Chờ ngớt mưa, chúng tôi đi về bản Thẩm. Từ rú Vẹn sang Thượng Lào, Sở chỉ huy trung đoàn dừng lại nhiều nơi, nhưng bản Thẩm ở dài ngày hơn cả.
Không biết nghe tin từ đâu mà khi chúng tôi đến gần lèn đá bản Thẩm đã có ba người Lào đứng đón. Một ông già lắm rồi, như cái vỏ cây khô, quắt queo; một cô gái có đôi mắt đen láy rất đẹp và một ông trung niên, đội sùm sụp cái mũ vải như cố che bớt bộ tóc bù xù, khó đoán tuổi. Ba người không đứng hàng ngang, mà hàng dọc, thứ tự già trước trẻ sau. Khác hẳn người Tày Hảy ở rú Vẹn, ở đây quyền lực trong tay người già. Những người già người Lào thường thông tỏ cả Phật, Giàng và cả ma nữa. Người già không cầu xin Phật, chỉ lễ Phật tỏ lòng thành suốt đời, thúc giục con cháu làm theo lời Phật dạy. Người già thờ Giàng, nhưng không coi trời là siêu nhiên mà gần gũi, chia sẻ cả những chuyện riêng tư của phận người, của làng bản, của cộng đồng. Người già cúng ma, nhưng cũng không sợ ma, chỉ thay mặt cộng đồng ký gửi cho mỗi người có một con ma đi theo, dẫn dắt số mệnh. Người Lào hầu hết yên tâm về số phận bởi họ coi mọi thứ lên xuống trong cuộc đời đều đã được sắp đặt trước; nghĩa là, đau khổ hay sung sướng đều phải trải qua như là điều không thể tránh khỏi bởi đã được số mệnh dẫn dắt. Người già đại diện tâm linh và luật tục, vì thế gặp người già coi như gặp đại diện của cả cộng đồng. Chúng tôi biết thế, nên gặp ông già ở lèn đá, anh em kính cẩn chắp tay, “săm bai”.
Ông già nhận ngay ra chúng tôi là bộ đội Việt Nam.
Ông Nguyễn đứng ngớ ra một lúc, rồi nhô hẳn đầu về phía trước “Pò Thoong Lầu dạy pò?” (Già Thoong Lầu phải không?).
Ông già lại không trả lời mà cầm tay ông Nguyễn lắc lắc, nói tiếng Việt:
- Lâu quá rồi, lâu quá rồi, bộ đội Việt ớ.
Ông Nguyễn bảo:
- Chúng tôi đang thăm lại bản Thẩm đây.
Chiến dịch mùa khô 1971, Sở chỉ huy Trung đoàn tình nguyện chuyển về đây, trong khi bản dưới kia đã bị lính Vàng Pao càn trắng. Dân chạy giặc lên rừng, hầu hết đi về hướng đông, càng xa vùng địch tạm kiểm soát càng yên lòng. Chỉ có vài nhà dạt lên rừng rồi ở lại không bỏ bản. Trong đó có gia đình cụ Thoong Lầu này. Để tìm hiểu về dân, về địch, ông Nguyễn nhờ một cán bộ Tiểu đoàn 2 trung lập vừa làm phiên dịch vừa dẫn tìm đến căn lán giữa rừng của gia đình cụ Thoong Lầu. Không biết anh cán bộ Tiểu đoàn 2 nói gì mà ông Nguyễn chưa kịp hỏi chuyện thì cậu bé con chủ nhà đã xách mấy cái ống bương bước vào.
Chủ nhà bảo:
- Uống rượu đã.
Ống bương được dốc ra bát thứ nước trắng đục, mời khách uống. Thì ra đó không phải rượu mà là nước lấy ra từ cuống buồng hoa cây móc, ủ men lá, như bia. Men bia len lỏi dần vào câu chuyện của chủ và khách. Cho đến lúc cả chủ, cả khách ngà ngà say, cụ Thoong Lầu mới hỏi ông Nguyễn:
- Bộ đội Việt muốn đánh Vàng Pao à?
Ông Nguyễn nói:
- Bộ đội đánh Vàng Pao, dân có ưng bụng không?
Cụ Thoong Lầu bảo:
- Đánh Vàng Pao dân ưng lắm, nhưng khó đấy.
- Sao lại khó?
Ông già chỉ vào chân:
- Quân Vàng Pao có mắt ở chân, chạy trong rừng nhanh như tên bay, không đánh được.
Ông Nguyễn cụng bát, bảo:
- Vàng Pao có mắt ở chân, chúng tôi có mắt ở trên trán này, cùng bộ đội Pa-thét sẽ đánh thắng phỉ Vàng Pao.
Men rượu làm cho chủ và khách nhanh chóng trở nên thân thiết. Ông già cho Phủi, con trai xuống dẫn đường cho bộ đội trinh sát cao điểm Phu Theng.
Mới đấy mà đã mấy chục năm.
Gặp lại, ông già nhất định đón ông Nguyễn và chúng tôi về nhà. Ngày xưa giường chiếu xoay nghiêng cái lưng cũng chỉ vừa tấm lát còn ngủ được với nhau, huống chi bây giờ, nhà rộng, giường chiếu rộng. Ông Nguyễn phải kiếu mấy lần mới được lên lèn bản Thẩm.
Pò Thoong Lầu bảo:
- Muốn lên đó phải có người dẫn, không đi đường cũ được.
Chuyện này bây giờ tôi mới biết.
Ấy là sau chiến dịch mùa khô 1971 chừng ba tháng, Thượng Lào mưa dữ dội cả tuần liền. Mưa như nước đổ xóa sạch các dấu vết của chiến tranh, trả lại sự nguyên lành thảo nguyên Cánh Đồng Chum. Sau những cơn mưa lớn dưới chân lèn đá bản Thẩm bỗng nứt ra một khe nước nóng. Nước nóng khởi nguồn từ đâu không biết, chỉ thấy khe nước nóng mỗi ngày lại mở to, thành con lạch nước bỏng chân. Dân bản thấy nước nóng thì reo mừng vì từ nay tắm không phải đun nước. Nhưng mừng chưa bao lâu thì khe nước nóng là hiểm họa. Các loài rắn trên núi, dưới thung, thấy có dòng nước nóng kéo nhau về nằm cuộn tròn theo hai bờ khe nước nhiều vô kể. Những gia đình gần khe nước nóng phải chuyển ra xa, và con đường lên lèn đá bản Thẩm bỏ hoang vì có rắn canh giữ.
Lên lèn đá bây giờ không qua khe nước nóng. Anh Phủi - con trai ông già Thoong Lầu dẫn chúng tôi đi vòng lên sườn núi, rồi rẽ xuống.