Ở
quê tôi, hầu như mỗi xóm đều có một hồ nước trên đầu xóm. Hồ được đào sát chân độn cát để lấy mạch nước ngầm. Hồ xóm Kế, hồ xóm Đình, hồ xóm Mung... Dù trời có hạn hán đến mấy thì trong mấy hồ đó vẫn có nước. Và khi các ruộng, ao, khe đều kiệt nước còn sông Ô Lâu bị nhiễm mặn thì hồ là cứu cánh cho cây cỏ, cũng là nguồn nước trợ lực của con người...
Hồ xóm Kế của tôi là một hồ nhỏ. Hai bên bờ có mấy bến nhỏ dẫn xuống hồ, có kê những tấm bê tông hoặc phiến đá to để giặt áo quần hoặc để chất rau xanh sau khi đã chao rửa xong. Tôi thích lên hồ chơi vào những buổi chiều mùa hè. Hồ lúc đó sinh động lắm; bến đầu ni có người giặt giũ, bến đầu tê có người đang bó rau; lại có một o đang chao rong và ở đầu hồ nơi có mấy lỗ phun nước trong vắt có chị đang gội đầu, tóc dài mát rượi... Tất nhiên lũ con nít lên hồ chơi không chỉ để ngắm hồ. Có đứa bắt đìa ven bờ hồ tát cá; có đứa thả câu, có đứa cởi truồng ra tắm...
Nhớ có năm vào mùa mưa, ba tôi chặt cả mấy chục cây tre già trong vườn nhà rồi vác lên hồ để dầm dưới đáy hồ. Hè đến, khi nước hồ cạn, ba vớt tre rồi đem phơi khô làm rui mèn lợp nhà. Ba giải thích tre dầm ở dưới nước lâu ngày sẽ bền hơn, lại chống được mối mọt.
Lại nhớ có lần thằng Thạnh hàng xóm tôi lên hồ câu cá. Câu một hồi chẳng con cá nào chịu đớp mồi cả, rứa là cả bọn cắm cần câu lại bên bụi cây cạnh hồ và rủ nhau trèo lên độn cát chơi. Mải mê đến khi trăng lên khi mô chẳng biết. Chạy về đến hồ thì cái cần câu đã không còn ở chỗ cũ. Thằng Thạnh mếu máo vì tiếc cái cần câu đẹp. Chợt có đứa phát hiện cái cần câu đang di chuyển giữa mặt hồ. Thằng Thạnh lao xuống hồ chụp cái cần câu và reo lên: “Có cá!” Một chú cá trê bằng bắp tay, vàng óng ánh dưới ánh trăng được kéo lên...
Trời hạn. Ở cuối hồ xuất hiện chiếc máy đạp nước, bên cạnh là mấy bộ tròn trào (gàu) tát nước. Nước hồ cung cấp cho mấy vườn rau trong xóm, thêm cả mấy mẫu ruộng đang làm đòng. Những năm hạn hán gay gắt, đạp nước, tát nước khoảng mấy ngày thì hồ cạn. Người trong xóm vác chơm lên hồ bắt cá. Cái cảnh chơm cá ào ào những đêm trăng sáng và những tiếng reo khi cá lọt vô chơm chừ tôi thèm được một lần gặp lại, nhưng có lẽ không còn nữa...
Cũng có những đêm tối trời đi ngang qua hồ, nghe đủ tiếng côn trùng, ếch nhái kêu vang. Bỗng nghe cái “ùm” ở giữa hồ. Ma ư? Không phải, đó là cú nhảy bắt mồi của con tấy hay còn gọi là rái cá...
Từ hồ xóm Kế của tôi, theo một con đường mòn nhỏ hai bên mọc đầy cỏ gà chạy ngang qua cánh đồng Bàu Hiểm là đến hồ Thanh Niên. Hồ này được đào vào những năm đầu hòa bình; là công trình của thanh niên trong xã nên được đặt tên là hồ Thanh Niên. Hình như hồ đào cả mấy tháng trời mới xong, bởi hồi đó thì làm chi có máy móc mà chỉ có sức người và cuốc, xẻng, triêng gióng. Những năm đói kém, người mô người nấy ốm nhom nhưng lao động hăng say lắm. Vừa đào hồ, gánh đất, mấy chú mấy o vừa hát vừa hò đối đáp vui nhộn.
Hồ Thanh Niên rộng, ra giữa hồ có chỗ nước lút đầu con nít. Bởi rứa, đứa mô biết bơi mới dám lao ra giữa hồ mỗi khi tắm. Mặt hồ rộng lại không có bến hay đìa nên hồ Thanh Niên là nơi lý tưởng để con nít xóm tôi chơi trò đóng bẹ chuối thành những chiếc bè nhỏ rồi lấy bao bì căng buồm để đua thuyền.
Mà hồ nước sâu, rong rêu nhiều nên cá nhiều lắm. Cứ chừng nửa tháng, vợ chồng ông Én ở ngoài xóm Vạn bên sông Ô Lâu lại lên thả lưới kéo cá, bắt được cả gánh đầy rô, trê, tràu, diếc.
Tôi không nhớ nhiều về hồ Thanh Niên như hồ xóm Kế của tôi nhưng tôi lại nhớ những mảnh vườn xanh mướt xung quanh hồ. Là những giàn mướp đắng treo lủng lẳng quả, những luống rau xanh, những bờ ớt chín đỏ. Chiều chiều, những người dân quê chăm chỉ làm vườn, ánh mắt sáng lên niềm vui mùa vụ.
Nhớ hồ là nhớ một thú vui khác ở cạnh cái hồ này, đó là đi bắt rầy làm trò chơi. Những con rầy mè, rầy bạc cứ chập choạng tối là bay loạn xạ ở những bụi cây rậm rạp quanh hồ. Chúng tôi trèo lên cây và tha hồ tóm từng con một. Thường thì khi bắt được rầy, đứa mô cũng lật cánh cứng lên nhìn cánh mỏng bên trong có những hình thù như con số. “Rầy tau số 1 chắc bay khỏe lắm đây. Coi rầy mi là số 2 à, rứa là thua rầy tau rồi...”
Nghe tôi kể chuyện hồi xưa, có chú em ở quê, nhà xây ngay trên lòng hồ cũ xóm tôi hỏi: “Anh hay nằm mơ thấy hồ à; thỉnh thoảng em cũng nằm mơ thấy hồ như anh rứa!” Chỉ chừng hơn hai chục năm mà những chiếc hồ trong mát, hiền lành của làng tôi đã bị lấp gần hết. Bởi rứa nên chừ chỉ còn thấy hồ trong mơ...