Xem ra ông Nguyễn cũng thấm mệt, gần cả buổi sáng ông không hút thuốc lào, chỉ chiêu từng ngụm chè rót ra cái nắp bi đông nhựa. Chúng tôi dừng lại ở suối The để giặt giũ quần áo, nghỉ ngơi. Không hiểu sao từ vách núi đá khô khốc kia lại có thể chảy ra một dòng nước tràn đầy quanh năm và trong mát đến thế. Có người bảo, con suối này bắt nguồn từ dòng sông xa lắm, tận Bắc Lào, xuyên qua biết bao nhiêu là quả núi, đến tận giáp cao nguyên Cánh Đồng Chum thì không giấu mình nữa, mà lộ ra với tất cả vẻ đẹp của nước chảy trên đá màu trắng lẫn với màu gan trâu. Cúi xuống suối rửa mặt, không hiểu đã nhìn thấy gì, cô y tá Mần tuyên bố sẽ chiêu đãi cả tổ một nồi canh cá nấu lá chua. Cô có năng khiếu đặc biệt trong việc biết suối nào có cá và bắt chúng. Khi tôi còn lóng ngóng không biết cá ở đâu ra trên con suối đá nước trong như mắt mèo này, thì cô đã lội vào men hốc đá và tóm được từ đó một con cá ngạnh khá to, đen trũi, dài, thân dẹt như con cá trê, có râu. Tôi bảo cô: “Để anh xách cá cho em tắm đi”. Cô bảo: “Anh tắm cùng, em mới tắm”. Trong hai thứ phải chọn, tôi chọn bữa canh cá chua.
Nhớ ngày xưa, cũng dừng ở suối The, hình như ở khúc trên thì phải, ông Nguyễn đang làm việc với ông trợ lý hậu cần trung đoàn thì có cuộc điện thoại của tiểu đoàn trưởng Lung gọi xin trung đoàn cấp gạo vì lượng dự trữ đã đem cứu đói bà con chạy giặc lên rừng. Bếp của tiểu đoàn chuyển từ ngày hai bữa cơm, nay một cơm, một cháo. Bộ đội ăn cháo, đói dài người, vác súng còn không nổi.
Tôi nghe thấy tiếng ông Nguyễn nói vào máy, giọng chua loét: “Anh Lung đấy à. Anh kêu hết gạo thì bưng nồi lên đây tôi bốc cho mà ăn”.
Đầu bên kia giọng Tiểu đoàn trưởng Lung là những diễn giải khẩn khoản xin gạo giúp dân.
Ông Nguyễn vẫn dài giọng: “Tôi bảo anh vác nồi lên đây tôi bốc cho mà ăn kia mà”.
Ông Lung lên sở chỉ huy trung đoàn.
Vừa nhìn thấy Tiểu đoàn trưởng Lung, ông Nguyễn hỏi độp:
- Anh có mắt không?
- Báo cáo thủ trưởng, em đang nhìn anh.
Ông cắt ngang:
- Tôi biết anh có mắt nhưng chỉ nhìn xuống chân, không nhìn xa khỏi lông mi.
Sau này ông Lung kể, ông Nguyễn dẫn ông lên đỉnh núi. Trên đó nhìn xuống, thấy một thung lúa của dân chín vàng mà không bóng người thu hoạch. Ông Nguyễn bảo ông Lung: “Anh bảo anh có mắt thì thử nhìn xuống thung lũng kia xem, có thấy kho gạo không?”.
Ông Lung nhẹ người: “Báo cáo anh, tôi cũng đã thấy một thung lúa đang chín muộn của dân chạy giặc bỏ lại. Trông thấy lúa thì thèm nhỏ dãi, nhưng khó ăn. Thằng địch coi đó là cái bẫy. Hai đầu thung lúa chúng đều đặt chốt canh giữ. Ta đưa dân hoặc lính xuống gặt thì xơi đạn”.
Ông hỏi: “Sao anh đần thế, không nghĩ ra kế vừa đánh vừa gặt?”.
Nói rồi ông Nguyễn bày kế cho ông Lung. Kế như sau, dùng một tiểu đoàn vây hai chốt giặc, một tiểu đoàn vai đeo súng, lưng cõng gùi, tay cầm dao hoặc bất cứ thứ gì có thể cắt được lúa. Chờ lúc phía trên đồi nổ súng đánh bao vây trận địa địch, đội quân gặt lúa ào xuống ruộng. Ông Nguyễn ngồi điều khiển đội quân vừa đánh giặc vừa gặt ngay trên bờ. Trận vừa đánh vừa gặt này diễn ra trọn một đêm. Khi bộ đội vây chật cứng hai chốt giặc thì cũng vừa lúc anh em dưới đồng gùi lúa vào rừng….
Một hôm tôi đang loay hoay tráng mấy cuộn phim trong ngách đá được che bớt sáng bằng vỏ chăn, thì ông Lung vô ý quá, tốc mảnh chăn che sáng lên: “Cậu chụp cho tớ cái ảnh tớ vái ông Nguyễn”.
Không trách ông Lung được vì ông đâu biết tráng phim cần bóng tối. Ông Lung kéo tôi lên gặp ông Nguyễn. Lại chuyện gì với hai người đây? Chẳng có chuyện gì cả. Gặp ông Nguyễn, ông Lung cúi lưng, vái ông Nguyễn: “Thủ trưởng như Gia Cát Lượng”. Ông Nguyễn phả khói thuốc lào vào mặt Lung: “Cậu đừng nịnh thối. Gia Cát Lượng có binh pháp. Còn tớ vô chiêu, vô sách”.
Tôi nhớ sau trận vừa đánh vừa gặt của tiểu đoàn ông Lung ngon ăn quá, ông Thệ xin ông cho Tiểu đoàn 4 học theo để gỡ bí kỳ thiếu gạo.
Ông Nguyễn hỏi ông Thệ: “Anh có đầu không?”.
Ông Thệ cười: “Thì em đang đội mũ đó thôi”.
“Nhưng đầu của cậu toàn bã đậu. Có những bài học chỉ đúng một lần vì địch nó cũng khôn như anh”.
Nhớ đêm vừa đánh vừa gặt, tôi chạy theo bếp trưởng Hiếu. Chàng này nhà nông thực thụ, biết cách gieo trồng của người Lào. Họ cấy lúa tẻ trong thung, còn lúa nếp lại gieo trên nương rẫy. Trong khi anh em đơn vị ào xuống thung gặt lúa thì Hiếu dẫn cả tổ nuôi quân lên rẫy tuốt được hai chục ba lô lúa nếp. Ông Nguyễn kiểm tra chiến lợi phẩm của tổ nuôi quân ì ạch mang vác về, khen tốt lắm. Ông lệnh, cho rang xay ngay rồi lệnh cho cán bộ và chiến sĩ ở cơ quan trung đoàn đào bếp Hoàng Cầm. Anh nuôi có bếp đã đành. Các ban Tham mưu, Chính trị, Hậu cần rồi anh em phục vụ, tất cả phải đào bếp. Nơi trung đoàn đóng quân chi chít những bếp là bếp, đường dẫn khói bò ngoằn ngoèo trên mặt đất, mặt đá. Theo lệnh của ông Nguyễn, bao nhiêu gạo nếp vừa thu hoạch được đều đem ra rang, đóng bao, ba cân một.
Đến khi kho gạo rang đã đủ 150 bao, ông gọi Thái, Đại đội trưởng Đại đội 6 lên sở chỉ huy, bảo: “Nhiều cậu xin tôi đi đánh căn cứ phía sau lưng địch như xin mắm tôm nhưng tôi chỉ nghĩ đến cậu. Tôi biết sau tổn thất bị phỉ phục kích khi đi cứu dân, cậu mới lên nắm đơn vị, đang muốn xây dựng truyền thống, đánh thắng trận đầu để cổ vũ tinh thần cho anh em, nên tôi ưu tiên. Cậu có nghe không?”.
Thái nói: “Cám ơn thủ trưởng quan tâm đến chúng em”.
Vậy thì ta cùng đánh. Ông Nguyễn quyết.
Ông Nguyễn lệnh cho bộ đội cơ quan trung đoàn khiêng vác 150 bao gạo rang ra bờ suối The. Đại đội vừa tới bờ suối, ông cho tập trung một hàng dài. Những tưởng ông sẽ huấn thị, giao nhiệm vụ, rồi động viên anh em. Nhưng không, thay vì nói, ông tự tay đưa bao gạo rang cho từng chiến sĩ, rồi dùng chiếc gậy điếu phất vào đít các chàng mỗi người một phất, đi nhé. Bị trung đoàn trưởng phất gậy điếu vào mông, bộ đội khoái chí, kêu oai oái, rồi ào ào bước qua suối.
Anh em hào hứng luồn sâu. Ba hôm sau, kể từ buổi chiều ông phát gạo, đại đội đánh liền ba trận trong lòng địch làm đảo lộn tính toán của Vàng Pao. Mấy GM (cấp tương đương trung đoàn) lính Vàng Pao đang chạy lòng vòng để gây khó cho ta áp sát tập đoàn cứ điểm Cánh Đồng Chum lập tức co vòi lại, kéo về Sảm Thông, Long Chẹng giữ nhà. Mẹo “dương đông kích tây” của ông Nguyễn thấy hiệu quả ngay.
Đi sâu vào rừng Thượng Lào, ngắt một chiếc lá cũng có thể kể bao nhiêu chuyện thời đánh giặc, chả nói gặp lại cả con suối chúng tôi từng ngụp lặn bắt cá, tắm táp và bàn chuyện đánh giặc trên bờ. Vì thế bữa trưa ở suối The của chúng tôi trôi dạt về những chuyện quá khứ. Chúng tôi đang cười nói, bỗng im bặt vì bất chợt có bốn người mặt mũi vàng vọt, quần áo nhàu nát, tóc tai bờm xờm, lưng đeo túi bạt to tướng, đội mũ lá, vai vác xẻng, tay cầm dao phát bước ra khỏi lùm cây. Săm bai, săm bai, chúng tôi chào bằng tiếng Lào.
Bốn người bước chậm lại, nhoẻn cười, nói tiếng Việt: “Chào các anh. Đồng hương với nhau cả thôi”.
Thì ra các anh là nhóm đi tìm hài cốt đồng đội của Quân khu 4. Từ mấy chục năm nay mùa khô nào cũng có các tổ đi tìm hài cốt bộ đội tình nguyện hoạt động trên vùng núi Thượng Lào, trên các ngọn núi xung quanh Cánh Đồng Chum. Có nơi lần theo bản đồ cũ để lại, anh em tìm thấy hài cốt, nhưng cũng có nơi có bản đồ đánh dấu rõ ràng từng ngôi mộ, nhưng anh em lục tung cả một mảng rừng mà tìm không thấy. Nhiều mùa mưa núi đồi sạt lở, lớp lớp lá rừng phủ lên, xóa hết dấu những ngôi mộ chôn lấp vội vàng hồi nào. Tìm kiếm khó khăn, nên mấy chục năm nay cứ mùa khô đến, các đội tìm kiếm hài cốt đồng đội lại lần tìm trong rừng núi Thượng Lào.
Ông Cát - Tổ trưởng tổ tìm hài cốt nói anh em luồn rừng mấy tháng nay mới tìm được bốn hài cốt, nhưng vẫn đeo trên lưng, chưa chuyển về quân khu vì anh em còn phải sắp xếp.
Tôi hỏi:
- Sắp xếp gì?
Ông Cát hạ cái gói ni lông ra trước mặt tôi, bảo:
- Nhiều anh em hy sinh trong các trận đánh, mà ta chưa lấy được thi thể, đều chết hai lần. Bọn phỉ thu nhặt được liệt sĩ của ta, trước khi ném xuống hố chôn, chúng biến thành bia sống để bắn hoặc phóng lao, rồi chặt…, mổ bụng trước mắt lính để thị uy. Nhiều hố chôn lẫn lộn mấy người khi thu nhặt anh em phải sắp xếp lại sao cho đúng người nào ra người ấy. Lính Vàng Pao quen với cái chết nên nhiều đứa đánh nhau khá lỳ.
Ông Nguyễn bảo:
- Cậu đặt cái bao tải hài cốt chưa kịp phân định ra từng người lên mỏm đá để chúng tôi vái anh em.
Không có hương, chúng tôi cắm que củi đang cháy dở, rồi mặc niệm.
Tôi hỏi ông Cát:
- Trong đội, ông nào là chủ quán phở Nam Định ở Mường Xén?
Không đợi ông Cát trả lời, một người mặt vuông, nắm tay tôi:
- Em Khải đây.
Thì ra đây là người lính nhận cô gái có thai với chiến hữu đã hy sinh để giảm nỗi đau của cô thanh niên xung phong. Tôi hỏi Khải:
- Bao giờ ông quay lại quán phở Nam Định với bà ấy?
Khải bảo:
- Chúng em cưới nhau vì tình nghĩa, lo cho cô ấy quán phở, mẹ tròn con vuông thì ly hôn. Em định về quê cưới vợ, nhưng các anh đi tìm hài cốt biết em thuộc đường rừng nên rủ đi, thế là em đi luôn… Lo việc tình nghĩa trước rồi mới đến việc gia đình riêng, phải không các anh.
Rừng bất chợt đổ một cơn mưa nhẹ. Mùa khô Lào thỉnh thoảng vẫn có những cơn mưa trái khoáy như thế, nghe bảo, các đám mây vội trút bỏ nước mang theo từ Mè Khoỏng trước khi vượt sang bên kia núi, để làm nên gió Lào. Một vùng rừng núi đang khô cong bỗng mềm mại trở lại. Tôi chú ý những giọt mưa vỗ lên bốn cái bọc hài cốt, chỉ mong sao mở hẳn ra, cho những mảnh xương trong đó được tắm mát. Chẳng hiểu sao tôi lại hình dung, nếu được tắm mát, có thể những mảnh xương bị bỏ quên lâu ngày trong rừng sẽ cựa quậy, như là một lần thức dậy cho giấc ngủ mãi mãi sau đó.
Mưa rừng và những gương mặt xanh xao của mấy anh em đi tìm hài cốt đồng đội gợi tôi nhớ đến ông anh trai cả nhiều năm hoạt động xây dựng cơ sở ở các bản trên vùng núi cao Bắc Lào. Ông ít kể những năm sống trong rừng nước bạn. Nhưng bao nhiêu nhọc nhằn, gian khổ đã thấm hết lên cơ thể ông. Năm năm bảy, sau hòa bình trên miền Bắc mấy năm, ông mới đường đột về thăm nhà. Không ai nhận ra ông vì không thể tin người lại có thể ghép bằng những mảnh xương phía trong bộ da đen và nhăn nhúm. Từ hôm đó, nhà có thêm một người thường ngồi ngẩn ngơ ở bậc thềm. Dăm ba hôm, ông lại lên cơn sốt rét, bao nhiêu chăn chiếu trong nhà vội vơ hết đắp lên người ông. Chừng vài giờ sau, ông lại tỉnh lại, ăn cơm không biết thế nào là no, nhưng người thì vẫn gầy đét như mấy anh em đi tìm hài cốt đồng đội này.