Bước sang đất Lào, tôi nhớ ngay đến Sao. Mới gặp nhau lần đầu ở trạm xá dã chiến của Tỉnh đội Xiêng Khoảng vừa thành lập phục vụ chiến dịch, còn đặt tạm ở Kỳ Sơn chờ Quân khu 4 trang bị thêm thiết bị, nghĩa là mới chỉ là người dưng thôi, mà vẫn nhớ. Thằng đàn ông trong tôi nó tệ thế, nhiều khi nhớ người dưng hơn cả người thân. Có phải người dưng cho cái lạ, còn người thân chỉ có cái quen?
Một hôm tôi theo hai ông kỹ thuật viên của quân khu đem cho bạn chiếc máy hỗ trợ thở. Máy móc thế nào mặc kệ, tôi chỉ để ý đến cô y sĩ của trạm xá lụng thụng trong bộ quân phục Pa-thét như đồ mượn nhưng rất có duyên, gương mặt nhẹ nhõm tưởng gió mạnh có thể thổi bay. Tôi sẽ chẳng có cơ hội nào làm quen với người đẹp nếu như trong lúc ăn cơm trưa, máy bay Mỹ không đánh sân bay Kỳ Sơn. Một quả bom lạc rơi trúng khu nhà bếp của trạm xá. Tất cả buông bát đũa, mạnh ai nấy chạy. Tôi chộp lấy tay người cạnh mình, cứ thế kéo chạy vào rừng. Càng chạy càng thấy bom như đuổi sau lưng đến mấy lần. Chạy đứt hơi một thôi, thấy cánh tay người tôi kéo cứ muốn chằn lại. Mặt Sao bỗng nhiên xấu xí vì tái mét và có vẻ cáu kỉnh vì bị tôi bất ngờ lôi đi quá xa. Đứng thở một lát, Sao chỉ vào rừng, bảo thang ni (nghĩa là đường này), rồi dẫn tôi đi tắt một lúc thì về lại trạm xá. Chả ai còn nghĩ đến ăn uống nữa, chúng tôi chia tay. Tôi có ý ngóng, nhưng lúc lên xe ra về, cũng không thấy Sao ngó ra. Gái Lào là thế, rất vô tư nếu thấy đối phương chỉ là người quen, chứ chàng lộ ý tứ gì thì các nàng lùi xa, kín bưng. Cho đến khi nào nàng đã chắc chàng là người tin được thì nàng mới trở nên gần gụi, thân thiện. Trai Lào có câu hát: “Yêu anh, em lật váy cho xem”, là yêu rồi thì thoải mái lắm.
Ngày xưa Thượng Lào đón Trung đoàn tình nguyện vào cuối mùa mưa, còn bây giờ đón chúng tôi thăm trở lại vào dịp đầu thu, nắng vàng óng, núi rừng được tắm rửa suốt mấy tháng, phô diễn tráng lệ. Đi ở Thượng Lào, tôi thích nhất là những lúc lên núi, chui vào những đám mây nõn, mát rượi như vắt cái khăn lụa vừa nhúng nước lên vai.
Ông Nguyễn bảo trong chiến tranh ông chỉ nhìn rừng giống như cái áo ngụy trang khổng lồ, che được bao bộ đội, nước uống chỗ nào, mắc tăng võng trú quân ở đâu, không quan tâm đến gỗ lạt. Bây giờ trở lại rừng Lào ông mới thấy, ôi giời, rừng Thượng Lào cơ man là gỗ quý, người Lào lại không đụng một nhát rìu, giữ làm của nả cho đời sau. Tính người Lào ăn dè. Cầm nắm xôi, to nhỏ gì cũng thế, ăn là phải bẻ đôi, chứ không khi nào làm gọn cả miếng. Đến khi nắm xôi chỉ còn một chút, thì lấy xôi nắm vào ăn tiếp, chứ không ăn hết xôi trên tay, trừ miếng cuối bữa.
Chăn Thi đón chúng tôi không phải ở biên giới mà ở đầu con đường mòn vào rừng già. Ở đó có nhóm ba mái nhà ở riêng biệt với bản xa đằng kia, giống nhà các tổ lâm nghiệp, nhưng không phải, nhà có trẻ con và người già. Chỉ có ba nhà thôi, nhưng có hẳn một ngôi chùa khá lớn, sân chùa có tượng Phật Bà. Vì ngôi chùa này mà có ba ngôi nhà kia, hay là vì có ba ngôi nhà mà ở miệt rừng này mà một ngôi chùa?
Tôi hỏi Chăn Thi:
- Người Lào cũng thờ Phật Bà Quan Âm ư?
Chăn Thi bảo:
- Đây là nhà của bà con người Việt nên thờ Phật Bà.
Chăn Thi hướng dẫn chúng tôi thắp nến trước tượng Phật theo phong cách người Lào. Người Lào vào chùa không thắp hương mà thắp nến. Ngọn lửa nến trước tượng Phật sẽ tỏa sáng đốt cháy và hủy diệt mọi phiền não, để những cái tiểu ngã hạn hẹp thoát ra khỏi con người, hòa nhập vào cái lớn lao của đại ngã.
Chăn Thi là anh cán bộ Pa-thét trẻ, quân hàm trung úy, có dáng nét điển hình của những chàng trai Lào, đậm sức, da ngăm nâu, tóc xoăn, mắt nâu sáng và nói năng chân thật. Chăn Thi có tên đệm là Thít. Người Lào có tên đệm Thít là đã từng ở chùa. Trai Lào Lum đi ở chùa như một nhu cầu để tu tập đạo hạnh và học chữ. Giáo lý đạo Phật đóng dấu ấn trong lòng các chàng trai. Có người học ở chùa dăm năm. Chăn Thi ở chùa mười năm, tu đến chức a chan xổm đít mới cởi áo nhà chùa về với gia đình rồi nhập ngũ, trở thành cán bộ văn hóa - văn nghệ của tỉnh đội… Chăn Thi ăn nói kín đáo, từ tốn và nhỏ nhẹ. Hình như rẽ lối này các anh. Hình như phía trước có suối… Cả những điều đã biết mười mươi, Chăn Thi cũng hình như. Cách nói mở của Phật giáo, để người tiếp nhận tự thức, tự luận và tự quyết.
Thắp cây nến trước tượng Phật Bà, tôi bỗng nhớ đến mẹ đã về với Phật từ vài năm trước. Mẹ tôi cũng có riêng bức tượng Phật Bà nhỏ, bằng gỗ mít, giấu kín trong hòm đựng sắn khô ở gian bếp. Mẹ giấu bức tượng suốt mấy chục năm, từ chừng năm sáu mốt của thế kỷ trước. Vào buổi sáng, người ta hạ giải ngôi chùa, vài chục người đẩy theo đoàn xe cút kít nghiến cót két trên đường làng, mẹ tôi đã chui qua các bãi lau và cây dại, lọt vào trong cầu khấn rồi lấy bức tượng Phật Bà gói vào chiếc khăn vuông đội đầu, đem về nhà. Không muốn cho ai biết việc này, bà giấu bức tượng trong hòm sắn khô cạnh bếp. Cho đến khi anh tôi, chồng chị dâu đi bộ đội, nghe nói sang tận Bắc Lào công tác, mẹ mới cho chị dâu biết trong hòm sắn có bức tượng Phật, để mồng một, ngày rằm chị tôi cầu may mắn cho chồng. Rồi chị dâu thứ hai cũng biết nhà có tượng Phật, khi anh trai thứ hai của tôi đi bộ đội, chiến đấu ở đường Năm. Lâu sau thì cả nhà tôi biết bức tượng Phật Bà, nhưng đóng cửa bảo nhau, không nói ra ngoài. Mãi đến khi mẹ tôi mất, chị dâu cả mới quyết định đưa tượng lên ban thờ để cầu Phật Bà cho mẹ tôi lên niết bàn, bấy giờ làng xóm mới biết nhà tôi có tượng Phật.
Tôi nói với chị dâu cả:
- Mấy mươi năm, đêm nào mẹ cũng mở nắp hòm, sờ sệt vào bức tượng Phật như tìm hơi ấm ở đó, rồi mới đi ngủ. Nửa đêm nếu thức giấc, mẹ lại làm như thế. Bây giờ mẹ mất, hay là ta đặt tượng vào áo quan cho mẹ?
Chị tôi ngồi bần thần một lúc, bảo:
- Không làm thế được, phải tội.
Chị quay đi, chụp khăn sô lên đầu, rỉ rả khóc mẹ ơi. Lúc sau, nghĩ lại thế nào, chị lại ngoảnh sang tôi, nói:
- Hay là ta làm thế này. Lát nữa lúc các vãi làm lễ cầu siêu, chị đem tượng ra, đặt cạnh mẹ, để mẹ được gần Phật lần cuối.
Như các em dâu, tôi chỉ biết cúi đầu nghe chị.
Lâu lắm, chừng nửa đêm, ngọn đèn bằng nến trên tay các vãi đã cháy gần hết chị dâu tôi mới đứng dậy vái mẹ, nhẹ nhàng nói:
- Thưa các vãi, mẹ tôi, từ mấy chục năm nay vẫn giữ một bức tượng để cầu phúc. Nay mẹ đi, con cháu trong gia đình chúng tôi muốn đưa bức tượng ra cạnh mẹ lần cuối để cầu an lành cho mẹ.
Chị vào buồng mẹ đem bức tượng ra. Chị bưng tượng trước ngực. Tôi cảm thấy chị và tượng nhập làm một khối khó tách rời. Tôi chưa bao giờ thấy chị dâu tôi trang nghiêm và đẹp như thế. Ngoài năm mươi, nhưng vai còn tròn, mặt chưa có nếp nhăn, đôi mắt to, đen, nhìn thẳng mà vẫn sâu hun hút. Gương mặt chị hao hao thừa hưởng mặt Phật Bà Quan Âm, nở nang, cân đối, phúc hậu. Từ lâu tôi đã biết mẹ có giấu bức tượng trong hòm đồ trong buồng mẹ, nhưng đây là lần đầu trong ánh sáng của rất nhiều ngọn nến tôi mới nhận ra sơn thếp bức tượng đã tróc gần hết.
Sau một vài vòng vừa múa, vừa đọc kinh cầu siêu, có vẻ như đến bấy giờ một vài vãi mới nhận ra nét quen quen của bức tượng trên hai tay chị tôi. Vãi Nhạc cũng thế. Vãi mấy lần cúi sát bức tượng để nhìn cho thật rõ, nhưng không nói gì. Rồi đi vài bước nữa, bỗng vãi Nhạc kêu to, giọng hoan hỉ:
- Ta vừa nhìn thấy một chớp sáng lướt qua. Vậy là cụ có phúc duyên, được về niết bàn rồi - Nói rồi, vãi Nhạc quay sang chị tôi, bảo - Người nhà sửa soạn cái ban riêng đặt tượng Quan Âm cho thanh tịnh, không được đặt lên ban thờ gia tiên.
Chị tôi hỏi:
- Thưa vãi, vãi bảo vãi vừa nhìn thấy chớp sáng nhưng con chưa nhìn thấy gì, nên muốn làm lễ tiếp cho mẹ…
Vãi Nhạc ngắt lời:
- Người không tu, vô minh, nhìn sao thấy được Pháp Thân Phật. Chị làm theo ý tôi.
Chị dâu tôi chỉ còn biết nghe, cúi thấp lạy Phật.