Đêm trước ngày đưa tranh đi tham gia triển lãm mỹ thuật khu vực miền núi do tỉnh bạn đăng cai, họa sĩ Thế Dương không sao chợp mắt được. Con mắt khó ngủ đã đành, đằng này cả thân hình cao 1,67 mét, nặng gần 70 ki-lô-gam cũng thao thức không yên. Hết nằm ngửa lại trở nghiêng bên nọ, bên kia cũng chỉ được một lúc. Liếc sang bên cạnh, Thế Dương thấy Vân - người vợ luôn chăm chút cho sự nghiệp của chồng dường như chẳng bận tâm gì, nhịp thở nhẹ nhàng khiến bộ ngực vun cao lên xuống đều đều. Gái hai con đang ở độ tuổi hồi xuân nên còn giữ được nét xuân sắc. Thế Dương nhớ đến những ngày trước kia, khi đó Thế Dương đang thực tập chuẩn bị tác phẩm tốt nghiệp, khéo cho ông giời xe duyên kết phận cho chàng họa sĩ tương lai gặp cô sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương cũng thực tập tại một trường trung học phổ thông gần đấy. Hôm ấy, Thế Dương đang mải mê vẽ những nếp nhà nép dưới sườn núi in bóng xuống dòng suối trong xanh, rì rào chảy thì toán học sinh ùa ra xúm quanh xem họa sĩ vẽ, chúng đùn đẩy nhau làm giá vẽ của Thế Dương đổ kềnh. Thế Dương định quát đuổi chúng đi chỗ khác chơi để mình yên tĩnh vẽ thì Vân đến. Cô dựng giá vẽ lên, giọng nhỏ nhẹ: “Cho em xin lỗi! Học sinh nghịch quá!”. Thế Dương sững người. Ở đâu mà xuất hiện cô gái thánh thiện thế không biết? Lúng túng, Thế Dương kịp đổi giọng: “Nhất quỷ nhì ma… mà, cô không phải bận tâm đâu!”. Đám học trò tản đi chỗ khác. Hai người quen biết nhau từ đấy. Từ quen thành thân, từ thân dẫn đến tình yêu. Yêu nhau, những ngày nghỉ, Vân đến phòng Thế Dương xem tranh và còn làm người mẫu cho Thế Dương vẽ. Hai người ra trường cùng năm. Gia đình Vân có điều kiện xin cho Vân dạy học ngay thành phố nhưng Vân đi theo tiếng gọi của tình yêu cùng Thế Dương lên miền núi. Cuộc sống bình dị của đôi vợ chồng trẻ hiền hòa trôi. Trong ngôi nhà nhỏ luôn đầy ắp những lời yêu thương. Cũng có đôi lần giận hờn nhưng chỉ như mưa bóng mây thoáng qua cho họ hiểu nhau hơn, cuộc đời thêm ý nghĩa hơn. Hạnh phúc mỉm cười với gia đình họ. Chồng làm ở Trung tâm Văn hóa tỉnh, vợ dạy nhạc ở Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh; con gái, con trai khoẻ mạnh, ngoan ngoãn, học giỏi. Vân và hai con là nguồn lực cho Thế Dương sáng tạo.
Có lẽ khuya lắm rồi, Thế Dương với tay qua người Vân lấy chiếc di động trên kệ đặt đèn ngủ xem giờ. Ba giờ bốn mươi phút. Gần giữa canh tư rồi. Hôm gửi file ảnh chụp tranh để Ban tổ chức xét chọn tham gia triển lãm, Thế Dương cũng có tâm trạng như thế này. Chờ đợi cũng là một thử thách. Vân trở mình, quay mặt nghiêng về phía chồng: “Anh không ngủ được à?”. “Không ngủ được!”. “Cố ngủ một chút, mai còn mang tranh đi dự triển lãm”. “Ừ!”. Thế Dương quàng tay kéo vợ về phía mình, thì thào: “Tranh của anh nhất định đoạt giải vì có em chăm sóc, động viên”. “Em thấy mấy tranh của anh bức nào cũng đẹp. Nó cứ lấp la lấp loá. Em thích nhất bức tranh “Chiều về!”. “Khi vẽ tranh đó, anh chỉ nghĩ đến em thôi!”. Đúng vậy, Vân cứ hiện hữu trong đầu Thế Dương, nhất là khuôn mặt và đôi mắt. Anh định vẽ khuôn mặt người phụ nữ Mông trong tranh sạm nắng gió nhưng không sao làm được. Có lẽ do tình yêu của anh với vợ quá nồng nàn và nhiều lần Vân làm mẫu cho anh vẽ trong trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc thiểu số nên từ trong sâu thẳm trí tưởng tượng đã điều khiển cảm hứng sáng tác của anh, khiến anh hễ vẽ tranh nào có hình ảnh người phụ nữ là có nét của Vân. Bức tranh “Chiều về” cũng theo cái tuýp ấy. Vân như nhập vào người phụ nữ Mông địu con, đang bước từng bước xuống dốc núi, đôi tay mê mải tước từng sợi lanh, mặt ngoảnh lại áp sát vào khuôn mặt hồng lên dưới ánh chiều tà của đứa con trai địu sau lưng đang nhoài người nhìn qua vai mẹ nhoẻn miệng cười. Thế Dương phóng cọ theo cảm hứng của trái tim. Tâm huyết Thế Dương dồn vào bức tranh này.
Lời thủ thỉ của Vân như liều an thần đưa Thế Dương - người họa sĩ có gần ba mươi năm cầm cây cọ, ngoài những tranh được treo chỉ gặt hái được một số giải thưởng hàng năm của tỉnh và ba giải Khuyến khích khu vực trong nước, lần này anh quyết chí giành giải cao hơn. Họa sĩ thiếp đi trong hy vọng mơ màng.
*
Xe chở tranh và đoàn họa sĩ tham gia triển lãm đến phòng trưng bày đúng lúc Ban tổ chức đang sắp xếp vị trí treo tranh tham gia triển lãm. Họa sĩ Thế Dương cùng hai họa sĩ trong Chi hội Mỹ thuật thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh hồ hởi nâng niu từng bức tranh xuống giao cho Ban tổ chức. Năm nay triển lãm không treo tranh theo từng địa phương mà treo theo chủ đề để người xem dễ so sánh, nhận xét và đánh giá. Thế cũng tốt. Anh em cùng tỉnh không phải “chọi” nhau ngay trên tường. Bốn họa sĩ của tỉnh có tám bức tranh được treo trong triển lãm, trong đó Thế Dương có hai bức. Bước đầu như thế cũng là thành công rồi. Chắc chắn sẽ có giải…
Sau những cuộc bạn hữu gặp nhau bia rượu, chè nước hàn huyên, Thế Dương lại phấp phỏng chờ đợi từng bước đi của triển lãm trong cảm giác lâng lâng. Thời gian chờ đợi cứ rì rì trôi như trêu ngươi, thách thức sự kiên nhẫn của các họa sĩ. Cuối cùng triển lãm cũng đến hồi trao giải. Sau bài phát biểu có cánh của ông Trưởng ban tổ chức, đến mục người dẫn chương trình xướng tên tranh, tên tác giả được giải. Thế Dương như ngồi trên đống lửa. Người ta trao giải từ thấp đến cao. Giải Khuyến khích. Không có tên Thế Dương. Chờ giải C vậy! Giải C cũng không nghe thấy tên. Thế thì nhất định ở giải B rồi. Cũng chưa có tên. Trao xong B rồi. “Giời ạ! Làm người ta đến nghẹt thở mất. Đọc đi! Lại còn xen kẽ hát hò nữa chứ. Sốt cả ruột gan”. Người dẫn chương trình cứ thúc thắc đến điệu đà, sau một thôi ca ngợi các tác phẩm đoạt giải năm nay rồi mới trịnh trọng mời vị lãnh đạo cao nhất dự lễ lên trao giải A. Cả khán trường hồi hộp. Người lên trao đã đứng trên bục danh dự chờ. Người dẫn chương trình cứ thủng thẳng rót từng từ như kiểu cà phê phin, lại còn dừng lời nhìn xuống khắp lượt nữa chứ. Vỡ tim mất. “Giải A… giải cao nhất”. Ai chẳng biết đấy là giải cao nhất mà còn nhắc cho mất thì giờ. “Thuộc về… thuộc về… tác giả…”. Lại im lặng, lại nhìn. Có gì lạ nữa đâu mà nhìn xuống cơ chứ. “Nguyễn… Thế… Thế…”. Nguyễn Thế Dương, đọc luôn đi! “Nguyễn… Thế… Trung, tỉnh C.B. với tác phẩm…”. Tai Thế Dương ù đi. Đọc đến chữ “Thế”, anh muốn nhảy vọt lên, may mà kịp hãm lại. Bao dồn nén phì ra đánh ào. Tranh của hai họa sĩ cùng tỉnh còn được giải “khúc khích”. Tranh của anh chẳng được thứ hạng gì. Ban Giám khảo có nhầm không? Xem tranh của anh ai cũng bảo có hồn kia mà. Thế Dương không còn nghe thấy tiếng vỗ tay chúc mừng người đoạt giải cao nhất triển lãm, cũng không nhìn rõ người lên nhận giải. Ngơ ngác rồi sững người. Mồ hôi rịn trên trán. Anh lách ra khỏi hội trường, lững thững đến phòng treo tranh. Anh ngắm bức “Chiều về” của mình. Bức tranh anh kỳ vọng nhất là đây ư? Người phụ nữ Mông cùng đứa trẻ đang cười thông cảm với anh hay chế nhạo anh? Từ được treo tranh đến trao giải là một khoảng cách xa vời thế sao? Anh ngắm trân trân vào tranh, lúc này anh mới cảm nhận người phụ nữ trong tranh có gì đó không giống người Mông. Sự lam lũ vất vả bay đi đâu, ngay cả cái ngoảnh mặt về phía con cũng gượng gạo như người đóng thế. Thôi chết rồi! Tại mình chăm chú vào tính cách, khuôn mặt của Vân quá mức thành ra mình đã khoác lên người Vân bộ quần áo phụ nữ Mông nên người trong tranh là Vân chứ không phải phụ nữ Mông chính hiệu, vì thế tranh “Chiều về” tuy có hồn nhưng không phải hồn của người phụ nữ dân tộc Mông. Vẽ tranh, ngoài nét vẽ tạo cốt ra, đòi hỏi người họa sĩ phải biết thổi hồn vào tranh thì tranh mới sinh động. Ngay cả tranh tĩnh vật, tranh phong cảnh, tranh trừu tượng cũng phải có hồn trong cái cốt ấy. Tranh có cốt mà không có hồn thành tranh vô hồn. Đằng này vì yêu vợ quá đã tạo thành lối mòn trong tâm trí nên anh đã áp đặt cái xuân sắc của phụ nữ thành thị gắn vào người phụ nữ dân tộc Mông trong tranh. Thảo nào Vân bảo nó cứ lấp la lấp lóa. Có thể Vân không có ý chê tranh anh vẽ, nhưng bằng linh cảm hoặc trực quan của mình đã mách bảo Vân nói ra câu ấy. Sao mình không nghĩ sâu một chút. Vợ ơi là vợ! Không nói thẳng ra để chồng còn chỉnh sửa hoặc vẽ bức khác. Cứ khen bóng khen gió để chồng ra nông nỗi này đây. Lời khen vô tình giết sự sáng tạo trong tranh rồi còn gì. Tranh được chọn treo ở triển lãm đã khó, tranh được giải, được các nhà say mê mỹ thuật chơi tranh mua treo ở những nơi trang trọng còn khó hơn nhiều. Nghề chơi cũng lắm công phu. Thế Dương vẫn đứng như trời trồng trước “Chiều về”.
- Chú thích bức “Chiều về” phải không ạ?
Thế Dương giật mình quay lại:
- Không! À, tôi… tôi… thấy bức này được đấy! Giá bao nhiêu cô nhỉ?
Cô nhân viên triển lãm:
- Để cháu hỏi họa sĩ Thế Dương rồi thông báo cho chú sau nhé. Bức này tuy không đoạt giải nhưng đẹp đấy! Chỉ tiếc là bị gam màu tối chi phối hơi nhiều. Người trong tranh có nét gì đó hơi là lạ, không hẳn là phụ nữ Mông.
Là lạ cái con khỉ! Đang đắng người đây! Thế Dương hơi choáng, trố mắt nhìn cô nhân viên triển lãm. Đến cô nhân viên của Ban tổ chức triển lãm còn nhận xét tranh của mình như vậy thì tranh của mình không được giải là phải rồi. Thế Dương ơi là Thế Dương! Đã nhiều lần mang tranh đi “đấm” xứ người mà vẫn không rút ra được bài học hữu ích nào. Tự tin là cần thiết nhưng cũng không được kỳ vọng quá để phải thất vọng nhiều. Họa sĩ ngập ngừng:
- Thế này cháu nhé: Nếu ai có ý định mua bức này thì cháu cứ bán giúp tác giả. Chú sẽ mua bức khác về treo cũng được. Còn không có ai hỏi đến thì chú sẽ chủ động gặp họa sĩ điều đình giá cả.
- Tranh này phải treo ở nơi có không gian rộng mới phù hợp chú ạ!
Lại còn “trứng khôn hơn vịt” nữa cơ đấy. Thế Dương nén cục tức trong họng:
- Tôi cũng nghĩ thế. Vị trí treo phải tuỳ theo từng tranh. Tôi có anh bạn là họa sĩ rất giỏi sắp đặt sẽ giúp. Còn bây giờ cô để tôi yên tĩnh ngắm tranh! Cô đi làm việc của cô đi!
Cô nhân viên triển lãm đi rồi, Thế Dương buồn bã ra khỏi phòng trưng bày. Điện thoại đổ chuông. Ai mà gọi giữa lúc đang nẫu ruột thế này không biết?
- A lô! Ai đấy? Em à! Anh có kịp nhìn màn hình điện thoại đâu. Công bố giải rồi, anh chẳng được gì cả. Tranh “Chiều về” tuy được treo giữa gian về đề tài nông thôn nhưng cũng không có giải. Nhiều tranh giá trị hơn tranh của anh còn không được giải ấy chứ! “Ở nhà nhất mẹ nhì con…”. Anh vẽ em khen, anh phổng mũi lên thỏa mãn, ra thiên hạ mới biết mình chẳng thấm vào đâu. Cũng chưa thấy ai đặt mua bức nào của anh. Cảm ơn em! Mai anh về!
Nói chuyện được với vợ, Thế Dương như trút bớt được nặng nề đeo bám. Anh quay vào phòng trưng bày ngắm thật kỹ bức “Chiều về”. Đúng ra anh không nên gửi tranh này tham gia triển lãm mà mang tranh khác có lẽ kết quả khả quan hơn. Anh quá tin tưởng vào bức vẽ này chỉ vì anh thiển cận cho rằng với dáng hình, khuôn mặt của Vân trong tranh sẽ mang lại cho anh thành công. Anh không nghĩ rằng mình không thể lấy sự chủ quan của mình để áp đặt cho cách nhìn nhận thẩm mỹ của người khác. Nghệ thuật không có chỗ cho những sáng tạo vay mượn, thiếu chân thực. Anh mang tranh về! Ai mua cũng không thể bán “Chiều về” được. Bán nó là anh bán tình yêu của anh với Vân cho người khác. Người trong tranh là Vân của anh đã hóa thân thành cô thôn nữ miền sơn cước đang địu thằng con trai anh đi trong ánh hoàng hôn bảng lảng xuống núi. “Chiều về” anh sẽ treo ở phòng khách để ngày ngày anh và Vân luôn cảm nhận được tình yêu của hai người dành cho nhau.