Mỷ vừa nhảy chân sáo, vừa hát: “Hôm qua em tới trường/ Mẹ dắt tay từng bước ơ…”.
Tiếng mẹ Mỷ trong nhà vọng ra:
- Hôm nay con gái mẹ có gì vui hay sao mà véo von thế?
- Hôm nay con lại được điểm chín mẹ ạ!
- Con vẫn được điểm chín, điểm mười, mẹ có thấy con vui như thế này đâu?
- Mẹ giỏi thế! Sao mẹ biết con vui về việc ấy?
- Thế con vui về việc gì?
- Con được thay mặt các bạn người dân tộc thiểu số đi dự Đại hội các dân tộc của huyện đấy!
- Mẹ cũng được đi dự.
- Thế à mẹ? Hai mẹ con mình vinh dự quá!
- Con phải cố gắng hơn, con nhé! À! Con có lá thư mẹ để trên bàn học của con đấy!
Mỷ chạy vào nhà, vội đến bàn học, không kịp đặt cặp sách xuống, cầm lá thư xem. Thư không đề tên người gửi. Nét chữ quen quen. Hồi hộp, Mỷ bóc thư. Thư của bạn Pao, thay mặt các bạn lớp bảy, trường trung học cơ sở trên xã, quê Mỷ, gửi. Đọc xong thư, Mỷ thừ người. Thấy vậy, mẹ Mỷ ngạc nhiên, hỏi:
- Vừa vui thế, sao bây giờ con lại thẫn thờ ra thế? Có chuyện gì phải không?
- Không có chuyện gì đâu ạ. Thư của các bạn lớp cũ của con ấy mà.
Cơm chiều xong, chưa vào bàn học như mọi ngày, Mỷ đến ngồi bên mẹ, ngập ngừng:
- Mẹ ạ, con muốn về quê học!
- Tại sao lại như thế? Con nói rõ cho mẹ biết xem nào!
- Bạn Pao nói các bạn trong lớp rất muốn con về. Em Sua không học nữa, vì không có người đưa em đi. Em Sua rất ham học…
- Mẹ hiểu rồi! Con về quê để đưa em đi học chứ gì? Các bạn khác không đưa được à?
- Nhà các bạn đều cách nhà em Sua xa, nên không thể đưa em đi được.
- Học ở đây có điều kiện hơn ở trên xã vùng cao. Tương lai của con…
- Con biết mẹ lo cho con, nhưng em Sua…? Về trường cũ, con sẽ cố gắng học giỏi…
- Giỏi ở trên đó liệu có bằng trung bình ở đây không? Người ta chọn trường lớp tốt để học, con lại quay lại trường cũ, khó khăn lắm đấy! Người ta sẽ cười mẹ con mình dở hơi…
- Trên ấy, bây giờ cũng đàng hoàng rồi. Có điện, đường sá đi lại đến các thôn bản đều đổ bê tông, trải nhựa rộng rãi, sạch đẹp. Trường xây hai tầng, phòng học, bàn ghế mới, có cả phòng học vi tính. Thầy cô đều có trình độ đại học, cao đẳng… Mẹ đồng ý cho con về nhé?
- Mẹ chưa trả lời ngay được. Hai mẹ con mình cùng suy nghĩ!
- Từ nay đến khi dự Đại hội xong, mẹ nhé!
- Bố chị! Chị ấn định thời gian cho mẹ đấy à?!
Từ hôm ấy, cô bé Mỷ thay đổi hẳn, không dám làm nũng, đòi hỏi mẹ điều gì, dành nhiều thời gian với mẹ hơn và cũng trầm tư hơn. Từ khi được điều lên huyện làm Phó chủ tịch Hội Phụ nữ huyện mẹ Mỷ vẫn có ý định đưa chị em Mỷ xuống thị trấn huyện lỵ học với suy nghĩ dưới này chất lượng cũng như điều kiện học tập tốt hơn, nhưng bố Mỷ không đồng ý, vì còn bà nội đã già yếu, bố lại bận công tác ở xã nên giữ hai chị em Mỷ ở với bà cho vui tuổi già. Từ khi bà mất, Mỷ theo mẹ về dưới này, trên xã chỉ còn bố và em trai Mỷ. Khi nào bố Mỷ chuyển hoặc nghỉ công tác sẽ về thị trấn ở cùng mẹ con Mỷ. Bây giờ, Mỷ lại xin ngược núi không biết mẹ có đồng ý không? Hình ảnh các bạn trên xã, mùa đông chỉ phong phanh một, hai manh áo mỏng, lập cập đến lớp, nhất là các em nhỏ, cứ run rẩy làm Mỷ day dứt. Trên ấy rét hơn dưới này, gió lúc nào cũng hun hút, sương mù phủ kín mọi nơi, có ngày băng giá lóng lánh mặt đường, bước ra vệ cỏ xào xạo… Khuôn mặt buồn rười rượi của em Sua không đi học ám ảnh Mỷ. Năm học lớp ba, một cơn tai biến đã làm em phải đi điều trị bệnh viện tỉnh hai tháng. Mặc dù được miễn viện phí theo chính sách hộ nghèo nhưng những chi phí khác cũng tốn kém, nhà nghèo, dân bản cũng nghèo chỉ giúp được phần nào, bố em phải bán trâu, bán bớt ruộng để chăm nuôi em. Nhờ sự tận tình của thầy thuốc, chăm sóc của bố mẹ, động viên của bạn bè và nghị lực của mình nên em đã vượt qua được sự khắc nghiệt của bệnh tật trở về với cuộc sống, nhưng một bên chân không cử động được nữa. Nhà em cách trường tiểu học gần hai cây số, hàng ngày đi học qua nhà em, Mỷ dùng xe đạp đèo em đến lớp. Trường trung học cơ sở và trường tiểu học giáp nhau, đều ở trung tâm xã nên cũng tiện. Từ ngày Mỷ chuyển xuống thị trấn học, em đành phận thui thủi ở nhà. Mỷ phải về để giúp em đến trường…
Buổi tối hôm Đại hội các dân tộc huyện kết thúc, Mỷ nhắc lại chuyện về xã, mẹ cứ tưởng Mỷ quên hoặc dự Đại hội vui thế, Mỷ sẽ không nhắc lại chuyện đó nữa, nào ngờ Mỷ vẫn nhớ. Mẹ nhìn Mỷ, thở dài:
- Thôi được, con đã quyết tâm thì mẹ cũng chẳng giữ. Nhưng con còn nhớ vụ con bị bọn lâm tặc bắt hồi đầu năm học không? Tay chân bọn chúng vẫn muốn trả thù con đấy!
- Con chẳng sợ! Mấy thằng cầm đầu bị bắt hết rồi. Bạn Pao vẫn ở trên ấy có sao đâu.
- Nhưng con không được liều lĩnh như thế đâu đấy!
- Con biết phải làm gì rồi, mẹ không phải lo cho con đâu mà. - Mỷ ngập ngừng - Mẹ ơi! Mẹ… mẹ mua cho con chiếc xe đạp điện nhé!
Mẹ Mỷ lườm yêu:
- A… được đằng chân, chị lân đằng đầu phải không? Được rồi, ngày mai mẹ đưa con đến cửa hàng cho con chọn. Mẹ biết con mua xe đạp điện làm gì rồi!
- Mẹ muôn năm!
- Thôi thôi, mẹ không sống muôn năm được đâu. Con về trên ấy nhớ phải cẩn thận đấy!
- Mẹ cứ nhắc đến chuyện ấy làm gì? Con nhớ rồi!
*
Cách đây hơn ba tháng, ngày nghỉ, Mỷ cùng Pao rủ nhau đi thăm nương thảo quả ở khu vực rừng già đầu nguồn được khoanh nuôi bảo vệ. Nương thảo quả được trồng dưới tán rừng, những chùm quả đỏ mọng chen nhau dưới gốc. Cũng may, bố Mỷ là cán bộ xã không nghe theo bọn thu mua rễ thảo quả bán cho người nước ngoài, nên nương thảo quả nhà Mỷ, nhà Pao vẫn còn tươi tốt, năm nay giá thảo quả sẽ đắt hơn nhiều so với năm trước. Nhiều nhà trong bản bây giờ đang khóc dở, mếu dở vì thảo quả bị cắt rễ chết, cây nào còn sống cũng không ra quả. Mấy người mua thu gom rễ thảo quả chất đống ở đầu nhà mà chẳng thấy người ta đến thanh toán tiền, chở đi. Dân bản sao dại thế không biết? Bài học hai năm trước, đàn trâu bị chết rét thưa hẳn đi đang được khôi phục thì có người bảo thu mua móng trâu bán ra nước ngoài, mặc cho cán bộ xã, cán bộ huyện khuyên can, chỉ vì hám lợi mà nhiều người không nghe, mổ hết trâu khoẻ, lấy móng bán cho bọn người lạ, còn thịt đưa về phố huyện bán thành dãy dài, ế chỏng ế chơ, mang về treo lên bếp làm thịt trâu sấy. Kết quả, móng trâu vẫn còn đấy, tiền bán thịt, bán da chẳng được bao nhiêu, nhiều nhà long đong đi tìm mua trâu con về nuôi với giá đắt gấp mấy lần năm trước, có người không đủ tiền mua đành chịu cảnh không có trâu cày phải cuốc ruộng, cuốc nương…
Mỷ đang cùng Pao hăm hở cắt những lá thảo quả khô để chùm quả đón ánh sáng chóng lớn, chín nhanh thì nghe có tiếng người nói chuyện với nhau đang đến gần. Nấp vào chỗ kín, quan sát thấy hai người lạ vác bao gạo, đeo ba lô đang đi sâu vào rừng già. Đoán biết hai người này đi mua gạo, thực phẩm cho bọn người chặt trộm gỗ rừng già phòng hộ, Mỷ khẽ bảo Pao: “Pao là con trai chạy nhanh hơn, về xã báo ngay cho các bác, các chú ở xã biết. Mỷ ở đây theo dõi bọn chúng!”. Pao dặn Mỷ đi đến đâu nhớ bẻ cành cây đánh dấu đường. Pao chạy đi rồi, Mỷ ngắt vội mấy cành cây dưới chân bỏ vào lù cở sau lưng rồi bí mật đi theo hai người. Từ xa, Mỷ đã nghe vẳng lại tiếng cưa soàn soạt, tiếng chặt gỗ chan chát, tiếng cây đổ rầm rầm… Vì chăm chú theo dõi bọn chúng nên Mỷ bị vấp ngã. Thấy động, hai tên tiếp tế quay lại. Chúng bắt trói Mỷ dắt đi cùng. Đến nơi, Mỷ thấy bảy, tám người đang hì hục cưa, chặt. Những cây gỗ to bằng người ôm đã cưa thành từng khúc dài ba, bốn mét ngổn ngang. Bọn chúng buộc Mỷ vào gốc cây. Một tên, có lẽ là cầm đầu, đến nắm tóc giật mặt Mỷ ngửa lên:
- Mày bao nhiêu tuổi? Ai sai mày theo dõi bọn tao? Nói mau!
- Mười ba. Tôi đi hái lá thuốc!
- Mày nói láo! Nói thật thì tao cho về, nếu không bọn tao sẽ đẩy mày xuống khe đá. Người đi tìm sẽ cho là mày bị ngã chết.
Một thằng đến gần Mỷ, thô bạo thục tay vào ngực áo Mỷ, rồi reo lên:
- Đại ca ơi! Con này tuy ít tuổi nhưng phổng phao ra phết. Trước khi giết nó, cho bọn em xả hơi tý nhé!
- Câm mồm! Dính vào cái của ấy là đen lắm đấy! Mai kia xong việc, có tiền tha hồ mà chơi bời. Còn bây giờ thì tao cấm!
Nghe chúng bàn với nhau, khi trời tối sẽ đưa Mỷ ra xa khu vực chặt gỗ rồi đẩy Mỷ xuống vực. Mỷ sợ hãi, mong Pao đưa nhanh các bác, các chú đến kịp. Thằng cầm đầu cấm thế nhưng khi thằng khác đưa Mỷ đi giết liệu nó có tha cho Mỷ mà không làm gì bậy bạ không? Mỷ cố kìm để không khóc trước mặt chúng nhưng nước mắt cứ trào ra. Phải cứng rắn lên! Nhất định Pao sẽ dẫn mọi người đến kịp.
Ánh nắng chiều xiên qua tán cây rừng không còn gay gắt. Tiếng chim hớt hải gọi nhau về tổ. Bọn phá rừng quây lại chuẩn bị ăn cơm. Mỷ cố vùng vẫy mong thoát khỏi sợi dây buộc hai tay quặt ra sau. Sợi dây rừng tươi lỏng dần… Bọn chúng đang chúi vào ăn uống. Chúng chúc nhau chuyến này thành công sẽ được nhiều tiền vì toàn gỗ quý. Mỷ kéo tay ra khỏi sợi dây, len lén đứng lên, với tay vào lù cở nắm lấy cán dao phát, lẻn nhanh vào bụi cây phía sau chờ đợi. Bọn chúng vẫn đang hỉ hả chạm bát nốc rượu. Có tiếng bước chân gấp gáp, loạt xoạt. Các bác, các chú đến rồi!
- Tất cả ngồi im! Ai chạy, chúng tôi bắn!
Tiếng hô làm bọn phá rừng giật mình, ngẩn người, ngơ ngác. Mấy tên định bỏ chạy. Một phát súng nổ lên trời. Chúng sững lại. Tất cả bị còng đưa về xã. Mỷ chạy ra, cầm tay Pao:
- May quá, Pao đến kịp không thì chúng nó giết mình mất!
- Pao chạy rách cả áo đây này.
Bác Phó chủ tịch - Trưởng công an xã cầm tay hai đứa:
- Các cháu giỏi lắm. Bác sẽ đề nghị huyện tặng giấy khen về thành tích bảo vệ rừng cho hai cháu.
Tấm giấy khen ấy là niềm tự hào của Mỷ, được bố Mỷ treo trang trọng trên góc học tập giữa những tấm giấy khen học sinh giỏi nhà trường tặng cho Mỷ.
*
Ngày chia tay các bạn để về lại trường cũ, Mỷ nghẹn ngào kể cho các bạn nghe hoàn cảnh của nhiều bạn vùng cao, hoàn cảnh của em Sua. Cả lớp lặng đi. Cô giáo chủ nhiệm quay mặt chấm vội nước mắt. Cô thong thả từng lời:
- Các em ạ! Bạn Mỷ chuyển về học ở trường ta mới được hơn một tháng, nhưng vì các bạn trên xã mà bạn Mỷ lại phải xa chúng ta để về giúp các bạn, giúp em Sua được đến lớp. Bạn Mỷ đã suy nghĩ và hành động đúng, đáng được chúng ta trân trọng, ủng hộ và học tập. Nghe bạn Mỷ kể về điều kiện của các bạn trên ấy, chúng ta không khỏi xúc động. Cô có ý kiến thế này: Nhà em nào có quần áo không mặc đến nhưng còn tốt, nhất là quần áo ấm, chúng ta gom góp mang lên tặng các bạn. Lớp ta cử một đoàn thay mặt lớp lên thăm và tặng quà cho các bạn vùng cao. Cô sẽ đi cùng các em. Cô cũng đề nghị em Mỷ ở lại thêm một, hai ngày để cùng đoàn của lớp về trên ấy. Cô sẽ đến nhờ một doanh nghiệp cho mượn xe chở quần áo và các em lên giao lưu cùng các bạn trên xã bạn Mỷ.
Cả lớp vỗ tay tán thưởng, không khí sôi nổi hẳn lên. Một bạn đứng lên:
- Thưa cô! Lớp ta sẽ làm tấm biểu ngữ căng ở sườn xe cho khí thế ạ!
- Ý kiến của em rất hay. Làm như thế sẽ lan toả ra các lớp khác thành phong trào quyên góp, ủng hộ. Cô sẽ báo cáo Ban giám hiệu về việc này.
Một bạn khác đứng lên:
- Thưa cô! Ta lấy tên phong trào là gì ạ?
Cả lớp nhao nhao, bạn thì đặt “Áo ấm tặng bạn”, bạn khác lại đặt “Áo ấm tình thương”, rồi “Áo ấm mùa đông”, “Tấm áo tình bạn”… Cô chủ nhiệm đang phân vân chưa biết lấy câu nào cho phù hợp thì Mỷ đứng lên:
- Thưa cô! Những câu các bạn đặt đều hay, nhưng nhiều nơi đã nói đến rồi. Em đề nghị lấy tên là “Bạn giúp bạn” vừa giản dị, vừa ý nghĩa!
Cả lớp vỗ tay:
- Hoan hô Mỷ! Hay quá! Hay quá!
Cô giáo sững người nhìn Mỷ:
- Em thật giỏi! Ta đặt tên phong trào là “Bạn giúp bạn” theo sáng kiến của bạn Mỷ!
*
Chiếc xe mười sáu chỗ ngồi chở các bạn và quần áo ủng hộ chuyển bánh trong niềm vui của thầy trò cả trường, đầu xe cắm lá cờ đỏ sao vàng, hai bên sườn xe treo hai băng rôn mang dòng chữ: “Phong trào Bạn giúp bạn!”; “Vì các bạn vùng cao thân thương!”. Trên xe, các bạn hát vang những bài ca về đất nước, về thiếu niên nhi đồng... Khi xe chạy đến lối rẽ vào nhà em Sua thì dừng lại. Mỷ nhờ các bạn đưa chiếc xe đạp điện xuống đường rồi ngồi lên điều khiển xe chạy vào sân nhà em Sua. Mỷ dìu em ra, đỡ em lên xe, cho chạy lên trước xe ô tô. Cả hai xe đi về phía trường trung học cơ sở. Cổng trường mở rộng, xe tiến vào sân trường, các bạn trong các lớp ùa ra vây quanh. Sân trường tưng bừng như một ngày hội. Tay nắm tay, ríu rít như bầy chim xa đàn lâu ngày gặp lại. Mỷ và em Sua cũng là trung tâm chú ý của các bạn lớp bảy. Các bạn tíu tít: “Bạn ở lại học với chúng tớ chứ? Em Sua cần Mỷ lắm đấy! Đừng đi Mỷ nhé!…”. Pao kéo Mỷ ra khỏi vòng vây:
- Mỷ ở lại chứ?
- Ừ, Mỷ về học ở trường mà!
- Tốt quá! Em Sua mong Mỷ, chúng mình nhớ Mỷ, cần Mỷ nhiều lắm!
Mỷ và Pao trở lại với các bạn của mình. Các em lớp năm bên trường tiểu học, nghe tin em Sua trở lại học, chạy sang đang vây quanh. Pao cùng Mỷ đỡ em Sua xuống xe để các bạn cùng lớp đưa em sang trường, lớp của mình. Em Sua ngước mắt nhìn Mỷ, hai hàng nước mắt lăn xuống gò má. Bỗng em oà khóc. Pao xúc động:
- Em Sua khóc vì vui quá mà. Từ hôm nay, em sẽ được bạn Mỷ đưa đến trường bằng chiếc xe đạp điện mẹ Mỷ đã mua cho.
Cả sân trường vỗ tay cảm phục tấm lòng của Mỷ dành cho em Sua. Những chiếc áo ấm được trao cho các bạn. Nhiều bạn ngỡ ngàng đón nhận chiếc áo nặng tình thương yêu, rưng rưng cảm động. Một vòng tròn người được hình thành, các tiết mục văn nghệ được các bạn đại diện hai trường hồn nhiên biểu diễn mộc mạc, chân tình. Tiết mục của đoàn các bạn dưới thị trấn vừa kết thúc, tiếng khèn dìu dặt từ ngoài vòng người đi vào. Pao vừa thổi khèn, vừa khoan thai nhún nhảy theo tiếng khèn bước vào, nghiêng người liệng một vòng chào khán giả. Tiếng khèn gọi bạn bỗng thôi thúc, Pao tiến, lùi uyển chuyển theo điệu khèn, rồi tiếng khèn bỗng đổi giai điệu rì rào như suối chảy. Pao từ từ hạ thấp người, một chân trụ, một chân co duỗi dập dìu đổi nhau rồi khéo léo lộn người mấy lần mà tiếng khèn vẫn nấc lên như tìm bạn mà chẳng thấy bạn đâu không dứt. Khi Pao múa đến động tác chao người đưa thân khèn lên ngang người thì Mỷ xòe chiếc ô hoa trên vai, tay xoay xoay cho chiếc ô quay tít như một đóa hoa bừng nở, tiến sát bên Pao, quyện xoắn quanh Pao, hai bạn cùng tiến, lùi nhịp nhàng, tiếng khèn thổn thức khi hai bạn sát lưng nhau cùng xoay người, chiếc ô giương cao che hai mái đầu tạo nên một bức tượng tuyệt đẹp đang quay, quay 360 độ… Cả sân trường im phắc, chỉ còn tiềng khen trầm bổng như mời, như gọi, lan vào các lớp học, bay khắp bản làng, vang vào rừng cây, vọng đến vách núi… Đến khi Pao và Mỷ cùng ngả người sang hai bên kết thúc màn trình diễn, tiếng vỗ tay nổi lên rào rào tưởng như không dứt. Các bạn dưới thị trấn thán phục tiết mục múa khèn của hai bạn người Mông, ùa đến nắm tay Mỷ, nắm tay Pao. Bạn lớp trưởng quàng tay lên vai Pao:
- Các bạn biểu diễn hay quá! Nhất định mình xin cô giáo chủ nhiệm đề nghị các thầy cô trong Ban giám hiệu hai trường cho phép chúng mình phối hợp tổ chức một đêm văn nghệ đặc sắc.
Sương mù tan dần, ánh nắng chan hòa khắp nơi, Những ngày nắng đẹp đến với núi rừng trùng điệp, đến với các bạn vùng cao. Nắng ấm đang tỏa khắp sân trường.