Đám đông ngày một dày thêm, xúm quanh vụ tai nạn giao thông giữa ngã tư đường, người gây tai nạn là một thanh niên tóc nhuộm nâu sẫm với một phụ nữ khoảng hơn ba mươi tuổi. Hai chiếc xe máy ngoắc vào nhau. Người phụ nữ ôm chân đau đớn, máu thấm ống quần, chiếc mũ bảo hiểm vẫn gắn chặt trên đầu. Còn cậu thanh niên hai tay ôm đầu, lăn lộn, máu vẫn đang rỉ ra từ mái tóc có màu lạ không phải do cha mẹ sinh ra. Đám đông bàn tán, chỉ trỏ, nhưng chẳng có ai giúp những người bị nạn. Có lẽ, ai cũng nghĩ, sẽ có người khác, mình nhúng tay vào lại thêm chuyện, phải gọi xe đưa người ta đi bệnh viện, phải làm chứng cho vụ tai nạn… chi bằng chờ cảnh sát giao thông đến giải quyết. Một chiếc ô tô màu trắng, bóp còi xin đường, vượt qua đám đông rồi dừng lại sát vỉa hè. Người trung niên trên xe bước nhanh xuống, rẽ đám đông đến bên người bị nạn. Anh hốt hoảng nâng người phụ nữ dậy: “Ôi, cô giáo! Cô có sao không, tôi đưa cô đi bệnh viện!”. Người phụ nữ nhăn mặt nhịn đau, thều thào: “Có lẽ tôi bị gãy chân. Anh đỡ cậu thanh niên kia xem có sao không! Cậu ấy đi nhanh và ẩu quá! Vượt đèn đỏ, đầu lại không có mũ bảo hiểm”. Người trung niên dìu cô giáo vào trong xe của mình, nói với mọi người đứng nhìn: “Đây là cô giáo ở Trường Chính trị tỉnh”. Quay lại xốc nách cậu thanh niên đưa vào xe, vội vã lái xe chạy về phía bệnh viện.
Những ngày nằm viện, các đoàn học viên đang học tại Trường Chính trị đến thăm khiến cô lúng túng. Làm nghề “lái đò ngang” ở “khúc sông” không bắt buộc tất cả mọi người đều phải luỵ đò, vì phía xa kia vẫn có “cây cầu” để qua, ấy thế mà học viên vẫn ân tình với cô. Tốt nghiệp Đại học Luật, những tưởng sẽ xin làm việc tại cơ quan tư pháp nào đó, ai dè, cô lại theo nghề dạy học của mẹ. Cái nghề mà ngay từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường cô đã tự nhủ sẽ không bao giờ bước vào. Đúng là “ghét của nào trời trao của ấy”. Đành phận, cô làm quen dần với giáo án, bục giảng và những yêu cầu khắt khe của nghề dạy học. Tuy đối tượng không còn là lứa tuổi thanh, thiếu niên; bài giảng không phải là các môn học khoa học cơ bản mà là những kiến thức về pháp luật nhưng đòi hỏi người thầy phải có nghệ thuật truyền thụ thì mới mong học viên nắm được nội dung bài giảng. Cô đã cố gắng hòa nhập với công việc của nghề dạy học. Qua lần này cô càng thấm thía hơn sự tôn trọng của xã hội với công việc mình đang làm. Cô nói với mẹ, một nhà giáo về hưu: “Mẹ ạ, con cứ nghĩ nghề dạy học của mẹ là cái nghề “chuột chạy cùng sào…”, nhưng sự giúp đỡ, thăm hỏi của học viên đã làm thay đổi suy nghĩ của con. Con xin lỗi mẹ về việc phản đối sự hướng nghiệp của mẹ!”. Mẹ cô cười, động viên cô mau lành vết thương để tiếp tục lên lớp. Nhìn mái tóc bạc quá nửa của mẹ, cô nhớ lại chuyện mẹ kể những kỷ niệm về mấy chục năm làm nghề dạy học của mẹ. Nhiều chuyện mẹ kể đã làm cô ngỡ ngàng đến rơi nước mắt vì sự khó nhọc, thiếu thốn của nhà giáo khi ấy. Hai mươi tháng mười một năm nay đang đến gần, đưa cô nhớ lại câu chuyện mẹ kể:
Những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước, đời sống thầy và trò đều khó khăn như nhau nên ngày hai mươi tháng mười một chẳng năm nào mẹ cô có được một bông hoa chúc mừng. Các trường tự vận động tổ chức kỷ niệm. Để có bữa cơm ăn chung mừng ngày Hiến chương các nhà giáo (Hồi đó chưa được công nhận là ngày Nhà giáo Việt Nam), cả trường, ai cũng phải xắn tay vào việc. Tiền đóng, gạo góp. Khó khăn nhất là khâu thực phẩm không biết mua ở đâu? Mọi thứ đều phân phối theo tem phiếu. Mỗi giáo viên chỉ có ba lạng rưỡi thịt tem phiếu cho một tháng, ai có người quen bán ở quầy thịt thì nhờ mua được miếng mỡ, mừng đến mấy ngày vì thi thoảng có tý sao lăn tăn nổi trên bát nước canh, người nào hẩm hiu mua phải miếng thịt bụng hoặc bạc nhạc thì coi như cả tháng nhịn mỡ. Tình cảnh như thế thì đào đâu ra thực phẩm cho bữa ăn tươi. Bàn bạc mãi, ông Hiệu trưởng đi đến quyết định giao cho công đoàn mang giấy giới thiệu của nhà trường làm việc với ông cửa hàng trưởng thực phẩm, xin ông ưu tiên cho mua bộ lòng lợn. Mẹ cô khi ấy là Thư ký công đoàn (như Chủ tịch công đoàn bây giờ) phải đảm trách việc này. Đến cửa hàng thực phẩm, đăng ký với hành chính xin gặp lãnh đạo. Chờ đợi đến sốt ruột rồi cũng được vào gặp ông cửa hàng trưởng. Ông phẩy phẩy cái giấy giới thiệu trên tay, nheo cặp kính trễ xuống sống mũi, nhấc bút lên lại đặt xuống mấy lần rồi với tay lấy một mảnh giấy bằng bàn tay đã được rọc sẵn để trên bàn, cầm chiếc bút kim tinh, chậm rãi viết:
“Đồng ý bán cho các thầy cô giáo trường X bộ lòng lợn bao gồm lòng non, lòng già, dạ dày (không có tim gan) + tiết để làm dồi. - Viết đến đây ông đưa tay cầm bút chống cằm ngẫm nghĩ, vẻ mặt đăm chiêu như sắp ban ra một quyết định táo bạo, nheo mắt, ông hạ bút ghi tiếp: - Một cái thủ lợn ba cân, để các thầy cô giáo mừng ngày Hiến chương các nhà giáo”.
Ký tên.
Chẳng biết có phải đóng dấu hay không, mẹ cô cầm giấy chạy thẳng về trường báo tin. Cả trường khấp khởi như lên đồng, phân công mỗi người một nhiệm vụ để có bữa ăn kỷ niệm ngày truyền thống của ngành mình. Bàn ăn kê trong một lớp học. Chuẩn bị vào bữa thì mọi người ngơ ngác nhìn nhau: Chưa có rượu thì chúc nhau thế nào đây? Lại hội ý. Phương án được ông Hiệu trưởng chém tay phê duyệt: “Mua chịu mỗi bàn một chai rượu sắn của bà hàng nước cạnh trường. Nếu vui quá, bàn nào thiếu thì xuất nửa lít cồn 90 độ của phòng thí nghiệm, pha nước sôi để nguội, việc này giao cho giáo viên bộ môn hóa học đảm nhiệm”.
Bữa ăn thế mà vui đáo để. Nó là sự kiện của trường kia mà, không vui sao được. Mỗi khi nhớ đến chuyện ấy, cô vừa thương, vừa khâm phục các nhà giáo thế hệ của mẹ, lại vừa xót xa. Từ chuyện của mẹ ngày trước, cô chạnh lòng thương bạn mình hiện đang dạy học trên vùng cao. Ngày 20 tháng 11 hàng năm, giáo viên đóng góp để tổ chức kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam. Ở đấy, dân bản nghèo, không có nếp quen chúc mừng các ngày lễ tết, nên nhà trường tự đứng ra tổ chức để học sinh hiểu được ý nghĩa của ngày 20 tháng 11, khơi dậy lòng tự hào của giáo viên đồng thời giáo dục lòng biết ơn thầy cô giáo cho các em. Đại diện lãnh đạo xã đến thăm và chúc mừng là quý lắm rồi.
Trường học ở các xã vùng khó khăn được Nhà nước xây trường to đẹp, xây chỗ ở nội trú cho học sinh,nhà công vụ cho giáo viên; chi tiền, cấp gạo ăn hàng tháng cho học sinh nội trú là một sự động viên lớn đối với giáo dục vùng cao, thế mà nhiều nơi, thầy cô vẫn phải chống gậy đến từng nhà vận động cho trẻ đến trường, nhất vào vụ thu hoạch, ngày đông tháng giá… còn nói gì đến ngày Tết của thầy cô giáo. Khó khăn thế mà tâm hồn bạn bè cô “vẫn mát xanh như bóng lá bàng”, trái tim “vẫn đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ”. Cô thấy mình còn may mắn hơn các bạn nhiều. Năm nào cũng vậy, ngày 20 tháng 11, nhà cô tựa như nơi trưng bày các loại hoa. Đủ loại, đủ kiểu khoe sắc màu và hương thơm lan toả, do học sinh cũ của mẹ cô, học viên các lớp của cô đến chúc mừng. Trong cô dậy lên niềm tự hào mình là một nhà giáo. Cô ngượng ngùng với chính mình vì đã có lúc nghĩ dạy ở trường toàn người lớn, ai cũng có chút chức quyền, học chính trị là điều kiện bắt buộc nên tình nghĩa giữa người dạy và người học đâu cần gắn bó như tuổi học trò mộng mơ. Khi lớp học mãn khoá là kết thúc mối quan hệ thầy trò. Chính cô cho rằng đây là trách nhiệm của mình được giao và cô cũng nghĩ rằng học là nghĩa vụ cần thiết của cán bộ đương chức để có thể bước tiếp trên con đường công danh. Người dạy lên lớp là để nhận lương. Người học đến lớp là để có thêm cái dấu gọng vó trong hồ sơ của mình. Thời gian học ngắn, kiến thức thuộc về lĩnh vực chính trị - xã hội, hành chính tuy có những môn, bài mang tính trừu tượng, nhưng thiết thực cho công việc hàng ngày. Người dạy và người học ngang tuổi nhau, thậm chí nhiều người tuổi nhiều hơn, chức vụ xã hội cao hơn, điều kiện kinh tế khá hơn người thầy, như trường hợp của cô chẳng hạn. Trách nhiệm và nghĩa vụ là sự phân công của xã hội, người dạy và người học đều làm công ăn lương, chẳng có sự ràng buộc về tình cảm… Sự ngăn cách trong lối nghĩ đã dẫn cô đi vào cái ngõ của sự thờ ơ, thiếu khách quan. Sự đời thật kỳ lạ, trong cái rủi lại có cái may. Tai nạn bất ngờ đã làm cô thay đổi cách nhìn, nếp nghĩ. Chân cô sẽ khỏi và chắc chắn cách nghĩ trước đây của cô cũng sẽ được chữa khỏi để cô vững vàng thực hiện công việc của người “lái con đò kiến thức” giúp cho mỗi người có thể cập bến bờ cuộc đời. Không khóc nhưng nước mắt cứ ứa ra. Cô cảm động về tình cảm của những người học viên dành cho mình. Cô lấy khăn thấm những dòng nước mắt đang rộn ràng chảy ra từ trái tim mình.