THẾ RỒI, CÓ MỘT DẠO, ông anh trai vốn vô lo của tôi bắt đầu có những biểu hiện lo lắng thái quá. Tôi không thể nói chính xác từ khi nào, hay tại sao chuyện này lại xảy ra, nhưng từ một người luôn giơ tay chào hỏi mọi người trong khu phố, và có thể bất chấp mọi sự xung quanh để thoải mái chợp mắt bất cứ khi nào có được mười phút rảnh rỗi, thì anh Craig giờ đây trở nên cáu kỉnh và cảnh giác ngay cả khi ở nhà, thậm chí anh còn tin rằng thảm họa đang ập đến với tất cả chúng tôi. Những buổi tối khi ở nhà, anh sẽ diễn tập đối phó với đủ loại tình huống giả định mà cha mẹ và tôi cảm thấy thật kỳ quái. Chẳng hạn, anh lo một ngày nào đó anh sẽ không còn nhìn thấy gì nữa, thế là anh đeo bịt mắt rồi mò mẫm đi lại quanh nhà để cảm nhận đường đi tới phòng khách và phòng bếp. Anh còn lo là mình sẽ bị điếc, vậy là anh bắt đầu tự học ngôn ngữ ký hiệu. Chưa hết, anh còn lo bị cắt cụt mất một tay, thế nên lúc ở bàn ăn hoặc khi làm bài tập, anh cứ loay hoay xoay xở với cánh tay phải bị cột ra sau lưng. Anh nói ai mà biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Thế nhưng nỗi sợ lớn nhất của anh Craig và có lẽ cũng chính là nỗi sợ thực tế nhất, đó là hỏa hoạn. Cháy nhà là chuyện thường xảy ra ở Chicago, một phần do chủ nhà ở những khu ổ chuột để mặc cho nhà cửa xuống cấp và vui mừng nhận tiền bảo hiểm bồi thường khi có hỏa hoạn, phần khác là vì thiết bị báo khói gia dụng lúc này vẫn còn mới mẻ và đắt đỏ so với túi tiền của tầng lớp lao động. Dù là nguyên nhân nào đi nữa, bên trong những dãy nhà chằng chịt của chúng tôi, hỏa hoạn gần như là một thực tế tất yếu, nó ngẫu nhiên xuất hiện và thiêu rụi nhà cửa cũng như con người nơi đây. Ông ngoại Southside của tôi đã chuyển đến khu chúng tôi đang sống sau khi một đám cháy khiến căn nhà cũ của ông ở West Side bị thiêu rụi, thật may là không có thương vong. (Theo lời mẹ tôi kể, ông Southside đã đứng trên lề đường gần ngôi nhà đang cháy, kêu gào lính cứu hỏa chĩa ống nước ra xa những đĩa nhạc jazz quý báu của ông.) Gần đây hơn, một thảm kịch quá đau thương đối với tâm trí non nớt của tôi đã xảy ra. Lester McCullom, cậu bạn học lớp năm của tôi đã qua đời trong trận hỏa hoạn đó. Lester là cậu bé gốc Phi có khuôn mặt hiền lành và sống trong ngôi nhà trên Đường 74 cách chúng tôi không xa. Trận hỏa hoạn đó cũng tước đi mạng sống của anh chị của cậu khi cả ba mắc kẹt trong phòng ngủ trên lầu.
Đó là lễ tiễn đưa đầu tiên mà tôi tham dự: những đứa trẻ trong khu phố sụt sùi khóc ở nhà tang lễ giữa nền nhạc The Jackson 5 văng vẳng; người lớn thì bàng hoàng, không có lời nguyện cầu hay bất kỳ câu xã giao nào có thể khỏa lấp được nỗi đau này. Ba cỗ quan tài đóng kín được đặt trong phòng, bên trên là di ảnh của ba đứa trẻ đang mỉm cười. Bà McCullom, người đã sống sót nhờ nhảy ra cửa sổ cùng chồng mình, đang ngồi trước ba cỗ quan tài, suy sụp và đau đớn đến mức chỉ nhìn thôi cũng thấy xót xa.
Nhiều ngày sau, những gì còn sót lại trong ngôi nhà của gia đình McCullom vẫn tiếp tục cháy âm ỉ rồi sập hẳn, một quá trình hấp hối chậm rãi chứ không như những gì đã xảy ra với ba người trẻ tuổi từng sống trong đó. Mùi khói vẫn vương vất khắp khu phố.
Thời gian trôi qua, cảm giác bất an của anh Craig chỉ càng thêm trầm trọng. Ở trường, chúng tôi tham gia các buổi diễn tập sơ tán dưới sự hướng dẫn của giáo viên, ngoan ngoãn ngồi nghe những bài giảng về cách dừng lại, cúi người và lăn khi có sự cố. Và kết quả là anh Craig quyết định chúng tôi cần tăng cường mức độ an toàn ở nhà. Anh tự phong mình là đội trưởng đội cứu hỏa tại gia, còn tôi là đội phó, sẵn sàng dọn lối thoát hiểm trong các buổi diễn tập hoặc điều động cha mẹ khi cần thiết. Chúng tôi không ám ảnh với việc cháy nhà nhưng luôn chú trọng việc sẵn sàng ứng phó với hỏa hoạn. Sự chuẩn bị là rất quan trọng. Gia đình chúng tôi không chỉ đúng giờ mà chúng tôi luôn đến sớm trong mọi sự kiện vì biết điều này có thể giúp cha cảm thấy dễ chịu hơn khi không phải lo về chuyện phải tìm được chỗ đậu xe sao cho không phải đi bộ một chặng đường dài hoặc có thể chọn được một chỗ ngồi thuận tiện trên khán đài mỗi khi xem anh Craig đấu bóng rổ. Bài học ở đây là hãy kiểm soát những gì mình có thể kiểm soát trong cuộc sống.
Để làm được điều này, hai anh em chúng tôi dợt qua một lượt những lối thoát hiểm khả dĩ trong nhà, cố gắng đoán xem mình có thể nhảy từ cửa sổ sang cây sồi trước nhà hay sang nóc nhà hàng xóm khi có cháy. Chúng tôi hình dung xem chuyện gì xảy ra nếu chảo dầu bùng cháy trong bếp, điện bị chập trong tầng hầm, hay sét đánh xuống từ trên cao. Anh Craig và tôi không quá lo lắng về mẹ trong tình huống khẩn cấp. Bà có vóc người gọn gàng, nhanh nhẹn và là kiểu người mà một khi đã nạp adrenalin thì có thể nâng cả một chiếc ô-tô để giải cứu đứa bé bị kẹt bên dưới. Chuyện khó giải quyết hơn chính là trở ngại của cha - một sự thật rành rành nhưng không ai nói ra là ông không thể nhảy qua cửa sổ như ba người chúng tôi, và đã nhiều năm rồi chúng tôi không thấy ông chạy.
Nếu có chuyện không may xảy ra, chúng tôi nhận ra quá trình giải cứu gia đình mình sẽ không diễn ra nhanh gọn như cảnh cứu hộ trong những bộ phim mà chúng tôi xem trên ti-vi. Cha tôi không phải là người sẽ vác chúng tôi đến nơi an toàn trên đôi vai lực lưỡng. Nếu có ai phải làm chuyện đó thì đó chính là anh Craig, người mà sau này sẽ vượt xa cha nhưng lúc bấy giờ vẫn còn là một cậu bé tay chân khẳng khiu và có vẻ đã hiểu rằng anh hùng nào cũng cần phải rèn luyện. Đó là lý do mỗi khi gia đình tôi diễn tập để ứng phó với hỏa hoạn, anh ấy đều dựng nên những tình huống xấu nhất, yêu cầu cha phải nằm rạp xuống sàn, bất động như thể đã ngất đi vì ngạt khói.
“Ôi trời ơi! Con tính làm thiệt đó hả?”, cha tôi sẽ vừa lắc đầu vừa nói.
Cha tôi không quen với việc phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác. Ông đã sống sao cho mình không rơi vào cảnh đó - cẩn thận chăm sóc chiếc xe của cả nhà, thanh toán hóa đơn đúng hạn, không bao giờ bàn về chứng đa xơ cứng đang ngày càng nghiêm trọng của mình và cũng không bỏ việc dù chỉ một ngày. Cha tôi muốn trở thành điểm tựa cho người khác. Với những việc mà cha tôi không có đủ sức khỏe để làm, ông sẽ bù đắp bằng cách khác, chẳng hạn như ủng hộ tinh thần hoặc chia sẻ kinh nghiệm, đó là lý do ông yêu thích công việc trưởng ban phân khu bầu cử của Đảng Dân chủ tại thành phố. Ông giữ vị trí này suốt nhiều năm, một phần vì viên chức thành phố ít nhiều cũng được kỳ vọng là sẽ trung thành phục vụ bộ máy của đảng. Dù vậy, kể cả khi có phần bị ép thì ông vẫn thích công việc của mình, mà điều này lại gây khó khăn cho mẹ tôi bởi công việc của cha tốn rất nhiều thời gian. Vào những dịp cuối tuần, cha tôi sẽ đến khu phố lân cận để thăm hỏi cử tri, thường là có tôi miễn cưỡng theo sau. Chúng tôi đậu chiếc Buick rồi đi bộ dọc theo những con đường có những dãy nhà bungalow khiêm tốn, dừng chân trước một thềm cửa để gặp một bà góa lưng còng hoặc một công nhân nhà máy phệ bụng đang cầm lon bia Michelob đứng sau cánh cửa nhìn ra. Thường thì họ sẽ vui vẻ khi thấy cha tôi tươi cười ngoài hiên, tay chống lên chiếc gậy.
“Fraser đó à!”, họ lên tiếng chào. “Ngạc nhiên chưa kìa. Vào nhà đi nào.”
Với tôi, điều này chưa bao giờ là tin tốt. Bởi mỗi lần như vậy có nghĩa là chúng tôi sẽ đi vào trong. Nghĩa là cả buổi chiều thứ Bảy của tôi sẽ đi tong khi tôi ngồi chết dí trên chiếc sofa mốc meo hay cầm một lon 7UP ngồi bên bàn bếp trong lúc cha tôi thu thập ý kiến - mà thực chất là những lời phàn nàn - để chuyển đến cho ủy viên hội đồng đang nắm quyền trong phân khu. Khi ai đó gặp vấn đề với việc thu gom rác, dọn tuyết hay gặp phải cái ổ gà phiền toái nào đó trên đường, cha tôi sẽ có mặt để lắng nghe tâm tư của họ. Mục tiêu của ông là giúp mọi người cảm thấy được Đảng Dân chủ quan tâm chăm sóc - và sẽ bầu cho đảng khi đến kỳ tuyển cử. Ông không bao giờ hối thúc ai hết, và tôi vô cùng chán nản với việc này. Thời gian, theo cách ông nhìn nhận, là món quà mà chúng ta trao tặng người khác. Ông cười khùng khục khi ngắm ảnh những đứa cháu kháu khỉnh của ai đó, kiên nhẫn nghe mấy chuyện ngồi lê đôi mách và những bản sớ dài về tình trạng sức khỏe tồi tệ của người khác, và gật gù cảm thông khi nghe ai đó than vãn về chuyện tiền bạc eo hẹp. Đến khi ra về, ông sẽ ôm chào tạm biệt các cụ bà, trấn an họ là ông sẽ giúp hết mình để giải quyết những vấn đề có thể giải quyết được.
Cha tôi luôn tin bản thân mình hữu dụng. Đó là điều khiến ông cảm thấy tự hào. Đó cũng là lý do trong những cuộc diễn tập hỏa hoạn tại nhà chúng tôi, ông không thích phải trở thành một món đạo cụ thụ động, thậm chí giả vờ cũng không. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ông cũng không hề có ý định sẽ trở thành gánh nặng - một người nằm bất tỉnh trên sàn nhà. Thế nhưng, một phần nào đó trong ông dường như hiểu rằng việc này quan trọng đối với chúng tôi - đặc biệt là với anh Craig. Khi chúng tôi yêu cầu cha nằm xuống, ông sẽ bày trò chọc cười cả nhà bằng cách khuỵu gối, rồi hạ mông, sau đó ngoan ngoãn xoãi người nằm ngửa trên tấm thảm phòng khách. Ông sẽ liếc mắt nhìn mẹ tôi như muốn nói, “Mấy đứa chết toi này”. Những lúc đó mẹ tôi cũng không nhịn được cười, bởi với bà thì những việc này đúng là rất khôi hài.
Rồi ông sẽ thở dài, nhắm mắt, chờ anh Craig bấu chặt hai tay dưới vai để bắt đầu công tác cứu hộ. Mẹ và tôi khi đó sẽ đứng nhìn anh Craig vừa lóng ngóng vừa cố hết sức kéo cơ thể khoảng tám mươi ký của cha ra khỏi hỏa ngục tưởng tượng đang sôi sục trong tâm trí còn chưa đủ tuổi vị thành niên của anh, lôi ông trên sàn nhà, vòng qua trường kỷ và cuối cùng là tới cầu thang.
Tới đây, anh Craig nghĩ là mình có thể thả cho cha trượt xuống các bậc thang, ra đến cửa hông và thế là an toàn; nhưng cha luôn từ chối, không để anh ấy thực hành đoạn này. Ông nhẹ nhàng nói, “Vậy là đủ rồi” và nhất quyết đứng lên trước khi bị anh ấy kéo lê xuống cầu thang. Tuy nhiên, giữa hai người đàn ông đó xem như đã có một thỏa thuận ngầm. Chuyện này không hề dễ dàng hay thoải mái nếu nó thật sự xảy ra, và dĩ nhiên chẳng có gì bảo đảm bất kỳ ai trong số chúng tôi có thể sống sót. Nhưng giả sử điều tồi tệ nhất xảy ra thì ít nhất chúng tôi cũng có kế hoạch dự phòng.
DẦN DẦN, TÔI TRỞ NÊN CỞI MỞ và hòa đồng hơn, sẵn lòng đối mặt với sự hỗn loạn của thế giới rộng lớn bên ngoài. Tâm lý chống đối bẩm sinh trong tôi đối với sự hỗn độn và những gì tự phát không theo một trật tự nhất định đã giảm ít nhiều sau những lần tôi theo cha đi gặp gỡ cử tri, sau những chuyến đi chơi cuối tuần khi chúng tôi bất ngờ đến thăm cả chục cô dì chú bác và anh chị em họ, ngồi nướng đồ ăn trong đám khói mịt mù ở sân vườn nhà ai đó, hoặc chơi đùa cùng lũ trẻ hàng xóm ở khu phố xa nhà nào đó.
Mẹ tôi là con gái trong gia đình có bảy anh chị em. Cha tôi là anh cả trong gia đình có năm anh chị em. Họ hàng nhà ngoại tôi thường tụ họp ở nhà của ông Southside gần đó, bởi ai cũng mê tài nấu ăn của ông và thích chơi những ván bài bid whist(1) liên tu bất tận cùng tiếng nhạc jazz sống động không ngừng. Ông Southside như thỏi nam châm gắn kết tất cả chúng tôi lại với nhau. Ông vĩnh viễn không có niềm tin vào thế giới nằm ngoài khoảnh sân nhà mình, chủ yếu là ông lo lắng cho sự an toàn và sức khỏe của mọi người, và cũng chính vì thế mà ông dốc sức tạo ra một môi trường để chúng tôi luôn được ăn đầy chơi đủ, có lẽ với hy vọng là chúng tôi sẽ không bao giờ muốn rời đi. Thậm chí ông còn tìm cho tôi một chú chó có bộ lông màu nâu vàng đáng yêu mà chúng tôi gọi là Rex. Theo lệnh của mẹ, Rex không được sống trong nhà chúng tôi, nhưng tôi cứ đến nhà ông Southside thăm nó suốt. Tôi thường nằm ườn ra sàn và vùi mặt vào mớ lông mềm mại của nó, lắng nghe đuôi của nó vỗ bộp bộp xuống sàn mừng rỡ mỗi khi ông Southside đi ngang qua. Ông nuông chiều Rex hệt như cách ông nuông chiều tôi, bằng thức ăn, tình yêu thương và sự bao dung, với một mong muốn thầm lặng và tha thiết là đừng rời xa ông.
Trong khi đó, gia đình bên nội tôi sống rải rác khắp vùng South Side rộng lớn của Chicago, gồm những bà cô, anh chị em họ thuộc thế hệ thứ ba, cùng một vài người có mối quan hệ huyết thống không rõ ràng. Chúng tôi cứ tới lui thăm hết mọi người. Tôi thường đoán xem cả nhà đang đi đâu qua số lượng cây xanh tôi nhìn thấy hai bên đường. Những khu nhà kém khá giả hơn thường không có cây xanh. Nhưng đối với cha tôi, tất cả đều là máu mủ ruột rà. Ông vui vẻ khi gặp chú Calio của mình, một người đàn ông có vóc dáng gầy gò nhỏ con, tóc xoăn trông như Sammy Davis Jr.(2) và gần như lúc nào cũng say xỉn. Ông yêu quý cô Verdelle, người đang sống với tám đứa con trong một chung cư xuống cấp cạnh đường cao tốc Dan Ryan, khu phố mà anh Craig và tôi hiểu rằng quy luật sinh tồn của nó rất khác.
Vào những chiều Chủ nhật, cả nhà bốn người chúng tôi thường lái xe chừng mười phút về phía bắc đến khu Parkway Gardens để ăn tối cùng ông bà nội - mà chúng tôi gọi là Dandy và Grandma - cùng với ba cô chú út, Andrew, Carleton và Francesca, những người sinh sau cha tôi hơn mười năm và vì thế giống như anh trai, chị gái của chúng tôi hơn là cô chú. Tôi nghĩ cha tôi giống như cha của cả ba cô chú hơn là một người anh, ông thường khuyên nhủ và lén cho tiền họ khi họ cần. Cô Francesca thông minh, xinh đẹp và thỉnh thoảng để tôi chải mái tóc dài của cô. Chú Andrew và Carleton chỉ ngoài hai mươi nhưng cực kỳ phong cách. Họ mặc quần ống loe và áo cổ lọ. Họ sở hữu áo khoác da, có bạn gái và nói về những thứ như Malcolm X(3) và “năng lực da đen”. Anh Craig và tôi từng ngồi hàng giờ liền trong phòng ngủ của hai chú ở phía sau căn hộ, chỉ để “hấp thu” sự sành sõi của họ.
Ông nội Dandy của tôi cũng tên là Fraser Robinson, và rõ ràng là ông không dễ gần như các cô chú. Tôi thường thấy ông ngồi trên ghế bành hút xì gà, tay cầm tờ báo đang mở và mắt thì dõi theo bản tin buổi tối đang phát trên chiếc ti-vi gần đó. Thái độ sống của ông nội và cha tôi hoàn toàn khác nhau. Đối với ông Dandy thì mọi thứ đều chướng mắt. Ông khó chịu với những tin tức trong ngày, với tình hình thế giới đang được tường thuật trên truyền hình, với những thanh niên da đen mà ông hay gọi là “đám ngớ ngẩn” chỉ biết lông bông và gieo tiếng xấu cho người da đen ở khắp nơi. Ông hét vào ti-vi. Ông lớn tiếng với bà nội, một phụ nữ ngọt ngào, nhỏ nhẹ và mộ đạo Cơ Đốc giáo tên LaVaughn. (Cha mẹ tôi đặt tên tôi là Michelle LaVaughn Robinson, để thể hiện sự kính trọng đối với bà.) Ban ngày, bà nội quản lý cửa hiệu bán Kinh thánh làm ăn khấm khá ở khu Far South Side một cách chuyên nghiệp, nhưng vào thời gian rỗi bên cạnh ông Dandy, bà lại có dáng vẻ nhu mì mà ngay cả khi còn là một cô bé con thì tôi đã cảm thấy thật kỳ lạ. Bà nấu ăn cho ông và nhận hết những lời phàn nàn của ông mà không hề lên tiếng phản kháng. Ngay từ khi tôi còn bé, sự im lặng và bị động của bà trong mối quan hệ của ông bà có gì đó khiến tôi cảm thấy ám ảnh.
Theo lời của mẹ, tôi là người duy nhất trong nhà dám phản kháng ông Dandy mỗi khi ông lớn tiếng. Tôi thường xuyên phản kháng như vậy, từ khi tôi còn rất bé và kéo dài suốt nhiều năm sau đó, một phần là vì tôi tức điên khi bà nội không tự lên tiếng bảo vệ bản thân, phần khác vì ai cũng câm như hến khi ở bên ông, và cuối cùng là vì tình yêu thương tôi dành cho ông cũng không kém gì sự khó chịu mà ông gây ra cho tôi. Cái tính ương bướng cố chấp của ông là thứ tôi có thể nhận ra, là cái tính mà chính tôi cũng có, mặc dù tôi hy vọng kiểu ương bướng của mình ít thô lỗ hơn. Tuy vậy, ông Dandy cũng có những lúc cư xử nhẹ nhàng, điều mà tôi chỉ mơ hồ cảm nhận được. Thỉnh thoảng ông nhẹ nhàng xoa cổ tôi khi tôi ngồi cạnh chân ghế của ông. Ông mỉm cười khi cha tôi nói điều gì đó vui nhộn hoặc khi bọn trẻ chúng tôi có đứa góp chuyện với một từ dí dỏm nào đó. Nhưng rồi lại có thứ gì đó khiến ông mất hứng và ông sẽ bắt đầu cau có trở lại.
Những lúc như vậy, tôi sẽ nói, “Đừng la mắng mọi người nữa ông ơi”, hoặc “Đừng cộc cằn với bà như vậy ạ”. Tôi cũng thường nói thêm, “Rốt cuộc thì chuyện gì khiến ông tức giận đến vậy ạ?”. Đáp án cho câu hỏi ấy vừa phức tạp vừa đơn giản. Ông Dandy sẽ không trả lời mà chỉ nhún vai cáu kỉnh trước sự chen ngang của tôi và tiếp tục với tờ báo đang đọc. Nhưng khi chúng tôi về nhà, cha mẹ tôi sẽ cố gắng giải thích cho chúng tôi hiểu.
Ông Dandy xuất thân từ vùng Low Country, thuộc tiểu bang South Carolina, lớn lên ở khu cảng biển ẩm ướt Georgetown, nơi có hàng ngàn nô lệ từng dãi nắng dầm mưa trên những đồn điền rộng lớn, gặt lúa, thu hoạch cây chàm và làm giàu cho cánh chủ nô. Ông nội tôi sinh năm 1912, là cháu của những người nô lệ, con trai một công nhân nhà máy, và anh cả trong gia đình có mười anh chị em. Từ nhỏ đã là đứa trẻ nhanh trí và thông minh, nên ông được đặt biệt danh là “Giáo sư” và từ sớm đã có ý định một ngày nào đó sẽ vào đại học. Nhưng ông không chỉ là một người da đen có xuất thân nghèo khó, mà còn lớn lên ngay trong giai đoạn Đại suy thoái. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông đi làm tại một xưởng gỗ, vì ông biết rằng nếu còn ở Georgetown thì ông sẽ không có thêm lựa chọn nào khác. Khi xưởng gỗ cuối cùng cũng đóng cửa, như nhiều người Mỹ gốc Phi cùng thế hệ, ông đã chớp thời cơ chuyển lên phía bắc đến Chicago, gia nhập một sự kiện mà sau này được biết đến như Cuộc đại di cư - hành trình của sáu triệu người da đen ở miền nam tái định cư tại các thành phố lớn ở phía bắc trong suốt năm thập kỷ, thoát ly khỏi sự áp bức của thói kỳ thị chủng tộc và theo đuổi những công việc thuộc ngành công nghiệp.
Nếu đây là một câu chuyện điển hình của Giấc mơ Mỹ thì khi đặt chân đến Chicago vào đầu những năm 1930, ông Dandy hẳn đã tìm được một công việc tốt cũng như con đường để vào đại học. Nhưng thực tế thì khác xa. Tìm việc là chuyện rất khó khăn, một phần vì thực trạng các nhà quản lý của nhiều nhà máy lớn ở Chicago thường thuê người di dân gốc Âu hơn là các công nhân người Mỹ gốc Phi. Ông Dandy làm bất cứ công việc nào mà ông có thể tìm được, từ dựng ky ở sân bowling, rửa chén đĩa, cho tới làm mấy việc lặt vặt được người ta thuê mướn. Dần dần, ông giảm bớt hy vọng, từ bỏ ý định học đại học mà thay vào đó là chuyển sang học nghề thợ điện. Nhưng hy vọng này cũng nhanh chóng lụi tàn. Nếu muốn trở thành thợ điện (hay công nhân nhà máy thép, thợ mộc, thợ ống nước và các công việc tương tự) ở bất cứ điểm tuyển dụng quy mô lớn nào ở Chicago, bạn cần có thẻ nghiệp đoàn. Mà nếu bạn là người da đen thì rất nhiều khả năng là bạn không bao giờ có được tấm thẻ đó.
Chính sự kỳ thị này đã làm thay đổi số mệnh của nhiều thế hệ người Mỹ gốc Phi, trong đó có nhiều người đàn ông trong gia đình tôi, hạn chế thu nhập của họ, thu hẹp cơ hội của họ và cuối cùng là kìm kẹp cả khát vọng của họ. Là một thợ mộc, nhưng ông Southside không được phép làm việc cho những công ty xây dựng lớn vốn có khả năng trả mức lương ổn định từ những dự án lâu dài, vì ông không thể gia nhập nghiệp đoàn lao động. Còn ông Terry, chồng bà Robbie, đã phải từ bỏ sự nghiệp thợ ống nước vì lý do tương tự và trở thành nhân viên phục vụ trên toa tàu hạng sang. Bên nhà ngoại tôi thì có cậu Pete không thể gia nhập nghiệp đoàn tài xế taxi và đã phải chuyển sang lái taxi “chui”, phải đón khách ở những vùng nguy hiểm hơn trong khu West Side, nơi xe khách thông thường không thích lai vãng. Họ là những người đàn ông rất thông minh, khỏe mạnh, không được làm những công việc có thu nhập cao, chính vì vậy họ không thể mua được nhà, không thể cho con cái của mình học đại học, cũng không thể tiết kiệm cho lúc về hưu. Tôi biết họ đau xót khi bị gạt ra lề xã hội, bị mắc kẹt với những công việc không xứng tầm với năng lực của họ và chứng kiến người da trắng vượt mặt. Đôi khi họ còn phải đào tạo những nhân viên mới mà họ biết sau này có thể trở thành cấp trên của mình. Tất cả những chuyện này gieo vào họ sự oán giận, khiến họ mất lòng tin, ít nhất là ở mức độ nào đó: bạn không bao giờ biết người khác nhìn nhận mình ra sao.
Về phần ông Dandy, cuộc sống không phải lúc nào cũng tồi tệ. Ông gặp bà nội tôi khi đang đi lễ ở khu South Side, và rốt cuộc ông cũng tìm được việc làm thông qua Cơ quan Quản trị Dự án Việc làm của chính phủ liên bang, một chương trình hỗ trợ thuê lao động không lành nghề cho các dự án xây dựng công cộng trong suốt thời kỳ Đại suy thoái. Sau đó ông trải qua ba mươi năm làm nhân viên bưu tín trước khi nghỉ hưu với mức lương hưu đủ để ông lúc nào cũng có thể ngồi trên chiếc ghế bành thoải mái của mình và chửi bới “đám ngớ ngẩn” trên ti-vi.
Cuối cùng, ông có năm người con cũng thông minh và có tinh thần kỷ luật như mình. Chú Nomenee, người con thứ hai của ông, tốt nghiệp Trường Luật Harvard. Hai chú Andrew và Carleton lần lượt trở thành nhân viên điều hành tàu hỏa và kỹ sư. Cô Francesca là giám đốc sáng tạo trong ngành quảng cáo một thời gian và cuối cùng trở thành giáo viên tiểu học. Dù vậy, ông Dandy vẫn không thể mãn nguyện với thành tựu của các con. Mỗi khi đến Parkway Gardens dùng bữa vào tối Chủ nhật, chúng tôi đều nhận ra ông đang sống trong dư vị đắng cay của những giấc mơ vụn vỡ.
NẾU NHỮNG CÂU HỎI MÀ TÔI ĐẶT RA cho ông Dandy là khó trả lời, thì tôi cũng nhanh chóng nhận ra là có nhiều câu hỏi khác cũng khó trả lời tương tự như vậy. Trong cuộc sống của mình, tôi cũng bắt đầu đối mặt với những câu hỏi mà tôi chưa sẵn sàng trả lời. Có một cô gái mà tôi không nhớ tên từng hỏi tôi một câu kiểu như vậy. Cô này là em họ xa của tôi, là con của người họ hàng sống trong căn bungalow cách nhà tôi khá xa về phía tây. Mỗi lần mẹ chở anh em tôi tới đó chơi thì cô gái này thường cùng chơi đùa với chúng tôi ở sân sau trong lúc người lớn nói chuyện. Khi người lớn uống cà phê và trò chuyện rôm rả trong bếp, thì ngoài sân bọn trẻ con chúng tôi cũng cùng cười đùa và rượt đuổi nhau. Đôi khi tôi thấy hơi kỳ quặc khi tất cả chúng tôi đều phải gượng gạo làm thân với nhau, nhưng thường thì mọi chuyện cũng ổn. Anh Craig gần như sẽ mất dạng vào một trận bóng rổ, còn tôi thì nhảy dây hoặc cố tham gia vào một cuộc trò chuyện vui vẻ nào đó đang diễn ra.
Một ngày hè nọ năm tôi khoảng mười tuổi, tôi ngồi trên thềm nhà tán dóc với một nhóm con gái trạc tuổi mình. Chúng tôi đều tết tóc bím, mặc quần ngắn và về cơ bản thì chỉ đang giết thời gian. Thường chúng tôi sẽ nói về bất kỳ chủ đề nào - trường lớp, mấy ông anh, hay thậm chí là một tổ kiến dưới đất.
Đoạn, một đứa con gái trong nhóm - cô em họ thứ hai, ba hay bốn gì đó của tôi - bực dọc liếc nhìn tôi và nói, “Tại sao chị nói năng như một đứa con gái da trắng vậy?”.
Đó là một câu hỏi sắc bén, có ý châm chọc hoặc ít nhất cũng là khiêu khích, nhưng cũng rất nghiêm túc. Nó chứa đựng cốt lõi của một điều gì đó khiến cả hai chúng tôi đều bối rối. Chúng tôi có vẻ cùng chung huyết thống nhưng lại đến từ hai thế giới khác nhau.
“Làm gì có”, tôi đáp, sững người vì con bé dám có suy nghĩ đó và vô cùng ái ngại khi những đứa con gái khác cứ nhìn tôi chằm chằm.
Nhưng tôi biết con bé muốn nói gì. Đó là chuyện không thể chối cãi, kể cả khi tôi vừa mới chối xong. Tôi thật sự có cách nói chuyện khác với nhiều người họ hàng của mình, và anh Craig cũng vậy. Cha mẹ đã dạy chúng tôi thấm nhuần tầm quan trọng của việc phát âm chuẩn, tròn vành, rõ chữ, chẳng hạn nói “cảm ơn” thay vì “củm mơn”. Cha mẹ mua cho chúng tôi một quyển từ điển và trọn bộ Bách khoa toàn thư Britannica. Chúng tôi đặt chúng ngay ngắn trên kệ cầu thang trong căn hộ nhà mình, mỗi tựa sách đều là chữ khắc chìm mạ vàng. Mỗi khi chúng tôi thắc mắc về một từ, một khái niệm hoặc một dữ kiện lịch sử nào đó, cha mẹ sẽ bảo chúng tôi tìm câu trả lời trong những quyển sách đó. Ông Dandy cũng góp phần ảnh hưởng khi tỉ mỉ chỉnh sửa văn phạm hoặc khuyến khích chúng tôi phát âm thật rõ ràng mỗi khi chúng tôi tới nhà ông dùng bữa tối. Mục đích của ông Dandy và cha mẹ tôi là giúp anh em tôi có thể vượt mọi giới hạn để có thể tự mình tiến xa hơn. Họ đã lên kế hoạch cho việc này. Họ đã làm mọi cách để thực hiện kế hoạch này. Họ kỳ vọng chúng tôi không chỉ thông minh, mà còn sở hữu sức mạnh đó và sống với nó một cách tự hào. Chính những điều này đã ảnh hưởng đến cách chúng tôi nói chuyện.
Nhưng chuyện này cũng có thể trở nên phiền toái. Nói chuyện theo “cách của người da trắng” - như vài người nhận định - bị xem là một sự phản bội, là trịch thượng, là ít nhiều chối bỏ văn hóa của chúng tôi. Nhiều năm sau, sau khi gặp và kết hôn với chồng mình - người đàn ông có màu da sáng đối với một số người nhưng lại sậm đối với một số khác, người đàn ông nói chuyện với cung cách của một người Hawaii da đen được đào tạo tại Ivy League(4) và được gia đình da trắng thuộc tầng lớp trung lưu vùng Kansas nuôi nấng - tôi thấy vấn đề này xuất hiện cả trong tâm thức của người da trắng lẫn người da đen trên khắp cả nước, đó là nhu cầu phải đóng khung ai đó trong khuôn khổ chủng tộc của họ, đó cũng là sự khó chịu khi nhu cầu này không được đáp ứng dễ dàng. Nước Mỹ sẽ đặt ra cho Barack Obama những câu hỏi mà em họ tôi đã vô thức đặt ra cho tôi ngày hôm đó trên thềm nhà: Có phải anh đúng là những gì mà anh đang thể hiện? Chúng tôi có thể tin tưởng anh hay không?
Hôm đó tôi đã cố không nói nhiều với cô em họ. Tôi cảm thấy mất hứng vì thái độ thù địch của con bé, nhưng đồng thời cũng muốn con bé nhìn thấy sự chân thực của tôi - tôi không hề có ý trịch thượng khoe mẽ. Tôi không biết phải làm sao. Tôi loáng thoáng nghe thấy cuộc trò chuyện của người lớn đang diễn ra trong gian bếp kế bên, tiếng cười thoải mái của cha mẹ tôi lan tỏa khắp sân. Tôi nhìn anh trai đang nhễ nhại mồ hôi chơi bóng cùng đám trẻ ở góc phố sát bên. Ai nấy đều có vẻ hòa nhập với môi trường xung quanh, trừ tôi. Giờ đây, khi nhìn lại sự khó chịu lúc đó, tôi nhận ra một thử thách to lớn hơn của việc cân bằng giữa việc chúng ta là ai, chúng ta từ đâu đến và muốn đi đến đâu. Tôi cũng nhận ra là hãy còn rất lâu nữa tôi mới tìm được tiếng nói của mình.
(1) Bid whist: một trong những trò chơi bài Tây phổ biến ở Mỹ, đặc biệt là trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi.
(2) Sammy Davis Jr. (1925-1990): ca sĩ, diễn viên, nhạc sĩ và vũ công nổi tiếng người Mỹ.
(3) Malcolm X (1925-1965): tu sĩ Hồi giáo người Mỹ gốc Phi, từng là phát ngôn viên cho tổ chức Quốc gia Hồi giáo, thành lập công ty Tu viện Hồi giáo và Tổ chức Mỹ gốc Phi thống nhất. Năm 1965, Malcolm X bị ám sát tại Washington Heights, trong ngày đầu tiên của cuộc họp mặt Tuần lễ Huynh đệ Quốc gia.
(4) Ivy League: khối các trường đại học danh tiếng ở Mỹ, bao gồm các trường Brown, Columbia, Cornell, Dartmouth, Harvard, Pennsylvania, Princeton và Yale.