Gió hun hút, lạnh đến thấu xương. Góc hiên căn nhà cuối hẻm, một già, một trẻ con ôm chặt lấy nhau trong chiếc mền bông màu cháo lòng chống chọi với giá rét. Dưới lòng đường, thỉnh thoảng một chiếc xe ô tô vụt qua, thoảng lại một làn khói xăng âm ấm rồi không khí như đông cứng lại. Mỗi lần như thế, thằng bé gần năm tuổi thò đầu, ngoái cổ, dướn mắt nhìn theo. Thất vọng, nó lại chúi vào nách ông già thút thít. Ông đưa bàn tay nhăn nheo, khô ráp xoa xoa lên lưng nó, vỗ về. Nó vẫn tức tưởi. Có lẽ nó khóc đã hết nước mắt, đã hết cả âm thanh trong họng nên chỉ còn tiếng i ỉ và tiếng nấc đều đều. Càng khuya, ông trời như thả thêm cái buốt giá xuống trần gian để thử thách sự chịu đựng của con người. Trong những ngôi nhà cao, rộng có đủ tiện nghi thì ông trời chịu thua là đương nhiên, nhưng với những người không nhà cửa như hai ông cháu này thì là một sự thử sức quá tàn nhẫn. Thằng bé còn có quần áo ấm, mũ len, giày tất; còn ông, mặc ngoài chiếc áo sơ mi mỏng tang là chiếc áo bông màu cỏ úa của bộ đội đã cũ lắm rồi, nhàu bẩn, nhiều chỗ lòi cả bông ra ngoài, cái quần ka-ki không rõ màu gì tuột đường may đến khuỷu chân, đầu không mũ ấm, chân không tất, xỏ đôi dép kiểu tổ ong màu đùng đục đã sứt quai chằng buộc bằng dây ni lông, lập cập ôm chặt lấy đứa bé, đờ đẫn nhìn vào khoảng không vô định mờ ảo sương buông. Không hiểu ông đang nghĩ gì mà từ hai mắt hoắm sâu do tuổi tác và khổ ải, những giọt nước nóng hổi lăn xuống mái đầu thơ ngây của thằng bé. Khóc chán, thằng bé dựa vào người ông khò khè ngủ, chốc chốc cổ họng nó lại có tiếng hấc nhẹ. Ông làm chỗ tựa cho nó, cái tường giá lạnh làm chỗ tựa cho ông. Tự dưng, thằng bé cười sằng sặc. Nó mơ giấc mơ vui khi đang bị dập vùi. Ông thiêm thiếp trong trĩu nặng của cuộc đời vần vũ. Từ ngày ông lấy vỉa hè làm giường, nguồn sống trông vào sự bố thí của những người rộng lòng trong thiên hạ, ông chưa có một ngày vui. Ngay đến giấc ngủ hằng đêm cũng chập chờn trong mộng mị, lo sợ một đêm nào đó ông từ giã cõi đời không ai biết, không có người thân bên cạnh để trăng trối vài lời và lo ma chay thì niềm vui đâu thừa thãi để dành cho ông. Đến thằng con, ông là người đẻ ra nó, nuôi nấng nó lớn khôn mà nó còn không thương xót ông thì nói gì đến người dưng. Ông tự trách mình không biết dạy con hoặc do trước kia mải mê kiếm ăn, làm những việc gì đó động chạm với đạo trời mà ông không rõ nên bị trời đày đọa. Ban ngày, ông lo lắng không xin được miếng ăn. Ban đêm, ông sợ hãi nỗi cô quạnh luôn giằng xé trong trái tim cằn cỗi đã trải qua bao niềm vui, nỗi buồn khi thư thả, lúc dồn dập, để cho cơ thể ông tồn tại hơn bảy mươi năm qua…
*
Hai vợ chồng ông bươn chải bằng nhiều công việc cực nhọc, đầy cay đắng và hiểm nguy để kiếm tiền. Ông đã từng tham gia vào đội quân lâm tặc, đào đãi vàng trái phép. Vợ ông thì vận chuyển, buôn bán hàng lậu qua biên giới. Khi các cơ quan hữu trách siết chặt quản lý tài nguyên, quản lý thị trường đồng thời tuổi tác và cực nhọc đã vắt nhanh sức lực của hai người, vợ chồng ông không đủ sức để làm những việc biết là sai trái, nhưng hầu bao lại luôn rủng rỉnh được nữa, ông bà chuyển sang buôn bán rau, củ, quả theo kiểu “mua tận gốc, bán tận ngọn” nên thu nhập cũng khá hơn những người mua đầu chợ, bán cuối chợ. Bán mảnh đất nằm sâu trong vẹt đồi, cộng với số tiền chắt chiu, cóp nhặt mấy chục năm, ông mua được đất ở mặt phố, làm được nhà cao cửa rộng. Một ngôi nhà hai tầng trên thổ đất hơn chín mươi mét vuông mọc lên ở con phố tuy là đường nhánh nhưng cũng khá sầm uất. Những mong được sống trong ngôi nhà mơ ước từ rất lâu của mình cùng con cháu đã thành sự thật. Ông toại nguyện lắm. Hai đứa con đã trưởng thành, ông dựng vợ gả chồng cho chúng. Cuộc đời như thế coi là đã hoàn thành bổn phận làm cha của mình. Đứa con gái theo chồng vào Tây Nguyên làm ăn, nghe nó nói cũng khấm khá. Hai vợ chồng thằng con trai đều đang làm việc trong cơ quan nhà nước, lương bổng cũng đủ cho gia đình chi tiêu thời buổi “con gà tức nhau tiếng gáy”, hiện đang ở với vợ chồng ông. Không ai học được chữ ngờ! Khi ông còn khỏe mạnh, ngày ngày chạy cái xe máy Cúp 50 cà tàng chở rau, củ, quả cho bà vợ bán ở chợ cũng kiếm đủ cho hai người già sinh sống, hàng tuần còn mua cho cháu dây sữa, gói bánh góp vào niềm vui chung của cả nhà. Gia đình sáu miệng ăn luôn có tiếng cười của người lớn, tiếng nô đùa của trẻ nhỏ. Một ngôi nhà ba thế hệ chung sống, đầm ấm, yêu thương nhau đang hiện hữu. Chẳng gì, đây cũng là điều mong muốn của nhiều gia đình cùng trang, cùng lứa với ông ở cái thành phố miền núi nhỏ bé này.
Cuộc sống tưởng rằng cứ thế trôi đi đến cuối đời. Ai dè, cuộc đời con người đâu phải lúc nào cũng thuận chèo mát mái! Bể khổ trần gian vẫn luôn rình rập để hành hạ. Vợ ông bị bạo bệnh qua đời. Ông đau buồn lại thêm cái bệnh thoái hóa cột sống làm cho sức khỏe lụi tàn nhanh chóng. Ông không làm được những việc trước nay vẫn thường gánh vác. Vợ mất, ông cũng chẳng còn công việc giúp vợ chao chát kiếm thêm tiền góp vào ngân sách cỏn con của gia đình. Mọi chi tiêu đều trông vào thu nhập của hai vợ chồng thằng con trai. Thế là có chuyện. Cái gì dính đến chuyện tiền nong đều có kết cục rất nghịch. Tiền luôn đi kèm với sự bạc bẽo, nó như một căn bệnh đã bị phơi nhiễm, mỗi ngày một phát triển như khối ung nhọt mưng lên chờ ngày vỡ. Ngày nào, không chồng thì vợ thằng con quý tử của ông cũng viện ra cái cớ để nói bóng gió. Có lúc, vợ nó rỉa rói con nó là đồ ăn hại. Hai đứa còn nhỏ, đứa học lớp hai, đứa học mẫu giáo, cái tuổi chỉ có ăn, học và chơi. Nó có ý chửi ông. Nhiều lần, ông đi thăm bạn bè, mải chuyện về nhà muộn một chút là chúng nó bảo tưởng ông ăn cơm nhà bạn nên không nấu cơm ông. Ông úp bát mì ăn liền cho qua bữa. Sợi mì mềm thế mà khi đưa vào miệng nó như cọng rơm, tắc nghẽn nơi cổ họng. Không khóc mà nước mắt tự nhiên ứa ra. Những lúc như thế, ông lặng lẽ lên gian thờ, châm hương, lẩm nhẩm nói với di ảnh người vợ quá cố về nỗi khổ của mình rồi về phòng nằm trong nỗi buồn tủi cô quạnh. Có hôm, ông lang thang ra phố lấy cảnh ầm ào phố xá để nguôi đi sự trống vắng, bứt rứt trong tấm thân già nua của mình. Âm thầm chịu đựng, âm thầm sống như một cái bóng dật dờ giữa những lời móc máy của vợ chồng thằng con trai đang trả hiếu cho người sinh thành ra nó. Mỗi ngày, cơ thể ông như bị hút đi một phần nhựa sống. Ông quắt quéo như cái cây khô run rẩy giữa mùa đông, tháng giá.
Thời gian như trêu ngươi ông, nó cứ tích tắc nghe càng sốt ruột. Ngày nào ông cũng muốn đêm mau sập xuống để ông yên thân lên phòng mình nằm để mà nhớ về những năm tháng đã qua không bị những lời xỉa xói làm xáo trộn. Một sáng, trước khi đi làm, con dâu ông nói như ra lệnh: “Hôm nay ông ở nhà trông thằng bé, nó bị sốt, đi ngoài, không đi mẫu giáo được. Dỗ cho nó ăn cháo, uống thuốc, tôi đã sắp sẵn đây rồi!”. Hai ông cháu đang bày đồ chơi trên giường trong phòng ông thì nó tè tướt ra quần áo, chăn, đệm... Ông rửa ráy, thay quần áo cho cháu rồi quấn tất cả cho vào máy giặt. Bật các nút trên máy. Cái máy quay ù ù mấy vòng rồi kình kịch, đột ngột dừng lại. Ông xoay xở tìm nguyên nhân nhưng đành chịu. Trưa về, thấy thế, con dâu ông tru tréo: “Ông phá hoại cái nhà này chưa đủ hay sao mà còn làm cháy máy giặt! Người đâu mà ngu thế không biết? Cái máy có sáu ký rưỡi, ông ném đầy vỏ chăn, vỏ gối, ga, quần áo... quá tải thì nó chạy làm sao được. Giời ạ! Không biết cái nhà này còn nuôi báo cô đến bao giờ nữa đây? Giá như không có ông có lẽ chúng tôi đỡ khổ hơn nhiều!”. Ông như kẻ chết đứng. Trân trân nhìn, trân trân nghe, trân trân uất ức. Ngôi nhà này không phải của ông nữa rồi. Mấy năm trước, nghe thằng con xui khiến, ông bùi tai làm thủ tục chuyển tên quyền sử dụng đất và sở hữu nhà cho vợ chồng nó. Ông nghĩ, vợ chồng mình già chẳng biết ông giời bắt đi lúc nào, thôi thì sang tên cho con trai mình cũng là lẽ đương nhiên, trước sau thì cũng là của nó. Lọt sàng xuống nia đi đâu mà mất... Tiếng con dâu ông vẫn chì chiết: “Không thể sống chung với hạng người chỉ ăn bám và phá hoại thế này được. Hoặc là chúng tôi đi hoặc là ông đi. Mà sao chúng tôi lại phải đi nhỉ? Nhà mang tên chúng tôi kia mà...”. Ông không nói một lời, run rẩy, nặng nề nhấc từng bước chân lên cầu thang, vào phòng mình thu dọn.
*
Hai ông cháu dắt nhau men theo hè phố tìm đến hàng bánh mì. Còn mấy nghìn đồng chiều qua một phụ nữ cho chưa tiêu, ông mua chiếc bánh, bẻ đôi đưa cho đứa bé một nửa: “Ăn đi cho đỡ đói cháu! Ông sẽ đưa về nhà với mẹ. Sắp đến nhà rồi!”. Ông nói thế cho thằng bé ăn chứ ông có biết nhà nó ở đâu. Tối qua, trên đường về chỗ ngủ, ông thấy thằng bé nhớn nhác vừa chạy dọc đường phố vun vút xe cộ qua lại, vừa gào khóc gọi mẹ, gọi bố. Ông hỏi nó nhà ở đâu ông đưa về, thằng bé lắc đầu. Có lẽ, thằng bé con nhà khá giả, quen được chiều chuộng, đi đâu đều được người nhà đưa đi bằng ô tô hoặc xe máy nên không định dạng được nhà nó ở chỗ nào. Ông đành đưa nó về “dinh cơ” của mình.
Đứng nép vào mái vẩy một căn nhà mặt phố, hai ông cháu rứt từng miếng bánh mỳ khô khốc. Ông đưa cho thằng bé chai nước để nó chế vào miệng cho dễ nuốt. Thằng bé vừa đưa chai nước lên miệng chưa kịp uống thì một chiếc xe hơi màu xám đỗ xịch dưới lòng đường. Một người đàn ông dáng vẻ bệ vệ bước xuống, nắm tay thằng bé lôi lên xe. Ông ngơ ngác chưa kịp hiểu xảy ra chuyện gì thì người có chiếc xe màu xám nắm lấy cổ áo ông dúi xuống hè đường, miệng chửi: “Mẹ mày! Mày bắt cóc con tao, làm chúng tao đi tìm nó suốt đêm qua”. Miệng chửi, tay anh ta thụi vào lưng, vào ngực ông túi bụi. Ông rũ xuống như tàu lá héo, miếng bánh mỳ trong miệng văng ra. Thằng bé mở cửa xe, chạy đến nắm lấy quần anh ta kéo, miệng kêu thét lên: “Bố! Bố không được đánh ông...!”. Anh ta dừng tay, lấy điện thoại gọi cảnh sát. Mấy phút sau, chiếc xe cảnh sát hú còi chạy đến đưa ông lên xe, yêu cầu hai bố con anh ta cùng về cơ quan công an giải quyết.
Chụp cái mũ lá cọ te tướp lên đầu, ông tập tễnh ra khỏi đồn cảnh sát. Những vết bầm tím trên thân hình gầy gò của ông càng nhức nhối khi cái đói, cái khát nó như con rết đang cắn rứt trong bụng. Mệt mỏi, ông đến chiếc ghế đá dưới gốc cây long não ngồi nghỉ, không quên đặt ngửa cái mũ cọ dưới chân và ngửa bàn tay gầy khô của mình mong có chút tình thương của đồng loại qua lại. Đột nhiên, mắt ông tối sầm, đầu nghẹo xuống, thở khó nhọc, người run bần bật... Một chiếc xe máy dừng trước mặt. Người phụ nữ bước đến. Đôi tay mềm mại đặt lên trán ông. Chị hốt hoảng, lục túi xách lấy lọ dầu gió thoa lên trán, cổ, lòng bàn tay ông. Ông lờ đờ cảm nhận mùi thơm hắc nóng của tinh dầu, dìu dịu của nước hoa, hơi ấm từ bàn tay thon thả của người phụ nữ mặc đồ trắng, tóc búi cao như nàng tiên trong truyện cổ tích đã cho ông liều thuốc của tiên giới, giúp ông dần lấy lại được thăng bằng. Trong mơ hồ, ông cảm thấy người đang thoa dầu cho ông là người vợ yêu thương của ông. Ông chới với định nắm tay, nhưng đôi tay nặng như đeo chì không nhấc lên nổi. Người phụ nữ cởi chiếc áo len trắng mặc ngoài, khoác lên người ông, đặt lên tay ông túi ni lông có nắm xôi lạc cùng chả nướng đựng trong đó, nhét vào túi áo ông lọ dầu rồi lên xe đi…
*
Tối tối, ông ôm chiếc áo len nồng nàn hương thơm nước hoa, nồng nàn hơi ấm tình người để ngủ. Chiếc áo như có phép thần làm cho ông bớt đi nỗi lo sợ. Ông thấy ấm hơn, dễ ngủ hơn. Từ ngày ông rời nhà đi hành khất, chưa đêm nào ông được ngủ một giấc trọn vẹn, cứ nhắm mắt lại là bao chuyện về quá khứ, về ngày mai ùa đến, có thật và không có thật xen lẫn. Những giấc ngủ như thế đưa ông trở về với những ngày bình yên bên vợ con, ông ú ớ gọi tên từng người. Ông thấy mình được ngồi trong chiếc xe ô tô màu trắng cùng bà ấy, ngồi giữa hai ông bà là hai đứa cháu nội, con dâu ngồi ghế trước, bên cạnh anh chồng đang cầm lái. Vi vu xe lượn qua các phố. Đời đang bay bổng. Bỗng chiếc xe húc vào khung cửa ngôi nhà của ông, xe lật nghiêng, tường đổ sập xuống... Ông hét lên, choàng dậy, ngơ ngác nhìn quanh... Ánh nắng ban mai thừa thãi tràn khắp mọi nơi. Một ngày nữa đang đến. Lòng đường, những chiếc xe đủ kiểu, đủ màu đang trôi theo dòng chảy của cuộc sống. Chậm chạp, ông cuộn chiếc áo len nhét vào cái túi xách nhăn nhúm lúc nào cũng đeo bên mình. Cái áo sang trọng quá, ông không dám mặc, nếu ông khoác nó vào cái thân hình nhom nhem của mình thì “sự nghiệp” của ông sụp đổ, ai cho cái ăn. Ông muốn giữ lấy sự vẹn nguyên của nó như một niềm an ủi, một kỷ niệm đẹp. Biết đâu, “quả đất tròn”, một ngày nào đó ông gặp lại ân nhân của mình để nói lời cảm ơn và trả lại chiếc áo cùng lọ dầu gió được ông bọc bằng hai lần túi ni lông nhét sâu trong túi. Ông giữ nó như một báu vật. Những lúc sổ mũi, nhức đầu ông không dám xoa mà chỉ mở nút hít lấy cái mùi nồng ấm và thơm hắc của nó rồi vội nắp chặt lại sợ nó bốc hơi nhanh hết. Ông gấp cái mền chăn, lấy tấm vải nhựa làm chiếu ngủ hàng đêm, gói lại, nhét vào khe tường giữa hai nhà, chống cây gậy “cái bang”, lập cập đi tìm nguồn sống cho một ngày mới.
Ông lân la đến sát quán ăn sáng. Người ra vào tấp nập, hỉ hả, hít hà những bát phở nóng hổi thơm ngậy. Ông nuốt nước miếng, ao ước được bát phở nóng để mà xuýt xoa. Nhìn người ta ăn uống sụp soạt, cái yết hầu nhăn nheo trồi ra, thụt vào như chính ông đang nuốt những sợi phở trắng mềm xuống cái dạ dày lép kẹp cồn cào đòi có cái để mà co bóp. Đang tận hưởng hương vị ngào ngạt quẩn quanh lan tỏa trong không gian hẹp của quán phở sáng, một bàn tay rắn chắc bập vào vai ông: “Này lão già, có tiền thì vào ăn, không có thì đi chỗ khác, không được đứng đây, ám chỗ người ta bán hàng!”. Miệng nói, bàn tay thô ráp đẩy ông ra hè phố. Chiếc gậy tuột khỏi tay, ông “ngã” lăn xuống nền hè lát gạch phát ra tiếng cành cạch. Tiếng giãy giụa của sự đói khát. Cúi nhặt cây gậy, ông chúi người xuống cái rãnh đang lừ đừ dẫn nước rửa bát, đĩa... chảy ra miệng cống. Lồm cồm bò dậy, ông lại cập cạch chống gậy lết đi. Trong kia, tiếng cười nói ầm ĩ vẫn ném vào khoảng không vô tư hòa vào sự sôi động của một ngày đang chờ đợi những lo toan, tính toán của người đời.
Đói đến mờ mắt. Ông run rẩy bám vào cái gậy để bước. Xoảng...! Chiếc xe máy Spacy màu trắng đổ nghiêng, người phụ nữ ngã sấp xuống nền đường. Chiếc xe SH màu đen vút qua, vứt lại tiếng cười thích chí của hai thanh niên choai choai không đội mũ bảo hiểm, tóc xanh đỏ. Như có phép lạ, cái đói, cái mệt biến đâu mất, ông buông cây gậy, đến bên người bị nạn đỡ người phụ nữ ngồi dậy. Người hiếu kỳ vây quanh đứng nhìn ông già ăn xin đang giúp người phụ nữ dáng vẻ đài các bị ngã xe máy. Ông hỏi trong hơi thở: “Chị có sao không?”. Ông lấy lọ dầu gió bảo chị đau chỗ nào xoa tạm cho đỡ sưng tấy. Người phụ nữ đón lọ dầu từ tay ông, ngạc nhiên nhận ra ông chính là người bị cảm trên ghế đá hôm nào. Chị lướt mắt nhìn những người xúm quanh. Họ vẫn thản nhiên như xem hát. Thấy áo chị bê bết bụi đất, ông lôi trong túi của mình chiếc áo len màu trắng khoác lên người chị, đỡ chị đứng dậy. Đám đông giải tán dần. Ông định dựng chiếc xe lên nhưng không nổi. Ông nhìn quanh tìm người giúp. Họ đi hết cả rồi! Hai người, một già lẻo khoẻo, một phụ nữ tập tễnh chân đau, cố sức cũng lôi được cái xe dựng lên. Người phụ nữ nhỏ nhẹ: “Cảm ơn bác! Bác chưa ăn gì, đúng không? Cháu mời bác ăn sáng”. “Chị đang đau, về nhà thay quần áo, kiểm tra xem có bị thương chỗ nào không!”. “Không sao đâu, bác ngồi lên xe cháu chở bác đi!”. Cái bụng lúc này trở lại cái tật cố hữu của nó, ông ngần ngại, loay hoay trèo lên xe. Mùi thơm dịu dịu tỏa ra từ người phụ nữ này ông đã thấy ở đâu. Ông khịt khịt mũi để kiểm định lại. Đúng rồi! Mùi thơm từ cái áo len khoác trên người phụ nữ. Nhưng chiếc áo ông đã đắp nó để ngủ làm gì còn thơm đến bây giờ? Mùi thơm này đậm đặc hơn, rõ ràng hơn. Mùi thơm từ bên trong con người nhân hậu này khiến ông băn khoăn. Xe chầm chậm trở lại quán phở sớm nay ông vừa bị xua đuổi. Thực khách lúc này đã vãn. Người phụ nữ gọi hai bát phở gà. Nhìn ông ăn soàn soạt, lòng chị se lại. Gia đình, con cháu ông đâu mà để ông khổ thế này. Nhìn cách ông ăn, có lẽ ông này trước đây đã từng trải qua nhiều vất vả nhưng bị ngang trái hắt ra đường. Một sự ngẫu nhiên có vay, có trả. Mình đã giúp ông thoát khỏi cảm lạnh, ông lại giúp mình khi bị ngã xe. Một sự sắp đặt của cuộc sống chăng? Người phụ nữ đẩy bát phở thứ hai về phía ông: “Bác ăn cho no đi. Cháu ăn sáng rồi”. Ông lưỡng lự rồi cúi xuống ăn tiếp. Ăn xong, ông già nhìn chị phấn chấn: “Hình như tôi gặp chị ở đâu rồi thì phải?”. “Hôm ấy, bác bị cảm...”. “Ông kêu lên sung sướng: “Tôi nhớ ra rồi, chị đã cứu tôi. Thảo nào ngửi thấy mùi nước hoa, tôi cứ ngờ ngợ đã thấy ở đâu. Thì ra là chị!”. Câu nói của ông khiến người phụ nữ đỏ mặt. Chị ngập ngừng: “Bác về nhà cháu tắm rửa, bỏ bộ quần áo này đi, cháu đưa cho bác quần áo khác”. “Không được đâu! Chị bỏ quá cho! Tôi mặc quần áo sạch đẹp thì biết sống thế nào? Nhà cửa bị chiếm, công ăn việc làm không có, chẳng ai thừa cơm nuôi cái ngữ ăm bám như tôi. Chẳng ai còn tin tôi là thằng ăn mày để mà thương hại nữa!”. Trời ơi, sao lại oái oăm thế không biết? Vì kế sinh nhai mà không dám mặc quần áo lành lặn, sạch sẽ. Thảo nào, chiếc áo chị khoác cho ông hôm ấy, ông không dám mặc vì lẽ ấy hay còn vì lý do nào khác? Người phụ nữ kiên trì, từ tốn thuyết phục: “Bác cứ về nhà cháu, biết đâu chồng cháu có thể giúp được bác việc gì đó cũng nên”.
Nghe lời người phụ nữ, ông lên xe theo về nhà chị. Nghe tiếng còi xe, hai cánh cổng sắt xòe rộng, một thằng bé từ trong ngôi biệt thự chạy ra, níu tay người phụ nữ, reo lên: “A...! Mẹ về! Hôm nay mẹ về sớm thế?”. Nhìn thấy ông, nó buông tay mẹ, hớn hở chạy lại, nắm lấy tay ông: “Ông! Ông vào nhà cháu đi!”. “Cháu có ngoan không đấy?”. Sửng sốt, người phụ nữ hỏi thằng bé: “Con biết ông à?”. “Vâng! Ông đã cho con ngủ đêm với ông ở hè phố, hôm con bị lạc...”. “Ra thế! Mẹ con cháu có duyên với ông nên được ông giúp đỡ”. Ông lúng túng: “Tôi phải cảm ơn chị trước! Những việc như thế ai thấy… cũng làm như tôi thôi. Nhắc lại làm gì!”. Có tiếng còi ô tô ngoài cổng. Ông nhìn ra, vội vã: “Biết nhà chị rồi, tôi phải đi đây!”. Người phụ nữ và thằng bé ngẩn người, không kịp phản ứng, ông cúi mặt, bước vội ra cổng. Chiếc xe ô tô màu xám đang lừ lừ chạy vào. Thằng bé chạy theo, nắm tay ông kéo lại: “Ông đừng đi!”…