Đi qua bãi phân ngựa một chút, ở lưng chừng dốc, chúng tôi gặp một tốp người, mặc đẹp như đi hội, gái nhất loạt váy áo hoa, khăn thổ cẩm đội đầu, trai nhất loạt phạ xà lửng màu đen láng bóng. Con gái và trẻ con đeo đồ bạc đầy cổ, đầy tay, bước đi kêu rinh reng. Mặt người nào cũng tưng bừng vì men rượu. Chăn Thi bảo chúng ta gặp lễ đón dâu. Tục lệ người Lào Sủng, lễ đón dâu đi đến nửa đường thì bày cỗ, cho làng bản và người lạ qua đường ăn uống và hát hò chia vui. Chúng tôi bỗng trở thành khách quý. Khách quý được chúc nhiều rượu. Ông Nguyễn vui, cũng quên cả bệnh dạ dày, uống nửa bát, cười nói tưng bừng như một buổi bun phạ vệt của dân bản. Sau tiệc rượu giữa đường, chúng tôi theo đoàn đón dâu về tận bản. Không biết Chăn Thi nói gì đó mà ông nai bản đến trước mặt ông Nguyễn chắp tay cung kính:
- Đa tạ tha hán Việt cứu mạng.
Ông Nguyễn ngớ người:
- Tôi có cứu mạng ai ở bản này đâu?
Ông nai bản bảo:
- Có đấy, ngày xưa tôi theo phỉ Vàng Pao đóng trên đỉnh núi đá sau bản, bộ đội của ông bắt được, ông tha.
Ông Nguyễn nắm tay nai bản, lắc lắc, nói:
- À à…
Chả biết ông Nguyễn có nhận ra nai bản không, nhưng trận đánh chốt phỉ trên đỉnh núi đá phía sau bản Hợp thì ông nhớ, tôi cũng nhớ.
Ngày ấy, đầu mùa khô, Vàng Pao dùng trực thăng đổ quân nhảy cóc chiếm các đỉnh cao, và lùng sục trong rừng cản trở ta trên các con đường thâm nhập sâu vào Cánh Đồng Chum. Lính phỉ rất giỏi luồn rừng. Nhiều khi lính trinh sát gặp phỉ, vừa bắn một loạt đạn, phỉ đã mất biến. Ta tung quân truy lùng, nếu không khéo, bị phỉ đánh úp. Những cái chốt trên đỉnh núi của lính Vàng Pao gây không ít khó khăn cho các đơn vị chuẩn bị chiến dịch. Trung đoàn ông Nguyễn được chỉ thị phải nhổ một trong những cái chốt phỉ đóng trên đỉnh đá nhọn như cái gai này. Trực thăng cẩu lính phỉ lên đó, đem theo cả khẩu cối 80 ly và tiếp nước hằng ngày. Phía dưới, mấy con đường hướng Tây Bắc vào Cánh Đồng Chum đều phải men chân núi đá này. Ở trên thỉnh thoảng nó thả xuống vài quả cối là quân ta rách việc.
Một buổi chiều, ông Nguyễn chỉ lên đỉnh núi hỏi ông Ngum:
- Giao cho đại đội của cậu nhổ cái chốt phỉ trên đỉnh núi đá, làm được không?
Ông Ngum bảo:
- Xin anh cho em đi trinh sát rồi mới biết đánh thế nào. - Nói xong, ông Ngum cắp súng đứng dậy.
Ông Nguyễn cản ông Ngum lại:
- Đợi tớ đi cùng.
- Anh không tin em hay sao mà phải ốp lưng?
- Trận này tớ muốn đánh với cậu.
Ông Ngum và ông Nguyễn đi trinh sát. Tôi chạy theo, nhưng đến chân núi thì bị đẩy lại: “Cậu đừng làm vướng chân bọn tớ”. Tôi đành ngồi chờ đến gần sáng thì thấy hai ông và tổ trinh sát leo trèo trên đá về, người nào quần áo cũng tơi tả, chân tay sứt sát, máu me be bét.
Ông Ngum lắc đầu:
- Khó gặm thủ trưởng ạ!
Ông Nguyễn bảo:
- Chẳng lẽ lại chịu thua bọn phỉ.
Trong đêm ông Nguyễn và ông Ngum ngồi đối diện qua ngọn nến làm bằng nhựa thông. Tôi móc trong túi mìn clây-mo một hộp ruốc mặn ăn dở nói: “Các anh nhấm nháp cho đỡ buồn ngủ”. Ông Ngum nhón từng nhón ruốc mặn, bỏ lên miệng ngậm cho tan, còn ông Nguyễn thì ngồi im lìm, trán nhíu lại. Ông đặt viên đá hình tam giác vuông dựng ngược, xoay xoay. Cạnh huyền của nó có đường độc đạo trên đá tai mèo, địch gài mìn, trạm gác và bẫy đá. Sợ nhất là bẫy đá treo trên cao, chỉ cần rút cái lẫy là cả con đê đá lăn xuống, đến chuột phía dưới cũng bị nghiền nát. Vậy lên đỉnh núi đá bằng đường nào?
Ông Nguyễn xoay viên đá, bảo ông Ngum:
- Hay là cậu thử tìm cách leo vách dựng xem sao.
Ông Ngum leo lên lại tụt xuống vì vách dựng lên gần đỉnh lại thắt eo. Lại mất thêm một ngày tìm cách lên đỉnh núi. Quả là tiền nhân nói chẳng sai, nếu quyết đi thì thế nào cũng có đường. Con đường ông Nguyễn tìm ra là những cây xuyên đá mọc cheo leo vách núi, nó vẫn ở đấy, sao bây giờ ông mới nghĩ đến.
Ông Ngum hì hục trèo lên đu vào gốc cây mọc trên vách đá, đung đưa mà cây chỉ rung rinh. “Thế thì chết với bố mày rồi” - Ông Ngum nói với mấy chiến sĩ đi cùng.
Kế hoạch đánh úp cái chốt phỉ trên đỉnh được bàn thảo. Không cần đông, cần tinh binh. Ông Nguyễn bảo ông Ngum: “Cứ cho anh em trèo thử tập làm quen với vách dựng. Tay nào trèo lên cao mà ướt đũng quần, cậu cứ gạt lại”. Cuối cùng, ông Ngum chọn mười người to khỏe, không sợ độ cao, trang bị một cơ số đạn, vài quả thủ pháo trèo lên vách đá. Lúc xuất quân, ông Nguyễn bẻ mấy đoạn cây, đưa cho từng người, bảo: “Cắn chặt hai hàm răng vào đoạn cây để cậu nào lỡ ho cũng không bật thành tiếng”.
Anh em ngậm đoạn cây ngang miệng, leo vách như tắc kè bám đá. Đêm dày sương. Tối như bưng. Ông Ngum giắt mảnh lân tinh vào cạp quần, dẫn mười anh em leo núi. Leo đến đoạn vách thắt eo, bộ đội quăng dây buộc vào gốc cây xuyên đá làm cái thang treo, kéo tay nhau lên tiếp. Mười hai người làm bốn cái thang dây. Ba thang dây giúp chín người vượt qua eo thắt. Nhưng thang dây thứ tư sinh chuyện. Một người vừa bám vào thang dây, đu người lên một đoạn, hai sợi dây rừng làm thang bỗng chùng xuống. Gốc cây xuyên đá buộc thang phía trên đầu không chịu được sức nặng của sợi dây thang, bật ra khỏi hốc đá, chỉ còn được giữ lại bởi sợi rễ. Nghe đánh soạt một tiếng, người đang bám thang dây bên cạnh tụt hẳn xuống một đoạn, chới với, ông Ngum vội xoay người, tóm được cánh tay người đó.
Cậu ta bảo:
- Bỏ em ra, kẻo chết cả nút bây giờ.
Ngum không bỏ, cánh tay còn lại vội túm lấy hai sợi dây thang của tốp bên cạnh để thế thủ.
Cậu ta đang chới với bảo:
- Cứ bỏ em ra, em tụt nhanh, lỡ có đứt dây thì cũng chỉ một mình em bị…
Tình thế có cưỡng lại cũng không được. Ngum buông tay. Người lính vội tụt dây xuống phía dưới. Nhưng anh tụt nhanh mấy cũng không kịp rễ cây xuyên đá bật khỏi vách, rơi xuống, nghe đánh choác...
Ông Ngum dẫn ba tổ gồm chín người còn lại leo lên đỉnh, sắp lọt vào gần chốt địch thì bị lộ vì tiếng chó sủa. Bọn này láu thật, giao việc gác sách cho chó. Cũng có những trận đánh chốt, anh em chưa phá cửa mở đã tạm dừng vì tiếng chó sủa và đại liên bắn loạn lên, đành phải dừng lại. Lạ là dừng lại, lui ra, chó im, nhưng đại liên thì vẫn nổ lúc loạt ngắn, khi loạt dài, có khi đường đạn bay lên trời. Bọn này điên hay sao mà bắn loạn lên thế? Ta trinh sát lại, mới bật ngửa, trên chốt không có thằng phỉ nào, chỉ có con chó xích chân, còn cổ thì có sợi dây buộc vào cò súng. Thấy động, chó nhảy lên sủa, đồng thời kéo căng sợi dây siết cò, thế là đại liên nổ từng loạt. Ở đây, ngay từ khi có tiếng chó sủa thì đại liên trên chốt bắn loạn xạ. Ông Ngum nằm quan sát, thấy nghi nghi, sao địch chỉ bắn về một hướng con đường đá dốc thoải, chứ không bắn về hướng vách dựng, nơi tổ chiến đấu của Ngum vừa từ đó nhô lên.
Ông Ngum bò đến gần, móc bộc phá cầm tay, hô một câu: “Phạ bưn” (Bỏ súng xuống). Ngay sau tiếng hô bỏ súng xuống, tiếng đạn đang nổ choang choác im bặt. Ông hô bộ đội đừng bắn, để bắt sống. Chín chiến sĩ nhất loạt giương lưỡi lê, nhảy vào chốt bỗng nhận ra, trong chốt, địch đã chạy hết. Ổ đại liên trong công sự chỉ có hai thằng phỉ bị xích chân vào chân súng bằng xích sắt. Phỉ Vàng Pao vẫn hay dùng trò cũ rích này, xích chân bọn nhát gan, bọn bị kỷ luật vào chân súng máy, để có đánh nhau thì bắt phải bắn súng chết thôi. Thay vì trói tù binh, anh em phá khóa cho bọn chúng. Nai bản Hợp chúng tôi gặp lại hôm ấy là một trong hai lính phỉ được ta giải cứu trên đỉnh núi đá.
Ấn tượng của tôi về trận đánh phỉ trên đỉnh núi đá lại là hàng cây xuyên đá. Rừng Lào chẳng thiếu loài cây quý, cứng như sắt, nhưng tôi vẫn nể loài xuyên đá. Tôi từng đôi lần ngồi ngắm hàng cây xuyên đá mọc bám vào vách, dáng thấp, gốc xù to, xòe nấm lá như chiếc ô xanh. Loài cây thi gan với đá có bộ rễ non chả khác rễ si, thân nâu, đầu búp rễ trắng như hạt tấm. Cái hạt tấm biết bò tìm vết nứt trên mặt đá, chui vào. Mới đầu rễ chỉ nhỏ như chiếc tăm luồn vào vết đá nứt. Vậy mà chui vào chỉ sau một đận mưa, thân rễ phình to, bằng đầu đũa. Lạ là rễ lớn đến đâu, vết nứt của đá rộng đến đó. Đá tự nới ra cho rễ chui vào hay rễ có thể khoan đá thì không biết. Những bộ rễ cắm sâu, hút nhựa sống từ đá.
Năm trước đi Hội nghị Văn học sông Mê Kông ở Lào, tôi mua được một nạm rễ cây xuyên đá ở tà lạt sậu, (chợ buổi sáng).
Bà Phỉu-la-vanh, Chủ tịch Hội Nhà văn Lào thấy tôi có nạm rễ cây này thì lắc đầu:
- Trời ơi, rễ cây xuyên đá ngâm rượu uống thì làm khổ chị em rồi…
Tôi hỏi vui:
- Thật không?
Bà cũng nói vui:
- Đá nó còn xuyên thủng, nữa là…!