Cỗ bàn cho lễ ăn hỏi được bày biện tươm tất chỉ chờ đoàn nhà trai đến có nhời là vào cỗ. Mọi thứ được ông Tính chuẩn bị đầy đủ cho 12 mâm theo phong tục người Tày: Con lợn 50 kilôgam, bánh chưng 24 cái, bánh giầy 72 cặp, rượu 60 lít, chè, thuốc lá, bánh kẹo… Ấy là ông Tính lo giúp thủ trưởng thời chống Mỹ của mình. Nhà ông có hai thằng con trai đã yên bề gia thất. Thằng cả - Chủ tịch xã, vợ nó y sĩ trạm y tế xã; vợ chồng thằng hai công tác dưới thành phố tỉnh lỵ.
Ngày ấy, tân binh Tính sau khi huấn luyện xong được bổ sung cho đơn vị ông Tập. Thấy Tính là người dân tộc Tày, nhanh nhẹn, trung thực, ông Tập nhận về làm liên lạc cho ông, người tiểu đoàn trưởng, một kỹ sư lâm nghiệp, quê ở vùng rừng cọ đồi chè. Hồi đó, khi xong việc binh, hai người gắn bó với nhau như anh em ruột. Tiêu chuẩn của cán bộ tiểu đoàn, ông đều san sẻ cho Tính. Theo tiểu đoàn trưởng một thời gian, Tính xin ông Tập cho xuống đơn vị trực tiếp chiến đấu. Biết Tính rất mê làm trinh sát, ông Tập bổ sung Tính vào đơn vị trinh sát của tiểu đoàn. Ở dưới đơn vị, thi thoảng, Tính lại lên tiểu đoàn bộ thăm ông Tập. Trong một lần trinh sát, tổ của Tính rơi vào ổ đón lõng của bọn biệt kích. Không thấy Tính trở về, ông Tập rất đau buồn đoán rằng Tính đã hy sinh bị bọn địch vứt xác hoặc bị thương nên chúng bắt đem về căn cứ. Từ ngày đó hai người bặt tin nhau. Chiến tranh kết thúc, ông Tập chuyển ngành làm Phó ty Lâm nghiệp một tỉnh ở vùng Tây Nguyên, địa bàn ông đã từng chiến đấu. Tại đây, ông Tập gặp lại cô du kích năm xưa đã dẫn đường cho đơn vị ông tiến về giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung, công tác ở Hội Phụ nữ tỉnh. Hai người nên vợ chồng. Con gái đầu làm việc ở cơ quan Huyện ủy có đường biên giới với nước bạn Lào, xây dựng gia đình với một sĩ quan biên phòng; thằng Ba Luyện là kỹ sư thuỷ điện. Mấy chục năm qua, ông đau đáu nỗi đau về những đồng đội đã hy sinh, những đồng đội ông chưa gặp lại không biết ai còn, ai mất. Công việc cùng với thời gian giúp ông nguôi ngoai phần nào. Cách đây mấy năm, kỷ niệm ngày toàn thắng, Ban Liên lạc cựu chiến binh trung đoàn tổ chức đoàn thăm lại chiến trường xưa, không ngờ ông gặp lại Tính - người lính trinh sát tri kỷ, tuy mất một cánh tay nhưng trông vẫn rắn rỏi, vẫn là cái miệng hay cười, đôi mắt như biết nói.
Từ ngày gặp lại nhau, vài ngày hai người lại nói chuyện với nhau qua điện thoại. Nhờ đó mà cách xa hơn ngàn cây số vẫn cảm thấy ở bên nhau như ngày còn trong chiến trường. Có những lần hàn huyên đến khi hết pin hoặc hết tiền thuê bao mới đành chia tay trên sóng.
Một hôm, ông Tập cho biết, thằng Ba Luyện - con trai út của ông sẽ lấy vợ người dân tộc Tày quê ông Tính. Con dâu tương lai của ông Tập cũng đang công tác cùng cơ quan với thằng Ba Luyện ở thành phố Plây-cu, nơi gia đình ông đang sinh sống. Hai đứa giấm giúi yêu nhau từ ngày còn mài đít ghế trường đại học. Ông Tính mừng lắm. Thế là ông và ông Tập có nhiều lý do để gặp nhau, để về thăm quê và gia đình của nhau. Xa xôi cách trở và tôn trọng bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ông Tập nhờ ông Tính trong vai người chú bàn bạc với gia đình nhà gái chuẩn bị giúp những thứ cần thiết theo phong tục người Tày cho đôi lứa. Ông Tính bảo phong tục cưới xin của người Tày giống như người Kinh vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng có một số điểm mang sắc thái riêng của người Tày vùng Tây Bắc. Để đôi trai gái thành vợ chồng phải trải qua ba cái lễ: Lễ dạm hỏi như lễ dạm ngõ của người Kinh. Tại lễ này, một người chú hoặc bác của nhà trai mang theo một con gà trống thiến, gạo nếp cùng một người đi cùng gánh lễ vật đến nhà gái có nhời xin dạm hỏi. Lễ này, ông Tính có thể đại diện mang lễ vật đến thưa chuyện với nhà gái được. Lễ ăn hỏi, thành phần gồm ông chú hoặc bác bên bố chàng trai làm trưởng đoàn, một ông chú hoặc bác bên mẹ chàng trai làm phó đoàn mang lễ vật đủ cho 12 mâm khách gồm những thứ chính: 12 con gà hoặc một con lợn 40-50 kilôgam, bánh chưng, bánh giầy, rượu... Từ lễ ăn hỏi này, hai bên xin phép được qua lại nhà nhau như người nhà trong các dịp lễ tết hay có công việc lớn. Lễ cưới, tục thách cưới nhà trai phải lo toàn bộ đồ ăn cho khách mời của nhà gái trong ngày cưới như gà, lợn, xôi, bánh, gạo, rượu… Trước đây thách cưới bằng bạc trắng, nay thách cưới bằng tiền để sắm đồ cưới. Theo phong tục, những gia đình có con gái từ mười tuổi trở lên phải trồng bông, dệt vải. Khi cô dâu về nhà chồng phải chuẩn bị cho ông bà nội ngoại, bố mẹ chồng, cô, dì, chú, bác bên chồng mỗi gia đình một đôi gối, một cái chăn bông. Nếu anh em chưa có gia đình thì mỗi người sẽ được cô dâu tặng một cái chăn và đôi gối, đồng thời cô dâu phải chuẩn bị đầy đủ mọi dụng cụ sinh hoạt và lao động sản xuất để mang theo về nhà chồng. Cô dâu trong ngày cưới mặc áo dài đen, váy đen, vấn tóc trong vành khăn. Trước khi nhà trai đến đón dâu phải làm lễ cúng tổ tiên. Khi đi đón dâu, nhà trai có hai người cao tuổi đại diện, chú rể, phù rể, bà gia hặp (bà đưa cơi trầu). Đến chân cầu thang nhà gái, người đại diện nhà trai xin phép rửa chân để lên nhà nói chuyện xin dâu. Trước khi ăn cơm ở nhà gái, hai người đại diện nhà trai cùng chú rể, phù rể phải đi mời cơm lần lượt quan khách họ nhà gái. Trước khi đoàn nhà trai trở về, cô dâu chú rể lạy ông bà, cha mẹ mỗi người ba lạy. Đoàn rước dâu khi ra khỏi nhà gái thì bố trí hai người đại diện nhà trai đi trước, cô dâu, chú rể đi sau, tay cô dâu cầm nón, thẻ hương. Khi xuống cầu thang, cô dâu đội nón lên đầu, đến chân cầu thang cô dâu cắm một nén hương, ra đến cổng lại cắm một nén hương. Đoàn đưa dâu đại diện cho nhà gái bao gồm có một ông, một bà cao tuổi (ông ta hồng, bà tai hồng), phù dâu, anh em, bạn bè… Buổi tối hôm đón dâu về, bà tai hồng, ông ta hồng ngủ lại ở nhà trai. Bà tai hồng và phù dâu ngủ cùng cô dâu. Sáng hôm sau, cô dâu, phù dâu dậy sớm lấy nước, lấy khăn bê đến cho mọi người trong nhà rửa mặt…
Nghe ông Tính nói thế, ông Tập nhờ ông Tính toàn quyền lo giúp đầu phía Bắc, phía Nam ông sẽ đảm nhiệm. Được sự tư vấn và giúp đỡ của con trai, ông Tính bàn với gia đình nhà gái làm lễ ăn hỏi ngày hôm trước, ngày hôm sau tổ chức lễ đón dâu, mọi chi phí gia đình nhà trai gửi tiền nhờ nhà gái sắm sửa giúp. Hoàn cảnh hai gia đình xa cách, nể lời ông Tính, gia đình nhà gái bằng lòng làm theo ý ông Tính. Vì thế, lễ ăn hỏi đã được ông Tính cùng nhà gái lo liệu giúp nhà trai rất chu đáo theo nghi lễ của người Tày.
*
Ngồi cùng mâm với ông Tính có ba người họ hàng nhà trai, trong đó có ông cậu chú rể. Ông ta ngồi ăn có vẻ thiếu tự nhiên, thỉnh thoảng lại liếc mắt nhìn ông Tính, khi ông nhìn lại, vội vã quay mặt hoặc cúi xuống. Ông Tính thấy lạ nhưng không tiện hỏi. Khuôn mặt, cái mồm kia ông đã gặp ở đâu thì phải! Thôi kệ! Băn khoăn làm gì cho mất hứng ngày vui của các cháu và được gặp lại thủ trưởng ngay tại quê mình. Thiên hạ thiếu gì người giống nhau. Ông Tính trở lại trạng thái bình thản ban đầu, nâng chén chúc rượu những người cùng mâm. Khi chén rượu của ông và ông cậu chú rể sắp chạm nhau, tay ông cậu run bắn lên, chén rượu nghiêng ngả rơi xuống mâm. Ông Tính ngạc nhiên:
- Ông làm sao thế? Có lẽ đường xa làm ông mệt, để tôi gọi cháu dẫn sang nhà tôi nằm nghỉ. Chuyện của các cháu ngày mai mới là ngày trọng đại.
Ông cậu chú rể xua tay:
- Tui… tui… không sao! Ông không nhớ tui, còn tui, mấy chục năm nay luôn bị ông ám ảnh.
Ông Tính lại càng ngạc nhiên:
- Ông nói, tôi nghe chẳng hiểu gì cả. Lần đầu tiên tôi gặp ông ở đây, sao tôi lại ám ảnh ông được?
- Ông còn nhớ lần ông bị bắt ở gần căn cứ Plây-cu chứ?
Ông Tính thừ người, chuyện gì chứ chuyện ấy ông làm sao quên được:
- À, tôi nhớ rồi, tổ trinh sát của tôi vấp phải phục kích, tôi bị bọn biệt kích bắt lôi về căn cứ. Hôm ấy, tôi không bị thương ở cánh tay thì không bị bắt hoặc có thể vài người phía bên kia đã gục ngã.
Ông Tính nhìn xoáy vào ông cậu chú rể, người đó với tay nắm lấy cánh tay áo bỏ thõng của ông Tính:
- Hôm ấy giá như tui không bỏ mặc cánh tay bị thương của ông thì tay của ông không bị hoại tử phải cắt bỏ. Tui thật có lỗi với ông!
- Vậy ông là trung uý Nhựt, người đã tra khảo tôi hòng muốn biết Việt cộng tập trung đánh Plây-cu hay Buôn Ma Thuột?
- Đúng thế! Nhưng các ông người nào cũng gan lắm, tụi tui chẳng moi được gì hết, nên tui ra lệnh chỉ băng bó cầm máu vết thương, vì thế, cánh tay của ông… Mong ông…
- Ngày đó, ông béo tốt hơn, lại để hàng ria mép rất cầu kỳ nên bây giờ tôi không nhận ra. Ngày vui của các cháu, ông nhắc lại chuyện cũ làm gì. Chiến tranh đã qua mấy chục năm. Mọi thứ đã đổi khác rồi!
Ông Tính thấp giọng như nói thầm:
- Chúng ta là người lính phải thực hiện nhiệm vụ của người lính. Chiến tranh là thế đấy!
Hai người cựu chiến binh lặng đi. Mấy người ngồi cùng mâm ngỡ ngàng nhìn hai người lính già ở hai phía trước kia, nửa muốn nghe tiếp câu chuyện ly kỳ của họ, nửa muốn dành cho hai người nói với nhau những điều muốn nói. Họ cầm chén đi chúc các mâm khác. Còn lại hai người ở hai phía mâm cỗ, trong tay họ không còn là khẩu súng mà trước mặt họ là mâm cỗ mừng cho thế hệ con cháu đang được hưởng hạnh phúc thanh bình.
Ông Tính bần thần, thì ra tên trung uý ngụy cứ nhè vào cánh tay bị thương của ông mà đánh nhằm moi tin tức lại là cậu ruột chú rể, em vợ thủ trưởng cũ của mình. Chiến tranh thật trớ trêu. Người trong một gia đình ở hai đầu chiến tuyến. Chị gái là du kích, em trai là sĩ quan ngụy, anh rể là chỉ huy Quân giải phóng, và bây giờ, ngồi cùng mâm rượu là hai người đã từng đối địch nhau. Hôm ấy, ông không bị thương thì có lẽ những viên đạn của ông đã găm vào người đang ngồi trước mặt ông đây. Và, vài ngày sau đó, nếu Buôn Ma Thuột không được giải phóng thì hôm nay chưa chắc ông còn ngồi ở đây. Nghe tin Buôn Ma Thuột thất thủ, binh lính hoang mang cực độ, khi nhận được lệnh tuỳ nghi di tản, mạnh ai người ấy cuống cuồng tháo chạy khỏi Tây Nguyên, bỏ lại tù binh nên các ông được giải cứu. Ông được chuyển ra phía ngoài chữa trị vết thương.
Ông Tính đưa bàn tay còn lại của mình nắm lấy tay người cựu sĩ quan quân đội Sài Gòn:
- Ông bảo tôi ám ảnh ông mấy chục năm qua, tôi không hiểu sao lại như thế? Chẳng lẽ cuộc đời binh nghiệp của ông chỉ bắt và gặp một mình tôi hay sao?
Người cựu sĩ quan ngụy suy tư:
- Trong chiến trận, chẳng người lính nào tránh được giáp mặt đối phương của mình. Lúc đó, muốn cứu mình thì phải hạ gục địch thủ. Đó là quy luật sống còn của chiến tranh. Tui ít phải trực tiếp ra trận, nhưng tui đã đối mặt không ít người phía các ông. Nhiệm vụ của tui mà. Ta không đổ tất cả mọi lỗi lầm cho chiến tranh, nhưng guồng máy khốc liệt đó đã lôi kéo, điều khiển con người không theo ý thức chủ quan của mình được, nhiều khi phải gồng mình lên phục vụ cái chính thể mình đang được nó nuôi dưỡng đảm bảo cuộc sống. Tui ở trong cái thế bất đắc dĩ đó. Nói zậy, không phải triết lý để biện minh cho mình. Ông hỏi tại sao tui nói ông ám ảnh tui nhiều năm qua? - Người cựu binh ngụy móc túi áo lấy ra một tấm hình anh bộ đội đội mũ cối, ve áo binh nhì, cười rất tươi, đã được ép platic, nâng bằng hai tay đưa cho ông Tính - Đây, nó đây!
Ông Tính cầm tấm hình của mình chụp trước khi đi chiến trường định gửi về gia đình nhưng gấp quá không kịp nên giữ luôn bên mình. Người cựu sĩ quan quân đội Sài Gòn chậm rãi kể:
- Khi được lịnh rút khỏi Tây Nguyên, tui không mang theo bất cứ thứ gì ngoài cái túi chứa ít đồ trang sức tích cóp được và vô tình cầm tấm hình của ông để trên bàn nhét vô túi áo mình rồi ra xe tự lái chạy về Đà Nẵng. Tấm hình ấy nằm trong túi áo tui một cách vô thức, cho đến bây giờ tui cũng không lý giải được tại sao lúc đó tui lại làm thế. Có thể ông cho rằng tui dùng tấm hình của ông để làm bình phong nhẹ tội nếu bị Việt cộng bắt. Tui chưa hề có ý nghĩ ấy, dù chỉ thoáng qua. Rút chạy khỏi Tây Nguyên, rồi tháo chạy khỏi Đà Nẵng, tui về quê trốn biệt trong nhà cho đến khi trình diện với chính quyền giải phóng. Những ngày học tập, lao động cải tạo tui vẫn bí mật mang theo tấm hình của ông. Tui nghĩ, có thể được tấm hình của ông hộ mệnh mà tui được an toàn trong nhiều tình huống. Người trực tiếp đánh đập ông lại được ông phù hộ. Thật vô lý hết sức. Nhưng trong tâm thức tui vẫn cứ nghĩ chính tấm hình của ông đã giúp tui. Sau một năm cải tạo trở về, tui sống vất vưởng như một cái bóng nhờ vào má và tiền vợ chồng chị Hai trên Gia Lai tằn tiện chi tiêu gửi về. Mấy lần tui định dùng số đồ trang sức đã có đưa cho người ta để xuống thuyền vượt biên nhưng không đủ dũng khí. Đang bế tắc thì đất nước mở cửa, tui dùng số tiền bán đồ trang sức mở một xưởng sửa chữa ô tô, máy cày, máy kéo, xe máy… không những đủ sống mà còn dư dả, cưới vợ, sinh con, mở rộng nhà xưởng. Tuy bận rộn với kế mưu sinh nhưng tui không thể nào quên được tấm hình của ông. Tui ép nhựa, đặt nó trang trọng nơi bàn viết của mình. Nhiều người hỏi đó là hình ai zậy, tui đánh liều trả lời là hình anh bộ đội Giải phóng kết nghĩa. Họ tin hay không là việc của họ. Tui đinh ninh rằng một ngày nào đó tui sẽ tìm gặp lại ông, xin lỗi ông và trao trả ông tấm hình này. Duyên may, anh rể tui lại là cấp trên cũ của ông, có con trai lấy vợ quê ông cho tui và ông được gặp lại nhau. Ông và tui đã từng ở hai phía thù địch, nhưng anh rể tui coi ông như em trai thì tui cũng được coi là người trong nhà. Mong ông chiếu cố!
Ông Tính hết nhìn người cựu sĩ quan ngụy năm xưa lại ngắm hình mình trong ảnh. Ông đưa tấm hình cho ông cậu chú rể, điềm tĩnh nói:
- Tấm ảnh này đã theo ông mấy chục năm, tôi tặng lại ông như một món quà kỷ niệm ngày đầu gặp nhau trong đối địch, bây giờ gặp nhau như người trong một nhà. Hai lần gặp nhau trong hai hoàn cảnh khác nhau, lần sau tốt hơn lần trước vạn lần. À, không phải thế, mà là không gì tính nổi cuộc gặp gỡ không ngờ này!
Ông Tính phấn chấn, văn vẻ:
- Ta hãy khép lại cánh cửa quá khứ để mở rộng cánh cửa hiện tại đón điều tốt đẹp hơn!
Ông cậu chú rể run rẩy đưa hai tay đỡ lấy tấm hình ấp vào ngực mình, từ trong khoé mắt hai giọt nước lăn trên gò má sạm nắng gió, những nếp lằn của thời gian trên đó giãn ra.
*
Buổi tối, họ nhà trai ngủ cả bên nhà ông Tính để ngày mai làm lễ đón, đưa cô dâu về phía Nam. Hai người lính cựu cách đây mấy chục năm đã từng nhả đạn về phía nhau, bây giờ nằm chung một tấm nệm trên nhà sàn. Họ chuyện trò cởi mở đến khuya rồi thiếp đi. Hai khuôn mặt quay vào nhau, chân gác chân, tay đặt lên người nhau, thở đều đều thanh thản. Phía đầu nhà sàn, con gà trống vỗ cánh cất tiếng gáy báo hiệu một ngày mới đang đến.