Trời trở gió, mưa phùn dày hơn, rét như cắt da cắt thịt. Dưới đường, thi thoảng có chiếc xe du lịch hoặc xe máy vèo qua rồi mất hút trong làn mưa. Một cậu bé chừng mười hai tuổi, cái hộp xốp to đeo chéo qua vai, một bên sườn đeo cái hộp gỗ đặt bình ắc quy, đầu đĩa CD và cái loa, run rẩy bước trên vỉa hè. Tiếng rao lanh lảnh phát ra từ cái miệng loa nén nhỏ bằng cái bát ăn cơm: “Ai… bánh mỳ đây! Bánh mỳ nóng nào…!”. Còn ba cái nữa, nó cố dạo bán cho hết kẻo lại bị mắng, bị ăn bánh mỳ trừ cơm, mà ăn bánh mỳ thì nó không thích tý nào vì không có thức ăn kèm, chỉ cần bát nước rau mà cũng không có. Dì ghẻ bảo nó bán không hết thì phải ăn, đỡ cơm canh. Nó phải ăn như thế nhiều lần rồi, không phải chỉ một bữa, nếu còn hai cái thì phải ăn hai bữa… Chán đến mức nhai như nhai rơm, họng khô nóng, khó nuốt, nó lấy cốc nước sôi để nguội, cứ một miếng bánh, một ngụm nước cho dễ trôi. Công việc của nó là sáng đi học, chiều phải đi bán bánh mỳ, dì ghẻ đã khoán cho nó mỗi ngày phải bán được hai mươi cái trở lên, ngày nghỉ phải bán gấp đôi. Mỗi cái bánh được lãi một nghìn năm trăm đồng, nếu bán hết cũng được vài chục nghìn, so với cách ăn tiêu của dì thì chẳng thấm vào đâu, nhưng dì ghẻ bảo nó phải tự mình kiếm ra đồng tiền để biết quý trọng đồng tiền như thế nào.
Ngày nào cũng thế, nó đi khắp các phố, nhiều hôm chân rã rời mà bánh vẫn không hết, có lần nó phải nhờ bạn bè cùng học mua giúp. Cũng may, nó xin được cái đầu đĩa nhỏ bằng nửa quyển vở cùng bình ắc quy chín vôn với cái loa của một đứa bạn trạc tuổi nó giải nghệ, theo mẹ đi nơi khác, nên không phải rát họng kêu rao. Ngày thì như thế. Tối, khi cả nhà ăn cơm xong, nó phải dọn dẹp, rửa đống bát đĩa dồn cả ngày, quét nhà cửa… khi nào xong xuôi mọi việc mới được ngồi vào góc giường học bài. Dì ghẻ nó bảo cho nó đi học thì nó phải làm việc nhà để không quen nết lười nhác, ỷ lại người khác. Nó không có góc học riêng, làm bài tập, hay phải ghi chép, nó phải kê vở lên cái gối, gập người để viết. Nó muốn có cái bàn học nhỏ như bao bạn khác, nhưng đối với nó sao mà khó thế.
Từ ngày mẹ nó mất vì tai nạn giao thông, bố nó lấy vợ khác. Nó với em gái xin về ở với bà ngoại, nhưng bố nó chỉ cho bà ngoại đón em, còn nó phải ở lại với lý do là con trai phải ở với bố. Ông bà nội nó ở với bác cả dưới quê cũng rất khó khăn, nên nó chẳng có nơi mượn cớ để về nương tựa. Dì ghẻ nó chưa đầy ba mươi tuổi, chồng bỏ vì cái tính thích ăn diện, không thích lo việc gia đình. Khi lấy bố nó, dắt theo một đứa con gái ít hơn nó hai tuổi được nuông chiều nên đỏng đảnh, dựa thế mẹ quát mắng nó, có lúc còn quẳng cả sách vở của nó xuống nền nhà. Nó biết thân phận, nhẫn nhịn lẳng lặng nhặt, leo lên cái giường một cũ kỹ ngồi học, nếu như không muốn cơn tức giận của người “mấy đời bánh đúc có xương…” trút lên đầu. Những lúc tủi thân, nó không dám khóc thành tiếng mà chỉ sụt sịt, thầm gọi mẹ…
- Ai… bánh mỳ đây! Bánh mỳ nóng nào…!
Tiếng rao bị gió thổi bạt đi, chìm vào trong mưa. Nó nhẫn nại đi theo hè phố, cách vài bước tiếng loa lại cất lên: “Ai… bánh mỳ…”. Mưa rét nên cửa nhà nào cũng đóng kín. Đến góc phố, dưới mái vảy một cửa hiệu bán đồ chơi trẻ con, nó thấy một bà già và một đứa bé gái đang ngồi thu lu ôm lấy nhau trong tấm ni lông tránh gió rét. Nó chợt nghĩ: Mình vẫn sướng hơn hai bà cháu này. Nó bước qua. “Ai… bánh mỳ đây! Bánh mỳ nóng nào…!”. Đi được một đoạn, nó quay lại:
- Bà ơi! Bà có đói không? Cháu có bánh mỳ nóng đây!
Không đợi bà lão trả lời, nó lấy hai cái bánh mỳ đưa cho bà và bé gái. Nó đặt đồ nghề xuống cạnh, ngồi sát vào hai bà cháu, lấy cái bánh mỳ còn lại đưa lên miệng rứt một miếng, nhoẻn miệng cười: “Ba bà cháu mình cùng ăn!”. Bà lão nhìn nó, rồi lập cập véo miếng bánh nhỏ đưa lên miệng. Bé gái thấy bà ăn, lấm lét đưa mắt ngắm nó như muốn khám phá điều gì, rồi cắn miếng bánh ngon lành. Ăn cùng với hai bà cháu, nó cảm thấy bánh hôm nay thơm hơn, dễ ăn hơn. Ba bà cháu cứ lặng lẽ ăn bánh, thỉnh thoảng lại liếc nhìn nhau. Thằng bé lôi trong hộp xốp ra một chai nước uống dở, vặn nắp, đưa cho bà lão:
- Bà uống ngụm nước cho dễ nuốt. Nước sôi để nguội đấy, ngày nào cháu cũng mang sẵn chai nước để khi khát có nước uống. Cháu làm gì có tiền mua nước đóng chai như người ta. Bà uống trước đi!
Bã lão cầm chai nước đưa lên miệng tợp ngụm nhỏ, đưa lại cho nó, nó nhường bé gái uống trước. Ăn xong, nó định đứng lên về nhà, bà lão giữ tay nó lại:
- Cháu ơi, cháu tốt với bà cháu tôi quá! Bà cảm ơn cháu!
- Không có gì đâu ạ! Thế bà với em ngủ ở đâu? Mưa rét thế này…
- Bà cháu tôi ngồi ở đây thôi. Biết đi đâu bây giờ?
- Nhà bà ở xa ạ?
- Ừ, xa lắm, không về được. Thôi, cháu về đi, kẻo bố mẹ mong!
Nó ngẩn người nghĩ ngợi. Biết làm thế nào để hai bà cháu có chỗ trú thân đêm nay? Đưa về nhà thì không được với người dì ghẻ lúc nào cũng kiếm cớ để mắng chửi nó. À, nó nhớ ra rồi: Gian nhà tập thể cũ của gia đình thằng Hòa, bạn học cùng lớp với nó, ở trong ngõ nhỏ, bố nó được phân từ thời bao cấp, nhà nó chuyển đến nhà mới đã lâu không có người ở, định bán nhưng chưa bán được, thỉnh thoảng chúng nó lấy cớ đi học thêm để tụ tập ở đấy đàn đúm. Thằng Hòa giao cho nó giữ một chìa khoá cửa. Nó nói với hai bà cháu:
- Cháu có một chỗ, bà và em đến đấy ngủ tạm cho đỡ rét. Đi theo cháu!
Hai bà cháu run rẩy theo nó vào gian nhà cấp bốn xập xệ nhưng khá sạch sẽ, vẫn còn chiếc giường rẻ quạt cũ trải chiếc chiếu cói, đầu giường có cái lõi chăn bông đã ngả màu cháo lòng sực mùi ẩm mốc. Nó bảo hai bà cháu:
- Bà và em ngủ ở đây, công tắc điện ở gần cánh cửa! Lúc nào đi cứ khép cửa vào. Sáng mai cháu phải đi học sớm.
Nó moi trong túi tờ mười ngàn đồng đưa cho bà lão:
- Cháu chỉ có thế này, bà mua bánh mỳ ăn sáng!
Bà lão rưng rưng:
- Cháu ơi! Cháu tên là gì cho bà biết để bà còn gọi chứ?
- Cháu tên là Kiên, kiên cường ấy mà!
Lúc này, cô bé mới lên tiếng:
- Em tên là Lan.
- Cùng tên với em gái anh. Thôi, cháu phải về đây!
Nó vội vàng khoác đồ nghề lên vai, đi như chạy ra ngõ. Mưa vẫn như rây. Gió vẫn hun hút. Đường phố chìm vào đêm khuya vắng lặng.
*
Thằng Kiên về đến nhà đã gần mười một giờ đêm. Nó gọi cửa mấy lần. Bố nó ra mở cửa:
- Mày đi đâu mà bây giờ mới về? Rét mướt thế này liệu mà về sớm cho bố đỡ lo chứ!
- Con gặp trời mưa nên sợ bị ướt…!
- Mày cũng ướt hết rồi, vào thay quần áo đi, rồi ăn cơm!
Dì ghẻ nó nói vọng từ trong giường, giọng khô khốc:
- Hôm nay về muộn không có cơm đâu. Mày bán có hết không? Đưa tiền cho tao!
Nó moi một nắm tiền lộn xộn để trên mặt bàn nước. Dì ghẻ nó vùng dậy kiểm đếm, rồi quắc mắt:
- Thiếu mất hai mươi lăm ngàn. Mày mua cái gì, hay là lại theo bọn nó chơi điện tử, chích hút?
- Con làm gì có tiền chích hút, một lần ít nhất phải năm chục ngàn…
- Đấy anh xem, nó còn biết cả giá cả nữa. Thằng này không thể dạy được nữa rồi. Mày cút khỏi đây ngay! Tao không có cơm gạo, tiền nong nuôi mày nữa!
Bố nó gàn:
- Thôi mà! Chắc nó cần mua cái gì đó để học chưa kịp xin mình. Lần sau con nhớ xin dì rồi mới được mua, rõ chưa?
- Anh lại còn nối giáo cho giặc. Mày mua cái gì, nói thật thì tao tha cho?
Nó rơm rớm nước mắt kể lại chuyện gặp hai bà cháu cơ nhỡ. Dì ghẻ nó chì chiết:
- A… cho mày ăn học, tao đã khổ lắm rồi, mày lại còn cưu mang người cù bơ cù bất. Mày là thằng phá hoại! Nhà tao có phải nhà tế bần đâu. Mày giỏi thì đi nơi khác mà ở, tha hồ thương xót người ngoài. Đi đi…
Dì ghẻ kéo tay lôi xệch nó ra cửa. Nó giật tay gỡ ra, không may chạm vào mặt dì ghẻ, dì nó tru tréo:
- Nó đánh tôi! Con anh nó đánh tôi đây này! Cái nhà này, có tôi thì không có nó, có nó thì không có tôi! Anh chọn đi!
Nó quặc lại:
- Nhà này là nhà của bố con tôi. Dì không có quyền!
Bố nó dang tay tát vào mặt nó, khiến nó loạng choạng, máu mũi rỉ ra:
- Mày dám hỗn với dì hả!
Nó đùng đùng lấy mấy bộ quần áo, vài cuốn sách vở nhét vào cái hộp xốp, khoác đồ nghề bán bánh mỳ, bước ra khỏi nhà. Bố nó sững sờ nhìn theo cho đến khi nó khuất vào chỗ rẽ.
Thằng Kiên quay lại gian nhà hai bà cháu ngủ.
Nó gọi cửa. Có tiếng dép lê quèn quẹt. Bà lão mở cửa, ngạc nhiên:
- Cháu không về nhà?
Nó mếu máo, rồi khóc thành tiếng:
- Hu… hu… Cháu bị đuổi khỏi nhà rồi! Hu… hu…!
- Tại cháu không nộp đủ tiền cho bố mẹ chứ gì? Đừng khóc nữa cháu. Vào đây bà cháu mình ngủ, sáng mai sẽ tỉnh táo hơn đấy!
Cô bé Lan nhỏm dậy:
- Anh thay quần áo ướt nhanh kẻo bị cảm rồi vào đây em ủ cho ấm!
Thằng Kiên thay quần áo xong, kể cho bà cháu Lan nghe chuyện của nó. Bà lão chép miệng:
- Sao có người nhẫn tâm thế không biết?
Bà lão quan sát cậu bé, nghĩ đến hoàn cảnh mình, lòng thắt lại. Bà nghẹn ngào kể cho nó nghe chuyện của hai bà cháu như nói với người thân lớn tuổi: Nghe người ta kháo nhau ở thành phố dễ kiếm tiền lắm, làm việc gì cũng có tiền, từ việc quét dọn nhà cửa, trông em bé, chăm sóc người già, rửa bát đĩa thuê cho các nhà hàng… Nhân lúc nông nhàn, mẹ nó nói với tôi lên thành phố dăm bữa, nửa tháng làm thuê lấy tiền mua cho con Lan cái xe đạp đi học, ngày nào nó cũng vội vội vàng vàng đi như chạy đến trường xa hơn ba cây số, có nhiều hôm vào lớp muộn bị thầy cô giáo phê bình, về nhà nó tủi thân chỉ biết khóc. Mẹ nó đi đã hai tháng nay không thấy tin tức gì, có người bảo có khi mẹ nó bị lừa bán ra nước ngoài, tôi lo quá, bà cháu dắt nhau đi tìm. Hai bà cháu lang thang bốn ngày rồi chưa biết mẹ nó ở đâu, có hơn trăm ngàn dành dụm tiêu hết, đang định ngày mai về quê. Thành phố mênh mông, xe cộ nườm nượp, khác nào tìm kim đáy bể…
- Thế… thế… còn bố em Lan đi đâu ạ?
- Bố nó làm ở công ty gì ấy, cũng trên thành phố này, đi theo người đàn bà khác, chẳng ngó ngàng đến mẹ con nó đã mấy năm nay rồi. Khổ thân mẹ con nó. Chăm chỉ, nết na, ở quê ai cũng mến. Thế mà…
- Bà ơi, mai cháu không đi học nữa, cháu với em Lan đi bán bánh mỳ để tìm mẹ cho em Lan!
- Cháu phải đi học chứ!
- Cháu lấy tiền đâu để đi học nữa ạ? Cháu tự học ở nhà thôi.
- Cũng đành vậy. Nhưng cái nhà này…?
- Đây là nhà của bạn cháu chuyển đi ở nơi khác rồi, chưa có người mua, bà cháu mình cứ ở nhờ được ngày nào hay ngày ấy.
- Cháu là đứa trẻ biết nghĩ trước nghĩ sau! - Bà lão thở dài - Thôi, bà cháu mình đi nằm, mai tính tiếp!
Ba bà cháu tỉnh giấc khi đường phố mới lờ mờ sáng. Mưa đã tạnh hẳn. Kiên ra vòi nước sau nhà rửa qua cái mặt, òng ọc súc miệng rồi đeo hộp xốp, đưa cho Lan cái hộp đựng ắc quy, cát-xét và cái loa, bảo đeo vào người, hai anh em kéo nhau đến lò bánh mỳ.
Bà chủ lò bánh thấy Kiên, niềm nở:
- Hôm nay cháu nghỉ học à? Thế thì lấy bốn chục cái nhé?
- Vâng ạ! Cháu không đi học nữa. Khi nào cháu lớn, bà cho cháu giúp việc ở lò bánh nhé!
- Biết thế! Tiền lấy bánh đâu, đưa bác!
- Bà cho cháu chịu, bán hết bánh cháu thanh toán.
- Dì cháu không đưa tiền à?
Kiên ngập ngừng, rồi buồn rầu nói:
- Dì đuổi cháu ra khỏi nhà rồi!
- Rõ khổ! Thôi được, cháu vào nhận bánh đi, hết ngày nhớ trả tiền gốc cho bác đấy!
- Cháu cảm ơn bác ạ!
Nhận bánh xong, Kiên kéo tay Lan rảo bước. Tiếng loa lại lanh lảnh: “Ai… bánh mỳ đây! Bánh mỳ nóng nào…!”. Cứ vậy, hai đứa, một trai một gái theo nhau đi qua các phố. Hôm nay, chúng gặp may, gần trưa đã bán gần hết. Còn bảy cái, Kiên dẫn Lan đảo qua khu phố nhiều nhà hàng ăn uống, ở đây có những khách hàng nổi máu “bình dân”, mua bánh mỳ để kẹp món đặc sản ăn cho khác lạ. Đến trước nhà hàng Thị Thành, giọng gọi hách dịch quăng ra:
- Bánh mỳ! Vào đây cho tao mua mấy cái.
- Ông mua mấy cái ạ?
- Bốn!
Kiên mở nắp hộp lấy bánh đưa cho khách. Nhận tiền, Kiên kéo tay Lan: “Còn ba cái nữa là hết. Chiều ta lấy hai mươi cái nữa. Hôm nay, có em đi cùng nên đắt hàng.
Lan vẫn đứng như trời trồng nhìn vào trong nhà hàng. Kiên giật tay Lan:
- Kìa Lan, ta đi thôi!
Lan vùng khỏi tay Kiên:
- Mẹ em. Mẹ ơi!
Lan chạy vào trong. Một người đàn bà thanh mảnh chừng hơn ba mươi tuổi vội chạy lại:
- Lan! Sao con lại ở đây?
- Con… con… với bà đi tìm mẹ mấy ngày rồi! - Lan khóc nức nở ôm lấy mẹ - Mẹ về nhà đi! Con nhớ mẹ lắm!
- Ừ mẹ sẽ về khi nào mẹ trả hết nợ cho ông bà chủ đã.
- Sao mẹ lại phải trả nợ?
- Mẹ quét dọn nhà ở đây, không may làm vỡ chiếc bình sứ Giang Tây của ông bà chủ, mẹ phải làm đền. Cũng may, chiếc bình không phải đồ cổ, nếu không mẹ làm hết đời cũng không trả nổi.
- Thế bao giờ hết nợ hả mẹ?
- Còn mười ngày nữa, nhưng mẹ không có tiền để cho con mua xe đạp nữa rồi!
- Con đi bộ vẫn được mà.
- Con với bà ăn ở đâu, ngủ ở đâu?
Lan quay lại phía Kiên. Kiên nói tên ngõ, số nhà. Mẹ Lan thì thào:
- Tối, mẹ sẽ đến thăm bà và con. Thôi, con với bạn về đi!
Lan chạy nhanh ra cửa. Kiên chứng kiến cảnh hai mẹ con Lan gặp nhau. Không khóc, nhưng nước mắt cậu bé cứ trào ra. Quệt mắt, Kiên cùng Lan về nơi bà Lan đang đợi.
Buổi tối, khi ba bà cháu chuẩn bị đi nằm thì mẹ Lan tới. Ba người ôm lấy nhau mừng tủi, kể cho nhau nghe những ngày xa cách. Bỗng mẹ Lan hỏi bà lão:
- Mẹ có gặp dì Tuất không?
- Mẹ có biết nó ở chỗ nào đâu mà gặp.
- Dì ấy ở gần đây thôi. Tình cờ hôm con đi cùng bà chủ để mang xách hàng, gặp dì đang mua đồ mặc ở cửa hiệu. Con gọi, nhưng dì cứ đi phăng phăng, chỉ nói bâng quơ cho con biết chỗ ở, nhưng chẳng có số nhà, đường phố. Con dò hỏi biết khu ấy rồi, nhưng chưa có thời gian đi tìm. Khi nào rảnh việc, con xin phép bà chủ, con đưa mẹ đến xem dì ăn ở thế nào. Nghe đâu sung túc lắm!
Bà lão buồn bực:
- Chắc nó thấy con lam lũ thế này, nó sợ người ta cười nên lảng đấy. Mẹ lạ gì tính nó nữa!
Bà lão kể cho mẹ Lan nghe tình cảnh của Kiên. Mẹ Lan kéo Kiên lại gần, nhẹ nhàng:
- Cháu ít tuổi mà ăn ở phúc đức quá. Cảm ơn cháu!
Kiên đỏ mặt:
- Lan tìm được mẹ rồi, vài ngày nữa cháu cũng về ở với bà ngoại cháu. Cháu không ở với ông bố nhu nhược và bà dì ghẻ tàn nhẫn ấy nữa.
Mẹ Lan đồng tình:
- Cháu nghĩ thế là phải!
*
Buổi tối, Kiên đang giúp Lan học bài, có tiếng gõ cửa. Bà Lan nói vọng ra: “Ai đấy? Cứ đẩy cửa vào!”. Mẹ Lan vào nhà. Hôm nay, mẹ Lan ăn mặc tươm tất, tay còn xách cái xắc nhỏ ra dáng phụ nữ thành phố. Mẹ Lan đến để đưa bà cháu Lan đi tìm nhà dì Tuất. Mẹ Lan bảo Kiên đi cùng cho vui. Bốn người vừa đi vừa hỏi thăm, qua mấy dãy phố, đến trước ngôi nhà nhỏ hai tầng. Kiên chột dạ: Sao lại đến nhà Kiên? Chẳng lẽ bố Kiên đã bán ngôi nhà này rồi chuyển chỗ ở nơi khác? Hay là dì ghẻ Kiên là em mẹ Lan? Cậu bé luống cuống lùi ra xa, đứng đợi. Mẹ Lan bấm chuông. Cánh cửa mở hé, một giọng nói sẵng hắt ra qua khe cửa:
- Bà hỏi ai?
Mẹ Lan dịu dàng:
- Mẹ và tôi đấy mà, dì không nhận ra à?
- Mẹ với chị đến đây có việc gì không?
Bà Lan tức giận:
- Mẹ với chị mày đến thăm mày không được sao?
- Là con hỏi thế thôi. Cả ai nữa thế này? Con Lan phải không? Tất cả vào đi!
Mẹ Lan quay lại gọi Kiên:
- Cháu ơi! Kiên ơi! Vào đây!
Kiên đứng nấp sau cột đèn, thấy dì ghẻ ra mở cửa, đang định về, nghe mẹ Lan gọi, cậu bé đành miễn cưỡng quay lại. Dì ghẻ Kiên quắc mắt:
- Tao tưởng mày chết ở đâu rồi? Không ai cho ăn lại về chứ gì!
Bà lão giật mình khi nghe con gái nói vậy:
- Thì ra chị là mẹ kế cháu Kiên à? Ông trời thật là trớ trêu!
Mẹ Lan cũng không ngờ người hành hạ cậu bé khốn khổ có lòng thương người gặp khó khăn, hoạn nạn đã giúp mẹ và con gái mình lại chính là em gái mình. Mẹ Lan quay ra:
- Ta về thôi mẹ! Mẹ con mình nhầm nhà rồi.
Dì ghẻ Kiên lúng túng:
- Sao mẹ và chị lại đưa cả cái thằng giời đánh này về cùng cơ chứ?
Bà Lan dằn giọng:
- Nó là người đã cứu mẹ mày, cháu mày đấy, con ạ! Tuy nó ít tuổi nhưng biết cái nhân, cái đức ở đời. Còn mày thì…
Bố Kiên ra cửa:
- Ai đấy? Sao em không mời vào nhà!
- Mẹ, chị gái, cháu em, có cả thằng Kiên, con trai anh nữa.
- Mời mẹ, chị, cháu vào nhà! Kiên, mày còn đứng đấy làm gì? Vào nhà đi!
Nghe bố giục, Kiên lưỡng lự. Mẹ Lan trách hỏi:
- Anh chị không đuổi nó ra khỏi nhà nữa chứ? Con mình, mình phải thương. Đàn ông các anh…
Như có điều gì làm tổn thương chính mình, mẹ Lan bỏ lửng câu nói. Bà Lan chậm rãi từng câu:
- Nó đã cho chúng tôi ăn bánh mỳ, vì thế mà anh chị đã đuổi nó ra khỏi nhà đấy. Nó còn kiếm chỗ ngủ cho chúng tôi những ngày lang thang trên thành phố. Nó giúp chúng tôi đi tìm mẹ cháu Lan. Liệu anh chị có cái tâm bằng nó không? Tôi không ngờ lại sinh ra đứa con gái tàn nhẫn như chị. Mẹ con, bà cháu mình về thôi!
Bà lão kéo Lan bước xuống đường phố. Mẹ Lan bước theo. Kiên ngẩn người, nhìn bố, nhìn dì ghẻ đang sững sờ như kẻ cắp bị bắt quả tang. Cậu bé quay ngoắt người, gọi to:
- Bà ơi! Bà chờ cháu với!
Đường phố vẫn vô tư trôi theo dòng chảy của nó. Chỉ lòng người là quanh co, khúc khuỷu khó lường. Cuộc sống chẳng bao giờ bằng phẳng như mong muốn của con người.