H
ôm qua tôi hỏi thăm một người bạn, mới biết Vĩnh Tu không phải là một làng mà chỉ là một xóm dân cư nhỏ bên con phá Tam Giang mênh mông. Tuy chỉ là một xóm, nhưng địa danh Vĩnh Tu được nhiều người biết đến vì ở đó có chợ chiều Vĩnh Tu, rồi bến đò ngang Vĩnh Tu luôn tấp nập khách một thời. Đó là một xóm cư dân trù phú bên phá Tam Giang, bởi từ xưa họ đã biết kiếm sống từ nghề đưa đò và quan trọng hơn là họ có chợ. Tôi có một người bạn là người Vĩnh Tu kể, niềm vui ấm áp nhất của người dân xóm Vĩnh Tu đó là tối ba mươi Tết khi đã cúng tất niên xong, tất cả các gia đình trong xóm tập trung giữa chợ và đốt lên một đống lửa to để quây quần đón giao thừa. Cái tục đốt lửa này đã có từ xưa, nó như gợi nhớ những bếp lửa hồng trên những chiếc đò lênh đênh trên phá thuở nào...
Hồi học cấp 3, tôi có mấy đứa bạn là cư dân xóm Vĩnh Tu. Nhớ mùa thi tốt nghiệp cấp 3, cả hai lớp 12 năm đó của trường Tam Giang tập trung về nhà Dũng “đầy”, để ba của Dũng đưa đò qua bên kia phá vô trường Sịa dự thi. Dũng giờ là hiệu phó trường tiểu học ở quê, vợ chồng đã xây nhà riêng ở gần trường học nhưng hằng đêm vẫn đi cột nghề đánh cá trên phá… Nhắc Vĩnh Tu là phải nói bến đò ngang qua phá Tam Giang. Biết bến Vĩnh Tu mới biết thế nào là sóng nước Tam Giang. Tôi là khách quen của bến đò này phải chừng mười năm với bao nhiêu là chuyến đò đi đò về. Những ngày đẹp trời, đi đò ngang là một cái thú để ngắm mây, ngắm nước; là những phút thư giãn trên đoạn đường dài mấy chục cây số từ Huế về nhà. Nhưng những ngày mưa gió, ngồi trên đò là thấy bất an. Chiếc đò nhỏ nổ máy lao ra giữa mịt mùng mưa gió, sóng nước, bập bềnh lên xuống giữa bạt ngàn gió, còn nước thì vô tư tạt ướt nhèm cả áo quần hành khách. Những lúc như thế chỉ có cách nhìn vào gương mặt tỉnh rụi của mấy bác lái đò để tự trấn an mình...
Những người có nhiều kỷ niệm nhất với chuyến đò Vĩnh Tu có lẽ là những thầy cô giáo từ Huế và những vùng bên kia phá sang dạy học ở các trường bên này. Mới đây, tôi trò chuyện với anh Trần Hài, trước là chủ tịch xã Quảng Ngạn, anh nói một trong những việc mà anh làm được khi còn làm chủ tịch là ký quyết định miễn phí cho tất cả thầy cô giáo đi đò vượt phá Tam Giang qua bến Vĩnh Tu, vì thầy cô phần lớn đều nghèo mà có cái tâm vượt phá để dạy học, thế đã là một sự cống hiến lớn rồi!
Lại nhớ cái năm đổi tên trường PTTH số 3 Hương Điền (ngôi trường cấp 3 duy nhất của những làng quê bên kia phá Tam Giang hồi đó) thành trường Tam Giang, thầy giáo dạy Toán lớp 12 của tôi là thầy Phùng Đăng Khánh đã nói là thầy không đồng ý tên trường là Tam Giang bởi nó gợi lên sự xa xôi, cách trở, khó khăn khiến không ít sinh viên sư phạm khi ra trường phải lắc đầu nếu được ngành giáo dục phân công về đây dạy học… Thầy Khánh người Hà Tĩnh, học xong khoa Toán - Đại học Sư phạm 1 Hà Nội đăng ký luôn vô Bình Trị Thiên dạy học. Thầy kể: “Bước xuống đò từ bến Đông Ba, chạy một đoạn thấy mù mịt mây nước, mình không tưởng tượng nổi sẽ đến một vùng quê như thế nào...” Vùng quê đó là Ngũ Điền bên kia phá Tam Giang, nơi thầy trở thành một thầy giáo danh tiếng được học trò và người dân thương mến, kính trọng. Rồi cuối cùng trường đã lấy tên là Tam Giang cho đến nay và sau khi có cầu bắc qua phá thì trường dẫu xa cũng đã hóa gần…
Cách xóm Vĩnh Tu chừng cây số là Chợ Đò. Gọi là “Chợ Đò” bởi chợ sát ngay chân phá Tam Giang, người dân chuyên làm nghề đánh bắt thủy sản trên phá, và cả buôn bán bằng đường thủy, nên ghe thuyền tấp nập thường xuyên ở cái bến đò này và lâu dần hình thành nên cái tên dân gian như thế. Đặc biệt hơn, đó chỉ là một ngôi chợ nhỏ khoảng chừng 30 nóc nhà nhưng lại là một làng quê hẳn hoi với đầy đủ thiết chế văn hóa của một ngôi làng xứ Huế.
Tên làng là một câu chuyện dài liên quan đến Quan phụ chính đại thần nhà Nguyễn - Trần Tiễn Thành, một người Minh Hương được dân làng vô cùng biết ơn. Chuyện rằng người dân Chợ Đò trước đây sống lênh đênh trên phá nên không có nhiều đất đai. Trong một vụ kiện về đất an táng với một làng khác gần đó, Trần Tiễn Thành đã xử cho người dân Chợ Đò được thắng. Để tỏ lòng biết ơn, người dân ở đây đã lấy tên làng quê của Trần Tiễn Thành - làng Minh Hương ở ngoại ô kinh đô Huế - để đặt tên cho làng mình...
Bạn học thời phổ thông của tôi - Lê Văn Lưu - là người Chợ Đò. Lưu học Thủy sản Nha Trang, ra trường hành phương Nam đến tận mũi Cà Mau, nơi cùng đất cuối trời của đất nước rồi lấy vợ miền Tây để làm một người Huế - Cà Mau. Hồi đi học, tôi vẫn hay ghé nhà Lưu chơi trong những dịp lễ tết. Nhà bạn ngay ở đầu làng. Có lẽ lớn lên ở một làng quê gắn liền với sông nước Tam Giang mênh mang nên Lưu đã lấy vợ người miền Tây và chọn sông nước Cà Mau làm quê hương thứ hai...
Bây giờ, gần như mùa hè nào Lưu cũng đưa vợ con về thăm quê nhà nơi Chợ Đò - Minh Hương yêu thương của bạn. Nhớ Chợ Đò là nhớ nụ cười hiền lành của Lưu mỗi buổi đến trường, nhớ cái bến liền ngay rìa chợ, san sát những con đò đậu liền kề nhau với bao nhiêu là cá tôm đặc sản của phá Tam Giang và cả những ngôi nhà xinh xắn của ngôi làng nhỏ này cũng vậy, được xây dựng liền kề với những người quê luôn sống chan hòa, thân ái...