chỉ đang cố gắng sống sót trong nghịch cảnh. Dẫu sao thì vào thời điểm đó, tôi chỉ cảm thấy vui mừng vì được giải thoát. Nhiều năm sau tôi mới biết mẹ tôi, vốn hài hước và ít nói nhưng cũng là người trực tính, đã quyết định tìm tới cô giáo lớp hai kia và nói với cô ấy, bằng cách lịch sự nhất có thể, rằng cô không nên dạy học mà nên làm thu ngân cho cửa hàng.
THỜI GIAN TRÔI QUA, mẹ tôi bắt đầu động viên tôi ra ngoài chơi chung với bọn trẻ hàng xóm. Bà hy vọng rằng tôi sẽ học được cách hòa nhập với xã hội như anh trai tôi đã làm. Như tôi đã nói, anh Craig có tài khiến những việc khó khăn có vẻ thật dễ dàng. Khi đó anh là một hiện tượng mới nổi trên sân bóng rổ, sôi nổi, nhanh nhẹn và đang trổ giò. Cha tôi thúc bách anh tìm đến những trận đấu cam go nhất có thể, đồng nghĩa với việc sau này ông sẽ để anh Craig một mình sang đầu bên kia của thị trấn đấu bóng với những đứa trẻ giỏi nhất thành phố. Nhưng vào lúc này, cha để anh đấu với những tài năng trong khu phố. Anh Craig thường mang theo bóng và băng qua đường để tới Công viên Rosenblum, ngang qua mấy khung gỗ dành cho trẻ con leo trèo và chiếc xích đu nơi tôi thích tới chơi, và rồi biến mất sau hàng cây ở bên kia công viên, nơi có sân bóng rổ. Tôi cứ nghĩ nơi đó tựa như vực thẳm, một khu rừng âm u huyền bí của những kẻ say xỉn, trộm cắp và tội phạm. Nhưng sau khi anh Craig đã đến đó thì anh chỉnh tôi ngay, anh nói rằng ở đó thật sự không có ai xấu xa đến thế cả.
Đối với anh tôi, bóng rổ dường như có thể xóa đi mọi ranh giới. Bóng rổ dạy anh ấy cách tiếp xúc với người lạ mỗi khi muốn xin một chân trong trận đấu bóng tự phát. Anh ấy cũng học được cách nói thân thiện hơn mỗi khi phải dùng đến trash-talk(2) đối với các đối thủ to khỏe và nhanh nhẹn hơn mình trên sân. Bóng rổ cũng giúp anh ấy đánh tan nhiều sai lầm về người nào ra sao và chuyện gì đang xảy ra trong khu phố, củng cố khả năng rằng hầu hết mọi người đều là người tốt nếu ta đối xử tử tế với họ - điều mà từ lâu đã trở thành tín điều của cha tôi. Kể cả những gã đáng ngờ hay lê la trước tiệm rượu ở góc phố cũng vui vẻ khi thấy anh Craig; họ gọi tên anh và đập tay chào anh khi bọn tôi đi ngang qua.
“Làm sao mà anh lại quen biết với họ vậy?”, tôi ngờ vực hỏi.
“Anh đâu có biết họ. Họ chỉ biết anh thôi”, anh Craig nhún vai đáp.
Sau cùng, mười tuổi cũng là lúc tôi cảm thấy thoải mái để bắt đầu tự khám phá, một quyết định được tôi đưa ra chủ yếu bởi lúc đó tôi thấy quá chán. Khi đó là mùa hè và chúng tôi được nghỉ học. Anh Craig và tôi đón xe buýt đến Hồ Michigan mỗi ngày để tham gia trại hè do thành phố tổ chức tại một công viên bên bờ hồ, nhưng chúng tôi sẽ về nhà trước bốn giờ chiều, nên vẫn còn nhiều thời gian dành cho các hoạt động khác. Tôi ngày càng chán chơi búp bê, và vì không có máy điều hòa nhiệt độ nên vào buổi chiều căn hộ của chúng tôi vô cùng nóng bức khó chịu. Thế là tôi bắt đầu bám đuôi anh Craig đi quanh khu phố, gặp gỡ những đứa trẻ tôi vẫn chưa làm quen ở trường. Đối diện con hẻm sau nhà chúng tôi là khu dân cư Euclid Parkway, nơi có chừng mười lăm ngôi nhà bao quanh một mảng xanh chung ở giữa. Nó giống một kiểu thiên đường nào đó, không có xe cộ, chỉ có trẻ con đang chơi bóng và nhảy dây, hoặc chỉ ngồi túm tụm với nhau. Nhưng trước khi hòa nhập với đám con gái trạc tuổi ở khu Parkway, tôi trải qua một bài kiểm tra. Bài kiểm tra đó chính là DeeDee, một cô bé theo học ở trường Công giáo gần đó. DeeDee có sức vóc và cũng xinh xắn, nhưng lại thích bĩu môi và lúc nào cũng sẵn sàng trợn mắt. Cô ấy thường ngồi trước hiên nhà mình, cạnh một cô bé khác, nổi tiếng hơn có tên là Deneen.
Deneen lúc nào cũng thân thiện, nhưng DeeDee có vẻ không ưa tôi. Tôi không biết tại sao lại như vậy. Mỗi lần tôi đến Euclid Parkway, cô sẽ bình phẩm về tôi một cách kín đáo nhưng cay độc, như thể chỉ cần tôi xuất hiện thôi là đã phá hỏng một ngày của mọi người vậy. Những ngày hè vẫn trôi, các bình phẩm của DeeDee chỉ càng trở nên ồn ào hơn. Tôi bắt đầu khó chịu. Tôi hiểu mình có nhiều lựa chọn khác. Tôi có thể tiếp tục trở thành đứa trẻ bị bắt nạt, có thể từ bỏ Parkway và quay về nhà với đống đồ chơi của mình, hoặc tìm cách có được sự tôn trọng của DeeDee. Và bên trong sự lựa chọn sau cuối kia lại còn một lựa chọn khác: Tôi có thể cố tranh luận với DeeDee, chinh phục bằng lý lẽ hay bằng một kiểu ngoại giao trẻ con nào đó, hoặc đơn giản là khiến cô ấy ngậm miệng.
Lần kế tiếp khi DeeDee mở miệng bình phẩm, tôi nhào tới, vận dụng mọi thứ mà cha tôi đã dạy để tung cú đấm. Cả hai chúng tôi ngã xuống đất, nắm đấm giơ lên còn chân thì quẫy đạp. Mọi đứa trẻ ở khu Euclid Parkway lập tức vây lấy hai chúng tôi, tiếng reo hò của chúng phát ra từ sự hào hứng và tính háo thắng của những học sinh cấp một. Tôi không nhớ ai đã lôi hai đứa chúng tôi ra, là Deneen hay anh trai tôi, hoặc một vị phụ huynh nào đó đã bị gọi tới hiện trường, nhưng khi mọi chuyện đã xong thì dường như có điều gì đó đã diễn ra. Tôi chính thức được chấp nhận là thành viên của khu đó. DeeDee và tôi không bị thương tích gì sau lần đó, chỉ bị bẩn vì vấy bùn đất, đứa nào cũng thở hổn hển và tất nhiên là cả hai xác định sẽ không bao giờ trở thành bạn thân của nhau, nhưng chí ít tôi cũng có được sự tôn trọng từ cô ấy.
CHIẾC BUICK CỦA CHA tiếp tục là nơi chúng tôi ẩn náu, là ô cửa nhìn ra thế giới. Chúng tôi lái xe ra ngoài vào các ngày Chủ nhật và những buổi chiều hè, cứ chạy loanh quanh như vậy, không vì lý do gì, chỉ đơn giản là chúng tôi có thể đi cùng nhau trên xe. Đôi lúc cả nhà sẽ đến một khu phố ở phía nam, khu vực được biết đến với cái tên Pill Hill (tạm dịch: Đồi thuốc viên) - chắc hẳn là do có nhiều bác sĩ người Mỹ gốc Phi đang sinh sống tại đây. Đó là một trong những khu đẹp đẽ hơn, giàu có hơn của South Side, nơi người ta đậu những hai chiếc ô-tô ở trước nhà và có rất nhiều luống hoa nở dọc theo lối đi.
Cha tôi có một chút hồ nghi đối với người giàu. Ông không thích những người trịch thượng, và ông thường có cảm xúc phức tạp về việc sở hữu nhà riêng. Có một dạo cha mẹ tôi đã nghĩ tới việc mua một căn đang rao bán cách nhà bà Robbie không xa, thậm chí chúng tôi đã lái xe tới đó để coi nhà cùng một tay môi giới bất động sản, nhưng cuối cùng quyết định không mua. Lúc đó tôi hoàn toàn ủng hộ việc mua nhà. Tôi nghĩ sẽ rất ý nghĩa nếu nhà mình có thể sống trong căn nhà có nhiều hơn một tầng. Nhưng cha tôi là người vốn rất thận trọng, ông ý thức rõ về sự đánh đổi và hiểu rằng cần phải để dành tiền phòng những lúc khó khăn. “Con sẽ không muốn nghèo mạt vì mua nhà”, ông dạy chúng tôi như thế và giải thích rằng một số người đổ hết tiền tiết kiệm đồng thời phải vay mượn quá nhiều để mua nhà, rốt cuộc họ có một ngôi nhà khang trang đẹp đẽ nhưng mất hết tự do.
Cha mẹ nói chuyện với anh em chúng tôi như nói chuyện với người lớn. Họ không lên lớp dạy đời mà luôn lắng nghe mọi câu hỏi chúng tôi đặt ra, bất kể chúng có ngây ngô đến đâu. Họ không bao giờ vội vã kết thúc một cuộc thảo luận. Các cuộc nói chuyện của gia đình chúng tôi có thể kéo dài hàng giờ liền, thường là vì hai anh em tôi luôn tranh thủ hỏi cha mẹ những điều mình không hiểu. Khi còn bé, chúng tôi đã hỏi, “Tại sao người ta lại tắm?” hay “Vì sao phải đi làm?” và đủ thứ thắc mắc khác. Một trong những “thắng lợi” đầu tiên của tôi nhờ biết thắc mắc xuất phát từ một câu hỏi có liên quan đến bản thân: “Tại sao chúng ta phải ăn trứng vào bữa sáng?”. Câu hỏi này dẫn đến một cuộc thảo luận về sự cần thiết của chất đạm, vốn lại khiến tôi thắc mắc tại sao bơ đậu phộng không được xem là chất đạm, và cuối cùng, sau nhiều màn tranh luận, mẹ tôi phải nhìn nhận lại vai trò của trứng, món mà tôi chưa bao giờ thích ăn. Suốt chín năm sau đó, biết mình đã giành được quyền không ăn trứng vào bữa sáng, tôi làm cho mình món bánh mì kẹp phết bơ đậu phộng béo ngậy và mứt chứ không ăn dù chỉ một quả trứng.
Khi lớn lên, chúng tôi nói nhiều hơn về chất kích thích, tình dục, các lựa chọn trong cuộc sống, về chủng tộc, sự bất bình đẳng và cả chính trị. Cha mẹ không mong hai đứa chúng tôi thành thánh nhân. Tôi còn nhớ cha đã khẳng định tình dục vốn là chuyện vui vẻ. Họ cũng không bao giờ tô điểm cho những thứ mà họ biết là thực tế khắc nghiệt của cuộc sống để chúng tôi khỏi phải ảo tưởng về những thứ đó. Chẳng hạn vào một dịp hè, anh Craig có được một chiếc xe đạp mới và anh đã đạp về phía đông đến Hồ Michigan, đến con đường lát đá dọc bãi Rainbow, nơi bạn có thể cảm nhận làn gió hồ. Ngay lập tức, anh bị một viên sĩ quan cảnh sát chặn lại và bị buộc tội ăn cắp, vì viên cảnh sát đó không tin chuyện một cậu nhóc da đen có thể có được chiếc xe đạp mới mà không phạm pháp. (Bản thân viên sĩ quan cũng là người Mỹ gốc Phi và cuối cùng đã bị mẹ tôi mắng cho một trận đồng thời bắt phải xin lỗi anh Craig). Cha mẹ tôi nói, chuyện đó là một thực tế bất công nhưng không may cũng là một thực tế phổ biến. Màu da khiến chúng tôi dễ bị xúc phạm. Đó là điều mà chúng tôi vẫn luôn phải thận trọng ứng phó.
Tôi đoán thói quen lái xe chở chúng tôi sang khu Pill Hill của cha là một cách cha thể hiện khát vọng của mình, một dịp để cho chúng tôi thấy học vấn tốt có thể mang lại điều gì. Cha mẹ tôi gần như cả đời chỉ sống lẩn quẩn trong vài cây số vuông ở Chicago, nhưng họ không bao giờ nghĩ là anh Craig và tôi cũng sẽ sống như thế. Trước khi kết hôn, họ đều đã có một thời gian ngắn theo học trường cao đẳng cộng đồng, nhưng cả hai đều từ bỏ rất sớm trước khi có được tấm bằng. Mẹ tôi học để trở thành một giáo viên nhưng rồi lại thấy mình nên làm công việc thư ký thì tốt hơn. Cha tôi thì đơn giản là không có đủ tiền đóng học phí nên đã nhập ngũ. Không ai khuyên ông nên học tiếp, không có tấm gương nào cho ông thấy cuộc đời trí thức sẽ ra sao. Thay vào đó, cha tôi đi lính hai năm, chuyển đến nhiều doanh trại khác nhau. Nếu việc học xong đại học và trở thành một nghệ sĩ từng là mơ ước của cha tôi thì ông đã nhanh chóng chuyển hướng hy vọng của mình, dùng tiền lương từ việc phục vụ trong quân ngũ để hỗ trợ học phí cho em trai mình học kiến trúc.
Bây giờ, khi sắp qua tuổi bốn mươi, cha tập trung dành dụm cho hai anh em chúng tôi. Gia đình chúng tôi không bao giờ khánh kiệt vì mua nhà, vì chúng tôi sẽ không mua nhà. Cha là người thực tế, biết các nguồn lực là hữu hạn và thời gian cũng vậy. Khi không lái xe, ông sử dụng gậy để đi lại. Trước khi tôi học xong tiểu học, cây gậy đó đã trở thành một chiếc nạng, và chẳng bao lâu sau là hai chiếc. Cho dù thứ gì đang bào mòn bên trong cơ thể ông, làm suy yếu cơ bắp và tổn hại dây thần kinh của ông, ông vẫn xem đó là một thử thách cá nhân, một chuyện mà ông âm thầm chịu đựng.
Như nhiều gia đình khác, gia đình chúng tôi cũng có những lần tiêu xài xa xỉ hơn bình thường một chút. Khi anh Craig và tôi nhận bảng điểm ở trường, cha mẹ tôi sẽ ăn mừng bằng cách đặt một chiếc bánh pizza từ tiệm Italian Fiesta, cửa hàng yêu thích của cả gia đình. Lúc thời tiết nóng nực, chúng tôi mua kem hộp - mỗi hộp gồm một phần kem sô-cô-la, hồ đào và cherry đen - để ăn dần trong nhiều ngày. Hàng năm khi đến lễ hội Air and Water Show(3), chúng tôi chuẩn bị thức ăn mang theo và lái xe về phía bắc dọc theo bờ Hồ Michigan đến một bán đảo có hàng rào bao quanh, nơi có nhà máy lọc nước mà cha tôi làm việc tọa lạc. Đó là một trong những dịp hiếm hoi trong năm các gia đình công nhân viên được phép đi qua cổng rào, đến trảng cỏ xanh mướt nhìn ra hồ, nơi có thể xem cảnh máy bay phản lực biểu diễn trên mặt hồ đẹp chẳng kém bất cứ tầm nhìn nào từ các căn hộ áp mái trên Đường Lake Shore.
Tháng Bảy hàng năm, cha tôi thường nghỉ làm một tuần, và chúng tôi sẽ nhét thêm vào chiếc Buick một người cô cùng hai người anh chị em họ, tất cả bảy người ngồi trong chiếc xe hai cửa ấy suốt hàng giờ liền, đi theo đường Skyway ra khỏi Chicago, vòng qua mũi nam của Hồ Michigan, lái đến White Cloud, Michigan, và dừng lại ở một nơi gọi là Khu nghỉ dưỡng Dukes Happy Holiday. Nơi đây có một phòng game, một chiếc máy bán hàng tự động bán nước giải khát đóng chai, và quan trọng hơn cả là có một hồ bơi lớn ngoài trời. Chúng tôi thuê một căn nhà gỗ có bếp và dành hết mấy ngày để nhảy lên nhảy xuống hồ bơi.
Cha mẹ tôi sẽ nướng thịt ngoài trời, hút thuốc và chơi bài cùng cô tôi, nhưng thỉnh thoảng cha cũng ngừng chơi để theo đám nhóc chúng tôi xuống hồ bơi. Cha tôi là người đàn ông điển trai với bộ ria cong xuống theo viền môi như một lưỡi hái. Cơ ngực và cánh tay ông rắn chắc, một minh chứng của việc ông đã từng là vận động viên. Trong những buổi chiều dài dưới hồ bơi, cha quạt nước, cười giỡn và tung chúng tôi lên không. Những lúc đó, đôi chân đã yếu của ông bỗng nhiên không còn là gánh nặng nữa.
QUÁ TRÌNH XUỐNG CẤP rất khó nhận ra, nhất là khi bạn đang ở giữa quá trình đó. Vào mỗi tháng Chín, khi anh Craig và tôi quay lại trường Bryn Mawr, chúng tôi lại thấy có ít trẻ em da trắng trên sân trường hơn. Một số đã chuyển qua học trường Công giáo gần đó, nhưng nhiều đứa trẻ khác đã rời hẳn nơi này. Thoạt đầu có vẻ như chỉ các gia đình người da trắng mới rời đi, nhưng rồi da trắng hay da đen gì cũng đi. Chẳng mấy chốc, dường như bất kỳ ai có điều kiện thì cũng khăn gói ra đi. Đa số những cuộc ra đi đó đều không được báo trước, cũng không được giải thích nguyên nhân. Chỉ cần nhìn thấy tấm biển “Nhà bán” trước sân nhà Yacker hoặc chiếc xe tải vận chuyển trước cửa nhà Teddy là chúng tôi biết chuyện gì sắp sửa xảy ra.
Có lẽ cú sốc lớn nhất đối với mẹ tôi là khi bạn của mẹ, cô Velma Stewart, thông báo rằng vợ chồng cô đã đặt cọc cho một ngôi nhà ở vùng ngoại ô Park Forest. Nhà Stewart có hai đứa trẻ và họ sống ở dãy nhà cuối Đại lộ Euclid. Họ cũng thuê căn hộ giống chúng tôi. Cô Stewart có khiếu hài hước độc đáo và tiếng cười dễ lan tỏa, thứ đã thu hút mẹ tôi làm bạn với cô. Họ trao đổi công thức nấu ăn và cập nhật tin tức của nhau, nhưng chưa từng sa đà vào chuyện ngồi lê đôi mách như những bà mẹ khác. Donny, con trai cô Stewart, bằng tuổi với anh Craig và cũng yêu thích vận động như anh, điều này khiến cả hai thân nhau ngay từ hồi mới biết nhau. Con gái cô, Pamela, đã là một thiếu nữ và không thích chơi với tôi cho lắm, dù tôi thấy tất cả những anh chị ở tuổi này thật thú vị. Tôi không nhớ nhiều về chú Stewart, ngoại trừ chuyện chú lái một chiếc xe tải giao hàng cho một hiệu bánh lớn trong thành phố, và vợ chồng con cái nhà Stewart sở hữu làn da trắng nhất mà tôi từng nhìn thấy ở người da đen.
Tôi không biết làm thế nào họ mua nổi một căn nhà ở vùng ngoại ô. Hóa ra, Park Forest là một trong những khu dân cư đầu tiên ở Mỹ được quy hoạch hoàn chỉnh - không chỉ là một khu đất thổ cư phân lô, mà là cả một khu dân cư được thiết kế dành cho khoảng ba mươi ngàn người, có khu mua sắm, nhà thờ, trường học và công viên. Được khởi công năm 1948, Park Forest được dự tính sẽ trở thành hình mẫu cho cuộc sống vùng ngoại ô, với những ngôi nhà được xây dựng hàng loạt và khu sân vườn y hệt nhau. Ở đây cũng có quy định giới hạn số gia đình người da đen có thể sinh sống trong một dãy nhà, nhưng vào thời điểm nhà Stewart dọn tới, giới hạn này dường như đã được xóa bỏ.
Không lâu sau khi dọn sang nhà mới, gia đình Stewart mời nhà chúng tôi đến chơi vào ngày cha tôi được nghỉ làm. Chúng tôi rất háo hức. Với chúng tôi, đó là một chuyến tham quan mới, một cơ hội để được nhìn thấy vùng ngoại ô vẫn thường được nhắc đến. Bốn người chúng tôi ngồi trên chiếc Buick hướng về phía nam đường cao tốc, đi theo con đường dẫn ra ngoại ô Chicago, và khoảng bốn mươi phút sau thì đến một khu trung tâm mua sắm vắng vẻ. Chúng tôi bắt đầu chạy lòng vòng qua những con đường yên ắng, theo chỉ dẫn của cô Stewart, rẽ qua những dãy nhà trông na ná nhau. Park Forest giống một thành phố mô hình đầy những ngôi nhà có thiết kế giống nhau - những căn nhà khiêm tốn một tầng, mái thấp, màu xám nhạt và những cây bụi mới trồng trước cửa.
“Ai lại muốn ở tận chỗ này chứ?”, cha tôi thắc mắc, mắt nhìn chằm chằm qua kính chắn gió. Tôi đồng ý là chuyện này thật không hợp lý. Theo những gì tôi nhìn thấy, khu này không hề có những cây đại thụ như cây sồi to ngay bên ngoài cửa sổ phòng ngủ nhà tôi. Mọi thứ ở Park Forest đều mới, rộng và vắng vẻ. Không có tiệm bán rượu ở góc phố với những gã đáng nghi lởn vởn đằng trước. Không có tiếng còi xe inh ỏi. Không có tiếng nhạc phát ra từ gian bếp của ngôi nhà nào đó. Tất cả cửa sổ của những ngôi nhà ở đây dường như đều đóng kín.
Anh Craig thường nhớ về chuyến viếng thăm ấy như một điều gì đó trên cả tuyệt vời, chủ yếu vì anh ấy đã chơi bóng suốt ngày ở sân bóng rộng rãi dưới bầu trời xanh với Donny Stewart và đám huynh đệ mới ở chốn ngoại ô. Cha mẹ tôi có buổi hội ngộ vừa đủ vui vẻ với cô chú Stewart, còn tôi lẽo đẽo theo Pamela, trầm trồ trước mái tóc, làn da sáng và những món trang sức tuổi thiếu niên của chị. Chúng tôi cũng cùng ăn trưa với nhau.
Đến tối thì hai gia đình chào tạm biệt nhau. Từ biệt nhà Stewart, chúng tôi đi bộ trong ánh hoàng hôn đến chỗ cha tôi đậu chiếc Buick. Anh Craig vẫn còn nhễ nhại mồ hôi, chân cẳng mỏi nhừ vì đã chạy suốt. Tôi cũng mệt mỏi và sẵn sàng về nhà. Khu này có điều gì đó khiến tôi không thoải mái. Tôi không phải là người thích vùng ngoại ô, mặc dù tôi không thể nói chính xác lý do tại sao.
Về sau mẹ tôi đã nhận xét về nhà Stewart và về cộng đồng cư dân mới của họ, dựa trên thực tế là gần như tất cả hàng xóm của họ đều là người da trắng.
“Mẹ tự hỏi, có phải không ai biết nhà Stewart là người da đen cho đến khi gia đình chúng ta đến thăm hay không”, bà nói.
Bà nghĩ có lẽ gia đình chúng tôi đã vô tình để lộ thân phận của nhà Stewart, vì đã đến từ vùng South Side, mang theo món quà tân gia và làn da đen không thể che giấu. Kể cả nếu nhà Stewart không cố tình che giấu về chủng tộc của mình, có lẽ họ cũng đã không nói về chuyện đó bằng cách này hay cách khác với những người hàng xóm mới. Bất kể bầu không khí nào đang tồn tại ở khu nhà của họ thì họ cũng không phá vỡ nó. Ít nhất là chưa cho đến khi chúng tôi đến thăm.
Có phải ai đó đã đứng bên cửa sổ quan sát khi cha tôi tiến lại gần xe vào đêm hôm đó? Có phải ai đó đang núp sau tấm rèm cửa sổ chờ xem mọi chuyện sẽ diễn biến ra sao? Tôi chẳng bao giờ biết được. Tôi chỉ nhớ lúc cha tôi chuẩn bị mở cửa xe, ông đã hơi khựng người lại khi nhìn thấy chuyện đã xảy ra. Ai đó đã rạch một đường bên hông chiếc Buick yêu thích của ông, một đường rạch sâu và xấu xí cắt ngang cánh cửa và kéo dài xuống đuôi xe. Một đường rạch bằng chìa khóa hoặc hòn đá, và chắc chắn không phải chuyện tình cờ.
Tôi từng nói cha tôi là người vững vàng, người không bao giờ ca thán dù là chuyện bé hay to, người vui vẻ đón nhận ngay cả những món khó nuốt nhất, người được bác sĩ trao cho bản án tử nhưng vẫn vui vẻ sống. Đối với chuyện lần này cũng vậy. Nếu có một cách nào đó để bày tỏ sự phản kháng, nếu có thể đạp vô một cánh cửa nào đó để trút giận, cha tôi cũng sẽ không làm những chuyện đó.
“À, thật không may”, ông nói trước khi mở khóa xe.
Đêm hôm đó chúng tôi lái xe về lại Chicago mà không nói nhiều về chuyện đã xảy ra. Có lẽ chúng tôi đã quá mệt mỏi để phân tích chuyện này. Dù sao thì chúng tôi cũng biết đủ về vùng ngoại ô rồi. Cha tôi hẳn đã phải lái chiếc xe với nguyên đường rạch đi làm vào ngày hôm sau, và tôi chắc chắn ông không cảm thấy dễ chịu vì điều đó. Nhưng vết rạch đó không tồn tại lâu. Ngay khi sắp xếp được thời gian, cha tôi đã đem xe đến xưởng đồng sơn ở Sears để tút lại.
(1) Nguyên văn là “Elementary School”, trường tiểu học bao gồm cả chương trình mẫu giáo.
(2) Trash-talk: một cách thức xúc phạm bằng lời nói thường thấy trong các sự kiện thể thao nhằm đe dọa, gây hỗn loạn tinh thần cho đối thủ. Nhiều quan điểm cho rằng trash-talk là nghệ thuật, lý do là bởi khởi nguồn của nó luôn nằm ở việc sử dụng những câu từ tinh tế độc đáo nhằm gây ảnh hưởng tâm lý lên đối phương theo cách hài hước.
(3) Air and Water Show: lễ hội trình diễn máy bay phản lực của không lực Mỹ, diễn ra thường niên trên Hồ Michigan, Chicago.