C
Dừng nghỉ ở Mường Xén, có người chỉ cho tôi cô gái da xanh tái, bụng vượt mặt, bảo cô Mùi đấy. Cô ở đơn vị thanh niên xung phong, rút khỏi mặt trận từ tháng trước, về Con Cuông, nhưng cô thì nấn ná ở lại Mường Xén. Cô day dả vệ đường chờ một người. Chờ đến đơn vị bộ đội cuối cùng của trung đoàn tình nguyện về, người cô chờ vẫn không thấy. Chỉ có một anh bộ đội dừng lại trước cô, bỏ mũ, cúi đầu. Cô Mùi ôm lấy anh mà khóc:
- Anh ấy không trở về thì em chết mất.
Anh bộ đội xốc cô đứng dậy, bảo:
- Đi với tôi để giữ con cho chiến hữu.
Hai người về quê, vội tổ chức đám cưới, rồi quay lại Mường Xén, mở quán phở bò Nam Định. Họ cùng bán phở một thời gian, dân phố mới ngã ngửa, cưới thì cưới đấy, ở cùng nhà, nhưng họ đối với nhau chỉ như là bạn. Đợi cô Mùi mẹ tròn con vuông, làm khai sinh cho thằng bé, cặp này mới lại dắt nhau ra tòa xin ly hôn. Chị muốn thủ tiết với người yêu đã mất và anh phải quay về với cô gái đã chờ anh mấy chiến dịch, nay lại bấm bụng chờ anh cưới giả để cứu cô thanh niên xung phong nhỡ nhàng. Lại nghe nói người đàn ông sau khi ly hôn cô Mùi vẫn chưa về quê vì được một tổ đi tìm hài cốt đồng đội níu kéo cùng sang Lào.
Sau phố là rừng, ướt rượt, gió bồng bềnh, thổi bên này núi, sang bên kia núi, lại đảo lại. Mây mù, núi như xích lại gần nhau, bóp nghẹt con đường số bảy lở lói toàn những ổ trâu, ổ voi, xe nhảy như xóc ốc. Tôi ngồi ghế sau, đưa mắt nhìn ông Nguyễn ngồi trước. Lúc lên xe ở Tương Dương, ông Nguyễn ngồi kềnh càng chân tay duỗi dài, đầu lắc lư nghiêng ngó, còn kể chuyện phiếm của lính. Vậy mà mới đi đến Mường Xén, sức khỏe của ông đã có vấn đề, ông ôm lấy chiếc ba lô, mặt cứ tái dại như lại phát cơn sốt rét.
Cậu lái xe bảo:
- Hay em đưa thủ trưởng quay lại, kẻo cả đoàn có một ông tướng, nhỡ ra thì em bị kỷ luật.
Ông Nguyễn bảo:
- Ngủ lại thị trấn một đêm, mai tớ lại khỏe.
Tưởng ông Nguyễn nói đùa cho mọi người đỡ lo, mà thật. Tôi nghe thấy tiếng ông rít thuốc lào từ mờ sáng. Vẫn hút được thuốc lào là ông vẫn ổn. Ngày xưa ông vẫn thế, hành quân mệt bã, nhưng cứ rít một hơi thuốc lào, lại thấy ông bước hùng hục, chả kém gì anh em lính trẻ.
Tuy nhiên cậu lái xe vẫn gọi điện báo về nhà tình hình sức khỏe của ông Nguyễn. Hai hôm sau, mặc dù ông Nguyễn đã được bố trí một cậu tạp vụ, trung đoàn ở hậu phương vẫn gửi cho tổ công tác cô y tá tên Mần, gái miền tây Nghệ An không lẫn vào đâu được, da nâu, tóc cháy nắng, béo lùn, bắp chân to, hai bầu vú như hai quả dừa... Cô tuyên bố: “Em được cử đi chỉ chăm sóc sức khỏe bố Nguyễn”. Mần ăn nói thẳng tưng, nhưng nhìn thái độ thì biết, em vẫn thuộc loại gái quê, ngoài cứng trong mềm, khác gái phố, ngoài mềm, trong cứng. Gái quê, miệng thì nói, em ứ chịu đâu, nhưng cậu nào chịu chai mặt, lấn tới thì vẫn cưa đổ. Gái phố đừng hòng, cười cười vậy thôi, đừng lớ xớ, vỡ mặt.
Vợ ông chủ nhà cãi: Gái quê cũng ba bảy đường. Thím Đính bên nhà em chả ghê à. Một mình cùi cụi nuôi hai con, không dám hé một lời đỡ đần vì thương chồng biền biệt công tác vùng cao, sợ ngã nước. Mãi đến khi ông chồng về hưu, chả thấy ngã nước, da dẻ đỏ au, lại dắt theo cả thằng bé lên năm và cô vợ lẽ đã cứng tuổi. Ông chồng bảo bà cả:
- Về hưu, tôi mới dám nói, êm ấm hay tan nát cửa nhà bây giờ là do bà sắp xếp.
Bà bảo:
- Thêm người thì mừng chứ mất gì mà ông sợ tôi làm tan nát.
Thế là nhà làm thêm cái buồng cho bà hai. Gặp thím Đính tôi bảo:
- Thím giỏi nhịn thật, chứ vào tay em thì…
Thím bảo:
- Nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Lão nhà em, ban ngày nhìn đạo mạo vậy, nhưng chỉ đợi gà lên chuồng là muốn táy máy. Để cho cái con nặc nô nó chịu chứ tôi đã khô ráo, ngủ một mình cho nó đẫy giấc.
Tôi nói với ông Nguyễn có bạn Lào đón ở cửa khẩu Nậm Cắn, ta lên đó gặp nhau, dùng bữa trưa cả thể cho tiện. Tôi nhớ ở trên cửa khẩu có con suối nhỏ chảy dưới bóng cây, nước trong và lạnh. Ngày xưa hành quân từ Mường Xén ngược dốc lên đây, đương nhiên chúng tôi chả phải làm thủ tục gì, cứ ào qua, vội vục một mũ cối, uống sữa bột. Tôi thích con suối này, chảy giữa đường phân thủy.
Nghe tôi bàn, ông Nguyễn lắc đầu:
- Đi đâu cũng phải qua rú Vẹn trước.
Xưa vào rú, bộ đội hét to: “Bộ đội Cụ Hồ chào bà con”. Bà con không biết nói thế nào, chỉ đứng cười ngây ngô. Bây giờ không còn thế nữa. Chúng tôi đang hí hóp lên dốc thì từ bãi rậm có hai người đàn ông, một mặt sẹo chằng chịt, tay cầm dao quắm nhô ra, hỏi cộc lốc:
- Bửa phải không?
Ông Nguyễn nhìn mặt sẹo:
- Cậu hỏi gì?
- Các ông buôn gỗ chứ gì!
Ông Nguyễn bảo:
- Cánh này giống buôn gỗ lắm à?
Mặt sẹo nhổ đánh phì:
- Nhìn bề ngoài biết thế đếch nào được đứa nào bửa. Mất hứng!
Vào rừng rú Vẹn, ông Nguyễn cúi lưng đi lò dò kiểu trẻ con chơi ú tim. Tôi bám ông Nguyễn tìm dấu vết xưa. Trong ký ức của tôi, rú Vẹn có bản người Tày Hảy sống nép mình giữa thung rậm, mặt mũi vêu vao, lem luốc. Ngày mưa rừng rú Vẹn vắt kinh người. Anh em tán về cái lọ thuốc nước xoa muỗi của quân y trung đoàn, bảo: “Xin lỗi cả nhà, thuốc ấy xoa vào bẹn bảy ngày không hăm, còn muỗi vẫn ve vảy”. Bây giờ không thấy vắt, chỉ thấy ruồi vàng bay vù vù từ những bãi phân trâu, phân ngựa.
Bấy giờ tôi làm báo ở sư đoàn, theo trung đoàn ông Nguyễn, viết bài và chụp ảnh truyền thống, công việc độc lập nên vào rú Vẹn. Tôi trú nhờ trong nhà dân, còn anh em bộ đội thì cứ mắc tăng võng hoặc làm lán ở rừng mà ở. Lúc bước vào nhà dân, thấy ông chủ nhà ngồi hút thuốc bằng điếu làm bằng vấu tre, ngó lom lom như đề phòng, tôi ngán, bảo ông Nguyễn, hay em ra rừng với anh. Nhưng đó lại là ông chủ tốt nết và rộng rãi. Ông đem rượu ngâm rễ cây thuốc mời khách. Rượu xong, thật bất ngờ, ông cho khách ngủ thăm cô con gái út, chừng mười bảy, mười tám gì đấy, còn non, chân chưa nổi bắp. Câu hát về đàn bà con gái ở đây, người con gái như hạt lúa giống, người giữ nia cong, giữ sàng cong, giữ lưng ông bà... Đàn bà con gái được quý trọng, là người chủ, người tiếp khách, người sắp đặt việc nhà, việc bản. Ngủ thăm là phong tục đãi khách của người Tày Hảy từ lâu đời. Ngủ để trò chuyện, để tỏ lòng quý khách, thân lắm thì được nắm cổ tay, chứ không được lớ xớ. Con dao nhọn, chuôi sừng treo ở vách bếp như lời cảnh báo nghiêm khắc với quý khách ngủ thăm đừng đi quá giới hạn. Trong lúc tôi ngủ thăm thì ông già chủ nhà ngồi bên bếp lửa ê a hát. Bài hát dài, uể oải, như vừa hát vừa ngủ.
Cô gái tôi được ngủ thăm, bảo: “Bố đang kể về cụ tổ người Tày Hảy”.
Cụ tổ đi rẫy gặp mưa, múa con dao phát, nước không ướt đầu. Dân tộc Tày Hảy bao năm lưu lạc kiếm miếng sống ở lũng núi, thung sâu, đánh rơi mọi thứ, nhiều người đàn ông cắt bớt cả chiếc quần rộng đũng thành khố lên nương cho tiện. Dòng họ cũng cắt bớt, chỉ giữ mỗi cái tên, là Sùng, là Dáy, là Dí, là Hò. Vậy mà bài hát truyền đời về một thời ông bà cứ phải tráng kiện và sung túc. Dân tộc nào cũng thế, tổ tiên luôn được thánh hóa, là gương không bụi mờ cho muôn đời con cháu soi.
Sáng tôi thức dậy thì con gái ông chủ nhà đã đi rẫy từ lúc nào rồi.
Ông chủ chờ tôi, đưa cho con dao nhọn, chuôi sừng, nói:
- Cầm lấy.
Con dao xác nhận bàn tay tôi chưa chạm vào ngọc quý.
Bộ đội vào rú dăm bữa thì tất cả các con đường rừng đều sũng bùn nhão nhoét, trơn như mỡ vì chân lính sục suốt ngày đêm. Đạn, gạo từ kho quân nhu cấp trên khiêng vác về đây tích trữ, rồi mới chia cho các đơn vị tải vào chiến trường. Quân sự gọi nơi này là Sở chỉ huy cơ bản. Khu hậu cần của sở chỉ huy cơ bản tấp nập, đặc biệt là trạm xá. Chưa đánh nhau nhưng trạm xá ngày nào cũng có thương binh, bệnh binh vì sốt rét, rắn cắn, trật khớp khi leo núi đá, hoặc đạp phải mìn khi đi trinh sát bên kia biên giới.
Tôi gặp Thái, người cùng quê ở trạm xá.
Cậu ta nói ráo hoảnh:
- Tổ sư, tao trinh sát tìm đường sang bên kia giẫm phải quả mìn lá chết tiệt, mất bàn chân phải rồi.
Tôi nắm tay Thái đặt trên cáng, bóp bóp.
Hắn đáp lại thịnh tình của tôi một cách thờ ơ, ngón tay nắm cứ muốn duỗi ra.
Tôi bảo:
- Quên cái ngày xưa đi, đừng tức nhau vì con đàn bà nữa.
Hắn im. Một đám mây đen bay ngang mặt hắn.
Đó là câu chuyện trẻ con ngày hai thằng sắp nhập ngũ. Chuyện hắn và tôi cùng thích Loan, con nhà hàng xén ở ngã ba xã, gọi là phố Ba Hàng. Loan mắt long lanh, đẹp nhất là ngực, hai bên vú mới nhú, cảm giác tròn và rắn như hai quả cam xanh, cười nói vô tư, nhưng bụng thì hẳn có so đo. Cô đặt tình yêu của hai thằng con trai lên cân tiểu ly, ngả sang Thái vì con nhà giàu, áo trắng cổ cồn, tóc chải mượt, quần ống loe thời thượng… Đến hôm hai thằng cùng nhập ngũ, có lẽ mủi lòng cho kẻ bị đá, Loan tặng tôi chiếc khăn có thêu chữ “nhớ mãi”. Giấu đi thì không, tôi chìa cái khăn ra trước mặt Thái như kẻ được chia chác tình yêu.
Mặt Thái sa sầm:
- Tao nói có mặt trời, ra trận mà mày còn lằng nhằng với cái Loan, tao bắn.
- Mày tưởng tao không có súng chắc - Tôi nói cứng.
Chúng tôi chưa giải quyết chuyện tình địch bằng súng thì Thái đã để lại một bàn chân bên kia biên giới. Bây giờ tôi phải đối xử với Thái như một thương binh chứ không còn là tình địch.
Tôi nói với Thái:
- Cậu về quê, tớ chúc cậu hạnh phúc với Loan.
Nói là làm, tôi viết thư cho Loan bảo cô đừng viết thư trả lời nữa. Nhưng sau Loan không nghe lời, vẫn thư cho tôi, thư sau dài hơn thư trước. Có thư, chữ nhòe như bị mưa. Cô bảo, là nước mắt. Cô khóc rất nhiều ngày ly hôn, vì anh ấy quá lắm...
Miệt rú mấy chục năm nay dường như người ta chỉ đốn chặt những cây gỗ lớn, còn tre trúc và cây tạp, lau lách vẫn thế. Ở đâu cũng vậy, những thứ xoàng xĩnh thường ở lâu với người. Làng tôi cũng vậy, những đàn ông ra đàn ông thì đi trận gần hết, không vào bộ đội thì thanh niên xung phong, ở nhà còn rặt cánh dặt dẹo. (Ngoảnh đi ngoảnh lại, hòa bình, cánh trai tài nhiều người nằm lại ở mặt trận, anh nào về được đến nhà cũng thương tật đầy người, mặt vàng như nghệ. Cánh dặt dẹo có người tiếp tục lên ngôi, giữ hết các chức sắc trong làng, trong xã. Còn thương binh thì vẫn là thương binh. Cánh ở lại làng, ếch ngồi đáy giếng, nhưng kể chuyện chiến tranh còn ly kỳ hấp dẫn bằng mấy các thương binh từ mặt trận về. Người Tày Hảy có câu hát, cây cong giữa rừng không ai chặt cũng có cái lý của nó).
Chúng tôi tìm lại được cây vả rừng quả đã bị vặt trụi. Rú Vẹn cũng như ở ta, đang là thời người khôn của khó, lộc rừng không dư dả như thuở nào. Ông Nguyễn chống gậy điếu đi quanh gốc vả chừng tìm kiếm gì đó. Bỗng ông loay hoay vê thuốc lào vào gậy điếu, tựa lưng vào cây vả, kéo một hơi, phả khói mù mịt, rồi mới bảo tôi: “Cậu nhớ không, ở đây, suýt tớ xẻo… của thằng Ngum vứt cho chó ăn”.
Ngum là người ông Nguyễn hay nhắc trong chuyến đi.
Chuyện này thì tôi nhớ.
Chiều ấy mưa rất phũ, nước gõ côm cốp, tưởng khoan thủng cả mũ cối. Đất lòng rừng ngập ngụa, sủi bọt trên lớp lá ẩm mốc, bốc mùi gỗ mục và lân tinh nồng nặc. Bộ đội ta cuốn mình trong áo mưa mà vẫn tán như xiếc. Các tham mưu con bốc phét như thánh tướng, bảo trung đoàn dạt vào đây cũng dăm bữa là vù sang bên kia, chứ ăn đợi nằm chờ gì mà phải mất công làm lán trại… Xưa nay đánh đấm cứ phải mùa khô tạnh ráo. Mà mùa khô thì đang đến rồi. Mùa khô súng ống hoạt động mới hiệu quả vì có tầm nhìn xa và đường đạn không bị chếch hướng do gió mạnh và mưa tầm tã.
Tôi chầu rìa nghe anh em tán thì ông Nguyễn xuất hiện trong chiếc áo mưa lụng thụng, mũ bạt phủ gần kín gương mặt khắc khổ, đôi mắt sâu dưới cặp lông mày rậm lốm đốm sợi vàng hoe như râu ngô. Chiếc sẹo trên trán tái ngắt. Ông giận gì từ trước đó mà vừa ló mặt ra ông đã quát:
- Đi gọi thằng Ngum về đây cho ông.
Tính khí thủ trưởng tôi biết, ngoắt một cái là nổi nóng, nói phũ với cán bộ cấp dưới nếu thấy điều chưa vừa ý.
Chốc lát, Đại đội trưởng Ngum chạy đến, chưa kịp chào hỏi, ông Nguyễn đã vằn mắt lên, hét:
- Anh đã lội quanh bãi trú quân của đơn vị chưa?
Ông Ngum thở phào vì tưởng ông Nguyễn phê bình đại đội chưa lập chốt gác. Ông nói:
- Thưa anh, việc chốt gác tôi đã cho anh em đã khắc phục.
Ông Nguyễn đâu cần chốt gác, gắt:
- Anh lội quanh bãi trú quân một vòng xem có ngửi được không. Không dạy bộ đội đào hố mèo, chỗ nào… cũng văng vãi, thối inh. Ăn ở thế này thì chưa chết vì bom đạn đã chết vì bệnh tật!
Đại đội trưởng Ngum cứng lưỡi.
Quát mắng Đại đội trưởng Ngum về việc vệ sinh của bộ đội một hồi rồi ông Nguyễn cũng hạ hỏa. Ông giống những trận gió rừng trái mùa, vừa thốc lên vặn cây, vặn cành răng rắc, rồi lại tắt lặng, mát mẻ ngay khi được việc. Ông vui vẻ ở lại ăn cơm với anh em. Bát canh lèo tèo mấy lát măng nấu với ít thịt hộp mà ông xì xụp ăn uống ngon lành. Ông Nguyễn khoái những bữa bốc bả với bộ đội, chứ không ưa những bữa cơm do công vụ bưng lên từ nhà bếp. Ông thích thế thì cán bộ dưới quyền ông cũng phải thế. Vào giáp mặt trận, ông ra hẳn cái chỉ thị, cán bộ cấp đại đội, tiểu đoàn không được ăn cơm riêng, phải ăn ở cùng với bộ đội. Vào trận, ông lại chỉ thị, từ cấp tiểu đoàn trở xuống phải đào hầm ở, không được trú trong hang đá. Ông bảo ru rú trong hang chỉ tổ làm mất tinh thần anh em.
Tôi chứng kiến một lần ông Nguyễn lên sư đoàn báo cáo. Sư đoàn bộ ở hang đá. Vừa bước vào cửa hang, ông thấy Sư đoàn trưởng đang ngồi ở cửa hang cho bộ đội cắt tóc, ông Nguyễn bảo:
- Sư đoàn ở thế này thì bằng dán chữ “thọ” lên trán!
Sư đoàn trưởng gạt cậu cắt tóc sang bên, hỏi ông Nguyễn:
- Anh ăn nói cái ý gì thế?
Ông Nguyễn bảo:
- Tôi ghét cái thói ngồi trong hang đá thò… ra ngoài…
Hai người cự nự nhau một lúc, rồi cũng thôi. Đêm hôm đó, Sư đoàn trưởng trực tiếp lên đỉnh cao điểm chỉ huy tiểu đoàn công binh làm đường lên núi để xe tăng có thể vượt qua. Địch giội bom, bắn pháo chụp ngăn chặn công việc mở đường. Sư đoàn trưởng bị thương, anh em phải khiêng về trạm xá.
Ông Nguyễn là Trung đoàn trưởng đầu tiên chạy đến thăm Sư đoàn trưởng. Ông trách:
- Anh chỉ huy cấp chiến dịch, ai bắt anh chạy lên cao điểm?
Sư đoàn trưởng vẫn nằm trên cáng, bảo ông Nguyễn:
- Của tớ ngắn, không thò ra ngoài hang đá chỉ huy được.
Hai người cười xòa.
Ở trung đoàn, tôi biết, ông Ngum là bộ đội đánh Mỹ ở Mặt trận Tây Nguyên. Còn ông Nguyễn thời Điện Biên Phủ đã là trung đội bậc trưởng.
Hai người cách nhau một cuộc chiến.
Ông Ngum người dân tộc Xtiêng, môi dày, cằm bạnh, mắt như mắt mèo, đi đêm rất tài. Trước khi được rút ra Bắc đi học Trường Quân chính, ngực Ngum đã đỏ Huân chương Dũng sĩ. Do sẽ đi làm nhiệm vụ ở vùng rừng núi Thượng Lào, cần phải có cán bộ am hiểu đánh rừng núi, nhất là phải biết nói tiếng bà con dân tộc để làm công tác dân vận, ông Nguyễn được đặc cách về trường quân chính chọn cán bộ cho trung đoàn tình nguyện. Ông xoay đi xoay lại mười mấy bộ hồ sơ mới chọn được Ngum: “Cậu về làm Đại đội trưởng cho tớ”.
Về nắm đại đội bấy giờ đang dã ngoại ở Thanh Chương, Nghệ An chưa được một tuần thì ông Ngum sinh chuyện. Đơn kiện ông Ngum lên tận trung đoàn, rằng Đại đội trưởng Đại đội 8 vi phạm chính sách hậu phương quân đội. Có việc này là do chỉ huy đại đội ở nhờ trong nhà dân. Éo le thay, ngôi nhà ông Ngum ở nhờ lại treo bức ảnh anh chiến sĩ vốn cùng đơn vị chiến đấu với ông, đã hy sinh từ năm trước ở Plây Cần. Chính ông lo mai táng cho người chiến sĩ ấy. Tuy nhiên gia đình vẫn chưa hay tin. Mấy lần ngắm nhìn cô Thìn chờ chồng, mặt tai tái, hai gò má nhô cao, đôi mắt to sâu nhìn buồn thăm thẳm như mắt tượng nhà mồ, ông Ngum không cầm được lòng, gọi cô gái ra nói chuyện. Đã hẹn trước với nhau chuyện chỉ nói riêng cho cô biết thôi đấy nhá, ai dè, chỉ một sáng một chiều chuyện anh Khiển chồng cô hy sinh loang khắp làng trên, xóm dưới. Tỉnh, huyện, xã chưa biết, chưa báo tử, sao lại có người tung tin thất thiệt làm hoang mang bà con làng xóm và chị em có chồng con ngoài mặt trận! Người ta không khó truy ra tội đồ là ông Đại đội trưởng Ngum.
Ông Nguyễn nổi cáu với cấp dưới:
- Ai cho anh ăn nói hàm hồ, vi phạm chính sách hậu phương quân đội!
Ông Ngum gãi gáy:
- Thấy người ta khổ quá, em chỉ nói thật.
Ông Nguyễn té tát:
- Anh là thằng chưa mọc hết lông... Chiến tranh không phải sự thật nào cũng vội tông tốc nói ra…
Mặt ông Ngum đực ra. Chuyện này ông Ngum cũng chỉ bị nhắc nhở.
Nhưng sau đó, ông Ngum bị kỷ luật.
Ấy là do ông Ngum bị cấp trên mắng, cô Thìn thương tình, gặp riêng ông Ngum nói chuyện để xin lỗi. Gặp ở nhà thì không, hai người lại nói chuyện ở bờ ruộng dâu, ông bác chồng vô tình nhìn thấy. Nói đàng hoàng sao lại nắm tay nhau. Tình ngay nhưng lý gian. Không có lửa làm sao có khói. Chuyện ông Ngum, cô Thìn lại ầm ĩ. Bấy giờ trong chiến tranh, anh nào léng phéng với vợ bộ đội ngoài chiến trường, tội nặng bằng mấy ăn cắp. Ông bác bên chồng cô Thìn phát đơn kiện. Đơn kiện chạy một vòng lên xã, lên huyện rồi trở lại trung đoàn. Ông Nguyễn gọi điện chứ không thèm nhìn mặt ông Ngum, chỉ nói: “Tôi kỷ luật anh, giáng chức xuống Trung đội trưởng”. Phải ì ạch mất một dạo, cho đến khi đơn vị vào đợt huấn luyện những bài thực binh sát với chiến trường, ông Ngum mới lại được trở lại chức cũ...
Loanh quanh lội rừng rú Vẹn đến nửa buổi, tôi rủ ông Nguyễn vào gia đình tôi từng được ngủ thăm. Người đón tiếp chúng tôi là chàng trai tên Kế, mắt to, trong, khác những chàng trai ra đời từ những cặp vợ chồng cận huyết, mắt tối, thường có một viền thâm, nhìn ngơ ngơ ngác ngác, không thể nào xóa được. Kế bảo người Tày Hảy ngày chiến tranh thế nào, nay hòa bình cũng vẫn thế, sống thu mình, cứ thung sâu, vực núi mà ở, ngại đụng chạm đến các tộc người khác. Câu hát truyền đời cho trai gái yêu nhau ở rú Vẹn vẫn là í ơi dao cùn chặt bền… Vẫn như xưa người Tày Hảy chỉ có tên, không có họ. Mới đây cán bộ làm hộ khẩu bảo, không có họ, ghi vào sổ sách dễ lẫn người nọ với người kia nên phải đặt họ thôi. Nhưng mà biết lấy họ gì? Người Tày Hảy dùng cách đặt họ xưa, chòm nhà ở đầu rừng hay có con mang, lấy họ Mang. Vì thế nên Kế là Mang Kế. Chòm nhà ven đồi trồng ngô, năm nào cũng bị con dúi phá, lấy họ Dúi. Cô Hờ, nay có họ là Dúi Hờ…
Kế nói ngày bộ đội trung đoàn về thì người bản Tày Hảy thích lắm. Rừng cứ lao xao, mặt sân đất đầy dấu giày lẫn dấu chân ngựa. Trẻ nhỏ nhảy tưng tưng xem bộ đội từ đánh răng đến ăn cơm gắp đổi đầu đũa rồi tập bò, tập bắn. Con gái thích diện váy đẹp đứng ngó bộ đội qua ô cửa sổ đã che bớt bằng tấm phên nứa chắn gió. Tục lệ bản ngủ thăm không được cầm tay mà ngày ấy có cô dám liều bước qua giới hạn. Ngày bộ đội sang bên kia bên giới, cô Dúi Hờ lén khóc. Chín tháng sau cô đẻ con trai. Lệ làng gái chửa hoang bố mẹ phải thịt bò làm cỗ cúng xin Giàng và ma tha tội, rồi đuổi lên rừng mà đẻ, coi như vô thừa nhận đứa con ấy. Bản nghèo, nhưng cỗ phạt gái chửa hoang thì ê hề thịt rượu, trẻ con ăn thịt gà gỡ răng mỏi tay. Riêng cô Dúi Hờ làng tha phạt vạ, lại được đẻ trong nhà. Người làng bảo, nó là con của bộ đội trung đoàn, đàn bà trong bản phải cùng nuôi…
Ông Nguyễn hỏi:
- Sao chuyện này bây giờ tôi mới biết?
Kế cười:
- Chuyện trai gái đôi khi chỉ trai gái biết.
Người con trai cả làng Tày Hảy nuôi bây giờ là Kế.
Tôi hỏi Kế:
- Em có đi tìm bố không?
Kế gật đầu:
- Mấy lần em đi tìm chim trời, cá nước.
Kế kể, người Tày Hảy có câu: “Có hạt mới có mầm, có cây mới có rừng”. Mẹ Kế ốm, nhất quyết bảo con đi tìm bố: “Phải tìm được bố con ơi. Tìm được bố, mẹ có chết mới buông xuôi được hai tay theo thân váy”. Chẳng hiểu sao ông bà lại cho rằng người chết buông xuôi hai tay mới là chết an lành. Kế quyết đi tìm bố vì mẹ. Ngược xuôi mấy năm, Kế gặp được một người, vừa thấy anh đã kêu lên: “Mày ở rú Vẹn, là con thằng Ngoãn phải không?”.
Kế bảo:
- Không biết mặt bố, không biết cả tên bố, quê bố.
Người ấy lại hỏi:
- Cậu có phải là con mẹ Dúi Hờ ở rú Vẹn không?
Thì ra ông biết tông tích của Kế là một cựu chiến binh, từng là chiến hữu với ông Ngoãn.
Ông nắm tay Kế, kéo vào lòng:
- Bố cháu hy sinh ở Lào rồi.
Kế ngồi ôm mặt khóc. Ông cựu chiến binh dẫn Kế về quê cha. Bà mẹ đẻ ra ông Ngoãn sinh một trai một gái. Chồng mất, con gái đã đi lấy chồng xa. Bấy nay bà còm cõi một mình giữ hương hỏa tổ tiên. Kế trở về như mọc lên từ hiên nhà. Mắt mũi bà kèm nhèm nhìn mãi mới rõ người đứng trước mặt:
- Ai mà tôi nhìn quen quen?
Ông cựu chiến binh giới thiệu đây là con ông Ngoãn.
Bà chắp tay vái trời:
- Ối giời ơi, sắp xuống lỗ giời mới cho cái phúc!
Lần ấy Kế mới biết mặt bố trên tấm ảnh nhỏ đặt trên ban thờ. Giọt máu vụng trộm của anh lính nhỏ xuống làng Tày Hảy sinh một hạt mầm biết đi xa rú Vẹn.
Ông Nguyễn hỏi Kế:
- Cậu lấy vợ chưa?
Kế bảo:
- Rú Vẹn nhiều việc quá, chưa lấy được vợ.
Thì ra Kế có kế hoạch to tát, muốn đưa cả bản rú Vẹn về sống tập trung ở một sườn đồi, cũng mở cái rẫy lớn trồng cây cao su, cây chè. Việc này không dễ, Kế bàn với dân làm mấy năm chưa xong. Kế làm được nhiều việc cho bản Tày Hảy, nhưng cái vòng bạc để cầu hôn thì chưa có. Thách cưới ở rú Vẹn bằng vòng bạc. Người Tày Hảy là thế, mười mấy tuổi có khi vẫn cởi truồng nhưng cổ cứ phải lanh canh vòng bạc.
Loanh quanh với Kế ở rú Vẹn cho đến gần hết ngày tôi mới rủ ông Nguyễn và cô Mần y tá cùng ra thăm Bãi Ngang. Bãi Ngang là khu đất giáp sông Nậm Mô, có một nhóm gỗ dầu tán lá rậm rạp che bóng. Bây giờ rừng gỗ dầu bị chặt phá gần hết, Bãi Ngang trơ thổ địa.
Ngày xưa đại đội dân công hỏa tuyến của Nghệ An trú quân dưới bóng những cây gỗ dầu. Đại đội toàn nữ, chỉ có mỗi hai ông tiếp phẩm là nam, nghe nói là thương binh hỏng cái kia rồi, vô hại, nên thỉnh thoảng chị em vẫn mượn ngủ cùng cho đỡ nhớ giai. Cô Cộng người cao như cây nêu, da thịt thơm tho nhưng ít bạn trai để ý. Tiêu chuẩn người đẹp của các chàng cứ phải mỏng mày hay hạt, còn gái lênh khênh cò giang thế kia ai để ý. Tôi lại thích cái dáng của cô nên gọi ra suối chụp ảnh. Cộng biết tạo dáng trước ống kính. Kiểu thứ nhất em nghiêng mặt xuống cụm hoa rừng nở trắng như đàn bướm. Kiểu thứ hai, em soi xuống suối chải tóc. Kiểu thứ ba em nghiêng mặt sang trái, một tay đặt lên vai, người hơi ngả về phía sau cho ngực căng nhô lên sau lần vải Tô Châu… Toàn là những kiểu ảnh tình tứ phố huyện.
Chưa kịp in có ảnh cho em xem, nhưng có lẽ do tôi vui vẻ và tận tụy nên làm Cộng cảm động, nói lí nhí: “Anh lại đây em bảo cái này”.
Em đứng lùi vào sau bụi cây hoa giấy. Em định nói gì mà mặt chín đỏ như gấc và mắt đột nhiên mơ màng. Em không nói gì cả, chỉ thở làm nóng cả mặt tôi, rồi tặng tôi chiếc khăn trắng thêu hai con chim bồ câu mổ mỏ vào quả địa cầu. Bấy giờ chẳng hiểu sao thêu khăn, thêu gối tặng nhau đều có đôi chim bồ câu giằng xé quả địa cầu như thế.
Tôi áp má vào vồng ngực căng đầy và nóng hổi của Cộng: “Hẹn gặp em sau chiến dịch”.
Cộng bảo: “Lâu thế hả anh?” rồi cắn môi im lặng.
Không ngờ đó là phút lặng im mãi mãi.
Sau chiến dịch, tôi tìm mà không gặp được Cộng. Không bao giờ còn được gặp lại em. Đại đội dân công hỏa tuyến của Nghệ An có bảy cô hy sinh, trong đó có Cộng, tất cả ngã xuống ở trọng điểm U2, đưa về mai táng tại nghĩa trang huyện Kỳ Sơn. Các cô dân công hỏa tuyến nói về Cộng, cô bị bom phạt, bay hết quần áo, nằm dài trên bãi đất, môi ứa ra một dòng máu như vừa bôi son.