Lèn đá bản Thẩm trước mặt tôi.
Giờ này mặt trời chưa tắt, mây lãng đãng, lửng lơ, che lấp bớt cái lởm chởm của sườn núi đá nhô ra, lõm vào tạo ra những hang, những hốc, những hẽm. Ngày xưa để phân biệt rành rẽ hang, hốc, ngách, hẽm… anh em đã tranh luận cả tuần bất phân thắng bại.
Bấy giờ tôi ở cùng với mấy anh Ban Tuyên huấn trong cái ngách đá nông choèn kia, có anh gọi là hẽm. Trung đoàn bộ ở trong cái hang vào sâu trong lòng núi chừng hai chục mét. Ban tham mưu ở trong đó, nhưng ông Nguyễn không chịu vào hang mà cho bộ đội làm lán áp vào chân núi để ở. Trước cửa căn lán ông cho kê một hàng ghế đá hình bán nguyệt. Tôi không tìm thấy bất cứ dấu vết nào có con người từng ở đây. Thời gian và mưa rừng đã xóa hết vết tích chiến tranh. Chỉ còn ghế đá kê hình bán nguyệt vẫn nằm trơ. Ông Nguyễn làm việc với các cấp chỉ huy và bộ phận chuyên môn ở khu ghế đá này, ít khi bước vào hang, kể cả những khi nghe bom pháo của địch nổ gần.
Tôi mở máy ảnh chụp một mảnh trời vàng óng trên tán thông lá nhọn, phủ bóng lên khu ghế đá. Tôi chụp ảnh ông Nguyễn ở đây, từ cuối mùa mưa năm 1971 đến giữa mùa khô năm ấy.
Tôi nhớ sau khi được trao nhiệm vụ đánh Phu Theng, ông Nguyễn dường như không ngủ. Sức ông dẻo dai kỳ lạ, đêm xuống các đơn vị, ngày lại trở về Sở chỉ huy trung đoàn. Vết sẹo trên trán khô quắt lại. Đôi mắt mất ngủ của ông đỏ như lửa. Hai đốm lửa nhiều khi soi hàng giờ lên sa bàn do trinh sát đắp nổi ngay khu ghế đá hình bán nguyệt.
Cuộc hạ đạt mệnh lệnh đánh chiếm đỉnh cao Phu Theng diễn ra ở sa bàn này. Ông Nguyễn ngồi ở đầu ghế, điếu cày dựa trên vai, nghe cấp trên nói nhiệm vụ của trận đánh, thỉnh thoảng lại rít một hơi thuốc lào, phả khói mù mịt. Tôi đã chụp tới chục “pô” ghi lại hình ảnh những gương mặt căng thẳng của cán bộ chỉ huy. Riêng ông Nguyễn vẫn có vẻ như bình thản. Ông là người không chịu được những căng cứng trong các cuộc họp và mọi người phải khổ vì mệnh lệnh nghiêm ngắn quá mức. Vì thế, nếu có dịp, ông ngay lập tức phá vỡ không khí nặng nề bằng những phát ngôn táo bạo và hài hước. Lúc nhộn nhạo, ông trở nên thanh thoát.
Khi bàn về kế hoạch hiệp đồng, sư đoàn trưởng bấy giờ là ông Hòa, hỏi ông Nguyễn:
- Anh dự kiến Sở chỉ huy đặt ở đâu để tôi cho thông tin kéo dây. Trước khi nổ súng không được dùng vô tuyến.
Ông Nguyễn chỉ vào sa bàn:
- Vị trí chỉ huy của tôi trong trận này ở giữa đội hình tiểu đoàn đi đầu.
Ông Hòa gắt:
- Anh dâng sở chỉ huy lên cao vậy, làm sao nắm được hai “dê” bộ binh và hoả lực trợ chiến phía sau? Trận này anh còn có hai tiểu đoàn bạn làm dự bị.
Ông Nguyễn đáp:
- Tôi lấy tiếng súng phía trước làm mệnh lệnh hiệp đồng. Phía trước mà tịt thì thằng phía sau vác của nợ mà chạy...
Sư đoàn trưởng Hòa khó chịu, nhưng lờ đi, hỏi tiếp:
- Khi bộ đội đã nổ súng, đánh vào căn cứ, anh dự kiến vị trí chỉ huy của trung đoàn ở đâu?
Ông Nguyễn vẫn thản nhiên:
- Lúc đó tôi không đặt sở chỉ huy ở đâu cả.
Sư đoàn trưởng không kìm được nữa, gắt:
- Anh đùa đấy à?
Mặt ông Nguyễn lộ nét ương bướng:
- Tôi không đùa.
Ông Hòa vặn lại:
- Không đùa mà trận đánh cấp trung đoàn, trung đoàn trưởng không xác định vị trí chỉ huy?
Ông Nguyễn đáp:
- Tôi sẽ không đặt sở chỉ huy ở đâu cả khi bộ đội đã lọt vào cứ điểm địch, lúc đó tôi ở đâu, máy bộ đàm theo, đó là sở chỉ huy.
Mọi người thở phào. Ông Hòa biết tính ông Nguyễn nên nói năng đến vậy cũng đã có thể hiểu nhau.
Nhưng lúc đó, có Trung đoàn trưởng Đệ, đơn vị làm dự bị cho trung đoàn ông Nguyễn bỗng đứng lên, nói chêm vào:
- Anh Nguyễn vẫn giữ thói quen đánh du kích, không phù hợp với đánh hiệp đồng binh chủng.
Thế là to chuyện.
Hai ông không bằng mặt với nhau từ khi ông Nguyễn mỉa ông Đệ bị táo bón, vào mặt trận mà vẫn chưa tiêu hóa hết bài học ở nhà trường. Bây giờ ông Đệ chê giữ thói quen đánh du kích ngay trong cuộc hạ đạt mệnh lệnh, nên ông Nguyễn nhìn ông Đệ, buông một câu:
- Tôi đánh giặc từ lúc “cái ấy” bằng hạt kê...
Mọi người đứng xung quanh sa bàn không dám cười thành tiếng.
Chỉ có ông Đệ cười nhưng cười nửa miệng:
- Tôi không biết. Nhưng tôi chắc chắn, trận này là đánh hiệp đồng binh chủng, phải đánh bằng kiến thức hiệp đồng binh chủng, không thể đánh theo mẹo du kích.
Cả sở chỉ huy chờ nghe đối đáp của ông Nguyễn. Nhưng lạ là lần này, anh em thấy ông không nổi xung mà nín nhịn, chỉ khịt khịt mũi, mặc dù vết sẹo trên trán ông đỏ rần rật.
Lâu sau, ông Nguyễn nắm lấy tay ông Đệ, nói:
- Đánh thế nào, kiểu du kích hay hiện đại, với tôi không quan trọng. Quan trọng là phải thắng... - Giọng ông bỗng gay gắt - Làm thằng chỉ huy mà không chỉ huy đơn vị đánh thắng thì làm cán bộ làm gì?
Sư đoàn trưởng Hòa đứng giữa hai người, không muốn để cuộc hạ đạt mệnh lệnh đi chệch hướng gây tổn thất tình cảm giữa hai trung đoàn trưởng nên xuê xoa:
- Thôi được rồi, xin anh Nguyễn trình bày cách đánh. Tôi chỉ lưu ý, mấy lần đánh nhỏ các anh đều thắng, nhưng để địch chạy nhiều, không bắt được tù binh. Các anh khắc phục trong trận này như thế nào.
Ông Nguyễn cầm lấy chiếc que, vạch rất mạnh trên sa bàn:
- Báo cáo các anh, để diệt gọn, bắt gọn, cách đánh trận này của chúng tôi là đầu nhọn, mình trắm, đuôi công.
Sư đoàn trưởng Hòa mở to mắt:
- Anh nói cái gì?
Ông Đệ lại chen vào:
- Chưa có chiến thuật ấy trong các trường quân sự.
Giọng ông đanh lại:
- Nếu chưa có chiến thuật đầu nhọn, mình trắm, đuôi công thì từ hôm nay sẽ có…
Sư đoàn trưởng Hòa sợ ông Nguyễn xung khắc với ông Đệ một lần nữa nên gạt đi:
- Thôi, anh Nguyễn nói rõ thêm về chiến thuật cho mọi người cùng trao đổi.
Ông Nguyễn lại chỉ sa bàn:
- Báo cáo các anh, sau khi mở cửa mở, tôi chỉ cho một tổ xung kích làm cái đầu nhọn lách vào đánh hai lô cốt đầu cầu, rồi cái mình trắm mới xông vào, đánh thẳng sở chỉ huy địch, kiểu đánh rắn bẹp đầu rồi mới tung lực lượng lớn xòe cái đuôi công ra bốn hướng, quét chặn các hướng địch tháo chạy.
Phương án ông trình bày vắn tắt, chưa kỹ càng nhưng có lẽ từ sự tự tin của ông Nguyễn, mọi người đều bị thuyết phục.
Sau hai ngày cuộc họp hạ đạt mệnh lệnh đánh điểm cao Phu Theng, tiếng súng đã nổ.