Sau trận đánh thắng trên đỉnh núi đá nhọn hoắt, mặt ông Nguyễn xóa bớt đi vẻ trầm uất bị thua đau ở thung lũng hoa quỳ. Tuy nhiên ngay sau đó cho trinh sát trung đoàn trinh sát để đánh điểm cao Phu Cốc, anh em lại mắc phải kỷ luật dân vận nghiêm trọng, buộc ông phải cảnh cáo đại đội trưởng trinh sát, cánh tay phải của ông ngày hoạt động ở chiến trường.
Chúng tôi muốn đi nhanh về trung tâm Xiêng Khoảng, nhưng ông Nguyễn nhất định phải đi về thăm già Sa Vẳn ở bản Na. Ông muốn gặp lại một ân nhân với trung đoàn ở phía núi xa mờ kia. Lịch sử trung đoàn có ghi chuyện ông già ân nhân này, Pò Sa Vẳn. Gọi là Pò Sa Vẳn để không lẫn với Thít Sa Vẳn, một cán bộ của Tiểu đoàn 2 trung lập làm nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội.
Sau trận đánh chốt phỉ trên núi đá, trung đoàn được giao đánh chiếm một điểm cao phía tây bắc Cánh Đồng Chum để mở quang lối cho con đường vận tải vào sâu trong chiến trường. Tổ trinh sát của trung đoàn đang tìm đường lên căn cứ địch trên núi thì gặp ông già vai vác súng kíp đi cùng đứa bé cầm cuộn dây thừng nhô ra sau lùm cây. Ông già nói đi tìm bò lạc.
Bộ đội hỏi:
- Tìm bò sao lại đến gần đồn địch?
Ông già bảo:
- Bò không biết chỗ nào là địch.
Xưa nay, đi trinh sát gần đồn địch đã gặp dân thì phải giữ lại, đưa về đơn vị, đến khi đánh xong mới trả về nhà. Quy định không ghi thành văn bản, nhưng để đảm bảo tuyệt đối bí mật đơn vị, trinh sát nào cũng làm như thế.
Anh em bảo ông già:
- Chúng tôi để lại lương khô, trói tạm bố con ông vào gốc cây, chờ chúng tôi quay lại đưa về ở đơn vị.
Ông già bảo:
- Bò mi nhăng, (Không sao cả).
Biết bộ đội Việt Nam đang tìm đường lên núi, ông già nói, con ông biết đường lên núi, để nó dẫn đi.
Đêm ấy, có chú bé dẫn đường, anh em lên tận chân hàng rào ngoài cùng của chốt địch mà im re. Tưởng mọi việc êm thuận, nào ngờ khi quay lại gặp chuyện chẳng lành. Chú bé dẫn đường đi trước chẳng may đạp phải mìn. Thế là đáng lẽ mọi chuyện tốt lành bỗng mắc tội. Cách giảm tội thông thường là im lặng. Đại đội trưởng đại đội trinh sát im lặng. Không đem thi thể chú bé không toàn thây về cho ông già, mà anh em mai táng chú bé xong, rồi ngậm tăm về đơn vị, không dám quay lại thú nhận với ông già vì sợ khẩu súng kíp trên vai ông. Chuyện đến tai ông Nguyễn. Ông mắng đại đội trưởng trinh sát té tát: “Các anh để chết con người ta, lại bỏ mặc người ta ở gốc cây giữa rừng mà yên được à! Đi tìm ông già, dẫn về đây để tôi xin lỗi người ta”. Anh em lần rừng quay trở lại không thấy ông già ở gốc cây nữa. Thì ra đơn vị thông tin đi trinh sát địa hình kéo dây, gặp ông, đã đưa về đơn vị. Ở với bộ đội Việt Nam mấy ngày, ông già xin ở lại đơn vị. Ông Nguyễn nể tình, ông nhận ông Sa Vẳn vào bộ phận dân vận của đại đội trinh sát, thường bám các bản làng. Từ đó cho đến hết chiến dịch, bộ phận dân vận của đại đội trinh sát có một ông già vóc dáng như đạo sĩ, vai súng kíp… Tôi nhớ sau chiến thắng Cánh Đồng Chum, trung đoàn được rút sang bên kia biên giới để củng cố và huấn luyện. Tôi chứng kiến cuộc chia tay của ông già với ông Nguyễn. Ông Sa Vẳn nhất quyết theo trung đoàn, đi đến đâu thì đi. Bởi lẽ ông không thể quay về căn nhà trống, nhìn chỗ nào cũng thấy hình ảnh đứa con. Bởi lẽ số phận đã gắn bó ông với trung đoàn rồi. Nhưng chưa có tiền lệ nhận người Lào vào làm quân ở đơn vị. Khi chia tay ở biên giới, ông Nguyễn lệnh cho hậu cần trung đoàn trang bị cho ông Sa Vẳn hai bộ quần áo, ba lô con cóc, lương khô và túi thuốc cá nhân. Ông Sa Vẳn xin gửi ban chỉ huy trung đoàn khẩu súng kíp làm kỷ niệm. Ông Nguyễn nhận khẩu súng kíp, ngắm nghía như báu vật, rồi trao trả lại cho ông già Lào, nói: “Tôi biết đàn ông Lào Thơng người đâu súng đấy. Ông cầm lấy…”.
Cũng từ lần ấy, tôi biết thêm, đàn ông Lào Thơng, Lào Sủng lớn lên là phải có cây súng. Có anh được ông bà, cha mẹ truyền súng lại. Còn con nhà nghèo không có thì tự làm súng. Tôi đã xem trai Lào Thơng khoan nòng súng. Họ khéo léo và kiên nhẫn vô biên. Một thanh sắt tròn buộc ghì chặt vào thân cây. Từ phía trên thọc xuống đầu thanh thép là cái mũi khoan cũng bằng thép nhưng được tôi già hơn, cứng và dễ gãy. Khoan nòng súng không tính ngày, tính tháng, phải tính năm. Cả năm khoan, thanh sắt dài thành cái nòng súng kíp.
*
Chúng tôi gặp con đường hạ dần độ cao, vào vùng rừng có rất nhiều phong lan phi điệp và tam bảo sắc. Bướm nhiều vô kể, bay rối mắt. Bỗng gặp cái chum đá vỡ miệng nằm nghiêng vách núi. Người Lào đang đi trong rừng, trên núi, trong lòng thảo nguyên Cánh Đồng Chum bất ngờ gặp chum đá thì dừng lại hoặc chắp tay lên ngực cầu phúc, hoặc xoa xoa tay lên chum cầu may. Chum đá với người Lào là vật thiêng của tổ tiên xa xưa để lại. Dân tộc này rất hay ngoảnh lại quá khứ và phóng đại các danh nhân để quỳ lạy. Cũng không ai biết chắc chắn chum đá để làm gì. Có người nói với tôi chum đá là để Phạ Ngừm cất giấu lương thực cho đội quân hùng hậu triệu thớt voi đánh đâu thắng đấy của ông, lập nước Vạn Tượng rộng lớn. Có người lại bảo, chum đá chỉ chứa rượu khao quân. Chăn Thi có ý riêng của mình, anh bảo, đã là vật thiêng thì không thể là vật dụng. Người Lào thuở xưa làm chum đá chỉ để phô diễn sự cường tráng và tài hoa của họ mà thôi. Tôi đã đi vòng quanh ngắm nhiều chum đá ở xứ sở này, đúng là con người kỳ công làm ra không vì mục đích đựng cái nọ, chứa cái kia. Họ đã làm ra như một thú chơi như người cổ từng làm ra bao công trình kỳ vĩ để chơi đấy thôi.
Hôm nay thứ bảy, Chăn Thi bảo: “Các anh vào thăm bản Na của già Sa Vẳn thì chuẩn bị sức để múa lăm vông cả đêm”.
Nước Lào có quốc vũ. Ở mọi vùng trên đất nước Triệu Voi, núi cũng như đồng bằng, thành thị cũng như nông thôn, cứ thứ bảy bà con cũng nghỉ như viên chức, sáng đi chợ, chiều làm bữa cơm ngon, tối múa lăm vông. Chính phủ tiếp khách hay vui chơi làng bản tất cả đều chung một điệu lăm vông ấy. Sẩm tối, nghe tiếng trống tạ pôn và tiếng đàn khoỏng vông gõ kinh keng trên mười sáu cái chum đồng, ai nghe thấy cũng nhún nhảy.
Tầm trưa vừa tới bên này dốc Kẽm, nhìn về bên phải, thấy một thảo nguyên nhỏ hẹp xanh mướt ở trước mặt có những hố nước, dấu vết còn lại của bom Mỹ. Hồi chiến dịch năm 1971, qua đây, tôi đã kỳ công lật đi lật lại mấy cái mảnh bom, ghi được dòng chữ PAVEPAT11, là loại bom có sức công phá lớn, Mỹ sản xuất năm 1960.
Thảm thảo nguyên hẹp lọt giữa bốn phía là đồi núi, có đường men qua khi áp sườn bên núi này, khi bám vào sườn núi bên kia, uốn lượn đẹp mắt trước khi mất hút sau một cánh rừng thông lô nhô tháp lá. Thượng Lào những núi là núi, tiếp nhau nhấp nhô, vậy mà thỉnh thoảng núi cũng dừng nghỉ, mở ra các thảo nguyên nhỏ. Những thảo nguyên làm cho núi đỡ gắt gao hơn. Ngày xưa thảo nguyên hẹp mà chúng tôi đang tới là đầu mối của các con đường đi về Phôn Sa Vẳn, Viêng Chăn và Luông Pha Băng, nơi đặt tổng kho U2 của mặt trận. Hậu cần từ bên kia biên giới tiếp tế cho mặt trận Thượng Lào đẩy vào đây, rồi mới chia đi các hướng. Không quân Mỹ ngăn chặn, phá khu kho bằng đủ các loại bom đạn. Khu U2 suốt ngày khói bom và bụi đất bốc lên thành đám mây màu cám rang. Tuy nhiên, bom cứ đánh, khu tổng kho vẫn hoạt động, chỉ rộng ra, len sâu vào các sườn núi chứ chả ai lại đặt kho ở trọng điểm.
Bây giờ xa kia, bản Na mái ngói đỏ. Xa kia đàn bò yên lành gặm cỏ. Xa kia nữa, một tốp phụ nữ váy hoa, áo hoa, khăn hoa đội đầu gùi gì đó trên vai bước đi thong thả như đi hội. Nhiều vết sẹo do bom đạn cứa sâu vào khu thảo nguyên này giờ nằm dưới lớp cỏ.
Tôi nói với Chăn Thi: Lào là đất nước thong thả. Nếp sống thong thả tôi từng gặp ở Viêng Chăn. Thành phố tấp nập ngựa xe mà thong thả như rong chơi. Ô tô mắc cửi mà không nghe một tiếng còi réo thúc. Xe máy thong thả nhường đường cho ô tô. Xe đạp thong thả nhường đường cho xe máy. Người đi bộ thong thả nhường đường cho các phương tiện lưu thông ngang qua mặt. Trên các vỉa hè, người ta thong thả bước, nhẹ nghiêng đầu để không làm rụng những trái lựu buông xuống lối đi… Người Lào thong thả sống với những tục lệ từ ông bà, không đổi.
*
Tôi vô cùng háo hức ngay từ khi thảo nguyên nhỏ và ngát xanh hiện ra trong tầm mắt. Chân vẫn bước theo Chăn Thi về phía bản Na nhưng tâm tưởng thì nhảy cóc về mấy chục năm trước.
Tôi từng sống những ngày sôi nổi ở khu kho U2 này và gặp lại Sao ở trạm xá của Tỉnh đội Xiêng Khoảng đã chuyển từ Kỳ Sơn, Nghệ An vào đây.
Bấy giờ chuyện trai gái giữa bộ đội tình nguyện với các cô gái Lào là điều cấm kỵ. Thời chống Pháp, từng có chuyện Tư lệnh Mặt trận Nam Lào tuyên bố kỷ luật nặng anh chiến sĩ yêu cô gái Lào mới chỉ đụng chạm sau lần áo ngực, nhưng trai bản nhìn thấy. Ở mặt trận Thượng Lào cũng vậy, từng kỷ luật một cán bộ cấp trung đội yêu cô gái ở một bản Lào khi anh cưa răng căng tai tới đây làm công tác dân vận.
Xa nhau chưa đầy hai tháng, biệt tin, vậy mà gặp lại, Sao khác xưa nhiều quá, cứ như là chúng tôi đã yêu nhau lâu lắm rồi. Quà tặng của tôi cho Sao là những tấm ảnh. Còn Sao dành cho tôi món quà là sự ân cần. Ại ơi, Sao gọi tôi thân thiết. Em rủ tôi cùng ra bờ suối. Em ra đó giặt áo quần cho thương binh, còn tôi vừa nói chuyện với em, vừa chụp ảnh. Em nhiều lần lọt vào ống kính chiếc pratica cũ kỹ của tôi. Cả trong và ngoài khuôn hình, em đều đẹp, gương mặt vẫn nhẹ nhõm thế, có vẻ rắn rỏi hơn, tóc búi lệch phải trên đỉnh đầu, mặc bộ đồ dân tộc, váy thổ cẩm bó chặt hông, tôn dáng cao lên thanh thoát. Cặp mắt nàng trong ống kính mới đẹp làm sao, làm ngón tay bấm máy của tôi run lên vì luôn cuống.
Rồi đến một buổi chiều con suối và rừng trong mắt tôi bỗng nhiên đầy hư ảo, tĩnh lặng tưởng như chiến tranh không còn ở nơi này. Tôi quyết định nói với Sao lời tỏ tình. Nhưng, cái chiều hư ảo ấy, không hiểu sao chờ mãi bên bờ suối, không thấy Sao, tôi tìm em ở trạm xá. Sao bảo đợi em một chút, và tôi đứng ngoài cánh cửa làm bằng lá móc rừng. Mãi tận bây giờ trở lại U2, tôi vẫn còn cái cảm giác chưa bao giờ có cuộc chờ đợi dài và hồi hộp đến thế. Rồi em cũng hiện ra, bước sau chiếc cáng, cáng một người thò ra hai bàn chân khô và trắng bệch, còn mặt thì đậy bằng tấm ga xanh. Em đang khiêng tử sĩ, tôi còn biết nói gì? Trước cái chết, người ta phải quên nghĩ về mình. Dường như em cũng biết điều tôi muốn nói nhưng nén lại, mắt bỗng mở to nhìn tôi, khẽ lắc đầu. Cái lắc đầu nhắc tôi không nên nói điều gì vào lúc này, lúc trạm xá còn bao thương binh, tử sĩ đang cần bàn tay chăm sóc…
Chúng tôi đi đến một ngã ba. Chăn Thi dẫn ông Nguyễn vào bản Na, còn tôi không thể buông bỏ ký ức nên vẫn quanh quẩn ở khu tổng kho xưa.
… Chiều ấy, chia tay Sao ở trạm xá nhưng tôi chưa rời U2 mà ghé thăm Đại đội 11 thanh niên xung phong Nghệ Tĩnh làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông ở trọng điểm này. Đại đội có trên trăm o trẻ. Mỗi o là một câu chuyện dài về tính chịu thương chịu khó và hy sinh vô bờ bến giữa chốn ngày nào cũng quần quật lao động trong bom đạn.
Mới rồi, trước khi cùng ông Nguyễn thăm lại Thượng Lào, tôi có tìm gặp các o thanh niên xung phong ngày nào, một số đang ở làng Lòi - Hà Tĩnh. Những người đàn bà đen đủi, choắt cheo và trầm ngâm. Các bà bỏ nhan sắc lại trên các cung đường đầy bom đạn trong chiến tranh với những ngày đêm sống cùng cái chết và vượt lên sự thiếu thốn đến từng miếng xà phòng giặt hay mảnh vải sô cho ngày con gái. Sau chiến tranh cũng hết thời nhan sắc không lấy được chồng, hoặc vài người cơ nhỡ nuôi con một mình gọi nhau tụ tập về đây, dựng cái làng để sống với nhau cho hết đời. Họ vẫn sống với nhau như thời còn ở Đại đội 11. Ngày đi làm, tối họp nhau ở nhà chung, khi thì hò hát, khi thì ngồi ôm nhau nói chuyện cho đỡ sợ đêm dài… Tôi ngủ lại làng Lòi một đêm. Đang thiu thiu thì có người đánh thức. Một người đàn bà đã ngồi ở dưới chân giường tôi từ lúc nào rồi. Bà thì thầm vào tai tôi, em xin một đứa con. Rất thương bà nhưng tôi không nỡ lòng nào…
Mấy chục năm trước, ở trọng điểm này, các o đã bao lần ngỏ lời xin con. O Phi cao lớn như hộ pháp là Đại đội trưởng Đại đội 11, khỏe như “zin hai cầu”. Lính lái kể, hôm anh người yêu lái xe bị thương, chẳng gọi ai, o Phi “zin hai cầu” xốc chàng lên vai chạy một mạch đến quân y trung đoàn.
Tôi nói với Phi:
- Đại đội có chuyện gì hay, kể cho nghe với.
Phi bảo:
- Chỉ có chuyện o Thìn là hay.
Tôi ngờ ngợ:
- Thìn nào?
Phi gọi đến trước mặt tôi cô gái hai gò má nhô cao, làm đôi mắt đen càng sâu hút xuống. Trời ơi, tôi nhận ra o Thìn bạn của ông Ngum ở Tương Dương, Nghệ An.
Tôi nói với o Thìn:
- Không ngờ lại gặp o ở đây. O kể chuyện về o cho tôi nghe với!
O Thìn ngồi bất động, môi mím chặt, bất ngờ òa khóc. Thôi chết! Tôi hay luống cuống trước nước mắt đàn bà. Thìn đang khóc nức nở như bị nhiều oan trái. Tôi bảo:
- Tôi xin lỗi, có gì không phải, o tha lỗi cho tôi.
Thìn càng khóc to hơn. Mãi lâu sau, o tự nín, bảo tôi:
- Lâu nay anh có gặp anh Ngum không?
Tôi bảo:
- Anh Ngum vừa đánh phỉ trên núi đá giỏi lắm, tiếng tăm vang khắp trung đoàn.
O Thìn ngồi nghe, rồi bảo:
- Anh ấy nổi tiếng, chả biết anh ấy còn nhớ đến em không?
Nói rồi o Thìn cầm cái mũ vải đã bạc thếch, bước đi.
Ở đại đội thanh niên xung phong đến mấy ngày, qua vài cuộc trò chuyện, tôi mới hiểu thêm về cô o Thìn. Ngày trung đoàn xuất quân chuyển địa điểm dã ngoại lên gần biên giới thì cũng là lúc o Thìn chính thức nhận được tin báo tử chồng hy sinh ở Plây Cần, như Đại đội trưởng Ngum nói. Làm lễ tang chồng xong, o đội khăn tang lên Huyện đội, xin tòng quân vào Nam chiến đấu, cũng là để tìm mộ chồng. Bấy giờ Huyện đội không có đợt tuyển tân binh, mà đang tổ chức một đại đội thanh niên xung phong hỏa tuyến đi phục vụ mặt trận Thượng Lào. Chợt nghĩ đến Đại đội trưởng Ngum, nghe nói cũng sẽ sang Lào đánh giặc, thế là o Thìn xin vào đơn vị thanh niên xung phong. Đại đội đã quần quật mấy tháng ở trọng điểm này.
Từ U2 về lại trung đoàn bộ, tôi tìm ông Ngum, nói chuyện o Thìn. Mặt ông Ngum cứ ngẩn ngơ. Ngay hôm sau ông dẫn hai trung đội ra tổng kho vác gạo và không khó khăn lắm, ông tìm được o Thìn. Rồi chuyện cũng đến tai ông Nguyễn. Ông bảo ông Ngum, nếu anh chị có lòng với nhau, sau chiến dịch trung đoàn đứng ra cưới cho hai người.
Bây giờ tôi dẫn cô y tá Mần đi thăm cái hang đá nằm phía sau trọng điểm, nơi ở của các o thanh niên xung phong ngày ấy. Hang đá vẫn khô xác thế, chỉ có lau cỏ, cây không mọc được. Chiến tranh làm cho người ta ở những nơi tưởng không thể ở được. Đã thế, lèn đá này từng là chốn đông vui. Các o thanh niên xung phong ở tận nơi khuất lấp ấy mà cánh lái xe, pháo thủ cao xạ, công binh vẫn đến thăm nườm nượp với đủ những lý do, người xin tí mắm, tí muối, người nhờ vá giúp tấm áo, có người đến xin xăng cho bật lửa mặc dù thừa biết các o chả làm gì có xăng! Các chàng nhờ vả nhiều, các o cặm cụi vá, giặt giũ, phơi một dây ngoài cửa hang để tiện đường các anh có quay trở lại dù không gặp chủ nhà cứ rút áo mà đi. Cũng có những người không bao giờ quay trở lại…
Tôi quay về bản Na khi ông nai bản cùng bà con chuẩn bị đãi khách bữa cơm chiều. Nai bản là ông già tráng kiện. Chủ nhà nói với ông Nguyễn: “Ngày xưa Vàng Pao làm vua ở Noọng Hét, có đến bản chọn gái đẹp làm vợ. Năm vợ rồi mà vua vẫn chọn, chọn về làm thiếp. Vàng Pao bảo dòng họ Vàng sẽ làm vua đến đời con, đời cháu ở đây. Vậy mà bộ đội Việt - Lào đánh thắng, đuổi Vàng Pao chạy sang tận Mỹ. Khách đến nhà, là chỉ huy bộ đội đánh thắng vua Vàng Pao, thì phải hơn vua Vàng Pao, dân bản xin làm cơm tiếp vua”. Tục đãi cơm ở đây thật vui. Chủ nhà có khách chỉ nấu bữa thường như mọi khi, có típ xôi và cá nướng chấm muối ớt xanh, nhưng khi mâm bát bày ra thì người cả bản đem thức ăn đến góp. Các bà, các cô, người góp típ xôi, người đĩa thịt nướng, người bát canh măng. Thức ăn bưng hai tay, đến gần mâm cơm khách thì quỳ xuống, lết bằng hai đầu gối, cung kính dâng góp bữa.
Chúng tôi ở bản Na một ngày, chờ nai bản cho người lên rừng gọi mới gặp được Pò Sa Vẳn. Vẫn khẩu súng kíp bất ly thân trên vai, Pò Sa Vẳn không già đi bao nhiêu, vẫn dáng vóc mạnh mẽ, tóc cước, chân tay nổi như vặn thừng. Ông Nguyễn và Pò Sa Vẳn đứng nhìn nhau một lúc lâu, rồi mới ôm lấy nhau. Ông Nguyễn bảo: “Chúng tôi muốn tới thăm nhà ông”. Pò Sa Vẳn chỉ vào rừng: “Lâu nay ta ở rừng”. Ông ở rừng thật. Ở Lào vẫn có những tộc người, thậm chí những người đơn lẻ như nhà sư và các đạo sĩ cả đời tu luyện trong rừng. Họ là những hạt xa đi rất được tôn trọng. Rừng nuôi họ và họ là hồn của rừng, đêm đêm đốt lên ở đâu đó bếp lửa làm cho rừng đỡ heo hút và có chủ. Cả ngàn năm các bộ tộc Lào chia những vùng rừng riêng, tạo ra luật tục riêng mà sống. Cho đến khi một bộ tộc nào đó có đầy đủ vây cánh thì các bộ tộc nhỏ tụ về tạo thành một vương quốc. Có khi một nước Lào có đến bốn, năm vương quốc trị vì trên những vùng rừng núi khác nhau. Ranh giới giữa các vương quốc đôi khi phân định bằng nương rẫy, bằng tục lệ, bằng tiếng hú gọi trong rừng. Tiếng hú vang đến đâu, địa phận vương quốc ở đấy. Những vương quốc nhỏ bé chia đất nước ra từng mảnh nhỏ. Rồi những cuộc tranh giành rừng và quyền lực làm cho các quốc gia nhỏ bé tan vỡ và nhập lại. Không ít bộ tộc sau những cuộc xâm chiếm lẫn nhau lại lui về rừng sống riêng lẻ như muôn thuở… Sự thống trị và ràng buộc của vô số luật tục và huyền bí không phá vỡ nếp sống nép mình vào tự nhiên. Rừng với người Lào như một phần cơ thể…