Con sông Nhênh là nhánh của dòng sông Cái. Mùa khô, nó chỉ rộng chừng gần trăm mét, dòng chảy lững lờ, nước trong vắt. Mùa lũ, nó phình ra đến mấy trăm mét, nước ngầu đục, cuốn ùng ục. Không có cầu, ai có việc ở bên kia sông đều phải qua đò. Tuy là hai xã cách nhau bởi con sông, nhưng người dân thân thiết coi nhau như người cùng làng. Xã bên kia có nhiều đồng bãi, mùa nào thức ấy đều mang sang chợ xã bên này bán đổi. Xã bên này, muốn ra tỉnh lỵ không muốn đi vòng xa mấy chục cây số thì chọn con đò ngang để rút ngắn thời gian và công sức. Chẳng biết bến đò này đã có những ai làm nghề đưa người qua sông bằng chiếc thuyền nan chòng chành, trông tựa quả trám đen khổng lồ bổ đôi, người qua sông chỉ nhớ hơn ba mươi năm nay, hai đời nhà Bờ bám riết bến sông này, lấy con đò làm nghề mưu sinh. “Qua sông thì phải luỵ đò”, ấy là câu nói cửa miệng của dân gian, chứ nhà Bờ tính tình thuần hậu, bất kể mưa bão, đêm hôm, hễ ai có việc hệ trọng gọi đò đều phục vụ tận tình. Để tiện cho công việc, nhà Bờ xin xã khoảnh đất thẻo bờ sông dựng căn nhà mái tranh, phên nứa trông xuống dòng sông lúc nào cũng vi vu gió thổi làm chốn nương thân cho cả gia đình. Nhà có ba khẩu, hai ông bà và mụn con gái. Chồng chèo đò, vợ chăm sóc mảnh vườn nho nhỏ quanh nhà như hàng mía, luống cà, vạt rau… dùng không hết thì mang ra chợ bán, mua các thứ cần thiết khác. Đứa con gái rượu - ông Bờ gọi thế - theo chúng bạn cùng lứa đến trường. Một cuộc sống yên bình như dòng sông Nhênh bao đời vẫn xuôi về sông mẹ.
Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ ngày càng khốc liệt. Nhiều đêm, nghe tiếng gọi đò khẩn thiết, ông Bờ choàng dậy: Chắc lại có việc khẩn nên người ta mới cần sang sông vào giờ này. Mình già rồi, không còn sức tham gia chiến đấu thì mình đưa người qua sông làm nhiệm vụ cũng là góp phần nhỏ xíu vào công cuộc bảo vệ quê hương. Nghĩ vậy, ông nhanh chóng chèo sang đón. Đa số là người có công tác đột xuất hoặc đưa công văn khẩn cấp. Một đêm, vào mùa lũ, mặt sông rộng ra, nước sông cuồn cuộn chảy, gầm gào réo. Bầu trời u ám, mưa rả rích. Đang thiu thiu, tiếng gọi từ bờ bên kia tiếng được tiếng mất vọng sang. Ông vùng dậy, khoác áo mưa, chụp chiếc mũ cọ lên đầu, xách chiếc đèn bão, xuống đò chèo sang. Con đò bị dòng nước chảy xiết đẩy trôi xuống cách bến đến ba, bốn trăm mét. Ông chống sào vượt lên. Một người đàn ông trung niên, mặc áo bạt đứng chờ. Xuống đò, người đó cho biết cần chuyển công văn hỏa tốc cho xã. Đưa đò ngược lên vài trăm mét, ông chuyển mũi hướng bờ bên kia vượt sang. Còn hơn chục mét nữa là vào bến. Ngọn đèn bão hắt ra chút ánh sáng lờ mờ trong mưa chỉ đủ soi mũi thuyền. Xung quanh là mặt nước tối đen. Kịch! Một cây gỗ lao vào mạn thuyền. Cú va chạm mạnh khiến con đò chao đảo lật nghiêng, hất hai người xuống sông. Vốn quen sông nước, ông lái đò nhào theo người chuyển công văn túm lấy cái áo bạt kéo theo đường bơi của mình vào bờ. Làm vài động tác hô hấp cho nước trong người chuyển công văn ộc ra, ông dìu người chuyển công văn vào nhà. Người chuyển công văn đã qua cơn hoảng hồn, từ từ mở mắt, nhìn quanh. Ông lấy quần áo của mình cho người chuyển công văn thay. Ông bảo người chuyển công văn cứ nghỉ cho tĩnh trí, đưa công văn cho ông mang giao cho chủ tịch xã. Ông dặn vợ con nấu bát cháo nóng để người chuyển công văn ăn cho tỉnh táo, rồi cầm đèn pin lao vào đêm mưa.
Sáng hôm sau, người chuyển công văn qua sông trở về huyện bằng con thuyền chở hàng của hợp tác xã. Bịn rịn chia tay người đã cứu mình, người chuyển công văn hứa sẽ quay lại trả ông bộ quần áo đang mặc, nhờ ông cất giúp bộ quần áo ướt đêm qua. Những ngày tiếp theo, ông Bờ tất tưởi đi tìm mua chiếc thuyền nan khác để tiếp tục công việc chở đò qua sông. Ông cất kỹ bộ quần áo của người chuyển công văn, chờ quay lại. Một năm, hai năm… không thấy người chuyển công văn trở lại. Ông nghĩ sự quên lãng của người chuyển công văn cũng là chuyện thường tình. Mỗi khi lấy quần áo của mình để mặc, nhìn bộ quần áo của người chuyển công văn, ông thầm trách con người vô tình. Chuyện cứu người chuyển công văn rồi cũng trôi vào dĩ vãng. Chiến tranh kết thúc, cả nước xoay trần hàn gắn vết thương chiến tranh. Thi thoảng, ông Bờ lại đem bộ quần áo của người chuyển công văn ra phơi. Vật còn đây nhưng người sao vẫn bặt vô âm tín? Ông đã trên sáu mươi, không còn sức để chèo đò vào mùa mưa lũ. Ông giao dầm chèo cho con gái nối nghiệp. Con đò vẫn miệt mài qua lại giữa hai bến sông.
Một buổi chiều tà, gia đình ông đang ăn cơm, tiếng gọi đò bên sông vẳng sang. Tiếng gọi làm ông nhớ lại tiếng gọi đò đêm nào, nhưng nó rõ hơn, chậm rãi hơn. Bến - tên con gái ông - đặt bát đũa, đội nón xuống bến sông. Người sang sông là một chàng trai. Con đò lướt nhẹ trên dòng nước long lanh ánh mặt trời hắt lên những tia nắng cuối cùng. Ngồi đầu mũi thuyền, người sang sông nhìn ngược lại. Hình cô lái đò in thẫm trên nền không gian chạng vạng. Chiếc nón lá trắng hất ra sau lưng làm nền cho mái tóc kẹp bằng cặp ba lá bay bay phía sau ôm lấy khuôn mặt trái sim ngăm ngăm bởi nắng gió. Thân hình thon, rắn chắc. Bộ ngực nở nang căng nẩy trong chiếc áo bà ba bằng vải phin màu nâu tây giản dị. Gió sông làm chiếc quần lụa đen dính sát vào cặp đùi dế khoẻ khoắn đứng theo thế chân chèo rướn lên, ngả sau, nhịp nhàng uyển chuyển đẩy mái dầm khoát nước đưa con đò trôi đi.
Đẹp quá! Giá như có máy ảnh! Người sang sông thẫn thờ như bị hút hồn. Anh ngẩn ngơ khi đò cập bờ. Bến đưa chàng trai vào nhà. Thoạt nhìn, ông Bờ giật mình, sao chàng trai này giống người đưa công văn đến thế? Qua câu chuyện, ông Bờ được biết chàng trai tên là Hoạt, kỹ sư cầu đường, con trai người chuyển công văn ông đã cứu dạo nào. Bố anh đã kể cho anh nghe chuyện được ông Bờ cứu đêm chuyển công văn hoả tốc. Bố anh bảo khi nào có điều kiện sẽ đưa anh về thăm gia đình ông. Ngày đó chưa thực hiện được thì ông đã hy sinh khi chuyển công văn quan trọng đến trận địa phòng không của huyện giữa lúc máy bay đang bắn phá dữ dội. Bận rộn với công việc khôi phục cầu đường sau cuộc chiến, rồi nâng cấp, xây dựng những tuyến đường mới, những cây cầu mới, bây giờ mới có dịp để anh thực hiện ý nguyện của bố, về đây cảm ơn và trao trả bộ quần áo tình nghĩa cho người đã cứu bố mình.
Hoạt mở túi lấy ra bộ quần áo ông Bờ đã đưa cho bố mình thay đêm đó. Ông Bờ mở hòm lấy bộ quần áo của người chuyển công văn mà ông cất giữ bấy lâu. Hai bộ quần áo đặt cạnh nhau như lời tri ân sâu sắc của người được cứu và của người lái đò đối với người đã hy sinh. Ông Bờ ngậm ngùi, ân hận vì đã có những ý nghĩ không phải với người chuyển công văn. Ông đặt bộ quần áo của người chuyển công văn lên bàn thờ, thắp hương, chắp tay vái, lầm rầm khấn. Thấy thế, Hoạt, Bến làm theo. Trong làn khói hương mỏng manh, ngan ngát thơm, từ cõi mơ hồ, ông Bờ thấy người chuyển công văn cầm tay mình lắc nhẹ, cảm ơn ông và có ý muốn nhờ ông tác thành cho đôi trẻ. Còn Hoạt thấy bố mình vai đeo chiếc túi vải bạt to tướng đựng các loại công văn, thư từ bước ra. Ông nhìn Hoạt như muốn nói điều gì. Hoạt không nghe được chỉ thấy lòng mình ấm áp vì đã làm được điều bố mong muốn. Ông còn muốn nói điều gì với Hoạt nên còn đứng đó. Hoạt vái lạy bố rồi đưa hai tay về phía ông. Tay phải Hoạt như bị lực siêu hình sai khiến, tìm nắm lấy bàn tay Bến. Một luồng điện chạy rân rân khắp cơ thể Hoạt. Anh nhìn sang Bến, tay cô vẫn để trong tay anh. Cảm giác lâng lâng dễ chịu như nâng Bến lên khỏi mặt đất làm cô bàng hoàng.
Phút giây tâm tưởng thoảng qua. Ba người trở về với thực tại. Ông Bờ hết nhìn con gái lại nhìn Hoạt. Thâm tâm ông mách bảo sự giao hoà tình cảm của đôi trẻ khiến ông yên lòng. Ông gọi vợ: “Bà nó ơi! Ra đây ngồi nói chuyện với anh Hoạt, con trai bác chuyển công văn ngày trước đây này.” Chuyện trò thân tình như Hoạt là người trong nhà đi xa lâu ngày trở về. Ông Bờ lấy cớ ra thăm chiếc đăng ông cắm phía dưới cách bến sông vài chục mét. Bà Bờ kêu đau lưng vào giường nằm. Bến đưa Hoạt ra sông, hai người xuống thuyền neo buộc vào cây sào cắm dưới bến, ngồi trên thuyền ngắm vầng trăng giữa tháng vằng vặc toả ánh vàng xuống thế gian. Họ cứ ngồi nhìn nhau, chưa biết bắt đầu câu chuyện muốn nói với nhau như thế nào. Bất giác một con cá giỡn trăng vọt lên rồi rơi tõm. Bến nhao người reo lên: “Anh Hoạt ơi, cá nhảy kìa!”. Con thuyền chao động, Hoạt vội nắm lấy tay Bến. Cổ tay thon tròn, bàn tay ram ráp như có luồng khí nóng chạy khắp người Hoạt. Anh run lên:
- Bến! Em đã có người yêu chưa?
- Anh ngốc thế. Có người yêu mà em rủ anh ra đây à? Anh nói chuyện gì đi chứ!
- Anh chỉ muốn ngắm em và trăng thôi. Trên trời có chị Hằng Nga thì dưới bến sông này có một chị Hằng nữa. Chị Hằng trên cao kia là của chung mọi người, còn chị Hằng dưới này anh chỉ muốn của mình anh thôi.
- Anh nói như đọc thơ ấy. Hồi còn đi học, nghe thầy giáo dạy văn đọc thơ mà em cứ ngẩn người ra, quên cả ghi bài. Anh có thích đọc thơ không?
- Anh là dân kỹ thuật không hiểu thơ ca lắm nhưng anh cũng thích thơ. Lúc buồn anh ngâm nga vài câu cho khuây khỏa.
- Lúc nào anh đọc cho em nghe nhé!
- Đấy là lúc buồn, còn bây giờ anh đang vui. Anh đang muốn bay cùng chị Hằng.
- Anh bỏ mình em với con thuyền mỏng manh này à?
- Em là chị Hằng của anh kia mà! - Hoạt choàng tay kéo Bến sát vào người.
Lần đầu tiên trong đời anh ôm một thân hình mềm mại, nóng hổi của người con gái. Người anh như đang lên cơn sốt. Cơn sốt tình yêu và ham muốn. Anh muốn ngả Bến xuống sàn thuyền để ngắm, để ôm ấp. Ngực Bến phập phồng cương lên. Bến thấy người lao chao muốn tan ra, hoà lẫn vào cơ thể Hoạt… Tiếng đằng hắng của ông Bờ đi thăm đó về đã thức tỉnh đôi trai gái. Hoạt rời tay khỏi người Bến, mắt vẫn đắm đuối:
- Chúng mình xin phép bố mẹ cho cưới nhau đi!
- Từ từ đã anh, chúng mình gặp nhau lần đầu.
- Ừ nhỉ! Thế mà anh cứ tưởng chúng mình yêu nhau lâu lắm rồi đấy!
- Anh khôn thế!
Hai bàn tay Bến ấp vào má Hoạt, cô đặt môi mình vào môi Hoạt. Quá bất ngờ, Hoạt chưa kịp phản xạ, Bến đã vùng đứng dậy bước lên bờ chạy về nhà để mặc Hoạt ngẩn ngơ trên thuyền chòng chành ngây ngất.
Hoạt chia tay gia đình Bến với lời hẹn sẽ đưa mẹ đến thưa chuyện với vợ chồng ông Bờ. Con đò lại đưa Hoạt trở lại bên kia sông. Dân gian có câu: Chuyến đò nên nghĩa… nhưng ở đây lại là những chuyến đò vượt trên cả nghĩa tình tạo nên mối tình giữa anh kỹ sư cầu đường hào hoa với cô lái đò duyên dáng. Mối tình đẹp tựa trăng rằm. Sự tình cờ giữa hai ông bố như một sự sắp đặt duyên phận cho hai con. Con đò tình yêu đã tìm được bến cắm sào đứng đợi.
Công việc cầu đường lôi Hoạt đi khắp các tuyến đường trong Nam ngoài Bắc, cả bên nước bạn Lào khiến anh không dứt ra được để có thời gian lo hạnh phúc của riêng mình. Với Hoạt, những cây cầu nối đôi bờ trên mỗi dòng sông, con suối cũng là niềm hạnh phúc. Công việc cuốn anh đi đến mức hai, ba tháng anh mới viết thư cho Bến. Thư anh kể chuyện những nơi anh đến làm cầu, những đêm nhớ Bến, những dự định tương lai… Bến viết thư cho anh, cô kể chuyện thay đổi của làng quê, sự nhớ thương anh phải lăn lộn bên những dòng sông để cho những cây cầu nối mạch những con đường đi về khắp nẻo. Lời thư của hai người chứa chan tình yêu thương, động viên nhau chờ đợi. Bến cũng không nhớ rõ mỗi ngày cô chở bao nhiêu chuyến đò qua sông, mỗi chuyến đò có bao nhiêu số phận vui, buồn. Nhưng với chuyến đò chập tối hôm chở Hoạt sang sông như một nốt son trong giai điệu của bài ca tình yêu đôi lứa. Ngày nào vào lúc nhập nhoạng tối Bến cũng mong có tiếng gọi đò thân thiết từ phía bên kia sông. Chờ mong như một sự thử thách nhẫn nhịn căng thẳng bởi trong thôn mấy chàng trai ngấp nghé muốn đến với Bến, cô đều từ chối khéo. Cũng đã có vài lần, ông bà Bờ khuyên Bến: “Con gái có thì, Hoạt nay đây mai đó biết đâu mà chờ”. Bến vẫn khăng khăng Hoạt sẽ trở lại.
Một lần, khi mảnh trăng lưỡi liềm lấp ló sau dãy núi phía tây, Bến gác mái chèo, cắm sào, bước theo con dốc lên bờ trong cồn cào nỗi nhớ người yêu thì một bóng người từ bụi cây lao ra ôm ghì lấy Bến.
Cô sợ hãi đẩy ra nhưng lại bị ôm chặt hơn, người đó hổn hển:
- Bến ơi, anh là Tuân đây. Tuân bưu tá xã đây mà. Anh yêu em, đừng chờ đợi thằng kỹ sư dối trá ấy nữa. Hãy yêu và lấy anh!
Bến vùng vẫy thoát khỏi đôi tay của Tuân. Cô nói như quát:
- Anh Tuân! Anh làm gì thế? Tôi kêu lên đây này. Anh phải đàng hoàng chứ!
Tuân quỳ xuống, ngước nhìn Bến:
- Anh xin lỗi, vì anh quá yêu em nên không kìm chế được!
- Tôi đã có người yêu, anh biết rồi mà.
- Thằng kỹ sư ấy không yêu em đâu, nó chỉ lợi dụng em thôi.
- Anh ấy đã lợi dụng tôi cái gì đâu! Anh về đi, tôi có anh ấy rồi!
Tuân gườm gườm, trở mặt:
- Nhớ đấy! Mày không lấy tao thì cứ chờ đến chết già thôi, con ạ!
Từ hôm ấy, tin Tuân đã làm chủ được Bến loang ra khắp làng trên xóm dưới. Dân làng bàn ra tán vào. Người đi đò đánh mắt nhìn Bến soi mói, không còn mặn mà như trước. Bến uất ức, người rạc đi khiến người ta càng tin chuyện giữa Bến và Tuân là sự thật. Không biết than thở cùng ai, Bến chỉ còn lấy nước mắt cho vơi đi nỗi cay đắng giày vò. Mặc dù không tin con gái mình là người như thế, nhưng lời đồn thổi cứ như mưa dầm, lâu ngày cũng thấm được đất cứng. Ông bà Bờ tra hỏi Bến, cô khóc, kể lại việc Tuân định giở trò ở bến sông bị Bến cự tuyệt. Ông Bờ lẳng lặng lấy giũa mài cây đòng ba mũi dùng đâm cá vào đăng mắc đó, vác vào làng. Ông tìm Tuân. Gặp Tuân đang đạp xe đi đâu về. Ông giữ lại, mắt như có lửa: “Mày xuống xe, tao có chuyện muốn nói!”. Tuân biết ông Bờ nói gì, định rướn lên đạp xe chạy. Ông Bờ nắm chặt đèo hàng buộc Tuân phải xuống xe. Chờ một tốp người đi làm ngoài bãi ngô vừa về đến, ông Bờ bắt Tuân nói rõ việc làm hại Bến. Tuân ú ớ. Ông giơ cây đòng nhằm mặt Tuân. Tuân hoảng sợ van xin và nói rõ câu chuyện do Tuân không được Bến chấp nhận làm vợ nên phao tin để bôi nhọ cô, không ai đến với cô nữa. Ông Bờ nói với mọi người vây quanh: “Mọi người thấy rồi đấy. Con gái tôi bị thằng mất dạy này đặt điều”. Ông trừng mắt: “Mày tung tin, mày phải đi sửa. Tao còn nghe thấy những lời rì rầm về cái Bến thì mày liệu cái thân đấy!”. Ông dứ dứ cây đòng vào người Tuân rồi vác lên vai đi về phía bến sông.
Sau vụ bị Tuân vu oan giá họa, Bến không nhận được thư của Hoạt nữa. Thư cô vẫn gửi đi đều. Đã có lúc Bến nghĩ Hoạt đã quên cô, một cô lái đò nghèo ở bến sông heo hút. Hoạt đi nhiều nơi như thế, nhiều cô gái trẻ đẹp hơn cô, giàu có hơn đến với anh. Nhiều lúc thấy con gái thở dài, ông bà Bờ cũng sốt ruột. Sự chờ đợi bao giờ cũng lê thê. Mấy đám đánh tiếng nhưng Bến vẫn nuôi hy vọng Hoạt sẽ về với cô. Thời gian không chờ đợi con người, nó vẫn vô tư kéo con người mỗi ngày gánh thêm tuổi tác, nặng nỗi riêng tư. Bến đã hai mươi bảy lần đón xuân trên bến sông này. Cái tuổi ở vùng nông thôn người ta cho là ế ẩm. Những người có ý định đến với Bến cũng đã yên bề gia thất. Con đò ngày lại ngày cần mẫn đưa người qua sông, khi chiều buông lại cắm con sào đơn độc dưới bến sông. Bà Bờ bị bạo bệnh không chờ được ngày con gái vu quy và nhận mặt chàng rể, thều thào trước lúc ra đi: “Con phải nghĩ mình là thân gái!”. Lời dặn vừa âu yếm vừa như mũi kim châm, hàm ý: “Trai ba mươi tuổi đang xoan, gái ba mươi tuổi đã toan về già” và thân gái nhớ giữ gìn đừng “khôn ba năm, dại một giờ”. Ngôi nhà nơi bến sông chỉ còn hai cha con người lái đò thấp thỏm mong đợi chờ người đi đã lâu sao vẫn chưa trở lại…
*
Một đoàn cán bộ kỹ thuật cầu đường về ở nhờ trong trụ sở Ủy ban xã. Gần tháng trời, hàng ngày họ mang máy móc ra bờ sông ngắm ngắm, đo đo, ghi chép. Dân hai xã ven sông vui mừng vì rồi đây có cầu vượt sông không phải qua sông bằng con đò mỏng manh khi con sông Nhênh phình ra đón lũ. Bố con ông Bờ cùng vui niềm vui chung của làng xã. Ông cũng đã có ý định bãi nghề từ lâu để cho Bến đi học lấy một nghề gì đó an nhàn hơn không phải đội mưa nắng, sớm khuya vất vả, nhất là vào mùa mưa lũ nguy hiểm luôn rình rập. Chưa có cầu, chính quyền hai xã động viên bố con ông tiếp tục cái nghề đưa người qua sông, vì chỉ bố con ông có kinh nghiệm và khả năng làm công việc này. Có cầu, bố con ông sẽ chuyển vào xóm Bãi, cách bến sông vài trăm mét, ở với bà con, không phải trụ ở bến sông, gió mưa hun hút, đêm đêm le lói ánh đèn dầu đỏ quạch, Bến sẽ chuyển làm việc gì mà cô yêu thích. Cây cầu sẽ được xây dựng, Bến còn một niềm vui riêng là đơn vị của Hoạt sẽ về tham gia xây dựng. Bến sẽ gặp Hoạt để hiểu rõ thực hư thời gian dài không nhận được thư anh. Bến cồn cào đợi chờ.
Mấy tháng sau, máy móc, xe cộ cùng những người thợ cầu đổ về ven sông nhộn nhịp. Lán trại mọc lên. Tiếng xe máy ầm ào ngày đêm. Con đò của Bến vẫn nhẫn nại qua lại bến cũ, sông xưa. Người qua đò dạo này ngoài người dân còn có cán bộ, công nhân làm cầu khi có công việc phải sang sông. Mỗi chuyến đò qua là một lần Bến hỏi thăm Hoạt, nhưng họ đều bảo Hoạt đang bận việc ở công trình khác, sẽ đến sau. Bến hít sâu tiếng thở dài vào lồng ngực. Lo lắng xâm lấn dần tâm trạng cô. Buồn tủi luồn lách vào chỗ cô nằm, nỉ non nước mắt ướt nhoà trên gối. Buổi tối, ông Bờ kêu đau chân, đi nghỉ sớm. Bến mở hòm lấy những lá thư Hoạt gửi từ những năm trước ra xem lại. Có tiếng gõ cửa. Bến hỏi to, cốt để ông Bờ nghe tiếng:
- Ai đấy?
- Anh đây! Hoạt đây, mở cửa cho anh!
Bến mừng quýnh, cuống cuồng mở cửa. Hoạt đang đứng trước mặt Bến. Bến sững sờ rồi ôm chầm lấy Hoạt. Ông Bờ ngồi dậy:
- Anh Hoạt đấy à? Tôi cứ tưởng anh quên bố con tôi rồi chứ!
- Bố thật là…! Để anh Hoạt ngồi uống nước đã nào.
- Bác ơi! Cháu có lỗi với hai bác và Bến. Cháu mải công việc quá nên không về thăm hai bác và em được.
Bến nhỏ giọng:
- Mẹ em mất rồi!
Hoạt giật mình:
- Bác gái mất rồi? Cháu xin lỗi! Bác cho phép cháu thắp nén hương tạ tội với bác gái!
Hoạt đến bàn thờ châm hương vái lạy, môi mấp máy khấn. Hoạt kể cho ông Bờ và Bến nghe công việc của mình. Cầu qua sông Nhênh đã khởi công được gần tháng, hôm nay mới có mặt vì còn việc ở cây cầu khác. Bến trách:
- Tại sao gần hai năm nay anh không viết thư về cho em? Thư em viết anh có nhận được không? Hay là anh có người khác rồi?
Ông Bờ è hèm:
- Con hỏi dồn thế thì anh Hoạt trả lời kịp thế nào được.
- Anh vẫn viết thư đều, nhưng không nhận được thư của em. Anh tưởng em chờ lâu quá, nên đã…
- Em vẫn chờ anh!
- Anh cũng vậy!
Ông Bờ ngẩn người:
- Vậy thư thất lạc ở đâu. Thất lạc một, hai lá còn nghe được, đằng này lại thất lạc mấy chục lá? Không thể hiểu được bưu điện làm ăn thế nào. Thời chiến tranh cũng không mất như thế?
Hoạt đỡ lời:
- Có lẽ do con hay di chuyển công việc thôi.
Anh nói thế để ông Bờ bớt bức xúc, thư anh gửi đều ghi địa chỉ nơi cơ quan anh, khi đi công tác, anh em cơ quan đều đem đến tận nơi cho anh. Ông Bờ nói để an ủi hai đứa, thâm tâm ông mừng lắm. Con gái ông không còn cô đơn nữa. Lấy cớ vào xóm có việc, ông Bờ cầm đèn pin ra cửa. Phía trong làng bỗng nổi lên tiếng kẻng, tiếng trống liên hồi. Ngọn lửa đang bốc lên từ một ngôi nhà. Hoạt kéo tay Bến chạy về phía đám cháy. Người ta hô hoán: “Cháy nhà anh Tuân bưu tá rồi!”. Mọi người lao vào dập lửa. Người ta thấy Tuân hai tay ôm một cái hòm nặng chạy từ trong nhà ra, chân vướng vào dây phơi bị người ta kéo đứt để lấy chỗ hắt nước vào đám lửa đang rần rật bùng lên theo chiều gió. Cái hòm tuột khỏi tay, rơi xuống, bật nắp. Các thứ trong hòm tung toé. Một buộc mấy chục chiếc phong bì văng ra. Người ta vội vàng nhặt nhạnh giúp, một người cầm tập phong bì, kêu to: “Sao lại có thư của anh Hoạt ở đây? Lại thư của cô Bến nữa này?”. Hoạt đang bê xô nước, buông rơi, chạy lại cầm lấy tập thư. Anh hiểu tất cả.
Hai người trở lại với bến sông thân quen. Bến lại đưa Hoạt xuống con thuyền cắm sào đứng đợi dưới sông. Ánh điện trên công trường toả sáng lung linh xuống dòng sông. Bầu trời cao rộng đầy sao hấp háy. Dưới lòng thuyền, những nụ hôn nồng nàn khoả lấp những ngày xa cách. Hai vòng tay ghì chặt thân thể nhau. Mặc kệ ánh điện. Mặc kệ tiếng xe máy gầm gừ. Mặc kệ con thuyền nghiêng lắc, dập dềnh. Mặc kệ sự ghen tỵ của không gian… Họ quấn lấy nhau, hai thân thể bện vào nhau. Chao ơi, sự cách xa tạo nên hứng khởi đến mê mẩn. Dòng sông vẫn lững lờ trôi theo thời gian của đêm huyền diệu. Cây cầu kia không chỉ nối đôi bờ mà còn nối chặt một mối tình đã được thử thách qua thời gian và những éo le của cuộc sống. Con thuyền đã được neo chặt vào cây sào cắm sâu xuống dòng nước như một điểm mốc không thể quên, để rồi, mai kia khi cây cầu hoàn thành nó sẽ thay thế cho con đò bao năm thuỷ chung qua lại hai bờ sông quê. Con đò và bến sông sẽ là trang kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời hai người. Bến đợi của dòng sông Nhênh chỉ còn lại trong ký ức mọi người đã từng qua sông bằng con đò của bố con ông Bờ, nhưng bến đợi của tình yêu, của hạnh phúc còn mãi trong trái tim đôi trai gái được bến bờ dòng sông tác thành.