Nguyễn nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Trung đoàn Tình nguyện, Thắng - con cả ông dẫn tôi về thăm gia đình bên ngoại. Cái làng Sạn bên sông Lô ngày xưa nghèo lắm, bây giờ nhà ngói san sát. Có nhà còn nhô lên cái tháp trên nóc hình củ tỏi, như Tây. Bãi đất ông ngoại bảo dành cho vợ chồng ông Nguyễn để sau này về hưu có chỗ cắm dùi vẫn còn đó. Ông Hậu - em vợ ông Nguyễn bảo Thắng: “Cậu không nhận phần đất ông ngoại chia cho thì để đấy, tôi kiếm vạn gạch cất cái nhà thờ gia tiên. Làng này, xưa lão chăn vịt, “tọng” bánh đúc vào diều để bán cho nặng cân, vậy mà chết còn tôn làm Thành hoàng, bố cậu là tướng, cả hai họ mới có một ông tướng, không lập bàn thờ cho con cháu chiêm bái thì còn thờ cúng ai? Mồ cha không khóc, khóc đống mối”. Ông Hậu nói rất nghiêm, xong thì cười, chìa ra hàm răng vẩu, rất cởi mở. Ông kể: “Làng vẫn nhớ Tướng Nguyễn, hiển hách thế mà về làng chỉ đeo cái túi rõ to, bảo trẻ con tập hợp, phát quà. Trẻ con chen đẩy nhau xếp mấy hàng, đứa nào cũng muốn đứng trước, nhưng khi mở cái túi đầy bánh mỳ ra, bẻ đôi từng cái, ông phát cho đứa bé đứng sau rồi mới tới đứa lớn đứng trước. Bà con làng nhìn cảnh ấy, rất khoái về ông con rể.
Ông Nguyễn về làng dân dã thế, bà con bên ngoại quý mà quên cái thời ông tướng còn trẻ ngang ngổ không ai bằng. Lão Đoạn, chánh tổng làng Sạn căm nhất “thằng trời đánh”. Năm ấy mất mùa mà quan huyện vẫn thúc chánh tổng Đoạn thu thuế làng Sạn không thiếu một đấu thóc. Lệnh quan đã ban, hẹn sáng mai, trống cái treo ở đầu đình gióng ba hồi chín tiếng thì con dân gánh thóc ra sân đình nộp thuế. Nhà nào thiếu thì cứ nọc ra, ép ký nợ, một gấp đôi vào mùa sau, không thì giải lên phủ, lên châu, ngồi nhà đá, đừng lơ tơ mơ. Cả làng ngồi lo tiếng trống thúc thuế. Chờ tới lúc mặt trời cao hơn con sào, làng không nghe thấy tiếng tùng, tùng, tùng oai vệ như mọi khi mà chỉ rên lên phọc, phọc, phọc như rắm trâu. Không phải tiếng trống thì hơi đâu mà đi nộp thuế. chánh tổng Đoạn điên người, đứa nào dám to gan rạch nát cả hai mặt trống cái. Thay vì thúc đám lính vệ phủ cho mượn kỳ thu thuế đi gọi dân gánh thóc ra sân đình, chánh tổng Đoạn truy tìm kẻ phá đám. Việc truy tìm không khó, vì thằng em hắn - con trai chánh Đạm hớt lẻo. Cậu Nguyễn bị một nhóm lính vệ tóm được, dẫn đến trước mặt chánh tổng Đoạn.
- Thằng khố rách áo ôm mặt thớt kia, ai xui phá trống lệnh thu thuế?
- Không ai xui cả. Tôi tự làm.
- Mày gan hùm?
- Vì mất mùa, cả làng sợ tiếng trống thúc nộp thuế. Tôi phá trống cho mọi người đỡ sợ…
Không cãi vã lôi thôi, chánh tổng Đoạn lấy quyền người thu thuế cho triều đình là bất khả kháng, ai chống thì tùy nặng nhẹ mà hạch tội. Ông Nguyễn bị xếp vào tội chống đối triều đình, có thể xử chém ngang lưng. Nhưng làng quê hằng ngày nhìn mặt nhau mà xử chém một người thì ân oán mấy đời không hết. Chánh tổng Đoạn không muốn mắc vào vòng ân oán, chỉ cho lính vệ thích vào trán ông Nguyễn chữ “phạm” rồi bắt bưng thúng phân dong lên phủ cho biết thế nào là nhục. Trên đường đi, lúc gặp sông Lô, ông Nguyễn liều chết, quay lại, úp cái thúng ấy lên đầu tên vệ đi sau, nhảy xuống sông, trốn theo vệ quốc.
Mọi chuyện về ông Nguyễn sẽ chết theo chánh tổng Đoạn sau đó mấy năm. Nhưng, ân oán giang hồ đâu có dễ quên. Trận tiểu đội xung kích đánh bốt gác lên đồn Ba Vì, lúc bắt tù binh, ông Nguyễn tóm được thằng con chánh tổng Đoạn, bấy giờ đã làm đến cấp đội phó đội lính khố xanh. Bất chợt nhìn thấy cái vết sẹo thích chữ “phạm” đỏ giần giật trên trán cậu Nguyễn, viên đội phó quỳ lạy như tế sao.
Ông Nguyễn bảo:
- Khoanh tay, quỳ gối nghe tao nói, chứ giết mày làm đếch gì. Ngày xưa bố mày bảo tao là giặc, thích lên trán chữ “phạm”. Bây giờ, hóa ra chính mày mới là giặc. Tao không thích chữ “phạm” mà chỉ đánh dấu một cái sẹo lên trán mày, để mày nhớ cái đời làm lính đánh thuê…
Nói xong, ông Nguyễn thúc chuôi dao găm lên trán tên đội phó. Hắn ngã ngửa, kêu giời.
Ông Nguyễn bảo:
- Cho mày về quê, nói với làng, đã gặp tao, tao trả xong cái thù chánh Đoạn ngày nào!
Nghe đâu, thằng con chánh Đoạn không dám chạy về quê, mà bám theo một đội lính khác, biệt tăm tích…”.
Ông Hậu hỏi tôi:
- Hồi ở Thượng Lào, bác từng ở với ông Nguyễn, có thấy lúc nào ông oai phong lẫm liệt thì cái sẹo trên trán đỏ lựng lên không?
Tôi bảo:
- Tôi cũng để ý vết sẹo trên trán ông Nguyễn thỉnh thoảng cũng đổi màu, nhưng thường thì nhạt thếch như miếng thịt trâu ôi. Lâu nay về hưu, cái sẹo trán hầu như cũng biến mất vào những nếp nhăn hằn sâu như sóng đất.
Chủ nhà hiếu khách, nên uống vừa xong tuần trà, bà vợ ông Hậu đã bưng mâm cơm gà, có chai nút lá chuối. Cái chai ấy là nguồn cơn để tôi và ông Hậu, chỉ quanh quẩn mỗi chuyện ông Nguyễn mà xoay xỏa với nhau đến tận canh hai.